headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẬT PHÁP NƠI CHÍNH MÌNH

 Phật pháp nơi chính mình là một sự thật. Những ai đã có thời gian tu tập, trải nghiệm công phu sẽ thấu cảm được điều này. Phật pháp do chính bản thân mình khám phá sẽ đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc, đảm bảo. Thông thường Phật pháp do học hiểu từ các vị tôn đức, từ thầy tổ, thiện hữu tri thức chỉ dạy đều là phương tiện ban đầu. Chúng ta cần phải chiêm nghiệm Phật pháp nơi chính mình, Tam bảo nơi chính mình.

Nói Tam bảo tức là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Song nếu định nghĩa một loạt như thế, ta bỗng thấy Tam bảo ở đâu, chứ không có trong lòng mình. Bây giờ không nói theo danh từ chữ nghĩa suông nữa, mà ta nhận lại Tam bảo ngay nơi mình. Tam bảo ấy chính là tâm của chúng ta, nhà thiền gọi tánh giác. Hành giả phải nhận ra và hằng sống với tánh giác đó. Sống được với tánh giác tức là sống được với ông chủ của chính mình. Đó là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo nơi tự thân vậy. Đức Phật này không bị chi phối bởi thời gian, hoàn cảnh hay bất cứ sự kiện gì, trong khi mọi hiện tượng trên thế gian này đều bị chi phối bởi vô thường, đổi thay thần tốc.

Gần đây nhóm Phật tử đạo tràng Trúc Lâm Quán Sứ và Trúc Lâm Kiên Cố ở miền Bắc có cúng cho thiền viện một cái đồng hồ. Đồng hồ này nhảy giây, nhảy phút, nhảy giờ, nhảy ngày và cho biết thời tiết nữa. Tôi nhìn vô đồng hồ thấy cả một pháp tu. Nhìn số giờ thấy như nó lười lắm, cứ rề rề phát rầu, mà nhìn tới số giây thấy đèn chớp nhá liên tục, vừa thấy số một nó nhảy qua số hai, mới nhìn số hai nó nhảy qua số ba… Chỉ một khoảng nhỏ thế thôi, có khi mình nhìn không kịp. Tôi cảm nhận được rất rõ một điều là thời gian qua nhanh. Có cảm thấy thời gian qua nhanh chúng ta mới lo tu, mới sợ, chứ thấy nó rề rề thì lười biếng lắm. Tiếng tích tắc của đồng hồ vào ban ngày không là gì hết, vì sự ồn ào náo nhiệt chung quanh lấn át nó. Nhưng chúng ta thử một lần đối diện với tiếng tích tắc ấy khi chỉ có nó với mình thôi, quý vị sẽ nghe nó gõ lớn lắm. Nó gõ như vậy mới có chuyện mình từ trẻ hoá già chứ.

Hồi mình khỏe mạnh, đi đứng ngay ngắn. Khi đứng trước bậc lớn tuổi hay các vị đạo cao đức trọng, mình đứng nghiêm trang chắp tay cũng thấy chưa đủ thể hiện lòng quý kính lễ phép của mình. Nhưng bây giờ đứng trước vị thầy mình quý kính vô cùng mà thân thể cứ vặn vẹo thế này thế khác. Hoặc đứng mà tay chân không yên, một hồi sửa bộ sửa chân, một hồi thưa thầy cho con ngồi, đứng hết nổi v.v… Tiếng tích tắc đó gõ nhịp nghe nhẹ nhàng, chậm rãi là vậy mà làm cho muôn vật thay đổi đến kinh sợ. Cái thẳng biến thành cong, cái tròn biến thành khuyết… thay đổi hết. Nhìn đại cuộc đúng như câu nói “Biển cả hóa thành nương dâu”.

Lúc nhỏ chúng ta đi biển thấy bãi cát, sóng gió ầm ầm chứ có gì đâu, bây giờ ra thấy thay đổi nhanh quá. Không nói ngoài biển mà luôn cả những đoạn đường phụ cận cũng đổi thay hết. Đừng nói chi Vũng Tàu xa xôi, như Long Phước gần đây thôi, có những đoạn mới vài tháng trước đi ngang còn là đồng ruộng, nhưng vài tháng sau thấy có các toà nhà nổi lên, người ra kẻ vào tấp nập, chứ không phải đồng không mông quạnh như hồi trước. Rõ ràng là bể hóa cồn dâu chứ gì, những chỗ sâu hõm ngày xưa bây giờ nổi cồn lên thành lâu đài hết.

