headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM PHƯƠNG TIỆN

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, bảo Ngài Xá Lợi Phất:" Trí huệ của các đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả thành Thanh văn cùng Bích Chi Phật đều không biết được.Vì sao ?

Phật đã từng gần gũi trăm nghìn muôn ức vô số các đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các đức Phật, dõng mãnh tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp ý thú khó hiểu.

Xá Lợi Phất! Từ khi ra thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dù dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp.Vì sao? Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và ba la mật.

Xá Lợi Phất! Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, đức vô lượng vô ngại lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát tam muội, đều sâu vào không ngắn mé, trọn nên tất cả pháp chưa từng có.

Xá Lợi Phất ! Như Lai hay các món phân biệt, khéo nói các pháp lời lẽ êm dịu vui đẹp lòng chúng. Xá Lợi Phật ! Tóm yếu mà nói đó, vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, đức Phật thảy đều trọn nên.

GIẢNG:

Tới phần này là Phật từ chánh định dậy, trước khi nói ý nghĩa này, nói qua ý nghĩa phẩm phương tiện, vì sao phẩm này gọi là phẩm phương tiện ?
Phương: là phương pháp, cách thức.

Tiện: là tiện lợi, thích ứng khéo léo, nói đủ là thiện xảo phương tiện để giúp cho người đạt đến chỗ mong muốn.

Vì trí tuệ giác ngộ của Phật, là trí tuệ siêu việt, nó vượt ngoài ngôn ngữ, cung như tâm suy nghĩ. Bởi vậy, khi Đức Phật thành đạo xong, Ngài định nhập Niết Bàn, vì thấy nó sâu xa quá, khó mà nói cho người hiểu được, thì nhập Niết Bàn cho rồi. Chư thiện phải ba lần thưa thỉnh, Phật mới hứa khả. Đó là ngầm nói lên trí tuệ chứng ngộ của Phật, nó vượt ngoài ngôn ngữ, khó có thể dùng ngôn ngữ diễn bày được. Để giáo hóa chúng sanh, Ngài phải dùng phương tiện mà dẫn dắt họ khéo vào trí tuệ đó. Cho nên cuối cùng phải vượt qua ngôn ngữ, vượt qua cái suy nghĩ bình thường của thế gian, mới thấu được chỗ rốt ráo Phật muốn nói, muốn chỉ.

Chính vì vậy, mở đầu kinh Pháp Hoa này, Phật nhập định phóng quang, rồi trời mưa hoa đất chấn động, chúng hội thắc mắc không hiểu được, chỉ Ngài Văn Thù mới thầm cảm thông được mà thôi. Ngay mở đầu kinh này cũng nói lên điều đó.

Như vậy để thấy, lý chân thật rốt ráo không thể nói mà chỉ người tri âm mới tự thầm cảm thông, thầm hiểu được. Song nếu một bề không nói thì dạy ai đây, do đó Phật phải phương tiện bày nói. Vậy đã nói ra thì đó là phương tiện, chứ chưa phải thật, mình không thể chấp vào chỗ nói năng đó. Trong nhà thiền, khi nói ra là thuộc về đầu thứ hai rồi, còn đầu thứ nhất, có chỗ gọi là ngọn diệu phong, chỗ bặt ngôn ngữ .

Bởi vậy trong Kinh Hoa Nghiêm, khi đồng tử Thiện Tài lên tham vấn Tỳ kheo Đức Vân trên ngọn Diệu Phong, nhưng đồng tử lên đến núi rồi lại không gặp Ngài Đức Vân, sau đó qua ngọn núi khác, gọi là Biệt Phong mới gặp Ngài. Trong đó lại nói, Tỳ kheo Đức Vân chưa từng xuống núi, mà đồng tử Thiện Tài ở núi khác lại thấy Ngài là sao ? – Ngọn Diệu Phong là chỗ lý rốt ráo chân thật, chỗ đó không có hai. Nên Thiện Tài lên đó không thấy Ngài Đức Vân. Nếu thấy được là có hai, có chủ có khách rồi. Bởi vậy lên tới đó, nhưng không thấy được, muốn thấy thì qua ngọn núi khác mới thấy. Đó là nhân cái này mà thấy được cái kia. Mình ở đây cũng vậy, nhân lời nói phương tiện kia phải thấy thấu qua cái đó, thấy thấu qua ý kia, mới thấy chỗ lý rốt ráo.

