headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 28/04/2024 - Ngày 20 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Tứ Xuyên)

LẠC SƠN ĐẠI PHẬT


Ngày 10-5-2007
Ăn sáng xong, đoàn đáp chuyến bay đi Thành Đô vào lúc 8 giờ sáng. Sân bay Thành Đô nhỏ hơn sân bay Quảng Châu. Thành Đô là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Đoàn đến Trung Quốc vào đầu mùa hè, nên nhiệt độ Tứ Xuyên lúc này khoảng 80C – 150C. Ở đây quanh năm sương mù nên ta có cảm giác mát dịu hao hao như Đà Lạt. Nếu là mùa đông chắc sẽ lạnh hơn nhiều.

 Tứ Xuyên là tỉnh đông dân, khoảng 120 triệu dân, có diện tích hơn nửa triệu cây số vuông, lớn gấp rưỡi Việt Nam. Đây là tỉnh có địa thế rất hiểm trở, hình lòng chảo, núi non vây quanh tứ bề. Phía nam là cao nguyên Vân Nam, phía đông bắc tiếp giáp với Thiểm Tây, phía đông là rặng Vu sơn, phía tây là Thanh Hải – Tây Tạng. Ngày xưa nơi đây là vùng biên địa hạ tiện, đất đai khô cằn. Đến thế kỷ IV trước công nguyên mới được người Hán đến khai khẩn.
Khách đến Tứ Xuyên thì không thể không nhớ tới nước Thục ngày xưa của Lưu Bị. Sử Trung Quốc ghi rằng đầu công nguyên (năm 67) vua Hán Minh Đế là người đầu tiên ngưỡng mộ Phật pháp và cho truyền bá đạo Phật trong xứ sở này. Đó là thời Hậu Hán. Sau gần 200 năm, con cháu của Minh Đế là Hiến Đế lên ngôi, bị Đổng Trác và Tào Tháo chuyên quyền lấn hiếp. Trong tôn thất nhà Hậu Hán có một người tên Lưu Bị, làm nghề dệt chiếu, đóng dép. Đau lòng vì cơ nghiệp nhà Hán, ông kết nghĩa cùng Quan Vân Trường, Trương Dực Đức dấy quân phò vua giúp nước. Song có thể nói đại nghiệp của ông thành tựu là nhờ vào thiên tài Khổng Minh Gia Cát Lượng (181-234). Quân sư Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị chiếm được vùng đất Thục, nay là tỉnh Tứ Xuyên, đóng đô ở Thành Đô.
Bấy giờ Tào Tháo giữ đất Trung Nguyên gọi là nước Ngụy, còn Tôn Quyền dựng nước Ngô. Đó là ba vùng đất to lớn, chia Trung Quốc ra thành thế chân vạc, mỗi người hùng cứ một phương và luôn rình rập dòm ngó nhau. Không biết vì chí lớn muốn thống nhất giang san một cõi hay vì lòng tham không đáy của con người mà trận đồ đẫm máu Tam quốc Ngụy, Thục, Ngô kéo dài suốt 60 năm, để lại cho hậu thế tác phẩm Tam Quốc Chí chưa khô dòng huyết lệ, quá đau thương để cho người sau phải ngậm ngùi.
Chịu bao biến đổi thăng trầm, bể hóa cồn dâu, Tứ Xuyên bây giờ không còn là biên địa hạ tiện nữa mà trở thành một trong những tỉnh gần trung tâm rất phát triển của Trung Quốc. Lưu Bị có còn nằm trong thành Bạch Đế, cung Vĩnh An mà ngắm Tứ Xuyên ngày nay, chắc hẳn sẽ thấy vui? Bài học lịch sử nào cũng có kẻ thắng người bại, nhưng rồi tất cả đều trở thành thiên cổ, tro tàn xương lạnh, tương sinh tương diệt theo quy luật vô thường. Có chăng chỉ còn lại khí tiết, phẩm chất, đạo đức của người anh hùng. Song những thứ ấy cũng không sao sánh được với cái lẽ chân thường, hư ngưng tịch lặng.  Con người chỉ là một chút duyên sinh theo nghiệp tạm đến, thuận dòng tạm đi, sao để thân tâm chịu nhiều khổ lụy như thế!
