headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẨM PHỔ MÔN BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

 Đại sư Tinh Vân dịch từ Nhật sang Hán
Ni sư Hạnh Huệ dịch từ Hán sang Việt

Danh từ QUÁN ÂM này có nhiều phiên dịch không đồng, ngài La-thập dịch là “Quán Thế Âm”, gọi là cựu dịch. Tuy đồng gọi là cựu dịch, nhưng Trúc Pháp Hộ dịch là “Quan Thế Âm”, đến thời ngài Huyền Trang lại dịch là Quán Tự Tại, gọi là tân dịch.

Sự phiên dịch bất đồng này biết cái nào chính xác! Ngài Huyền Trang phiên dịch hình như câu nệ vào nguyên ngữ, ngài La-thập dường như dịch theo ý.

HTML clipboard

Âm Phạn, Quán Âm vốn là Arya avalokite svara, nay theo chữ giải thích như sau:

- Arya là Thánh, là ý tôn xưng.
- Avalokite là quán chiếu hoặc chú ý, do đó gọi tắt là Quán.
- Svara là kham năng, đổi thành danh từ thì là quân vương, quân chủ.

Theo những giải thích trên, đem danh từ và động từ lấy nghĩa tự tại thành Thánh Quán Tự Tại, gọi tắt là Quán Tự Tại, so ra chính xác một chút. Do đó “Từ Ân Truyện” của Huyền Trang nói: “Cựu dịch là Quán Thế Âm hay Quan Thế Âm là sai lầm”.

Nhưng, Quán Thế Âm mà La-thập phiên dịch chẳng lẽ lại sai lầm sao? Điều đó không đúng! Chúng ta nhìn theo phong cách dịch của ngài La-thập, từ văn kinh nói thệ nguyện của vị Bồ-tát này mà xem thì có thể biết Ngài không lầm.

Như văn kinh của phẩm này, đức Thích Tôn mở đầu nói: “Thiện nam tử, nếu vô lượng chúng sanh, chịu các khổ não, nghe Bồ-tát Quán Thế Âm này, một lòng kêu tên Bồ-tát Quán Thế Âm tức thì quán âm thanh nọ, đều được giải thoát” Danh từ Quán Thế Âm chính là từ đoạn văn tự âm thanh này mà ra. Đoạn văn tự này trong phẩm Phổ Môn lại đặc biệt chiếm ý nghĩa trọng yếu.

Trong Mật giáo nói vị Bồ-tát này phụ trách tổng đức đại bi của Như Lai, là nhân vị thủ tọa của Phật A-di-đà. Thông thường hai đại sĩ ở hai bên Phật A-di-đà là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Quán Thế Âm cai quản Từ Bi môn. Đại Thế Chí trông coi Trí Tuệ môn. Quán Thế Âm và Thế Chí đều được người quen biết.

Pháp sư Huyền Trang sở dĩ đem vị Bồ-tát này dịch là Quán Tự Tại, nguyên nhân là vì vị Bồ-tát này muốn khiến chúng sanh quán sát các pháp mà được tự tại.
Pháp sư La-thập sở dĩ dịch vị Bồ-tát này là Quán Thế Âm, lý do là vì vị Bồ-tát này quán xét nghe ngóng một lòng xưng danh của chúng sanh mà đến cứu các ưu não thế gian.

Cả hai pháp sư La-thập và Huyền Trang phiên dịch đều rất xác đáng, đều có ý nghĩa.

Kế đó, chúng ta lại nói về tịnh độ của Quán Thế Âm. Thế nào mới là tịnh độ của Quán Thế Âm?

Tịnh độ của Quán Thế Âm vốn gọi là Phổ-đà-lạc, hoặc gọi Phổ-đà-lạc-ca (Pratalaka), thông thường phần nhiều gọi là Phổ-đà-lạc. Huệ Uyển Âm Nghĩa quyển hạ nói: “Núi Phổ-đà-lạc-ca, dịch là núi Tiểu Hoa Thọ. Trong núi này có rất nhiều cây hoa trắng nhỏ, hoa rất thơm, mùi hương tỏa xa. Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, quyển 19 nói: “Ấn Độ gọi là núi Tốc-đa-la, đây không dịch đúng mà dịch nghĩa, nên gọi là núi Tiểu Thọ Mạn Trang Nghiêm.” Kinh Thập Nhị Diện và kinh Hoa Nghiêm đều từng nói đến núi này.

Nhân vì tín ngưỡng Quán Thế Âm thịnh hành ở Đông phương, do đó ở Đông phương khắp nơi đều có Phổ-đà-lạc. Miền Nam của mam Ấn Độ, quần đảo Châu Sơn của Trung Quốc đều là Phổ-đà-lạc tương đối lớn của Đông phương.

Tại Trung Quốc, tịnh độ của Văn-thù là Ngũ Đài Sơn, tịnh độ của Phổ Hiền là Nga Mi Sơn, tịnh độ của Địa Tạng là Cửu Hoa Sơn, tịnh độ của Quán Thế Âm là Phổ Đà Sơn, gọi chung là Tứ Đại Danh Sơn của Phật giáo Trung Quốc.

Tại thủ đô Lạp-tát của Tây Tạng, cung của Lạt-ma pháp vương là Phổ-đà-lạc (Potala),vị giáo chủ thuyết pháp là hóa thân của Quán Thế Âm.

Ngoài ra, nơi thờ phụng vị Bồ-tát này đều gọi là Phổ-đà-lạc.