Trong sử Thiền có một vị Tăng hỏi Thiền sư Khế Phan ở Nam Thiền:

- Thế nào là nghĩa đệ nhất ?

Sư bảo:

- Sao không hỏi nghĩa đệ nhất ?

Ông Tăng nói:

- Đang hỏi đây !

Sư bảo:
- Đã rơi vào nghĩa đệ nhị rồi

Ngay đó ông phải thầm nhận liền. Do đó để hiểu rõ, khi có nói ra là thuộc về phương tiện, mà phương tiện là thuộc về cái thứ hai, thứ ba rồi.

Lẽ thật là chỗ tột lý không lời, phương tiện vì người mà tạm có nói năng thôi. Dùng cách này, cách nọ khéo léo để dẳn người vào lý thật đó là phương tiện. Phương tiện cũng như chiếc xe, chiếc thuyền, chuyên chở đưa mình từ chỗ này đến chỗ khác, nhưng cái đó không phải mục đích mà mình muốn đến. Ví dụ, mình muốn đi Sài gòn, ngồi trên xe nó đưa mình tới Sài Gòn, nhưng cứ ngồi lỳ trên xe đó hoài cho đó là Sài Gòn là lầm.

Cũng vậy, nếu mình không khéo mà mắc kẹt trên phương tiện, trên ngôn ngữ lời nói đó, thì cũng không thấy được lý đạo. Trong Kinh Viên Giác, Phật nói: ”Kinh điển Phật cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng”. Ngón tay là chỉ cho phương tiện để chỉ mặt trăng, mình phải khéo thấy mặt trăng mới thấy được lý thật.

Vua Đường Tuyên Tông có lần hỏi thăm Thiền sư Hoằng Biện:

- Sao gọi là phương tiện ?

Thiền sư Hoằng Biện đáp:

- Phương tiện là ẩn thật mà che tướng, là cửa quyền khéo léo, để tiếp hàng căn cơ bậc trung, bậc hạ, chiều uốn uyển chuyển bày ra để dẫn dụ họ, gọi đó là phương tiện. Giả sử đối với hàng thượng căn, bảo là cởi bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng. Đây cũng là lời nói phương tiện.

Đến như Tổ Sư bảo quên công bặt lời, cũng không ra ngoài dấu vết phương tiện. Vì cái lời nói đó cũng là phương tiện rồi. Vậy làm sao vượt khỏi phương tiện ? Nói  “Tôi buông hết phương tiện, cởi bỏ hết phương tiện”, lời nói đó cũng là phương tiện.

Người vượt ngoài phương tiện, là người phải khéo dùng phương tiện để ứng dụng cho mình, nhưng không mắc kẹt trong phương tiện đó. Cũng như đức Phật, Ngài nói ra lời này, lời nọ, Ngài cũng biết đó là phương tiện; nhưng Ngài khéo dùng nó mà dẫn dắt mình, không mắc kẹt trong đó, là Ngài vượt qua phương tiện, và dùng trở lại phương tiện. Đó là khéo léo, nếu không mình nghe nói buông hết rồi bảo: “ tôi bây giờ không chấp gì hết”, nói không chấp mà thành chấp. Chấp vào cái không chấp đó ! Lời nói phương tiện của Phật là lời nói phá chấp, lại chấp vào lời nói phá chấp làm thật, thành ra chấp nữa, cái đó rất là vi tế. Cho thấy, mọi cái lập bày ra đều là phương tiện.

Đến các vị Thiền sư hay các vị Tổ đánh hoặc hét cũng là phương tiện, để ngay đó đánh thức mình tỉnh lại cái thật chính mình. Cũng như ở đây, Phật phóng ánh sáng cũng là phương tiện. Như vậy, mình phải thấy được ý ngoài lời chứ không nên mắc kẹt ngôn ngữ.

Rồi khi Phật xuất định, Ngài tán thán trí tuệ của Phật với Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài bảo:

- Trí huệ đó rất sâu vô lượng. Môn trí huệ đó khó hiểu, khó vào. Tất cả hàng Thanh văn cùng Bích Chi Phật cũng không biết được.

