headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HAI GIẤC CHIÊM BAO

mongĐây là để nhắc nhở về tu hành cho nên đề tài nói chuyện hôm nay là “Hai Giấc Chiêm Bao”. Trong đây có ai không có chiêm bao không? Đúng ra, mỗi người đều có hai giấc chiêm bao: một giấc chiêm bao ban đêm và một giấc chiêm bao ban ngày. Tức là cả ngày đêm tất cả đều ở trong chiêm bao: một giấc chiêm bao dài và một giấc chiêm bao ngắn.

 

 

Tất cả đó đều vì cái vô minh, luôn sống trong chiêm bao không hiểu không biết gì hết nên Phật gọi đó là mê. Do vậy, còn biết mình sống trong chiêm bao thì chắc cũng tỉnh tỉnh được chút vì đó là lẽ thật. Thí dụ như hôm qua gặp gỡ bạn bè gì đó, hoặc là bữa ăn hôm qua, hoặc là những chuyện buồn vui, hay là cãi nhau hôm qua đó v.v… quý vị đem lại đây xem có được không? Thì đem không được, rõ ràng là giống như chiêm bao chứ gì nữa! Trong giấc chiêm bao, thấy mình ngồi ăn cái gì đó; nhưng khi tỉnh dậy, có ai đó bảo đem lại cái đã ăn thì sao? Thì đem không được, đó cũng giống hệt như chiêm bao chứ khác gì đâu!

 

Cũng như hôm qua quý vị ngồi xe để lên đây, quý vị có đem cái buổi đó tới đây được không? Thì cũng không được luôn. Cái thực tế như vậy mà còn đem không được. Vậy rõ ràng đó giống như chiêm bao chứ gì nữa. Xa hơn nữa, cả một đời lao nhọc gây tạo sự nghiệp đổ mồ hôi sôi nước mắt, có những lúc còn gian nan nữa nhưng khi tắt thở thì quý vị có đem được cái gì theo không? Thì cũng là muốn đem theo mà đem không được, vậy rõ ràng đó là giấc chiêm bao chứ có gì đâu! Hay là hôm nay ngồi ở đây mà quý vị thử nhớ lại mười mấy hai mươi năm về trước, một thời oanh liệt của tuổi trẻ hoặc lúc còn thơ bé thì sao? Đó rõ ràng giống như giấc chiêm bao chứ có gì đâu! Mà lẽ thật cuộc đời là như vậy.

 

Xa hơn nữa, không những đời này như vậy mà từ xa xưa vô lượng kiếp đến bây giờ thì tất cả chúng ta cũng đều ở trong chiêm bao chứ gì! Một giấc chiêm bao dài bất khả tương kì trong vô lượng kiếp từ khi bắt đầu mê cho tới bây giờ. Trong cuộc sanh tử luân hồi đó cũng có lên có xuống, có lúc được lên cõi Trời mà cũng có lúc trượt tuốt xuống súc sanh, xuống địa ngục. Trong đó thì cái nào mình cũng tham gia đủ, lòng vòng mãi trong các đường. Một giấc chiêm bao dài, quá dài như vậy mà tới bây giờ mình còn chưa chịu tỉnh nữa hay sao?! Thiền sư Trí Nham (nối pháp Thiền sư Ngưu Đầu - Pháp Dung) trước khi chưa xuất gia vốn là một lang tướng (tướng võ), đến bốn mươi tuổi thì bỗng thức tỉnh theo Thiền sư Vũ Nguyệt xuất gia ở núi Hoàng Công tại Thư Châu. Có lần, hai người bạn cùng ở trong quân ngũ nghe tin Sư xuất gia tu hành ở núi nên lặn lội tìm đến để thăm. Vừa gặp Sư, hai người bạn bèn nói:

 

- Lang tướng, ngài có điên không? Tại sao lại ở chỗ này để làm gì?

 

Tức là một tướng võ lẫy lừng như vậy mà tại sao bây giờ lại ở một mình trong một ngọn núi hoang vắng như vậy? Thiền sư Trí Nham bèn đáp:

 

- Ta điên nhưng điên sắp tỉnh còn các ông thì đang điên đó. Ôi! Mê đắm thân sắc, tham vinh hám sủng, sao không thoát ra đi ?

 

“Ôi! Mê đắm thân sắc tham vinh hám sủng, sao không thoát ra đi?”. Tức là tham đắm vinh hoa phú quý phải nổi trôi ở trong sanh tử, mà như vậy không phải là điên hay sao? Vậy thì ai điên ai tỉnh? Với cái nhìn của người đời thì Ngài đúng là điên thiệt! Đang trong thời oanh liệt như vậy thì đáng lẽ phải thụ hưởng vui chơi sung sướng mà lại bỏ đi tu! Nhưng với Ngài thì Ngài nói: “Ta điên nhưng điên sắp tỉnh còn các ông thì đang điên đó”. Kiểm lại, quý vị thấy mình tu học Phật pháp thì có giống điều đó hay không? Ai là điên, ai là tỉnh? Hòa thượng Tôn Sư có bài pháp về Con Tàu Kì Lạ:

 

