headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH HIỂN - BA MƯƠI BA THÂN

 I. THÂN THÁNH

Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát vân hà du thử Ta-bà thế giới? Vân hà nhi vị chúng sanh thuyết pháp? Phương tiện chi lực, kỳ sự vân hà ?

Ở trước mở đầu là nêu câu hỏi về danh hiệu và nhân duyên của Bồ-tát Quán Thế Âm. Thế Tôn trả lời là xưng danh, thường niệm, lễ bái, thì có thể được cảm ứng … Đó là lợi ích ngầm. Đoạn này Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi về ba nghiệp thân miệng ý của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Ba nghiệp thân miệng ý này, là nói việc gì? Đây là ở trên hiện tượng hữu hình mà nói. Thí dụ như đức Phật trả lời: “Nếu người do thân Phật mà được độ, liền hiện thân Phật mà vì họ nói pháp”. Đây gọi là lợi ích hiển. Nhân vì quyền hóa của Bồ-tát Quán Thế Âm, do đó không khác biệt lắm với chỗ giảng ở trước.

Ở đây Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi có chủ ý, chia làm ba điểm quan trọng:

1- Hỏi Bồ-tát Quán Thế Âm đến thế giới Ta-bà này thế nào? Hiện thân ra sao ?

Ta-bà là tiếng Phạn, dịch là nhẫn độ (cõi nhẫn). Kinh Bi Hoa giải thích: “Gọi là Ta-bà, vì các chúng sanh ở đây chịu ba độc và các phiền não, hay nhẫn các ác ấy nên gọi là nhẫn độ”. Đức Phật Thích-ca sở dĩ ứng hiện ở Ta-bà để giáo hóa, chính là muốn cho chúng sanh giải thoát khổ não của cõi này.

2- Hỏi khẩu nghiệp của Bồ-tát Qúan Thế Âm : Vì chúng sanh diễn thuyết diệu pháp như thế nào?

3- Hỏi ý nghiệp của Bồ-tát Quán Thế Aâm : Sức phương tiện độ chúng sanh, rốt cuộc là thế nào?

PHƯƠNG TIỆN nói ở đây, phương là phương pháp, tiện là thích nghi. Tế độ chúng sanh phải dùng phương pháp thích nghi, gọi là phương tiện. Đây không phải chỉ sự hư ngụy dối trá mà thế tục dùng, gọi là “phương tiện”. Trong Pháp Hoa Văn Cú, có ba lối giải thích ý nghĩa phương tiện:
1- Phương là cách, tiện là dùng, tùy thuận tâm ý chúng sanh, dùng các thứ phương pháp dạy dỗ họ.
2- Phương tiện là cửa, dùng phương tiện này mà có thể dẫn vào cửa Phật. Hoặc là tùy tâm ý chúng sanh, hoặc là tùy ý của mình, dùng các thứ phương tiện dạy dỗ chúng sanh.
3- Phương là bí, tiện là diệu, đo đoán ý người, chiếu theo suy nghĩ của mình, thuyết pháp khiến người được lợi ích.

Tùy theo ý người hoặc theo ý mình, hay gồm cả hai, dùng phương pháp như thế cứu giúp chúng sanh, chỉ đúng là sức phương tiện.

Hiện tại hỏi : Bồ-tát Quán Thế Âm rốt cuộc dùng sức phương tiện gì ở thế giới Ta-bà giáo hóa chúng sanh? Về vấn đề này, đức Phật đáp dùng hiện 33 thân, 19 thuyết pháp. Trong 33 thân tức gồm có 19 thuyết pháp, 19 thuyết pháp cũng chính là thị hiện 33 thân.

Phật cáo Vô Tận Ý Bồ-tát: “Thiện nam tử! Nhược hữu quốc độ chúng sanh, ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, Quán Thế Âm Bồ-tát tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp.”

Phật trả lời câu hỏi của Bồ-tát Vô Tận Ý: “Trên thế giới Ta-bà, nếu có chúng sanh cần phải dùng thân Phật đến cứu giúp, thì Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ hiển thân Phật mà nói pháp cho họ”. Đây là hiển thị bậc nhất, dùng thân Phật thuyết pháp.

ĐẮC ĐỘ, là ý được độ thoát. Độ tức là qua sông, tức là từ bờ này phiền não, đưa qua bến bờ kia Bồ-đề. Đây chính là nghĩa bỉ ngạn, bờ kia.

Nói đến thân Phật là chỉ cái gì? Thân Phật có thể chia làm ba loại thuyết pháp: 1/Pháp thân. 2/Báo thân. 3/Ứng hóa thân.

