headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THỆ NGUYỆN GIẢI QUYẾT CHO XONG VIỆC SINH TỬ

ThayTrucLam11Chúng ta không thể sinh tâm buông lung, dễ duôi để phước ngày càng tổn, càng mỏng dần. Nên nhớ rằng: Chớ có xem thường việc nhỏ. Một ngày mình buông lung một chút là nó tổn phước một chút, cộng lại nhiều lần thì phước tổn sâu. Khi tổn phước rồi sẽ ảnh hưởng đến công phu tiến đạo, đến đạo tâm của mình. Cho nên ý thức được trách nhiệm bổn phận, ngay đây chúng ta phải phát tâm mạnh mẽ thề giải quyết xong vấn đề sinh tử này, chứ không thể dễ duôi được.

 Người xưa có câu : "Đời này chẳng thẳng đời này độ, còn đợi đời nào mới độ thân". Nghĩa là ngay đây không chịu độ mà còn hẹn chờ đợi đến đời nào nữa. Đợi đến đời sau thì đời sau ai vào đó để độ? Cũng là mình thôi chứ đâu ai vào đó độ thay cho mình, vậy thì tại sao ngay đây không độ liền đi? Khỏi phải tốn thời gian thêm nữa. Trong khi qua một thời gian thì nó tạo thêm nghiệp mới nữa. Ngay đây độ liền có phải là bớt ít thời gian hơn không? Nếu còn hẹn đời sau, chính là tạo cơ duyên cho tâm giải đãi. Khéo là phải ngay đây bắt tay vào liền chứ không có đợi chờ.

Hoà Thượng Thủy Am dạy chúng: "Xưa các ngài Đại Ngu, Từ Minh, Cốc Tuyền, Long Nha kết bạn với nhau để cùng đến tham vấn ngài Phần Dương. Tức là ngài Phần Dương Thiện Chiêu, ngài ở vùng đất Hà Đông, nơi đó rất lạnh. Một số người ở đó chịu không nổi bỏ đi, chỉ có ngài Từ Minh là người có chí học đạo ngày đêm không lười mỏi. Ban đêm ngồi thiền buồn ngủ ngài bèn lấy cái dùi tự đâm vào thân và than rằng: Cổ nhân vì việc lớn sinh tử mà không ăn không ngủ còn ta là hạng người nào mà dám phóng túng buông lung. Lúc sống thì vô ích lúc chết không để tiếng tăm về sau. Ấy là tự bỏ mình vậy."

Ngài Từ Minh tự nhắc mình, người xưa vì việc lớn sinh tử là như vậy đó. Cho nên, đâu thể hèn yếu so đo tính toán chần chừ để nuôi lớn tâm sinh tử thêm. Xưa các ngài chỉ một đao mà chặt đứt không ngó lại, phải dũng mãnh như vậy để mà tiến tới. Chính trong bản Thanh Quy của Thiền viện, Hòa Thượng cũng khẳng định điều đó :

Thứ nhất là tính dứt khoát. Dứt khoát tức là đời ra đời đạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn, không có thái độ lưng chừng mà phải quyết tu đến sáng đạo, phải dứt khoát như vậy.

Thứ hai là tính kiên quyết. Dù khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh hay bản thân tạo ra đều khẳng định vượt qua, kiên quyết thực hiện kỳ được giải thoát viên mãn mới thôi. Không đổ thừa là tại ngoại cảnh làm cho khó tu rồi chuyển đổi thoái tâm, hoặc do bệnh hoạn gì đó hay do cái gì trở ngại, đều khẳng định vượt qua hết, phải tu đến giải thoát viên mãn mới được, kiên quyết dứt khoát.

Ngài Hám Sơn cũng từng nhắc nhở: "May thay trong kiếp này nhờ sự trợ giúp và chỉ dạy của Chân sư, hạt giống Bát-nhã ở trong chư vị có cơ tăng trưởng. Nhờ thế lòng mộ đạo và quả quyết của chư vị được thức tỉnh, nhưng chư vị phải nhận thức rằng không dễ gì nhổ được, lấp được các gốc rễ luân hồi đã ăn sâu trong chư vị từ thời vô thủy. Công việc này không phải là tầm thường, chỉ có những người có ý chí và sức mạnh, đủ can đảm để mà đảm đương cái gánh nặng như vậy. Và dấn thân tới trước không chút do dự hay rụt rè thì mới vào được đạo."

Tức là chúng ta cũng còn có duyên tốt trong kiếp này, nhờ được các bậc Chân sư nhắc nhở đánh thức cho nên hạt giống Bát-nhã trong tâm mới có cơ hội nẩy mầm, tăng trưởng nhưng không phải ngay đó sạch hết các gốc luân hồi. Vì gốc luân hồi đã ăn sâu từ vô thủy rồi không phải một lúc mà sạch hết. Phải là những người có sức mạnh và ý chí can đảm, sẵn sàng dấn thân tới trước mới mong vào được đạo, nào phải việc tầm thường.

Qua đó, chúng ta mới thấy chư Tổ đều như nhau, luôn luôn thúc đẩy người tu phải có sự quyết tâm mạnh mẽ để tinh tiến vượt lên, chứ không thể lừng chừng hẹn nay hẹn mai. Chúng ta mê lầm huân tập từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay, đâu thể một ngày hai ngày mà dứt trừ được. Tuy nay chúng ta cũng có được cái duyên tốt, được thầy bạn tốt nhắc nhở đánh thức hạt giống Bát-nhã trong tâm, để có cơ hội phát khởi tăng trưởng, nhưng những nghiệp tập nó đâu có một lần mà hết được. Thỉnh thoảng nó sống dậy, do đó chúng ta phải có một ý chí sức mạnh vươn lên, sẵn sàng tiến tới chứ không thể ỷ lại, không thể chần chờ. Phải có sự quyết tâm thề nguyện giải quyết xong việc lớn sinh tử, không phải vào chùa an nhàn chỉ một thời sám hối hai thời ngồi thiền vậy là đủ trả nợ. Mà chúng ta phải giải quyết xong việc lớn sinh tử này, phải sáng tỏ được đạo, chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đủ rồi.

Trích "CHÍ XUẤT TRẦN"
Hòa Thượng Thích Thông Phương
 

[ Quay lại ]