Hãy xem Thượng sĩ Tuệ Trung nước ta, một tướng lĩnh chung vai sát cánh với vua Trần, với dân tộc trong những ngày đất nước gặp cơn binh biến, đã có thái độ đến đi trong cuộc đời bằng cái tâm của người sống đạo, đẹp và tỏa sáng hơn cả vầng trăng: “Đói thì ăn chừ cơm mười phương góp, mệt thì ngủ chừ nơi chẳng quê hương… Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt, tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng”. Được thế là do Thượng sĩ tu thiền, liễu đạt nguồn tâm, sống tự do, chết tự tại, không gì có thể buộc ràng. Cho nên Ngài đã bất tử, đã sống mãi trong lòng đất Việt, trong lòng Tăng Ni, Phật tử và dân tộc Việt Nam, không tính kể thời gian.
Đường từ phi trường đến Thành Đô khá tốt. Những mảng dây leo dọc bờ đá ở hai bên đường man mác xanh lẫn trong sương mờ, làm cho Tứ Xuyên mù tỏa lại càng mù tỏa hơn. Mặt trời lên muộn, đã gần 11 giờ trưa mà vẫn chưa thấy nắng. Dân ở đây bảo có hôm mặt trời ngủ quên thì Tứ Xuyên cũng trùm mây mà ngủ luôn suốt ngày đêm. Thật ra, vùng bình nguyên đất đỏ này như cái lòng chảo nằm chính giữa, chung  quanh núi non bao phủ, nên khí hậu lạnh và ẩm quanh năm, hiếm khi thấy nắng ấm trời trong.
Vào Thành Đô, dùng trưa xong là đoàn đi ngay đến Lạc Sơn. Đây là một thị trấn nhỏ nhưng lại có đức Phật rất lớn - Lạc Sơn Đại Phật. Diện tích Lạc Sơn là 12.800km2, có 3.600 dân và hơn 3.000 năm lịch sử. Thời Nam Bắc triều gọi đây là Gia Châu, thời Nam Tống gọi là Gia Định, đến đời Thanh gọi là Lạc Sơn và tên này được dùng luôn cho tới nay. Người ta bảo ở đây nổi tiếng là “Nhất Sơn, Nhị Phật, Tam Giang”. Nhất sơn là Nga My sơn, Nhị Phật là Đại Phật, Tam giang là ba dòng Mân giang, Thanh Y giang và Đại Độ hà hợp lưu tại Lạc Sơn. Vì thế nó trở thành đô thị được nhiều du khách vãng lai.
Chúng tôi phải đi bộ một đoạn đường khá xa (khoảng 3km) và đẹp dọc bờ Mân giang trước khi được đảnh lễ Như Lai. Nước sông hắt lên làm dịu bớt cái hanh nắng mùa hè. Cảm ơn hàng cây xanh bên đường phe phẩy một chút gió và bóng mát tỏa râm là món quà tặng lữ khách phương xa. Mới đến Trung Quốc có hai ngày, cho nên ai cũng còn đủ sức, đi rất khỏe. Xem ra đây mới chỉ là khúc đầu của bản dạo bộ, đi bộ, lội bộ cho tới chạy bộ của chúng tôi suốt 14 ngày tại Trung Quốc. Hết lên đường lại xuống đường, muốn dừng cũng không sao dừng được. Các tay nhiếp ảnh trong đoàn vẫn còn rất thư thả nhắm, ngắm, bấm… thật vui vẻ.
Truyền thuyết kể về sự ra đời của đức Phật nơi đây khá hay. Lạc Sơn là chỗ nhập lưu của ba dòng Mân giang, Thanh Y giang và Đại Độ hà. Do vậy chỗ này nước xoáy, sóng dữ, sẵn sàng lật đắm ghe thuyền bất cứ lúc nào. Dòng thủy triều nơi đây trở thành mồ chôn của bao nhiêu khách thủy hành. Bấy giờ có một vị tăng hiệu là Hải Thông không chịu được thảm cảnh ấy, ngài quyết chẻ núi lấp sông. Và kỳ tích hơn là chính ngọn núi được chẻ ấy sẽ tạc thành tượng của đức Đại Phật Lạc Sơn. Ngài chọn một vách đá lưng dựa vào núi Lăng Vân, mặt nhìn ra đúng chỗ hợp lưu của ba dòng sông trên, rồi quyên góp lòng hảo tâm của nhiều người, chung vai góp sức để thực hiện tâm nguyện trên. Viên quan địa phương bấy giờ thấy Ngài có tiền của, nổi lòng tham nhũng nhiễu đòi chia. Ngài cương quyết không cho và nói đó là số tiền của bá tánh, nếu của riêng thì Ngài sẵn lòng. Viên quan không tha, xin thử mắt đại sư, nào ngờ Ngài móc mắt đưa ngay. Sự việc đó làm cả người lẫn thần sông phải kinh sợ. Thế là ngài Hải Thông bắt đầu xây dựng công trình này vào năm 713 đời nhà Đường.
