headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng, ở trong đại chúng đứng dậy chắp tay làm lễ mà bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt độ ở tại cõi Ta Bà này siêng tu tinh tấn, giữ gìn đọc tụng biên chép cúng dường kinh điển này, thời chúng con sẽ ở trong cõi nước đây mà rộng nói đó".

Khi đó Phật bảo các chúng đại Bồ tát: "Thiện nam tử! Thôi đi chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta bà của ta tự có chúng đại Bồ tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ tát có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc những người đó có thể sau khi ta diệt độ hộ trì đọc tụng rộng nói kinh này".

GIẢNG:

Phẩm này tiếp theo phẩm trước, Phật dạy cách thức trì kinh để được an ổn không chướng ngại, nhưng lấy cái gì để trì?

Qua phần Phật dạy bốn hạnh an lạc, các vị Bồ tát ở phương khác đứng dậy bạch Phật, xin ở đây thọ trì, giữ gìn kinh Pháp Hoa này, nhưng mà Phật không nhận, Phật bảo "Thôi đi! Thôi đi! Chẳng cần các ông thọ trì". Ở trước Phật khuyến khích ai cần hộ trì hãy đứng lên hộ trì, bây giờ các vị này đứng lên phát nguyện Phật không cho mà nói cõi Ta Bà ta đây tự có. Như vậy thấy Phật có công bằng không? Nghĩa là Bồ tát ở nơi khác tới không cho, phải ở đây mới được. Tại sao ở phía trước các vị được thọ ký, như các Ngài Đại Mục Kiền Liên, Ngài Ca Diếp rồi Ngài A Nan v.v… Các Ngài phát nguyện qua phương khác mà trì Pháp Hoa thì Phật chấp nhận. Còn bây giờ Bồ tát ở cõi khác phát nguyện ở đây trì kinh Phật không chấp nhận? Đó là ngầm ý của Phật, muốn chỉ rằng, trì kinh Pháp Hoa tức là giữ gìn tri kiến Phật, thì không thể trông cậy ỷ lại vào cái bên ngoài được, mà phải từ nơi chính mình mới giữ gìn được. Trong nhà thiền có câu: "từ cửa mà vào thì không phải là của báu ở trong nhà". Đây cũng vậy, Bồ tát ở phương khác là thuộc về bên ngoài, là trí hữu sư, trí đó không đủ sức giữ gìn tri kiến Phật này, phải trí tự nơi mình phát ra mới giữ lâu dài được. Cho nên quí vị chú ý lời Phật: ở cõi Ta Bà của ta đây "tự có", chỗ tự có là chỗ quan trọng, phải dùng cái tự có, cái sẵn nơi mình đó, thì cái đó mới giữ gìn không gián đoạn, còn cái bên ngoài e có lúc bị gián đoạn. Bồ tát phương khác qua đây trì, lâu các Ngài cũng phải trở về. Mà lúc trở về cõi các Ngài thì bỏ cõi này trống nên Phật không chấp nhận là như vậy, ý nghĩa rất là sâu. Trong nhà thiền có một đoạn:

Một hôm Ngài Nam Tuyền nói với Ngài Hoàng Bá:

- Lão Tăng ngẫu hứng có làm bài ca chăn trâu, bây giờ xin mời trưởng lão cùng hoà.

Chăn trâu là giữ gìn tri kiến Phật. Ngài Hoàng Bá nói: "Tôi tự có thầy rồi". Chính đó là ý đây, mời hòa thì nói tự có thầy, tức là Ngài tự thấy chỗ sáng của Ngài rồi, không phải nương theo cái bên ngoài nữa, thì đó mới thật sự là biết trì kinh, biết giữ gìn. Đó là niềm tự tin vững mạnh, mình tự có sức sống này, rồi lấy cái đó để trì kinh, giữ gìn tri kiến Phật thì bảo đảm không mất.

Cũng ý này, Ngài Bá Trượng một hôm dạy chúng:

- Phật pháp không phải là việc nhỏ, lão tăng xưa kia bị Mã Tổ nạt ba ngày lỗ tai còn điếc.

Hoàng Bá nghe như vậy bất chợt Ngài le lưỡi thì Ngài Bá Trượng bảo: "Con về sau thừa kế Mã Tổ chăng?", Hoàng Bá thưa:

- Dạ không, nay nhân nơi Hoà thượng nhắc lại con mới thấy Mã Tổ đại cơ đại dụng, nhưng vẫn không biết Mã Tổ, nếu con thừa kế Mã Tổ thì về sau mất hết con cháu của con.

Ngài Bá Trượng nghe vậy, mới bảo:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Cái thấy bằng thầy thì kém thầy nửa đức, còn cái thấy vượt hơn thầy mới kham truyền trao, con hẳn là có cái thấy vượt hơn thầy.

Ngay đó Hoàng Bá mới lễ bái. Tại sao bảo thừa kế Mã Tổ là về sau mất hết con cháu? Nếu mình nghe đây tưởng có cái thừa kế, tiếp nối bên ngoài, đó là chỗ mất hết con cháu về sau, phải từ nơi mình mà phát xuất, thì cái đó mới là cái lâu dài được, cho nên Hoàng Bá bảo, cái thấy bằng thầy là kém thầy nửa đức cái thấy vượt hơn thầy mới kham truyền trao. Vậy có ngã mạn không? Ở đây muốn nói mình phải có cái thấy tự mình vươn lên, chớ không phải hoàn toàn ỷ lại nơi ông thầy, vượt hơn là như vậy.

