headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM PHƯƠNG TIỆN (tt 2)

CHÁNH VĂN:
20 - Xá Lợi Phất! Các đức Phật hiện ra trong đời ác năm trược, nghĩa là: kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược, mạng trược. Như thế Xá Lợi Phất, lúc kiếp loạn trược chúng sanh nhơ nặng, bỏn sẻn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành, cho nên các đức Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba.


21 - Xá Lợi Phất! Nếu đệ tử ta tự cho mình là A La Hán cùng Duyên Giác mà không nghe, không biết việc của các Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, người này chẳng phải đệ tử Phật, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Duyên Giác.

Lại nữa Xá Lợi Phất! Các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni tự cho mình là đã đặng A La Hán, là thân rốt sau rốt ráo niết bàn, bèn chẳng lại chí quyết cầu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác. Nên biết bọn đó là kẻ tăng thượng mạn. Vì sao? Nếu có Tỳ kheo thiệt chứng qua A La Hán mà không tin pháp này, quyết không có lẽ ấy, từ sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không Phật. Vì sao ? Sau khi Phật diệt độ, những kinh như thế, người hay thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa rất khó có đặng, nếu gặp đức Phật khác ở trong pháp này bèn đặng hiểu rõ.

Xá Lợi Phất! Các ông nên một lòng tin hiểu thọ trì lời Phật dạy. Lời các đức Phật Như Lai nói không hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa thôi.

GIẢNG:

Đây Phật chỉ rõ, các đức Phật ra đời nhằm thời ngũ trược, chúng sinh căn cơ kém, nên phải tùy duyên, phương tiện từ một Phật thừa nói thành ba. Nếu xét tột lý thật thì, TRI KIẾN PHẬT vốn không có đại tiểu, không có hai ba. Như Lục Tổ trả lời cho ngũ tổ: “Người thì có Nam Bắc, nhưng Phật tánh của con cùng Hòa thượng đồng nhau”. Vậy thì Ngài đã giác được, con cũng có phần Giác được.

Song, Phật sở dĩ nói nhiều pháp là vì sao? Vì chúng sinh có nhiều bệnh, Phật phải nhiều thuốc để cho thích hợp. Tức tùy chỗ ưa muốn, mê chấp của họ mà cởi mở lần lần, để cuối cùng cũng đưa về Phật thừa.

Trong đây, Phật lại nhấn mạnh: THẬT LÀ A LA HÁN mà KHÔNG TIN việc này, không biết việc Phật chỉ dạy Bồ tát, là không có lý. Tức Phật muốn đánh thức: ÔNG CHƯA PHẢI LÀ A LA HÁN , mà tự cho mình là A La Hán, cần phải xét lại!

Thật sự A La Hán, sạch hết phiền não, sao còn tự mãn? Sao còn chấp vào chỗ mình được?

Phật cũng nhấn mạnh: “Những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đó, tự cho mình đã được thôi” chứ không phải thật được!

Phật nói rõ thêm, trừ lúc Phật triệt độ, hiện tiền không có Phật, nhưng gặp Phật khác bèn ở trong pháp này mà hiểu được. Hiện tiền không có Phật, tức vắng bóng ánh sáng giác ngộ, nên khó tin. Song nếu họ thọ trì, đọc tụng, dù không hiểu, nhưng cũng gieo cái nhân sa. Đủ duyên, gặp Phật khác liền tỏ hiểu không mất. Phật khác ở đâu? Tức ĐẠO NHÂN VÔ TÂM đó! Gặp vị này liền TIN NGAY.

Trong phần này có nói đến thời ngũ trược, vậy ngũ trược là gì? Nghĩa là:

1 – Kiếp trược: thời chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp tụ hội trong đó, tuổi thọ ngắn ngủi nhiều tai ương, tật dịch…

2 – Phiền não trược: chúng sinh nhiều phiền não tham sân si, loạn tâm thần, đắm nặng trong ngũ dục.

3 – Chúng sinh trược: tức người nhiều chủng tử tệ ác chiêu cảm đến, không biết tu thiện, theo tình tạo nghiệp, không cầu giải thoát.

4 – Kiến trược: xa thời Phật, tà phát sinh, người nhiều chấp trước sai lầm, không đúng lẽ thật.

5 – Mạn trược: do ít biết tu thiện, nghiệt lành kém mỏng, nên họ thọ mạng thường ngắn ngủi.

