headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHÁ THAM CHẤP ĐỂ TU

Trong công phu tu hành hằng ngày dĩ nhiên chúng ta vấp phải những trở lực, điều quan trọng là ta có khắc phục được nó để tu tiến hay không? Do đó Phật tử cũng cần phải hiểu qua những trở lực này để chuẩn bị cho mình một thái độ tu tập thật đúng đắn.

Để động viên Phật tử, chúng tôi thường nói việc tu hành không khó khăn lắm đâu. Song thiết nghĩ, nếu chỉ nhận được mặt dễ, đến khi gặp khó khăn quí vị không giữ được công phu, như vậy việc tu hành sẽ không viên mãn. Do đó chúng tôi nêu lên những khó khăn để Phật tử nắm rõ và có sự chuẩn bị.

Như quý vị biết, có những khó khăn trong lòng mình, ta chưa đủ sức khắc phục, chưa đủ lực phấn đấu vượt qua. Nó chính là những trở ngại lớn trên bước đường tu tập của chúng ta. Hành giả phát tâm tu hành rất cần ở phần phấn đấu bên trong. Vì vậy nên việc học tập để rút tỉa kinh nghiệm từ các bạn đồng tu rất cần thiết. Có rút tỉa kinh nghiệm, chúng ta mới kiện toàn những gì cần thiết trong công phu tu hành của mình. Khắc phục được những trở lực, những chướng ngại, làm chủ được mình và an toàn trong công phu là yếu thuật mà một người học Phật cần phải nắm vững. Chúng ta cũng biết không một việc làm nào không gặp khó khăn. Và một việc làm thành công nếu không có những khó khăn, thì sự thành công ấy chưa có giá trị bao nhiêu. Thành công ấy nói như người đời chỉ là sự may mắn mà thôi. 

Người con Phật có trí tuệ sáng suốt thì tự biết nghiệp lực của mình do chính mình gây tạo trong nhiều đời kiếp. Bây giờ gặp quả báo không tốt, ta không đổ thừa trách nhiệm đó cho ai. Cho nên các chướng duyên mắc phải trên đường tu, nói cho cùng cũng từ nơi mình mà ra thôi. Ta chấp nhận, vui vẻ trả, như vậy là đã vượt qua được chướng duyên rồi. Và một điều chắc chắn nữa là hễ trả thì hết. Chịu trả, cố gắng trả và trả hết những nợ nần đó rồi thì sẽ hết nợ. Đó là điều hiển nhiên.

Những khó khăn cơ bản đối với người tu chúng ta là ngũ dục, tức tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người tu muốn chiến thắng được nó đòi hỏi phải có một tĩnh lực nội tại thâm hậu. Âm thanh là cái gì? Sắc tướng bên ngoài là cái gì? Cảm xúc là cái gì? Chẳng qua chúng chỉ là những hiện tượng hư giả mà thôi. Nhưng thật tình đối với những bóng dáng hư giả giống hồn ma bóng quế này, nếu chúng ta không tỉnh thì sẽ bị nó đeo đuổi, dính chặt như nhựa, gỡ ra không phải dễ. Có khi suốt đời chúng ta cứ loay hoay, sống trong cái chạy đua, đòi bởi của chúng nên cuối cùng chuốc lấy quả khổ. Ở đây vấn đề là làm sao chúng ta phá tan sự tham muốn đối với ngũ trần. Phá tan được những thứ này thì việc tu hành mới giữ vững, mới thanh tịnh và thảnh thơi.

Phật dạy ngũ trần đều là huyễn hóa, tất cả những thứ đó không thật, là những bóng giả, những vọng động từ tâm niệm không tự chủ được của chúng ta. Nó tầm thường, bâng quơ như vậy đó, nhưng muốn dẹp nó phải dùng một trí lực mạnh mẽ mới được. Nếu ta không phá tan được những bóng mờ âm thanh, hoặc những hình ảnh trước mắt thì lòng mình cứ điên đảo, cứ dấy niệm lăng xăng ngược xuôi theo những bóng mờ ấy hoài. Đã như vậy thì làm sao thanh tịnh được! Có khi hình thức bên ngoài chúng ta tươi tỉnh nhưng trong lòng không thanh tịnh, lúc nào cũng có cái gì bất an. Những thứ này dù cho chúng ta có đối diện với đức Phật, đối diện với các bậc Thầy, các thiện hữu tri thức… cũng không bao giờ dám khai thật ra. Cứ ấm ức ôm giữ trong lòng, không biết nói với ai? Nếu không thấy được tận căn để của nó là đồ bỏ thì khó đập tan lắm. Cho nên đòi hỏi ta phải có nội lực, tỉnh táo, kiên quyết mới trị được những thứ “tầm thường” kia.

Thành ra nói trị ở đây không phải dùng hình thức bên ngoài mà trị được. Không phải vật một trăm cân, muốn đập tan nó mình phải có vật nặng hơn gấp đôi mới đập được. Không phải hình thức như vậy, nó vô hình nhưng sức đeo đuổi, len lỏi dây dưa theo mình rất khắn khít. Người tu mà còn những thứ này thì nhất định không tiến đạo được. Bây giờ muốn bỏ nó phải làm sao? Phật dạy người tu phải là người có kiếm trí tuệ, chặt một cái đứt làm hai đoạn, vứt hết ra bên ngoài. Có thế mới vững tiến vững tu, vững niềm tin trên con đường đạo.

Chúng ta biết rằng con đường tu hành phải trải qua nhiều kiếp số. Nếu trong đời này ta chưa nhận được nguồn gốc, chưa thấy đến nơi đến chốn thì sẽ tiếp tục những bước dài lang thang, trải dài nhiều kiếp số nữa. Do vậy nên có rất nhiều người tu một giai đoạn siêng năng tột bực, nhưng sau đó họ lại bỏ cuộc quay về con đường thoái hóa. Phật gọi đó là những chiến sĩ bại trận, giữa đường bỏ hàng ngũ. Chúng ta nên tránh những tình trạng tệ xấu ấy, hãy cố gắng làm một chiến sĩ không biết khuất phục trước quân thù. Có như vậy mới xông pha chiến trận và mang chiến thắng trở về. Thà là bước thật chậm, nhưng bước nào vững bước ấy, một bước là gần đến nhà một bước. Nhất định như vậy.

Với cái tinh thần tu thiền, thiền sinh làm sao phát huy được trí tuệ của mình, tất nhiên tất cả những bóng mờ ấy đều bị quét sạch. Giống như mặt trời lên thì tất cả những tăm tối đều dứt hết. Ở đây, điểm thứ nhất tôi muốn nói chúng ta phải phá tan được những sự ham muốn, tức là những cái dục. Dục nói theo nghĩa rộng là những dấy niệm đối với các duyên trần, chớ không phải chỉ sự ham muốn nơi sắc dục mà thôi. Chúng ta phải làm chủ, con mắt lúc nào cũng sáng, xem thấy rõ, nhìn tường tận coi những dấy niệm ấy là gì? Khi thấy rõ ràng như vậy chúng ta sẽ không bị nó lừa nữa. Cho nên điều kiện tối cần, nhất định chúng ta không thể lờ mờ, dây dưa, không thể không có thanh kiếm trí tuệ thật bén chặt đứt được chúng. Thành ra nói đập tan, nói cắt đứt, nói một đường gươm v.v… đều chỉ cho cái tỉnh sáng quyết liệt, không thoái bước của người tu thiền.