Có người đi chùa Thường Chiếu nói chùa thay đổi nhiều lắm. Tôi ngồi nghe họ nói thay đổi thế nào. Họ nói hôm trước không thấy mấy cây khế, bây giờ thầy bưng ở đâu về mà đông dữ. Tôi khai mấy thầy đi tuốt dưới Đất Đỏ bứng về. Tới hồi mấy cây khế chết, mấy thầy ráp bông ráp hoa vô, họ lại bảo mới hôm trước chỗ này là cây khế, sao hôm nay bỗng nhiên trổ hoa lạ quá. Tôi nói thì nó đã thay đổi chứ sao. Nhân duyên thời tiết hợp như vậy.

Sự thay đổi không nhất thiết hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt. Có khi từ xấu thay đổi thành tốt, có khi từ tốt thay đổi thành xấu. Đây là chỗ chúng ta tu. Như thấy đồng hồ chạy mà giữ tâm đừng chạy. Ngồi thiền nghiêm chỉnh cả một tiếng hơn, ta vẫn bình thường. Đó là mặc cho đồng hồ thay đổi, ta cứ tiến lên. Nhưng hôm nào thấy đồng hồ thay đổi, mình từ tư thế ngồi thiền nghiêm chỉnh, một lát bệt xuống khỏi bồ đoàn, sau đó nằm dài rồi nhắm mắt đi luôn. Đây quả thực là ta đã bị sự thay đổi lôi dẫn mình đổi thay theo.

Chư huynh đệ cố gắng giữ truyền thống nề nếp, nếu có thay đổi thì nên chọn cách thay đổi từ xấu trở thành tốt, từ chúng sinh trở thành Phật. Chúng ta không thể tìm Phật nào ngoài sự thay đổi ngay nơi bản thân mình. Đối diện với vô thường mình chuyển hóa để thành tựu từ chúng sinh thành Phật. Đó là lý tưởng mà cũng là ý nghĩa cao quý nhất của những người con Phật.

Hằng đêm chúng ta tụng kinh Bát-nhã đến mức thuộc làu, trên mặt trì tụng văn từ thì có thể nói đã được, nhưng về mặt hành thâm Bát-nhã để chấm dứt khổ ách thì chưa. Tụng thì tụng nhưng khổ ách vẫn còn nguyên. Như vậy chứng tỏ là ta chưa chuyển hóa. Vâng theo lời Phật dạy, sự chuyển hóa phải được thực hiện ngay trong cuộc sống này, con người này với tất cả mọi sự kiện chung quanh. Từ lâu chúng ta đã được học thân này nếu mất đi tìm lại rất khó, cho nên không để thời gian trôi qua suông. Lời nhắc nhở của thầy tổ như vậy, chúng ta biết rất rõ, nhưng vẫn để thời gian trôi qua vô ích. Điều này chúng ta cần phải tự răn nhắc và quyết tâm đối với mình một cách nghiêm nhặt, khẩn trương, không thôi sẽ muộn mất.

Lúc tôi mười hai tuổi, ở gần chùa có ông Tư làm cảnh sát, mà là cảnh sát bắt chó. Sáng mai thấy ông Tư chạy xe Mô-bi-lết tạch tạch dựng đầu ngõ, thì một lát có mấy người cầm thùng lưới, cây bằng sắt có vòng chụp vô cổ chó. Họ thảy vòng chụp được con chó, siết cổ lại rồi bỏ vô thùng. Chó ai cũng bắt hết. Thời gian sau ông Tư bệnh. Người nhà đến chùa mời quý thầy tới tụng kinh. Ông nằm trên một cái sạp rộng, đạp tung hết chiếu mềm, la hét um sùm, cái đầu luôn để thòng ra ngoài. Ba bốn người đàn ông giữ không được.