Tức trong thời này, chúng sinh can trường khó nghe, khó tin hiểu, Phật bất đắc dĩ phải vì họ chìu uốn, dẫn dắt từ từ, chưa thể nói thẳng giác ngộ thành Phật, phải nói tu hành giải thoát khổ là điều cần trước.

CHÁNH VĂN:

Khi ấy đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:

               22- Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni  
                    Cưu lòng tăng thượng mạn
                    Cận sự nam ngã mạn
                    Cận sự nữ chẳng tin
                    Hàng bốn chúng như thế
                    Số kia có năm nghìn
                    Chẳng tự thấy lỗi mình
                    Nơi giới có thiếu sót
                    Tiếc giữ tội quấy mình
                    Trí nhỏ đó đã ra
                    Bọn cám tấm trong chúng
                    Oai đức Phật phải đi
                    Gã đó kém phước đức
                    Chẳng kham lãnh pháp này
                    Chúng nay không cành lá
                    Chỉ có những hạt chắc

GIẢNG:

Chẳng thấy lỗi mình, tức thiếu phản tỉnh, thiếu thành thật với chính mình, nên khuyết giới, là giữ tội. Tức che đậy tội lỗi, dở xấu của mình thì làm sao tin được VIỆC LỚN.

Đây muốn nhắc phải RẤT THÀNH THẬT, với chính mình, chỗ nào chưa thật biết, thật rõ, còn nghi chưa quyết, phải tìm được thiện tri thức thưa hỏi cho rõ ràng. Phải buông sạch những tâm niệm cành lá, thuần là một lòng chân thật. Thì dễ tiếp nhận pháp này.

CHÁNH VĂN:

               23- Xá lợi Phất khéo nghe
                    Pháp của các Phật đặng
                    Vô lượng sức phương tiện
                    Mà vì chúng sanh nói
                    Tâm của chúng sanh nghĩ
                    Các món đạo ra làm
                    Bao nhiêu những tánh dục
                    Nghiệp lành dữ đời trước
                    Phật biết hết thế rồi
                    Dùng các duyên thí dụ
                    Lời lẽ sức phương tiện
                    Khiến tất cả vui mừng
                    Hoặc là nói khế kinh
                    Cô khởi cùng bổn sự
                    Bổn sanh, vị tằng hữu
                    Cũng nói những nhơn duyên
                    Thí dụ và trùng tụng
                    Luận nghị cộng chín kinh
                    Căn độn ưa pháp nhỏ
                    Tham chấp nơi sanh tử

                    Nơi vô lượng Đức Phật
                    Chẳng tu đạo sâu mầu
                    Bị các khổ não loạn
                    Vì đó nói Niết Bàn
                    Ta bày phương tiện đó
                    Khiến đều vào huệ Phật
                    Chưa từng nói các ông
                    Sẽ đặng thành Phật đạo
                    Sỡ dĩ chưa từng nói
                    Vì giờ nói chưa đến
                    Nay chính là đến giờ
                    Quyết định nói đại thừa.
GIẢNG:

Phật phương tiện tùy bệnh cho thuốc, có lập có phá. Những điều trước đây Phật lập bày ra, đều vì việc lớn này, không thể dính kẹt trong đó !

CHÁNH VĂN:

              24- Chín bộ pháp của ta
                    Thuận theo chúng sanh nói
                    Vào đại thừa làm gốc
                    Nên mới nói kinh này

GIẢNG:

Phần trước Phật lập lại tùy theo tánh dục của chúng sanh, Ngài nói ra chín bộ kinh, đó cũng là phương tiện khiến đều vào trí huệ Phật. Giờ đến đây đúng lúc rồi, Ngài quyết định nói đại thừa. Phật nói tiếp, chín bộ pháp đó, Ngài thuận theo chúng sanh mà nói, rồi cũng đưa vào đại thừa, lấy đại thừa làm gốc nên bây giờ lại nói kinh này. Vậy đại thừa cũng không rời tiểu thừa, nói tiểu thừa hay đại thừa đó là phương tiện thôi, cũng đều đưa về một việc chính.