Điểm thứ hai, chúng tôi muốn nói phải phá tan được những dấy niệm trong lòng thuộc về giận hờn, thù oán v.v… Chúng sanh luôn luôn bị hai cái gọng kềm thương và ghét kẹp cổ lôi đi. Đối tượng nào ta thấy vừa lòng thích ý thì có niệm thương. Cái thương cũng không làm cho mình yên nữa. Hiện nay có rất nhiều người khổ vì thương, phải không? Ví dụ quí vị lo lắng vì thương con, hết con tới cháu, hết cháu tới chắt… thương hoài. Thương hoài ngàn năm! Nếu ai vương vào cái thế này tức là bị loại vọng niệm thương nhận chìm. Nó kéo lôi mãi, làm sao sáng suốt, làm sao tĩnh tu được. Nhiều người bảo thương có tội, có hại gì đâu? Dĩ nhiên là trong cuộc sống này con người có những tình cảm thông, có sự thương yêu đùm bọc nhau. Nhưng trên phương diện tu thì đây quả thực là một loại phiền não làm chướng đạo.

Phật cũng có tình thương nhưng tình thương của đức Phật là từ bi. Trong tình thương này có đầy đủ trí tuệ. Nhờ thế đức Phật thương chúng sanh nhưng không khổ như chúng sanh. Nhờ ánh sáng trí tuệ chiếu soi nên tình thương là chất liệu của lòng từ vô ngã vị tha. Đức Phật thương hết thảy mọi loài, không phân biệt đẳng cấp, thương bình đẳng và trong sáng chớ không lương vương, mơ mơ tưởng tưởng như chúng ta. Thương như chúng ta là kiểu thương hại. Thương mà hại. Nó sẽ làm chướng đạo, làm mê mờ tánh giác của mình. Vì vậy điều mà người tu phải để tâm dè dặt, là đối với tất cả những dấy niệm cảm tình, về những thứ vừa lòng thích ý, lúc nào ta cũng phải tỉnh phải cảnh giác.

Tại sao phải tỉnh, phải cảnh giác? Bởi những thứ này nó làm phiền mình dữ lắm. Đem nó vào lòng rồi là rắc rối tới. Quả thực hậu quả của tất cả những cảm tình không có trí tuệ đều dẫn tới khổ đau dài dài. Thương rồi lo, thương rồi buồn, thương rồi khổ v.v… Có khi người ta tức giận lên vì thương, nhưng rồi thương thì cứ thương mà giận thì cứ giận. Quái gở thật! Với người tu, hiểu rõ con đường hiểm nguy khổ nạn như vậy, chúng ta phải biết dừng, biết thôi chứ.

Ngoài thương ra, còn cái không thương nữa. Không thương là sao? Đối diện với pháp trần, với sự việc, một con người nào đó mình thấùy bực ghét rồi là cái gì thuộc đối tượng đó mình cũng không ưa hết. Giống như anh chàng mất búa trong chuyện cổ tích. Khi đã mất búa rồi, anh nhìn thấy người qua kẻ lại trước nhà mình, ai cũng là kẻ ăn cắp cây búa của anh cả. Tại sao thế? Bởi vì chúng ta không có trí tuệ. Thương là những cảm tính, không thương cũng là cảm tính xuất phát từ vọng tưởng mà ra. Thực tình trên đời này có ai hoàn bị đâu? Hoàn bị lắm cũng chỉ được sáu bảy mươi phần trăm thôi.

Ngay cả như đức Phật, đương thời còn bị ngoại đạo chỉ trích, đâu phải lúc nào Ngài cũng được mọi người quý trọng khen ngợi đâu. Đọc kỹ trong kinh điển Nguyên thủy, chúng ta sẽ thấy hàng ngoại đạo luôn tìm cách moi móc nói xấu Cù Đàm thế này thế kia v.v… Đức Phật còn như vậy, hà huống là chúng ta! Biết thế chúng ta vững tâm tu hành, tất cả những hiện tượng trước mắt không có gì hoàn toàn cả. Các pháp vốn bất toàn, thân này vốn bất toàn, tâm niệm của mình cũng bất ổn bất toàn. Đã như vậy thì trong đời này có gì tuyệt đối? Thành ra làm sao mọi giận hờn, phiền não đều phải được chúng ta loại bỏ hết.

Người tu thì phải là người có trí tuệ. Giữ gìn tâm niệm của mình như mèo rình chuột. Quý vị cứ tưởng tượng khi con mèo nó rình chuột, đôi mắt nó lom lom, tay chân không nhúc nhích, cố tâm đeo đuổi đến khi nào đớp được con chuột mới thôi. Nhất định là như vậy. Nếu chúng ta tu mà nhìn từng dấy niệm của mình lom lom như con mèo vậy thì nhất định không có vọng tưởng nào dám xen vào đừng nói tới chuyện kéo lôi, nhận chìm hay dẫn dắt mình đi đâu cả. Những vọng tưởng thương, không thương đều biến mất hết, bởi vì nó không thật. Một khi có ánh sáng trí tuệ chiếu soi vào là nó lặng ngay. Có phá, có dẹp, có làm chủ được như vậy thì mình mới là người chiến thắng, mới là người tu vững vàng.

Điểm thứ ba là phải phá tan sự lười biếng. Muốn phá tan lười biếng thì phải siêng năng. Có siêng năng mới thấy được những cái dở, cái khuyết của mình. Siêng năng như thế nào? Siêng năng trong nhà đạo là theo dõi bám sát từng tâm niệm của mình, từng thói hư tật xấu để loại nó ra. Sự siêng năng quả thực phải từ trong lòng mình phát ra, không phải ai ban bố cho. Tự mình có công phu, siêng năng liên tục mới làm chủ được. Người tu không thể nào không có siêng năng. Phải siêng năng. Lúc nào cũng siêng năng, bởi càng siêng năng ta càng thấy rõ thói hư tật xấu của mình để loại bỏ nó đi. Có siêng năng mới làm chủ được chút chút, không còn ngược xuôi dong ruổi theo các trần cảnh như trước.

Trong công phu tu hành nếu chúng ta không siêng năng, kết quả sẽ không đi tới đâu hết. Giống như một học sinh, lơ mơ lan man đối với bài vở, học thì cứ học nhưng không ra làm sao hết thì đảm bảo cuối khóa sẽ thi rớt thôi. Người tu hơn ai hết, biết con đường Phật đạo dài lâu, trải dài kiếp số vô lượng, gặp nhiều chướng ngại khó khăn nên cần phải siêng năng tinh tấn vượt qua. Sự siêng năng thể hiện qua từng hành động, sinh hoạt nhỏ của mình. Ví dụ thường buổi tối 6h30 phút là giờ tụng kinh, bữa nay tới giờ tụng kinh mình còn vướng một chút việc, nên tự nói “Thôi kệ, mình giải quyết việc này chút nữa đi rồi mai sẽ tụng kinh”. Nhưng nếu hôm nay vướng một chút việc, mình phá vỡ thời khóa tu hành, thì ngày mai cũng sẽ vướng chút việc khác nữa, rồi lại tiếp tục mất công phu. Cứ thế ngày kia, ngày nọ, năm chầy tháng lụn, công việc lấp kín hết thời khóa công phu của chúng ta. Cho nên chỉ cần một phút dễ duôi ban đầu là ta tự đào hố chôn mình bởi những thói quen đó.

Dù đức Phật có sống lại đưa tay kéo ta lên mà mình cứ nặng nề bởi những vướng mắc thường tình thì Phật kéo mấy cũng không nổi. Ngài chỉ kéo được những người chịu tỉnh giác, siêng năng, giữ vững ý chí tu hành thôi. Đây là kinh nghiệm bản thân của chính chúng tôi. Cho nên khi nói đến sự lười biếng thì không người tu nào không ít nhiều biết đến kết quả tệ hại của nó. Song nhờ chúng ta còn có bạn, có thiện hữu tri thức, có Thầy và có những phương tiện thắng duyên để thực hiện công phu tiếp tục. Yêu cầu đòi hỏi nơi chúng ta là phải có sự khắc định. Người tu theo đạo Phật mà không khắc định, khắc tĩnh thì khó tiến đạo lắm. Định tĩnh để không bị lay chuyển, không dễ duôi xem thường thời khóa. Đừng có bữa nay như vầy ngày mai lại khác, việc tu cứ một nắng mười mưa thì sẽ không đi tới đâu hết.

