headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHỚ TIN TÂM MÌNH

duoctrauBuổi sinh hoạt hôm nay sẽ nói về cách tu, đó là chớ tin tâm mình. Đây là ý nghĩa thực tế cho việc tu tập. Khi học Phật pháp có khi chúng ta được dạy phải tin tâm, có khi nói không nên tin tâm, vậy thì đặt câu hỏi lại là tâm có đáng tin hay không? Đó là điểm mình phải nhận định cho kỹ.

I. TÂM KHÔNG ĐÁNG TIN.

 

 

Đây nói về cái tâm chúng ta đang sống. Chúng ta đang sống đây là sống với cái tâm hư vọng sanh diệt. Mà cái gì sanh diệt là thuộc về vô thường, khổ, vô ngã, có đó rồi không đó, nó sanh đó rồi diệt đó, nó đổi thay luôn luôn không dừng trụ. Vì không dừng trụ cho nên không thể tin nó, vì vô thường, khổ, vô ngã nên không có thực thể. Tin theo nó là nguy hiểm.
Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
            Tâm khó thấy tế nhị,
            Theo các dục quay cuồng,
            Người trí phòng hộ tâm,
            Tâm hộ an lạc đến.
            ***
            Chạy xa sống một mình,
            Không thân, ẩn hang sâu,
            Ai điều phục được tâm,
            Thoát khỏi ma trói buộc.

 

Tâm mình hiện tại là như vậy đó, tức là khó thấy, tế nhị, bởi nó không có hình tướng cụ thể nào hết. Không thể nắm bắt được nó cho nên muốn nó dừng nó không dừng, muốn kéo nó cũng không được. Không nắm bắt được nên gọi là khó thấy.

 

Theo các dục quay cuồng tức là tuy nó không hình tướng, không thể nắm bắt được nó, mà nó luôn đuổi tìm nắm bắt theo trần cảnh không lúc nào dừng, từ trên trời cho đến dưới đất đâu đâu nó cũng hiện được.

 

Lén lúc đi một mình đến những phương xa xôi ẩn náu nơi hang sâu. Tức là chỉ cho cái tâm không kiểm soát được, nó cứ lén lúc chạy đi theo cảnh duyên của nó có khi không còn biết nó ở đâu nữa. Thí dụ mới ngồi ở đây nó lại lén chạy đi phương trời xa thẳm nào. Có khi nó biến hình, biến dạng, có khi nó ẩn trong những cái hang trần cảnh cho nên không biết bóng dáng nó đâu, dù cho người có công phu tu tập cũng có lúc nó chạy vuột, nắm không được nó.

 

Trong mười bức tranh chăn châu có bức tranh nói: "Đem hết thần thông bắt được rồi", tức là dùng hết sức thần thông bắt được rồi; "Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi", tuy là nắm được nhưng vẫn bị nó lôi: "Có khi vừa đến cao nguyên đứng, lại chạy sâu vào chốn khói mây". Mới thấy nó đứng trên cao nguyên đó, ngó lại nó chạy mất hút vào chốn khói mây rồi. Đó gọi là tâm cuồng, tâm không điều phục, luôn luôn chạy theo duyên. Nếu tin theo tâm này là hiểm họa, là bị nó dẫn vào trong đường sanh tử, luân hồi, đau khổ. Tất cả chúng sanh chìm đắm trong luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay là do quá tin vào cái tâm đó. Do tin quá cho nên nó dẫn đi đâu là đi đó và nhận nó làm mình luôn.

 