Trí tuệ đó quá sâu xa, hàng Thanh văn cùng Bích Chi Phật cũng không biết được. Phật nói thêm:

- Phật đã từng gần gũi trăm nghìn vô số đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các đức Phật, dõng mãnh tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp, ý thú khó hiểu.

Phật tán thán trí tuệ sâu xa đó, cho đến hàng Thanh văn, Bích chi Phật không thể biết được, vậy ai biết được ? Mới xuất định, Phật liền tán thán trí tuệ đó. Hiểu chỗ này, thấm được chỗ này, quý vị mới thấy được ý của Phật khi thành đạo, Ngài muốn nhập Niết bàn. Vì trí tuệ này qua sâu xa, vượt ngoài ngôn ngữ. Ở đây Ngài nói thêm, Ngài đã từng gần gũi trăm nghìn vô số Phật và trọn tu vô lượng đạo pháp mới thành được như vậy. Tuy nói lý chân thật đó sẵn có nơi mình, không phải do tu hành mà được, nhưng không phải để tự nhiên mà có, phải công phu sâu xa miên mật, khế hợp tự cảm nhận. Ngài cũng nói rõ:

- Ta, từ thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu đắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp.

Nghĩa là, Ngài dùng bao nhiêu phương tiện ngôn ngữ cùng để dìu dắt người xa lìa lòng chấp. Còn chấp là còn mắc kẹt cái này, mặc kẹt cái kia, hết chấp liền thấu được chỗ chân thật đó.

Trong đây ngầm nói ý gì ? Ngài nói bao nhiêu lời, bao nhiêu phương tiện đó đều là để phá chấp cho người. Mình sạch hết chấp thì thấu được ý Phật. Vậy, những điều Phật nói ra chưa thật là rốt ráo; và ngầm ý, bốn mươi mấy năm Phật nói pháp cũng là phương tiện đánh thức cho người sống trở lại lý thật, vượt ngoài ngôn ngữ. Do đó trong Kinh Lăng Già, Phật nói:

- Ta từ khi thành Phật cho đến nhập Niết bàn, ở trong khoảng giữa đó chưa từng nói một chữ, cũng không đã nói, sẽ nói:

Sự thật không có gì để nói, cốt là mọi người hết chấp, tự cảm nhận lẽ thật chính nơi mình mà mình đã bỏ quên, chớ không có cái khác.

Kinh nói, Phật đã đạt được những pháp sâu xa đó, những trí tuệ, các giải thoát tam muội đều là vào chỗ không ngằn mé. Tức nói lên chỗ Phật đã đến hay cái tri kiến của Như Lai nói rộng sâu, thức tình không thể suy cùng được.

CHÁNH VĂN:

2- Thôi xá lợi phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt rao như vậy.

GIẢNG:

Phật nói rõ, bởi vì các pháp khó hiểu đó chỉ có Phật với Phật mới thấy rõ tột tướng chân thật. Đó cũng chỉ cho người thầm cảm thông chứ không thể diễn tả hết bằng lời. Phật nói: "Nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt rao như vậy".

Đây là thập như thị trong Kinh Pháp Hoa, nghĩa là nó như vậy, thấy như vậy thôi. Phật tán thán rồi thôi, Phật không nói nữa là để cho người thật khát khao, lắng lòng định tâm mà tin vào. Tin nhận lìa phân biệt thì mới có thể cảm thông được, vì không thể suy nghĩ qua chỗ đó.

Chính chỗ này, đức Lục Tổ nói bài pháp đầu tiên cho thượng tọa Minh. Khi Minh đuổi theo Tổ. Tổ bảo ông, hãy lắng lòng mà nghe, thượng tọa Minh im lặng giây lâu, Ngài mới nói:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là bộ mặt thật của thượng tọa Minh ?

Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tức là bặt niệm thiện ác thì chính ngay đó là gì? Làm sao suy nghĩ? Chính ngay đó liền cảm nhận bộ mặt thật rõ ràng của mình, cho nên khi thượng tọa Minh đại ngộ và hỏi thêm:

- Ngoài lời mật, ý mật, từ trước đến nay, còn có ý mật nào nữa chăng?