Chúng ta tu hành mà không biết mình rõ ràng thì khó tiến được lắm. Có khi ta còn lầm nữa. Ví dụ bình thường mình ngồi thiền một tiếng đồng hồ, bữa nay ngồi tăng lên được nửa tiếng, ta thích quá cứ tưởng như vậy là sắp thành Phật rồi. Cho nên nói ra toàn nói chuyện trên trời, những chuyện minh tâm kiến tánh thành Phật, Bồ-tát hóa đạo gì gì đó… Nhưng xin thưa việc ấy chỉ lóe lên trong một lúc nào đó thôi, chứ chưa thi gan cùng tuế nguyệt được đâu. Nếu không thực hành kiên quyết liên tục thì sẽ ló đuôi phàm phu với bao nhiêu tập khí y như cũ thôi. Việc tu hành cần phải thực hành liên tục, không thể một ngày hai ngày là xong được, không thể bước tới một bước rồi lùi hai ba bước. Thành ra biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng. Chúng ta tu rồi biết các pháp là giả huyễn nên buông hết. Lâu ngày công phu nhuần nhuyễn thì không cần nói tới việc thành Phật ta cũng thành Phật như thường. Rõ ràng như vậy.

Điểm thứ tư là không phóng tâm. Do không phóng tâm chúng ta mới bình tĩnh, không xao lãng. Chỗ này hơi tế nhiệm một chút. Phóng tâm là gì? Là những dấy niệm dong ruổi. Ví dụ như ta ngồi đây, nghe động tịnh gì bên ngoài liền dấy niệm. Nghe âm thanh của một lời ca, tiếng nhạc gì đó, mình dấy niệm nhớ lại thành phố năm xưa tháng này có ai… Chính những dấy niệm này làm cho chúng ta không tu được. Cho nên phải làm sao tập trung được chủ lực để phá tan sự phóng tâm, tức phá tan những dấy niệm của mình. Đây cũng chính là pháp tu chủ yếu “biết vọng” do Hòa thượng Ân sư chỉ dạy Tăng Ni tại các Thiền viện.

Chúng ta không tập trung thì không sao làm chủ được những dấy niệm của mình. Đó là điều hiển nhiên thôi. Những dấy niệm tuy không là gì hết, nhưng nó sẽ dẫn mình đi không cùng tận, đi không biết đường về. Nó không là dây xiềng cột trói, cũng không là mây mưa vũ bão nhưng lại chướng ngăn bước tiến đạo của chúng ta ghê lắm. Nếu không dừng được cứ lao theo thì mình sẽ bị nó còng trói, lôi đi đời đời kiếp kiếp. Ghê gớm như vậy đó. Vì vậy người tu hơn ai hết, phải quyết tâm buông được, bỏ được những phóng tâm của mình. Muốn làm điều này, con đường hay nhất chính là thiền định.

Phật tử hiện nay đối đầu với trăm công ngàn việc, làm sao có được những phút giây yên tĩnh để thiền định? Điều này đòi hỏi quí vị phải khéo sắp xếp, khéo ứng dụng đạo lý Phật dạy vào sinh hoạt của mình. Dĩ nhiên Phật tử không có những điều kiện thuận lợi như người tu chúng tôi, nhưng nếu quyết tâm quí vị vẫn có thể tự sắp xếp thời khóa riêng cho mình. Tùy hoàn cảnh gia đình, tùy công việc mà quí vị cố gắng thực tập công phu miễn sao có niềm an lạc là tốt rồi. Nên nhớ nếu không có thiền định, không có sự định tĩnh, chúng ta không làm sao làm chủ được cái phóng tâm. Vì vậy quý vị phải có nguyên tắc, sắp xếp và ấn định cụ thể công việc hằng ngày của mình để không mất công phu.

Thưa quý vị, chúng ta có sống thêm một trăm năm hay một ngàn năm nữa cũng không thể nào giải quyết được hết mọi thế sự ở trần gian. Tỉnh biết như vậy, chúng ta phải khung lại, gói gọn lại giải quyết những việc trước mắt thôi. Ví dụ sáng nay mình đi chợ mua thức ăn về nấu nướng xong, đúng giờ dùng cơm. Chừng ấy việc thôi, đừng có thêm cái gì trong đó nữa. Chứ kiểu tính đi chợ Phước Thái mà ra gặp bạn rủ đi Thành phố liền xách giỏ đi tuốt là hỏng việc rồi, làm sao kịp bữa cơm trưa? Ai giải quyết, sắp xếp công việc như vậy sẽ không làm gì được hết. Rồi mắc mứu, rồi lang thang.

Việc tu hành cũng thế. Chủ trương của chúng ta là làm sao ngay trong đời này sáng được việc lớn, thấy lẽ thực của các pháp. Thấy được như vậy tức là thấy đạo, là kiến tánh. Như thấy thân này không thật mình mới bỏ tất cả những gì không thật. Cho nên cái thấy trí tuệ ấy rất cần cho chúng ta. Mà muốn phát huy trí tuệ ấy chúng ta phải gói gọn công việc lại, ấn định giờ giấc và tinh thần tu hành cho rõ ràng, dứt khoát.

Như Tăng Ni chúng tôi ở Thiền viện dưới sự hướng dẫn chỉ dạy tu thiền của Hòa thượng Viện trưởng, thì nhất định chúng tôi không thể đem một pháp nào khác vào đây thực hiện được cả. Không nên nói pháp này của Phật dạy, pháp do Hòa thượng truyền đạt lại cũng của Phật dạy, nên tôi áp dụng pháp nào ở đây cũng được hết. Không phải thế. Tuy pháp nào cũng do đức Phật dạy, nhưng trong khi tu chúng ta nên chọn lựa một pháp thích hợp với trình độ, căn cơ của mình, rồi thẳng một con đường mà tiến, không thể đi hai hàng mà có thể mau đến nơi được. Ở Thiền viện dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng là chuyên tu Thiền, chỉ học Thiền và hành trì pháp Thiền mà thôi. Tu có đường lối chủ trương hẳn hoi như vậy mới đến nơi đến chốn được.

Chúng ta đâu không biết thân này vô thường, hoàn cảnh tốt đâu phải lúc nào cũng đến với chúng ta. Thân này đổi thay luôn luôn, nào bệnh hoạn, nào tai họa, đủ thứ rình rập mình… Một luồng gió độc cũng đủ làm mất mạng, một tai nạn nào đó bất ngờ cũng đủ làm con người tang thương, đau khổ suốt đời… có gì bảo đảm đâu? Bây giờ chúng ta còn có điều kiện, phương tiện, còn tỉnh táo, các giác quan còn sáng suốt mà không chịu tu, không nỗ lực tu cho đạt được kết quả như thực, đến lúc già bệnh muốn đọc kinh nhưng hai mắt mờ căm không thấy chi thì làm sao đọc được? Không đọc được thì làm sao hiểu kinh? Hoặc mình muốn nghe pháp, mà hai lỗ tai điếc ngắc làm sao nghe?

Cứ nghiệm nơi thân mình, chúng ta thấy rõ tứ đại hợp tan vô thường. Bốn thứ ấy lại luôn chống trái nhau. Như có bao giờ chúng ta muốn trong người lúc nóng lúc lạnh đâu. Ai cũng muốn khỏe mạnh, điều hòa hết. Nhưng ra ngoài trời nếu không có nón hay dù che ở trên, đi nắng một hồi bị trúng nắng thì cảm nắng, phát sốt. Hoặc đi trong mưa, trong gió, trong đêm lạnh mà không có những phương tiện che đỡ trên đầu thì sẽ bị cảm sương, cảm nước, cảm lạnh. Lạnh, nóng luôn luôn chống trái nhau, nó làm bất ổn cho thân này. Rõ ràng có gì bảo đảm đâu?

