headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

 Dầu ai quyết chí tu hành

Có lên Yên Tử mới đành lòng tu

Theo dòng lịch sử, chúng ta nhìn lại Phật Giáo Việt Nam hẳn thấy nổi bật một nét đột phá vô cùng thú vị – Một Thiền phái mang tên Việt Nam, với ông Tổ người Việt Nam, lại là một vị vua anh hùng của dân tộc. Đây là một chấm son trên lịch sử dân tộc nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Phật giáo là giáo lý giác ngộ chân thật, đó là một lẽ thật bình đẳng không phân chia ranh giới, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa hay Nhật Bản, … “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” Song Phật giáo truyền vào mỗi nước, thì mỗi nước có tính dân tộc riêng, có ngôn ngữ, có nếp sinh hoạt, nếp suy nghĩ theo cá tính dân tộc, do đó Phật giáo cũng phải hòa nhập vào mỗi dân tộc để có được sự tiếp thu dễ dàng thích ứng. Chính vì vậy nên mới có Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Ấn Độ, Phật Giáo Trung Hoa, Phật Giáo Tích Lan, v.v… Vậy đã gọi là Phật Giáo Việt Nam thì nó phải có những nét gì đặc sắc của Việt Nam khiến người nhìn vào, đánh giá được đó là Phật Giáo Việt Nam? Điều này, điểm qua lịch sử, chúng ta thấy Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử quả thực đã làm nổi bật lên những nét chấm phá của Phật Giáo Việt Nam, nếu khai thác đúng mức, chắc rằng nó sẽ đóng góp rất nhiều lợi ích trên đường phát triển của dân tộc và sẽ ảnh hưởng sâu rộng ra ngoài nữa.

Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đã viết: “Phật Giáo Trúc Lâm là một nền Phật Giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình.” (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, trang 482)

 Tức là nền Phật giáo Trúc Lâm tự có một nét độc lập của nó, và chính đó là điểm chúng ta cần khai thác và phát huy. Mà nói Phật giáo Trúc Lâm, cũng tức nói đến Thiền phái Trúc Lâm, vì lúc đó không có giáo hội nào khác nữa. Chúng ta là người Việt Nam học Phật, quyết không thể bỏ qua, không hiểu về Phật giáo Việt Nam trong đó Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, một của báu của dân tộc càng phải hiểu rõ!


 

[ Quay lại ]