Thầy khai kinh và bảo chúng tôi ở lại tụng, anh nào cũng ngán hết, nhưng không dám cãi thầy nên ở lại tụng. Lạ một điều là khi chúng tôi tụng kinh ông nằm im. Trước kia ông cũng là Phật tử nhưng rất ít đi chùa, không khi nào thấy ông nghe thuyết pháp. Vô chùa đốt nhang xá Phật rồi ra về liền. Chúng tôi cứ tụng Đại Bi, Bát-nhã vậy chứ đâu biết kinh gì nữa. Bao nhiêu đó đánh mõ tụng hoài. Tụng thì yên mà nghỉ thì ông hét. Trải qua mấy đêm, sức khỏe ngày càng yếu, cần cổ như bị nghẹt, ông la hét cũng hết nổi, chẳng bao lâu thì chết.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, một khi vô thường đến, mình không kịp thay đổi những tập nghiệp xấu ác thì phải chuốc quả khổ. Cho nên thời gian rất quý báu, mỗi vị phải biết cách dùng thời gian cho thật xứng đáng, nhất là người tu chúng ta. Nếu không chuyển hoá ba nghiệp cho thanh tịnh, đợi đến đêm ba mươi, phải mang nghiệp ác đi thọ sanh, thì còn cơ hội đâu nữa mà tu hành. Khổ đau chồng chất khổ đau, biết đến bao giờ mới thoát khỏi. Thật đáng nên lo sợ.
Chúng ta tu thiền tức là phải có định và tuệ. Nói tu thiền mà không có định tuệ thì chỉ là nói suông, không có ý nghĩa gì cả. Người không suy nghĩ nhiều, không toan tính, rỗng sáng thì dễ yên dễ định. Hễ có định là phát tuệ, điều đó dĩ nhiên như thế. Bây giờ ngồi lại ta thấy mình lăng xăng quá thì biết thiếu tỉnh, nên buông bỏ bớt lăng xăng để tỉnh. Hòa thượng Viện trưởng dạy quán sát tâm vọng tưởng lăng xăng không thật, huyễn hóa, không theo nó nữa, đó là trí tuệ. Cho nên muốn có trí tuệ ta phải là người buông được, không bị mắc míu bởi những hiện tượng lăng xăng. Trí tuệ ấy hỗ trợ trở lại cho định. Định tuệ đẳng trì chính là công phu chủ yếu của hành giả tu thiền.

Một khi chúng ta biết cách tu và đã chuẩn bị rồi thì đêm ba mươi tối đen đến, mình không sợ. Bởi vì chúng ta tự biết mình đi đâu, chủ động hoàn toàn. Gần đi, súc miệng rửa mặt sạch sẽ, nói lời từ biệt mọi người chung quanh rồi thở cái khì, đi tự tại. Thật là hay biết chừng nào. Bây giờ mình còn mắc míu là biết chưa định, chưa tự tại đối với tất cả cảnh duyên. Trí tuệ còn khiêm tốn lắm cho nên phải phấn đấu, tập trung, gắng gổ, kiên trì phát huy trí tuệ mạnh lên. Đó là người biết thương mình.

Phật nơi chúng ta là tánh giác sáng suốt, Pháp nơi chúng ta là đầy đủ định tuệ, Tăng nơi chúng ta là bảo vệ hành trì như thế liên tục. Hội đủ ba điểm ấy là có Tam bảo nơi mình. Bát-nhã là pháp không cứng ngắt, bởi vì Phật dạy không có gì cố định. Chúng ta ứng dụng tu thế nào để hóa giải được tất cả vọng tưởng điên đảo, tâm thanh tịnh yên ổn là hành Bát-nhã. Quý vị tụng Bát-nhã hoài mà không hành được, nên không hết khổ ách. Bây giờ không cần phải ngồi đó tụng Bát-nhã, quý vị có thể làm bất cứ điều gì miễn là trị được ngã chấp, pháp chấp, không còn bị khổ ách quấy nhiễu nữa, tự tại đối với các pháp, đó là hành thâm Bát-nhã vậy. Bản kinh do tự mình phát minh, sử dụng không nhất thiết phải ngồi, phải nằm, phải đi, phải đứng gì cả, làm sao quý vị an ổn là tốt.

