headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TÂM BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO

 Giáo lý của Phật dạy quá nhiều, đôi khi chúng ta không biết phải làm sao nhận hiểu và áp dụng cho thích hợp với việc tu tập của mình. Vì thế phải có sự lựa chọn khi khởi sự tu hành, danh từ chuyên môn trong đạo gọi là Trạch pháp. Do vậy chư tôn đức đi trước đã tuyển chọn một số cách thức hành trì tương đối không quá khó để chúng ta có thể dễ dàng ứng dụng tu hành.

Chúng ta hội đủ duyên lành được các bậc Tôn túc sẵn lòng chỉ dạy pháp mầu, không phải bỏ công lặn lội tìm kiếm đâu xa. Qua những lời chỉ dạy ấy, huynh đệ chúng ta ai nấy đều ít nhiều nhận được lối vào, nhận được cách thức hành trì. Đối với đạo, dù hiểu bao nhiêu nhưng hững hờ trong việc hành trì thì chưa vào cửa được. Chưa hành trì thì nhất định giá trị hay lợi lạc thiết thực của đạo, ta chưa thể hưởng được.

Tính đến hôm nay, một số vị vào đạo cũng khá lâu, chúng ta thử kiểm lại xem mình tu như thế nào, nhận hiểu Phật pháp ra sao, có quyết tâm chưa hay vẫn còn tham sân, phiền não, vọng động v.v… làm náo loạn. Cá nhân chúng tôi, cứ mỗi lần kiểm lại thấy mình còn quá nhiều thiếu sót. Dù có duyên được học chánh pháp nhưng nhận hiểu cũng chỉ ở ngoài da thôi. Công phu hành trì chưa quyết tử, chưa chuyên nhất vào một việc, nên đến bây giờ vẫn chưa hài lòng với chút ít công phu hành trì quá khiêm tốn của mình. Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói duy nhất chỉ một việc ngộ nhập Tri kiến Phật mà thôi. Nhưng chúng ta không khi nào nâng cấp, đưa sự quyết tâm của mình vào cái gọi là duy nhất ấy. Về điểm này, mỗi vị phải tự kiểm điểm lại mình và có định hướng rõ ràng hơn cho cuộc đời tu hành của mình.

Chúng ta phải hóa giải những thứ luôn dao động trong nội tâm, như vọng tưởng, mọi toan tính... nhất định phải trị cho được những thứ này. Bởi vì không có ông Phật nào buông lung, ông Tổ nào dao động mà thành Phật thành Tổ được. Con đường của chúng ta là con đường thành Phật thành Tổ. Nếu chúng ta làm trái lại với các ngài, nhất định chúng ta không thể nào đi trên con đường đó được. Dù có gượng ép cũng chỉ một giai đoạn nào thôi. Người xưa quở là “một nắng mười mưa”, “như rét cách nhật”, nhất định không thể nào thành công.

Nói tâm luôn luôn dao động, nhưng thực ra nó không phải là tâm ta. Không có tâm nào là tâm dao động cả. Dao động là gì? Là dấy niệm, là loạn tưởng điên đảo từ nhiều đời nhiều kiếp. Nó không phải là tâm thật. Chư Phật nói tâm thật là tâm rỗng rang sáng suốt. Bây giờ chúng ta lại lầm cho tâm luôn luôn dao động, không ngừng nghiêng qua đổ về là tâm mình, thì nó sẽ phá hại công phu thiền định của chúng ta. Rõ ràng nếu không có định sẽ không có tuệ, không có định tuệ là chưa có thiền. Mà chưa vào thiền được thì biết con đường để phát huy trí tuệ còn xa vời lắm.

Từ lâu, chúng ta quan niệm rằng mình biết được một số điều trong cuộc đời này, học được những tư tưởng của người xưa để lại, hoặc qua những khoa kỳ ta đạt được danh vị trong học tập, tạm thấy yên lòng. Mình lại có cái tật, hễ yên lòng rồi là ít chịu tu. Yên rồi thì thôi, đi ra chợ chơi một chút, lòng vòng thăm bà con một chút, hay giải lao một chút, việc gì phải cắm đầu cắm cổ tu hoài! Đó là những nguyên nhân khiến cho tâm vọng động bên trong dấy khởi, lôi kéo chúng ta đi luôn.

