headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THẾ NÀO LÀ SỐNG TỈNH GIÁC

ThayTrucLamNgười đời do có tập khí mê lầm từ vô lượng kiếp tới giờ, cho nên sống, rồi làm việc, tạo tác toàn theo nghiệp vô minh. Bị nghiệp dẫn, chi phối nên sống mà không có tự chủ. Đó là sống mất mình.

Mà vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, chấp ngã, không phải ta mà chấp là ta, từ chỗ đó tạo bao nhiêu nghiệp, dẫn đi vào trong sanh tử luân hồi. Trong kinh Viên Giác Phật định nghĩa thật rõ ràng.

 Vô minh là:

- Thứ nhất: Chấp thân tứ đại là mình.

- Thứ hai: Chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần, cho đó là mình, là ta.

Không phải mình mà chấp lầm là mình, đó là vô minh, mê lầm. Trong đây có ai không chấp cái đó? Sự thật ai sinh ra trong thế gian này đều mang cái vô minh đó hết, hoặc ít hoặc nhiều, vì nếu không có vô minh chấp ngã thì không vào trong cõi này. Vào trong đây là vì mình có tình chấp ngã. Do tình chấp ngã cho nên sống với cái hư dối, quên mất mình.

Quý vị ngồi đây, tay đang nhặt rau chẳng hạn, hoặc đang ngồi nghe pháp, tâm có ở đây không? Ngồi trên ghế đây nhưng có lúc tâm chạy ra ngoài đường, hoặc là chạy về nhà. Ngồi đây, mà tâm ở chỗ khác, như vậy rõ ràng là mình sống thân ở một nơi, tâm ở một nơi, sống không có hồn, gọi là sống như chết. Giống hệt như người nằm mơ, thân đang ở trên giường, đầu ở trên gối, mà lúc đó thấy mình đi chơi đủ thứ chỗ.

Thời Phật có câu chuyện, Tăng Hộ cháu đang đứng quạt cho Thầy mình là Tăng Hộ chú. Tăng Hộ cháu được cúng dường hai xấp vải, định đem cúng Thầy, cũng là chú của mình, nhưng Thầy không nhận. Ông cảm thấy buồn, nghĩ rằng chú mình không thương mình, không có tình chú cháu nữa. Vậy thì mình bán hai xấp vải cho rồi, để kiếm ít tiền cưới vợ, sắm xe. Sau đó sanh con, sẽ bồng đến để lễ ông chú. Trên đường đi ông nói với vợ:

- Đưa con anh bồng giúp cho.

Người vợ không chịu, hai người giằng qua giằng lại, đứa nhỏ rớt xuống đường, ông tức quá bảo:

- Mụ này không nên thân gì hết.

Định gõ đầu vợ một cái, lại trúng đầu Thầy. Lúc đó, vì có tha tâm thông nên ông chú biết hết:

- Chú gõ không trúng đầu vợ, mà trúng đầu ta rồi.

Như vậy là sao? Tăng Hộ cháu tuy đứng quạt hầu Thầy mà đang sống ở đâu đâu ! Như vậy gọi là sống cũng như chết, có thân mà không có hồn, sống mất mình.

Giờ mình học thiền, là học sống trở về thực tại, sống tỉnh giác trở lại, thân ở đâu, thì tâm phải ở chỗ đó, đó là sống thiền. Mà phải thực hành chứ không nói suông. Ví dụ quý vị cầm ly nước uống, thì phải cầm thế nào, phải uống như thế nào cho có ý nghĩa. Cầm ly nước là phải tỉnh, biết rõ ràng mình đang cầm ly nước, hớp vào biết rõ ràng mình đang hớp nước, nghĩa là mình phải có mặt ngay ly nước đó.

Ngồi đây nghe pháp cũng vậy, biết rõ mình đang ngồi đây. Đang nghe pháp đây, là mình phải có mặt ngay chỗ này. Phải tập sống trở về thực tại như vậy, tức là có mặt chính mình ngay lúc này, thì mới gọi là thực sống. Nếu khi đang lặt rau mà tâm nghĩ chuyện khác, nghĩ chuyện đi chợ chẳng hạn, phải đặt câu hỏi lại, đang lặt rau đây còn ai đi chợ đó? Liền tỉnh trở lại, quay về ngay cái thực tại đang lặt rau, đó là mình thắp sáng thực tại, là mình đang sống thiền.

Cũng vậy, mình đang nói chuyện vui vẻ, chợt có câu nói nào chạm tự ái, trong bụng hơi nổi bực lên, mình phải biết và tỉnh ngay, cái gì tự ái, vì sao lại bất thường như vậy? Mình đặt câu hỏi lại để sống trở về với thực tại.

Sự thật cuối cùng chỉ vì một cái tôi thôi, mà nó che mờ ánh sáng thực tại, làm khuất lấp nguồn tâm của mình. Mà cái tôi đó là cái tôi hư dối, từ vô minh mà chấp. Cho nên mình phải tỉnh trở lại, sống trở về thực tại.

Hoặc khi mình có một nỗi buồn thì phải nhớ kỹ, thân này là do đất, nước, gió, lửa hòa hợp. Vậy trong bốn chất đó, cái gì buồn? Đất là vô tri đâu biết buồn. Nước cũng vô tri, đâu có biết buồn ! Gió, lửa cũng vậy. Đất nước gió lửa là cái vô tri, không biết buồn, vậy thì chỉ còn cái ta buồn! Mà cái gì là ta? Đó chỉ là một khái niệm tưởng tượng thôi, tưởng tượng trong này có một cái ta, rồi lời nói kia đụng tới cái ta này, nên tự ái, tự ái rồi buồn. Nhưng bây giờ xét kỹ lại, đem cái ta đó ra xem, thì đem không được.

