headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ánh sáng Thiền trong Cung vua Trần

 I/ DẪN NHẬP
Với người học thiền bình thường, phần nhiều cứ nghĩ: thiền phải ở nơi núi cao rừng thẳm hay hang vắng, bởi họ tưởng tượng theo danh từ “thiền lâm” là rừng thiền, thì phải ở trong rừng. Hoặc có người cho rằng, thiền chỉ có trong thiền đường, trong thiền viện, trên bồ đoàn, tọa cụ, v.v…; song nếu Thiền như thế thì Thiền quá cục bộ, chưa phải Thiền tròn khắp, chỉ có chỗ này mà không có ở chỗ kia, tức thành sanh diệt mất rồi.

Sự thật, Thiền là ở ngay trong lòng người, không phải ở nơi cảnh, nơi chỗ này, nơi chỗ kia. Tâm ngộ thiền thì bất cứ chỗ nào cũng có thiền. Thiền như thế mới là thiền trong sự sống, thiền sáng ngời không gián đoạn; dù tăng, dù tục, dù nơi vắng vẻ hay ồn náo đều có phần, nếu mở được con mắt thiền. Nhìn lại những vị vua đầu nhà Trần, chúng ta thấy rất rõ điều này. Giờ đây điểm qua ba nét chính để chúng ta thấy ánh sáng Thiền vẫn tràn ngập trong cung vua Trần.

 II/ KINH NGHIỆM THIỀN TRONG CUNG VUA TRẦN

Với thiền, đòi hỏi phải có sự thể nghiệm chân thật, phải chứng nghiệm qua chứ không thể nói suông hay bàn trên lý thuyết thôi. Chính vua Trần Thái Tông, lúc đang làm vua, với bao công việc triều chính bề bộn, vẫn để thời gian tham cứu Thiền và vua đã từng kinh nghiệm ngay chính bản thân mình. Vua kể lại trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam như sau: “Trẫm từng đọc kinh Kim Cang đến câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’ trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem chỗ ngộ này viết thành bài ca, đề tên là ‘Thiền Tông Chỉ Nam.’” Nghĩa là vua Trần Thái Tông đã trực tiếp lãnh ngộ Thiền ngay tự tâm mình, không phải chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, trên sách vở. Bởi kinh nghiệm trực tiếp nên vua có một sức sống Thiền chân thật ngay trong đời làm vua của mình. Điều này sẽ trình bày tiếp sau.

Kế là vua Trần Thánh Tông, cũng một ông vua ở tại ngôi vị trên thiên hạ, sống trong cung điện vàng son mà vẫn thể nghiệm được thiền. Vua đã nhận được ý chỉ nơi Quốc Sư Đại Đăng, tự lấy hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân. Vua có tự thuật trong một bài kệ:

            Tự tùng quán giác nhập thiền lưu,
            Đã ngỏa toản qui một ngoại cầu.
            Nhận đắc bản lai chân diện mục,
            Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.

Tạm dịch:
            Từ khi bé bỏng đã vào thiền,
            Đập ngói, xoi rùa ngoại cầu quên.
            Nhận được xưa nay mày mặt thật,
            Cuối cùng đâu chẳng chỗ an nhiên.

Nghĩa là vua đã vào thiền, đã cảm đến thiền lúc còn nhỏ. Do biết có thiền nên mọi chuyện hư dối tìm kiếm bên ngoài đều quên dứt, không còn chạy lăng xăng nữa. Bởi vì chính vua đã nhận ra mặt mày chân thật xưa nay rồi, đây là nguồn sống vô biên còn gì quý hơn nữa. Đã nhận được lẽ thật đó, thì đâu đâu cũng là chỗ sống an nhiên, không phải lo lắng, không sợ bơ vơ, vì đã có chỗ nương tựa vững chắc. Kinh nghiệm này lại được thể hiện qua bài kệ tiếp sau đây rất là sâu sắc:

            Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm,
            Nhàn môn vô sự khả quan tâm.
            Cá trung khúc phá vô nhân hội,
            Duy hữu tùng phong họa thử âm.

Tạm dịch:
            Chiếc đàn không điệu gảy suốt ngày,
            Cửa vắng việc không chẳng bận rày.
            Bản nhạc trong kia không kẻ biết,
            Riêng có gió tùng họa âm này.

