headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 15/09/2024 - Ngày 13 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Nó Đây Rồi

Xưa nay thiền vốn là một thực tế, rất thực tế đến độ không ngờ, nhưng vì chúng ta quen tưởng tượng quá nhiều về nó, hoặc suy tư theo danh từ nên đã tô điểm lên nó đầy ắp những khái niệm, rồi lại đua nhau đi tìm nó! Nghe nói thiền vượt ngoài lý luận, bèn tưởng tượng nó là một cái gì thật cao siêu, dành cho người thượng căn, thượng trí, vậy nó phải thật phi thường, vượt ngoài thế gian này

Song ngoài thế gian này sẽ tìm nó ở đâu? Chúng ta đang ở trong thế gian mà nó ở ngoài thế gian, thì làm sao tìm?
Có vị tăng hỏi Hoà thượng Triệu Châu:
- Thế nào là người ở ngoài ba cõi?
Sư đáp:
- Ngặt vì ta ở trong ba cõi.
Đây là bệnh nói lý, cứ lo hỏi chuyện xa xôi, tưởng tượng ở đâu đâu mà quên mất chỗ sống chính mình đang hiện hữu ngay đây. Thân đang ở trong ba cõi mà lo hỏi chuyện ngoài ba cõi! Muốn biết thì ông hãy ra khỏi ba cõi tức biết ngay. Thiền không lý luận dài dòng không tốn công chạy đua trên khái niệm.
Một dịp khác, ngài Trần Tôn Túc tức Thiền sư Đạo Minh hỏi vị tăng:
- Ông ở đâu đến đây?
Tăng thưa:
- Con từ Ngưỡng Sơn đến.
Sư bảo:
- Ông nói láo.
Sao lạ vậy? Ông tăng nói láo ở chỗ nào? Chính ông tăng từ Ngưỡng Sơn đến, nên ông thật thà đáp như thế, sao bảo nói láo? Bởi Thiền sư không giống thường tình ở thế gian. Sư bảo thế là muốn đánh thức ông tăng, ông đang đứng đây, đang đối diện hiện tiền rõ ràng đó, lại nhớ trở về Ngưỡng Sơn hôm nào. Đây là quên mất thực tại đang hiện tiền! Một thực tại quá ư gần gũi, xác thực đến nỗi ông tăng không ngờ.

Chính đây mà Hoàng Bá gọi Bùi Hưu. Bùi Hưu thấy hình vẽ cao tăng trên vách chùa, hỏi Hoàng Bá:
- Hình ở đây, còn cao tăng ở đâu?
Hoàng Bá gọi to:
- Bùi Hưu!
Bùi Hưu đáp:
- Dạ!
Hoàng Bá bảo:
- Ở đâu?
Ngay đó ông liền nhận ra cao tăng hiện tiền.
Ai thấy ngay lúc đó Bùi Hưu đang ở đâu mà hỏi? Ông cứ lo hỏi cao tăng ở trong hình vẽ, còn “cao tăng sống đang hỏi” đó, lại đâu ngờ ! Thiền sư thấy suốt rõ ràng, đâu chịu bỏ qua luống uổng. Nên một gọi, liền dạ, thực tại vẫn  đang hiện hữu sáng ngời muôn thuở đó!
Thiền sư Văn Yển ở Vân Môn cũng dùng thuật này đánh thức thị giả Viễn. Viễn làm thị giả Vân Môn mười tám năm, mỗi khi tiếp Viễn, Vân Môn đều gọi:
- Thị giả Viễn!
Viễn đáp:
- Dạ!
Vân Môn bảo:
- Ấy là gì?
Cứ như thế đến mười tám năm, Viễn mới ngộ. Vân Môn bảo:
- Nay ta mới không gọi ngươi nữa.
Mỗi lần gọi liền dạ, tại sao Viễn không ngộ? Vậy mười tám năm đó, Viễn ở đâu mà không ngộ? Rồi khi ngộ nó ở đâu chạy tới? Quả thực chính mình đang sống trong đó mà tự mê thôi. Nếu ngay tiếng gọi ban đầu liền quên tiếng chợt nhớ lại là xong, đâu nhọc Vân Môn mười tám năm gọi mãi!