Trong kinh có câu chuyện Tăng Hộ cháu. Tăng Hộ cháu có người chú đi tu là vị trưởng lão. Vị trưởng lão Tăng Hộ này tu hành chứng quả, độ cho Tăng Hộ cháu được xuất gia. Một hôm Tăng Hộ cháu được thí chủ cúng cho sấp vải tốt, chú đem dâng cho trưởng lão nhưng vị trưởng lão này không nhận, chú đứng quạt hầu thầy mà lòng rất buồn. Do buồn nên chú khởi vọng tưởng lung tung: "Thôi hoàn tục cho rồi, bán sấp vải đó lấy tiền làm vốn làm ăn rồi dần dần sẽ tạo thành sự nghiệp. Có sự nghiệp rồi sẽ cưới vợ, cưới vợ rồi sanh con. Khi con lớn, mình cùng vợ ẵm con đi thăm ông chú. Trên đường đi thấy cô vợ bồng đứa con đã mệt, mới bảo đưa chồng ẵm thế cho, cô vợ vô ý thế nào làm rớt đứa con xuống dưới đất. Anh giận quá lấy tay định đập lên đầu cô vợ một cái, không ngờ tay mình đang cầm quạt đập ngay đầu ông thầy". Ông thầy có tha tâm thông nên biết, nói: "Ngươi không đập trúng đầu mụ vợ của ngươi mà đập trúng cái đầu của ta rồi". Ngay đó chú giật mình hoảng sợ bỏ chạy. Câu chuyện đó nói lên cái tâm lén lúc đi chỗ khác. Đang đứng quạt hầu thầy mà nó lén chạy một khoảng xa gần như cả một đời người.

 

Nhận rõ rồi quán kỹ lại để thấy rằng, cái tâm mà chúng ta thấy là tâm không có tự chủ, là tâm vọng. Khi mình có công phu tu thì kiểm soát nó được đôi chút nhưng khi quên thì nó lén chạy đi liền, cho nên Phật dạy: "Chớ tin vào nó mà phải phòng hộ nó, phải điều phục nó". Phải lo phòng hộ, điều phục nó để dần dần nó thuần trở lại, đó gọi là chăn trâu.

II. ĐIỀU PHỤC TÂM.

 

Các bức tranh chăn trâu dạy mình phải điều phục tâm. Tu là phải điều phục tâm này chứ không thể tin vào nó. Quí vị kiểm coi có thường bị nó gạt không? Bị nó gạt dài dài phải không? Tin nó là bị nó gạt hoài. Thí dụ mới định lên thắp nhang lễ Phật thì nó gạt mình chạy ra chợ. Mới định mở băng nghe pháp nó gạt mình chạy xuống bếp. Đang ngồi nói chuyện với người bạn ở trong phòng khách nó lén lén chạy về quá khứ mấy mươi năm. Có khi đang tu hành thanh tịnh nó gạt chạy ra ngoài thế tục. Hoặc đang ngồi nghe pháp ở đây nó cũng lén lén chạy về thăm cửa hàng một chút. Nghĩa là nó lanh lợi lắm, cho nên ta cần phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để điều phục, kiểm soát cái tâm này. Đó là tu.

 

Tâm được điều phục trở lại, được phòng hộ rồi sẽ không còn chạy rong nữa. Mình ngồi đây thì bảo nó ngồi đây. Ngồi biết ngồi, đi biết đi, làm việc biết làm việc, khi bán đồ cũng biết bán đồ, luôn luôn phải tỉnh sáng như vậy cho nó không còn lén chạy được nữa. Hạnh phúc chơn thật là điều phục được tâm đó, chỗ này đúng là không thể nói hết bằng lời được. Sống được với cái tâm đã điều phục thì thật sự an lạc. Cái an lạc này là an lạc trong nội tâm cho nên những cái gọi là hạnh phúc thế gian không có gì sánh được. Bởi vì hạnh phúc thế gian là thứ sanh diệt, nằm trong vô thường khổ vô ngã nên cái hạnh phúc đó không chân thật, đây mới là hạnh phúc chân thật.

 

Như vậy, tu là phải khéo điều phục tâm này. Mà điều phục thế nào? Muốn điều phục nó thì phải thấy được nó để nhận rõ nó là hư dối, không thật mà không tin vào nó. Phải xác quyết không tin vào nó thì mới điều phục nó trở lại chứ còn tin là bị nó dẫn đi liền. Đó là điểm mà phải nhận định rõ ràng. Phải đưa nó vào con đường hay là đem nó vào trong chánh pháp, sống theo pháp chứ không để cho nó sống theo thói quen nữa. Tức là tập sống hiện hữu, thân đang ở đây thì tâm cũng phải ở đây; thân đang làm gì thì tâm cũng phải đang làm việc đó. Còn thân ở đây mà tâm đi chỗ khác tức là tự tách rời, tức là lén đi chỗ khác rồi. Có những lúc, thí dụ như lúc ngồi thiền, lúc tụng kinh thì đáng lẽ tâm cũng phải ngồi thiền, phải tụng kinh với mình, đó là giây phút rất trang nghiêm mà thân đang tụng kinh, tâm thì lén chạy đi đâu rồi. Hoặc là thân đang ngồi trên bồ đoàn mà tâm thì đi về quê. Như vậy tức là thân và tâm tách rời rồi, cho nên phải tập thân và tâm cùng làm một việc. Thân đang ngồi thiền đây thì tâm phải ngồi thiền với thân; thân đang lễ Phật ở đây thì tâm phải lễ Phật ở đây. Phải tập như vậy đó.

