headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 12/09/2024 - Ngày 10 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Sai khiến được 3 câu

Chân Hiền Tâm 

Nói đến thiền, thái độ im lặng thường được biểu dương là chỗ rốt ráo. Cử chỉ không có ngôn từ thường được ca tụng là hạnh của kẻ hiểu thiền. Chưa hẳn! Hãy xem Triệu Châu vấn đáp.
Đang tham thiền, Triệu Châu bảo : Sáng thì chưa sáng, nói tối thì sắp sáng, ông ở bên nào?

Tăng thưa : Không ở hai đầu.
Sư bảo : Thế ấy là ở khoảng giữa?
Tăng thưa : Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu
Sư bảo : Tăng này ở nơi lão tăng đã bao lâu, nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được cũng còn ở trong ba câu. Ông làm sao?
Tăng thưa : Con sai khiến được ba câu.
Sư bảo : Sao không nói sớm?
Nói sáng thì chưa sáng, vì sanh thì chưa sanh. Nói tối thì không được, vì sắp sanh mà không phải diệt. Vậy, giữa cái khoảng sáng và tối, sanh và diệt đó ông ở khoảng nào, nói ta nghe! Cha, không có công phu khó mà vào được chỗ này. Cái gì sáng sáng, Cái gì tối tối? Lắm kẻ điên đầu!
Xin đừng bỏ cuộc, vẫn còn nhiều chỗ thú vị qua giai thoại này.
Tăng đáp mau mắn “Không ở hai đầu”. Một câu trả lời sao mà đạo lý! Đúng là con cháu nhà thiền. Triệu Châu không phải tay vừa. Đâu thể chừng đó mà đủ, liền hỏi “Vậy ở khoảng giữa?”. Không ở hai đầu thì phải ở đâu trong khoảng hai đầu đó chứ! Triệu Châu muốn tăng xác định. Nhưng Tăng không phải là hạng chỉ có cơm cháo qua ngày “Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu”. Ừ! Không ở hai đầu mà cho là giữa, khác gì hai đầu? Bởi có chỗ nơi. Đã có chỗ nơi, thì dù không ở hai đầu, nó cũng không khác hai đầu. Cũng còn trong vòng sanh diệt. Là vọng, không phải chân.
Cho nên, khi có người hỏi “Làm sao phân biệt giữa chân và vọng?”. Thiền sư Thông Phương trả lời “Biết vọng là chân”. Ngay khi biết vọng, chính lúc đó là chân. Niệm niệm biết vọng, niệm niệm chân. Không cần vạch vọng tìm chân. Chân nếu thấy được, chân liền thành vọng. Cho nên, nếu nghe Trung Luận tụng rằng : Vạn pháp “không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …” mà cho chúng “đứng yên”, hay tách hai đầu mút sanh diệt ra, nhét cái “không sanh không diệt” vào giữa, là ta đang nuốt phải trà mắt mèo của lão Triệu Châu. Chỉ chút chỗ này, lấy vọng làm chân, bỏ hết công lao của mình.
Trả lời đến đó, không phải kẻ có thực lực khó mà làm được. Nhưng Triệu Châu vẫn còn một câu rốt sau, nên mắng “Nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được, cũng còn ở trong ba câu”. Nếu là kẻ còn bị ba câu trói buộc, nghe phán câu đó không khỏi tái mặt.
Triệu Châu mắng Tăng nhân, không phải không có lý do. Đến với nhà thiền, không ai không biết nụ cười của Phật Thích Ca, sự im lặng bất hủ của ngài Duy Ma, ngón tay nổi tiếng của Câu Chi ... Những hình tướng không ngôn từ đó, thường để biểu hiện cho cội nguồn nhất tâm chân thật, dứt bặt ngôn thuyết. Song vì là kẻ có thực lực, đúng là không bị ba câu trói buộc, không bị hình tướng dẫn chạy, nên tăng không bắt chước những hình tướng đó, mà trả lời “Con sai sử được ba câu”.
Con sai sử được ba câu. Nghĩa là, Pháp Đạt không còn bị Pháp Hoa chuyển, mà đã chuyển được Pháp Hoa. Pháp vốn không lỗi, lỗi là do mình sử dụng pháp không đúng duyên. Ngôn từ cũng không lỗi. Lỗi là do mình sử dụng nó không đúng lúc, đúng thời, dụng pháp mà chấp trước v.v… Không phải cứ có ngôn từ là không chân, im lặng mới vàng ròng. Nói hay nín đều tương ưng nếu có trí tuệ dẫn đường. Đương nhiên phải là loại trí tuệ “Mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất”, không phải là thứ vay mượn bên ngoài. Được vậy, tuy lời nói không y kinh luận, mà không ngoài kinh luận. Mỗi mỗi đều ứng lý hợp cơ. Không như con vẹt, dạy câu nào ôm chết câu đó, không thể tùy duyên vận dụng. Dạy một câu chào khách, ăn trộm đến nó vẫn “Chào khách!” . Dạy một câu ăn trộm, khách đến nó vẫn “Ăn trộm!”. Người dạy cái gì, nó cứ theo cái ấy mà nói. Không thể y lý tùy duyên mà dụng pháp cho thông hoạt. Chỉ vì nương tựa vào tri thức hiểu biết của người mà không phát huy được khả năng sẵn có của mình, thành mọi thứ đều hạn cuộc và hay nhầm lẫn.
Người xưa nói “Khi mê thì tứ cú đều sai. Khi tỉnh thì tất cả đều đúng”. Mê thì nói cũng trật, nín cũng trật. Tỉnh thì nói nín đều xong. Ngài Huyền Giác nói “Nói nín động tịnh thể an nhiên”. Sống được với thể tánh chân thật của mình, tức thấu suốt được thực tánh của vạn pháp, không bị hình tướng ngôn từ làm mờ mắt, thì dụng pháp dù xuôi hay ngược vẫn không lìa chân, đều là hoạt dụng vi diệu.
Song làm sao để sống đượcvới thể tánh chân thật của mình? Thiền sư Lâm Tế nói “Các ông hiện nay biết nghe pháp, chẳng do tứ đại của các ông. Cái BIẾT ấy hay dùng được tứ đại. Nếu khéo thấy được như thế thì đi đứng tự do. Chỗ thấy của sơn tăng không ngoài pháp ấy … Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn Thù. Chỉ cái dùng trước mắt các ông trước sau không khác, nơi nơi không nghi, chính là Văn Thù sống. Các ông một niệm tâm sáng không phân biệt, nơi nơi thảy là chân Phổ Hiền ... Hiểu được như thế mới nên xem kinh”. Nói chung, phải làm sao phát huy được cái BIẾT của mình. Chỉ cần BIẾT rõ ràng không thêm gì khác. Thẳng tắt, đơn giản mà không lầm. Miên mật được, thì tự mình sẽ có tin tức.  

[ Quay lại ]