“Có con tàu không có người lái nhưng nó chở vô số người từ thành phố đi ra biển. Trên đó có những người lính áp tải các hành khách lên tàu, mà mỗi người khi lên thì đều có những hành lý riêng. Chung một con tàu nhưng khi lên đó thì mỗi người đều có một hành lý riêng. Vì đường xa nên tàu có những toa để ăn uống vui chơi. Có người thì say mê ăn uống, có người thì vui chơi, có người thì lâu lâu đụng chạm nhau cãi vã nhau, mà cũng có những người vì uất hận bức bách gì đó nên nửa chừng tàu chạy thì nhảy xuống. Khi chạy ngang qua những cảnh đẹp, có người thấy thích ý muốn tàu chạy chậm chậm lại để xem cho lâu. Khi chạy ngang qua những cảnh không như ý thì muốn tàu chạy nhanh cho nó mau qua. Nhưng cả hai trường hợp con tàu vẫn không chiều ý, nó cứ chạy đều đều, muốn nó chạy chậm cũng không được mà nó muốn chạy nhanh cũng không xong! Ở trên tàu đó chỉ có một ít người biết số phận của mình là “Tàu là chạy sẽ ra biển!”, nên lo tìm những mảnh cao su kết lại thành phao để chuẩn bị trước. Những người chung quanh thì âm thầm nói: “Họ làm những chuyện thật kì lạ! Những người này quả thật điên rồ!”. Ngồi trên tàu mà lại làm những chuyện điên khùng như vậy! Nhưng số ít người kia thì: “Thôi kệ, ai nói gì thì nói, mình cũng nhận chịu vậy!”. Cuối cùng, cái gì đến thì cũng phải đến. Biển cả dần hiện ra trước mặt, đã gần cuối đoạn đường rồi! Con tàu vẫn cứ lao tới vì đâu có ai lái được nó! Khi biển cả lại gần sát trước mặt, những người trên tàu bấy giờ mới hoảng hốt la hét: “Dừng lại! Dừng lại!”. Những người trước kia nói rằng số ít người kia điên thì hoảng hốt sợ sệt, bây giờ lại giống như điên! Còn những người bị đa số người kia cho là điên thì sao? Họ rất bình tĩnh, có sẵn những chiếc phao rồi, hễ tàu lao xuống biển thì ôm phao mà đi vào bờ”.

 

Tất cả chúng ta cũng vậy, “con tàu” đó là con tàu sinh tử. Sanh là điểm bắt đầu, mà điểm cuối là tử. Còn “những người áp giải” mình lên là cái nghiệp, nó dẫn mình đồng đi trên con đường sanh tử. Nhưng tại sao “mỗi người lại có hành lý riêng”? Ở đây có ai có chung hành lý với nhau không? Tuy cùng đi trên con đường sanh tử này nhưng mỗi người đều có một hành lý riêng hết. Đó là cái nghiệp riêng đó! Không có ai giống ai hết, dù cho cùng một cha mẹ sinh ra. “Trên đường có những cảnh đẹp”, đó để chỉ cho các ngũ trần. Mình cứ lo nhìn, lo theo đuổi nó nên quên mất chuyện sanh tử! Cũng như mình đây, cứ lo đeo đuổi các cảnh trước mắt này mà quên mất rằng mình sẽ chết. Thật sự ít ai nhớ tới điều đó. “Trên đường đi, có những người giành giật, cấu xé, có khi còn quăng cả đồng bọn của mình xuống tàu cho chết”, là có những người chết trước không đợi tới đoạn cuối con đường. “Có những người biết được số phận của mình”, tức là thức tỉnh chút đỉnh nên lo học đạo, lo tu hành không ham vui chơi theo ngũ dục thế gian. Mà những người lo ham vui ngũ dục thế gian thì nói rằng: “Những người kia đúng là điên! Bây giờ không lo thụ hưởng cuộc đời cho vui sướng mà lại lo ăn chay niệm Phật cho khổ sở!’. Cũng như bây giờ đây, ngày lễ không đi ăn nhậu mà lại lo đi chùa, đó có điên thiệt không? Mà số ít người này thì chấp nhận: “Ừ! Thôi, mình là điên”. Mà chịu điên một chút để làm chi? “Để kết những chiếc phao”, là đi chùa học đạo! Đó là tạo những thiện nghiệp để khi chết thì mình nương theo nghiệp lành an ổn mà đi, chứ không phải lúc đó là lo sợ hoảng hốt. Rõ ràng đó là kết phao chứ gì! Do vậy, bây giờ thì mình phải chịu tiếng là điên nhưng kết cục thì sẽ biết ai điên ai tỉnh. Chứ không thì, người yếu yếu nghe người ta nói mình điên thì cũng sợ, bèn chạy theo họ thì đó đúng là điên thiệt! Cuộc đời là như vậy.

 

Đúng ra, mỗi người ở đây đều sống trong chiêm bao hết. Tất cả đều có hai giấc chiêm bao: hết giấc ban đêm thì tới giấc ban ngày. Do vậy, người khéo tu cần phải lấy chiêm bao làm thành một pháp tu. Mà phải quán như thế nào? Với cái nhìn của người đời thì chiêm bao cũng là chuyện thế gian, nhưng với người hiểu đạo thì chiêm bao cũng là một pháp tu. Người biết tu thì chỗ nào cũng tu được. Nhưng phải quán chiêm bao như thế nào?

 

Điểm thứ nhất, chiêm bao chẳng phải là có mà cũng chẳng phải là không. Khi chiêm bao thì cũng thấy mình đi tới đi lui, đi qua đi lại, gặp chuyện vui cũng cười mà gặp chuyện khổ cũng khóc, gặp những cảnh ghê rợn thì cũng sợ, lúc đó thấy rõ ràng thì đâu thể nói là không! Nhưng khi tỉnh ra rồi tìm thì tìm không được cái gì hết, vậy đâu thể nói là có! Như vậy, rõ ràng chiêm bao không phải là có mà cũng không phải là không. Quán chiêm bao là như vậy. Rồi mình phải quán cuộc đời mình đây cũng giống hệt như vậy. Đó là cách tu hành của mình. Còn sống ở đây thì còn sinh hoạt qua lại đủ thứ, cũng vui cười, nhiều khi cũng tranh giành hơn thua, ai nói nặng một chút cũng nhịn không được v.v… mà như vậy thì đâu phải là không. Nhưng khi tắt thở rồi, tìm lại xem thì tìm được cái gì? Thì không được cái gì hết, quán như vậy thì đúng là cuộc đời cũng chỉ giống như một giấc chiêm bao. Có món ngon mà ăn thì cũng thấy thích, cảm giác thích thú cũng vui nhưng nó chỉ vui chút rồi thôi. Chút xíu cảm giác ngon trên lưỡi qua rồi thì có được gì đâu? Tìm lại cảm giác đó thì nó đã qua mất rồi, có được cái gì đâu, giống hệt như chiêm bao vậy. Như vậy, cuộc đời là một giấc chiêm bao, điều đó không thể chối cãi được. Trong đó cái gì là ta và cái gì là của ta? Buồn thương, giận ghét, hơn thua v.v… mà cuối cùng kiểm lại thì hơn là hơn cái gì? Thua là thua cái gì? Quán được như vậy là có tỉnh, đó mới là khéo.