Thân Phật được nói ở đây là chỉ Ứng thân vì căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện.

PHÁP THÂN, là chân lý vũ trụ được nhân cách hóa. Chân lý này phổ cập không gian vô cùng và thời gian vô tận, không chỗ nào chẳng khắp, không thời gian hạn chế, tức là pháp thân Phật Tỳ-lô-giá-na.

TỲ-LÔ-GIÁ-NA, nghĩa là khắp tất cả chỗ. Nhân lấy cái dụ ánh mặt trời trừ tối sáng khắp, do đó còn gọi là Đại Nhật Như Lai.

BÁO THÂN, là người thể nhận được chân lý vũ trụ, cùng là một với chân lý vũ trụ không phải là hai, đứng ở cảnh đại giác. Nói theo không gian, đầy khắp mười phương, gọi là Vô Ngại Quang. Nói theo thời gian, chứng được sinh mạng vĩnh hằng, gọi là Vô Lượng Thọ. Có đủ Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ tức là đồng thể với Phật A-di-đà.

ỨNG THÂN, vì thương xót chúng sanh đời uế trược, ứng hiện đến thế giới Ta-bà này, như Phật Thích-ca giáng sanh, xuất gia, tu hành, thành đạo, thuyết pháp.

Bất kể vị Phật nào, đều có đủ ba thân này, ba thân tức là một, là cái không thể tách biệt. Lấy một thí dụ, pháp thân giống như y học, bác sĩ nghiên cứu y học là báo thân, người ứng dụng y học để trị bệnh, nghe thuốc mà thi hành y thuật là ứng thân.

Hiện tại, Bồ-tát Quán Thế Âm vì người cần thân Phật để được độ, Ngài liền hiện thân Phật vì họ nói pháp, do đó có thể xem thế này: Đức Thích-ca hiện ở thế giới Ta-bà này thuyết pháp độ chúng sanh, cũng là thị hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Vì Bồ-tát Quán Thế Âm là chân lý của vũ trụ, quyền hóa của từ bi, mà sự xuất hiện của Phật Thích-ca chính là hiển thị chân lý của vũ trụ, quyền hóa của từ bi. Về điểm này, bèn nói Thích-ca là Quán Thế Âm, Quán Thế Âm là Thích-ca, tôi nghĩ cũng được.

Ưng dĩ Bích Chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích Chi Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thanh văn thân đắc độ giả, tức hiện Thanh văn thân nhi vị thuyết pháp.

BÍCH CHI PHẬT, tiếng Phạn là Tất-lặc-tử-để ca, giải thích là Duyên giác hoặc Độc giác. Ngài không chờ đợi sự phụ tá của người khác, có thể riêng mình hướng đến đường giải thoát. Do đó, trước lúc Phật ra đời, hoặc ở chỗ Phật chưa truyền giáo, có thể thể hội được bộ phận của chân lý vũ trụ, thì gọi là Bích Chi Phật. Có thể nói triết gia Hy Lạp, Thánh nhân Trung Quốc đều là Bích Chi Phật.

Đây là chỗ hay đặc biệt của Phật giáo. Trong Phật giáo không hề có tư tưởng hẹp hòi không được Phật Thích-ca chỉ dạy thì không thể giải thoát. Không đợi nhận giáo pháp của Phật Thích-ca cũng có thể giác ngộ một mình – Độc giác.

Hiện tại Bồ-tát Quán Thế Âm, người cần dùng thân Phật Bích Chi được độ, liền hiện thân Phật Bích Chi vì họ nói pháp. Do đó, Socrate cũng tốt, Platon cũng tốt, Khổng Tử cũng tốt, Jésus cũng tốt, Mohamet cũng tốt, đều có thể xem là ứng hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Bồ-tát Quán Thế Âm tựa như một vầng trăng sáng trên trời trong, bất luận ở sông, ngòi, biển, bể đều có thể hiện ra. Chân lý là một, thể hiện chân lý vũ trụ lại bất đồng. Do đó thích ứng với thời đại hay đất đai bất đồng mà hiện thân giáo hóa chúng sanh. Đây là đặc sắc của Phật giáo, phải cần phát huy thêm.

Đương nhiên, Phật Bích Chi này là Duyên giác. Nhưng ngay trong Duyên giác cũng có hai loại: Duyên giác của Duyên giác và Thanh văn của Duyên giác.