Bởi vậy, Thiền tông quá sức thực tế, không chỉ xa xôi, không giải thích chữ nghĩa rườm rà, mà chỉ thẳng lẽ thật sát bên mình, ngay nơi mình đang sống. Do đó, điều mọi người tưởng là phi thường, lại chính là điều rất bình thường đến nỗi bất ngờ.
Như việc Quốc sư Huệ Trung gạn Tam Tạng Đại Nhĩ về tha tâm thông.
Lần thứ nhất Quốc sư bảo:
- Ông hãy nói, hiện giờ lão tăng đang ở đâu?
Tam Tạng đáp:
- Quốc sư là thầy một nước, sao lại đến Tây Xuyên xem đò đua!
Lần thứ hai Quốc sư hỏi:
- Ông hãy nói, hiện giờ lão tăng đang ở đâu?
Tam Tạng đáp:
- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn!
Lần thứ ba Quốc sư bảo như trước. Tam Tạng lặng im chẳng biết chỗ đi, Quốc sư nạt:
- Cáo tinh! Tha tâm thông ở đâu?
Sau này có vị tăng đem ra  hỏi ngài Triệu Châu:
- Lần thứ Tư Quốc sư ở đâu mà Tam Tạng không thấy?
Triệu Châu đáp:
- Ở trong lỗ mũi Tam Tạng.
Ai thấy lần ba Quốc sư  ở đâu mà Tam Tạng chẳng thấy? Quả thật không có ở đâu cả, chính vì Tam Tạng lo tìm ở đâu nên không thấy. Lời Triệu Châu đáp rất ý vị, bởi nó quá gần, quá xác thực nên Tam Tạng không ngờ tới được. Nếu ngay đó hỏi ở đâu? Tam Tạng liền thoi một thoi hoặc vỗ vai Quốc sư một cái, liền biết ở đâu ngay, khỏi bị quở là cáo tinh.
Trước kia, vua Lương Võ Đế cũng từng đối trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma lầm qua chỗ này. Vua hỏi Tổ Đạt Ma:
- Đối trẩm là ai?
Tổ Đạt Ma đáp:
- Chẳng biết.
Vua mờ mịt, đành để Tổ đi qua đất Ngụy. Chính vua đang đối diện Tổ đó, mà còn hỏi là ai, thì biết nói sao đây? Nên Tổ đành bảo: - Chẳng biết! Đó là đánh thức vua đang hiện tiền sáng ngời đấy! Tiếc thay, vua vẫn còn đang mở mắt chiêm bao nên để lầm qua một cách  đáng thương! Nếu rõ ra, thì NÓ ĐÂY rồi! Không phải tìm đâu nữa. Mới hay, lâu nay mình đã lầm tưởng!
Kìa Thạch Củng một hôm cùng với Trí Tạng đi dạo chơi, Sư hỏi Trí Tạng:
- Sư đệ biết bắt hư không chăng?
Trí Tạng đáp:
- Biết bắt.
Sư hỏi:
- Làm sao bắt được ?
Trí Tạng lấy tay chụp hư không
Sư nói:
- Làm thế ấy đâu bắt được hư không?
Trí Tạng hỏi:
- Sư huynh làm sao bắt?
Sư liền nắm mũi Trí Tạng vặn mạnh. Trí Tạng đau quá la lên:
- Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!
Sư bảo:
- Phải làm như thế mới bắt được hư không.
Đây là Thạch Củng khéo léo đánh thức cái đang hiện hữu nơi Trí Tạng. Ngay khi Thạch Củng nắm mũi Trí Tạng vặn mạnh, Trí Tạng kêu đau, la lên, thì hết chạy đâu khỏi! Cái đó không hình tướng gì, nhưng sao biết kêu đau? Ngay đó bị nắm rồi!
Và đây, Thiền sư Thạch Thê, một hôm hỏi thị giả:
- Ông đi đâu?
Thị giả thưa:
- Con đi lên trai đường.
Sư bảo:
- Ta đâu không biết ông đi lên trai đường?
Thị giả thưa:
- Trừ ngoài việc này, riêng nói cái gì?
Sư bảo:
- Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ông.
Thị giả thưa:
- Nếu hỏi việc bổn phận, con thật đi lên trai đường.
Sư bảo:
- Ông quả thật là thị giả của ta!
