headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHƠN KHÔNG Mãi Trong Tôi

chonkhongnhomaiNT. Thích Nữ Thuần Trí

Có những khung cảnh, những sự việc, những khuôn mặt nào đó đến trong cuộc đời, dù trải qua tháng năm dài vẫn để lại trong ta một nỗi hoài cảm sâu xa tận đáy lòng.

Tôi làm sao quên được khung trời Chơn Không, Bát Nhã khoảng năm 1975.

Vào thời điểm này Tăng ni trên đây đa số đã hạ sơn xuống Long Thành làm ruộng rẫy. Riêng tôi và một số ít Tăng ni được ở lại Chơn Không vì nhiều lý do. Tôi luôn thầm cảm niệm ân Thầy đã bao dung. Để hòa nhập với cuộc sống hiện thời Thầy đã cho tôi năm đồng (vào thời điểm mới đổi tiền thì số tiền ấy thật là quí lắm) để tôi đi học nghề chằm nón lá. Con xin cảm nhận ân Thầy đã cho con có được một nghề đầy ý nghĩa:

Ôm khung chăm chú đường kim
Biết từng tâm niệm trang nghiêm cửa thiền

Nón tôi làm rất khéo được nhiều người đặt, nhưng khổ nỗi ba ngày mới hoàn thành một chiếc vì phải trải qua nhiều công đoạn, làm sao đủ sống đây. Nhưng nhờ Tam Bảo gia hộ, tôi cứ vừa làm vừa tu.

chonkhongnhomai2

Lúc ấy, việc đi lại rất nhọc nhằn, tuy thế Thầy vẫn xuống Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu thăm và chỉ dạy Đại chúng mỗi tháng một lần, trừ khi Thầy nhập thất.

 Những lúc Thầy đi khỏi, Chơn Không đã vắng lại càng vắng vẻ hơn. Chỉ có gió thổi lá cành xào xạc cùng tiếng chim hót và âm thanh nhẹ nhàng của những chiếc lá vàng rơi trên bờ khe, gộp đá… Đường Đại Mai dẫn lên thất Thầy và trên khu thiền thất cứ vài hôm là phủ đầy lá sứ, lá tràm…

Mỗi lần đón Thầy từ Thường Chiếu trở về, sáng sớm từ Bát Nhã tôi xách chổi qua để phụ quý Thầy quét dọn. Tôi rất thích thú được làm công việc này. Tôi lãnh phần quét từ đường Đại Mai, Thạch Đầu lên thất Thầy, nếu còn thời giờ thì quét thẳng lên khu Thiền thất phía trên núi, nơi mà các Đại sư huynh đã một thời vạn duyên buông bỏ.

Những lúc nghỉ tay, tôi lặng lẽ đứng nhìn thành phố phía dưới và xa nữa là biển Đông rộng bao la. Khu Thiền thất im vắng chỉ có ánh nắng xuyên qua kẽ lá rọi bóng bên thềm. Gió nhẹ thổi từng chiếc lá rơi trên phiến đá rêu phong như vẫn còn in bóng Thiền sinh một thuở ngồi yên giữa núi rừng trầm mặc. Tôi thấy lòng mình tràn ngập bình an.

Có những chiều Thầy xuống nhà trù Chơn Không để nhắc nhở quý Thầy và một ít ni chúng quanh đó cũng được ké phần. Thầy ngồi giữa nơi chiếc bàn, quý Thầy ngồi một bên, quý cô ngồi một bên trên những bộ ván, chăm chú lắng nghe lời Thầy chỉ dạy. (Những pháp thoại ngắn này đã được Thầy Cố vấn Chơn Không sau đó kết tập lại thành quyển NHẶT LÁ BỒ ĐỀ). Thầy không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắc nhở đệ tử tu hành. Làm sao nói hết được tấm lòng lão bà tha thiết của một bậc Ân sư!

Vào những lúc thuận tiện Thầy vẫn tiếp tục dạy Kinh, Luận, Sử cho những đệ tử có duyên ở lại Chơn Không. Việc làm và tâm nguyện của Thầy chính là giáo dục và đào tạo Tăng ni có học, có tu, có khả năng, có đạo đức để Phật giáo ngày được xương minh và ngọn đèn Thiền ngày càng sáng tỏ.