Do đó chúng ta phải tranh thủ gấp. Việc tu hành cần tranh thủ và có thái độ dứt khoát, không nên đợi. Người ta nói duyên tốt, phúc lành không đến hai lần. Duyên tốt đến với chúng ta mà ta không kịp thời nhận định sáng suốt để nó mất đi thì khó tìm lại. Giống như trong truyện cổ tích kể: Có anh chàng nọ đi rừng, ngang qua một gốc cây to, bất thần anh thấy chú thỏ nhắm mắt nhắm mũi thế nào, chạy đụng gốc cây chết nằm đó. Anh lượm con thỏ về nấu ăn, thấy ngon lành quá. Bữa sau anh lại ra gốc cây ấy ngồi chờ, coi có con thỏ nào chạy đụng vô đó chết nữa không! Đợi hoài đến đói meo, nhưng anh chẳng thấy con thỏ thứ hai nào chạy đụng vô gốc cây mà chết nữa cả.

Việc tu hành của chúng ta không phải là việc cầu may. Chúng sanh sống theo luật nhân quả. Người có tu, có công phu, có hành pháp như thế nào thì sẽ đạt được kết quả tương xứng như thế ấy. Chắc chắn là vậy. Người Phật tử tin chắc nhân quả, hành trì đúng nhân quả thì chẳng sợ gì cả. Sở dĩ chúng ta còn sợ ma sợ quỷ, sợ trời gầm sét đánh, là vì mình chưa tin, chưa thấy được sự thực của luật nhân quả. Nhân quả là gì? Phật dạy, người gây nhân bất hảo sẽ bị quả không tốt. Người gây nhân tốt sẽ được quả tốt. Đó là điều dĩ nhiên thôi. Phật tử nắm chắc như vậy rồi tu, khỏi sợ cái gì cả. Quí vị không cần đến gốc cây, ông lò, miếu đình khấn vái cho con được cái này cái kia… Ai muốn thi đậu bắt buộc phải siêng học, muốn tu hành kiến tánh ngay trong đời này thì phải công phu liên tục, phải phá tan những tật xấu của mình, nhất định sẽ thành công thôi.

Điểm thứ năm là phá tan hoài nghi, tức là những nghi ngờ về Tam bảo và nghi ngờ về khả năng giác ngộ của chính mình. Trong giới Phật tử, còn nhiều vị nghi ngờ lắm! Bởi nghi ngờ nên tất cả lời Phật dạy, ít ai áp dụng tới nơi tới chốn được. Quí vị đang tu như vậy, nhưng nghe ai nói “Bây giờ lên núi (nào đó), uống nước tiên ban chỉ một lần thôi là mở sáng trí ra thấy được đạo, khỏi phải tu gì cả”. Lúc đầu nghe thấy lạ nhưng nghe nhiều lần như vậy, trong bụng nghĩ “Ừ! Đâu mình lên trên đó coi, uống thử chút nước tiên xem có phải như vậy không?” Tức ngay đó đã bị ma quỷ, các loại tư tưởng lan man ốp mình rồi, hà huống là chạy theo? Người như vậy là chưa vững niềm tin, còn nghi ngờ đối với pháp tu.

Phật từng dạy chúng ta đến với Như Lai để suy nghiệm chớ không phải đến để tin. Phật không chấp nhận cuồng tín hay vì lý do nghe đồn đãi mà chúng ta đến với Ngài. Ngài dặn đệ tử, những người muốn học theo Ngài phải hiểu Ngài rồi mới tin Ngài, tu theo Ngài. Bây giờ muốn hiểu Phật phải làm sao? Trước nhất phải làm sao làm chủ được đối với tất cả những cảnh duyên, không phóng tâm ngược xuôi ra ngoài. Không để những giận hờn, thương ghét quấy rầy làm mất thì giờ của mình. Chúng ta phải dứt khoát tự sắp xếp thời khóa biểu tu tập đúng cho mình. Như vậy là tin Phật, tu Phật.  

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật không phải là một vị Thánh, có những biến hóa thần kỳ rồi mới vào thế giới này. Mà Ngài là một con người, trải dài kiếp số Ngài cũng đã nếm trải tất cả những khổ đau trong luân hồi sanh tử. Từ đó Ngài thấy được nguồn gốc của sự khổ đau, phát tâm tu hành và quyết tìm ra một phương pháp để giải quyết những khổ đau cho chính mình, đồng thời giúp tất cả mọi loài cùng giải quyết những khổ đau chung ấy. Ngài đã có mặt ở Ấn Độ cách chúng ta hơn 2500 năm, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da với tên Tất Đạt Đa. Lớn lên cũng lập gia đình rồi sau xuất gia tu hành. Trải qua thời gian tầm đạo và tu hành khổ hạnh trong rừng già, tinh tấn dũng mãnh không ai bằng, cuối cùng Ngài mới thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy đức Phật là một con người lịch sử, để lại cho chúng ta những phương pháp tu học rõ ràng qua kinh nghiệm bằng xương bằng thịt của bản thân. Chứ Ngài không phải là một cái đấng thần linh nào bay đến với những phép thuật lạ đời. Điều đó cho chúng ta thấy, Phật muốn làm sao mỗi người con Phật đều thấy được thực chất của mình. Chúng sanh từ nghiệp tập mà nối tiếp trong sanh tử, bây giờ đừng gây tạo nghiệp tập nữa thì chấm dứt vòng sanh tử luân hồi. Cho nên Phật thị hiện trong cuộc đời như bao nhiêu con người, mang tâm trạng buồn vui sướng khổ như bao người. Từ đó Ngài vươn lên thoát khỏi những cột trói khiến cho con người phải chịu khổ vô cùng tận. Có thế chúng ta mới noi theo, mới vững niềm tin mình cũng có thể tu được, cố gắng dụng công phu thật đắc lực.

Nếu chúng ta trả xong món nợ lớn nhân quả từ nhiều kiếp mê lầm rồi, làm chủ được mình thì ta đã qua được những cơn bệnh ngặt, thoát khỏi tù tội. Ta là người qua khỏi sa mạc khô khan nguy hiểm. Thành quả ấy có được tự nơi bản thân ta thôi. Tôi xin lặp lại, muốn vượt qua những khó khăn chúng ta phải trả hết những nợ nần cũ. Muốn giải quyết tất cả rối rắm, mở tung những cái gút trong lòng, phải là chính chúng ta chứ không ai hết. Trong kinh Phật dạy tự ta làm cồn đảo cho mình. Tự ta phải tu tập, phải giữ giới, phải hành trì thì mới đạt được kết quả.

Có nhiều Phật tử bảo: “Thầy nói tu nghe dễ, nhưng thật ra đâu phải dễ”. Ừ! Đâu phải dễ, khó lắm chứ. Việc tu dĩ nhiên là khó, nhưng không phải chúng ta không thực hiện được. Nó đòi hỏi ta phải có sự kiên quyết. Có kiên quyết mới trả hết nợ nần cũ, thoát được những ngục tù, sa mạc khô khan. Trong cuộc đời đầy dẫy bấp bênh với vô vàn những nỗi bất hạnh, không như ý, nhất là cái khổ đau trầm luân sanh tử kéo dài, chúng ta không có nội lực thâm hậu thì không giải quyết được. Người có sức mạnh lớn mới vùng lên thoát ra được, dĩ nhiên cũng cần tới sự hộ niệm của chư Phật, các vị Thánh trước, lịch đại Tổ sư và các bậc thiện hữu tri thức nữa. Có sức mạnh tâm linh, chúng ta mới giải quyết được nỗi khổ ngay trong hiện tại và đảm bảo giải thoát ở mai sau.