CHÁNH VĂN:

Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta Bà trong tam thiên đại thiên cõi nước đất đều rúng nứt, mà ở trong đó có vô lượng nghìn muôn ức vị Bồ Tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ Tát đó thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt, cùng vô lượng ánh sáng, trước đây đều ở cõi Ta Bà này, cõi đó trụ giữa hư không. Các vị Bồ Tát đó nghe tiếng nói của đức Thích Ca Mâu Ni Phật nên từ dưới mà đến. Mỗi vị Bồ Tát đều là bực đạo thủ trong đại chúng, đều đem theo sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc, huống là những vị đem năm muôn, bốn muôn, ba muôn, hai muôn, một muôn hằng hà sa quyến thuộc. Huống là nhẫn đến những vị đem một hằng hà sa, nửa hằng hà sa, một phần hằng hà sa nhẫn đến một phần trong nghìn muôn ức na do tha phần hằng hà sa quyến thuộc. Huống là những vị đem nghìn muôn ức na do tha quyến thuộc huống là đem ức muôn quyến thuộc, huống là đem nghìn trăm muôn nhẫn đến một muôn, huống là đem một nghìn, một trăm nhẫn đến mười quyến thuộc, huống là đem năm, bốn, ba, hai, một người đệ tử. Huống lại là những vị riêng một mình ưa hạnh viễn ly, số đông vô lượng vô biên dường ấy, tính đếm thí dụ chẳng có thể biết được.

Các vị Bồ Tát từ dưới đất lên, đều đến nơi tháp đẹp bảy báu, chỗ của đức Đa Bửu Như Lai và Thích Ca Mâu Ni Phật, đến nơi rồi hướng về hai vị Thế Tôn mà đầu mặt lạy chân Phật, mà đến chỗ các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cội cây báu, cũng đều làm lễ. Đi quanh bên mặt ba vòng chắp tay cung kính, dùng các cách ngợi khen của Bồ Tát mà ngợi khen Phật, rồi đứng qua một phía, ưa vui chiêm ngưỡng hai đấng Thế Tôn.

Từ lúc các vị Bồ Tát do từ dưới đất vọt lên dùng các cách ngợi khen của Bồ Tát mà khen ngợi Phật, thời gian đó trải qua năm mươi tiểu kiếp.

Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật nín lặng ngồi yên, cùng hàng tứ chúng thảy đều nín lặng, năm mươi tiểu kiếp, vì do sức thần của Phật, khiến hàng đại chúng cho là như nửa ngày.

Bấy giờ hàng tứ chúng cũng nhờ sức thần của Phật, thấy các Bồ Tát khắp vô lượng nghìn muôn ức cõi nước hư không.

GIẢNG:

Đến đây đất cõi Ta Bà trong tam thiên, đại thiên đều rúng nứt, vô số Bồ Tát vọt ra, những Bồ Tát đó trước đây ở dưới cõi Ta Bà, trụ giữa hư không, các vị này đem theo quyến thuộc cũng vô số, từ nhiều cho đến lần lần có vị một mình thôi. Các vị Bồ Tát từ đất vọt ra đó mới đến nơi hai đức Phật Đa Bửu Như Lai và Thích Ca Mâu Ni cùng các hóa Phật làm lễ hết rồi tán thán cung kính ngợi khen, thời gian trải qua là năm mươi tiểu kiếp. Trong thời gian đó đức Phật Thích Ca cũng như Đức Phật Đa Bảo với đại chúng đều im lặng nhưng hàng đại chúng nhờ sức thần của Phật, thấy như là nửa ngày. Thứ nhất Phật vừa mới nói xong thì đất liền nứt, Bồ Tát vọt ra, đây chỉ cho đại dụng hiện tiền, nghĩa là từ nơi tự tánh ứng dụng ra thôi, chớ không phải từ ngoài mà đến. Bồ Tát đó chỉ cho diệu dụng từ trí vô sư mà phát, trí vô sư là trí thể sẵn có ở nơi chính mình, nên từ đất mà vọt ra, đất tức là đất tâm, vốn ở dưới đất không ai thấy, vì đất đóng cứng, chưa nứt tức là bị vô minh chấp ngã đóng cứng, thành ra nó bị ngăn ngại. Bởi vì khi mê thì mình chỉ biết có thân tâm năm ấm sanh diệt này thôi, đâu có biết gì khác nữa. Còn đây chính khi lời Phật phát ra là từ nơi ánh sáng chánh giác của Phật đó mà khởi, nên vô minh chấp ngã phải tan. Bồ Tát vọt ra vô số, Bồ Tát này ở dưới đất, mà trụ giữa hư không, là chỉ cho mình khi ở trong mê, nhưng nó vẫn không nhiễm ô, trí này lúc mê nó trong lòng đất, mà ở giữa hư không, chớ nó không dính đất, cho nên khi mình đủ duyên phá vô minh thì hiện ra, sẵn sàng tự bao giờ. Đó là ngầm nhắc, muốn cảm được trí vô sư này phải tâm vô trụ, bặt hết mọi cái duyên bên ngoài.