Công trình chưa xong thì Đại sư đã theo Phật. Do tâm hạnh và bi nguyện của Ngài quá lớn, quá cảm động lòng người nên chiêu cảm nhiều tăng sĩ tự nguyện noi theo, tiếp tục công trình cho tới ngày hoàn thành. Thật đáng khâm phục, 90 năm sau tức năm 803, Đại Phật Lạc Sơn viên mãn tỏa sáng và trở thành tượng Phật được điêu khắc từ đá lớn nhất thế giới với chiều cao 71m. Mặt Phật rộng 10m, mắt ngang 3,3m, tai dài 7m, vai rộng 24m, trên bàn chân đứng hơn 50 người, thế ngồi an nhiên vững chãi. Quả xứng với câu “Sơn thị nhất Tôn Phật, Phật thị nhất tòa sơn” (núi là một vị Phật, Phật là một ngọn núi). Kể từ đó ngọn Lăng Vân được kiến tạo thành một quần thể hang động với rất nhiều chư Phật và Bồ-tát.
Đức Phật ngự trên một tòa núi đá, uy nghi hùng tráng trước sông nước như vậy thì nước sông nào dám nổi cơn cuồng nộ? Cho nên từ đó dòng sông biến đổi hoàn toàn, đá từ núi đổ xuống đã lấp bằng những chỗ xoáy sâu, chế ngự được các dòng chảy hỗn loạn. Người dân yên tâm trên những chuyến thuyền qua lại. Đến đây, hầu như ai cũng hướng về Đại Phật cúi đầu chấp tay cung kính đảnh lễ và không quên tưởng nhớ đến công đức của đại sư Hải Thông.
Đoàn đi đường vòng lên chùa Lăng Vân. Chùa nằm ở vị trí ngang đầu mặt Đại Phật. Cảnh trí già-lam u nhã thanh tịnh. Kiến trúc đẹp, vòm mái các điện đài chạm trổ sắc sảo, thanh nét, tạo cho khách cảm giác nhẹ nhàng tươi mát. Đứng trên cao nhìn xuống ta thấy rõ hai con đường hẹp ở hai bên đức Phật, xây thành cấp thang dẫn từ chân Đại Phật lên núi Lăng Vân. Thiện nam tín nữ có thể nhiễu quanh theo bên phải ba vòng (nếu đủ sức) rồi đứng lại cung kính đảnh lễ Như Lai mà thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài ít bệnh ít não chăng? Chúng sanh ở đây dễ độ chăng?” Nếu đức Phật gật đầu thì xem như kẻ ấy có duyên với Đại Phật lắm. Du khách cũng có thể dùng thuyền theo dòng Mân giang đến ngay dưới chân tượng, lễ Phật rồi lên chùa chiêm ngưỡng Như Lai.
Chúng tôi ngồi nơi lầu chuông nhìn xuống ngã ba sông, chỗ hợp lưu ba dòng Mân giang, Thanh Y giang và Đại Độ hà bây giờ, con nước thật hiền hòa, lững lờ quanh những cồn cát nổi vân. Ai biết được nó đã hung tợn như thế nào trước đây những nghìn năm? Ai dám bảo không có gì thay đổi theo dòng thời gian? Chỉ có điều các pháp đổi thay tốt hơn hay xấu hơn mà thôi. Tất cả đều tùy tâm lưu chuyển. Nếu không phải là từ tâm, đại tâm như đại sư Hải Thông và chư sư tiếp nối thì liệu dòng sông có được như ngày nay chăng? Cho nên trước tiên phải chuyển cái tâm mình đã, lo gì không hết khổ, được vui. Tâm có Phật ngự thì hết sợ, như Lạc Sơn Đại Phật với Tam giang đầu hợp vậy.
Chiều xuống nhanh, tiễn chân chư tăng Việt Nam là những chung trà ấm của Lăng Vân Tự và nụ cười hiền của Sư Trụ trì. Mong ngày gặp lại.

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]


 

[ Quay lại ]