Những nỗi khổ trong hiện tại, nếu chúng ta không làm chủ được, nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến những khổ đau triền miên trong tương lai. Từ đó ta lầm mê, tiếp tục tạo thêm nghiệp tập tăm tối nhận lãnh khổ đau chồng chất. Chủ trương của đạo Phật là tự mình chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình. Người không có tự lực, cứ xìu xìu ển ển thì không ai giúp gì được. An lạc chỉ có khi nào ta làm chủ được mình. Rõ ràng như vậy. Ví dụ người ta chửi mình, mình chửi lại thì hai bên ấu đả nhau, dẫn đến đau khổ. Không khi nào làm như vậy mà được hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có khi người kia chửi mình mà ta nhớ lời Phật dạy phải từ bi, coi những lời chửi ấy như nước cam lồ, ta bình tĩnh vui vẻ thì sẽ được an ổn. Đó là kết quả của sự tu hành.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể tu được, vì xã hội là một môi trường mà ở đó ta có nhiều điều kiện thực hiện việc tu học. Giới hạn như chúng tôi ở thiền viện, đôi khi thiếu các duyên thử thách. Nói thì nói vậy, chứ thiệt tình chúng tôi cũng sợ hết hồn, không dám giáp mặt với cuộc đời khi lực tu của mình còn yếu. Cho nên chúng ta phải hiểu tu Phật thì ở đâu cũng tu được, ở đâu cũng là môi trường để thử nghiệm sức tu học của mình.

Ví dụ như một Phật tử lái xe đàng hoàng, bất trắc có người nào đó đụng mình. Việc va chạm ấy, Phật tử là người không có lỗi, do anh kia quờ quạng sao đó thành ra có sự cố. Nhưng ngược lại người kia gây gổ, la lối, bức xúc Phật tử thế nọ thế kia. Lúc đó nếu người không biết tu thì có chuyện liền. Nhưng Phật tử bình tĩnh, nhẹ nhàng, sáng suốt, lắng nghe và tìm cách gỡ rối. Vì vậy dù bên kia có nói gì đi nữa, Phật tử vui vẻ tìm cách giải quyết, một lát hai bên thỏa thuận nhau tiếp tục lộ trình, đường ai nấy đi. Ngược lại, bên kia không tỉnh nói năng tầm bậy, bên đây cũng không tỉnh thế là hai bên đụng nhau. Đụng nhau nhiều hơn nữa thì đi đến ấu đả, hai bên không thể ngồi lại giải quyết được, phải nhờ thế lực thứ ba. Khi thế lực thứ ba đến thì theo đúng nguyên tắc là cả hai bị mời vô phòng công an. Như vậy cuối cùng rối tung lên, có lợi ích chi đâu.

Cho nên hiểu lời Phật dạy, áp dụng đúng theo đó thì lúc nào ta cũng có Niết-bàn, có hạnh phúc. Có câu chuyện như thế này. Hồi xưa, Cố Hòa thượng Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già tức Hòa thượng Huệ Quang, có một vị cư sĩ người Hoa mến mộ đạo Phật, thường tới lui học hỏi Phật pháp với Ngài. Bấy giờ Hòa thượng cho vị cư sĩ này quyển kinh Pháp Bảo Đàn bằng chữ Hán. Ngài dặn:

- Đạo hữu về ráng đọc cho thuần. Đọc xong sẽ sáng, sẽ nắm vững đường lối chủ trương tu hành, nhất là tu thiền.

Vị cư sĩ nghe lời Hòa thượng đọc tới đọc lui quyển Pháp Bảo Đàn đến muốn thuộc lòng. Chẳng bao lâu trong công việc làm ăn của cư sĩ có sự kiện tụng. Cuối cùng ông bị vô khám. Trong khám, lời nhắc của Cố Hòa thượng đối với ông càng rõ hơn, nên ông chuyên tâm đọc kinh Pháp Bảo Đàn, đọc một cách say sưa liên tục. Hồi ở ngoài ông cũng đọc nhưng có khi phải lo việc nọ việc kia nên bị gián đoạn. Bây giờ vào khám ông buông hết mọi việc, chỉ có đọc kinh Pháp Bảo Đàn thôi. Vì vậy ông không thấy cực khổ, chật chội, thiếu thốn, như mọi tù nhân khác. Thần sắc tỉnh táo, vui vẻ và ông cho rằng thời gian ở đây ông tu nhiều hơn ở ngoài. Người nhà đến thăm hỏi, ông nói: “Bình thường, chẳng có gì. Tôi rất an lạc”.

Qua câu chuyện này cho thấy, nếu chúng ta áp dụng được lời Phật dạy thì nhất định Niết-bàn ngay trong hiện tại. Mỗi người đều có thể nhập Niết-bàn, hưởng Niết-bàn ngay hiện tại. Với điều kiện là dám bỏ các pháp trần. Trong cuộc sống này, nếu chúng ta muốn được an ổn, muốn giải thoát thành Phật thì bản thân phải hành trì lời Phật dạy. Hành trì đúng thì mặc tình cho phong ba bão táp, mặc tình cuộc đời thịnh suy, lúc nào chúng ta cũng an ổn. Thiền sư Mãn Giác có bài thơ thế này:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Xuân đi thì trăm hoa lụn tàn, xuân đến trăm hoa đua nở. Mọi việc xây vần trước mắt chúng ta như vậy. Mọi hiện tượng, mọi sinh hoạt trong cuộc sống này rõ ràng như vậy, luôn luôn sanh diệt. Khi ta nhìn lại thì cái già đã đến nơi. Tóc bạc, răng rụng, bệnh hoạn, bao nhiêu sự suy tàn của thân này kéo đến. Vô thường chi phối, sự đổi thay trùm khắp.

Nhưng với người Phật tử hay với người có mắt sáng, thấy ngoài sự đổi thay và nỗi khổ đau ấy, còn có cái gì? “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Đừng ngỡ xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai. Nghĩa là gì? Nghĩa là tất cả những hoa bên ngoài rụng hết nhưng trong lòng chúng ta còn một sự tỉnh táo sáng suốt. Đó chính là Niết-bàn ngay trong hiện tại.

Người không bị trôi giạt, không bị cuốn hút bởi các pháp, làm chủ được mình là nhập được Niết-bàn ngay hiện tại. Người tu thiền phải có công phu trong từng giây phút hiện tại, không thể đợi chờ, hẹn hò gì cả. Vì vô thường chụp đến bất cứ lúc nào. Ai biết được sự sống của mình sẽ ra sao. Như bây giờ bao nhiêu thứ tai biến, ung bướu. Mới hôm qua đang sờ sờ vậy, đi siêu âm té ra cục gì ở trong bụng, đụng tới nó sẽ vỡ, nín thở ngay. Như vậy là nguy rồi! Có làm gì được đâu. Cái mình trọng vọng quý báu, gìn giữ, trau chuốt, sơn vẽ luôn luôn, mà nó bấp bênh như vậy hà huống những thứ khác. Ngoài thân tâm hư giả này, còn có nào là nhà cửa, địa vị, tiền của … tất cả những thứ ấy không bảo đảm, không giữ được khi vô thường chi phối. Mạng sống của mình, mình không bảo toàn được huống là những thứ ấy.

Thành ra người tu phải là người giữ thế chủ động cho mình. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta nhớ lời Phật dạy, áp dụng được thì sẽ hết khổ. Nếu người tu Phật không kiên quyết hành trì, dứt khoát ngay trong mỗi niệm thì khó mà nhận được Phật, Bồ-tát ở ngay cạnh mình. Chỉ người nào khi đối diện với những khó khổ ghê gớm nhất, vẫn nhớ Phật, tu theo lời Phật dạy, người đó mới hết khổ, được vui. Kho tàng chuyện cổ tích dân gian của chúng ta, ảnh hưởng rất lớn tinh thần Phật dạy. Phật thị hiện làm ông già tóc bạc phơ như ông tiên, vung cây đũa thần cứu nàng Tấm. Phật thị hiện cá kình, cá ông để cứu người khi họ gặp sóng to gió lớn. Nhưng với điều kiện là mình phải tha thiết một lòng nghĩ nhớ đến Phật, đừng nghĩ chuyện tầm bậy. Không khẳng quyết thì khó có tâm thành để đạt kết quả như ý.