CHÁNH VĂN:

                    Có Phật tử tâm tịnh
                    Êm dịu và căn lợi
                    Nơi vô lượng các Phật
                    Mà tu đạo sâu mầu
                    Vì hàng Phật tử này
                    Nói kinh đại thừa đây
                    Ta ghi cho người đó
                    Đời sai thành Phật đạo

GIẢNG:

Ở đây, Phật nói có những người Phật tử tâm được thanh tịnh, căn bén nhạy lanh lợi là người lợi căn, Phật mới vì hạng này mà nói thẳng lý thật là thành Phật. Vì những người này nghe được thì liền tin nhận, nhưng Phật nói rõ, ở đây không phải là hạng nói lý suông mà những vị này đã ở nơi nhiều đức Phật, có tu hành đạo lý sâu mầu, cho nên vì những người này mà nói kinh đại thừa đây, khiến cho đời sau được thành Phật đạo.

Song nói được đó không phải là cái mới có, mà là cái đã sẵn nơi mình. Ở đây quý vị nghe kiểm lại xem:

Sau không nói ngay đời đó thành mà nói đời sau sẽ thành Phật đạo ? Đó là nói lên cần phải sống cho đầy đủ trọn vẹn trong đó, thì mới viên mãn công phu, viên mãn Phật quả, không phải nói sẵn có là xong rồi; hoặc thấy được, nhận được là xong. Nên ở đây, Phật nói rõ ràng, những người này đã có ở nơi vô lượng các đức Phật, tu những đạo sâu mầu, nhưng Phật cũng thọ ký cho họ đời sau sẽ thành Phật đạo, tức là còn phải sống cho được đầy đủ, được trọn vẹn trong đó, chớ không phải nhận trên lý thôi.

CHÁNH VĂN:

                    Bởi thân tâm niệm Phật
                    Tu trì tịnh giới vậy
                    Hạng nghe nói thành Phật
                    Rất mừng đầy khắp mình
                    Phật biết tâm của kia
                    Nên vì nói đại thừa
                    Thanh văn hoặc Bồ tát
                    Nghe ta nói pháp ra
                    Nhẫn đến một bài kệ
                    Đều thành Phật không nghi

GIẢNG:

Thâm tâm niệm Phật là: luôn luôn nhớ Phật không quên.

Như vậy tâm mình nhớ Phật, Phật nhớ mình - Là có sự tương ứng, và nhớ Phật là gợi lại Phật chính mình, đó là bước để mình sống lại chính mình. Luôn nhớ là nhớ như vậy và tu trì tịnh giới, cho nên những hạng người này nghe thành Phật thì rất vui mừng.

Đây là hạng tu trì đàng hoàng nên nói tu trì tịnh giới, chớ không phải nói trên ngôn ngữ thôi.

                    Hạng này nghe thành Phật
                    Rất mừng đầy khắp mình

Đây là hạt giống Phật rất mạnh, rất vững, có lòng tin sâu, nên nghe việc này thì mừng, mừng đầy khắp mình, chứ không phải nghe phớt phớt bên ngoài.

Bởi học có hạt giống Phật mạnh sẵn và Phật cũng biết tâm niệm của chính họ nữa, thầy trò khế hợp nhau, nên khi Phật nói ra họ tin nhận liền. Giống như con gà mẹ với trứng gà con, khi trứng gà gần đến thời kỳ nở thì gà con trong trứng phát ra tiếng, gà mẹ nghe liền mổ lủng vỏ, gà con ra liền.

Đây cũng vậy, hạt giống Phật của người đó nó đã sâu dầy, Phật biết vậy liền đánh thức họ đúng lúc thì họ liền tin và tỏ sáng. Nên Phật biết vậy rồi, liền nói đại thừa, Thanh văn, Bồ tát đó nghe Phật nói pháp ra dù chỉ một bài kệ thôi cũng đều thành Phật không nghi. Vậy để rõ, ai ai cũng đều có việc này, không phải Thanh văn mất phần thành Phật. Có khi Phật quở Thanh Văn để đánh thức họ và thúc đẩy các vị ấy tiến lên, chớ không phải nói Thanh Văn là không có phần.

CHÁNH VĂN

             25 – Trong cõi nước mười phương
                    Chỉ có một thừa pháp
                    Không hai cũng không ba
                    Trừ Phật phương tiện nói

GIẢNG:

Phật xác định rõ ràng: trong cõi nước mười phương chỉ có một thừa pháp, không hai cũng không ba gì hết, vì phương tiện mà Phật nói có sai biệt vậy thôi. Mà thừa pháp đó là gì? – Là TRI KIẾN PHẬT , mình phải thấy pháp chân thật đó, không phân biệt hai ba.