Hòa thượng dạy có những vọng tưởng mình vừa chiếu nó lặng liền, nhưng có thứ nó hiện đi hiện lại hoài. Đối với những vọng tưởng này phải làm sao? Nếu ta cứ lờ qua, để nó hiện lại hoài là thua rồi. Bây giờ phải khắc trị nó. Như người ra trận, bắn súng nhỏ không xong thì bắn súng lớn. Có nhiều cách, chứ không nhất thiết một loại súng bắn lạch tạch hoài. Việc tu hành cũng vậy, đối với vọng tưởng không thể mềm mỏng được, phải mạnh dạn chuyển hóa nó. Chuyển bằng cách này không được thì chuyển bằng cách khác. Mặc nó chạy nhảy lung tung, mình cứ nắm quyền chủ động. Từ đó tiến tới, tỉnh sáng liên tục để phát hiện ra hành tung của nó thì không bị nó lừa. Đó là Tam bảo tự nơi chính mình, cần phải giữ gìn và phát huy.

Thành quả tu hành nằm trong việc làm hằng ngày của chúng ta. Đức Phật A-di-đà trong thời tu nhân, quán sát thấy chúng sinh khổ đau, bị luân hồi sinh tử nhiều kiếp, ngài thương vô cùng. Ngài tu hành và nguyện tạo ra một thế giới hoàn toàn thanh tịnh, ở đó không có sự khổ đau, không có danh từ khổ đau. Thành tựu được thế giới như vậy rồi, tất cả chúng sinh nào sợ khổ, niệm danh hiệu ngài được nhất tâm, ngài sẽ đón về thế giới Cực Lạc. Điều kiện nghe thì dễ, chỉ nhớ niệm danh hiệu của ngài nhất tâm, ngài sẽ đón về. Nhưng làm được hay không là chuyện của chúng sinh.

Chúng sinh cứ lăng xăng lo giàu lo nghèo, lo thiếu lo đủ, lo ăn lo mặc, lo con lo cháu v.v… Xuất gia thì lo chùa chiền. Chùa năm nay chưa sửa được nhà tổ, ráng làm sao sửa cho được. Sửa nhà tổ xong rồi, chưa cất thiền đường, chưa sắm chuông mõ… đủ thứ chuyện, ráng làm sao cho được nữa. Được cái này lại muốn cái khác, không có ngày xong. Ngoài đời có chuyện ngoài đời, trong đạo có chuyện trong đạo. Chúng ta cứ vương cứ máng, mắc míu những chuyện như vậy, làm sao nhất niệm, vô niệm được. Người tu thiền lấy vô niệm làm tông, tức không có vọng tưởng là việc chính yếu. Vô niệm tức chánh định, cũng gọi chánh thọ.

Kiểm nghiệm lại, thấy mình còn lăng xăng điên đảo thì phải thương mình, sắp đặt việc tu việc làm cho an toàn, đảm bảo phút chót của mình giữ được chánh niệm. Giờ phút đó không giữ được chánh niệm sẽ bị cận tử nghiệp kéo đi. Cận tử nghiệp rất quan trọng trong giờ phút sắp lâm chung. Cho nên chúng ta phải biết lo, biết chuẩn bị cho mình.

Trong kinh kể lại, có lần người em họ của đức Thế Tôn là Thích Ma-ha-nam hỏi Phật: “Một người khi sắp mất, làm sao để biết họ đi về đâu?” Đức Phật trả lời: “Giống như cái cây đang bị cưa, tán của nó ngả về hướng nào, thì khi đổ xuống nó sẽ nghiêng về hướng đó”. Hiện đời người nào sống bằng ác tâm thì khi mất sẽ đi theo ba đường ác, chắc chắn như vậy. Cận tử nghiệp không làm gì được nếu ta tỉnh sáng trong mọi sinh hoạt bình thường. Thành ra ngay bây giờ mình phải tu, không phải đợi tới lúc lưỡi cứng, tay chân quờ quạng mới tu, như vậy là trễ rồi. Muốn khi mất có sức tự chủ, thì lúc sống phải có thói quen tự chủ. Đừng để chủng tử nghiệp tập hiện ra lúc mình gần chết, nhất định khi ấy ta sẽ chạy theo nó thôi, đi về đâu không thể biết nổi. Dùng tỉnh sáng để trang nghiêm, làm chuẩn thằng cho việc tu hành. Cố gắng nuôi dưỡng bảo vệ gầy dựng không để nó bị khuyết kém ở đoạn nào. Người như vậy là biết thương mình.