Tổ bảo:

- Đã nói với ông, tức chẳng phải mật, nếu ông soi ngược lại thì mật đó ở ngay bên ông thôi.

Ngay khi mình bặt niệm phân biệt, thì chính đó tự mình tỉnh dậy, mọi bí mật sẽ mở tung, không giấu giếm gì nữa. Còn vừa nghĩ thì thành bí mật thôi. Vì sao? Vì còn nghĩ là chưa hiểu nên nó thành bí mật tại nơi mình. Ở đây mọi tướng tánh đó nó như thế nào thấy đúng như thế, không thêm, không bớt, không nghĩ ngợi. Mình vừa nghĩ ngợi tức là xen cái ta vào trong đó rồi. Có cái ta xen vào, thì bóp méo sự thật của các pháp, nó hết còn là như vậy, mà thành ra thế này, thế kia theo cái ta.

Thí dụ, như cái hoa thấy là cái hoa, thấy đúng như vậy, đâu có lỗi lầm gì, thì chân lý rõ ràng thôi. Nếu xen cái tôi vào thì bắt đầu sinh chuyện, mỗi người đều thấy khác nhau, có đẹp, có xấu. Hoa – sự thật không đẹp không xấu. Hoa là hoa thôi, cũng như nó không đỏ không trắng. Đỏ, trắng, do mình thêm vào đó. Do tâm phân biệt mà mình đặt tên màu cho nó là xanh, đỏ, trắng quen rồi, ai cũng gọi như vậy trở thành thói quen chung, ai nói màu xanh thành màu vàng thì cãi liền. Nếu xưa kia người ban đầu đọc đỏ là vàng, thì bây giờ mình cũng gọi tên hoa là vàng. Đó là do nhóm người ban đầu đặt tên trước, nên mọi người đều công nhận gọi theo. Cũng như đứa bé sinh ra, lớn lên chưa biết gì hết thì thấy hoa là hoa thôi chứ không biết đỏ, vàng là gì. Nó cũng không biết đó là hoa nữa, chỉ biết đó là vật vậy thôi. Để cho thấy rõ, mình có xen cái thấy của mình vào đó thì có cái ta, cho nên sự vật đó đã bị bóp méo theo cái nhìn của mình, nó hết như thị, còn đây là thấy đúng như vậy, nó như vậy thôi.

Thập như thị, Tướng – tánh là một cặp, tướng nó hiện ra bên ngoài; còn tánh chỉ ngầm bên trong, tánh không biến đổi. Ví dụ như nước thì tánh của nó là ướt. Còn thể - lực là cặp đối nhau. Thể là bản thể, là cái gốc của lực. Lực là lực dụng, thể đối với dụng. Từ thể đó nó có công năng đầy đủ, cái lực dụng đó nó ứng ra ngoài. Còn nhân là điều kiện chính để đưa đến cái quả. Thí dụ, hạt giống là nhân, là nó đủ điều kiện chính để đưa đến quả; duyên là điều kiện phụ trợ giúp cho nhân đó mà thành tựu đến cái quả. Ví dụ hạt giống là nhân, duyên là là phân, nước, ánh sáng mặt trời, công của người v.v… Quả là kết quả nhân duyên đó tạo thành, tức là nhân duyên đó tạo thành kết quả. Báo là chỉ cho cái quả nó hiện ra để đáp lại cái nhân kia. Trước – sau rốt ráo như vậy, tức trước là chỉ cho cái khởi đầu, sau là chỉ cho rốt ráo sau này. Trong đó tánh, tướng, thể, lực, tác, thì tác là hành động tạo thành những cái nghiệp.

Vậy tánh, tướng, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, trước, sau rốt ráo đều như vậy. Đây là gồm cả thời gian và không gian trong đó hết đều như vậy, đều NHƯ hết, mà đều NHƯ là sao? – Là nó không rời ngay một niệm hiện tiền đây! Ngay đây nó như vậy, thấy đúng như vậy, mình vừa quên một niệm hiện tiền này, thêm cái khác vào thì hết như vậy liền, tức là có cái niệm phân biệt vào trong đó, quên mất niệm hiện tiền này thì mọi cái thành ra sai biệt, hết NHƯ. Đến đây là mở ra cái thấy biết "trở về núi sông là núi sông".