Hồi xưa, lúc tôi còn nhỏ ở chùa Vạn Đức. Có một gia đình Phật tử nọ, đệ tử của Hòa thượng Vạn Đức, đi chùa rất thuần thành. Duy chỉ người rể thì không thích đi chùa. Sống chung trong nhà, anh ta thấy mẹ vợ đốt nhang tụng kinh, lễ Bồ-tát Quan Thế Âm. Cha vợ rồi mấy người em vợ cũng thành tâm niệm Bồ-tát Quan Thế Âm. Thấy thì thấy thôi chứ anh không hề tham dự. Nhưng lạ một điều là âm thanh tiếng niệm Bồ-tát Quan Thế Âm và hình ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm đóng vô đầu anh hồi nào không biết. Lần đó anh đi công tác, máy bay về đến phi trường, nhưng không bung chân ra được. Nó chạy lòng vòng mãi, dưới này người ta tập hợp tất cả xe cứu hỏa… Nếu kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa thì kể như máy bay gặp nạn, tất cả hành khách trên đó không thoát khỏi tử vong.

Bấy giờ tự nhiên anh này nhớ Bồ-tát Quan Thế Âm và anh nhất tâm niệm Bồ-tát Quan Thế Âm. Anh niệm đến nỗi quên hết mọi chuyện, chỉ nhớ Bồ-tát Quan Thế Âm. Cuối cùng, chiếc máy bay hạ xuống vì hết nhiên liệu, bỗng dưng hai chân của nó bung ra được! Mọi người hú vía xem như mình chết đi mà được sống lại. Khi đó có một người bạn hỏi anh ta:

- Hồi nãy trong lúc nguy ngặt, tôi thấy anh ngồi như chết cứng, là sao vậy?

Anh ta nói:

- Thực tình tôi thấy nguy cơ mất mạng không thoát, lúc đó bỗng dưng tôi nhớ hình ảnh mẹ vợ và tất cả những người trong gia đình mỗi đêm đốt nhang lạy Phật rồi niệm Bồ-tát Quan Thế Âm. Tự nhiên âm thanh và danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm hiện lên trong tâm, tôi chỉ còn biết mỗi một việc là niệm Ngài mà thôi. Lúc niệm như vậy tôi không thấy sợ sệt và cũng không còn thấy cái gì bên ngoài nữa. Cho đến khi máy bay đáp xuống được rồi, tôi mới chợt tỉnh ra là mình đang niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm.

Khi về nhà anh trình bày sự việc trên cho mọi người trong gia đình nghe. Và sau lần nguy ngặt ấy, anh con rể này mới bắt đầu tìm hiểu đạo Phật, bắt đầu đi chùa và mỗi đêm anh là người lạy Phật, niệm Bồ-tát Quan Thế Âm siêng năng hơn ai hết. Bây giờ anh mới thấy hiệu năng, kết quả của việc tu học. Nó không phải là cái mà chúng ta mong cầu hiển hiện ra, nó ăn sâu vào trong tâm thức. Để đến một lúc nào đó, ta hữu cảm thì tất ứng, hữu duyên thì sẽ được độ. Từ chỗ cảm nhận như vậy anh trở thành người rất hâm mộ đạo Phật, rất siêng năng trong việc tu tập. Kể từ đây, anh mới hiểu thế nào là tự sống lại.

Sống lại bằng cách nào? Không phải chỉ niệm như vạây thôi, mà là buông được mọi thứ bên ngoài. Nghĩa là thấy rõ pháp tu và đường lối tu của mình. Chú tâm niệm như vậy là làm chủ được mình, không bị động bởi những cảnh duyên bên ngoài. Sau lần tai nạn ấy, mỗi lần anh đến trước bàn Phật thắp hương, ngồi lắng yên và anh thấy rõ ràng rằng mình buông được những cái lăng xăng trước mắt, mình làm chủ được đối với những âm thanh sắc tướng bên ngoài, những cái sợ sệt, những cái bức xúc ở bên ngoài nên mình an ổn. Điều này là một hiện thực. Anh thấy rõ ràng sự an ổn không do ai ban cho mình, mà chỉ có mình mới đem lại sự an ổn chân thật cho mình mà thôi. Đó là một cách tu.

Phật không bảo chúng ta tụng đọc lời Phật dạy mà không hiểu, không áp dụng. Không phải gõ mõ tụng hoài những lời Phật dạy. Như cha mẹ dạy con “đừng bất hiếu” thì không bao giờ cha mẹ bảo con mỗi ngày tới trước mặt mình nói lại “con đừng bất hiếu”. Không cha mẹ nào muốn con lặp lại như vậy mà chỉ muốn bản thân đứa con đó đừng làm những việc bất hiếu. Cũng thế, dù hạng người nào nếu nghe hiểu và áp dụng đúng lời Phật dạy, buông hết các trần cảnh thì người đó hưởng được pháp lạc, luôn luôn an ổn, đó là vào Niết-bàn chứ gì? Cho nên biết có công phu thì có kết quả, có an lạc, có Niết-bàn. Đạo Phật là đạo giúp cho chúng ta có thể hưởng giá trị thiết thực ngay trong hiện tại. 

Chúng tôi mong rằng tất cả Phật tử chúng ta học Phật, hiểu Phật và áp dụng được lời Phật dạy để hết khổ, được vui như chính niềm an vui mà đức Phật đã đạt được.

Hôm nay là ngày kỷ niệm đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh lần thứ 2541, quý Phật tử về chùa mừng đại lễ Phật đản, để tưởng nhớ đến đức Giáo Chủ của chúng ta, chúng tôi xin được nhắc lại vài nét về cuộc đời và sự giáo hóa của đức Phật.

Thứ nhất là về cuộc đời của đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Thứ hai là những đạo lý mà Ngài đã chứng nghiệm được sau khi từ bỏ lợi dưỡng dục lạc thế gian. Điểm sau cùng tôi muốn nêu lên là tinh thần tu hành của người Phật tử đối với đạo lý Phật dạy qua con đường Thiền.

1Cuộc đời của đức Phật:

Như chúng ta đều biết, đức Phật xuất thân là một vị Đông cung Thái tử, sống trong nhung lụa với tất cả những tiện nghi của một vị Hoàng đế. Nhưng Ngài không đành lòng hưởng thụ riêng cho mình nên đã từ bỏ tất cả, vượt thành xuất gia để tìm đường giải thoát cho bản thân và nhân loại.

Theo lịch sử vào ngày trăng tròn tháng tư tính theo âm lịch của chúng ta, nhưng theo Ấn Độ thì ngày trăng tròn tháng năm vào năm 543 trước Công Nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ, trong vườn Lâm Tỳ Ni, Thái tử Tất Đạt Đa ra đời. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn thuộc dòng quý tộc Thích Ca, mẹ là Hoàng hậu Ma Da. Sau khi sanh Ngài được bảy ngày thì Hoàng hậu Ma Da qua đời. Người em gái của bà là Ma Ha Ba Xà Ba Đề, tức bà Kiều Đàm Di nuôi dưỡng Ngài. Thái tử được nuôi dưỡng cưng chiều với tất cả tiện nghi cao nhất của một ông hoàng.

Một hôm nhân ngày đầu vụ mùa, vua quan đến vùng nông thôn làm lễ, cày những luống cày đầu tiên với ước nguyện nông dân được trúng vụ mùa, thu hoạch nhiều, đem lại no ấm cho toàn dân. Ngày này gọi là ngày lễ hạ điền. Thái tử Tất Đạt Đa cũng được theo vua cha đến dự lễ hạ điền. Lễ rất vui, mọi người ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng. Các nông dân theo nghi thức của nhà nước đến đó dâng lễ đối với các bậc thần thánh tổ quốc và sau đó chuẩn bị cày những luống cày đầu tiên dưới sự chứng kiến của vua, các vị đại thần. Đây là ngày lễ hội rất lớn đối với toàn dân Ấn Độ thời bấy giờ.