Có một Phật tử than với tôi thế này, ông già của con ngày thường hết sức nghiêm chỉnh. Đến lúc bị bệnh nặng, mất tự chủ đi tiêu đi tiểu không hay. Ông đòi những việc rất kỳ. Nếu chủng tử nghiệp ấy tồn đọng thì lúc lâm chung e nó sẽ hoành hành và dẫn đi. Người nhà rất lo. Việc này thật ra không có gì lạ. Bình thường ý thức mạnh, ba thứ cù cặn kia không hiện ra được. Bây giờ mất tự chủ, ý thức yếu không đủ sức che đậy, nên cù cặn trồi lên. Khi mạnh khoẻ nó cũng có đầy đủ nhưng nằm sâu trong tiềm thức và được che đậy nguỵ tạo bởi lớp đạo đức bên ngoài. Đến khi ta yếu, nó hiện hình lên hoành hành. Ý thức và năm thức trước không còn làm gì được nữa. Bấy giờ con mắt nhìn mà không phân biệt được, người thân hỏi lắc đầu không biết ai. Khi này chỉ còn lại thức thứ bảy và thứ tám. Thức thứ bảy là thức chấp ngã cũng gọi mạt-na thức. Chấp ngã là chấp cái ta, cho nên lúc đó sợ chết lắm. Càng sợ càng bám víu vào thân, nên bằng mọi cách ôm giữ, để rồi tìm đường thọ thân trong luân hồi sinh tử. Chỗ này thật là mịt mù, đến như Phật Bồ-tát còn phải ngán sợ.

Cái ngã không ra gì nhưng cả đời ta vì nó, cho nó là sự nghiệp, công danh, địa vị… nên chấp chặt khó buông bỏ. Những vị hiện đời có quyền chức, đố ai dám cột trói khiêng liệng chỗ này chỗ kia. Tới lúc nằm một chỗ thở không nổi nữa, người ta khiêng tới khiêng lui, đành chịu thôi nhưng trong lòng bực tức không vui. Bởi vì cái chấp ngã sâu nặng bằng mọi cách luôn bảo vệ thân này đến cùng. Đến khi hơi thở trút ra không lấy lại nữa, thức thứ bảy cũng rút lui, chỉ còn lại thức thứ tám, biểu hiện dưới dạng hơi ấm. Vì vậy người ta xem hơi ấm tồn đọng chỗ nào, tạm đoán thần thức sẽ đi về đâu.

Phật dạy pháp tu cho tròn nhân cách, không bị rơi vào ba đường dữ là giữ tam quy ngũ giới. Khi Phật tử thọ năm giới, quý thầy dạy: Thọ và giữ tròn năm giới, đó là tu nhân làm người. Người giữ tròn năm giới được phúc lạc trong kiếp này và những kiếp sau. Nếu tu hành trọn vẹn năm giới rồi, lại tu thêm thập thiện thì được sanh về cõi trời. Tu nhân như thế sẽ được quả như thế v.v...

Nhiều Phật tử khi người thân mất, rờ thử thấy phần trên lạnh, từ bụng xuống đầu gối bàn chân nóng, xúm nhau khóc quá trời quá đất. Lúc đó khóc cũng đâu làm gì được. Bây giờ cố gắng tập trung tu tạo công đức, động viên người thân làm phước để hỗ trợ cho hương linh tỉnh giác, buông hết thói quen tạo nghiệp xấu lúc sanh tiền. Như thế còn chút hy vọng giúp người thân thoát khỏi ba đường dữ, chứ khóc than chỉ càng làm rối và tối tăm thêm cho thần thức người đã mất.

