headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 12/10/2024 - Ngày 10 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SỰ THỂ HIỆN TÌNH CẢM

tinhcamÐối với Thầy :
Khi Thiền sinh đã xác định vị Thầy là vị Chân sư, một vị Thiện tri thức thì Thiền sinh không ngần ngại giao phó cuộc đời mình cho vị Thầy ấy. "Giao phó đời mình", điều này có quá đáng không? Có mang tính nô dịch không? Không nên quyết định vội vã, hãy xét lại ?

- Một kẻ bị lạc trong rừng, khi gặp một người, và biết chắc người này là kẻ thành thuộc đường nẻo, có tâm tốt hay đưa người thoát khỏi sự lạc lầm mà ra khỏi rừng rú, thì mình phải đối xử ra sao khi nhận đi cùng Người?

 - Mình có phải e dè, ngó tới xem lui với người ấy nữa không? Mình có phải dùng dằng tay chân, hay ý kiến tới lui nữa không? Mình phải như thế nào để tỏ ra "biết điều", trước khi đền đáp ân sâu của Người.

- Không có gì khác hơn mình cứ giao thân mạng mình cho. Họ biểu đi mình đi, họ biểu ngồi mình ngồi, biểu tới thì tới, biểu lui thì lui, biểu gì mình làm theo nấy.

Họ là người tốt, có lương tâm mà, thì mỗi mỗi sự đối xử của người với mình là vì muốn giúp mình thôi. Vậy, việc mình làm theo, vâng theo đó là dành sự dễ dàng trong việc sắp xếp đưa mình ra khỏi rừng rậm. Ðó là mình đã khôn ngoan rút ngắn thời gian, và xem như đã đền đáp công ơn ngay tức khắc. Người vì thế sẽ cảm thấy hứng thú mà việc đưa dắt trở nên nhanh chóng hơn.

- Việc như vậy có là quá đáng, là nô dịch không?

Hay như mình bệnh nặng phải cần chữa bệnh. Biết được Thầy thuốc giỏi có lương tâm thì mình có chịu làm theo những điều Thầy thuốc chỉ dạy không? Mình có chịu để yên cho Thầy thuốc muốn làm thì làm không? Hay là mình lăng xăng này nọ, dùng dằng, ý kiến tới, ý kiến lui, hoặc giả cãi cọ lại ông Thầy?

Nếu mình là một người hiểu biết, chắc không khi nào mình gây khó cho vị lương y. Và mình phải tự biết để yên cho lương y trị liệu. Vì biết chắc lương y không bao giờ phí phạm thân xác mình, người chỉ có đem lại lợi ích mà không hề làm tổn giảm gây thiệt hại cho mình. Nên nằm yên xuôi tay cứ để lương y trị liệu.

Thái độ cư xử của người lạc đường và người bệnh có sự hiểu biết là như vậy. Họ luôn để yên cho người có trách nhiệm định liệu. Xem như giao phó thân mạng mình cho họ.

Thiền sinh trong Tu viện cũng như vậy. Khi đã dựa vào pháp lý căn bản để xác định vị Thầy mình đúng đắn là vị Thầy lành thì sẽ có thái độ cư xử với bậc Thầy cũng như thế. Vì Thiền sinh cũng nhận mình là kẻ đang lạc đường lạc lối giữa rừng vô minh dày đặc, không khác gì người kia. Mà sự lạc đường giữa rừng vô minh lại càng khốc hại hơn muôn ngàn lần. Lạc rừng già bất quá chỉ chết một đời. Lạc rừng vô minh chết hết đời này đến đời khác.

Và Thiền sinh cũng tự thấy mình là kẻ mang trọng bệnh, cũng như người bệnh kia, nhưng bệnh sinh lý dẫu có chết cũng chết một thân. Còn bệnh mà Thiền sinh mang là bệnh sinh tử, bệnh này cứ chết đi hết đời này sang đời khác.