Tên tuổi trên văn bằng học vị chỉ là danh xưng trong danh sách, danh bộ của Phật giáo thôi, chứ một vị tăng quyết liệt, một vị tăng đúng nghĩa đối với công phu hành trì thì chưa được. Tìm một chân tăng chỉ đi con đường duy nhất, không có đường thứ hai, không ra. Tôi nêu lên như thế để chư tăng chư ni quay lại nhìn thấy trách nhiệm của mình và cũng biết rõ đường đi, việc làm của mình phải thế nào. Ngày xưa khi Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma vào đất Trung Hoa, ngài cũng nêu cao tiêu chí hiểu và hành phải đầy đủ xứng hợp mới đáng gọi là người đứng trong tăng đoàn. Nhưng ít khi nào chúng ta nghĩ như vậy lắm. Cho nên vấn đề này cần phải đặt lại.

Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều vị có học vị cao. Hầu hết tăng ni ở Thành phố đều đã học qua Trung cấp, Cao đẳng nội minh và cũng học qua Học viện Phật giáo, không ít vị đã đạt học vị tiến sĩ, hoặc đang là nghiên cứu sinh làm những luận án cao hơn nữa. Song chúng ta cần phải nhìn lại mình một chút, cần có những phút giây ngồi yên. Mỗi đêm quý vị nên sắp đặt giờ tọa thiền, công phu bái sám… tuỳ theo pháp tu của mỗi vị. Nên nhớ đó là giờ triệt để, quan trọng nhất của chúng ta, không ai được quyền động tới giờ tu. Có sống thật sâu lắng trong công phu tu hành quý vị mới có nội lực. Đây chính là điểm then yếu mang tính quyết định cho việc tu hành của mình.

Chúng ta kiểm lại xem, ví dụ tọa thiền trong nửa giờ, ta có đi vào chỗ sâu chưa. Hay chỉ thấy đau chân, nhớ việc này việc khác, tính toán nhiều chương trình, lên kế hoạch cho những công việc sắp tới. Thế thì trong suốt thời gian nửa giờ tọa thiền chỉ toàn suy nghĩ, toan tính, vọng động, đâu thể gọi là tĩnh tọa. Như vậy thật là uổng quá! Lẽ ra nửa giờ này ta sống thực với mình, thật hoàn toàn an ổn, hạnh phúc, thế nhưng mình lại ngược xuôi năm trên năm dưới, lăng xăng lộn xộn với bao nhiêu dao động, mất hết lợi lạc cho bản thân, lại phải mang nợ của đàn-na tín thí. Sau này mang lông đội sừng mà trả nợ trước. Thật đáng lo sợ biết chừng nào!

Chúng ta xuất gia, hành đạo, thọ giới cao quý của đức Phật, phải thấy nhiệm vụ, việc làm chính của mình là gì? Có thấy suốt được điều đó ta mới nỗ lực, cố gắng, không để thì giờ qua suông. Bởi chúng ta luôn luôn dao động nên luôn luôn bất như ý. Chúng ta chưa biết cái nào thật cái nào giả nên không buông được gì hết. Càng ôm giữ thì càng khốn đốn vì bất như ý, muốn giữ mà giữ không được. Nghiệm cho cùng thấy mình thật là vớ vẩn. Lẽ ra mình là người sáng suốt, biết cái nào đáng vất đi, cái nào có thể dùng tạm tạm, nhưng cái nào mình cũng chưa vất được hết, thật dở. Mỗi khi thấy mình dở như vậy, chúng ta nên đối trước Tam bảo, đối với lòng mình phải tự khắc tự hứa, đừng làm như vậy nữa.