Người tu đối với ba thứ tham sân si nhất định phải bỏ. Tu gì thì tu, mười năm hay một hai năm, kiểm lại thấy tham sân si còn nhiều thì phải ráng bỏ cho được. Một chữ bỏ thôi. Tụng kinh cũng được, ngồi thiền cũng được, làm tất cả việc công đức cũng được, nghe sự chỉ dạy của các bậc thầy, thiện hữu tri thức đều được, nhưng miễn sao bỏ hết kiến chấp là tốt.

Hòa thượng Viện Trưởng Trúc Lâm dạy một chữ buông. Buông cho được những gì không cần thiết, dứt khoát loại bỏ bằng mọi cách. Nếu buông thẳng chưa được thì quán chiếu. Quán chiếu thế nào? Chúng ta phân đoạn, phẫu thuật ra từng mảnh, từng phần sẽ buông một cách dễ dàng, chứ không khó khăn chi. Ví dụ ta nhìn tổng thể thấy một bàn tay rất đẹp, những ngón tay mượt mà, đó là nhìn chung hình dáng bên ngoài. Nhưng khi phẫu thuật, nhìn bằng cặp mắt quán chiếu, thì bàn tay đó do da bọc lại, các sợi gân cột giữ, những đốt xương làm sườn, trong đó có máu có thịt v.v… Bây giờ xẻ những thứ này ra từng phần, lấy da để riêng, gân để riêng, xương để riêng… Đừng nói banh hết bàn tay ra, nội lượm mấy đốt xương thôi cũng đủ khiếp đảm rồi. Nếu bảo phải thương bàn tay đó, chắc chắn không ai dám thương, bảo hôn bàn tay đó, thiên hạ lạy chạy nhanh. Đừng nói của ai, của mình mình cũng không thương được. Trong gia đình ruột thịt thương yêu nhau lắm, nhưng người thân chết là mình sợ ma. Nhờ quán chiếu như vậy ta không còn đắm luyến vào bàn tay. Từ từ buông bỏ sự đam mê của mình vào các thứ sắc chất hư giả.

Dùng trí tuệ phân tích, phẫu thuật các pháp không thật, vô thường, chúng ta sẽ buông được. Huynh đệ cũng có thể dùng phương pháp này để buông vọng tưởng. Làm thế nào buông cho hết những tham sân si, tật đố… các thứ bệnh tật trong tâm chúng sinh. Đó là bệnh tật, chứ không phải bản tánh của mình. Trong đạo nói tánh là chỉ cho cái tính chất bất sanh bất diệt, cái đó sáng suốt không bị chi phối bởi mọi hiện tượng bên ngoài. Có vị nói tánh tôi hơi nóng, nói như thế là không đúng, mà phải nói tật của tôi hơi nóng. Hiểu rõ như vậy mới có thể trị bệnh nóng thành nguội mát lại.

Trong quá trình công phu chúng ta luôn luôn nhìn thấy như vậy, kiểm điểm như vậy, thúc liễm và nỗ lực tu tập để chuyển hoá ba nghiệp tham sân si. Ta quán sát xem nghiệp nào nặng thì chú tâm trị nó nhiều hơn. Ví dụ mình thấy tật nóng còn nhiều thì phải trị nóng bằng phương pháp quán từ bi Phật đã dạy. Trị cho hết nóng để mình được bình thản, khi bỏ thân này ra đi tự tại. Ai còn tham đắm nhiều, kiểm lại cái tham nào nặng nhất, chưa buông được thì phải ráng buông. Thiền là phát huy định và tuệ bản hữu nơi mỗi chúng ta, không khi nào chấp nhận tham sân. Người còn nhiều tham sân khó vào thiền định được. Làm sao cho trí tuệ tròn sáng, đầy đủ mới là người biết thương mình, lo cho mình.

Hôm nay chúng tôi nêu lên một số vấn đề liên hệ đến việc tu tập hằng ngày của chư huynh đệ chúng ta. Từ cái nhìn Tam bảo nơi tự tâm mỗi người, cái thấy ba độc tham sân si nguy hại đến sự nghiệp giác ngộ giải thoát của chúng ta, mỗi vị nên sắp đặt chuẩn bị công phu như thế nào, đảm bảo tới lúc mình đối diện với tử thần, bỏ thân này được tự tại. Người như vậy là người biết tu, nhất định sẽ giải thoát an vui.

[ Quay lại ]