 

Trong nhà thiền có câu chuyện: Một hôm Thiền sư Thạch Thê hỏi ông thị giả: "Ông đi đâu ?"  Ông thị giả thưa: "Con đi đến trai đường". Thiền sư Thạch Thê bảo: "Ta đâu không biết ông đi đến trai đường!". Tức là thấy ông mặc áo, ôm bát là biết ông đi lên trai đường rồi, nhưng ta hỏi ông đi đâu đó là có ý sâu.

 

Ông thị giả thưa: "Vậy thì trừ ngoài cái việc này, riêng nói cái gì nữa ?". Tức là ngoài việc này còn có việc gì khác nữa?

 

Thiền sư Thạch Thê bảo: "Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ông". Ông thị giả thưa: "Nếu hỏi việc bổn phận của con thì con thật đi đến trai đường". Thiền sư bảo: "Ông đúng không hổ thẹn là thị giả của ta".

 

Tức là hỏi đi đâu thì ông nói là ông đến trai đường, ngoài việc này đâu riêng có việc gì khác? Còn nếu hỏi việc bổn phận là sao? Thì chính là con đi đến trai đường, tức là đi đến trai đường thì biết là mình có mặt đi đến trai đường, sáng tỏ, rõ ràng không mê. Trả lời như vậy thì Thiền sư hài lòng, đúng ông là thị giả của ta. Thị giả tức là lúc nào cũng có mặt bên cạnh, xứng đáng. Chứ còn đang ôm bát lên trai đường mà tâm đi ra chợ thì sai rồi. Đó gọi là luôn luôn thắp sáng hiện hữu, lúc nào cũng hiện hữu sáng ngời. Mình phải tập như vậy đó. Tuy nhiên mình chưa được hoàn toàn, nhưng tu là để tập sống trở lại, để điều phục trở lại, để phòng hộ tâm, để kéo nó trở lại chứ không phải để nó dẫn đi.

 

Thiền sư Sư Nhan cũng vậy, Sư thường thường ngồi trên tảng đá, thỉnh thoảng gọi: "Ông chủ!", rồi tự đáp: "Dạ!", rồi tự bảo: "Tỉnh tỉnh lấy, về sau chớ bị người gạt". Sư luôn luôn nhắc mình như vậy. Bởi vì lâu lâu quên. Tự gọi mình dạ để nhớ mình đang có mặt đây chớ lén lúc chạy đi. Đó là khéo nhắc để luôn tự tỉnh, để đánh thức nó luôn luôn, không để cho nó ngủ mê theo cảnh duyên.

 

Kinh Lăng Nghiêm nói là: "Không để nó sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó". Có duyên thì nó liền biết, biết duyên nhưng không quên chính nó. Nó không đồng hóa nó với duyên, đó gọi là khéo; ngược lại thì nó sanh các duyên, rồi đồng hóa với các duyên bỏ quên nó thì kinh Lăng Nghiêm gọi là căn bản sanh tử luân hồi. Ngược lại là biết hết các duyên nhưng mà không theo các duyên để rồi quên chính nó, gọi là không bỏ sót chính nó. Thí dụ như quí vị nhìn thấy bình hoa, biết bình hoa thì đó là sanh các duyên. Có duyên nhưng vẫn không quên chính nó tức là không quên cái tính thấy hiện hữu nơi mình, không phải là chỉ nhớ cái bình hoa thôi mà quên chính mình. Cho nên làm sao giữ cho cái biết luôn luôn sáng ngời trong duyên mà không để các duyên che mờ, cho đến nghe pháp mình cũng phải nghe sáng suốt, không phải cứ lo chăm chú nghe tiếng thầy nói mà quên mình lúc nào không hay, đó cũng gọi là theo duyên mà bỏ sót chính nó. Đây dù nghe tiếng thầy nhưng vẫn không quên chính mình thì mới là khéo biết nghe pháp, gọi là nghe pháp mà không mất mình. Đây là nói để cho tất cả chúng ta nhận rõ cái tâm mà mình đang sống là tâm không đáng tin, mình phải khéo điều phục nó, đưa nó trở về cái tâm đáng tin.