Duyên giác của Duyên giác là người không chịu sự giáo hóa của Phật Thích-ca, có thể quán sát đạo lý nhân duyên sanh tử mà ngộ nhập. Nhưng nói đến Thanh văn của Duyên giác, thì phải gặp đức Thích-ca ra đời, nghe mười hai nhân duyên sanh tử mới có thể ngộ nhập. Do đó từ quá khứ đến vị lai, chúng ta ở trong nhân duyên sanh tử, con mắt trí tuệ bị mờ, không thể thấy được chân lý sáng rỡ. Đó là do vô minh mà sanh ra hành. Nhân hành mà sanh ra thức và phân biệt. Thức này sanh ra ngoại cảnh và danh sắc. Danh sắc này giao thiệp với ngoại giới sanh ra lục nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Do lục nhập này tiếp xúc với ngoại cảnh sanh ra xúc. Do xúc mà sanh thọ. Do thọ mà sanh ái. Do ái mà chấp trước sanh thủ. Y thủ mà sanh hữu. Cuối cùng cảm thọ cái khổ sanh già chết. Y theo quả sanh mạng này, lại sanh khởi vô minh, nương vô minh mà có hành (nghiệp), có hành nên có khổ, có khổ nên có hoặc. Như thế cả ba thứ hoặc – nghiệp – khổ như vòng tròn không đầu mối.

Thanh văn nghe lời dạy của Phật mà thấy được căn bản của khổ (Khổ đế), là do ác nghiệp của thân – miệng – ý tích chứa (Tập đế) mà thành. Chỉ cần đem cái này đoạn dứt, tức có thể được ngộ (Diệt đế), nhưng đoạn tập, chứng ngộ, ắt phải tu đạo (Đạo đế). Phật từng nói: “Quả của mê là khổ. Nhân của mê là tập. Quả của ngộ là diệt. Nhân của ngộ là đạo”. Một nhóm chúng sanh nghe đạo lý Tứ đế Khổ – tập – diệt – đạo này được khai ngộ gọi là Thanh văn, nói tắt là đệ tử Phật. Tư tưởng căn bản của Phật giáo chính là Tứ đế này. Từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Hậu kỳ, cũng tức là từ Tiểu thừa đến Đại thừa, tất cả kinh điển đều từ Tứ đế này khai triển ra. Do đó nghe tiếng Phật, hoàn toàn không nhất định phải sanh vào đời Phật, đích thân nghe tiếng Phật. Phật tại thế thì có Phật thuyết pháp. Phật diệt độ rồi thì có pháp của Phật lưu truyền. Giáo pháp lưu truyền là kinh điển do tôn giả A-nan theo hầu Phật rất lâu, đích thân nghe tiếng Phật, tụng ra, các phương đều có phiên dịch lưu truyền, đây đều là pháp âm của Phật.

Nhân đây, tuy là Thanh văn cũng không nhất định sanh vào thời Phật ra đời, mà tức là đệ tử Phật. Đây là chỉ cho rất nhiều đệ tử Phật theo giáo pháp của Phật xuất gia tu trì thành đạo. Người dùng kiểu gì có thể độ thoát, thì hiện loại thân đó đến độ thoát họ.

Từ cách nhìn này mà nói, Bồ-tát Mã Minh, Bồ-tát Long Thọ và Tổ sư Đạt-ma ở Ấn Độ, Đại sư Trí Giả của tông Thiên Thai, Quốc sư Hiền Thủ của tông Hoa Nghiêm, Đại sư Huệ Viễn, Đại sư Thiện Đạo của tông Tịnh Độ, Đại sư Truyền Giáo, Đại sư Hoằng Pháp, thượng nhân Nhật Liên của Nhật Bản, đều dùng thân xuất gia mà vì chúng sanh thuyết pháp, do đó cũng có thể xưng hiện thân Thanh văn.

Như dạng này mà nói, những vị này đều là Bồ-tát Đại thừa, nói họ là Thanh văn, hoặc giả không đúng cũng chẳng thể biết. Nhưng Thanh văn này, có người tự cam phận Tiểu thừa, gọi là Ngu Pháp Thanh Văn. Có người tiến tu Đại thừa, gọi là Quảng Tuệ Thanh Văn. Chẳng những như thế, ngay Bồ-tát Đại thừa, người có thể hiện thân Thanh văn mà độ được, liền hiện thân Thanh văn, loại đại từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm này, bèn từ tinh thần này biểu hiện ra.

Thân Phật, thân Phật Bích Chi, thân Thanh văn ở trên đều là bậc Thánh khai ngộ, do đó gọi là thân Tam thánh.

[ Quay lại ]