Suốt ngày gảy mãi cây đàn không điệu. Không điệu vậy gảy làm gì? Đó là làm mà vô tâm, gảy mà vô tác, nên tuy làm tất cả mà vô sự, không có dấu vết gì lưu lại, gọi là “Cửa vắng việc không chẳng bận rày.” Giống như làm mà không có Ai làm, không có cái TA xen vào. Vì vậy, bản nhạc đó mấy ai biết được? Đem lỗ tai dày nhớt này mà nghe là không bao giờ nghe tới. Bởi vậy khó có người họa được, chỉ có gió tùng hòa theo thôi. Tức vô tâm mới hòa được điệu nhạc kia, mới cảm thông được chỗ đó! Đây quả là một kinh nghiệm thiền không thể nói hết bằng lời.

Sang vua Trần Nhân Tông, kinh nghiệm thiền được Ngài thuật lại trong bài hành trạng của Thượng sĩ Tuệ Trung như sau: “Tôi biết môn phong của Thượng sĩ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi Ngài về ‘Tông chỉ bổn phận,’ Thượng sĩ đáp: ‘- Soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được.’ Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy.”

Hỏi về tông chỉ bổn phận, tức yếu chỉ thiền chứ không gì khác; yếu chỉ đó, chính ở ngay nơi mình, soi lại chính mình mà thấy, đây là gốc chân thật, ngoài ra không có việc gì khác nữa! Chính đây là điểm tinh yếu của toàn bộ giáo lý Phật nói chung, Thiền tông nói riêng, dù Phật Tổ có dùng vô lượng phương tiện sai khác để dắt dẫn người, nhưng cũng không rời việc soi lại chính mình là gốc. Nếu tách rời chính mình để tu, để học đạo, là tu học lệch lạc, trái ý chỉ của Phật Tổ. Thiền sư Tuệ Hải gọi: “Ngoài tâm cầu Phật là ma.” Bởi nếu ngoài tâm mà có Phật, có đạo, thì không phải là ma, cũng là có trong sách vở, trong chữ nghĩa, không phải Phật, đạo sống.

Như vậy cho thấy, ba vị vua Trần đã có kinh nghiệm thiền rõ ràng ngay trong cung vua, đâu phải đợi tìm chỗ nào khác! Kinh nghiệm này được thể hiện qua sức sống chân thật của các Ngài, chứ không phải chỉ nói suông.

III/ SỨC SỐNG THIỀN CỦA CÁC VUA TRẦN

Như trên đã nói qua kinh nghiệm thiền của ba vị vua Trần, điều đó được các Ngài ứng dụng thành sức sống chân thật, chớ không phải chỉ nói suông trên ngôn ngữ. Điển hình là:
1. Vua Trần Thái Tông, lúc bệnh sắp qua đời, Quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi:
    - Bệ hạ bệnh chăng?
Vua đáp:
    - Tứ đại bệnh, cái ấy xưa nay sanh tử còn không can hệ mà dính kẹt trong bệnh hoạn?

Lúc bệnh mà vẫn còn tỉnh táo, thấy bệnh là bệnh, không dính dáng gì đến “cái ấy,” thì chính mình có bệnh gì đâu? Người tu bình thường chưa có đạo lực, e tới lúc đó tinh thần hoảng hốt, sợ hãi, thì dễ sánh được chăng ?

“Rồi khoảng mấy ngày sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên) và Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: ‘Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật, bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu, đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?’ Nói xong vua lặng lẽ tịch.”

Một ông vua, sống giữa cảnh vàng son, cung phi mỹ nữ, việc nước rộn ràng, mà đến lúc bệnh sắp mất vẫn sáng suốt vững vàng như vậy, nếu hằng ngày không có sức sống chân thật, thì làm gì trong phút chốc vô thường đó, lại làm chủ được?

2. Vua Trần Thánh Tông, đến lúc bệnh nặng gần qua đời, cũng sống rất có đạo lý giống như một thiền sư:
Vua bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung gởi thơ đến thăm, vua viết vào cuối trang đáp lại:

            Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẫm,
            Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.

          ( Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
           Hà tằng hoán đắc nương sanh khố ? )

Đến lúc bệnh nặng, vua thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối như có sở đắc điều gì. Chốc lát, vua đòi bút viết bài kệ:

            Sanh như mặc áo,
            Chết tựa cởi trần.
            Từ xưa đến nay,
            Không đường nào khác.

Nguyên văn:

          ( Sanh như trước sam,
            Tử như thoát khố.
            Tự cổ cập kim,
             Cánh vô dị lộ.
)
Liền hét, nói: - Chữ bát mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh.
Rồi vua đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên thưa:
- Bệ hạ còn nhớ lời của Ngài Vĩnh Gia chăng:

            Rành rành thấy, không một vật,
            Cũng không người chừ cũng không Phật.
            Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
            Tất cả thánh hiền như điện chớp.
            Dẫu cho vành sắt trên đầu chuyển,
            Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:
            Rành rành thấy, không một vật,
            Cũng không người chừ cũng không Phật.
            Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
            Tất cả thánh hiền như điện chớp.