Thiền sư Thạch Thê muốn gạn  xem thị giả có đang sống ngay thực tại hiện tiền không. Thấy đi lên trai đường thì Sư biết rồi, nhưng hỏi đi đâu, xem thị giả có theo câu hỏi mà mất mình chăng? Thị giả đáp: “Đi lên trai đường” Sư gạn lại: “Ta vốn biết ông đi lên trai đường rồi, nhưng ta muốn hỏi cái gì đi kìa? “ Nếu người còn niệm kia đây ắt mắc kẹt ngay. Thị giả khéo thấy, nên đáp: “Trừ ngoài việc này, còn riêng có việc gì khác nữa để nói?” Đâu thể có thêm cái thứ hai nữa! Tuy biết vậy, Sư gạn thêm cho tột: “Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ông thôi”, không hỏi việc đi lên trai đường. Nếu thị giả không có sức sống thực tại hiện tiền, hẳn bị ngôn ngữ của Sư đánh lừa đi vào con đường khác rồi! Thị giả vẫn trước sau không rời một bước đáp: “Nếu hỏi việc bổn phận, con thật đi lên trai đường”. Rõ ràng việc bổn phận cũng chính ngay đó thôi, đâu thể có thêm cái khác nữa. Đây này, đi lên trai đường mà đi rõ ràng chưa từng mê, thì đó là ai? Còn ai xen vào trong đó để đi? Chỉ một “chút xíu này” mà người người tự lầm mê, đành chạy lăng xăng hết kiếp này sang kiếp khác, luân hồi mãi mãi quên mất cả đường về. Trong khi đó, đường về vẫn ở ngay trước mắt!
Ôi! Một lẽ thật rất rõ ràng, hết sức gần gũi, cốt người phải dám buông sạch mọi khái niệm đã chứa sẵn trong đầu đi. Chính bao nhiêu khái niệm trong đầu đó, nó che mờ khiến người không nhớ được. Triệu Châu từng hỏi Ngài Nam Tuyền: - Thế nào là đạo? Nam Tuyền đáp: - Tâm bình thường là đạo. Rất đơn giản, đạo không là cái gì cao xa, lạ lùng, kỳ bí như nhiều người tưởng, trái lại chỉ là “tâm bình thường”, sạch hết mọi khái niệm trong đó, thì ngay đây tỏ rõ sáng ngời!
Chính ngài Đại Mai khi đến Mã Tổ hỏi:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm là Phật
Sư liền tỏ ngộ, về núi sống mãi không tìm kiếm gì thêm. Ngày nay, tại sao chúng ta nghe hoài câu này mà vẫn không ngộ, không sáng? Đâu có gì lạ, bởi trong đầu chúng ta đã chứa quá nhiều khái niệm, vẫn kẹt nơi chữ “Tức”, cũng như chưa quên được hai chữ “Tâm” và “Phật”. Còn thấy có “tức”, là còn y nguyên có “tâm”, có “Phật”, chữ nghĩa vẫn còn trong đầu, làm sao ngộ? Tổ Lâm Tế từng bảo: “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán giết La Hán v.v…”, phải sạch hết mọi khái niệm phàm thánh trong lòng, thì chính ngay đây “người nào đang nghe pháp rõ ràng đó?” Người nào đang phóng quang rọi từng chữ, từng chữ đây? Tóm lại, Thiền chân thật là “ở ngay đây”, “tại lúc này đây”, không có ở đâu khác. Chỉ cần bặt niệm kia đây thì mười phương ở ngay trước mắt, xưa nay chưa từng che giấu bao giờ.
Để tóm tắt lại ý nghĩa trên, chúng ta hãy lắng nghe đoạn nhân duyên Đại Phu Lục Hoàn hỏi Hòa thượng Nam Tuyền:
Người xưa có nuôi một con ngỗng trong cái bình, ngỗng càng ngày càng lớn lên không thể ra khỏi. Giờ đây chẳng được đập bể cái bình, chẳng được giết chết con ngỗng, Hòa thượng làm sao cho ngỗng ra khỏi Nam Tuyền liền gọi to: Ngay đó ông tỏ ngộ, lễ bái.
Nghe nói con ngỗng trong bình, bị cái khái niệm đó trói cột, tức lo suy tìm cách ra, đó là mê. Không ngờ, một tiếng gọi, liền dạ, vốn tự ra rồi, NÓ VẪN SẴN Ở ĐÂY!

[ Quay lại ]