headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 06/10/2024 - Ngày 4 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

DỪNG LẠI…DỪNG LẠI…ĐÔI PHÚT GIÂY

vienchieuViên Hội

Này, Gotama!
Thôi hãy dừng lại!...
Ta đã dừng lại, đã lâu, lâu lắm rồi…
Chỉ ngươi chưa dừng lại…, hỡi Vô Não đáng thương!

Tướng cướp Vô Não sau khi mệt nhoài vì cố chạy đuổi theo đức Phật, chạy mãi, chạy mãi mà lạ quá, vẫn không thể nào bắt kịp được vị sa-môn đang từng bước khoan thai trên con đường vắng vẻ trước mặc, y đành lên tiếng gọi đức Phật dừng lại.

 Vô Não chạy đuổi, với tâm rối bời đuổi chạy theo những ảo ảnh… Đức Phật vẫn đi mà nói Ngài dừng lại đã lâu? Nghi vấn này dữ dội như tâm ông dữ dội cuồng điên… Nhưng chính nghi vấn đã khiến tâm chạy đuổi dừng lại và mới nhận được lời khai thị của đức Thế Tôn! Từ sự dừng lại ban đầu này, Vô Não đã thực hành giáo pháp vi diệu để dừng lại vòng tử sinh muôn kiếp.

Có ai sống mà chẳng đi, chẳng vận hành cùng công việc! Nhưng chư vị thiện tri thức bảo rằng, chúng ta chẳng sống chút nào khi không biết… dừng lại! Tánh sáng trong lặng mọi người đều có sẵn, và bao lời chỉ dạy của Phật, Tổ cũng là muốn chúng ta dừng tâm lăng xăng chạy đuổi mới có cơ duyên hội ngộ tánh sáng này.

Cuộc sống thiền viện nề nếp là tập cho mọi người dừng lại, với những “khoảng hở” giữa các thời khóa: thọ thực, lao tác, tụng kinh, ngồi thiền, học giáo lý… Thầy luôn mong chúng ta tận dụng những khoảng hở đó để quay về, một mình hoặc nằm hít thở thư giãn, hoặc kết lại mấy chiếc cúc, mấy chỗ áo sút đường chỉ, soạn lại cái đơn bề bộn… nhưng nhiều khi chúng ta lại tranh thủ “giao lưu” – rủ nhau ăn quà vặt, xúm xít lại chuyện vãn, cười giỡn bi bô… Thầy dạy đó là phan duyên, theo cảnh. Thậm chí mỗi tuần để ra một ngày “Thứ Bảy Thinh Lặng” trở về coi ngó cái tâm chạy nhảy của mình. Chúng ta vẫn tranh thủ giao lưu vui vẻ đến nỗi lơ là ngày thinh lặng! Thầy sửa lại mỗi tháng một lần, nhưng chúng ta đều biết là Thầy rất không vui! Đàn con của Thầy vẫn còn ham vui thế đó, như những người con ông Trưởng giả ham vui trong nhà lửa chẳng chịu chạy ra.

Ngồi thiền là sự dừng lại của cái thân, mới rảnh rang coi ngó dễ hơn cái tâm không ngừng chạy nhảy. Như là cách long nước đục để cho đứng yên, sau đó mới tiếp tục gạn nước trong mà kinh Lăng Nghiêm chỉ dạy. Có những việc xem ra có vẻ nhàm chán buồn tẻ, lại là thật sự giúp trở về quan sát tâm rất hiệu quả, như quét sân, nhổ cỏ, may vá, thêu thùa… Công việc đơn điệu khiến tâm không phải ứng phó suy nghĩ nhiều và thế là những “chú trộm vặt” dần dần được phát hiện dễ dàng hơn. Không phát hiện được những tên trộm trong tâm thì đừng nói gì đến việc “tẩy chay” chúng. Phát hiện được mà lắm khi còn ưa la cà theo thói quen huân tập nhiều đời, muốn dừng mà sức quán tính vẫn chạy bon bon! Đây là chỗ gian nan của buổi đầu tu tập.

Nhớ lại thời gian mới vào tu, “bị” giao công tác quét sân là “đau khổ” vô cùng! Lủi thủi cả buổi trời không có ai nói chuyện qua lại, ăn lỡ bữa cũng một mình, ngán… muốn chết (!), nhiều lắm là quét ba bữa, thế là tìm mọi cách để xin đi làm trong ban cho vui! Cho đến khi dừng bớt cái tâm bất mãn, biết an vui với công việc, biết lợi dụng những lúc một mình chăn con trâu đen hù, thì mới nhận ra giác trị của việc dừng lại! Thích “lủi thủi” không phải là không có lợi ích riêng của nó! Ban đầu có thể là… “bị”, quen dần cho đến khi thấy thích thú với việc nhìn tâm dễ hơn, rõ hơn nhờ không có nhiều cơ hội cho cái tâm khỉ vượn vốn quen vin cành, chạy nhảy, chúng ta sẽ có trải nghiệm của việc dừng tâm là trạng thái an tĩnh, lắng đi những rong ruổi, nghiệm được chút gì cái gọi là “hiện tiền” – chỉ là CÓ MẶT CỦA TÂM LÚC NÀY, Ở ĐÂY. Những lao xao như mây đen cuồn cuộn không còn nổi lên bề mặt của bầu trời tâm, thay vào đó là những mảng mây trôi lang thang… Thầy dạy mặc kệ nó, đừng để ý, chỉ cần nhận thấy, nó sẽ tự tan lại vào bầu trời như nó đã tự đến!

 Trời trong mây trắng lang thang… rồi gì nữa? A, có tiếng đáp lại: “Ngắm nó chứ làm gì!” Ngắm gì đó có hai trạng thái, một là vừa ngắm vừa miên man suy tưởng những hình ảnh có liên hệ…, hai là chăm chú và hiện tiền. Phải chăng gọi là quan sát sẽ đúng hơn, như Thầy hay dạy trên lớp: “Các vị phải tập trở về quan sát tâm mình, xem đang có gì xảy ra, vui buồn gận tức… đều phải biết và chỉ cần quan sát nó! Không cần làm gì thêm.”

Và lạ thay, có sự vắng bặt mọi suy tưởng tại đây. Lúc này là lúc vắng mặt những mảng đối lập thường tình của tâm. Đây có gọi là tình trạng hiện tiền không nhỉ? Một sự phẳng lặng thật yên bình đâu không đem lại chút mát mẻ cho những lúc oi bức… Những bóng dáng dù là thấp thoáng vẫn giúp bước đi vững chãi hơn, an ổn hơn, bớt dao động vì nghi hoặc mịt mờ sâu hút…

Đường đời vẫn diệu vợi… Có con đường nào không gai góc lẫn cỏ thơm…

Kỉ độ mãi lai hoàn tự mại!

Ôi tu tập cay đắng vậy đó! Quán tính sinh tử triền miên đâu phải mất tác dụng ngay. Lời Thầy dạy lại trở về , như động viên, như khuyến tấn; “Cứ quan sát, cứ quan sát nó… Chẳng cần làm gì thêm…
 

 

[ Quay lại ]