 

Điểm thứ hai, khi chiêm bao mình thấy mình đi đây đi kia, có ai tặng cho cái gì thì cũng mừng, mà gặp con cọp rượt thì cũng sợ bỏ chạy v.v… Nhưng điều ít ai để ý là ngay khi mộng thấy như vậy thì trong đó còn có thêm một cái ta nữa! Đây là chỗ mình phải quán cho thật kỹ: có cái ta đi đây đi đó, cũng ăn uống cũng vui mừng, rồi khi có cọp rượt thì cũng sợ bỏ chạy, mà như vậy thì còn cái ta nào thấy bị cọp rượt chạy đó? Thành ra, đó là có hai cái ta rõ ràng: một cái là bị cọp rượt chạy, còn một cái là thấy lại nó. Quán kỹ như vậy đó là hay rồi! Mà quán sâu hơn nữa thì có thêm một cái ta nữa, đó là cái ta đang nằm trên giường. Như vậy là có ba cái ta: một cái đang nằm ở trên giường, đầu ở trên gối; một cái là cái ta bị cọp rượt chạy và cái nữa là cái ta thấy lại hết những cảnh đó. Cái ta bị cọp rượt chạy là thuộc về đối tượng, mà cái ta nhìn lại đó là cái ta quan sát, nó quan sát lại tất cả các cảnh trong mộng, và thêm một cái ta nữa nằm ở trên gối. Vậy cái ta nào mới là mình? Quán kỹ chiêm bao như vậy, tỉnh được chỗ này là vượt qua sanh tử, là tỏ ngộ lẽ thật của chính mình qua nhiều kiếp mê lầm! Mà thấu được chỗ này tức là tỉnh giấc chiêm bao! Bây giờ tất cả quán kỹ lại xem hằng ngày mình đang sống đây có giống như vậy hay không? Hằng ngày sống ở đây, chúng ta sinh hoạt tới lui, cười vui tranh giành đủ thứ v.v… rồi cũng có cái ta biết nhìn lại những cái ta buồn vui, giận ghét đó. Quý Phật tử ngồi thiền lâu, khi tâm yên yên chút thì có thấy mình đi về quê hay đi chợ không? Có cái ta đang đi về quê, đang đi chợ hay là đi đây đi đó, điều đó là rõ ràng rồi. Rồi cũng có cái ta thấy lại cái ta đang đi chợ, đi đâ đi đó. Vậy có giống như giấc chiêm bao không? Cũng có cái ta đang ngồi thiền trên bồ đoàn, một cái ta thì đang đi về quê, rồi một cái ta nữa thấy lại mấy cái ta đó. Quán thấu vậy thì mới thấy là mình sống mất mình, chư Tổ bảo chúng sanh sống mất mình là như vậy. Luôn sống với cái bóng, với cái ta giả tạo, cái ta thay đổi sanh diệt cho nên quên mất chính mình! Đa số thì chỉ nhớ chỉ biết có cái ta đi đây đi đó, chứ đâu có nhớ cái ta thấy lại hết những cái đó. Mà cái ta đi đây đi đó thì luôn luôn thay đổi: có lúc nó đi về quê, có lúc thì đi chơ, cũng có lúc đi chùa v.v… Còn cái ta mà thấy lại những cái đó thì đâu có đi đâu, nhưng ít ai nhớ tới nó mà luôn nhớ những cái đi đây đi kia v.v… thành ra sống mất mình giống như những cái bóng!

 

Do vậy, trong một lần thượng đường Quốc sư Đức Thiều khai thị cho đại chúng:

 

“Phật pháp hiện thành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói tròn đồng thái hư, không thiếu không dư. Nếu như thế thì cái gì thiếu, cái gì dư? Cái gì phải, cái gì quấy? Ai là người hội, ai là người chẳng hội?”. Tức ai là người hiểu, ai là người chẳng hiểu?

 

“Ai là người mê, ai là người tỉnh?”. Tức mê là ai, tỉnh là ai?

 

“Do đó mà nói đi Đông cũng là Thượng tọa, đi Tây cũng là Thượng tọa, đi Nam cũng là Thượng tọa, đi Bắc cũng là Thượng tọa. Thượng tọa tại sao lại hội thành Đông Tây Nam Bắc? Nếu hội được như thế thì con đường thấy nghe bặt dứt, tất cả các pháp hiện tiền, ngay đó là giác ngộ giải thoát”.

 