Từ trước đến giờ Phật nói vô thường, nói vô ngã, nói khổ, tập, diệt, đạo, nói nhân duyên, bao nhiêu phương tiện tùy duyên. Qua Bát Nhã nói tánh không, đến Pháp Hoa này Phật nói "thấy đúng rõ mọi cái như vậy là như vậy", trả về cái thấy như thật, núi sông là núi sông thấy đúng như nó là nó, chứ không thêm một chút xíu nào vào trong đó.

Do đó, quý vị khéo mở cái thấy này, thì còn gì là hơn thua, phân biệt thế này thế kia! Và như vậy nhìn những cánh hoa này, từng cánh hoa nó đều rõ ràng rơi trong mắt mình thôi, không đi đâu khác, mỗi cánh hoa nó đều hiện rõ, không có chút gì lầm lẫn! Còn bây giờ quý vị nhìn cánh hoa có thấy rõ ràng từng cánh hoa không, hay là sao? Bây giờ nhìn hoa thì mình đồng hóa mình với cái hoa đó, mình chết trên hoa đó, chứ đâu thấy rõ từng cánh hoa, từng cánh hoa. Còn nếu mở mắt sáng ra thì thấy rõ từng cánh hoa, từng cánh hoa rành rành không có một chút gì lầm lẫn, đó chính là mở cái thấy như thị. Mở được cái thấy như thị thì mới rõ được các pháp đúng như thật. Đến đây quý vị thấy trí tuệ sâu xa rộng lớn của Phật chưa? Khi nói tới đó Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

CHÁNH VĂN:
        3- Đấng Thế Hùng khó lường
            Các Trời cùng người đó
            Tất cả loài chúng sanh
            Không ai hiểu được Phật
            Trí lực, vô sở úy
            Các pháp khác của Phật
            Không ai so lường được

GIẢNG:

Đấng Thế Hùng khó lường là chỉ cho Phật. Ở đấy Phật nhắc lại, mọi trí lực, vô sở úy các pháp của Phật đó Ngài đều đầy đủ hết, không ai có thể so lường được. Đó là nói lên không phải chỗ thức tình có thể hiểu được, dò đến được

            Vốn từ vô số Phật
            Đầy đủ tu các đạo
            Pháp nhiệm mầu rất sâu
            Khó thấy khó rõ được.
            Trong vô lượng ức kiếp
            Tu các đạo đó rồi
            Đạo tràng đặng chứng quả
            Ta đều đã thấy biết.
            Quả báo lớn như vậy
            Các món tánh, tướng, nghĩa
            Ta cùng mười phương Phật
            Mới biết được việc đó

GIẢNG:

Ở đây Phật nói tiếp, vốn tu hành đầy đủ đạo pháp từ vô số đức Phật và các pháp nhiệm mầu sâu xa đó, là chỗ rất khó thấy, khó rõ được, không thể dùng mắt thấy, không thể dùng thức hiểu, mà ở đây do Ngài từ vô lượng kiếp tu các đạo đó rồi, ở nơi đạo tràng mà chứng quả, cho nên chính từ “đạo tràng đặng chứng quả, ta đều đã thấy biết”. Nghe đến đây thì quí vị hiểu được cái gì ?- Đây là chổ tự chứng của Phật . Ở nơi đạo tràng Ngài chứng quả thì làm sao dùng suy nghĩ mà biết được? Cho nên mình học Phật, có khi mình có trí lanh lợi, mình suy đoán chỗ Phật thành đạo rồi nói thế này thế kia, rồi cãi nhau: tôi thấy thế này, anh thấy thế kia, rốt cuộc để lộ cái chỗ không thật của mình ra. Bởi vì , đó là chỗ chứng của Phật, mình dùng trí hiều biết lanh lợi để suy đoán, làm sao suy đoán được ? Nếu có hiểu được thì hiểu theo suy đoán, hiểu một góc cạnh nào đó thôi, đâu phải hiểu đến chỗ thật , mà trong đó cãi nhau càng không thật nữa. Cho nên chính chỗ này, quý vị mới kinh nghiệm qua, người còn thích cãi thì sao ? – Thì biết rõ thế nào rồi. Do đó nếu hiễu chỗ này, quý vị mới thấy thấm thía câu chuyện người mù rờ voi:

Ông Vua muốn thử mấy người mù, cho nên một hôm gọi mất người mù lại, rồi đem con voi để trước sân trong triều. Ông vua bảo mấy người mù đó là:

- Đâu các ông rờ con voi rồi tả lại cho ta nghe hình dáng nó như thế nào ?