Vậy nên, kẻ hướng đạo và vị lương y đối với Thiền sinh rất ư là trọng hệ, vì thế, Thiền sinh không giao phó đời sống, thân xác này cho người có trách nhiệm về cuộc sống của mình sao được.

Hãy cảm thông điều này ở một Thiền sinh chân thành vì tiến trình giải thoát.

Thiền sinh đã không quẹt nước mắt khi đến đây sao?

Tình nghĩa Thầy trò không nói sao cho được. Phải chính cõi lòng Thiền sinh mới nói hết lên được điều này.
Một tình cảm trong lành cao khiết không thể cụ thể hóa được, đường đời ai có qua cầu mới hay.

Ðối với huynh đệ

Giữa tình cảm đạo bạn được nhìn qua các mặt:

- Ðau bệnh:

Thiền sinh có đau bệnh sẽ được vị Thầy khán bệnh theo dõi trị liệu, chăm sóc.

Ngoài ra, khi một mình Thiền sinh bệnh thì bao nhiêu Thiền sinh khác đều để tâm, hoặc thăm hỏi, hoặc đưa đi Thầy thuốc, rước Thầy thuốc, cơm cháo thức ăn thích hợp gì đó, lo được gì lo.

Nhưng cũng may, trải qua mấy năm không thấy bệnh hoạn nào đáng kể. Chẳng có vị nào đau nằm quá 3 ngày.
Nên huynh đệ lo cho nhau về bệnh không có gì đáng nói.

- May mặc:

Về quần áo, Thiền sinh được may phát định kỳ. Với số lượng vừa đủ mặc. Các vị Quản viện không khi nào để Thiền sinh thiếu mặc. Trường hợp có nhu cầu riêng, như khi Thiền sinh vì việc thọ giới, cần y áo, thì Quản viện lo riêng cho. Vị Quản viện rất tùy hỷ trường hợp này, chẳng những còn chu đáo nữa. Các vị coi như em mình chuẩn bị đi thi xa phải cần được có đồ ăn đồ mặc, tốt đẹp đầy đủ để không thua chúng bạn.

Các vị đã xử sự như vậy với Thiền sinh đàn em.

Ngược lại Thiền sinh tự biết mà không bao giờ nhận y áo cúng riêng của Phật tử thân thiết.

Thiền sinh như vậy, trước là tôn trọng môn qui, sau cũng là tôn trọng tình cảm huynh đệ. Không muốn tình cảm bị chia sớt ra ngoài Tu viện. Huynh mặc sao thì đệ mặc vậy. Cùng màu sắc, cùng vải vóc.

Mỗi lần đến dịp may đồ, huynh đệ dẫn nhau đến Dương Chi Am (nhà khách Ni) đo may. Hoặc có lúc thợ đến Tu viện xin đo may cúng dường.

Về việc ăn mặc, Thiền sinh thật đơn giản. Dạo ấy, hàng vải không thiếu, thế mà Thiền sinh chỉ mặc đồ vải, mặc rách, vá lại mặc tiếp.

- Ăn uống:

Lợi hòa đồng quân: Thức ăn chia đều nhau. Ðây là nguyên tắc. Tuy vậy, người ăn ít, kẻ ăn nhiều thực lượng không đồng, nên cũng theo đó mà gia giảm. Huynh đệ cùng sớt chia nhau sao cho vừa phần mình. Không bao giờ có việc so bì trên cái ăn, mà còn cố nâng nhau trên mặt này.

Ðầu bếp luôn tùy thuận về thức ăn, món ăn. Nếu vì món nào phải cữ, phải kiêng thì đầu bếp thay đổi. Thay đổi mà vẫn vui không bao giờ cằn nhằn. Ðầu bếp cũng tùy vào đề nghị đổi món này món nọ. Thỉnh thoảng cũng làm bánh, làm trái, đồ ăn chơi. Ngược lại, "thực khách" cũng dành mọi dễ dãi cho đầu bếp. Không đòi hỏi, không gây khó, mà vẫn để tâm giúp sức khi thấy đầu bếp bận.