Cho nên phải xét kỹ để cởi mở nó và sống trở lại với ánh sáng tỉnh giác. Đó gọi là sống thiền. Còn không, là bị nghiệp dẫn sống trong vô minh, sống mất mình, quên mất thực tại.

Những điều này mình học thì hiểu nhanh lắm, nhưng tới mấy lúc đó thì quên hết.

Trong nhà thiền có câu chuyện, thiền sư Tenno sau một thời gian theo học thiền với thiền sư Nan-in, cảm thấy đủ sức nên xin Thầy xuống núi. Khi vào thất để đảnh lễ xin phép Thầy, Thầy nói:

- Cũng tốt, nhưng lúc nãy, trước khi vào đây, con để cái dù bên phải hay bên trái ?

Ông ngập ngừng. Thầy nói:

- Thôi, ở ba năm nữa.

Đó là quên mất thực tại rồi. Lúc đó chỉ lo nhớ vô để xin xuống núi thôi. Ở thêm một thời gian, ông lại xin xuống núi, bất ngờ Thầy hỏi:

- Lúc nãy vào đây con bước chân nào lên thềm trước?

Ông cũng ngập ngừng, Thầy bắt ở thêm ba năm nữa. Thời gian sau, tin rằng mình lúc nào cũng nhớ vì đã hai lần có kinh nghiệm, nên ông vào thất Thầy xin xuống núi lần nữa. Lúc đó trời có gió mạnh. Thầy gật đầu bảo:

- Tốt rồi, nhưng con đóng cửa sổ giùm Thầy rồi hãy đi xuống. Ông mừng quá, đi đóng cửa sổ, nhưng đóng mạnh tay, lại thêm gió mạnh nên vang thành tiếng. Thầy bảo:

- Thôi chưa được, ở thêm mấy năm nữa. Đó là thiếu tỉnh giác. Thành ra quý vị thấy, học thiền, hiểu thiền nhưng tới sống thiền thật không đơn giản. Phải sống từng phút từng giây, gọi là thiền trong từng phút giây. Tức là phải thực sống, sống ngay thực tại, nghĩa là lúc nào mình cũng phải có mặt.

Có câu chuyện “Kính Chuông Như Phật”. Một vị Thiền sư Nhật Bản một hôm ngồi thiền xong, gọi thị giả hỏi xem ai thỉnh chuông sáng hôm nay. Thị giả thưa:

- Là ông Sa di mới tới.

Ngài bảo gọi ông Sa di đến, hỏi:

- Sáng sớm hôm nay khi thỉnh chuông ông dụng tâm như thế nào?

Ông Sa di ngạc nhiên, thưa rằng:

- Bạch Hòa Thượng, con không có dụng tâm gì, chỉ thỉnh chuông là thỉnh chuông thôi.

Ngài mới bảo:

- Ông không nhận được hay sao? Trong tâm của ông, nhất định có chuyên niệm đến một cái gì đó. Bởi vì hôm nay ta nghe âm thanh tiếng chuông rất là trong sáng cao quý. Aâm thanh đó phải là của chính một người có tâm chân chánh, thành kính mới thỉnh được tiếng chuông phát ra như vậy.

Ông Sa di ngẫm nghĩ một lúc rồi thưa:

- Bạch Thầy, thật ra con cũng không có ý niệm gì khác đặc biệt. Chỉ là khi con chưa đi tham học, lúc đó còn ở nơi chùa quê, Thầy Bổn Sư của con có dạy: “Khi thỉnh chuông thì phải nhớ “Kính chuông như Phật”, phải một lòng thành kính, trai giới thanh tịnh, dùng tâm thiền như lúc nhập định và dùng tâm lễ bái mà thỉnh chuông.”

Nghe như vậy, Thiền sư Dịch Thượng gật đầu và khuyên thêm:

- Sau này khi làm việc gì ông cũng nên nhớ giữ tâm thiền như đã thỉnh chuông sáng hôm nay.

Từ đó về sau mỗi khi làm việc gì ông Sa di cũng luôn luôn kính cẩn, trân trọng, dần dần thành một thói quen, sau thành một thiền sư nổi tiếng, là thiền sư Sâm Điền Ngộ Do sau này.

Sức sống thiền là như vậy, thỉnh chuông cũng phải kính chuông như Phật. Còn bây giờ trong chùa ít ai nói thỉnh chuông, mà nói là đánh chuông, dộng chuông. Toàn là đánh, dộng nên tiếng chuông cũng thường không được trong sáng. Còn đây là kính cẩn trân trọng, làm với một tâm chí thành, nên người có kinh nghiệm tâm linh khi nghe người thỉnh chuông, hoặc đánh chuông trên chùa thì biết tâm của người đó như thế nào. Tâm đó đang thuần thục hay còn thô tháo.

Cho nên mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mình sống trở về với ánh sáng tỉnh giác của mình thì trong việc làm, trong hành động đó, mới là thực sống và có ý nghĩa, còn không thì sống như chết.
Vì vậy thiền dạy mình sống phải thật sự tỉnh giác, sống trở về ngay cuộc sống thực của mình. Các Ngài thường nhắc nhở chúng ta sống giây phút nào phải xứng đáng giây phút đó.

Trích "SỐNG TỈNH GIÁC"
Hòa Thượng Thích Thông Phương

[ Quay lại ]