headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM TỰA (tt-2)

CHÁNH VĂN:

19- Lúc bấy giờ, Ngài Văn Thù Sư Lợi nói với Ngài Di Lặc Đại Bồ tát cùng các vị Đại sĩ: "Các Thiện nam tử! Như chỗ ta xét nghĩ thời nay đức Phật Thế Tôn muốn nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn, đánh pháp cổõ lớn và diễn pháp nghĩa lớn.

Các Thiện nam tử! Ta từng ở nơi các đức Phật đời quá khứ, thấy được điềm lành này, Phật kia phóng hào quang đó rồi liền nói pháp lớn. Cho nên biết chắc rằng hôm nay đức Phật hiện hào quang cũng lại như vậy. Phật vì muốn cho chúng sanh đều đặng nghe biết pháp mầu mà tất cả trong đời khó tin theo, nên hiện điềm lành này.

  GIẢNG:

Theo như chỗ Bồ tát Văn Thù xét biết đó Ngài thấy rằng: đức Phật sắp nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn, đánh pháp cổ lớn và diễn pháp nghĩa lớn, tức là Ngài sắp nói pháp sâu xa vi diệu.

Ngài mới thuật lại, trước kia ở những đời quá khứ, Ngài thường gần gũi các đức Phật Ngài cũng thấy rõ các đức Phật kia, khi phóng hào quang, ánh sáng soi khắp về phương Đông những điềm đó. Sau khi phóng như vậy, sẽ nói pháp sâu xa.

Như vậy pháp Phật sắp nói đây rất khó tin, khó hiểu ngầm chỉ pháp đó khó nói, phải hiểu ý sâu xa, ngoài lời kìa. Bởi vì khó nói, lời nói không thể đến được, cho nên ở đây Ngài hiện điềm lành trước.
Ngài Văn Thù cho biết Phật sắp nói pháp lớn, nhưng chưa biết pháp lớn đó là pháp lớn gì, để cho mọi người thật khao khát mới nói dễ đón nhận. Đây Ngài nói tiếp:

CHÁNH VĂN:

20- Các Thiện nam tử! Như vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp về trước, bấy giờ có đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như lai Ứng Cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn diễn nói chính pháp. Ban đầu, giữa, rốt sau ba chặng đều lành, nghĩa lý rất sâu xa. Lời lẽ khéo mầu, thuần một không tạp, đầy đủ cả tướng phạm hạnh thanh bạch.

GIẢNG:

Ở đây Ngài thuật lại ở vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, lâu xa về trước có đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Đức Phật này cũng đầy đủ mười hiệu:

- Như Lai: là không từ đâu đến, không đi về đâu (vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ). Có chỗ nói, Như Lai là những điều Phật nói ra, là những điều Ngài làm được và đã làm, gọi là Như Lai. Như là thể như như bất động. Lai là đến, có thể có dụng đầy đủ, từ thể như mà đến.

- Ứng cúng: là xứng đáng nhận sự cúng dường.

- Chánh biến tri: là biết khắp hết, không rơi vào hai bên.

- Minh hạnh túc: là tam minh lục thông đầy đủ - Thiện thệ: là khéo qua, khéo vượt qua sanh tử. - Thế gian giải: là hiểu suốt cả thế gian.

- Vô thượng sĩ: là bậc Vô thượng không có ai trên. Chính cái tên này có ý nghĩa rất sâu, đem lại niềm tin cho mình, sức mạnh vươn lên.

Gọi là bậc Vô thượng, là không ai trên, nhưng có người bằng. Bởi vì, ai ai cũng có Phật tánh, nếu mình tu đến viên mãn cũng được thành Phật, cũng được Vô thượng, cũng ngang bằng. Đó là ý nghĩ bình đẳng, không phải Ngài là bậc tối thượng, rốt cuộc ai tu rồi cũng về đó quỳ dưới chân Ngài, không thể ngang được.

- Điều ngự trượng phu: là điều phục mọi người.

- Thiên nhân sư: là bậc thầy của cả trời, người.

- Phật Thế Tôn: là bậc giác ngộ tôn quý ở trên đời.

Đức Phật này gọi là Nhật Nguyệt Đăng Minh, những pháp Ngài nói ra nghĩa lý rất sâu xa, lời lẽ khéo mầu, thuần một không tạp, tức là thuần nhất không có xen tạp, mà ban đầu, giữa, rốt sau đều lành. Như vậy tức là sao?

