headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 12/09/2024 - Ngày 10 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thường Chiếu Là Gì

Như Đức 

 Khi đặt tên Thiền viện Thường Chiếu, Sư phụ có ý muốn Thiền viện sẽ là ngọn đèn Thiền luôn chiếu sáng, lúc nào cũng rạng ngời soi tỏ. Vì là thiền viện đầu tiên, nơi Sư phụ gởi gấm hoài bão, nên Thường Chiếu được các huynh đệ dành cho cái nhìn kính nể

 Mặc dù ở buổi sơ khai còn lắm cỏ dại bụi mù, còn nắng và gió khô khan trên một vùng đất đìu hiu, Thường Chiếu vẫn có cái khí vị của riêng mình. Thế nên cũng lam lũ cuốc cày, cũng nhà lá vách đất, sinh hoạt đơn giản như bao nhiêu chỗ khác nhưng tiềm ẩn bên trong là tâm huyết nối đèn mồi lửa.
Những năm tháng mới xuống núi có nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là thời tuổi trẻ đầy hào khí, chuyện cực nhọc ban đầu nào sá chi. Bỏ qua mấy nếp nhà tranh tre cũ rách, bỏ qua đám cỏ dai dẳng ngoài ruộng đồng, bỏ qua bụi khoai mì nướng trong buổi chiều dọn cỏ. Còn lại là đêm uống trà ngắm trăng,bài thơ chuyền tay huynh đệ, lúc cao hứng đạp xe ba bánh về thăm Chơn Không, thăm chiếc nôi đã nuôi dưỡng dòng sinh mệnh thiền tăng… 
Chuyện rất nhiều, ai cũng có khúc phim của riêng mình. Thiền viện Thường Chiếu nói gì? Con tàu đi qua vùng đồng vắng, vẫn có người chờ để treo đèn báo hiệu. Thuyền giữa biển đêm, dò tìm ánh sáng từ ngọn hải đăng. Cô đơn và thầm lặng, người gác tàu giữa đường quê heo hút, hải đăng ở giữa biển cũng là vạn dặm mù khơi. Nhưng ánh sáng rất cần thiết không thể tắt. Thường Chiếu âm thầm làm việc canh gác và dẫn đường. Có lúc gặp nhiều đổi thay, đêm tối có dấu hiệu giông bão, nhưng người gác đèn vẫn hiện diện, chăm sóc lau chùi đèn đóm, để ánh sáng luôn gởi đến các đoàn tàu xa.

                    Thượng nhân học khổ không
                    Bách niệm dĩ hôi lãnh.
                        (Tô Đông Pha)
Bậc thượng nhân học từ cuộc đời, ở đó cũng là bài pháp về khổ, về không, về chung cuộc hư ảo. Học làm sao cho trăm thứ niệm đều tắt như tro tàn bếp lạnh. Dù vậy không bao giờ rời bỏ cuộc đời, xa lánh chúng sanh “vì chúng sanh là tịnh độ của Bồ-tát”. Thường Chiếu chỉ là đất bỏ hoang, nhưng Thường Chiếu cũng là đạo tràng thanh tịnh. Bây giờ đâu có ai diễn tả hết vẻ đẹp của Thường Chiếu. Mỗi khi Sư phụ về, bờ cỏ trong thất xanh mướt như lòng con trẻ. Các thiền viện đàn em về Thường Chiếu quen thuộc gần gũi như chim về tổ. Trên khoảng đất tâm này đã lên những mầm cây đại thụ.

Tăng tọa thiền, khí thế nghiêm túc và hùng mạnh. Đóng cánh cửa bên ngoài, yên lặng độc chiếu. Dù ở đầu non vắng hay ở chỗ đông người cũng chỉ có mình ta hay biết. Mưa và nắng đi qua, năm và tháng đi qua, mọi biến chuyển dâu bể đi qua, chỉ có tọa thiền là chân thật không biến đổi. Kể gì mười năm hai mươi lăm năm, dù nhà tranh hay viện lớn, cũng chỉ một dáng ngồi yên tĩnh. Giữ cho đèn tâm thường sáng, đó là kỳ vọng của Sư phụ, đó là tiêu bảng của người sau. Muôn vẻ đẹp đều phát xuất từ tâm thiền, hết thảy công phu nghệ thuật ở thế gian không qua công phu trở về tâm vì tâm là vĩnh cửu. Từ ngọn đèn tọa thiền heo hút của năm xưa cho đến bây giờ,Thường Chiếu là thường chiếu vậy thôi. 

[ Quay lại ]