CHÁNH VĂN:

                    Chỉ dùng danh tự giả
                    Dẫn dắt các chúng sanh
                    Vì nói trí huệ Phật.
                    Các Phật ra nơi đời
                    Chỉ một việc này thiệt
                    Hai thứ chẳng phải chơn
                    Trọn chẳng đem tiểu thừa
                    Mà tế độ chúng sanh.

GIẢNG:

Đây Phật nói thêm, những điều Phật nói chỉ là dùng danh từ giả tạm để dẫn dắt, vậy vì sao chúng ta lại bám chấp vào danh từ đó, kẹt trên danh từ giả đó, là mình chết trên cái giả danh, mắc kẹt trên đó rồi phân chia đây kia, yêu ghét, cao thấp, v.v…, càng đi xa cái thật. Danh từ giả đó là gì? – Thí dụ như Phật nói Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát hoặc quả này quả nọ, đó là danh từ tạm gọi mà thôi; nếu mình nói: tôi tu theo đại thừa, còn anh tu theo tiểu thừa nên tui cao, anh nhỏ, anh thấp, thì chính tâm đó là tâm gì? – Là tâm sanh tử.

Còn TRI KIẾN PHẬT  có tiểu đại gì không? Hiểu như vậy thì mới thấy được ý Phật muốn chỉ, cho nên:

                        Các Phật ra nơi đời
                        Chỉ một việc này thiệt
                        Hai chứ chẳng phải chân

Như vậy, thấy có một, có hai, có ba, đó là không phải thật, cho nên Phật nói:

                        Trọn chẳng đem tiểu thừa
                        Mà tế độ chúng sanh

Phật nói tiểu thừa cũng là phương tiện, chứ bản ý của Phật là muốn hướng người đến chỗ Phật thừa này.

CHÁNH VĂN:

                        Phật tự trụ đại thừa
                        Như pháp của mình đặng
                        Định, huệ, lực trang nghiêm
                        Dùng đây độ chúng sanh

GIẢNG:

Ở đây Phật nói: Ngài tự trụ đại thừa, như pháp mình chứng đặng, dùng để độ chúng sinh. Đó là Phật muốn nói ra cái gì? Tức là ngài nói ra từ chỗ chứng nghiệm. Ngài được cái gì, ngài nói ra để giáo hóa chúng sanh chứ không dấu giếm gì hết.

CHÁNH VĂN:

                    Tự chứng đạo vô thượng
                    Pháp bình đẳng đại thừa
                    Nếu dùng tiểu thừa độ
                    Nhẫn đến nơi một người
                    Thời ta đọa xan tham
                    Việc ấy tất không được.

GIẢNG:

Phật nói rõ, Ngài không có một chút gì dấu giếm, chẳng qua là mình chưa thể tin nhận kịp thôi. Nếu ngài có một chút gì dấu giếm, tức là dùng tiểu thừa độ, dù chỉ một người là thành xan tham rồi. Phật không có điều đó. Nhưng có điều, chỗ đó là chỗ khó nói, nên ngài phải dùng phương tiện nói thế này, nói thế kia, để cho người căn cơ khế hợp rồi thầm tin nhận lấy.

Ngài nói: tự chứng đạo Vô Thượng đó là pháp bình đẳng. Bình đẳng là không cao thấp, hơn thua. Không phải ngài có mình không có. Chỗ bình đẳng này không phải là san bằng hết mà là ai ai cũng đủ cái này. Phật chứng được thì mình cũng chứng được, chớ không phải cái này dành riêng cho đức Phật thôi.

Phật khéo, Ngài nhận được trước và sống được thì Ngài thành Phật. Còn mình chưa hoặc là mới nhận, nếu mình sống trọn vẹn đầy đủ rồi thì mình cũng thành Phật. Đó là bình đẳng không hai, không sai khác, chính đó là chỗ đặc biệt trong nhà Phật.

Vì thế, ngài chứng được thì muốn chỉ cho mọi người chứng được như ngài. Chính vì vậy mà có câu: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.”