Ngài Lâm Tế từng bảo: "Sắc thân tứ đại của các ông, nó chẳng biết nói pháp, chẳng biết nghe pháp, tỳ vị gan mật chẳng biết nói pháp, chẳng biết nghe pháp, hư không chẳng biết nói pháp chẳng biết nghe pháp mà chính cái gì biết nói pháp, nghe pháp, đó là cái riêng sáng tỏ hiện bày rành rõ ngay trước mắt ông đây, cái đó nó biết nói pháp nghe pháp, nếu thấy được như thế liền cùng Phật tổ không khác". Ngài nói rõ trong đây cái sắc thân bốn đại thì đất nước gió lửa nó không biết nói pháp nghe pháp. Rồi tim, gan, tỳ, phế, thận đó nó cũng đâu có biết nói pháp nghe pháp, hư không cũng vậy, chính một cái riêng sáng tỏ hiện bày ngay trước mắt ông đây, cái đó nó biết nói pháp nghe pháp, cái đó là cái trụ giữa hư không, cái đó nó không có trụ trong bốn đại, nó không trụ trong tim, gan, phổi, thận gì hết, mà tự nó riêng sáng tỏ rõ ràng, đó là cái giữ gìn Pháp Hoa, giữ gìn tri kiến Phật. Trong đây cái gì biết nói biết nghe? Mình cứ nghĩ là cái miệng biết nói, cái lỗ tai biết nghe, chính cái đó là cái nó che, đó gọi là đất đóng cứng, giờ làm sao cho trong đó đất nứt ra, thì Bồ Tát này từ trong đây vọt ra thôi. Rồi Bồ Tát đông vô số, quyến thuộc cũng vô số, cọâng thêm hóa Phật của Phật Thích Ca mười phương tựu về ngồi trên tòa sư tử, thì tất cả những vị đó tính chừng bao nhiêu? Vậy thì để đâu cho hết đây? Phật nói kinh Pháp Hoa này ở nơi Linh Sơn, thì núi Linh Sơn đó chừng bao lớn? Ở đây Bồ Tát ở giữa hư không, hư không đó ở ngay lòng đất, cái không ngay lòng đất, tức là sắc và không không ngăn ngại gì với nhau, rồi nhiều và ít nó cũng vô ngại, bởi vì đến đây là bặt niệm nhiều ít lớn nhỏ, không còn thấy niệm đây kia thì cảm được trí vô sư này, nó mới hiện ra, còn mình vừa nghĩ nhiều ít thì ngay đó đất đóng kín. Rồi chư Bồ Tát đến hai Đức Như Lai cùng với các hóa Phật, làm lễ tán thán thời gian trải qua năm mươi tiểu kiếp. Phật Thích Ca cùng tứ chúng năm mươi tiểu kiếp đều nín lặng do sức thần của Phật, đại chúng tưởng như nửa ngày thôi. Vậy quí vị đọc có nghi không? Trong khi đó thì Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tới đây mới hai ngàn mấy trăm năm, vậy các Ngài còn đi loanh quanh đó, phải không? Bởi khi mở trí vô sư này thì trí đó nó thấu suốt qua thời gian lâu mau ngắn dài không thành vấn đề, vì thời gian chỉ là khái niệm thôi, mình dùng tâm phân biệt của mình mà thấy hoặc lâu, hoặc mau, nếu tâm định rồi thì vượt qua thời gian. Ngay đây niệm giác này quí vị sống được trong đó cho đến khi thành Phật thì cũng thành một niệm giác đó, đâu phải có niệm gì khác, thì thời gian vô lượng kiếp cũng ngay một niệm đó thôi, cho nên có câu "ba đời trong một niệm". Rồi Phật cũng im lặng, tứ chúng cũng im lặng, đây là nói lên, chuyện đó là chuyện đối diện ngay trước mắt, thấy rõ ràng đó, nhưng nói không ra, diễn tả không thể đến được, chỉ phải nín lặng thầm nhận, thầm biết thôi, người ở trong đó thì biết còn người ngoài thì không thể rõ. Mình giờ nghe nói cũng tưởng tượng vậy thôi, nếu biết được phải vào trong đó thôi. Cho nên cái im lặng này là im lặng sấm sét chớ không phải thường, im lặng mà vang dội tới tận ngày nay và nó còn vang mãi tới sau này nữa. Ở trong đây ai cảm được cái im lặng này thì hay biết mấy! Nếu cảm sự im lặng này thì thấy ngay Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo, vô số Bồ Tát, cảnh đó còn đang hiện tiền. Bởi vì chính mỗi người đó là vị hóa Phật rồi, mỗi vị ngồi đây là vị hóa Phật chứng minh chớ còn gì nữa, nhưng không sống được với hóa Phật, không chứng minh được, mà sống với cái vô minh, nên không thấy được gì hết. Người đọc Pháp Hoa mà đọc theo chữ nghĩa thì thấy chuyện này là chuyện đâu đâu, chuyện của Phật không dính dáng gì tới mình hết, nhưng chính đây là chuyện của mình, chớ không phải là của ai khác.

Bấy giờ hàng tứ chúng cũng nhờ sức thần của Phật, thấy Bồ Tát khắp vô lượng nghìn muôn ức cõi nước hư không.

Vậy mỗi người thử dùng sức thần của Phật xem thấy vị Bồ Tát nào chưa? Phải nương sức thần của Phật mà nhìn, thì sẽ thấy Bồ Tát đông vô số đang đầy ở hư không. Tức là mình quên được niệm chúng sanh này mà thấy bằng cái thấy của tri kiến Phật, thì ngay trước mắt đây, đâu đâu cũng là thanh tịnh sáng ngời, là chỗ nào cũng có Bồ Tát chớ gì.