Trong lúc mọi người đang nô đùa mừng lễ, Thái tử cũng rất vui nhưng khi thấy từng luống cày, từng thớ đất lật lên có những con trùng, con dế bị đứt làm hai làm ba, liền đó các loài chim ở rừng bay đến, giành nhau nuốt những con vật nhỏ kia. Rồi người thợ săn rình rập đâu đó, lắp cung tên sẵn sàng hạ thủ mấy con chim. Đồng thời trong khu rừng, những con hổ chực chờ để vồ lấy gã thợ săn. Thấy cả một chuỗi tranh giành, cấu xé của chúng sanh, Thái tử quá đau lòng nên sắc diện trở nên trầm tư buồn bã. Thành ra, thay vì dự lễ vui tươi như bao người thì Thái tử lại tìm một nơi yên lắng, ngồi suy tư bất động dưới bóng cây.

Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngay từ thời bé thơ, đức Phật đã có những biểu hiện khác lạ so với mọi người bình thường ở thế gian. Năm 16 tuổi, Ngài vâng lệnh Phụ hoàng và Hoàng tộc kết hôn cùng công chúa Da Du Đà La và sau đó sanh ra một hoàng nam là La Hầu La. Theo sử của Phật giáo Đại thừa, Ngài vượt thành xuất gia năm 19 tuổi cho đến 30 tuổi thì thành đạo. Theo sử của Phật giáo Nguyên thủy, 29 tuổi Ngài mới xuất gia.

Thái tử xuất gia không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hết cuộc đời chán chường hay của người bần cùng nghèo đói, không còn gì để lại phía sau. Đây là sự từ khước của một ông Hoàng, giữa thời niên thiếu trong cảnh ấm no sung túc và thịnh vượng. Tại sao tôi nêu lên điều này? Vì nhiều người cho rằng người đi tu là những kẻ chán thế gian hoặc già nua không còn làm gì được nữa. Ở ngoài đời họ thua thiệt, thiếu thốn, nghèo khó… nói chung là những trường hợp thất chí, thất tình, không còn con đường nào để thoát thân ngoài con đường đi tu. Ở đây vị giáo chủ của chúng ta bỏ thành đi tu vào lúc tuổi thanh xuân với tất cả quyền uy, địa vị, lợi dưỡng, tiện nghi của bậc đế vương, chớ không như cái hiểu thông thường của người đời.

Làm ông hoàng chứng kiến tất cả những sự kiện hiện thực trong đời. Ngay từ thời bé thơ mà Ngài đã có một cái nhìn rất thiết thực về cuộc đời. Mặc dù vâng lệnh Phụ hoàng kế thừa và trưởng thành từ các nghi thức, nghi lễ của thế gian nhưng trong lòng Ngài lúc nào cũng canh cánh những sự kiện trước mắt mà Ngài chưa hài lòng. Ngài vẫn nhớ và thấy một cách tường tận những hiện thực trong cuộc đời là như vậy. Do đó, cuối cùng Ngài cắt đứt, từ giã Phụ hoàng, tất cả người thân để đi xuất gia. Với tấm lòng bao la rộng rãi, Ngài quyết tìm lối thoát hay một chân lý để giải quyết vấn đề sanh tử của kiếp người một cách rốt ráo.

Thái tử cùng Xa Nặc vượt thành, đến nơi bìa rừng Ngài cắt tóc, cởi trả vàng vòng châu báu trao lại cho người cận vệ với lời tự khắc, tự hứa: “Bao giờ tìm được đạo, chứng đạo ta mới trở lại. Ngươi hãy đem tất cả những vật này về trình với Phụ hoàng và thân quyến của ta”. Dứt khoát rồi Ngài bắt đầu cuộc đời kẻ hành khất, trong tay không có vật gì, sống khổ hạnh trong rừng trải dài sáu năm trường. Dưới cội Bồ-đề, Ngài tinh tấn siêng năng tột bực và đã thệ nguyện cả quyết rằng: “Nếu không đạt được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dù thịt nát xương tan ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Với lời thệ nguyện quả cảm như vậy, Thế Tôn đã giác ngộ hoàn toàn và thành tựu quả vị Phật.

Tôi vừa điểm qua vài nét về cuộc đời của đức Phật. Ngài cũng là con người, cũng có những ưu tư khoắc khoải, những nghi ngờ và cuối cùng Ngài đã tìm ra lối thoát. Trong đạo Phật tuyệt đối không có sự thần khải nào mà tất cả đều được thể nghiệm từ thực tế, với một ý chí mãnh liệt, kiên quyết nhất định sẽ thành công.

2. Giáo lý của đức Phật:

Đức Phật sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, Ngài có đầy đủ tam minh: Một là túc mạng minh. Hai là thiên nhãn minh. Ba là lậu tận minh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu qua ba minh này:

1. Túc mạng minh.

Trong kinh nói rằng “Tư tưởng của Ngài trở nên lắng dịu, tinh khiết, trong sạch, không còn tham ái và ô nhiễm, dễ điều phục, không lay chuyển và luôn tỉnh giác”. Những điều này không lạ nếu chúng ta có nghiên cứu đạo lý, có công phu tu hành thì sẽ thấy rõ việc điều phục vọng tưởng, làm chủ những niệm lăng xăng là có thể thực hiện được. Bấy giờ tư tưởng hay những dấy niệm của chúng ta sẽ yên lắng dần dần. Cho nên biết đạo lý của Phật dạy là những điều hiện thực.

Tư tưởng yên lắng rồi, những dấy niệm ô nhiễm sẽ yếu thế, nó không còn đủ sức hấp dẫn, kéo lôi người tỉnh táo sáng suốt, làm chủ được mình. Lòng chúng ta yên dịu, cái sáng sẽ lớn mạnh trùm khắp. Bây giờ vọng tưởng còn là vấn đề, là đối tượng vì chúng ta chưa tỉnh, sơ hở từng phút giây nên bị nó kéo lôi. Chúng ta dễ bị mắc mứu, dễ chạy theo cái giả mà bỏ quên cái thật. Với người tu, từ những sự kiện, những lối mòn này mà chúng ta tìm ra lối thoát. Vị giáo chủ của chúng ta cũng đi con đường như vậy. Ngài là một con người, có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn như tất cả chúng sanh. Ngài ưu tư nghi ngờ, khoắc khoải phấn đấu đến cùng, bao giờ đạt đạo mới thôi. Chúng ta cũng có phấn đấu, có siêng năng nhưng sáng siêng thì trưa lại biếng, sáng mạnh mẽ trưa lại yếu xìu, tối lại ngủ quên rồi lãng quên cả một đời.

Muốn điều phục được những lăng xăng điên loạn, bắt buộc chúng ta phải tỉnh. Có tỉnh thì có tuệ, tỉnh tuệ không rời nhau. Nếu không có tỉnh thì không làm sao có tuệ sáng suốt. Bản thân chúng ta đang hít thở, tất cả giác quan đang tiếp xúc với mọi hiện tượng chung quanh rất bén nhạy, phải ngay nơi đó tỉnh lấy thì không tan thân mất mạng, bằng ngược lại ba cõi sáu đường mở ra cuốn hút chúng ta đi ngay. Kinh nghiệm tu thiền cho thấy, việc làm này từ xưa tới giờ không khác. Người xưa làm được chúng ta cũng làm được. Người xưa phấn đấu thành công, chúng ta phấn đấu tích cực nhất định cũng sẽ thành công.