Điên đảo tức là lộn ngược, không bình thường. Chữ “đảo” là ngược, chữ “điên” là không bình thường. Nghĩ lại đôi khi chúng ta lại rơi vào tình thế này. Như Phật nói cái đó phải buông, mình lại nắm. Chúng ta là thầy lẽ ra nêu gương cho người sau học hỏi theo mình, nhưng ta không làm được việc đó. Học trò nhìn vào gương của mình, nếu chúng ta chưa buông được, thì khó hướng dẫn họ. Phật tử nhìn vào Tăng Ni, quý thầy cô làm không đúng Phật tử sẽ làm không đúng. Do vậy tiêu chuẩn của Tăng Ni, những người có trách nhiệm phải hành trì đúng chánh pháp Phật đã dạy.

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có những vị Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, điều nào chưa hiểu thấu, các ngài vào chỗ yên vắng thiền định cho đến khi thấu hiểu. Như Phật nói thân này bất tịnh, vị nào còn tham đắm, tự biết thì vào bãi tha ma để chiêm nghiệm, thấy rõ lời dạy của đức Thế Tôn là đúng chân lý. Ở Ấn-độ có bãi tha ma thường nằm trong rừng sâu. Nơi này xa chỗ sinh hoạt của quần chúng, những người đã qua đời, thây được đưa đến đó, bỏ đầy trong bãi tha ma cho chim quạ ăn. Các thầy Tỳ-kheo thường đi vào thi lâm để quán sự bất tịnh, thân thể sình chương, hôi thối v.v... ở trên thì kên kên giày xéo, dành nhau ăn nuốt, phía dưới ruồi bu kiến đậu… đủ thứ. Bấy giờ mới thấy đúng như lời đức Thế Tôn nói thân này không thật, là đồ bỏ, là bất tịnh. Khi chiêm nghiệm sâu sắc như vậy, mọi vướng mắc, cù cặn, tăm tối… tiêu tan tức thì.

Chúng ta ngày nay cũng có rất nhiều cơ hội, nhiều duyên để tỉnh giác. Như thiên tai bão lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh… bao nhiêu là đột biến vô thường đang diễn tiến trong từng phút từng giây, lên tiếng cho ta biết mạng sống chỉ trong hơi thở. Thế nhưng tiếc một điều là tâm của chúng ta vì quá vọng động nên trở thành quá si mê, không nhận ra những dấu hiệu đánh thức nhan nhản trước mắt. Sự toan tính của con người ngày nay quá điên loạn, do vậy họ không thể thấy những diễn biến xảy ra sát một bên mình. Từ đó dễ duôi khỏa lấp mọi thứ hiểm nguy của vô thường đang đe doạ, yên lòng với thân phận của mình. Điều này Phật nói là vô minh, đặc biệt đối với người tu chúng ta thì rất uổng vì không nắm bắt được cơ hội để phát triển tuệ quán.

Mỗi khi chúng ta có dịp gặp gỡ nhau, ngồi lại với nhau như thế này, cùng chiêm nghiệm, trao đổi, chỉ thẳng những khiếm khuyết của nhau, để cùng giúp đỡ chia sẻ với nhau trong công phu tu hành, cốt làm sao chúng ta cùng thấm nhuần, cùng giải tỏa những u mê sâu dày, tự giải thoát mình ra khỏi ngục tù vô minh. Muốn giải tỏa vọng động, chúng ta phải bằng lòng sống với tâm bình thường, không để cho những bất như ý xáo trộn, hoành hành nữa. Chúng ta phải vất bỏ tất cả những toan tính. Thiền sư dạy khi nào hết toan tính thì sự phiền muộn trong lòng cũng vơi đi. Nếu phiền muộn vơi đi cho tới không còn nữa thì thật là sung sướng. Bấy giờ trí tuệ có cơ hội phát triển, sự an lạc sẽ đến ngay sau đó.