CHÁNH VĂN:

Trong chúng Bồ Tát đó có bốn vị đạo sư: 1. Thượng Hạnh, 2. Vô Biên Hạnh, 3. Tịnh Hạnh, 4. An Lập Hạnh. Bốn vị Bồ Tát này là bực thượng thủ xướng đạo sư trong chúng đó, ở trước đại chúng, bốn vị đồng chắp tay nhìn đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà hỏi thăm rằng: "Thưa Thế Tôn, có được ít bệnh, ít não, an vui luôn chăng, những người đáng độ thọ giáo dễ chăng, chẳng làm cho đức Thế Tôn sanh mỏi nhọc chăng?".

Khi đó bốn vị Bồ Tát nói kệ rằng:

                        Thế Tôn được an vui
                        Ít bệnh cùng ít não,
                        Giáo hóa các chúng sanh
                        Đặng không mỏi nhọc ư?
                        Thọ hóa có dễ chăng?
                        Chẳng làm cho Thế Tôn
                        Sanh nhọc mệt đó ư?

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ở trong đại chúng Bồ Tát mà nói rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Các thiện nam tử! Đức Như Lai an vui, ít bệnh, ít não, các hàng chúng sanh hóa độ được dễ, không có nhọc mệt.
Vì sao? Vì các chúng sanh đó, từ nhiều đời nhẫn lại, thường được ta dạy bảo, mà cũng từng ở nơi các Phật quá khứ, cung kính, tôn trọng, trồng các cội lành. Các chúng sanh đó mới vừa thấy thân ta, nghe ta nói Pháp, liền đều tín nhận, vào được trong huệ của Như Lai, trừ người trước đã tu tập học hạnh tiểu thừa những người như thế ta cũng khiến được nghe kinh này, vào trong huệ của Phật".

Lúc ấy các vị đại Bồ Tát nói kệ rằng:

                        Hay thay! Hay thay!
                        Đức đại hùng Thế Tôn
                        Các hàng chúng sanh thảy
                        Đều hóa độ được dễ
                        Hay hỏi các đức Phật
                        Về trí huệ rất sâu
                        Nghe Pháp rồi tin làm
                        Chúng con đều tùy hỷ.

Khi đó, đức Thế Tôn khen ngợi các vị đại Bồ Tát thượng thủ: "Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Các ông có thể đối với đức Như Lai mà phát lòng tùy hỷ".

GIẢNG:

Bốn vị thượng thủ đều mang tên có chữ "hạnh", đây muốn nói lên khai phát trí vô sư đó, sống trong trí vô sư đó là hạnh trên hết, là hạnh căn bản thành Phật. Các vị đó đến thăm hỏi đức Phật: có an ổn giáo hóa dễ không? Phật nói "Những chúng sanh được giáo hóa đó, thường được dạy bảo, cũng từng ở nơi các đức Phật quá khứ, trồng cội lành sâu, do đó những chúng sanh này vừa thấy thân ta, nghe ta nói pháp thì liền được tin nhận vào trong huệ của Như Lai". Vừa thấy vừa nghe là đều tin nhận hết, tức là hạt giống Phật đó đã sẵn có rồi, thì gợi lại liền tin nhận. "Trừ người trước tu theo hạnh tiểu thừa, những người này, ta cũng khiến được nghe kinh này vào trong trí huệ Phật", cho thấy rõ Như Lai không bỏ sót ai, bởi vì đây là lẽ thật sẵn có nơi mình, chớ không phải từ ai làm ra, mình tin hay không tin cũng vẫn là nó thôi, chớ không phải không tin là không có. Các Bồ Tát mới khen Phật:

                        Hay thay! Hay thay!
                        Đức Đại hùng Thế Tôn
                        Các hàng chúng sanh thảy
                        Đều hóa độ được dễ
                        Hay hỏi các Đức Phật
                        Về trí huệ rất sâu
                        Nghe Pháp rồi tin làm
                        Chúng con đều tùy hỷ

Trí huệ này không phải nằm trên ngôn ngữ chữ nghĩa, cho nên gọi là trí tuệ sâu. Nghe Pháp tin làm, chúng con đều tùy hỷ, đây là thầm cảm thầm thông với trí tuệ sâu xa đó. Bởi vì việc đó không phải dễ gì tin, nếu mình còn kẹt trong tâm niệm đây kia, có thể là đối trước mặt đó mà vẫn nghi ngờ.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, Ngài Di Lặc Bồ Tát cùng tám nghìn hằng hà sa các chúng Bồ Tát đều nghĩ rằng: "Chúng ta từ xưa nhẫn lại, chẳng thấy, chẳng nghe các chúng đại Bồ Tát như thế, từ dưới đất vọt lên, đứng trước đức Thế Tôn, chắp tay cúng dường thăm hỏi Như Lai".

Lúc đó, Ngài Di Lặc Bồ Tát biết tâm niệm của tám nghìn hằng hà sa chúng Bồ Tát, cùng muốn tự giải quyết chỗ nghi của mình, bèn chấp tay hướng về phía Phật, nói kệ hỏi rằng:

                        Vô lượng nghìn muôn ức
                        Các Bồ Tát đại chúng
                        Từ xưa chưa từng thấy
                        Nguyện đấng Lưỡng Túc nói
                        Là từ chốn nào đến
                        Do nhơn duyên gì nhóm?
                        Thân lớn đại thần thông
                        Trí huệ chẳng nghĩa bàn
                        Chí niệm kia bền vững
                        Có sức nhẫn nhục lớn
                        Chúng sanh chỗ ưa thấy
                        Là từ chốn nào đến?
                        Mỗi mỗi hàng Bồ Tát
                        Đem theo các quyến thuộc
                        Số đông không thể lường
                        Như số hằng hà sa       
GIẢNG:


Đây hỏi các vị Bồ Tát đó không biết chỗ nào đến, nhưng tại sao nghi không biết chỗ nào đến? Đó là còn kẹt chỗ nơi, nên còn nghi, mà có chỗ là thuộc về cái bên ngoài rồi.