Nghĩa là Thượng tọa thì chỉ là Thượng tọa thôi, tại sao lại thành có Thượng tọa đi Đông, rồi Thượng tọa đi Tây, Thượng tọa đi Nam, Thượng tọa đi Bắc? Sao lại có nhiều cái Thượng tọa như vậy? Quý Phật tử đây cũng vậy, mình thì chính là mình thôi, tại sao lại có cái mình đi Đông, đi Tây, rồi đi Nam, đi Bắc, đi tới đi lui v.v… nhiều như vậy? Vậy thì cái nào mới là chính mình? Kiểm lại mỗi ngày từ sáng đến tối xem, lúc thì có cái ta vui, lúc thì có cái ta buồn, lúc thì có cái ta giận, lúc thì có cái ta ghét, rồi lúc thì có cái ta đi lên, có cái ta đi xuống v.v… Tại sao một ngày mình lại thành ra nhiều cái ta như vậy? Quán kỹ như vậy để thấy được chỗ lầm mê của mình. Cuộc sống mê lầm là vậy, đó gọi là đang chiêm bao. Ngồi đây là một cái ta, mà chút nữa đi về là thêm một cái nữa, thì thành ra nhiều thứ quá! Rõ ràng là tất cả đang sống trong chiêm bao! Vậy thì, lấy chiêm bao làm pháp tu, một pháp quán cho mình, mà quán được như vậy thì đó là một bước giác ngộ lớn trong sự học Phật của mình. Cho nên, với người khéo thì những pháp thế gian rất tầm thường nhưng mình vẫn có thể chuyển thành Phật pháp được hết. Tâm mình sáng rồi thì nhìn đâu cũng sáng, thấy chiêm bao cũng vẫn sáng ngời. Như vậy, một giấc chiêm bao mà khéo biết tu thì nó giúp mình vượt thoát ra sanh tử chứ không phải là tầm thường. Bây giờ đây, biết chiêm bao, hiểu rõ rồi thì phải thực tập để quán mà tỉnh giấc thì đó là bước tiến của mình. Mà chiêm bao thì chỉ là cái tạm thời, không có bản chất thật của nó. Ở đây có quý Phật tử nào đem cái chiêm bao ra được không? Vậy thì đâu có cái gì là chiêm bao, nó không có bản chất thật, là cái tạm bợ không miên viễn. Thí dụ như đang chiêm bao thấy những cảnh vui sướng thích thú mà chợt có ai đó đánh thức dậy thì tiếc, thì giận, đang sung sướng quá mà! Rõ ràng đó là cái tạm thời, không phải là cái trường viễn cho nên có lúc mình tỉnh. Xét cho sâu, bản chất thật của chúng ta là là giác, là tỉnh chứ không phải là cái chiêm bao tạm bợ. Cũng như bây giờ đây, cái thường của mình là cái tỉnh chứ không phải cái nằm ngủ trong chiêm bao. Chiêm bao chỉ là cái tạm thời, cái tỉnh ở đây mới là cái thật. Mà đi sâu hơn nữa thì cái này vẫn còn là chiêm bao, còn bản chất thật của mình mới là cái giác cái tỉnh, phải nhớ kỹ điều đó. Kinh Pháp Hoa có dạy: “Bản hoài của chư Phật ra đời là nhằm khai thị cho tất cả chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”, thì ngay đó Phật đã ngầm chỉ cho mình cái gì rồi? Đó là tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật nhưng vì mê nên quên mất, do vậy Phật mới ra đời để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập trở lại. Như vậy, bản chất thật của mình rõ ràng là chân lý giác ngộ, là tri kiến Phật chứ không phải là cái chúng sanh chiêm bao này! Do vậy, Phật ra đời là để đánh thức chân lý giác ngộ nơi tất cả chúng sanh đều sẵn có. Cái gốc của chúng ta là tánh giác chứ không phải cái mê này, nó chỉ là cái tạm thời.

 

Có câu chuyện tỉnh mộng của một hoàng tử. Thời xưa, trong hoàng cung nọ thỉnh một vị A-la-hán thuyết pháp, vị hoàng tử ở đó khi nghe pháp thì chủng tử Bồ-đề của mình gợi lại nên hoàng tử bèn xin vua cha cho xuất gia tu hành. Vua cha và hoàng hậu hiểu đạo nên cho hoàng tử xuất gia. Vị này theo vị A-la-hán kia một thời gian thử thách rồi được xuất gia làm Tăng. Vị Tăng trẻ theo thầy mình du hóa từ nơi này đến nơi khác. Lần nọ, cả hai thầy trò đi dần một xứ láng giềng. Một buổi sáng, vị sư trẻ này đi khất thực một mình thì gặp một nhóm cung nữ trẻ đang vui đùa ở trong sân. Khi vị này đến, nhóm cung nữ này thấy dễ mến nên mời lại để cúng dường. Theo như pháp, vị này nhận của cúng dường bèn một thuyết thời pháp về đạo lý vô thường cho nhóm cung nữ này bớt ham vui ngũ dục. Khi đó có người thấy chuyện như vậy thì đến báo ông vua xứ này nghe. Nghe báo cáo xong, ông vua khởi tâm tức giận nên đến đó và ra lệnh:

 

- Tu sĩ mà lại quây quần bên nhóm phụ nữ như vậy thì hư rồi, đánh hai chục hèo cho nó tỉnh ngộ!

 

Lệnh vua vừa ban liền được thi hành, Tỳ-kheo bị đánh máu me đầm đìa! Vị này tu chưa bao lâu nên tâm sân hận liền khởi, bèn nhớ lại thân thế của mình: ‘Ta cũng là hoàng tử. Nếu ở triều đình thì cũng lên làm vua, há ta lại chịu thua ông vua này sao? Bây giờ ta phải hoàn tục, về cung lên làm vua đem quân qua san bằng nước này để trả hận mới được!’. Nghĩ như vậy, sau đó vị này bèn về gặp thầy xin trả lại y thôi tu hành. Ông thầy là vị A-la-hán đã chứng đạo biết vậy bèn đọc bài kệ khuyên nhủ:

 

                Vui mừng hay đau khổ,
                Mất mát hay thành công,
                Tủi nhục hay vinh quang.
                Hãy nhận lấy tất cả
                Với tấm lòng bình thản.
                Không có ý tham cầu,
                Cũng không tâm ghét bỏ.
                Đó con đường thoát khỏi
                Vương quốc của ảo giác.

 

Tức là bình thản trước mọi vui buồn đau khổ, mất mát hay thành công, tủi nhục hay vinh quang; mà cũng không tham cầu hay ghét bỏ thì đó là con đường vượt lên khỏi ảo giác mê lầm. Tuy vậy, vị tu sĩ trẻ này nghe thì nghe nhưng cũng chỉ phớt qua tai không vào nổi. Bây giờ đang hận, phải trở về trả cái hận này, quyết định như vậy rồi. Ông thầy thấy vậy bèn nói:

 

- Con quyết định như vậy thì thôi. Nhưng bây giờ trời cũng tối, hãy nghỉ lại rồi sáng mai hãy đi.