Trồng một cây kiểng, chúng ta phải chăm sóc phân nước, cắt xén sao cho nó được tốt đẹp. Nếu trồng mà bỏ không phân, không nước, không gì hết, hoặc trồng những chỗ khô khốc, cứng ngắt làm sao nó sống nổi. Ở đây cũng vậy, tạo điều kiện sao cho những phiền muộn, bất như ý bên trong không có cơ hội phát triển. Đó là tu. Thật ra tất cả chúng ta đều là phàm phu cả, chưa có ai thành Thánh, nên chẳng ai dám nói mình không có phiền não. Tuy nhiên, quan trọng là làm sao chuyển hoá, không để cho nó có cơ hội phát triển, độ cho nó vào Niết-bàn hết, chúng ta mới yên.

Trước nhất chúng ta phải biết rõ những bất như ý, phiền muộn ở trong mình. Biết rồi thì thẩy nó ra, không khó gì hết. Để cho phiền muộn dấy loạn sẽ tổn hại cho mình, chứ có tốt đâu mà giữ nó hoài. Người không thích mình, không nể mình, bây giờ ta có đập nát cái bàn thì cũng vậy thôi. Chẳng qua đó là biểu hiện sự yếu đuối, sự không chịu đựng nổi của mình vì bất như ý thôi, chứ có phải quyền uy gì đâu. Vậy mà mình cứ như thế mà tái diễn, bởi vì chúng ta không biết rõ đó là một sự việc thật tệ, thật quá xấu hổ khi chính mình bị khối phiền não lung lăn, nhiễu loạn, lôi dẫn. Cho nên cuối cùng mình phải quay về tự liệu, tự làm chủ, đừng để phiền muộn đùa cợt, trêu giỡn và hạ nhục mình như thế nữa.

Nhân tố phiền não có sẵn trong tất cả chúng sinh, giống như những con khuẩn độc có sẵn trong tế bào của chúng ta, chỉ chờ cơ hội bên ngoài đưa vào, chúng sẽ phát khởi ngay. Bây giờ chúng ta kiểm lại việc tu hành của mình, do đội quân phòng hộ không đủ sức đẩy độc tố ra, nên chúng tập trung xây dựng cơ sở phiền não. Nếu chúng ta phát hiện sớm và có thuốc men đầy đủ, kịp thời thì phá tan được ổ giặc. Nếu chúng ta không phát hiện sớm hoặc không có thuốc men kịp thời, nó sẽ u lớn lên rồi loét vỡ ra. Bấy giờ đành bó tay đi vào ba đường dữ, không thể cứu kịp nữa rồi.

Vọng tưởng của con người nhiều ghê lắm. Chính vọng tưởng này dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử. Sở dĩ mình xuất gia tu hành, cạo tóc mặc áo nhuộm, ăn chay sống khổ hạnh, học lời Phật dạy là để trị cho tận gốc rễ vọng tưởng, bởi vì chính nó dẫn mình đi trong luân hồi sinh tử. Gốc gác vọng tưởng đưa chúng ta vào con đường sinh tử quá nhiều, không hiểu sao người xưa có thể thành tựu đạo nghiệp một cách y như là không khó khăn gì cả. Với mình, sao mà đầy trời vọng tưởng điên đảo, không thể nào làm chủ nó được. Ngồi lửng một chút là nó dẫn đi tuốt. Đi suốt năm trên năm dưới, vượt ra khỏi cổng chùa, tới huyện Long Thành, băng qua Đồng Nai, nhảy khỏi biên thùy, đi luôn hết bến bờ của trầm luân sinh tử. Dấy niệm không phải lớn, nó có tí tẹo thôi nhưng mà năng lực của nó dẫn đi xa như vậy. Thật đáng ghê sợ!

