headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH NGẦM – NẠN BA ĐỘC

 Đại sư Tinh Vân dịch từ Nhật sang Hán
Ni sư Hạnh Huệ dịch từ Hán sang Việt

Nhược hữu chúng sanh đa ư dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ-tát, tiện đắc ly dục.

Trước giảng bảy nạn là từ ngoại cảnh đến, đây giảng ba độc, là từ nội bộ mà ra.

 

 

Ba độc là tham dục, sân giận, ngu si. Ba độc này đều là vật độc hại trong thân tâm chúng ta, mà trong tham dục cái nặng nhất chẳng qua dâm dục. Không gì hơn dâm dục mà có thể độc hại thân tâm chúng ta. Dâm dục tức là tính dục được giảng phổ thông.

Tính dục nếu theo ý nghĩa sanh tồn là bản năng tất yếu. Đây không chỉ giới hạn ở nhân loại mà tất cả sinh vật đều dựa vào đây mà truyền tiếp giống nòi, mới có thể kéo dài sự sanh tồn chẳng dứt. Từ đây mà xét, thì không thể phủ định tính dục. Sở dĩ từ trên đạo đức mà nói, quan hệ giữa vợ chồng là đạo lớn của nhân luân, tính dục chính đáng không phải là không được, chẳng qua quan hệ tính dục vượt khỏi quỹ đạo của nó thì có hại cho thân tâm. Hơn nữa, ảnh hưởng đến phong tục xã hội, cái hại này không nghĩ nổi. Đạo đức của tính dục, trong Phật giáo chia làm hai loại: Tà dâm và không tà dâm. Không tà dâm là quan hệ vợ chồng chính đáng, là tánh hành vi có thể làm. Tà dâm là tánh dục không chính đáng, cũng là tánh hành vi không nên có.

Trong giới luật, Phật chỉ dạy vấn đề này rất tường tận, tánh hành vi dưới tình hình phi thời, phi xứ, phi chi, phi lượng thì bị cấm chỉ. Phi thời là giờ không nên làm. Phi xứ là nơi chốn không nên làm. Phi chi là giao tiếp không phải là cơ năng sanh thực. Phi lượng là dâm dục quá độ, nghĩa là hoang dâm.

Kinh Tát Già Ni Kiền Tử nói: “Vợ mình không thấy đủ, dâm dục phụ nữ khác, là người không hổ thẹn, chịu khổ thường chẳng vui”.

Đây là chỉ dạy đạo lý một chồng một vợ cần phải tuân giữ.

Phật giáo chỉ dạy phương pháp làm người là nên thực hành Thập thiện : Thân có ba thứ, miệng có bốn thứ, ý có ba thứ.

Ba thứ thuộc thân là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Bốn thứ thuộc miệng là không nói dối, không nói ác, không nói hai lưỡi, không thêu dệt.

Ba thứ thuộc ý là không san tham, không sân giận, không tà kiến. Do đây có thể thấy sự trọng yếu của không tà dâm.

Dâm dục là điều đáng sợ. Khát Dục Văn của Ngụy Văn Đế có nói: “Đứng đầu việc ác không gì bằng sắc dục, dễ phạm phần nhiều là tà dâm”.

“Anh hùng bạt núi cái thế, ngồi đây mà mất thân vong quốc. Bậc sĩ phu miệng gấm lòng thêu do đây mà danh tiết bại hoại. Ban đầu vì một niệm sai, đến nỗi suốt đời không thể chuộc lại.”

“Phù dung mặt trắng, bộ xương khoác thịt. Đẹp đẽ hồng hào là lợi khí giết người. Dù đối với diện mạo như ngọc như hoa, thường giữ lòng coi như chị như em. Người chưa đi coi chừng trợt chân, người đi rồi kịp sớm quay đầu”

Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:

“Tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em, còn bé như con, sanh tâm độ thoát, dứt niệm diệt ác.”

Đàn ông chú ý đến đàn bà là điều tha thiết không gì hơn. Nếu như đàn bà cũng nghĩ như thế, tất cả đàn ông ta nên xem như cha, như anh, như em, như con, cũng có thể diệt hết lòng dâm dục.

Do đó tâm “nếu có chúng sanh nhiều dâm dục” sanh ra, thường niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, thì sẽ không quên tâm trí tuệ, từ bi, dũng mãnh của Bồ-tát Quán Thế Âm. Đối với người trên không mất lòng tôn kính tất cả đàn ông là cha ta, tất cả đàn bà là mẹ ta. Đối với người dưới thường giữ quan niệm tất cả chúng sanh là con trai, con gái của ta, thì tất cả niệm dâm dục, nhất định sẽ tan tành như sương khói.

Nhược đa sân nhuế, thường niệm Quán Thế Âm Bồ-tát tiện đắc ly sân.

“Sân” là vẻ phẫn nộ hung hăng. “Nhuế” là phẫn hận ôm trong lòng. Cái hại của nó lớn lao ở trước đã nói rất nhiều rồi.