Những điều Phật nói ra ban đầu cũng là lành, giữa cũng là lành, sau cũng là lành thì đó mới thật là chân lý. Bởi vì Phật chứng ngộ, từ cái chứng ngộ của Ngài, Ngài nói ra. Những điều Ngài nói ra đó là những điều Ngài đã đi qua, Ngài đã kinh nghiệm qua chớ không phải những điều Ngài suy tưởng, phỏng đoán, giả thuyết, không phải như vậy. Mà đây chính Ngài kinh nghiệm thể nhận nói ra, cho nên những điều đó trước cũng lành, giữa cũng lành, sau cũng lành, luôn luôn đều đúng. Không phải những cái thuyết đúng trong lúc này nhưng không đúng trong lúc khác, trong giai đoạn, chân lý mà có giai đoạn. Còn ở đây lúc nào cũng đúng hết.

Ví dụ: Phật nói lý Tứ đế, Ngài nói khổ, có thân là đều khổ, từ xưa đến giờ kiểm lại không sai bao giờ.

Như Ngài nói vô thường, sự vật có làm ra,có tạo tác vốn là vô thường. Kiểm lại từ trước, sau cho tới bây giờ đều đúng như vậy hết. Cho nên đó là đầu, giữa, rốt sau đều lành.

CHÁNH VĂN:

Phật, vì người cầu đạo Thanh văn nói pháp Tứ đế, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, cứu cánh Niết bàn. Vì hạng cầu quả Duyên giác, nói pháp mười hai nhân duyên. Vì hàng Bồ tát, nói sáu pháp Ba la mật, làm cho chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành bậc Nhất thiết chủng trí.

GIẢNG:

Đức Phật vì người cầu đạo Thanh văn, nói Tứ đế để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, chứng đến cứu cánh Niết bàn. Vì người cầu Duyên giác nói pháp mười hai nhân duyên, Bồ tát thì nói pháp Ba la mật, để chứng đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài tùy theo căn cơ, trình độ, mong cầu của mỗi người mà nói pháp tam thừa, nhưng rốt ráo sau cùng cũng đưa đến thành Phật. Cuối cùng cũng đưa đến chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

Kế lại có đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại có đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như thế đến hai muôn đức Phật đều đồng một tên, hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, những pháp được nói ra đầu, giữa, sau đều lành.

GIẢNG:

Kế đó cũng có đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại có đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như vậy cho tới hai muôn đức Phật cũng hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Hết tên đặt, sao có một tên hoài vậy? Đóù là nghĩa rất sâu xa! Nhật Nguyệt Đăng Minh là gì?

Nhật, là mặt trời. Nguyệt, là mặt trăng. Đăng, là đèn. Minh, là sáng. Mặt trời, mặt trăng, đèn, cái nào cũng sáng hết. Ban ngày có mặt trời soi sáng (Nhật), ban đêm có mặt trăng soi sáng (nguyệt), những chỗ mặt trời, mặt trăng soi không tới thì có ánh đèn soi tới (đăng). Như vậy là sao? - Tức luôn luôn không có lúc nào tối hết. Là chỉ cho nguồn sáng vô biên nơi chính mình, nghĩa là không có lúc nào gián đoạn, không từng mất, không từng thiếu, không từng vắng nơi chính mình. Đây là nhắc nhở mọi người đều có nguồn sáng đó, mà việc này không phải mới đây, mà nó có từ vô số kiếp trước. Tại sao? - Nó sẵn có tự bao giờ nhưng tại mình bỏ quên. Đã có sẵn như nhau cho nên Phật kế tiếp in nhau không khác. Phật trước cũng Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật sau cũng Nhật Nguyệt Đăng Minh, mà hai chục ngàn vị cũng Nhật Nguyệt Đăng Minh. Nghĩa là cũng một việc đó chưa từng có tối, có mờ, không gián đoạn, nhưng chúng ta tự bỏ quên vậy thôi.

Vậy, ai cũng có một đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ vô số kiếp, nhưng mà bỏ quên. Chính vì bỏ quên cho nên thấy có tối có mờ, khi mà tỏ sáng được mới biết mình có đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh luôn luôn sáng ngời chưa từng tối bao giờ.