CHÁNH VĂN:

                        Hoặc có đại Bồ Tát
                        Đem sáu muôn hằng sa
                        Các đại chúng như thế
                        Một lòng cầu Phật đạo
                        Những đại sư đó thảy
                        Sáu muôn hằng hà sa
                        Đều đến cúng dường Phật
                        Cùng hộ trì kinh này.
                        Đem năm muôn hằng sa
                        Số này hơn số trên
                        Bốn muôn và ba muôn
                        Hai muôn đến một muôn
                        Một nghìn một trăm thảy
                        Nhẫn đến một hằng sa
                        Nửa và ba bốn phần
                        Một phần trong ức muôn
                        Nghìn muôn na do tha
                        Muôn ức các đệ tử
                        Nhẫn đến đem nữa ức
                        Số đông lại hơn trên
                        Trăm muôn đến một muôn
                        Một nghìn và một trăm
                        Năm mươi cùng một mươi
                        Nhẫn đến ba, hai, một
                        Riêng mình không quyến thuộc
                        Ưa thích ở riêng vắng
                        Đều đi đến chỗ Phật
                        Số đây càng hơn trên
                        Các đại chúng như thế
                        Nếu người phát thẻ đếm
                        Quá nơi kiếp hằng sa
                        Còn chẳng thế biết hết
                        Các vị oai đức lớn
                        Chúng Bồ Tát tinh tấn.
                        Ai vì đó nói pháp
                        Giáo hóa cho thành tựu?
                        Từ ai, đầu phát tâm?
                        Xưng dương Phật pháp nào?
                        Thọ trì tu kinh gì?
                        Tu tập Phật đạo nào?
                        Các Bồ Tát như thế?
                        Thần thông sức trí lớn
                        Đất bốn phương rúng nứt
                        Đều từ đất vọt lên
                        Thế Tôn! Con từ xưa
                        Chưa từng thấy việc đó
                        Xin Phật nói danh hiệu
                        Cõi nước của kia ở.
                        Con thường qua các nước
                        Chưa từng thấy chúng này
                        Bèn chẳng quen một người
                        Thoạt vậy từ đất lên
                        Mong nói nhơn duyên đó
                        Nay trong đại hội này
                        Vô lượng trăm nghìn ức
                        Các chúng Bồ Tát đây
                        Đều muốn biết việc này
                        Hàng Bồ Tát chúng kia
                        Gốc ngọn nhơn duyên đó
                        Thế Tôn đức vô lượng
                        Cúi mong quyết lòng nghi.
Đó là kệ nghi hỏi xin Phật giải nghi cho.

CHÁNH VĂN:

Khi ấy các vị Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni phân thân, từ vô lượng nghìn muôn ức cõi nước ở phương khác đến, ngồi xếp bằng trên tòa sư tử, dưới các cội cây báu nơi trong tám phương. Hàng thị giả của Phật đó, đều thấy đại chúng Bồ Tát ở bốn phương cõi tam thiên đại thiên, từ đất vọt lên trụ trên hư không, đều bạch với Phật mình rằng: "Thế Tôn! Các đại chúng vô lượng vô biên a tăng kỳ Bồ Tát đó, từ chốn nào mà đến?".

Lúc ấy các Đức Phật đều bảo thị giả: "Các thiện nam tử! Hãy chờ giây lát, hiện có vị đại Bồ Tát tên là Di Lặc, là vị mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật thọ ký kế đây sẽ làm Phật đã hỏi việc đó, đức Phật sẽ đáp, các ông tự đương nhơn đây mà được nghe.

GIẢNG:

Tức là Bồ Tát Di Lặc khởi nghi, thị giả của các hóa Phật cũng nghi. Bồ Tát Di Lặc tượng trưng cho thức, Bồ Tát nhiều như vậy mà không quen vị nào hết, bởi vì tâm thức cứ lo duyên ra ngoài thôi, sống theo cái biết và cái bị biết, do huân tập tích lũy mà thành, cái gì không nằm trong những cái nó huân tập đó, đã quen phân biệt đó thì không biết. Những Bồ Tát này là từ nơi tự tánh ứng hiện ra, không thuộc duyên bên ngoài, không thuộc về cái huân tập tích lũy, nên không quen người nào hết. Ngầm chỉ mình muốn biết chỗ này thì phải quên những niệm phân biệt đó, mới rõ được.

CHÁNH VĂN:

Bây giờ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài Di Lặc Bồ Tát: "Hay thay! Hay thay! A Dật Đa, bèn có thể hỏi Phật việc lớn như thế, các ông phải chung một lòng, mặc giáp tinh tấn phát ý bền vững. Nay đức Như Lai muốn hiển phát tuyên bày trí tuệ của các Đức Phật, sức thần thông tự tại của các đức Phật, sức sư tử mạnh nhanh của các đức Phật, sức oai thế mạnh lớn của các đức Phật".