Kinh Phật Di Giáo nói: “Giặc cướp công đức không gì hơn sân giận” .

Kinh Pháp Cú nói: “Hay chế phục sân giận của mình, như kềm xe chạy; tâm khéo chế ngự, bỏ tối vào sáng”.

Ở kinh Bách Dụ có một chuyện liên quan đến sân giận rất thú vị:

Có một nơi, rất nhiều người tụ họp phê bình một người. Bọn họ đang phê bình một gã nọ:
- Hắn ta tuy có đức hạnh nhưng vấp hai khuyết điểm, một là rất dễ nổi sùng, hai là hành động bộp chộp.

Vừa đúng lúc đó, gã nọ đi ngang qua nghe được, từ cửa sau chạy vào nói:
- Các ông nói gì?
Nói xong bèn xông vào vật ngã người phê bình hắn lăn quay ra đất.

- Sao mà thô bạo dữ vậy?
Mọi người đều mắng hắn.

- Tôi dễ nổi sùng hồi nào? Hành động bộp chộp hồi nào? Tôi vốn không phải người như vậy, mấy ông phê bình ẩu, do đó không đánh các ông không xong!

Nói như thế, người bàng quan đều biết hắn là một người dễ nổi sùng, hắn tuy tự nói mình không giận, nhưng dễ giận rốt cuộc là chuyện thường tình, muốn áp chế thì không được.

Lại kinh Bách Dụ có một chuyện tương đồng:
Một nơi nọ, có một ao nước, nước trong ao đã cạn, có hai chim ưng thấy một con rùa thiếu nước rất khổ, chim ưng bảo rùa:
- Anh rùa, anh có thể ngậm một cành cây, chúng tôi hai đứa ngậm hai đầu cành bay lên, đưa anh đến nơi có nước. Nhưng mà anh không được nói chuyện nhen!

Rùa nghe rồi bèn ngậm cành cây, hai chim ưng ngậm hai đầu bay lên. Lúc bọn chúng bay qua một làng nọ, con nít trong làng ở bên dưới trông thấy la lên:
- Ối chà! Rùa bị chim ưng ngậm đi!

Rùa nghe xong nổi giận nói:
- Tụi bay biết cái gì!

Lời vừa ra khỏi miệng, rùa đã bị té rơi xuống đất mà chết.

Căn bản sân giận của chúng ta chính là do ngã chấp mà khởi, vì chẳng chịu thua người.

Sân là một loại tình cảm ác tính, có đối phương, nảy sinh một cách bộp chộp với người. Nhưng đối phương không nhất định phải nổi sân như thế. Chỉ cần ngộ rằng không có đối phương thì sân phiền não tự nhiên cũng sẽ biến mất. Thường niệm Quán Thế Âm, biết căn cảnh không hai. Có thể viên thông căn và cảnh, không có ta và đối phương thì sân giận cũng sẽ không nổi lên, càng không có nhẫn nại phải cần. Nếu như một lòng xưng danh, thường niệm Thánh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, thì muốn sân cũng sân không được.

Phật ở trong kinh Tạp Bảo Tạng có răn sân giận thế này: “Được thắng thêm oán, lúc thua thêm lo, không tranh hơn thua, là vui bậc nhất!”

Chẳng tranh hơn thua là an trụ trên quan niệm mình người bình đẳng, là chiến thắng lòng sân giận. Cái quan niệm mình người bình đẳng này có thể nói là chỗ dạy của Bồ-tát Quán Thế Âm, lúc anh nổi giận nếu như thành tâm xưng niệm Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát thì tâm có thể an trụ ở từ nhẫn, không khởi ghét bỏ, sân giận cũng tiêu mất.

Quá khứ có một vị tướng quân, khí lượng rất mực hẹp hòi, có một chuyện bé xíu cũng nổi nóng với bộ hạ, vợ ông cũng không có cách gì, do đó rất ư khổ não. Nhưng vị tướng quân này ngược lại rất tín ngưỡng Phật giáo. Ông tuy xưng tụng Thánh hiệu Phật Bồ-tát, chỉ là hoài nghi về pháp lạc lợi ích của công đức xưng niệm Phật Bồ-tát có thể được ánh sáng trùm khắp, ánh sáng chạm đến êm dịu. Nhưng, một sáng sớm nọ, vợ ông làm trái ý ông một chút, ông đem lòng giận dữ đến trước Phật xưng niệm Thánh hiệu Phật Bồ-tát. Ngay lúc mở miệng niệm, tâm chợt biết khí lượng nhỏ hẹp và thiển kiến quá khứ là không đúng, khi xưa đều sai, bất giác vuột ra. Đồng thời tâm địa bình hòa, được ánh sáng hoan hỷ chiếu, tâm ông mới quang đãng minh bạch. Đây chính là pháp lạc ánh sáng chiếu khắp, chạm ánh sáng được nhu nhuyến. Cảnh giới này là ích lợi hiển lộ của thường niệm cung kính liền được lìa sân giận.