Cho nên đức Lục Tổ khi ngộ Ngài đã la lên:

                Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
                Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

Ở đây Phật Phật đồng hiệu, đó cũng là ý chỉ Tri Kiến Phật vốn là không có hai. Phật trước, Phật sau không có hai, không có sai biệt. Khi chúng ta sống trở về nguồn giác rồi thì chỗ thấy như nhau, nếu có chỗ thấy biết sai biệt thì cách biệt nhau rồi.

Tổ Lâm Tế có lần Ngài dạy:

- “Quý vị nếu muốn cùng Phật Tổ không khác thì chỉ như vậy mà thấy, chẳng nên ngờ vực. Tâm tâm quý vị không khác, thì đó gọi là Tổ sống”.

Tâm tâm, niệm niệm nó không sai khác, niệm trước niệm sau nó như vậy, không đổi không biến là Tổ sống, không cần phải tìm đâu hết. Còn mình niệm trước như vậy, niệm sau khác, chưa nói tới thời gian dài, chỉ trong vòng một hai niệm thôi thì nó đã khác rồi, thì làm sao thấy Tổ sống được. Ngài nói tiếp:

- “ Tâm tâm nếu khác biệt, thì tánh tướng cũng sai khác”

Tâm mình khác rồi thì thấy rõ muôn sự cũng sai biệt. Tâm tâm không khác biệt, thì tánh tướng không có khác. Như vậy khi chúng ta sống trở về với nguồn tâm, tức nguồn sáng không gián đoạn đó, thì tâm tâm in nhau. Tâm mình, tâm Phật cũng in nhau, cùng thấy cùng gặp Phật, gặp Tổ rõ ràng.

Bởi vậy mà khi Phật trước, Tổ sau và các vị Thiền sư sau nữa, tuy các đời cách xa nhau, nhưng khi tỏ ngộ rồi thì chỗ thấy các Ngài giống nhau, nói ra nó cũng in nhau, nó hợp nhau. Phật ngày xưa đưa cành hoa sen lên khai thị cho Ngài Ca Diếp, tới sau này các Tổ thì sao? Như Ngài Bá Trượng, Ngài khai thị cho Ngài Quy Sơn Linh Hựu, một hôm bảo Linh Hựu:

- Ông vạch trong lò xem có lửa không?

Linh Hựu bới trong lò, thấy không có, trình với Bá Trượng, Ngài bèn đến vạch sâu trong đó, thấy đốm lửa, Ngài đưa lên và hỏi:

- Ông nói không, chớ cái này là cái gì?

Linh Hựu liền tỏ ngộ.

Ở chỗ kia Phật đưa cành hoa sen lên. Đây đưa đốm lửa lên, chỉ khác cành hoa sen với đốm lửa thôi, còn chỗ khai thị là chỗ gì? - Chính là tánh thấy nơi mình đó, cái hiện hữu đó. Hai Ngài tuy cách xa nhau nhưng chỗ thấy cũng gặp nhau.

Rồi sau này Ngài Quy Sơn có khi đưa phất tử lên, có vị lại đưa cây gậy. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật khai thị cho Ngài A Nan, Phật đưa tay lên. Vậy mặc dù sống cách xa nhau, khi tỏ ngộ rồi chỗ thấy gặp nhau. Cho nên tâm tâm mà không khác biệt rồi thì cùng Phật Tổ thấy không hai. Không khác biệt thì Phật Phật đồng tên, đồng họ.

Chứng đến chỗ đó rồi đều gặp nhau. Những pháp được nói ra cũng cùng chỗ chứng ngộ đó mà nói ra, cũng đều đúng với chân lý không sai.

CHÁNH VĂN:

Đức Phật rốt sau cả, lúc chưa xuất gia có tám vị Vương tử: người thứ nhất tên là Hữu Ý, thứ hai tên Thiện ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bửu Ý, thứ năm tên Tăng ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy tên Hướng Ý, thứ tám tên Pháp Ý.

Tám vị Vương tử đó có oai đức tự tại, đều lãnh trị bốn châu thiên hạ. Nghe Vua cha xuất gia chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều bỏ ngôi Vua cũng xuất gia theo, phát tâm đại thừa, hằng tu hạnh thanh tịnh, đều làm bậc Pháp sư, thuở trước đã từng ở chỗ nghìn muôn đức Phật vun trồng các cội lành.

GIẢNG:

Đây, Ngài thuật thêm cho thấy một điều nữa là: đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh rốt sau khi chưa xuất gia có tám vị Vương tử. Tám vị này mang tên đều chữ “ý “ như vậy có ý nghĩa gì trong đó? Và những vị Vương tử đó đều có oai đức tự tại hết, đều lãnh trị bốn châu thiên hạ, nhưng khi nghe Vua cha xuất gia rồi chứng đạo, liền bỏ ngôi xuất gia theo. Đó là nói lên ý gì?