Lần đó, tôi có dịp nói chuyện với một số anh em trang lứa, bây giờ có người đã cách đạo thật xa. Tôi hỏi cớ sự nào mà đưa anh đi xa dữ vậy? Vị này khựng lại một chút rồi vui vẻ kể: Tôi cũng không biết sao nữa, nhưng có lẽ từ những niệm tưởng của mình, nó đẩy tôi đi xa như vậy. Nó có thể đưa mình ra khỏi biên thùy Việt Nam, xa hơn nữa là đẩy mình ra khỏi hình thức của người xuất gia. Nó tạo thành trì, lầu các, biệt thự… lôi một cái rầm khiến mình trở lại hình thức người cư sĩ. Rồi bao nhiêu dây mơ rễ má sau đó ràng rịt mình suốt đời này hay cũng có thể nhiều đời sau không chừng. Tôi hỏi sướng hay khổ? Nói sướng thì không thể sướng nổi rồi, nhưng nói khổ thì ai làm mình khổ đây? Nghĩ cho cùng mình làm mình khổ, chứ có ai đâu. Từ dấy niệm, từ vọng tưởng điên đảo, mình không giữ được, lao theo nó nên cuối cùng chuốc lấy quả khổ như vậy.

Cho nên cơ hội huynh đệ gặp gỡ để nhắc nhở nhau tu hành là cơ hội ngàn vàng. Chúng ta phải trân trọng. Mỗi lần được phút yên ổn nào ta thấy công ơn của người sắp đặt cho mình rất lớn lao. Nên nói ơn Phật là ơn không đền, không thể trả hết được. Phật bảo chỉ có tu đắc đạo, chuyên hành trì lời Phật dạy, cứu độ chúng sinh cùng vượt thoát trầm luân sinh tử, mới có thể báo đáp thâm ân chư Phật. Cho nên con đường duy nhất của chúng ta là phải hành trì, phải tu. Tu cho đến nơi đến chốn, tu cho thấm được pháp vị của Phật. Khi có pháp vị rồi, tự nhiên niềm vui tăng trưởng. Công đức ấy chúng ta sẽ dâng lên cúng dường các bậc tôn đức, cúng dường chư Phật chư Tổ.

Bình nhật chúng ta suy tư phân biệt là sống với tâm vọng động bất thường. Bây giờ ta không chấp nhận tâm đó, không suy gẫm nữa thì sao? Nếu không suy nghĩ, không biết gì hết, hóa ra mình là gốc cột hay vật vô tri vô giác sao? Không phải thế. Người tu phải biết làm chủ trong suy nghĩ, nói năng hay hành động. Mỗi khi chúng ta suy nghĩ về điều gì, biết rõ điều ấy và chỉ khung ý niệm của mình trong một vấn đề đó thôi. Giải quyết xong việc là buông ngay, không vướng mắc, không chạy theo giòng niệm ấy nữa. Nhưng nếu như suy nghĩ mình sẽ làm Phật, rồi không làm gì hết, cứ ngồi đó nghĩ hoài, quý vị có làm Phật được không? Không, nhất định là không. Suy nghĩ để tạo điều kiện hành trì, dẹp sạch vọng động, toan tính, nghi ngờ, những lăng xăng điên đảo của mình mới thành Phật được.

Phật là giác. Chúng ta chưa giác ngộ, chưa làm chủ được tất cả những vọng tưởng điên đảo thì không thể thành Phật, không thể sống được với cốt Phật của mình. Thật ra trong giai đoạn công phu ban đầu cũng phải có suy nghĩ, nhưng suy nghĩ điều gì? Suy gẫm Phật pháp, suy gẫm những điều mình đã học, đang học, để từ đó khám phá, nhất định hành trì cho đạt được sở nguyện giác ngộ giải thoát. Chúng ta còn phải công phu, ngồi thiền, nấu cơm, làm tất cả công việc. Phải sống, phải gặp nhau nên còn phải nói chuyện, đàm đạo, gặp gỡ người này người khác, làm sao không suy nghĩ được. Nếu không suy nghĩ thì mình nói cái gì? Như mình tính gặp thầy để thưa hỏi Phật pháp, bây giờ không suy nghĩ thì gặp thầy nói cái gì? Không có gì để nói, trong khi thật sự mình cũng chưa thông hiểu gì về Phật pháp, về sự hành trì.