Xong, chiều hôm đó vua băng.

Vua bệnh sắp mất, nhưng vẫn thấy không dính dáng gì. Hơi nóng hừng hực, mồ hôi ướt đẫm là nói lên sức bệnh hoạn đang phủ trùm lên chiếc thân vô thường này, nhưng vẫn không dính dáng gì đến thân chân thật ấy. Nghĩa là, vua vẫn có chỗ sống của mình, bệnh hoạn không làm gì đến đó được.

Vua xem sanh tử như mặc áo, cởi áo vậy thôi, không có gì quan trọng, không bận tâm lo sợ, không vật vã khổ sở, mà còn hét lên một tiếng hét sư tử rống đối với vấn đề sanh tử:

            “Chữ bát mở toang đà trao phó,
             Còn đâu việc nữa đáng trình anh.”

Cuối cùng vua ra đi như một thiền sư trong hình thức cư sĩ. Quả thực, ngay trong cung vua, vẫn sáng ngời ánh sáng thiền, dù người có muốn bắt chước cũng không thế nào bắt chước được. Vì thiền không phải việc có thể bắt chước. Với sức sống đó, ai dám đương đầu?

3. Vua Trần Nhân Tông. Ngài còn vượt xa hơn hai vua trước một bước, sau khi hai lần chiến thắng quân Nguyên, vinh quang lên tột đỉnh thì sau đó Ngài lại xả bỏ tất cả để đi xuất gia, sống đời khổ hạnh đầu đà, đem ánh sáng chân thật soi rọi cho mọi người. Có cái gì đặc biệt mà Ngài dám bỏ tất cả như thế? Hẳn phải là có một sức sống tuyệt diệu, vượt ngoài cả đời sống vàng son cao cả của thế gian, mới khiến Ngài trân quí mà sẵn sàng đổi lấy. Sức sống đó là làm chủ được sanh tử, một điều mà người thường bó tay thúc thủ. Điều này hiện rõ lúc Ngài sắp rời bỏ thân xác này:

“Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân 1308, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi Bảo Sát:
- Hiện giờ là giờ gì?
Bảo Sát thưa:
- Giờ Tý.
Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra nói:
- Chính là giờ ta đi!
Bảo Sát hỏi:
- Tôn đức đi đâu?
Điều Ngự đáp:

            Tất cả pháp chẳng sanh,
            Tất cả pháp chẳng diệt.
            Nếu hay hiểu như thế,
            Chư Phật thường hiện tiền.
            Nào có đến đi gì?

Bảo Sát thưa:
- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?
Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát bảo:
- Chớ nói mớ!

Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử, lặng lẽ mà tịch.

Ngài ra đi một cách tự tại. Đi mà cũng không thấy có đi đâu, vì chưa từng có đến. Nhưng cái gì là cái không đến đi? Việc đó người ngoại cuộc làm sao biết được? Sức sống này quả không thể lý luận bằng lời. Nếu không phải người đã thật hằng sống trong đó, đừng mong gì mộng thấy. Song muốn có được sức sống như thế, hẳn nhiên các Ngài phải có một trí tuệ Thiền không phải tầm thường.

IV/ TRÍ TUỆ THIỀN CỦA CÁC NGÀI

1. Đọc KHÓA HƯ LỤC, chúng ta thấy rõ, trí tuệ thiền của vua Trần Thái Tông thật sâu sắc, đem tâm thức này để hiểu, quả là không thể hiểu hết. Chỗ thấy đó không khác các thiền sư Trung Hoa. Như Tổ Lâm Tế có đoạn nhân duyên nói về vô vị chân nhân:
“Sư thượng đường bảo:
- Trên cục thịt đỏ có vị chân nhân không ngôi thứ, thường ra vào ngay trên mặt các ông, người chưa chứng cứ hãy xem! Xem!
Lúc đó có vị tăng bước ra hỏi:
- Thế nào là vị chân nhân không ngôi thứ?
Sư bước xuống giường thiền, nắm đứng vị ấy bảo:
- Nói! Nói!
Vị tăng ấy nghĩ ngợi. Sư gạt ra bảo:
- Vị chân nhân không ngôi thứ là cái gì?  Que cứt khô!
Sư liền trở về phương trượng.
Vua Trần Thái Tông trong bài kệ tóm kết phần “Nói Rộng Về Sắc Thân” đã hiển bày:

            Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
            Hồng hồng trắng trắng chớ lầm nhau.
            Ai hay mây cuốn trời trong vắt,
            Ven trời sương biếc núi một màu.