 

Vị này nghe vậy bèn nghe lời thầy nán lại một đêm. Ông thầy là vị A-la-hán đắc đạo nên đêm đó dùng năng lực trí tuệ chuyển cho vị Tăng trẻ một giấc mơ. Vị này bèn mộng thấy mình về quê gặp phụ hoàng và mẫu hậu. Sau đó, được đưa lên ngôi vua đúng như ý nguyện, vị này bèn kéo binh tướng đi để trả thù. Nhưng thật không ngờ, kết quả là bị thất trận, vua trẻ bị bắt cầm tù. Lúc sắp bị xử trảm, đám đông hò reo vang dội thì vị này chợt thấy bóng dáng thầy mình hiện ra. Vị vua trẻ mừng quá liền kêu cứu: “Bạch thầy, bạch thầy! Xin hãy cứu con, xin thầy tha lỗi cho con!”. Ngay lúc đó, Tỳ-kheo trẻ liền tỉnh giấc thì thấy ông thầy đang ngồi bên cạnh mình. Hóa ra đó là một giấc mơ! Vị thầy phương tiện khéo như vậy để cảnh tỉnh đệ tử. Tỳ-kheo trẻ khi ấy mồ hôi còn ướt đẫm cả mình, vị thầy bèn an ủi:

 

- Con đừng sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ. Còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn.

 

Tức là ông thầy nhắc nhở: “Tất cả những hình ảnh gì xuất hiện trong đời con đều chỉ là một giấc mơ, còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn”, ai tin được cái này là hay. Cuộc đời của mình từ lúc bất giác vào sanh tử luân hồi cho đến ngay nơi hiện tại đây, từ lúc mở mắt khóc oa oa cho tới suốt cả cuộc đời thì cũng chỉ là một giấc mơ! Dù cho vui buồn v.v… gì đi nữa thì cũng là một giấc mơ, “còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn” không mất mát thiếu thốn gì hết. Ai thấy được cái đó là giải thoát liền! Cuộc đời của mình: buồn vui, giận ghét, hơn thua v.v… đó là giấc mơ chứ gì đâu. Còn chính mình, bản chất thật của chính mình là tự tánh thì xưa nay vẫn bất sanh bất diệt, nó vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ là giấc mơ thì đâu dính gì tới tự tánh, thấy chỗ đó thì giải thoát liền.

 

Khi ông thầy nhắc nhở như vậy, vị tu sĩ trẻ liền tỉnh ngộ. Lòng thù hận liền tan biến, Tỳ-kheo trẻ bèn cúi đầu lễ tạ thầy mình và tiếp tục trên con đường giải thoát. Bỏ được cái mộng về quê trả thù thì nhẹ nhàng, quý vị quán thấm được chỗ đó thì cuộc đời mình sẽ rất vui sướng. Cho nên, đây mọi người phải quán kỹ mà tỉnh giấc chiêm bao của mình. Cuộc sanh tử luân hồi của tất cả chúng ta đây cũng y hệt vậy không gì khác hết. Từ một niệm bất giác ban đầu đi vào trong sanh tử dài dài tới bây giờ, có khi đi lên có khi đi xuống đủ thứ. Một vòng trong lục đạo luân hồi đó chắc là mình đi đủ hết, không thiếu gì đâu! Nếu mình mở được con mắt Phật nhìn thấy dòng sanh tử đó thì chắc là cũng ghê sợ lắm! Mà sanh tử chừng bao nhiêu lần như vậy mà tại sao bây giờ mình cũng vẫn còn ngồi ở đây? Đó tức là nó vẫn còn nguyên vẹn, chỉ vì mê nên thành ra giấc chiêm bao chứ không gì hết. Nếu tự tánh không còn nguyên vẹn thì chắc là nó cũng thành tro thành bụi hết chứ mình không còn ngồi tới bây giờ đâu! Quán kỹ như vậy thì đó đúng là một giấc chiêm bao chứ không gì hết. Mê tự tánh của mình nên đi vào sanh tử luân hồi, mơ một giấc chiêm bao dài nhưng khi giác ngộ rồi thì liền tỉnh ra: “Đúng là tự tánh chính mình xưa nay vẫn còn nguyên vẹn từ thuở nào. Nó chưa từng nhiễm ô, chưa từng sanh tử bao giờ!”. Như vậy, suốt cuộc hành trình sanh tử luân hồi từ vô thủy kiếp đến bây giờ thì cũng chỉ là một giấc chiêm bao mà thôi! Đúng như ông thầy ở đây nói: “Tất cả mọi hình ảnh xuất hiện trong đời con đừng sợ, nó chỉ là một giấc chiêm bao. Còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn”. Còn Lục Tổ thì thốt lên:

 

                        Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh!
                        Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt!
                        Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ!
                        Đâu ngờ tự tánh vốn không lay động!

Đúng là không ngờ! Cứ tưởng mình bị thứ này thứ kia, bây giờ đại ngộ rồi thì mới thấy nó vẫn còn nguyên vẹn như thưở nào! Chúng ta đây cũng vậy, cứ tưởng rằng mình là những thứ chúng sanh, những thứ phiền não vô minh này nhưng khi tỉnh ra, giác ngộ rồi thì mới thấy tự tánh xưa nay của mình vốn là thanh tịnh, là nguyên vẹn suốt qua tất cả. Trong Bảo Cảnh Tam Muội có câu: “Pháp ấy như vậy, Phật Tổ thầm trao. Nay ông được đó nên khéo giữ gìn”, tức là pháp đó không có thêm bớt, nó như vậy thôi. “Phật Tổ thầm trao”, tức là thầm trao cái đó, ông nhận được thì khéo mà giữ gìn cái đó. Đó mới là cái chỗ cần giữ gìn, còn cái chúng sanh này không phải là cái để cho mình giữ gìn. Mà bây giờ thì ngược lại, mọi người cứ lo giữ gìn cái chúng sanh này mà không lo giữ gìn cái đó nên đó gọi là điên đảo. Cái đáng giữ gìn thì không lo giữ gìn, còn cái không đáng giữ gìn mà lại cố giữ gìn! Mà vì cố giữ gìn cái không được nên thành ra khổ, muốn giữ hoài mà nó thì không như ý mình nên tới lúc chết thì càng khổ! Còn ngược lại, cái đáng giữ thì lại không lo giữ, đó là chỗ mà mình phải tỉnh giấc chiêm bao. Trong Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác nhắc:

 

                    Vô minh thực tánh tức Phật tánh.
                    Huyễn hóa không thân tức pháp thân.
                    Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật.
 