Bao giờ công phu đã thuần thục, chúng ta mới tiến sang giai đoạn buông xả hết mọi dấy niệm thiện cũng như ác, sống trong tinh thần tâm bình thường là đạo. Các thiền sư khi được hỏi đạo, các ngài chỉ những việc bình thường trước mắt, không cho chúng ta có phút giây nào để suy nghĩ. Vào được chỗ đó, chúng ta sẽ biết tâm đại từ đại bi của các ngài như thế nào. Tuy rằng không cho suy nghĩ nhưng các ngài cũng có những phương tiện để khai thị giúp chúng ta vào được chỗ chân thật ấy.

Trong nhà thiền, các thiền sư sử dụng thủ thuật độ người thường là rất thẳng tắt. Ví dụ học trò đầy đủ lễ nghi đến lễ thầy thưa: “Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?” Thầy đập cho một hèo. Trả lời bằng cách như vậy đó để học nhân không còn suy nghĩ, không còn chỗ bám víu, từ đó tự nhận ra chỗ đại ý Phật pháp. Các ngài trả lời bằng cách làm cho người hỏi bặt hết mối mang toan tính. Đó là cách trả lời triệt để, chỉ thẳng bằng tâm đại từ vô lượng vô biên. Kẻ sơ cơ nông cạn sẽ không thể nào lường nổi. Ở Nhật-bản, một học sĩ đến hỏi thiền sư: “Thưa thầy, thế nào là đại ý Phật pháp?” Thiền sư cầm ấm trà rót vào chung, rót mãi dù nước đã tràn ra ngoài mà ngài vẫn cứ rót. Học sĩ thấy lạ buộc lòng la lên: “Thầy ơi nước đã đầy rồi!” Thiền sư bảo: “Cũng vậy, trong bụng ông chứa đầy kiến giải, chỗ nào chứa nữa mà hỏi đại ý Phật pháp?” Ngay đó học sĩ nhận ra.

Thiền sư nói trong bụng đầy là đầy cái gì? Đầy những toan tính, nghĩ ngợi, lăng xăng điên đảo vọng tưởng. Khi được thầy chỉ thẳng cho như thế, người học trò nhận ra rồi thì bặt hết đường ngôn ngữ, không cần nói gì nữa. Bấy giờ chỉ có đảnh lễ tạ ơn thầy, vì lòng đại từ đại bi mở cửa cam lồ cho con. Tuy nhiên, dù thiện tri thức có khai mở, nhưng nếu chúng ta không vững vàng, không có công phu thì chẳng bao giờ nhận ra được. Cho nên điều cần yếu là phải hành trì. Chúng ta thấy bất cứ thiền môn nào cũng vậy, từ cổng chính đến điện Phật, ra sau tổ đường, dài tới tăng đường toàn là những câu đại ngôn nhắc nhở người tu phải nỗ lực công phu, không được nói suông.

Có lần chúng tôi vào một ngôi chùa không lớn lắm nhưng cách sắp xếp rất trang nghiêm. Khi vào điện Phật đốt nhang dâng lên cúng dường, lễ ba lễ, nhìn lên tôi thấy bốn chữ Vạn Đức Từ Dung. Tự nhiên mình cảm nhận thì ra khi lạy Phật, ta luôn nhớ Phật dạy phải tu hành sao cho giống như ngài, thực hiện đầy đủ vạn đức từ dung. Tất cả những vọng tưởng đảo điên phải dẹp hết để thật sự vào được bờ bến, thành trì vạn đức từ dung. Nghĩ như vậy tự nhiên mình thấy phấn khởi, thấy vui.

Vui không phải vì có người tiếp đón hay thấy chùa đẹp, mà vui vì nhận ra một điều thật đặc biệt, từ lâu nay nó ở trước mắt, lồ lộ ra đó mà mình không hề quan tâm, không hề thấy. Bây giờ vào lễ Phật tự nhiên mình nhận ra Vạn đức từ dung. Có nghĩa sự tu hành của mình phải đầy đủ như vậy, trang nghiêm như vậy, thanh tịnh như vậy, tốt đẹp như vậy. Đã thế thì đâu có rảnh để đeo mang những lỉnh kỉnh, vớ vẩn nữa. Một khi nhận ra như vậy, tất cả dây mơ rễ má của vọng tưởng đều được cắt đứt, tâm trí rỗng rang sáng suốt.