Người rờ trúng tai voi thì nói:

- Voi giống cái quạt

Người rờ trúng cái đuôi nói:

- Voi giống như cây chổi.

Người rờ trúng cái chân thì nói:

- Voi giống như cái cột

Người rờ trúng cái bụng thì nói :

- Voi giống như cái lu

Rồi ai cũng nghĩ là mình thấy đúng nên liền cãi nhau. Tại sao mấy người đó cãi? Mấy người đều có rờ trúng hết, chớ không phải là không rờ trúng, nhưng trúng trong một góc cạnh nào đó thôi, chớ không phải là chính mắt trông thấy rõ ràng. Do đó mỗi người đều thấy khác nhau, nên cãi nhau. Trong khi đó ông Vua chỉ cười, vì vua thấy toàn thể con voi rồi, nói thế nào đi nữa thì cũng không toàn vẹn hết. Vậy người thấy toàn vẹn thì sao ? Còn cãi nữa không ? Còn cãi là chưa thấy tròn vẹn, là chấp theo cái thấy riêng của mình.

Đây cho thấy , đức Phật Ngài ở nơi đạo tràng tự chứng được. Do đó, muốn thấy chỗ này thì cũng phải đến cảnh giới đó, tự mình vào được trong chỗ đó, rồi thầm cảm nhận thôi, chớ không thể suy nghĩ. Phật nói đó là chỗ ta đều thấy biết hết. Do Ngài tự chứng mà thấy biết rõ ràng, không còn chỗ suy luận, chỗ phỏng đoán. Cho nên những điều Ngài nói ra chắc chắn, chân thật, quả quyết không sai với lẽ thật.

                    Quả báo lớn như vậy
                    Các món tánh tướng nghĩa
                    Ta cùng mười phương Phật
                    Mới biết được việc đó.

GIẢNG:

Quả báo lớn như vậy, nghĩa tánh tướng đó, Ngài cùng mười phương chư Phật mới biết được. Bởi vì sao? Bởi vì Phật với Phật tâm tâm tương ứng với nhau thì mới biết được, chớ không phải là chỗ suy nghĩ.

CHÁNH VĂN :

               Pháp đó không chỉ được.
               Vắng bặt tiếng nói năng
               Các loài chúng sanh khác
               Không có ai hiểu đặng
               Trừ các chúng Bồ tát
                Người sức tin bền chặt.

GIẢNG:

Ở đây Phật đã thổ lộ ngầm chỉ ý ngoại biệt truyền rõ ràng qua hai câu :

                 Pháp đó không chỉ được
                 Vắng bặt tướng nói năng.

Là ý giáo ngoại biệt truyền đó, bởi vì chỗ đó nó bặt hết mọi nói năng, vậy thì phải thấy như thế nào ? – Phải thấy trước câu nói, thấy ngoài lời. Đó là ý nói, lời nói ra đều không thể đến được chỗ này, không thấy được chỗ này, phải thấu qua ngôn ngữ, ngay đây ý giáo ngoại biệt truyền hiện tong đó. Cho nên Ngài nói:

                 Các loài chúng sanh khác
                 Không có ai hiểu đặng
                 Trừ các chúng Bồ tát
                 Người sức tin bền chặt.

Đó là dùng trực giác tin nhận vào, chớ không thể suy nghĩ. Chỗ này trong nhà thiền, các Ngài ít chịu giải thích rõ ràng cho mình hiểu, mà các Ngài nói những lời dễ hiểu là những lời tử ngữ, còn những lời sống là những lời mà người ta bặt tình thức suy nghĩ .