 

Tức là tánh thực của vô minh tức là Phật tánh, còn thân rỗng không của cái huyễn hóa này tức là pháp thân, còn tự tánh sẵn nguyên vốn là thiên chân Phật (Phật sẵn có nơi tự tánh của mình). Đây Thiền sư Huyền Giác xác định rõ nguồn gốc của tất cả chúng ta là thiên chân Phật. Phật vốn sẵn có ngay trong tự tánh này, không do tạo tác, không có ai làm ra nó. Cho nên, vô minh này chỉ là cái tạm bợ còn tánh thật của mình là Phật tánh, cũng như thân rỗng suốt của cái huyễn hóa này chính là pháp thân, nó ở ngay trong đây! Bản tánh thật của mình là cái đó chứ không phải là cái thân huyễn hóa này, đó là để cho mọi người thức tỉnh trở lại: “Mình vẫn còn nguyên vẹn, chứ đâu có mất thiên chân Phật!”. Mà tỉnh ra chỗ đó thì gọi là tỉnh giấc chiêm bao, cái này khi mê nó cũng không bớt mà khi ngộ thì nó cũng không thêm. Cho nên, Lục Tổ khi tỏ ngộ ra thì mới thật sự: “Đâu ngờ!” là như vậy. Thiền sư Trí Thông khi tham thiền thì nửa đêm chợt đại ngộ, Ngài bèn la lên: “Tôi ngộ rồi! Tôi ngộ rồi!”. Sáng hôm sau, Hòa thượng mới kêu lại hỏi:

 

- Hồi hôm ông nói ngộ là ngộ cái gì, ông hãy nói xem?

 

Thiền sư Trí Thông bèn đáp:

 

- Sư cô là người nữ!

 

Ngộ ra sư cô là người nữ chứ không gì hết. Ngộ chỉ vậy thôi, còn người bình thường thì tưởng đâu ngộ là cái gì ghê gớm lắm, tưởng tượng đủ thứ hết! Còn ở đây, khi tỉnh ngộ ra thì đâu ngờ nó vẫn như vậy. “Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn là thanh tịnh”, nó nguyên vẹn như vậy chứ có thêm bớt gì đâu, lẽ thật xưa nay là như vậy. Do vậy, mình khéo tỉnh mà buông cái mê này thì bớt khổ. Cũng như chuyện Phá Táo Đọa, ông thần táo mê lầm nên bám cái bếp làm thân của mình rồi bắt người ta phải giết hại gà, vịt, dê, heo v.v… để cúng tế. Hòa thượng Phá Táo Đọa thấy vậy thì thương xót nên đến đó để thức tỉnh, Ngài lấy cây gậy gõ vào bếp hai ba cái rồi nói:

 

- Cái này là ngói gạch hợp thành, thánh từ đâu lại, linh từ đâu đến mà ngươi đòi giết hại nhiều sinh mạng như vậy?

 

Nói xong, Ngài gõ thêm hai ba cái nữa thì cái bếp bỗng đổ xuống. Sau đó, Ngài bèn ra khỏi miếu. Đi được một đoạn thì có một thanh niên mặc áo mão giống như vị quan đứng lễ ở trước, Ngài bèn hỏi:

 

- Ông là ai vậy?

 

Vị đó thưa:

 

- Con là thần táo ở trong cái miếu này. Vừa rồi, được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh, con được giải thoát sanh lên cõi Trời cho nên con đến để lễ tạ Hòa thượng.

 

Ngài bảo:

 

- Đó là tánh bản hữu của ông, ta không có thêm bớt gì ở trong đó.

 

Khi thần táo đi rồi, thị giả bèn thưa:

 

- Con theo Hòa thượng lâu nay mà không được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh như thế nào, còn ông thần táo hôm nay được nghe pháp vô sanh gì mà mau được giải thoát như vậy?

 

Ngài bảo:

 

- Ta không có nói gì lạ, ta chỉ nói: “Đây là ngói gạch hợp thành, thánh từ đâu lại, linh từ đâu đến?” mà thôi.

 

Chỗ khai thị đó giống y như mình, thức tỉnh là thức tỉnh chỗ đó. Lâu nay, ông thần táo do mê lầm nên nhận cái bếp đó làm mình, bị nó cột trói nên không thể giải thoát được. Ai đụng đến cái bếp đó thì bị bẻ cổ vặn họng. Ông Hòa thượng này còn lấy gậy gõ gõ trên đó, nếu lúc đó ông thần táo mà nổi giận lên: “Gõ đó là gõ trên đầu tôi!” thì càng đọa sâu nữa. Nhưng ngay đó thì ông tỉnh ngộ liền bởi vì Hòa thượng khai thị: “Cái này là ngói gạch hợp thành còn ông là thần tức là linh là thánh chứ không phải cái ngói gạch vô tri này! Ngài gõ đó là gõ mấy cái cục gạch chứ đâu phải gõ đầu ông, thì ngay đó ông tỉnh ngộ mới buông cái bếp. Đây cũng vậy, mình khéo tỉnh thì ngay đó cũng tỉnh giấc chiêm bao. Lâu nay cũng chỉ vì chiêm bao nên mới bám vào thân này, mới cho nó là mình! Ai mà gõ gõ tới cái này, gõ gõ trên đầu trên cổ tôi thì phiền não chứ gì nữa! Phiền não nên tạo nghiệp, thì mới đi trong sanh tử luân hồi. Chứ nếu khéo khéo như ông thần táo, gõ gõ cái này là gõ da thịt, gõ gân xương v.v… chứ không phải gõ tôi, buông nó xuống thì giải thoát, thì tỉnh giấc chiêm bao đơn giản thôi. Mà tỉnh ra rồi nhìn lại thì cái thân này đúng là mấy thứ vô tri. Da, thịt, gân, xương, tủy óc v.v… đều là mấy thứ vô tri, nó đâu biết phiền não gì! Chỉ do mình cố bám vào đó nên mới sanh phiền não, cho nên tỉnh giấc chiêm bao thì giải thoát. Vua Trần Thái Tông, tuy làm vua nhưng vẫn cũng tham thiền và được tỉnh ngộ. Khi tỉnh giấc chiêm bao rồi, ông có làm bài nhắc nhở. Bài này mình đọc sẽ có sự thức tỉnh rất lớn. Hãy nhớ cái thân này dù thế nào đi nữa rồi cuối cùng cũng sẽ chết, cũng cứng đơ nằm đó mà thôi!

