headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 12/09/2024 - Ngày 10 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Cây cột điện

Chân Hiền Tâm  

 Cây cột điện nằm sát nhà tôi. Nó có nhiệm vụ chuyển điện cho hai nhà. Nhà tôi và nhà cô hàng xóm đối diện. Nó có mặt ở đó từ trước ngày giải phóng. Không có nó thì không có điện để dùng, nhưng nó nằm đó, phần tôn lợp bị khoét thủng một mảng, mỗi lần mưa, khoảng sân xe lủm bủm những nước là nước, lại còn cản không khí và ánh sáng phòng ngủ thằng con trai. Quá nhiều thứ bất tiện. Nhưng không ai làm gì. Cũng không ai có ý làm gì.

 Vì cái cột điện tọa lạc nơi mảnh đất chung nằm ở cuối hẻm. Một bên là nhà tôi, còn bên kia là nhà hàng xóm. Nó không thuộc quyền sử dụng của riêng ai. Không phải của mình, thành lo mà an phận. Lộn xộn sao được. Muốn lộn xộn cũng không ai cho. Bản thân mình cũng đủ khôn ngoan để biết không nên lộn xộn. Mọi việc cứ thế mà bình yên trôi đi.
Cho đến ngày …
Mảnh đất cuối hẽm được phân hai và hợp thức hóa, nhà hàng xóm một nửa và tôi một nửa. Nhưng cái cột điện thì không ai chịu thừa nhận, dù nó được sử dụng cho cả hai nhà. Đã vậy nó còn nằm sát vào vách nhà mình, như có ai lấy cây dí vào giữa hai mắt. Cả nhà quyết định xin phép dời cái cột ấy ra phía trước, để sinh hoạt được tiện lợi, mà cũng không làm ảnh hưởng bao nhiêu đến nhà hàng xóm đối diện.
Cô hàng xóm trẻ người xinh xắn, chuộng cái đẹp, rất biết tùy duyên trong vấn đề áo quần, nhưng riêng khoảng này thì cô lại chuộng cái cỗ cái xưa. Chỉ muốn cái cột đó bất biến ngay cái chỗ mà theo cô, nó đã trở thành di sản lịch sử qua bao thay đổi thăng trầm. Cô không muốn dời cái cột theo đúng cái duyên hiện tại, mà muốn nó an trụ nơi cái chỗ xưa nay cô vẫn thích. Cũng đúng! Cái gì bất lợi cho mình thì hãy thay đổi. Thay đổi càng sớm càng tốt. Còn như cây cột dời ra lề hẽm, dù nó không dính gì đến phần đường trước mặt, nhưng dây điện vào nhà, thay vì từ bên hông, giờ lại đâm thẳng từ ngoài vào … Nhà cô mất đi một phần thẩm mỹ, làm sao cô chịu cho được? Mình cũng hiểu điều đó, cũng thông cảm. Thành cô hét gì đó hét, mình cũng không buồn, chỉ thấy hơi lạ.
Không dời cây cột, thì nhà không sửa được, mình không giải quyết được những ách tách mà mấy lâu nay con cái đang chịu. Còn dời thì đụng chạm quyết liệt với cô hàng xóm xinh đẹp. Bởi cô đã quyết tâm “Còn một cái lai quần cũng đánh”. Không khéo phải đưa nhau ra tòa cũng nên. Đụng chạm như thế, kiếp sau gặp nhau, nhân duyên lại không thuận chiều. Không biết đời trước mình cắm cái gì trong đất cô, mà kiếp này cô không cho mình nhổ cái cọc đó ra khỏi đất mình. Đó là nói trên mặt nhân quả. Nói trên mặt tu hành, mình là Phật tử chứ cô đâu phải Phật tử. Mình tu mà còn tu thiền mới chết. Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, tùy duyên tiêu nghiệp cũ … Nghe nát cả óc, muốn quên cũng không quên được. Thôi thì buông quách. Vừa khoẻ mình, vừa khoẻ người mà nghiệp cũ coi như trả xong. Nhưng buông thì mình khoẻ rồi, còn lũ con? Không lý, tu là chỉ để mình khoẻ thôi sao? A Di Đà Phật! Không biết ngày xưa Tổ Trúc Lâm cầm quân chống xâm lược, có phải suy nghĩ nát óc như mình bây giờ không nhỉ?
Chắc không! Vì chư vị không chiêm nghiệm cuộc đời như mình đã chiêm nghiệm, cái gì cũng thật. Thật vì không có thứ gì như huyễn với mình. Mọi thứ chi phối đời sống của mình quá nhiều. Có nó hay mất nó, mình đều bị ảnh hưởng. Vì thế mọi thứ với mình đều là thật, chưa có cái gì là mộng là mơ với mình. Dơ thật, sạch thật, thiếu không khí cũng thật, bệnh hoạn cũng thật. Thật hết, nên mới có cái này chướng, cái kia không chướng, cái này khiến mình bệnh hoạn, cái kia giúp mình mạnh khoẻ v.v...
Thứ gì cũng thật thì nhân quả với mình không thể như huyễn. Thấy nhân quả thật, so với các vị sáng tâm, không chính xác lắm, nhưng so với kẻ đầu trần chân đất tham sân, mình lại là kẻ có trí tuệ. Vì thế, làm việc gì cũng phải đắn đo. Cái nhân gây ra thì dễ, nhưng lãnh cái quả, mà không thấy cái quả đó như huyễn, thì khổ vô vàn không phải chuyện chơi. Một cây cột không đáng gì, nhưng nhân duyên không thuận thì dời đi cũng khó. May là có nó hay không, mình cũng chưa đến nỗi mẻ đầu sứt trán. Nếu là miếng ăn, là chỗ sống chết của gia đình, nếu không thuận chiều, chắc mình không thể ngồi yên. Cũng một phen đau đầu nhức óc, không khéo lại phải gây nghiệp. Không cẩn thận sao được. Cái gì trong đời mà nhắm buông được thì thôi buông bớt, để cái quả trong tương lai còn được thuận chiều.
Cuối cùng …
Hai đứa quyết định bắt chước Tổ Trúc Lâm. Mình không làm vua thì không có dân hay quân dể hỏi “đánh hay không đánh”. Mình chỉ làm dân, nên mình hỏi ý kiến của con cái và phường. Nhờ phường can thiệp trong tinh thần êm ấm hiểu biết. Nếu cô vẫn cương quyết giữ lập trường tới cùng, thì coi như … cây cột và mình chưa thể xa nhau. Một khi duyên nghiệp vẫn còn, đâu phải nói xa là đã xa được. Thôi thì nằm đó. Khi nào hết duyên, sẽ có người tự động bứng đi. Nhọc tâm chi cho cực. Ở đời, thứ mình được, chưa chắc đã tốt cho mình. Thứ mình không được chưa chắc đã xấu cho mình. Thành không thể tranh cãi hơn thua hay đưa nhau ra tòa thưa kiện chỉ vì cây cột điện. Kiểu đó, kiếp sau lại oan oan tương báo nhiều hơn. Giờ chỉ một cây cột, không tỉnh, tiếp tục buộc thêm gút nữa, thì chưa biết kiếp sau oái ăm thế nào. Không gỡ được một lần thì gỡ từ từ cho xong. Buộc thêm chi cho cực. Cây cột điện thôi mà!
Đến giờ, cây cột vẫn nằm đó. Trơ thây cùng tuế nguyệt. Nhưng cuộc sống vẫn êm đềm trôi đi ...  

[ Quay lại ]