Khi đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                            Phải một lòng tinh tấn
                            Ta muốn nói việc này
                            Chớ nên có nghi hối
                            Trí Phật chẳng nghĩ bàn
                            Ông nay gắng sức tin
                            Trụ nơi trong nhẫn thiện
                            Chỗ pháp xưa chưa nghe
                            Nay đều sẽ được nghe
                            Nay ta an ủi ông
                            Chớ ôm lòng nghi sợ
                            Phật không lời chẳng thiệt
                            Trí huệ chẳng nghĩ bàn
                            Phật đặng pháp bực nhứt
                            Rất sâu khó phân biệt
                            Như thế nay sẽ nói
                            Các ông một lòng nghe.

Khi đức Thế Tôn nói kệ đó, bảo Ngài Di Lặc Bồ tát: "Nay ta ở trong đại chúng này, tuyên bảo các ông. A Dật Đa! Các hàng đại Bồ tát vô lượng vô số a tăng kỳ, từ dưới đất vọt ra mà các ông từ xưa chưa từng thấy đó, chính ta ở cõi Ta Bà lúc đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, giáo hóa chỉ dẫn các Bồ tát đó điều phục tâm kia khiến phát đạo tâm.

Các vị Bồ Tát đó, ở phía dưới cõi Ta Bà, cõi đó trụ giữa hư không, ở trong các kinh điển đọc tụng thông lẹ, suy ngẫm rõ hiểu, nghĩ tưởng chơn chánh. A Dật Đa! Các thiện nam tử đó chẳng thích ở trong chúng nhiều nói bàn, thường ở chỗ vắng, siêng tu tinh tấn chưa từng thôi dứt. Cũng chẳng nương tựa người trời mà ở, thường ham trí huệ sâu không có chướng ngại, cũng thường ham nơi pháp của đức Phật, chuyên lòng tinh tấn cầu nguyện vô thượng.

GIẢNG:

Đây Phật Thích Ca đáp, nhưng trước khi đáp thì Phật chuẩn bị trước, vì là những điều bất ngờ. Phật khen: Hay thay! Hay thay! Ông có thể hỏi "việc lớn" như vậy. Chỉ hỏi Bồ tát này ở đâu, ai giáo hóa thôi, tại sao Phật bảo là việc lớn, quí vị thấy lớn chỗ nào? Bởi vì đây là chỗ giữ gìn tri kiến Phật không phải thường, rõ được chỗ này là chỗ sống vĩnh viễn của Như Lai, ở thế gian này không có gì sánh kịp. Nhưng mà muốn hiểu được việc đó thì sao? Các ông phải chung một lòng mà nghe. Quí vị giờ đây chung một lòng chưa, hay là còn người nghĩ đông, người nghĩ tây? Rồi phải mặc giáp tinh tấn, ý bền vững, ngay đây phải hết lòng toàn tâm mà lắng nghe! Phật lại nói kệ an ủi các ông phải một lòng tinh tấn, chớ có nghi bởi vì trí Phật không nghĩ bàn. Phật không nói dối. Phật đặng pháp bậc nhứt, rất sâu khó phân biệt, như thế sẽ nói cho các ông nghe. Phật chuẩn bị rất kỹ. Người ngoài nghe tưởng đâu Phật tự khen Ngài, nhưng đây là chuẩn bị điều bất ngờ khó tin! Đây Phật đáp: Bồ tát đó là ở ngay cõi Ta Bà này, chính Ngài thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà Ngài giáo hóa không phải từ đâu xa, không phải ở lúc nào hết. Bởi khi Phật thành đạo, Ngài có nói ta thành đạo không thầy, vì lúc đầu đi học ông thầy này thầy kia Ngài không hài lòng, cuối cùng Ngài buông hết, tới dưới cội bồ đề Ngài ngồi thiền qua bốn mươi chín ngày, Ngài tự sáng lên thành đạo, nên nói thành đạo không thầy, đó là chỗ muốn chỉ ở đây. Nghĩa là các vị Bồ tát này chỉ cho trí không thầy đó. Rồi những vị đó ở cõi Ta Bà trụ giữa hư không, tức là trụ mà không trụ, là muốn nói luôn luôn chỗ nào nó cũng hiện tiền, vì không có chỗ nào để trụ hết. Mà muốn rõ chỗ đó thì phải soi lại chính mình thôi, bỏ đi hỏi thì không thấy được.

Có lần ông tăng hỏi Ngài Triệu Châu: "Thế nào là vật của học nhân giữ gìn?" Ngài Triệu Châu đáp:

- Tột mé vị lai chọn chẳng ra.