 

“Hồn phách tuy về cõi quỷ nhưng thi hài vẫn ở nhân gian”. Tức lúc chết, hồn phách đi về cõi quỷ (cõi âm) còn thi hài vẫn còn nằm ở nhân gian. Hồn phách thì đi ra rồi còn cái xác thì vẫn ở đây.

 

“Tóc, lông, răng, móng chưa kịp tiêu thì đàm dãi, máu me đều chảy trước”. Tức lúc đó thì tóc, lông v.v… của mình chưa tiêu kịp nhưng đàm dãi, máu me thì chảy trước.

 

“Rữa nát thì máu mủ chảy trào hôi hám ắt xông trời xông đất. Đen nám chẳng dám nhìn, đen bầm thật đáng tởm, chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết. Hoặc để trong nhà thì giòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường thì quạ ăn chó xé”. Cái thân này khi chết là như vậy. Khi chết rồi, thân thể bầm đen để đó, ai đi qua cũng thấy gớm! Nếu để nó nằm lâu ở trong nhà thì sanh giòi hôi thối, còn nếu ném nó ra đường thì quạ ăn chó xé! Như vậy, cái gì là mình ở trong đó? Thân này chết rồi thì thành ra cái xác thúi chứ có gì đâu! Vậy thì cái gì là ta mà hơn thua tranh giành trong đó? Ở đây, mình thấy rằng ông vua mà còn ngộ, còn tỉnh giấc mộng được như vậy thì mới thấy rằng đúng là mình quá mê chấp vào cái thân này. Nó có nghĩa lý gì đâu! Trong Tạng Thư Sống Chết có kể câu chuyện về một phụ nữ chết giả. Khi hồi tỉnh, phụ nữ này kể lại kinh nghiệm thoát xác của mình:

 

- Lúc đó, tôi đang ngồi tuốt ở trên cao. Khi nhìn lại thì tôi thấy chính tôi đang co giật, mẹ tôi và đứa tớ gái thì hoảng hốt la lớn tưởng đâu tôi đã chết rồi! Tôi rất thương hại cho họ, một nỗi buồn vô tận nhưng tôi cảm thấy mình tự do ở trên cao ấy.

 

Tức là không lý gì lại đau khổ vì không còn mắc kẹt trên thân này nữa, rất là thoải mái. “Khi nhìn lại thì tôi thấy chính tôi đang co giật, mẹ tôi và đứa tớ gái thì hoảng hốt …”, vậy lúc đó cái gì là mình? Cái thân này thì đang co giật, còn mình thì thấy cái thân. Lúc đó, mà có ai đến gõ tới gõ lui, đánh đập cái thân này thì cũng đâu dính dáng gì mình! Nhưng vì bám vào nó, điên đảo chấp nó là mình cho nên ai đó gõ gõ vào nó là có chuyện. Do vậy, nếu khi ra khỏi xác thân này rồi nhìn lại thì mới thấy đúng là lâu nay mình mê lầm! Cô này mà có tu thiền chút nữa thì ngay đó tỉnh ngộ là hay biết mấy! Thấy cái thân đang co co giật giật, bà mẹ và đứa tớ gái đứng la hét hoảng hốt, mình ở trên nhìn xuống tự do thoải mái vì không còn mắc kẹt nơi thân nữa, mà lúc đó tỉnh lại cái gì là mình? Thì ngay đó là giải thoát liền, nhưng đây cũng không tỉnh nên rồi cũng phải sanh tử luân hồi nữa để kiếm cái thân khác mà bám, mà cột vào nó. Chứ lúc đó mà tỉnh lại thì hạnh phúc quá rồi! Đó là để cho mình thấy rõ những cái mê, cái lầm của mình. Ngay ở đây, ai quán kỹ được như vậy thì rất hay! Luôn nhớ, luôn quán kỹ điều này sẽ rất có lợi ích cho cuộc đời của mình. Khi thân này sắp chết, quán kỹ quán sâu như vậy, luôn nhớ nó chỉ như giấc chiêm bao thì rất hay, thì đâu có sợ chết. Hòa thượng Tôn Sư có bài kệ Mộng:

 

                        Gá thân mộng
                        Dạo cảnh mộng.

 

Đây tức là suốt cuộc đời, khi bắt đầu sanh ra là “gá vào thân mộng này”, mà đi một vòng sáu bảy chục năm là “dạo cảnh mộng”. Nhưng khi chết thì:

 

                    Mộng tan rồi,
                    Cười vỡ mộng.

 

Lúc đó, “tan giấc mộng rồi” cũng giống như cái cô này chết giả vậy. Mà tỉnh lại thì thấy cái thân đang co co giật giật đó không phải là mình! Mình đang nhìn nó đây mà, thì lúc đó là “cười vỡ mộng”. Mà cô này thì chưa tỉnh, nếu tỉnh thì rất là hay! Mình mà cũng giống như ông thần táo, ngay đó buông nó đi thì liền giải thoát! Như vậy, bao nhiêu đó đủ cho mình tu rồi. Mọi người phải nhớ: “Suốt cuộc đời mình từ lúc sanh ra khoác oa oa cho tới lúc tắt thở chỉ là hai giấc chiêm bao chứ không có gì khác!”, luôn luôn nhớ như vậy.