Rồi sang tổ đường chiêm ngưỡng dung nhan chư vị tổ sư uy nghi, hùng dũng, lòng càng thêm phấn khích. Lễ lạy cúng dường xong, thấy mấy chữ Tổ Ấn Trùng Quang, Truyền Đăng Tục Diệm. Đó là gì? Là lời nhắc bảo của chư vị tổ sư đối với người sau, phải biết việc bổn phận trong tông môn, mồi đèn tiếp lửa khiến cho Tổ ấn trùng quang. Mình nghe có cái gì vang vang truyền thần. Truyền đăng tục diệm nghĩa là nối lửa tiếp đèn, làm sao cho ngọn đèn tâm sáng mãi, còn mãi.

Ngọn đèn tâm đó không phải thắp bằng dầu, bằng sáp mà thắp bằng công đức, trí tuệ của chúng ta. Mỗi khi phát huy được trí tuệ bản hữu nơi mình, chúng ta nhận được huyền chỉ, chỗ sâu yếu của Tam bảo, khởi tâm đại dũng mãnh hành trì chỗ thâm áo ấy. Đó là nhiên liệu tốt nhất để cho ngọn tâm đăng sáng mãi, sáng khắp. Làm cho ấn Tổ được truyền từ đời này sang đời khác, mãi mãi về sau trong tông môn, trong các tùng lâm. Đó là những điều tâm huyết, sâu kín trong lòng chúng ta. Bây giờ mình gắng tu cho đàng hoàng, thực hiện trọn vẹn hoài bão thầm kín ấy trong lòng cho được viên mãn, có thế mới xứng đáng là hàng đệ tử, con cháu trong tông môn.

Nói tâm bình thường là đạo, tức không nghĩ suy, không toan tính, không vọng động, không dấy niệm gì hết. Các thiền sư luôn chỉ thẳng tâm ấy, không thông qua phương tiện nào, nên rất khó nhận. Hành giả phải khéo quay về nơi mình, chớ đừng bám theo câu chữ của các ngài, hy vọng có chỗ vào. Bằng không sẽ bị rơi vào bẫy, không nhận ra được yếu chỉ đâu. Như một hôm ngài Lâm Tế bảo: “Bữa nay trời tối, không cho hỏi, ai hỏi thì ăn đòn”. Người ta đến hỏi đạo, ngài thăng tòa mà nói như vậy đó. Có vị học tăng bước ra đảnh lễ định hỏi, ngài thộp cổ leo lên lưng ngồi, đập cho mấy hèo. Tăng thưa: “Thầy nói hỏi mới đánh, con chưa mở miệng tại sao lại đánh?” Ngài đáp: “Nếu ta không đánh ông trước, làm sao kịp!” Kịp cái gì? Kịp ngăn vọng tưởng điên đảo của ông tăng.

Thiền sư đã chỉ tận gốc cách cắt đứt vọng tưởng ngay từ lúc nó vừa nhen nhúm, vừa dấy khởi. Tu hành thú vị lắm, vừa muốn suy nghĩ gì liền thôi. Thôi được một cái thì hay lắm nghe. Cứ vậy mà làm, dần dần sẽ quen. Trong trường hợp vị nào làm Tri sự thì mỗi ngày ghi lên bảng, thầy A làm gì, thầy B làm gì, ai nấu cơm, ai đi chợ v.v… đầy đủ hết rồi thôi, không khởi niệm lo lắng nữa. Quý vị phải tìm cách để mình có thể tu được trong mọi việc làm chứ! Sự sống của chúng ta phải đi vào chỗ triệt để bất nhị, không dính mắc bên này hoặc bên kia.