CHÁNH VĂN:

                Nếu người tin về Phật
                Như Lai chẳng dối gạt
                Cũng không lòng tham danh
                Dứt ác trong các pháp
                Nên Phật ở mười phương
                Mà riêng không chỗ sợ

GIẢNG:

Ở đây Phật nói rõ hơn, Ngài nhấn mạnh: nếu người tin về Phật, là tin tưởng được Như Lai chẳng dối gạt. Bởi vì mình tin được điều đó thì mình mới thấy đượ Như Lai không dối gạt mình, chứ chưa tin nổi thì cũng còn nghi. Nói ai cũng thành Phật hết, mà ai cũng còn đủ nghiệp chướng sao thành Phật được? Mình có tin nhận điều này rồi thì thấy rõ quả thật Phật không dối gạt mình. Đó là lẽ thật. Tuy nghiệp chướng đó, nhưng TRI KIẾN PHẬT  vẫn hằng hiện hữu nơi sáu căn không mất.

Ngài nói rõ thêm, Ngài không có lòng tham ganh ghét gì hết; chính Ngài đã dứt sạch cái ác ở trong các pháp rồi, cho nên dù Phật ở mười phương mà ngài riêng không có sợ. Ngài nói ra điều này là quyết định xác thực, dù chưa có mười phương chư Phật ở khắp nơi đó, ngài cũng nói ra một cách mạnh mẽ chứ không có e dè sợ sệt gì. Còn mình khi nói, thì e dè, sợ không biết có đúng không, sợ mình nói lỡ bị người ta bắt bẻ thì sao? Chứng tỏ những điều mình nói ra là những điều mình học lại thôi, chưa phải là chỗ thực sống của mình nói ra. Rồi ngài nói rõ:

CHÁNH VĂN:

                Ta dùng tướng trang nghiêm
                Ánh sáng soi trong đời
                Đấng vô lượng chúng trọng
                Vì nói thiệt tướng ấn

GIẢNG:

Đây là Ngài nói thật tướng ấn, tức nói đến chỗ chân thật chứ không còn giấu giếm nữa. Ngài đem ánh sáng giác ngộ này soi sáng cho thế gian. Ngài ra đời chỉ vì một việv này thôi.

CHÁNH VĂN:

               26- Xá Lợi Phất ! nên biết
                    Ta vốn lập thệ nguyện
                    Muốn cho tất cả chúng
                    Bằng như ta không khác
                    Như ta xưa đã nguyện
                    Nay đã đầy đủ rồi
                    Độ tất cả chúng sanh
                    Đều khiến vào Phật đạo
GIẢNG:

Phật nói rõ hơn nữa, Ngài ra đời muốn cho mọi người bằng như Ngài, chứ không thua kém Ngài. Rõ ràng đó là tinh thần vô ngã chân thật, không giấu nghề.

Bởi lẽ thật này là lẽ thật nơi tất cả, cho dù có nói hết đi nữa cũng không nói hết chỗ đó, vì chỗ đó không thể dùng ngôn ngữ nói đến được. Trước kia Ngài đã nguyện, bây giờ đây đã đầy đủ rồi, độ hết cả chúng sanh đều khiến vào Phật đạo. Quý vị nghe như vậy có nghi không ? Tại sao mình còn ngồi đây mà nói độ hết ? – Trước Ngài đã gieo nhân lành, tạo duyên, gây niềm tin cho mọi người khiến cho ai cũng tin nhận mình có Phật tánh , có phần thành Phật đạo. Những vị trực tiếp nghe Ngài dạy thì đều được Ngài thọ ký. Nhưng đối với người chưa trực tiếp , Ngài cũng gián tiếp gieo nhân duyên đó, như mình đây, Ngài gián tiếp gieo cho mình tin nhận được cái chân thật đó, nghĩa là Ngài gieo nhân duyên đầy đủ hết chứ không bỏ sót ai.

CHÁNH VĂN:

                    Nếu ta gặp chúng sanh
                    Dùng Phật đạo dạy cả
                    Kẻ vô trí rối sai
                    Mê lầm không nhận lời.
       
GIẢNG:

Ngài nói rõ, nếu gặp ai Ngài cũng nói thành Phật hết thì với kẻ vô trí tâm loạn sẽ không tin nhận, nhiều khi còn phỉ báng trở lại, cho nên Ngài chưa vội nói, Ngài chỉ gieo duyên lành cho họ hướng đến.