 

Tóm kết lại, tất cả chúng ta đây đang sống trong chiêm bao: một giấc chiêm bao ban đêm và một giấc chiêm bao ban ngày. Tất cả ngồi đây đang ở đâu? Chiêm bao mà có biết mình đang chiêm bao hay không? Chiêm bao mà biết mình đang chiêm bao thì hay quá! Như vậy, đúng là tất cả đang ngồi trong chiêm bao, ban ngày mở mắt mà chiêm bao! Bây giờ đây có ai chịu tỉnh chưa? Đang nằm chiêm bao mà có ai đó tới đánh thức mình thì sao? Bây giờ đây cũng vậy, đang được đánh thức mà không chịu tỉnh nữa thì sao? Thì thôi, không biết nói sao nữa! Vua Trần Thái Tông có làm bài văn khuyên người phát tâm Bồ-đề là để tỉnh giấc chiêm bao đó. Mình mới thấy, đang làm vua với bao nhiêu công việc triều đình như vậy mà ông cũng còn tu, cũng tham thiền được ngộ đạo mà cũng còn có những lời rất đạo lý nhắc nhở cho người. Thật là đáng kính nể! Còn ở đây, có vị nào công việc nhiều hơn vua không? Vậy mà cũng có người đổ thừa tu không được vì “Bữa nay bận cái này, mốt bận việc cái khác v.v…”, bận nhiều quá! Mình có nhiều lắm chỉ là việc một nhà hay hai nhà, còn ông vua thì có biết bao nhiêu là việc! Quán như vậy, nhớ như vậy để thúc đẩy mình bớt buông lung, có thời gian mà tu hành. Đây vua Trần Thái Tông nhắc nhở:

 

“Hoặc có kẻ vùi đầu trong ăn uống qua mất một đời”, tức là lo vùi đầu trong chuyện ăn uống để qua mất một đời. Thì đó là trong chiêm bao, hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn không thức tỉnh nên cũng không tỉnh giấc chiêm bao được.

 

“Đâu biết tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ”. Mọi người đều có tánh giác Bồ-đề không ai thiếu, cũng như là căn lành Bát-nhã ai ai cũng đều có đủ.

 

“Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân đại gia xuất gia, chẳng thuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được bản tâm”. Đại ẩn tiểu ẩn tức là ẩn trên núi hay ở tại thế gian hoặc là người tại gia hay xuất gia. Tức là không phân biệt tại gia xuất gia, hoặc ở trên núi non thành thị v.v… ai cũng đều có cái đó, cốt làm sao khéo nhận được bản tâm là xong! Thì đó là tỉnh giấc chiêm bao. Một bài kệ khác, vua Trần Thái Tông cũng nhắc nhở mọi người tỉnh ngay trong sắc thân này:

 

                        Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
                        Hồng hồng trắng trắng chớ lầm nhau.
                        Ai hay mây cuộn trời trong vắt,
                        Ven trời sương biếc núi một màu.

 

“Vô vị chân nhân thịt đỏ au”, tức là mỗi người đều có một con người chân thật không có địa vị, không có ngôi thứ. Cũng không có sang hay hèn, cao quý hay thấp kém gì mà con người này ở ngay trong cái cục thịt đỏ au này, trong xác thân này đây! Đó là cái khéo của mỗi người.

 

Mà “Hồng hồng trắng trắng chớ lầm nhau”, tức là chớ lầm con người chân thật đó với cái “hồng hồng trắng trắng” này. “Hồng hồng” là máu me đỏ đỏ, “trắng trắng” là da thịt, chớ lầm cái này, khéo như vậy mà tỉnh dậy, tan giấc vô minh thì:

 

“Ai hay mây cuộn trời trong vắt”, tan được đám mây vô minh đó, bầu trời trong vắt thì liền thấy rõ:

 

“Ven trời sương biếc núi một màu”, lúc đó thì bầu trời sương núi liền một màu xanh hết phân biệt trên dưới đây kia. Tất cả đồng “một màu”, tức là trước mắt hiện tiền một thể sáng suốt không phân biệt đây kia. Như vậy, vua Trần Thái Tông cũng nhắc mọi người: “Ai trong cục thịt đỏ au này?”. Tỉnh giấc chiêm bao này thì mới nhận ra con người chân thật, đó mới là bản chất thật của mình. Hãy nhớ, cái thật của mình không phải là cái chúng sanh chiêm bao này, xác định như vậy. Bây giờ thì tất cả đã tỉnh giấc chiêm bao chưa? Từ nãy giờ đã đánh thức rất lâu rồi mà chưa chịu tỉnh nữa thì không biết phải nói thế nào? Đó là lẽ thật, mỗi vị nghe nhận hiểu để luôn quán chiếu khéo làm sao mà tỉnh giấc chiêm bao. Xác định cho rõ:

 

Thứ nhất là, bản chất thật của mình không phải cái chúng sanh chiêm bao này mà là cái tánh giác sáng suốt.

 

Thứ hai là, suốt cuộc đời mình từ sanh tới tử cũng chỉ là hai giấc chiêm bao chứ không gì khác.

 

Luôn luôn nhớ như vậy thì tâm cởi mở rất nhiều. Lâu lâu có buồn vui, phiền não v.v… gì đó thì nhớ cũng là trong giấc chiêm bao thôi. Tối thì nhắm mắt chiêm bao, sáng cũng mở mắt chiêm bao. Mà bây giờ học đạo thì mình cần phải mở thêm mắt thứ ba nữa mà tỉnh giấc chiêm bao. Như vậy thì mới xứng đáng là người học đạo. Mong sao cho tất cả ở đây, mỗi vị đều tỉnh giấc chiêm bao để luôn sống trong ánh sáng tỉnh thức, cùng gặp nhau trong ánh sáng Phật mà vươn lên khỏi cái mê lầm, cái chúng sanh chiêm bao này thì đó mới là con đường đi của mình.

 

[ Quay lại ]