Kinh nói, như một khúc gỗ quý trôi trên giòng nước lớn, không dính bờ bên này cũng không tấp bờ bên kia, không bị rục rã giữa giòng, không bị người vớt lên, cũng không bị ma ốp nửa chừng, bảo đảm khúc gỗ đó sẽ trôi đến bờ đến bến. Trái lại vướng vào một trong những trường hợp ấy thì không thể nào về đến bến bờ mà là ngã gục tại chiến trường. Mình là người tu hành, là chiến sĩ chiến đấu với hư không, cho nên khó lắm. Chiến đấu với hư không là chiến đấu làm sao? Hư không không có hình tướng gì hết, chúng ta không biết nó bên đông hay bên tây, cứ đánh loạn thôi, đánh một hồi gãy gươm gãy kiếm mình chết, chứ hư không chẳng hề hấn chi. Cho nên chiến đấu với hư không là cả một biểu đồ gai góc, mình đã gục ngã mà vẫn chưa nhận được gì hết. Cho nên chúng ta cố gắng tỉnh, cố gắng làm chủ để trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng, đó là tự chiến thắng mình. Phật nói chiến thắng trăm ngàn quân lính là hiển hách nhưng tự chiến thắng mình mới đúng là chiến công oanh liệt nhất. Chiến thắng mình để làm gì? Để sống được với tâm bình thường. Tâm bình thường là tâm không toan tính nghĩ suy gì cả.

Muốn dừng tâm vọng tưởng phải là người có ý chí và sự quyết tâm cao. Vọng tưởng là cái gì mà chúng ta phải có đầy đủ ý chí và quyết tâm mới thắng được nó? Nó không là gì hết, nhưng có sức mạnh lôi dẫn chúng ta đi rất ghê gớm. Do vậy nếu mình không quyết tâm thì nhất định sẽ thua nó thôi. Một điều minh chứng rõ ràng nhất là chúng ta đã ngồi biết bao nhiêu thời thiền, tụng biết bao nhiêu thời kinh, nhưng có thành Phật đâu. Nhận ra được mình có chất Phật, phát huy chất Phật ấy đã là khó lắm rồi. Do vậy hồi xưa ở Thiền viện Chơn Không khóa đầu từ năm 70 tới năm 73, Hòa thượng nói với chư tăng: Thầy hướng dẫn cho các vị về tu trong 3 năm được vững niềm tin. Tin cái gì? Tin mình có khả năng thành Phật. Chỉ chừng đó thôi. Vậy mà trong mười vị tăng khoá đầu tiên ấy, chưa được nửa đường (1 khóa 3 năm) đã có ba, bốn người bỏ cuộc. Cho nên người tu chúng ta giống như “bông xoài trứng cá”, tùy phúc duyên của mỗi người mà có kết quả sai khác, không thể đổ thừa tại ai ngoài tại mình.

Với công đức tu hành, chúng ta sống bình thường an ổn trong trí tuệ, không bị kéo lôi trì trệ của các duyên sự bên ngoài. Bấy giờ ta sẽ có năng lực làm lợi ích rất nhiều người. Cuối cùng của người tu là đem công đức tu hành của mình chỉ dạy dìu dắt mọi người. Nguyện tất cả đều được an ổn lợi lạc như mình. Được như vậy mới đền đáp phần nào công ơn của Phật tổ.

Người xưa dạy:
                Đốn ngộ tuy đồng Phật,
                Nhiều đời tập khí sâu,
                Gió dừng sóng vẫn dậy,
                Lý hiện niệm còn xâm.

 Nhận ra được mình đồng với chư Phật một tánh giác tuy rất mau, nhưng nghiệp tập nhiều đời còn dày lắm, chưa có thể nhất thời tan hết. Giống như gió dừng mà sóng vẫn còn dậy mòi. Ở đây nói lý hiện mà những niệm tưởng lăng xăng vẫn còn. Cho nên chúng ta phải nỗ lực siêng năng phát huy cho được năng lực giác ngộ giải thoát của mình, làm sao sống được với những gì mình đã nhận, mới thật sự là về đến bến bờ an vui.
 

[ Quay lại ]