Vật của ông giữ gìn mà đi hỏi ai? Cho nên ông tìm tột mé vị lai cũng chọn không ra được, bởi vì nếu chọn ra thì thuộc vật của người khác rồi. Ở đây các Ngài không nương tựa trời người cũng là một ý nghĩa sâu xa, mà trong nhà thiền thường nói: "Ta chẳng từ trời người mà đến". Tức là chỗ này không phải từ bên ngoài mà vào, nếu người nhạy bén một chút thì nghe chỗ này là mình nhận ra liền, nó có sẵn nơi mình. Nhớ lại câu chuyện của Đức Sơn, đến chỗ Ngài Sùng Tín, một hôm Sư đứng hầu khuya, Sùng Tín bảo: sao ông không xuống đi! Sư đi ra, thấy bên ngoài trời tối, bèn trở vào thưa bên ngoài trời tối đen, Ngài Sùng Tín đốt đèn đưa cho, Đức Sơn đưa tay nhận, Ngài Sùng Tín thổi tắt. Ngay đó Đức Sơn liền ngộ. Tại sao đưa đèn, vừa tiếp lại thổi tắt? Bởi vì Đức Sơn nói trời tối cũng có hai ý, là trời khuya thì tối, và con cũng còn đang tối. Đây ông tối thì ta đưa đèn cho nhưng ông tiếp thì liền thổi tắt, vì đèn là từ bên ngoài đưa ông, ông nhận là cái của người khác, chính ông mở sáng được cái đèn của ông, đèn đó mới sáng mãi. Cái đó mới là cái chân thật, là cái giúp mình giữ tri kiến Phật lâu dài được, cho nên đây nói: "Không từ trời người mà đến, không nương tựa trời người mà ở", phải tự nơi mình phát ra thôi.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                            A Dật ông nên biết!
                            Các Bồ Tát lớn này
                            Từ vô số kiếp lại
                            Tu hạnh trí huệ Phật
                            Đều là ta hóa độ
                            Khiến phát đại đạo tâm
                            Chúng đó là con ta
                            Y chỉ thế giới này
                            Thường tu hạnh đầu đà
                            Chỉ thích ở chỗ vắng
                            Bỏ đại chúng ồn náo
                            Chẳng ưa nói bàn nhiều
                            Các vị đó như thế
                            Học tập đạo pháp ta
                            Ngày đêm thường tinh tấn
                            Vì để cầu Phật đạo
                            Ở phương dưới Ta Bà
                            Trụ giữa khoảng hư không
                            Sức chí niệm bền vững
                            Thường siêng cầu trí huệ
                            Nói các món pháp mầu
                            Tâm kia không sợ sệt
                            Ta ở thành Già Da
                            Ngồi dưới cội Bồ Đề
                            Thành bực tối chánh giác
                            Chuyển pháp luân vô thượng
                            Rồi mới giáo hóa đó
                            Khiến đầu phát đạo tâm
                            Nay đều trụ bất thối
                            Đều sẽ đặng thành Phật
                            Nay ta nói lời thiệt
                            Các ông một lòng tin
                            Ta từ lâu xa lại
                            Giáo hóa các chúng đó.

Đây nhắc lại những chúng Bồ Tát đó, do Đức Phật giáo hóa khi thành đạo dưới cội Bồ Đề.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Ngài Di Lặc Bồ Tát cùng vô số chúng Bồ Tát, lòng sanh nghi hoặc lấy làm lạ chưa từng có mà nghĩ rằng: "Thế nào Đức Thế Tôn ở trong thời gian rất ngắn mà có thể giáo hóa vô lượng vô biên a tăng kỳ các đại Bồ Tát đó, làm cho trụ nơi Vô thượng chánh đẳng chánh giác?".

Liền bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Đức Như Lai lúc làm Thái tử rời khỏi cung dòng Thích, ngồi nơi đạo tràng cách thành Già Da chẳng bao xa, đặng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm, đức Thế Tôn thế nào ở trong thời gian ngắn đó làm nên phật sự lớn! Do thế lực của Phật, do công đức của Phật, giáo hóa vô lượng chúng Bồ Tát lớn như thế sẽ thành vô thượng chánh đẳng, chánh giác?

Thế Tôn! Chúng đại Bồ Tát này giả sử có người trong nghìn muôn ức kiếp đếm không thể hết, chẳng đặng ngằn mé, chúng đó từ lâu nhẫn lại, ở nơi Vô lượng vô biên các đức Phật, trồng các cội lành, thành tựu đạo Bồ Tát, thường tu phạm hạnh.

Thế Tôn! Việc như thế đời rất khó tin. Thí như có người sắc đẹp tóc đen tuổi hai mươi lăm, chỉ người trăm tuổi, nói đó là con của ta. Người trăm tuổi nọ cũng chỉ gã tuổi nhỏ, nói là cha ta, đẻ nuôi ta thảy, việc đó khó tin. Đức Phật cũng như thế.

Từ lúc thành đạo nhẫn đến nay, kỳ thiệt chưa bao lâu, mà các đại chúng Bồ Tát đó, đã ở nơi vô lượng ngàn muôn ức kiếp vì Phật đạo nên siêng tu tinh tấn, khéo nhập xuất trụ nơi vô lượng nghìn muôn ức tam muội, đặng thần thông lớn, tu hạnh thanh tịnh đã lâu, khéo hay thứ đệ tập các pháp lành, giỏi nơi vấn đáp, là báu quý trong loài người, tất cả thế gian rất là ít có.

Ngày nay đức Thế Tôn mới nói, lúc đặng Phật đạo, bắt đầu khiến kia phát tâm, giáo hóa chỉ dạy dìu dắt, làm cho kia hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu mà bèn có thể làm được việc công đức lớn này.

Chúng con dầu lại tin Phật tùy cơ nghi nói pháp, lời Phật nói ra chưa từng hư vọng, chỗ Phật biết thảy đều thông suốt, nhưng các Bồ Tát mới phát tâm, sau khi Phật diệt độ, nếu nghe lời này hoặc chẳng tin nhận, sanh nhơn duyên tội nghiệp phá chánh pháp.

Kính thưa Thế Tôn! Mong vì chúng giải nói trừ lòng nghi của chúng con, và các thiện nam tử đời vị lai nghe việc này rồi cũng chẳng sanh nghi.

