headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

173 - Hoa Nghiêm rồng uốn khúc

華 嚴 蟠 龍

Hoa Nghiêm bàn long

投 子 俊 鷹

Ðầu Tử tuấn ưng

永 安 定 見

Vĩnh An định kiến

慧 寂 夢 昇

Huệ Tịch mộng thăng

691. — Hoa Nghiêm rồng uốn khúc

Thiền sư tên Ðạo Long, chẳng biết người xứ nào. Ðầu niên hiệu Chí Hòa (1056), Sư đi đến Kinh sư, làm khách tăng của chùa Cảnh Ðức.

 Mỗi ngày, Sư thường dạo chơi trong phố phường của Kinh đô và trở về chùa vào lúc trống điểm canh hai. Người gác cổng quở trách mà Sư cũng chẳng chừa thói quen đó. Một buổi tối, Sư trở về chẳng vào được nên nằm bên dưới cửa chùa. Vua Nhân Tông nằm mộng thấy đến cửa chùa Cảnh Ðức gặp một con rồng đang uốn khúc, vua sợ hãi thức giấc. Ngay trong đêm, vua cho mời quan Trung sứ tới, bảo đến chùa xem xét. Vị quan này thấy một vị tăng đang nằm ngủ say, liền lay cho tỉnh dậy để hỏi họ tên, xong trở về tâu lên vua. Vua nghe tên Ðạo Long liền vui vẻ bảo rằng:

– Ðây là điềm tốt!

Sáng hôm sau, vua cho mời Sư đến cung điện để hỏi về tông chỉ. Long đối đáp đầy đủ và rõ ràng. Vua rất vui, xuống chiếu cho Sư ở viện Thiệu Châu, chùa Ðại Tướng Quốc. Các bậc quyền quí vương công tranh nhau gặp mặt Long, gặp lúc Long chưa kịp súc miệng, rửa mặt; giầy dép của họ để đầy ngoài cửa. Vua thường dùng kệ để xướng họa với Sư, ý tứ nơi đạo lí. Hoặc Sư được vua giữ lại nghỉ đêm trong cung cấm, vua đặc biệt lễ kính, ban thưởng cho Sư rất hậu, ban hiệu là ứng Chế Minh Ngộ Thiền sư. Niên hiệu Hoàng Hựu thứ hai (1050), vua xuống chiếu cho mời tăng Hoài Liễn ở Lô Sơn đến hoàng cung, diễn pháp ở vườn sau điện Hóa Thành. Vua cho vời Ðạo Long đến để vấn đáp với Hoài Liễn. Hoài Liễn cơ phong bén nhạy. Vua rất vui, cho hộ vệ Hoài Liễn về núi. Ðạo Long dâng sớ xin trở về chùa cũ để dưỡng bệnh, vua chẳng chịu. Có chiếu chỉ xây cất tinh xá tên Hoa Nghiêm thiền viện ở phía Bắc chùa Hộ quốc ngoài Tào môn, để cho Sư ở.

Sư sống nhàn nhã nơi Thiền viện. Các bậc Danh tăng phần lớn qua lại với Sư.

(Theo: Tăng Bảo truyện.)

692. — Ðầu Tử chim cắt đẹp

Thiền sư tên Nghĩa Thanh. Thầy của Sư bảo Sư phải học luận Bách Pháp, Sư than rằng:

– Con đường ba a-tăng-kì xa xôi, tự giam mình như thế nào có ích gì!

Sư vào đất Lạc Dương nghe kinh Hoa Nghiêm được năm năm, rồi quán trở lại tất cả văn tự như xỏ xâu các thứ trái, mỗi chỗ đều có nghĩa vị của nó. Có lần Sư giảng đến chỗ Bồ tát Chư Lâm nói kệ rằng: “Tức tâm tự tính”, chợt tỉnh ngộ, nói:

– Pháp vốn lìa văn tự, có thể giảng được sao?