                   Các hàng đệ tử Phật
                    Từng cúng dường các Phật
                    Tất cả lậu đã hết
                    Trụ thân rốt sau này
                    Các hạng người vậy thảy
                    Sức họ không kham được

Ở đây Phật nói, những hàng đệ tử Phật tất cả lậu đã hết, trụ thân rốt sau, mà sức họ cũng không kham được, đây Phật thí dụ:

                    Giả sử đầy thế gian
                    Đều như xá lợi Phất
                    Cùng suy chung so lường
                    Chẳng lường được trí Phật

Trí tuệ như Xá Lợi Phất đầy thế gian này, cũng không lường được Phật trí. Đó là một lớp.

                    Chánh sử khắp mười phương
                    Đều như Xá Lợi Phất
                    Và các đệ tử khác
                    Cũng đầy mười phương cõi
                    Cùng suy chung so lường
                    Cũng lại chẳng biết được.

Lớp thứ hai là, khắp mười phương đều như Xá Lợi Phất và những hàng đệ tử khác nữa, cùng họp lại để suy lường cũng không biết được.

                    Bậc Duyên giác trí lanh
                    Vô lậu thân rốt sau
                    Cũng đầy mười phương cõi
                    Số đông như rừng tre
                    Hạng này chung một lòng
                    Trong vô lượng ức kiếp
                    Muốn xét Phật thật trí
                    Chẳng biết được chút phần

Đây là hàng Bích Chi Phật ở khắp mười phương đông như rừng tre, họp chung lại suy lường trong vô lượng ức kiếp, cũng không thể biết được một chút phần, nghĩa là trong một thời gian dài suy xét cũng không biết được trí Phật.

                    Bồ tát mới phát tâm
                    Cúng dường vô số Phật
                    Rõ thấu các nghĩa thú
                    Lại hay khéo nói pháp
                    Đông đầy mười phương cõi
                    Như lú, mè , tre , lau
                    Một lòng dùng trí mầu
                    Trải số kiếp hằng sa
                    Thảy đều chung suy lường
                    Chẳng biết được trí Phật                                

Đây là Bồ tát mới phát tâm đông nhiều ở khắp mười phương như lúa, mè , tre, lau mà cùng chung suy lường cũng không biết được trí Phật.

                    Hàng Bất thối Bồ Tát
                    Số đông như hằng sa
                    Một lòng chung suy cầu
                    Cũng lại chẳng biết được

Đến hàng Bồ tát Bất thối chung nhau suy cầu cũng không hiểu được.

                5- Lại bảo Xá Lợi Phất
                    Pháp nhiệm mầu rất sâu
                    Vô lậu khó nghĩ bàn
                    Nay ta đã đặng đủ
                    Chỉ ta biết tướng đó
                    Mười phương Phật cũng vậy.

Ngài nói rằng, pháp mầu đó chỉ Ngài biết được thôi, và mười phương Phật cũng như vậy đó.

Đây đức Phật nhắc lại, lúc đầu tán thán pháp Phật sâu xa mầu nhiệm, rồi Ngài nói trong vô lượng kiếp Ngài tu hành, ở đạo tràng Ngài chứng được quả, vậy quý vị thấy Ngài có tu chứng hay không ? – Nếu có tu chứng thì có tạo tác, có làm ra rồi ! Ở trong kinh Kim Cang Phật nói:” Ta không có một chút pháp có thể được”, vậy là sao ? Ý nói đây không phải là điều nói suông hay chỗ luận rỗng mà được, mà phải trải qua nhiều kiếp công phu tu hành thực sự, khi công phu khế hợp thì tự chứng biết, không phải chỗ lý luận, người bên ngoài khó suy đến chỗ đó, phải người tri âm mới cảm thông được. Cho nên nói Phật cùng Phật mới biết, còn dùng trí lanh lợi của thế gian, dù cho lanh lợi cách mấy cũng đừng mong dò được chỗ này. Ý kế Ngài nhắc, phải đạt ý quên lời, Ngài nhấn mạnh dù trí tuệ như Tôn Gả Xá Lợi Phất nhiều vô kể đó, cùng nhau chung suy lường cũng không thể biết được. Hạng Bích Chi Phật vô số cùng suy chung so lường cũng không biết được, cho đến hàng Bồ tát mới phát tâm, Bồ tát bất thối mà cùng nhau chung suy cầu cũng không thể biết được, không thể hiểu được. Nếu như vậy Phật nói kinh này cho ai ? Mình học làm chi ? Mình vô phần sao ? Vậy lỗi này là tại chỗ nào ?