III. TÂM ĐÁNG TIN.

 

Tâm đáng tin là tâm gì? Tâm mà chư Tổ thường nhắc mình phải tin nhận trở lại để sống đó, gọi là bản tâm chân thật, hay gọi là tâm xưa nay trong sạch chưa từng ô nhiễm, đó mới là tâm đáng tin. Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán dạy: "Phải tin tâm". Tin tâm là tin cái tâm này chứ không phải là tin cái tâm lén chạy đi đông đi tây. Phải hiểu kỹ điều đó để nhận cho rõ ràng chứ không thì lầm lẫn. Tâm chân thật của mình còn gọi là tâm thể nguyên thủy. Tâm thể nguyên thủy chưa bị luân hồi làm biến chất mới là cái tâm đáng tin, còn tâm theo duyên sanh diệt, luân hồi là không đáng tin, tin theo nó là nguy hiểm. Như vậy thì tin nhận cái tâm nguyên thủy, đó là chỗ sống của chư Tổ Thiền tông.

 

Sơ Tổ Trúc Lâm trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo: "Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác", nhận được tâm này rồi thì không còn pháp nào nữa hết. Đó là chỗ chân thật để mình sống, chỗ trở về an ổn của mình. Đây mới là tâm gốc, còn những tâm lăng xăng là tâm ngọn. Vì là tâm gốc nên không có nhiều tâm, còn tâm ngọn thì không thể tính hết. Chúng sanh vì quên tâm gốc này mà tin theo các tâm ngọn cho nên phải đi mãi trong luân hồi. Bởi vì nó có vô lượng cho nên nó cứ chạy mãi không dừng, gọi là sống lang thang làm khách phong trần, sống xa quê.

 

Trong nhà thiền có câu: "Nhất ba tài động vạn ba tùy", tức là một lượn sóng vừa khởi lên thì muôn ngàn lượn sóng khởi theo. Cũng vậy, một tâm vừa khởi thì bao nhiêu thứ tâm nổi theo nổi theo. Quí vị ngồi thiền kiểm soát lại tâm mới thấy sợ. Thí dụ mới ngồi đó liền nhớ lại hồi nhỏ mới đi học. Khi vừa nhớ hồi nhỏ mới đi học thì bao nhiêu thứ nào là thầy giáo, cô giáo, bạn bè … theo cả dọc, không phải là chỉ ngang đó thôi. Cho nên mình phải khéo nhận rõ, để sống trở lại, tin nhận trở lại cái tâm gốc, trở về cái tâm gốc vốn không hai, không còn chạy ở đâu hết thì đó mới thật sự là an ổn. Đó gọi là an tâm.

 

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ dạy: "Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, đản mạc tắng ái, đổng nhiên minh bạch", nghĩa là chí đạo thì không khó, chỉ vì chọn lựa. Chớ có yêu ghét thì nó rỗng rang sáng tỏ. Tâm thể chân thật là chỗ chí đạo. Không khó tức là cái tâm thể chân thật của mình ở ngay chính mình chứ không đâu xa hết, chỉ vì hướng ra bên ngoài chọn cái này lựa cái kia nên trái xa với nó rồi. Chớ khởi yêu ghét lăng xăng thì tự nó rỗng rang, là sáng tỏ. Khi mình khởi yêu ghét tức là mình tự bỏ quên chính nó mà hướng ra ngoài chạy theo cái bóng nên có yêu ghét, có lấy có bỏ.