Nguyên văn:

            Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,
            Hồng hồng bạch bạch mạc tương man.
            Thùy tri vân quyện trường không tịch,
            Thủy lộ thiên biên nhất dạng san.

Ngài đã thấy rõ ngay trong cục thịt đỏ au, tức sắc thân bốn đại này, có một con người chân thật không thuộc thứ lớp giai cấp. Song con người này mắt ai thấy được? Chớ vội nghe vậy mà lầm nhận nó với tướng hồng hồng của máu me, tướng trắng trắng của da thịt thì vẫn bị hai tròng mắt này dòm thấy rồi. Như vậy nó vẫn thuộc tướng sanh diệt vô thường có gì đặc biệt? Cho nên “Ai hay mây cuốn trời trong vắt,” tức là có người nào sạch hết mây mờ vô minh vọng tưởng, còn lại một trời tâm trong vắt không vết mây, thì mới rõ “Ven trời sương biếc núi một màu,” tức trước mắt hiện bày một thể như như, tâm cảnh không hai, không còn chia cách đây kia: Toàn thể chân thật hiện tiền! Với cái thấy như vậy, mấy ai đã thấu được?

Đoạn khác, có vị tăng tên Đức Thành ở chùa Chân Giáo hỏi vua:
- Bệ hạ có nhận riêng Thế Tôn đắc đạo chăng?
Vua đáp:
- Mưa xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài.

Mưa xuân chỉ là mưa thôi, không có tâm cao thấp phân biệt, nhưng nơi cành hoa tiếp nhận thì có ngắn có dài. Ngắn dài là tự ở cành hoa, không phải tự mưa có phân chia. Cũng vậy, chính Thế Tôn là Thế Tôn thôi, không nói đắc đạo chẳng đắc đạo; không nhận có hay không có, chỉ do tâm người phân biệt mà thành hoặc có hoặc không. Vậy thì làm sao nói cố định là thực có hay không để hiểu? Đó là dứt trừ cái thấy đối đãi phân biệt, bặt niệm “có không” hai bên, ngoài con mắt tuệ làm sao thấy tột?

2. Đến vua Thánh Tông, đọc Lời Dạy Chúng Nói Rộng, chúng ta sẽ thấy vua nói: “Xưa nay nói: một câu rốt sau mới đến lao quan. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư có phần thối thân. Những người tham học hiện nay trọn nhằm trong câu tham lấy, lại hỏi các ông, trong câu làm sao tham? Nếu chẳng tham lấy thì luống phí thì giờ, một đời qua suông. Nếu cũng tham lấy, tức môi miệng méo lệch, sọ não nát vỡ …”

Bấy nhiêu thôi, mọi người thử đem tình thức của mình để hiểu xem hiểu thấu được chăng? Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau là nhìn cái gì? Chỗ đó làm sao hai tròng mắt đầy ghèn này dòm thấu được? Phật Phật ba đời chỉ là như thế, thấy được thấu chỗ đó thì gặp chư Phật ba đời ngay trong mắt mình. Sáu đời Tổ Sư chỉ phải lùi bước lại thôi. Lùi bước lại đâu? Lùi bước lại chính mình! Nhưng chính mình làm sao lùi bước? Tham cứu lấy cũng chết, mà không tham cứu lấy cũng chết, mọi người phải làm sao? Nếu còn mắc kẹt hai đầu thì bao giờ thấu qua được cửa Tổ? Trí tuệ này dễ so sánh được chăng?

Kế vua Nhân Tông thuật lại: “Khi Thái Hậu qua đời, đức Thánh Tông làm lễ trai tăng ở cung cấm. Nhân lễ khai đường, đức Thánh Tông thỉnh những vị danh đức các nơi về, theo thứ lớp mỗi vị thuật một bài kệ ngắn để trình kiến giải. Kết quả thảy đều quến sình, ủng nước, chưa có chỗ tỏ ngộ. Đức Thánh Tông lấy quyển tập đưa cho Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một mạch bài Tự Thuật:

                Kiến giải trình kiến giải,
                Tợ ấn mắt thành quái.
                Ấn mắt thành quái rồi,
                Rõ ràng thường tự tại.

Nghĩa là đem kiến giải để trình ra cho người thì có khác gì ấn mắt nhìn thấy hoa đốm lăng xăng, có gì là phải? Nếu cái ấn mắt thành hoa đốm lăng xăng đã qua rồi, mới rõ ràng thường tự tại sáng ngời, có gì phải nhọc trình khoe?
“Đức Thánh Tông đọc xong, liền phê tiếp:

                Rõ ràng thường tự tại,
                Cũng ấn mắt thành quái.
                Thấy quái chẳng thấy quái,
                Quái ấy ắt tự hoại.