Ở đây mỗi người phải nghiệm cho thật kỹ mới thấy tại sao. Chính là tại chỗ “suy lường, xét biết”. Đó là chỗ trọng yếu mình phải thấy, lỗi chính là chỗ đó.

Suy lường xét nét làm sao biết được cái thật trí của Phật ? Vừa suy là suy cái gì ? Vừa xét là xét cái gì ? Suy là suy về cái gì đó, mình suy lường trí Phật thì thấy được trí Phật chưa ? Suy lường về nó là chưa đối diện với nó, xét nét về nó là còn cách với nó, chỉ hướng về nó thôi.

Trí tuệ Phật này chính là cái sẵn có nơi mình, chớ không có bên ngoài. Do đó mình suy xét vế nó thì biến nó thành cái thứ hai, có bóng dáng tức trong đó có hai Văn Thù rồi. Nếu có hai Văn Thù thì làm sao biết Văn Thù nào thật, Văn Thù nào giả ? Đây cũng vậy, khi suy lường thì có bóng dáng thứ hai, thành ra không thể biết được trí Phật.

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán chỉ rõ:

                    Chí đạo vô nan
                    Duy hiềm giản trạch

Chỗ tột cùng của Đạo nó không khó, chỉ hiềm là mình chọn lựa thôi. Đạo tột cùng đó, nó luôn hiện tiền nơi mình đây, chỉ cần tin nhận là xong. Nhưng lỗi là tại giản trạch, so đo, phân biệt chọn lựa thế này, thế kia, do đó nó thành xa cách. Nếu bặt được niệm phân biệt đó, ngay đây rõ ràng sáng suốt. Nên Ngài nói tiếp:

                    Đản mạc tằng ái
                    Đổng nhiên minh bạch

Chỉ dừng có khởi niệm yêu ghét, thì ngay đó rỗng rang sáng suốt, minh bạch rõ ràng. Bao nhiêu trí tuệ như Xá Lợi Phất hợp lại mà chung suy lường không thể biết được, bao nhiêu Bồ tát hợp lại suy lường không thể hiểu được, lỗi là tại đó.

                    Xá Lợi Phất phải biết
                    Lời Phật nói không khác
                    Với Pháp của Phật nói
                    Nên sanh sức tin chắc
                    Pháp của Phật lâu sau
                    Cần phải nói chân thật
                    Bảo các chúng Thanh Văn
                    Cùng người cầu Duyên giác
                    Ta khiến cho thoát khổ
                    Đến chứng đặng Niết Bàn
                    Phật dùng sức phương tiện
                    Dạy cho ba thừa giáo
                    Chúng sanh nơi nơi khắp
                    Dắt đó khiến ra khỏi.

Ở trước Phật nói : Pháp của Phật sâu xa khó hiểu, không thể dùng lời nói mà diễn bày hết được, ở đây Phật nói:” Lời Phật nói không khác với pháp của Phật nói”, thì nó có mâu thuẫn không ? – Để nói rõ, đây là chỗ tu chứng của Ngài, Ngài nói ra, không phải là những lời suy tưởng, không phải là ngoài lời nói này, còn riêng có gì khác nữa, mình phải khéo léo rõ biết bao nhiều điều sai biệt đó, nhưng nó không rời thể chân thật này. Khéo ngay đây dừng được phân biệt thì ngay lời nói đó mình tự cảm nhận được cái sâu xa đó liền. Cho nên mỗi lời, mỗi lời mình “nghe biết rõ ràng” thì có ra khỏi chân thật không ?

Sỡ dĩ không thấy chân thật là vì mê theo từng lời, từng lời đó. Nghe đó liền chấp vào lời nói đó, rồi phân biệt thế này thế kia, chính như vậy lại bị lời đó dẫn đi nên quên mất chân thật. Quên niệm phân biệt thì nghe được từng lời, từng lời rõ ràng mà không rời cái thể chân thật, thì ngay lới nói đó liền tỏ ngộ chân thật.

Vây là lời Phật nói chắc thật, không hư dối phải tin chắc. Kế Ngài nhắc, dùng bao nhiêu sức phương tiện đó dạy cho ba thừa giáo để khiến chúng sanh ra khỏi chấp trước.

[ Quay lại ]