CHÁNH VĂN:

                    Ta rõ chúng sanh đó
                    Chưa từng tu cội lành
                    Chấp chặt nơi ngũ dục
                    Vì si ái sanh khổ
                    Bởi nhơn duyên các dục
                    Sa vào ba đường dữ
                    Xoay lăn trong sáu nẻo
                    Chịu đủ những khổ độc
                    Thân mọn thọ bào thai
                    Đời đời tăng trưởng luôn
                    Người đức mỏng ít phước
                    Các sự khổ bức ngặt
                    Vào rừng rậm tà kiến
                    Hoặc chấp có chấp không
                    Nương gá các chấp này
                    Đầy đủ sáu mươi hai
GIẢNG:

Như vậy cho thấy rõ những người thiếu căn lành đó, do chấp chặt nơi ngũ dục bị si ái làm khổ, cho nên từ đó mà đi vào ba đường dữ, luân hồi trong sáu nẻo, chịu khổ độc. Vì phước đức mỏng nên bị cái khổ nó bức ngặt, rồi ở trong rừng rậm tà kiến, chấp có chấp không, cứ thế mà lẩn quẩn mãi không ra khỏi. Ở đây hãy chú ý, sở dĩ khổ đó là từ đâu ? – Vì si ái. Chính si ái đó mà khổ. Si là si mê không thấy đúng lẽ thật, rồi mới chấp vào cái ngã này, yêu tiếc lấy nó rồi từ đó tạo nghiệp chịu khổ thôi chứ gì ? Cho nên nói nó là si ái. Chẳng hạn tham là tham cho cái gì ? Tham cho cái ta này nó hưởng chứ gì ? Rồi sân thì cũng do cái gì mà sân ? Cũng do cái ngã này, vì dụng đến nó mà sân. Còn kêu căn tự đắc là gì ? Cũng vì cái ngã thôi, vì muốn đưa nó lên cao. Mà cái gì là ngã này ? – Kiểm lại, cái này là giả dối thôi. Do si mê tưởng là thật cho nên chấp là có ngã thật ở trong ấy, bám chặt vào đó rồi từ đó mà tạo tội chịu khổ. Bởi vậy nếu xét cho kỹ,mình bớt chấp ngã được chừng nào thì mình được nhẹ nhàng chừng nấy.Ở đâu, hay ở chỗ nào mà vắng bóng si ái này, vắng bóng cái ta này, cộng thêm cái của ta nữa thì chính nay đó là Niết bàn chứ không có gì khác. Cho nên Niết bàn không phải là chỗ nào khác mà ngay nơi hiện tại đây thôi. Nhưng ở đây mình vì cái si mế đó mà chấp chặt vào cái ngã này, do chấp chặt cái ngã đó mà sanh ra các tà kiến. Đây nói tà kiến đó như rừng rậm, vào trong đó rối hết biết lối ra. Nghĩa là quanh quẩn trong những cái chấp đó, mà bao nhiêu những tà kiến đó cuối cùng đem gom lại không ngoài hai thứ “có - không”.

Nếu mình sạch những cái chấp có, chấp không thi ngay đó là lặng lẽ giải thoát. Nhưng mình đâu có chịu như vậy. Không chấp có thì cũng rơi vào chấp không, còn không chấp không thì cũng rơi vào chấp có.

Thí dụ mình nói tu hành phải đạt đạo. Đạo gì để đạt ? Tưởng có đạo để đạt là chấp có, còn nếu bỏ không thèm thu gì hết là chấp không, thành ra lẩn quẩn, không ở bên này cũng rơi vào bên kia. Ở đây nếu quên được niệm Phật biệt có-không thì ngay đó tâm lặng lẽ. Mà tâm lặng lẽ tức là Niết Bàn, vậy thôi.

Vậy nếu không bám chấp vào đó thì sẽ mở sáng được con đường giác ngộ. Còn bám chặt vào đó thì lý thật bị che mờ. Cho nên Phật nói:

CHÁNH VĂN:

                    Chấp chặt pháp hư vọng
                    Bền nhận không bỏ đặng
                    Ngã mạn tự khoe cao
                    Dua nịnh lòng không thiệt
                    Trong ngàn muôn ức kiếp
                    Chẳng nghe danh tự Phật
                    Cũng chẳng nghe chánh pháp
                    Người như thế khó độ
GIẢNG:

Vì chấp chặt pháp hư vọng mà bền nhận không bỏ được, nên cứ lẩn quẩn mãi trong đó. Có khi cả muôn kiếp mà không nghe được danh tự Phật. Trong khi đó, mình có duyên lành học Phật, tức là mình có hạt giống đó đã được gieo sâu rồi.

[ Quay lại ]