Dù nói rõ ràng thường tự tại, cũng là ấn mắt thành quái lăng xăng thôi. Vì sao? Vì cũng là ngôn ngữ văn tự. Nếu người thật mắt sáng, thì thấy quái lăng xăng, mà chẳng lầm theo, chẳng bị quái làm mờ, liền đó quái ấy tự hoại, tự mất, không làm gì được. Đó mới là chỗ chân thật. Chỗ đó làm sao trình ra cho người hiểu? Nếu trình cho người hiểu được, tức cũng thành quái nữa rồi!

Đây cho thấy, trí tuệ thiền của vua Thánh Tông quả là sâu sắc, ánh sáng thiền vẫn sáng ngời ngay cung cấm, có phải tìm ở đâu?
3. Qua vua Trần Nhân Tông thì trí tuệ thiền thực là siêu tuyệt!
Có vị tăng hỏi Ngài:
- Khi muôn dặm mây tan thì thế nào?
Ngài đáp:
- Mưa tầm tã.
Sao lạ vậy? Đem tình thức để hiểu, hiểu được chăng? Kìa, đã muôn dặm mây tan sao còn chẳng sáng tỏ mà đi hỏi, không phải là vẫn mưa tầm tã hay sao? Câu trả lời đánh thẳng vào ông tăng đang có mặt đó mà tự mê. Thực là ý đã vượt ngoài lời!
Ông tăng lại hỏi tiếp:
- Khi muôn dặm mây phủ kín thì thế nào?
Ngài đáp:
- Trăng sáng ngời.

Dễ hiểu được chăng? Đây này, đã là muôn dặm mây phủ kín, thì còn ai đang hỏi đó ? Một câu đáp đã xuyên thẳng vào thực thể hiện tiền mà ông tăng đang ngủ mớ. Bấy nhiêu đủ thấy trí tuệ thiền của Ngài vượt xa chúng ta rồi.

Kế ông tăng hỏi tiếp:
- Rốt ráo là thế nào?
Ngài đáp:
- Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.

Đã nói rõ ràng như thế rồi, còn hỏi rốt ráo thế nào nữa, tức muốn giải nghĩa sao? Nếu hiểu đến được, là tự trái rồi, nên động đến là ăn gậy liền. Đó là trả lại cho người nguyên vẹn là người, không cho thêm bớt gì nữa trong đó!
Và Ngài có làm bài kệ:

                Câu có câu không
                Bìm khô cây ngã
                Bao kẻ nạp tăng
                Đụng đầu chạm não …

Cho thấy trí tuệ Ngài vượt qua ý niệm có không, chẳng dừng trong đối đãi. Nếu không có con mắt thiền đâu dễ thấu được.

V/ TÓM KẾT

Xét qua những điểm trên, cho chúng ta thấy rằng, các vị vua Trần này đã sống được một đời sống thiền rất đáng nể phục. So với người tu xuất gia chúng ta, tu cả đời cũng chưa dễ gì sống được như thế. Nghĩ lại điều này, chúng ta không tự thấy hổ thẹn sao? Kìa trong cung vua, trong chốn đô thị, ánh sáng thiền vẫn được tỏa sáng, vậy còn phải đợi tìm thiền ở chốn nào nữa đây? Tại gia, xuất gia đều có phần, chớ tự khinh mình mà đành chịu khuất lấp một cách đáng thương!

Kết thúc xin dẫn bốn câu trong bài phú Ở TRONG TRẦN VUI ĐẠO của vua Trần Nhân Tông để người người tự kiểm thường xuyên:

                    Cốc một chân không,
                    Dùng đòi căn khí.
                    Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông,
                    Há cơ Tổ nay còn thửa bí.

Hãy nhận rõ, chỉ một thể chân thật vốn không hai, bởi do căn cơ trình độ mà thành có sai khác. Phải quên chỗ sai khác đó mà trở về gốc không hai kia. Lẽ thật này đâu phải là điều gì bí ẩn, chỉ bởi lòng ta còn vướng chấp nên khó thông thôi, chớ nào phải cơ Tổ còn có điều gì ẩn giấu không cho ta hiểu. Hãy can đảm, một BUÔNG, buông sạch không chỗ bám, thì ngay đây sờ sờ “người không cùng muôn pháp làm bạn” đứng đó tự bao giờ!

[ Quay lại ]