 

Thử hỏi bản tâm chính mình đây rồi thì còn ai trong đó nữa để mà mình yêu ghét? Lâu nay chúng ta sống trong điên đảo, có khi mình cũng yêu mình, có khi mình cũng ghét mình, tự mâu thuẫn với mình. Đó là sống với cái tâm yêu ghét, sống với cái tâm hư dối. Bởi vậy Thiền tông luôn luôn nhắc người học phải tin nhận trở lại cái tâm gốc này để sống, vì đó mới là cái tâm đáng tin.

 

Thiền sư Hoàng Bá thường nhấn mạnh chỗ này, Ngài bảo: "Các Tổ Thiền tông xưa nay chỉ dạy truyềân trao cái tâm thể chân thật này thôi. Gọïi là học đạo chỉ là lời nói để tiếp dẫn người chứ sự thật không có cái đạo để học, còn nghĩ học hiểu trở thành mê đạo". Thế mới thấy Thiền sư dạy không giống học ở trường; trường học thì giải thích thế này thế kia để mình học, còn ở đây bảo học đạo là không có gì để học hết. Nói có ngược đời không? Nhưng mà đó là chỉ thẳng vào chân thật. Bởi vì nếu có cái đạo để cho mình học thì cái đạo đó là đạo ở trong sách vở, đạo trong chữ nghĩa, đạo trong hiểu biết không phải là đạo chân thật. Đạo chân thật chính là tâm thể này, mà tâm thể này là ngay chính mình rồi thì còn có đạo nào khác để mình học? Cho nên Ngài nói học đạo mà không có cái đạo nào để học, đó là chỉ vào chỗ chân thật. Đó mới là nói thật, nói thẳng.

 

Thí dụ như nói rằng: "Ông theo tôi học đạo đi, học chừng ba tháng là tôi cho ông đắc đạo", đó là nói gạt, phải không? Vì đạo là tâm thể chân thật của chính mình đây thôi thì làm sao cho? Nên: "Đạo không có chỗ nơi, học đạo hay nhất là không được khởi hiểu biết", mình cứ lo tìm hiểu biết bên ngoài, tìm cái đạo trong sách vở này, sách vở kia rồi tin nhận, bám vào cái đạo đó thì có lúc sẽ ăn năn hối hận. Bởi vì đạo mà do tìm hiểu biết, đến khi sắp tắt thở thì sách vở, chữ nghĩa, và đạo đó có cứu được không? Lúc đó không có thời gian để nhớ. Đạo chân thật vốn ở ngay nơi tâm chứ không có chỗ nơi nào khác, nếu tìm đạo ở nơi nào khác thì đó không phải là đạo chân thật.

 

Và: "Đạo không có chỗ nơi, nên còn gọi là tâm đại thừa". Tâm đại thừa hay là tâm thể xưa nay thanh tịnh ở ngay tất cả chúng sanh. Nó là gốc của tất cả chư Phật và chúng sanh, nó độ khắp tất cả không bỏ sót ai hết. Ai tin nhận được nó thì đều được độ, đó mới gọi là tâm đại thừa, tức là cỗ xe lớn chở hết không bỏ sót. Đức Phật nhận trước thì thành Phật trước. Chúng sanh nhận sau thì thành Phật sau. Còn không nhận thì làm chúng sanh hoài.

 

Nhưng nếu khởi tâm tìm cầu hiểu biết nó thì lại mất nó. Bởi vì khi mình tìm cầu hiểu biết nó tức là mình biến nó thành cái thứ hai để cho mình hiểu biết, nên gọi là mất nó. Thí dụ như con mắt mình đây có thấy được chính nó không? Con mắt không làm sao thấy được con mắt. Nếu mình nói con mắt thấy được con mắt thì đó là cái bóng của con mắt trong gương chứ con mắt làm sao thấy được con mắt. Nhưng nhơn thấy được cái này cái kia thì biết là có con mắt chứ con mắt nó không tự thấy nó. Tâm này cũng vậy, nhơn có hiểu được cái này biết rõ cái kia, mình khéo thầm nhận là tâm chứ không thể nào tâm thấy được tâm. Cho nên Thiền sư Hoàng Bá cũng từng bảo: "Người học đạo thẳng đó vô tâm thầm khế hội, nghĩ tâm tức là sai, lấy tâm truyền tâm đây là chánh kiến, dè dặt chớ hướng ra ngoài, chạy theo cảnh, nhận cảnh làm tâm là nhận giặc làm con". Tức Ngài bảo là thẳng đó vô tâm, thầm khế hội thì đó là trúng, còn nghĩ tâm thì đó là sai. Thẳng đó vô tâm tức là buông hết mọi thứ tâm chạy theo cảnh rồi, thì ngay khi tôi nói đây, quí vị nghe đó là tự thầm cảm thông liền. Chớ có chạy theo tiếng nói. Đó là tâm truyền tâm. Thầm khế hội đó là khéo. Tin nhận trở lại cái tâm chân thật này không chạy theo những hiểu biết ngôn ngữ văn tự, gọi là yếu chỉ để tin tâm, yếu chỉ để về nguồn. Luôn luôn nhớ trở lại nhận được tâm đó gọi là thầm hội, thầm nhận chứ không phải khởi hiểu biết.