Nói xong, Sư bỏ đi, du phương đến chỗ của ngài Phù Sơn. Khi ấy Thiền sư Viên Giám lui về ẩn ở núi Hội Thánh mộng thấy có nuôi một con chim cắt rất đẹp. Khi ngài tỉnh dậy thì thấy Thanh cũng vừa đến. Viễn cho đây là điềm tốt nên dùng lễ đãi Sư, giữ Sư ở lại ba năm. Sư thưa hỏi được khai ngộ và rất siêng năng làm việc chúng. Trong ba năm ấy, Viên Giám đem tất cả giầy da, áo tràng của Ðại Dương trao lại cho Sư (việc này rút ra từ truyện của ngài Phù Sơn), và dặn rằng:

– Ðời ta tiếp nối tông phong Tào Ðộng. Ta ở đời chẳng còn được lâu, ngươi hãy khéo giữ gìn, ta không giữ ngươi ở lại nơi này.

Thanh từ giã Viên Giám rồi xuống núi. Sư duyệt Ðại Tạng ở chùa Huệ Nhật, Lô Sơn. Về sau trụ ở núi Ðầu Tử, đạo phong của Sư ngày càng vang xa, số Thiền giả ngày càng tăng thêm. Mầm hạt đặc biệt trở thành quả trái tốt đẹp, phù hợp với lời sấm kí: Lúc mới khai sơn, ngài Từ Tế có thụ kí rằng: “Nếu tháp thờ ta đổi thành màu đỏ thì ta tái lai”. Người trong ấp chợt sửa sang ngôi tháp của ngài, làm bằng mã não. Ít lâu sau, Nghĩa Thanh lãnh cai quản Thiền viện. Trong núi đã lâu không có nước, chúng thường lấy làm lo lắng. Bỗng nhiên lúc Sư đến có dòng suối từ trong vách đá chảy ra, nước suối ngọt, mát, thanh khiết. Quan Quận thú chúc mừng Sư và đặt tên suối là Tái lai tuyền.

(Theo: Tăng Bảo truyện.)

693. — Vĩnh An thấy trong định

Thiền sư Vĩnh An ở chùa Báo Ân Quang Hiếu, Hàng Châu, gặp Quốc sư Ðức Thiều khai thị liền đốn ngộ bản tâm.

Nhân Thiên bảo giám ghi: “Trung Ý Vương nghe đạo phong của Thiền sư Quang Hiếu An vang xa, liền mời Sư trụ chùa Thanh Thái ở đất Việt (vùng phía Ðông tỉnh Chiết Giang). An chẳng vui khi lãnh chùa này, Sư chỉ ngồi yên trong trượng nhất như nhập đại định. Một hôm trong định Sư thấy hai vị tăng đứng tựa vách điện nói chuyện, có thiên thần bảo vệ và lắng nghe. Một lúc sau, có ác quỉ đến chửi mắng rồi xóa hết dấu chân của hai vị này. Sư hỏi ra mới biết lí do như sau: Ban đầu hai vị Tăng đứng tựa vách, bàn luận Phật pháp; sau đó họ bàn về thế đế. An nói:

– Nói chuyện phiếm còn như thế, huống là làm trụ trì, đánh trống, thăng tòa nói những việc vô ích ư?

Từ đó đến suốt đời, Sư chưa có lần nào nói chuyện thế gian. Lúc An mất, người ta hỏa táng nhục thân. Cuối cùng chỉ còn cái lưỡi của Sư là chẳng cháy, mềm mại như cánh sen hồng.

(Theo: Truyền Đăng lục.)

694. — Huệ Tịch mộng bay lên

Một hôm, Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đang nằm ngủ, mộng thấy đi vào nội viện của đức Di-lặc. Trong viện các tòa đều có người ngồi, chỉ có tòa thứ hai là còn trống. Sư liền lên đó ngồi. Có vị Tôn giả bạch chùy, nói:

– Hôm nay đến phiên tòa thứ hai thuyết pháp.

Sư đứng dậy bạch chùy, nói:

– Pháp Ðại thừa ly tứ cú tuyệt bách phi, lắng nghe, lắng nghe!

Mọi người đều giải tán.

Ðến khi thức giấc Sư thuật lại cho Qui Sơn nghe.

Qui Sơn nói:

– Con đã vào Thánh vị!

Sư liền lễ bái.

Khi Thiền sư Hối Cơ Hy trụ Ngưỡng Sơn lần thứ hai, có làm kệ như sau:

                    Thanh sơn dũng xuất Hoàng kim trạch

                    Bạch nhật mộng thăng Ðâu-suất thiên.

                    Núi xanh bỗng có ngôi chùa Phật

                    Ban ngày mộng thấy lên Ðâu-suất.

                                    (Theo: Ngũ Đăng Hội Nguyên.)

[ Quay lại ]