Những hình ảnh nói trong Kinh Pháp Hoa đây đều có ý nghĩa sâu xa trong đó. Phải hiểu qua những cái đó, nếu theo chữ nghĩa hiểu thì dễ lầm. Tám vị đó đều mang tên kèm với chữ ý. Ý tức là chỉ một tâm thể. Tám vị Vương tử chỉ cho tám thức, đó là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý , mạt na thức và a lại da thức. Tám thức tuy công dụng có sai biệt nhưng cùng một tâm thể thôi.

Mạt na thức (thức chấp ngã): còn gọi là là truyền tống thức. Từ trong tàng thức đưa ra, truyền vào.

Bao nhiêu chủng tử của mình thấy nghe ở ngoài thì mạt na thức nó đem vô gieo trong tàng thức (a lại da thức). Tàng thức giữ trong đó, bởi vậy yêu ghét, buồn giận, thương yêu gì đó, nó vừa ở ngoài, khi gieo vô nó giữ lại ở đó, lúc gặp duyên nó tống ra. Ví dụ: bữa nay thấy bực mình với ai, ghét người đó thì đem vô để đó, hôm nào gặp mặt thì trong hiện ra, cho nên khi gặp người đó là ghét liền. Đó là trong này tống ra.

Mình tu là để gạn hết chủng tử đó cho nó sạch. Mới đầu gạn chủng tử xấu, chủng tử ác ra ngoài, giữ chủng tử lành trở lại, nhưng mà sâu hơn nữa là sao? - Lành, dữ phải buông. Bởi vì còn lành còn dữ là còn đối đãi. Sống cho trọn vẹn, thấy cho tột cùng cái thể chân thật của nó thì cái lành mới tột lành. Còn cái lành đối với cái dữ đó là cái lành có hạn chế.

Như vậy là:

- Nhãn thức cũng có biết phân biệt nơi con mắt.

- Nhĩ thức: biết phân biệt ở lỗ tai, thì cũng biết.

- Tỷ thức: phân biệt nơi lỗ mũi, thì nó cũng biết.

Mỗi cái đều có biết mà có biết tức là đồng có tâm, bởi vì mê mà theo trần thành ra có sai khác. Nếu sống trở về nguồn chân thì cái biết trùm khắp , nó dùng lẫn nhau, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: "Sáu căn hỗ dụng,dùng thay lẫn nhau”. Trong đây, khi Phật chưa xuất gia, thì “Phật” đây chỉ cho “Như Lai tàng” còn tại triền, tức là còn trong mê nhiễm. Mỗi người chúng ta đều có kho Như Lai, kho Phật đó hết, nhưng còn tại triền, còn trong mê trong nhiễm nên có đó mà không biết. Chính còn trong mê trong nhiễm nên tâm biến thành thức. Tuy nó ở trong cái nhiễm ô đó mà không rời thể giác. Bởi vậy, tuy nó phân biệt hơn thua, tốt xấu nhưng vẫn còn mang tánh Biết trong đó. Song cái biết này là biết theo mê, biết hơn thua, phải quấy, biết giới hạn. Khi sống trở về được rồi thì cái biết nó tròn khắp, tức biết trở thành giác. Vì vậy ở trong mê nó cũng có công năng soi sáng, nhưng soi sáng phân biệt các pháp.

Cho nên tám vị Vương Tử đều có oai đức tự tại lãnh trị bốn châu thiên hạ, như các thức, nó phân biệt các pháp, các trần từ bốn phương tới. Cũng là ý, tám thức này nó không rời thân tứ đại này.

Như vậy tám thức khi Như Lai tàng còn tại triền (mê nhiễm) thì tâm biến thành thức, thành ra cũng biết phân biệt, nhưng phân biệt còn trong mê trong nhiễm. Khi nghe Vua cha xuất gia thì tám vị Vương tử cũng xuất gia theo, tức là Như Lai tàng này khi xuất triền, là ra khỏi mê thì tám thức cũng chuyển theo, chuyển thức thành trí.