Mỗi lần Tri khố đi chợ, mua chút đỉnh quà vặt về cho các huynh đệ, ít nhất cũng có nước đá.

Trong nhà bếp chỉ nghe tiếng cười, suốt mấy năm chưa một lần xảy ra việc cãi vã hay cho đến một lời nặng nhẹ, hoặc khó chịu. Bên lửa đỏ mà huynh đệ vẫn nghe ấm, chứ không nghe "nóng".

- Công việc:

Trong công việc, Thiền sinh luôn hỗ trợ với nhau. Người mạnh gánh vác cho người yếu, công việc làm chung cho nhau, chứ không kể phần này phần nọ. Mỗi người làm trong tư thái hòa vui, chỉ đề nghị góp ý chung làm chứ không có sự cãi vã đáng tiếc.

Công việc chia đều nhưng cũng có người vì trường hợp đặc biệt phải gánh nhiều hơn. Dù vậy, người làm chẳng cho đó là bất bình đẳng, trái lại còn nghe vui khi người khác ghẹo.

Như một hôm trên hồ nước vào buổi chiều nhạt nắng, có mặt Thầy Viện chủ và các huynh đệ. Thiền sinh Nhật Quang giả đò kể chuyện chiêm bao. Chuyện kể, ... Trong một đoàn ngựa, bao nhiêu ngựa kia đều ra thong thả, chỉ riêng có hai con ngựa tơ là ì ạch kéo xe. Chúng đi hết muốn nổi mà cũng ráng phải kéo.

Vị Thầy và chúng nghe qua đều cười, cả đương sự (hai con ngựa tơ) thấm ý cũng cười.

Vì vậy, mới thấy tình đạo bạn thấm thía.

Từ đây Thiền sinh út: Thích Trí Cảnh mới ví sự đầm ấm của huynh đệ 7 người cùng Thầy trong Tu viện giống như "Võ Ðang Thất hiệp" cùng Chưởng môn Trương Tam Phong (tình sơn môn trong môn phái này thật đậm tình, truyện võ hiệp Cô Gái Ðồ Long). Mà Thầy Trí Cảnh gọi là Chơn Không Thất hiệp.

- Tu học:

Việc này được tôn trọng lẫn nhau. Thiền sinh không bao giờ soi mói việc tu học của người. Chỉ đùa nhau qua kiểu cách Thiền sư thôi. Gặp nhau nếu nổi hứng thì đá gậy, hoặc hét, hoặc hỏi hoặc đáp theo lối nhà Thiền ... rồi cùng nhau cười.

Việc đàm đạo, nâng đỡ sự tu hành cho nhau việc này cũng là một điều tốt cho nhau. Thiền sinh không cảm thấy mình chiến đấu lẻ loi, bên cạnh mình có huynh có đệ. Em ngã anh nâng.

Thiền sinh Phước Tú và Trí Cảnh được Thiền sinh đàn anh nâng đỡ nhiều. Thiền sinh Phước Tú sau chuyến "đi hoang" trở về Tu viện, được các vị sư huynh chiếu cố, hỏi han chăm sóc, an ủi, chỉ vẽ đủ điều. Tạo điều kiện để xóa đi mặc cảm hầu vươn lên.

Thiền sinh Trí Cảnh cũng vậy, sau những lần lỗi lầm, đều được huynh đệ khơi mở an ủi, vạch vẽ phải trái để tiến lên.

Và hầu hết trong lỗi lầm, Thiền sinh không ai để tâm vào, nếu có thì giúp nhau hóa giải, tiêu trừ nỗi mặc cảm phiền muộn.

Thiền sinh sống đời cởi mở trải lòng mình không thắc mắc, không lưu tâm để ý việc người. "Chỉ lo" thường biết lỗi mình, lấy đó làm sự nghiệp, làm sự sinh nhai ở núi.
 

[ Quay lại ]