 

Thiền sư Hoàng Bá cũng nhắc: "Cái tâm bản nguyên thanh tịnh này tự tròn sáng soi khắp, người đời không tỏ ngộ chỉ lấy cái thấy nghe hiểu biết làm tâm nên bị cái thấy nghe hiểu biết che đậy, cho nên không thấy được cái bản thể tinh minh thật sáng suốt". Ở đây, Ngài nhắc để cho tất cả người học đạo phải tin nhận trở lại tâm cội nguồn chân thật này, nó tự tròn sáng soi khắp đầy đủ không sợ thiếu. Không biết như vậy, lo cầu thêm nữa thành bị gạt. Thật sự tâm thể là cái thể biết, đã là thể biết thì tự nó biết rồi còn tìm cái gì khác nữa? Đã là thể biết rồi thì không ai làm cho nó tiêu mất được. Cho nên trong kinh kể, những người tạo tội nặng đọa vào địa ngục bị dầu sôi, lửa bỏng, khi đốt cháy thân ra tro xong rồi có làn gió thổi qua liền sống trở lại chịu tội nữa, không mất. Khi hết tội địa ngục rồi cũng sanh trở lại, hoặc là làm thú, làm người rồi cứ tiếp tục luân hồi dài dài.

 

Bởi vậy tất cả quí vị hãy nhớ kỹ, đừng có sợ thiếu. Vì sợ thiếu nên cứ lo tìm cầu thêm hoài. Mà cầu thêm tức là thu vào. Thu vào tức là vay mượn. Tất cả những gì mình hiểu biết hiện tại đây là mình vay mượn mà cứ nghĩ là của mình nên chết ở chỗ đó. Quí vị nghĩ coi, lúc mới sanh ra có bao nhiêu kiến thức hiểu biết? Rồi bây giờ được bao nhiêu? Những cái gọi là kiến thức, hiểu biết mình hiện tại là ở đâu vào? Không phải là vay mượn hay sao mà lại nhận là mình? Từ chỗ sai lầm đó mà có đấu tranh, có cãi nhau, và khổ. Thí dụ mình nghĩ ta là giáo sư, bao nhiêu kiến thức đó là của ta. Ai nói khác với kiến thức đó thì sao? Cãi. Hoặc ta là bác sĩ, những kiến thức đó mình cũng mới học đây thôi, có nghĩa là cũng vay mượn vào chứ không phải là cái của ta. Cho đến những kiến thức tôn giáo cũng vậy, mới sanh ra thì không có kiến thức tôn giáo, nghĩa là tôi không phải Phật giáo, không phải là Thiên chúa giáo gì hết. Lớn lên mới huân tập thì đó là cái huân tập. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải quán kỹ để thấy rõ những cái hiểu biết đó đều là cái vay mượn, đều nằm trong vô thường khổ vô ngã hết.

 

Thí dụ như mình hiểu như vậy, mình nói như vậy, nhưng người khác nói không phải thì sao? Thì tôi hiểu vậy còn anh hiểu khác đó là tùy anh. Cái mình hiểu đây là do mình huân tập theo chiều này, thì mình hiểu như vậy thôi. Phật thường nói: "Người biết tôn trọng chân lý và người không biết tôn trọng chân lý" là sao?