Nhược đa ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ-tát tiện đắc ly si.

Đây là ngu si thứ ba trong ba độc.

Ngu si là phản diện của trí tuệ. Nó có thể che đậy ánh sáng trí tuệ mà thành vô minh. Trong kinh nói người có thể tăng trưởng ba độc, cũng là căn bản sanh tử của tất cả phàm phu, là cội nguồn của tám vạn bốn ngàn phiền não. Ngu si tăng trưởng thì thành tà kiến, từ tà kiến sẽ chịu quả báo súc sanh. Ái dục lấy nước làm thí dụ, sân giận lấy lửa để thí dụ, đây là từ mặt hữu hình mà nói. Ngu si có thể đem gió mà thí dụ, vì biển lớn trí tuệ để cho gió ngu si thổi đến mờ mịt.

Kiến hoặc có hai loại:

1- Là kiến hoặc khởi từ trí thức.

2- Là ngu si không biết rõ đạo lý, hoặc tuy rõ ràng đạo lý nhưng không cho là đúng, mà ở trên cảm tình sanh ra kiến hoặc. Kiến hoặc là không rõ đạo lý Đại thừa, không biết có sanh thì có tử. Đây là pháp tắc biến hóa của muôn vật, việc đó chỉ là sự tình trên hiện tượng. Hoặc không hiểu rõ trên bản thể là cái bất sanh bất diệt, hoặc phủ nhận pháp nhân quả hiển lộ trên hiện tượng biến hóa đó, mà bác không nhân quả, không có việc nhân lành quả lành, nhân ác quả ác. Anh thấy tôi trung thực mà bần cùng, hắn không trung thực mà giàu có; tự mình hiếu thuận nuôi dưỡng cha mẹ mà thường bệnh hoạn, người kia không hiếu thuận với cha mẹ ngược lại thường mạnh khỏe. Do đó nói nhân quả đều chẳng đúng. Trên thế gian người ôm kiến giải này rất nhiều, đều do không biết đạo lý nhân quả. Trung thực và hiếu thuận là nhân quả trên đạo đức. Phú quý và bần cùng là nhân quả trên kinh tế. Bệnh hoạn và không bệnh hoạn là nhân quả trên vệ sinh. Cứ cho anh ta là một người trung thực mà anh ta chỉ tiêu tiền bậy, không biết kiếm tiền, tự nhiên sẽ bị nghèo thiếu. Đến như con cái không hiếu thuận, vì họ chú ý vệ sinh, thân thể bèn mạnh khỏe. Đây là sự thực rất dễ biết rõ. Trộn lẫn với nhân quả mà bàn, đây chính là ngu si từ kiến hoặc sanh ra.

Nói đến nhân quả mà không từ quá khứ, hiện tại, vị lai khảo sát, cứ xem sự thực trước mắt mình mà đoán định thì không chính xác. Đạo lý thì rõ ràng mà không biết do đâu thành cái đạo lý này là tư hoặc, đây cũng có thể nói là ngu si. Sánh với người thế gian, nếu có người thân chết, lập tức họ sẽ khóc lóc, vì chết được cho là việc đáng đau lòng, sao không chấp nhận rằng người kia đãõ vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi? Giả sử nghĩ như thế, há không phải là không còn bi thương nữa sao? Đây chính là không thể quên tình chấp, cũng chính là rất ngu si vì tư hoặc, kiến hoặc ở phương diện này, nếu như hiểu rõ té ra như thế, thì dễ dàng đoạn trừ. Riêng ở phương diện tư hoặc, thì rất khó đoạn trừ. Chính là biết rõ điều này là đúng, sau lại sanh những ngu si “nhưng mà… hoặc tuy nói như thế…” Đây là một loại chấp trước. Nếu như dùng trí tuệ của Bồ-tát Quán Âm mà quán chiếu, bỏ đi mê hoặc này thì ngu si tự nhiên tiêu trừ.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát, hữu như thị đẳng đại oai thần lực đa sở nhiêu ích, thị cố chúng sanh, thường ưng tâm niệm.

Đây là văn kết thúc chỗ giảng ba độc ở trên. Đức Phật lại đem danh tự Vô Tận Ý đại biểu trong thính chúng thưa hỏi kêu lại để bảo Ngài: Quán Thế Âm có sức oai thần lớn bất khả tư nghì làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, có thể khiến chúng sanh xa lìa dâm dục, sân giận, ngu si… như vừa nói. Do đó chúng sanh nên một lòng xưng niệm.

Bảy nạn ở bên ngoài là nạn nhỏ mà ba độc nổi lên bên trong mới là nạn lớn. Đem nạn lớn dâm dục này chuyển thành từ bi, sân giận chuyển thành dũng mãnh, ngu si chuyển thành trí tuệ. Dùng sức từ bi, dũng mãnh, trí tuệ này làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, gọi là đại oai thần lực.

[ Quay lại ]