Đến năm 1985 Chơn Không được lệnh giải tỏa, Bát Nhã phải dỡ trước và bốn người còn lại phải chia tay. Bà cô Từ Tánh về Viên Chiếu, Sư Bảo, Hạnh Thiện về thất ở Long Điền. Còn tôi được Thầy cho ở lại với cô Hạnh Đạo trong một thất gần Viên Phước là nơi hai Ni Sư Thị giả ở. Mỗi chiều Thầy chống gậy xuống nằm trên võng, chúng tôi được quây quần bên Thầy, được nghe Thầy chỉ dạy…

Lúc này Tăng ni còn rất ít nhưng huynh đệ thật thông cảm và gắn bó vô cùng, quý Thầy lúc nào cũng bao dung và che chở cho các sư muội, nhất là Sư huynh Phước Tú thuở ấy còn trẻ, khỏe và đầy nhiệt tâm, những công việc nặng nhọc khó khăn Sư huynh đều gánh vác hết.

Đầu năm 1986 Thầy dạy tôi về Trụ trì ở Huệ Chiếu. Để chuẩn bị cho chuyến hạ san này Thầy đã bảo ban an ủi khích lệ rất nhiều để tôi có chút tư lương và tinh thần dấn thân làm Phật sự.

Xa Thầy, xa núi rừng, xa Chơn Không, thật lòng tôi chẳng muốn chút nào, nhưng thâm cảm được ân đức của Thầy mà tôi không bao giờ dám trái lời Thầy dạy.

Sau khi tôi về Huệ Chiếu thì mấy tháng sau Chơn Không cũng di dời về Thường Chiếu, lúc này tôi có dẫn chúng Huệ Chiếu về phụ dọn dẹp.

Tôi có mặt ở Chơn không được 12 năm (1974-1986). Đối với tôi thời gian này thật ý nghĩa và hạnh phúc vô cùng. Giờ đây, Chơn Không đã được xây dựng lại qui mô, rực rỡ, nhưng Chơn Không đơn sơ thầm lặng với tình huynh đệ đoàn kết thân thương thuở nào vẫn còn đậm nét trong trái tim tôi.

Dù ở nơi đâu, dù gặp bất cứ cảnh ngộ nào thì hình ảnh và lời dạy của Thầy vẫn là nguồn khích lệ giúp tôi vượt qua tất cả để vươn lên. Thật ra không có ngôn từ, hành động nào nói hết được tấm lòng biết ơn của một người đệ tử đối với bậc Thầy khả kính.

 Ân đức ấy thật cao sâu vời vợi

Ngôn từ suông không diễn đạt được đâu

Lời vô ngôn trong lắng đọng sâu mầu

Thầm cảm niệm ơn Thầy ơn giáo dưỡng.

Tôi xin cảm niệm tri ân chư huynh đệ đã một thời bên nhau cùng đồng lao cộng khổ. Cái ăn cái mặc thì thật đạm bạc, đơn sơ. Nhưng khổ nhất vẫn là nhu cầu về nước. Nói sao hết những nỗi gian lao trong việc xài nước trên núi cao! Mấy mươi người mà chỉ được xài giới hạn trong một thùng phuy nước. Vào buổi đầu khi chưa có nước mưa, phải gánh nước từ dưới núi lên Bát Nhã để xài, mỗi lần gánh chỉ được nửa đôi nước, lại phải chia nhau gánh từng đoạn đường, ai mạnh thì lãnh gánh những đoạn vừa dốc vừa cao, còn ai yếu thì được ưu tiên gánh những đoạn tương đối dễ đi hơn … Cuộc sống cực khổ gian lao là vậy, nhưng ai nấy đều hoan hỷ tinh tấn tu hành.

Xin cảm niệm những tháng ngày được ở bên Thầy học đạo. Xin cảm tạ từng phiến đá, lối mòn rừng cây, hoa trái và tất cả mọi người đã một thời bao dung che chở cho tôi được bình an.

Cuối cùng xin cảm niệm tri ân Ban Biên Tập quyển Kỷ yếu này đã cho tôi có dịp bộc bạch nỗi lòng của một người phải rời xa khung trời Chơn Không - Bát Nhã.

Thiền viện Huệ Chiếu, tháng 5 - 2015
 

[ Quay lại ]