Trong nhà Phật, sau khi giác rồi thì các thức đó chuyển thành trí, mà chuyển thành trí thì năm thức trước chuyển thành Thành Sở tác trí, thức thứ sáu chuyển thành Diệu Quan sát trí, thức thứ bảy chuyển thành Bình Đẳng tánh trí, thức thứ tám là tàng thức chuyển thành Đại Viên cảnh trí, tức là trí tròn sáng như gương lớn, không có nhiễm ô gì, cái gì cũng hiện trong đó hết.

Còn mạt na thức chuyển thành bình đẳng tánh trí, vì lúc còn mê mạt na chấp ngã cho nên phân biệt có tôi, có anh, có yêu có ghét, đâu còn bình đẳng. Chuyển thành trí rồi, thì quên tướng ta và người, tức là thấy rõ bình đẳng hết. Còn các thức kia thì cũng chuyển thành trí hết, cho nên Phật xuất gia, tám vị Vương tử cũng xuất gia theo. Như vậy để cho thấy rõ, tu hành cuối cùng đâu có trở thành một cái gì khác, mà chính là cái mình dùng hằng ngày mà mình mê không biết, chỉ là chuyển tên đó thôi. Hồi xưa còn mê nói là thức, bây giờ tỉnh gọi là trí vậy thôi, đâu có gì khác trong đó. Cho nên cũng cái biết này, cái thấy này, khi mê thì gọi là thấy biết của chúng sanh, khi giác ngộ rồi thì thấy biết của Phật, gọi là Tri Kiến Phật.

CHÁNH VĂN:

21- Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, lúc đó nói Kinh đại thừa tên Vô Lượng Nghĩa Xứ Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Nói kinh đó rồi Phật ở trong đại chúng, ngồi xếp bằng nhập vào cảnh chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thân và tâm chẳng lay động.

Khi ấy trời mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha- mạn- thù- sa để rải trên đức Phật và hàng đại chúng. Khắp cõi nước Phật sáu điệu vang động.

22- Lúc đó trong hội, hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già Nhân, Phi nhân, cùng các vị Tiểu Vương v.v…, các đại chúng đó đặng điều chưa từng có, mừng rỡ chấp tay một lòng nhìn Phật.

23- Bấy giờ, đức Như Lai từ tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng ánh sáng soi khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, như nay đương thấy ở cõi Phật này.

Di Lặc nên biết! Khi đó trong hội có hai mươi ức ức Bồ tát ưa muốn nghe pháp, các vị Bồ tát ấy thấy ánh sáng chiếu khắp các cõi Phật đặng điều chưa từng có, đều muốn biết vì duyên cớ gì mà phóng ánh sáng này. Khi ấy có vị Bồ tát hiệu Diệu Quang có tám trăm người đệ tử.

GIẢNG:

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thời đó Ngài cũng nói Kinh đại thừa tên Vô Lượng Nghĩa Xứ Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, nói Kinh đó xong cũng nhập vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thì cũng trời mưa hoa, đất chấn động, tất cả chúng trong hội cũng đều nghi ngờ cũng giống như chuyện ngày nay.

Tức cảnh trước đó cũng giống như ngày nay, những điềm lành đó cũng giống như những điềm lành ngày nay, vậy để rõ cái việc gì? - Là để nói lên xưa nay cũng vốn không hai, mê ngộ cũng đồng một thể thôi. Xưa cũng cảnh đó, nay cũng cảnh đó, nhưng Ngài Văn Thù thì thấy còn mình không thấy, vì do mê mà thôi. Sự thật trong đó chưa từng có cách biệt bao giờ, chỉ cần ‑mình mở mắt của Ngài Văn Thù thì biết được Phật muốn nói gì rồi,

Mắt Văn Thù là mắt gì? Là mắt trí tuệ. Mà trí tuệ đây là chỉ cho căn bản trí hay cũng gọi là bản giác. Trí căn bản là trí sẵn có nơi mình, trong nhà Thiền gọi là trí vô sư, là trí không thầy dạy. Nên Ngài Văn Thù mới thấy thì hiểu liền, có ai dạy đâu, trong khi đó ở phần sau Ngài Di Lặc mới nghi. Cũng vậy mình mở được căn bản trí đó là mở được trí vô sư thì rõ được ánh sáng kia liền. Tóm lại Phật Phật đồng một Diệu pháp đó thôi chứ không có hai. Phật xưa cũng hiện ra điềm đó, bây giờ cũng hiện ra điềm đó, Diệu pháp đó không hai nhưng vì mình chưa mở được con mắt căn bản nên còn chưa hiểu được.

[ Quay lại ]