 

Tức là người nói: "Theo chỗ hiểu của tôi là như vậy" thì đó là người biết tôn trọng chân lý. Còn người nói rằng: "Tôi thấy như vậy là đúng" thì đó là người không biết tôn trọng chân lý. Người biết tôn trọng chân lý thì thấy mỗi người có thể thấy theo nghiệp riêng của họ, còn xác định là mỗi người phải thấy đúng như tôi thì đó là người không tôn trọng chân lý. Bắt buộc mỗi người phải thấy đúng như tôi mới được, thì đó là ngã kiến, mà mình thấy đâu phải cái nào cũng đúng. Cái thấy của tôi là như vậy, anh thấy khác thì tùy anh, như vậy thì bớt cãi.

 

Ngài Hoàng Bá chỉ rõ cái tâm thể cộïi nguồn của chúng ta vốn tự tròn sáng, nó soi khắp, đầy đủ tính biết, đừng sợ thiếu nó nữa, đừng thêm vào. Những gì thêm vào thì mình biết là không phải thật nó, đó là những thứ vay mượn, đừng có nhận làm mình gọi là nhận giặc làm con.

 

Và đã tròn sáng là soi khắp thì hiện tại đây nó có hay không? Đó là vấn đề. Đã soi khắp thì tại sao hiện tại đây không có? Không có thì làm sao gọi là soi khắp? Còn nếu hiện tại đã có, sao không thấy? Vậy thì lỗi tại chỗ nào?

 

Chúng ta học đạo là đi sâu vào trong đó chứ không phải trên chữ nghĩa. Lỗi tại chỗ nào thì đây dành cho mỗi người tự trả lời. Đúng ra những gì Phật dạy, người trí phải nhận định rõ ràng điều đáng tin thì tin, điều không đáng tin thì không tin. Đối với chúng ta, việc đáng tin lại không tin, việc không đáng tin thì lại quá tin. Do đi ngược, cho nên Phật nói điên đảo là chỗ đó. Điên đảo tức là thấy đảo ngược. Khi học đạo rồi thì chúng ta phải chuyển lại, tức là cái không đáng tin thì không tin, còn cái đáng tin thì phải tin. Nhận rõ ràng đó là sống trở lại với trí tuệ.

 

IV. TÓM KẾT.

 

Tâm chúng ta đang sống ở đây là tâm gì? Là tâm hư vọng. Tức là tâm không có thực thể, nó là tâm luôn luôn thay đổi, có vô lượng thứ cho nên xác định rõ nó là cái tâm không đáng tin, tin theo nó là nguy hiểm. Bởi vì tâm này không có tự chủ, nó luôn bị cảnh duyên lôi kéo, nó cứ lén lúc chạy hoài nên bị các trần cảnh che mờ. Tin theo nó là sống trong vô thường, là sống mất gốc, là đi vào trong luân hồi. Do đó, Phật dạy là chớ có tin tâm này mà phải phòng hộ nó, phải điều phục nó để dẫn nó trở lại gốc, đó là phải hiểu kỹ.

 

Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy: "Các ông hãy dè dặt chớ có tin tâm ý của ông, dè dặt chớ gần với sắc, gần với sắc thì họa sanh. Khi đắc quả A-la-hán rồi mới có thể tin tâm ý của ông".

 

Phật dạy cái tâm này là tâm chưa đáng tin, đó là tiếng chuông để cảnh tỉnh cho tất cả thế gian đang mê lầm trong điên đảo. Cần phải thức tỉnh trở lại, chớ vội tin tâm mình. Tiến lên bước nữa, Ngài chỉ ra bản tâm chân thật sẵn có trong tất cả. Đây mới là chỗ cần tin nhận trở lại để vượt lên cái mê lầm điên đảo, sống trở về với nguồn cội đã quên. Đây là tin tức tốt cho tất cả những chúng sanh xa nhà, xa quê từ vô lượng kiếp tới nay, và thực tế nhất là cho những người đang ngồi đây. Mong rằng tin tức này đến khắp tất cả và khi nhận được tin tức này thì tất cả đồng lần lượt trở về để cùng gặp nhau trong ánh sáng chân thật hay là trong niềm vui miên viễn tại quê nhà. Đó là niềm vui lớn nhất.

 

[ Quay lại ]