Từ thệ nguyện Phổ Môn thị hiện mà nói lý tưởng của Ngài, đó chính là muốn khiến thế giới Ta-bà này hoàn toàn thành Phổ-đà-lạc.

Về tên khác của Quán Âm, trong các kinh có xưng hiệu như sau:
- Trong phẩm Phổ Môn gọi là Thí Vô Úy, hoặc gọi Tịnh Thánh.
- Kinh Thanh Quan Âm gọi là Đại Bi Thí Vô Úy.
- Kinh Bi Hoa, gọi là Chánh Pháp Minh Như Lai, hoặc là Biến Nhất Thiết Công Đức Sơn Vương Như Lai.
- Kinh Quán Âm Thọ Ký gọi là Thánh Giả Đại Bi hoặc gọi bậc Cứu Hộ Khổ Nạn, hoặc gọi Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật.
- Chân Ngôn Nghi Quỹ gọi là Đại Từ Đại Bi Chủ.
- Kim Cang Giới Mạn Trà La gọi là Bồ-tát Kim Cang.

Chúng ta đã biết danh hiệu bất đồng của Bồ-tát Quan Thế Âm rồi.

Giờ nghiên cứu sao gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát là gọi tắt của Bồ-đề-tát-đỏa, cựu dịch là ‘Chúng sanh đạo tâm lớn’, tân dịch là Giác hữu tình. Trên quyển thứ nhất của Duy-ma Kinh Chú, pháp sư Tăng Triệu nói: “Bồ-tát gọi đủ là Bồ-đề-tát-đỏa (Bodhisattva), Bồ-đề là tên của Phật đạo, Tát-đỏa đời Tần dịch là ‘Chúng sanh tâm lớn’, có tâm lớn mới có thể tiến vào Phật đạo, nên gọi Bồ-đề-tát-đỏa.”

A-tỳ-đàm nói: “Bồ-đề là đạo vô thượng, Tát-đỏa là tâm lớn, nghĩa là người này phát tâm rộng lớn, cầu đạo vô thượng, cứu độ chúng sanh nên gọi là Bồ-tát”.
Đại Luận nói: “Bồ-đề gọi là Phật đạo. Tát-đỏa là thành tựu chúng sanh. Dùng chư Phật đạo thành tựu chúng sanh, nên gọi là Bồ-đề-tát-đỏa.” Lại nói: “Bồ-đề là tự hành, Tát-đỏa là giáo hóa người khác, tự tu Phật đạo để hóa độ người khác gọi là Bồ-tát.”

Bồ-tát dịch là ‘Chúng sanh đạo tâm lớn’ hoặc có ý nghĩa Giác hữu tình đã rõ ràng rồi. Nhưng, giải thích của A-tỳ-đàm và Đại Luận ý nghĩa có chỗ bất đồng, hiện tại biện thuyết như sau:
- Giải thích của A-tỳ-đàm là Bồ-tát phát tâm lớn, ý là chúng sanh cầu đạo vô thượng. Đây tương đồng với lối giải thích thông thường Giác hữu tình “Trên cầu Bồ-đề, dưới giáo hóa chúng sanh”. Nhưng căn cứ vào giải thích này, thì Bồ-tát tựa hồ không có giác ngộ cứu cánh. Còn Đại Luận giải thích rằng: “Bồ-tát dùng chư Phật đạo thành tựu chúng sanh, nên gọi là Bồ-tát.” thì Bồ-tát đã giác ngộ rồi, nhân vì chính mình đã giác ngộ, mới có thể dùng Phật đạo rộng độ chúng sanh mà ứng bệnh cho thuốc.

Chúng ta bây giờ giảng Bồ-tát Quán Thế Âm, như trong kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni dạy, Ngài là Chính Pháp Minh Như Lai trong quá khứ, đã sớm thành Phật rồi, do lòng đại bi thúc giục, mới đặc biệt thị hiện lại thành Bồ-tát, tùy duyên hóa độ, đây cùng với người thông thường là chúng sanh mà trên cầu đại giác, đương nhiên rất khác nhau. Vì Ngài là Đại Bồ-tát giác ngộ rồi, so sánh hai thuyết thì giải thích của Đại Luận xác thiết hơn.

PHỔ của Phổ Môn là nói mọi đức của Quán Thế Âm đầy đủ trùm khắp. Nói thực ra, Quán Âm không những là đủ đầy mọi đức mà còn có sức sống cứu giúp đại bi. Do đó “Phổ” là trùm đủ ánh sáng đại bi cứu giúp mà ứng hiện khắp nơi.

MÔN, đồng là chúng sanh chịu sự cứu giúp của Bồ-tát Quán Thế Âm từ bi mà có các loại môn bất đồng. nói “Phổ Môn”, là nói căn cơ của chúng sanh tuy có ngàn sai muôn khác, mà Bồ-tát Quán Thế Âm có thể ứng khắp mọi căn cơ, không đâu không thị hiện. Cổ đức Trung Quốc nói hai câu:

Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Vạn dặm không mây vạn dặm trời.

Có thể tả chiếu hay nhất về Bồ-tát Quán Thế Âm hóa hiện 33 thân Phổ Môn thị hiện.

PHẨM là phẩm loại. Nghĩa là, trong một bộ kinh đồng nhất, phân chia làm mấy loại, trật tự rõ ràng, không tạp không loạn, như kinh Pháp Hoa chia 28 phẩm, Bồ-tát Dược Vương có phẩm Dược Vương Bồ-tát. Bồ-tát Diệu Âm có phẩm Diệu Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm là phẩm thứ 25 trong 28 phẩm kinh Pháp Hoa.

[ Quay lại ]