GIẢNG:

Phật nói chúng đó là do Ngài giáo hóa, thì Ngài Di Lặc với đại chúng đều nghi, nói rằng Phật thành đạo cách đây mấy mươi năm, mà chúng Bồ Tát này thì vô số tính không thể hết, nên mới thí dụ cha trẻ mà con già, chuyện đó khó tin trái với thế gian. Chính chỗ này Phật biết trước rồi nên Phật dặn kỹ: "Các ông phải mặc giáp tinh tấn, phải chung một lòng, là Ngài nói lời chân thật không dối", nhưng các vị cũng còn thấy nghi. Bởi vì còn kẹt trên trí hữu sư, còn thấy theo tướng năm ấm sai biệt. Thấy Phật Thích Ca mới thành đạo dưới cội Bồ Đề. Nếu mình nghĩ, Phật thành đạo là mới thành, vậy trước đó đạo ở đâu? Tức là trước đó chưa có, khi thành đạo dưới cội Bồ Đề mới có, đó là đạo sanh diệt rồi, vì có rồi nó sẽ mất. Còn đây muốn chỉ Phật pháp thân, là cái sẵn tự bao giờ. Những Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, là diệu dụng từ Pháp thân mà phát ra, vậy muốn thấy chỗ này là phải thấy trở lại pháp thân.

Hiểu như vậy mới thấy Phật nói là giáo hóa chúng Bồ Tát đó thì Phật này là Phật gì mới được. Chớ còn hiểu Phật Thích Ca đã sanh ra ở Ấn Độ, rồi tu hành, thành đạo dưới cội Bồ Đề thì Phật đó thuộc về Phật sanh diệt, có sanh ra có nhập Niết Bàn. Đây muốn mình phải thấy Phật thật kia.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó Ngài Di Lặc muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                            Phật xưa từ dòng Thích
                            Xuất gia gần Già Da
                            Ngồi dưới cây Bồ Đề
                            Đến nay còn chưa xa
                            Các hàng Phật tử này
                            Số đông không thể lường
                            Lâu đã tu Phật đạo
                            Trụ nơi sức thần thông
                            Khéo học đạo Bồ Tát
                            Chẳng nhiễm pháp thế gian
                            Như hoa sen trong nước
                            Từ đất mà vọt ra
                            Đều sanh lòng cung kính
                            Đứng nơi trước Thế Tôn
                            Việc đó khó nghĩ bàn
                            Thế nào mà tin được?
                            Phật đặng đạo rất gần
                            Chỗ thành tựu rất nhiều
                            Mong vì trừ lòng nghi
                            Như thiệt phân biệt nói
                            Thí như người trẻ mạnh
                            Tuổi mới hai mươi lăm
                            Chỉ người trăm tuổi già
                            Tóc bạc và mặt nhăn
                            Bọn này của ta sanh
                            Con cũng nói là cha
                            Cha trẻ mà con già
                            Mọi người đều chẳng tin.
                            Thế Tôn cũng như thế
                            Đặng đạo đến nay rồi
                            Các chúng Bồ Tát này
                            Chí vững không khiếp nhược
                            Từ vô lượng kiếp lại
                            Mà tu đạo Bồ Tát
                            Giỏi nơi gạn hỏi đáp
                            Tâm kia không sợ sệt
                            Nhẫn nhục lòng quyết định
                            Đoan chánh có oai đức
                            Mười phương Phật khen ngợi
                            Khéo hay phân biệt nói
                            Chẳng thích ở trong chúng
                            Thường ưa ở thiền định
                            Vì cầu Phật đạo vậy
                            Trụ hư không phương dưới
                            Chúng con từ Phật nghe
                            Nơi việc này không nghi
                            Nguyện Phật vì người sau
                            Diễn nói khiến rõ hiểu
                            Nếu người ở kinh này
                            Sanh nghi lòng chẳng tin
                            Liền phải đọa đường dữ
                            Mong đây vì giải nói
                            Vô lượng Bồ Tát đó
                            Thế nào thời gian ngắn
                            Giáo hóa khiến phát tâm
                            Mà trụ bực bất thối?   
GIẢNG:


Đó là lập lại ý trên, nghi những Bồ Tát nhiều vô số như vậy, mà Phật thì mới thành đạo gần đây sao gọi là Ngài giáo hóa hết được, xin Phật giải nghi cho.

Tóm lại đây ngầm chỉ, muốn trì kinh Pháp Hoa phải dùng trí vô sư mà trì, còn trí hữu sư không thể trì nổi, vì là trí học hỏi mà được, từ bên ngoài mà vào, còn vô sư là sẵn có nơi mình, phải phát triển trí của mình, dùng trí đó mà giữ gìn tri kiến Phật.

Có câu chuyện: Người mù tới thăm người bạn nói chuyện mãi tới tối từ giã về, người bạn đưa lồng đèn cho anh, nhưng anh mù nói:

- Anh thiệt lẩm cẩm, tôi mù có đèn cũng như không, cần gì cầm đèn?

Nhưng anh bạn nói:

- Cầm đèn, người khác đi họ thấy đèn họ tránh anh, chớ không họ đâm vào anh.

Anh thấy có lý, cầm đèn đi ra một lúc, gặp người đi đường đâm sầm vào, anh mù la:

- Cái anh này bộ không thấy sao? Tôi cầm đèn mà còn đâm vào tôi?

Anh kia nói:

- Đèn của anh tắt từ lâu rồi anh ơi!

Đèn từ người khác đưa cho mình là chỉ cho trí hữu sư, đưa cho mình cầm mà không dùng được, nó tắt hồi nào cũng không hay. Cầm cây đèn đó mà không cứu được mình, cũng bị người ta đụng mình. Ý nói chỉ có trí vô sư sáng lên mới giúp mình giữ tri kiến Phật, mới qua được nạn.

[ Quay lại ]