Đức Phật hướng tâm vào tuệ giác, nhớ lại những kiếp quá khứ. Ngài đã tỉnh thuần thục nên mới hướng tâm tuệ về niệm quá khứ. Nhớ lại một kiếp, hai kiếp cho đến trăm ngàn kiếp. Trong số kiếp vô lượng đó Ngài tên gì, sinh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, vui thích và khổ đau như thế nào, chết tái sinh ở đâu v.v.. Ngài nhớ lại tất cả. Đây là giai đoạn Ngài đã phá tan lớp vô minh quá khứ, chứng được túc mạng minh.

Bây giờ chúng ta tu hành, ngồi yên, dứt tất cả những nghĩ tưởng lăng xăng, tỉnh và tuệ cụ thể, sáng suốt trùm khắp, hướng tâm tuệ này về những gì đã qua thì nhất định sẽ biết. Những người ngoại đạo thời đức Phật, cũng do công phu thiền định mà họ có thể nhớ lại mười kiếp hay hai mươi kiếp của bản thân và những chúng sanh có liên quan đến họ. Ngoại đạo mà còn có năng lực như vậy huống là chúng ta áp dụng đúng những kinh nghiệm Phật dạy thì nhất định sẽ thành công. Nói thế không phải để chúng ta chuộng thích thần thông, mà để biết rằng mình tu hành có thể thành công và kết quả tất yếu là sẽ đạt được những năng lực như vậy. Việc ấy không khó khăn, mà khó khăn là do chúng ta không siêng năng liên tục.

2. Thiên nhãn minh:

Ngài hướng tâm thanh tịnh về tri giác hiện tượng sinh và diệt của muôn loài. Chính ngay nơi đây Ngài chứng được thiên nhãn minh. Đây là trí tuệ siêu phàm, thấy được tất cả chúng sinh chết từ nơi đây sẽ tái sinh vào đâu, với bao nhiêu cảnh tượng sang hèn đẹp xấu, khổ vui… tùy thuộc vào hành vi tạo tác của mỗi người. Nếu tư tưởng hành động xấu ác, không chân chánh thì sau khi chết sẽ tái sinh vào những trạng thái khổ não.

Trong đời sống nếu chúng ta hướng những hành vi, tạo tác hằng ngày theo hướng tốt thì sẽ sống trong niệm chân chánh. Được như vậy, khi chết chúng ta sẽ tái sinh vào thế giới an lạc. Bởi vì khổ vui được hình thành từ luật nhân quả. Muốn được vui, muốn tương lai không khổ thì bây giờ phải đi con đường chân chính, không xấu ác. Hành trì như vậy bảo đảm tương lai, sau khi chết ta sẽ tái sinh vào thế giới không có khổ đau hay ít khổ đau, được an vui. Học biết như vậy rồi Phật tử khỏi cầu nguyện. Quả thực vui hay khổ là tự nơi hành động của mình ngay hiện đời thôi.

Nếu muốn tương lai tốt đẹp thì bây giờ phải phấn đấu trong chánh niệm, trong tinh thần tốt đẹp. Ngay bây giờ mình không làm chủ, hướng niệm hành động theo con đường xấu ác, tạo nghiệp nhân không tốt thì dù có cầu nguyện bao nhiêu đi nữa quả báo chắc chắn cũng sẽ khổ. Hiểu thế chúng ta vững lòng tu, vững lòng làm những việc công đức, vì biết chắc rằng từ những việc làm tốt ta sẽ có quả báo tương ưng.

Trên đời này, ở đâu con người không tin nhân quả nữa thì sự khổ đau sẽ dẫy đầy. Sở dĩ khổ đau giảm bớt, con người có thăng hoa, xã hội còn hướng tốt đẹp là nhờ con người còn tin vào tương lai, tin vào khả năng của chính mình. Dù hiện tại như thế nào nhưng với trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm sẵn có, chúng ta sẽ gầy dựng được tương lai tốt đẹp. Mặc dù hiện tại khổ đau nhưng tin chắc tu hành như vậy ta sẽ được an lạc. Vững tâm quyết chí tích cực tu thì nhất định là an lạc lớn lao, thành tựu tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.

Tư tưởng, hành động tốt đẹp, chân chính là sống trong chánh kiến. Người sống trong chánh kiến sẽ được hạnh phúc. Ngược lại nếu chúng ta không hướng thiện, không sống nếp chánh kiến, bị va chạm nhiều rồi quên mình đối với những hiện tượng chung quanh thì tương lai chắc chắn sẽ khổ đau. Đây là điều mà Phật tử phải sợ. Sợ đây không phải sợ ma sợ quỷ, sợ hết cơm, hết gạo, sợ mất người thương… những tâm trạng sợ hãi của người thế gian. Sợ đây là sợ ta không đủ tỉnh lực, không quyết tâm, không tin vào hành động của mình có thể chuyển hóa được khổ vui. Sợ là sợ như vậy. Tuy sợ nhưng chúng ta không hoàn toàn bất lực. Càng sợ thì càng kiên tâm, quả quyết thực hiện theo tinh thần của Phật dạy. Chúng ta quyết tâm hành trì theo những phương thức ấy để khắc phục những gì hiện tại ta chưa vừa lòng. Công đức đó, thành tựu đó là do ta mà thành, chính chúng ta làm, chúng ta thực hiện chứ không nhờ vả ở đâu.

Khi đức Phật mục kích rõ ràng sự phân tán, sự cấu hợp trở lại của chúng sinh, thấy rõ chúng sanh chết đi và tái sinh trở lại nơi nào, Ngài phá tan được lớp vô minh có liên quan đến tương lai, chứng được thiên nhãn minh.

3. Lậu tận minh:

Hướng tâm thanh tịnh về nguồn gốc và con đường chấm dứt các pháp trầm luân, giai đoạn này Ngài chứng được lậu tận minh. Từ đây đức Phật phá sạch tất cả sự tăm tối, thấu suốt tận căn để vì sao chúng sanh trầm luân trong sanh tử và tìm ra con đường để giải thoát sanh tử. Lịch sử nói vào canh ba đêm thứ 49, Bồ-tát Tất Đạt Đa hoàn toàn giải quyết được việc sinh tử, việc lớn của chính mình và của chúng sanh. Ngài không còn nghi ngờ gì nữa, vì trí giác đã hoàn toàn thông suốt. Thế Tôn giác ngộ viên mãn.

Chúng ta và chúng sanh hiện diện trong thời điểm này, nhưng không biết mình từ đâu lại và chết sẽ đi về đâu. Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Tại sao chúng ta phải như vậy? Có vô lượng những vấn đề mình không làm sao biết tường tận được. Có người vất vả cả đời mà không đạt được sở nguyện của mình. Người đó sinh ra, lớn lên, lập gia đình với tất cả tâm nguyện là muốn được nhà lầu, xe hơi v.v.. nhưng cả đời không thực hiện được. Trái lại có những người mới sinh ra, lớn lên đã đầy đủ tiện nghi, thực hiện công việc nào cũng thành tựu dễ dàng, dường như ở đâu sẵn dâng đến cho họ vậy. Đây là những điều ngay trong cuộc sống, chúng ta đối diện mà không biết không hay, không giải quyết được.

Bây giờ qua đạo lý của Phật dạy, chúng ta học và hành trì sẽ là chìa khóa hé mở cánh cửa giải quyết những vấn đề ấy. Nếu công phu mãnh liệt chúng ta có thể phá vỡ những thành trì ấy, thấy rõ nguồn gốc mọi gút mắc và sẽ giải quyết xong vấn đề lớn lao của con người. Cánh cửa, thành trì đó vị giáo chủ của chúng ta và vô lượng bậc Đại thánh đã phá được.

Như đã nói đức Phật chứng được thiên nhãn minh, thấy rõ sự chết đi và tái sinh của các chúng sanh. Đây là một điều lý thú. Bởi vì đối với những điều ta tăm tối, bây giờ mở ra được thì rõ ràng rất lý thú. Nhà Phật gọi đây là tuệ giác thấy tột cùng nguyên nhân sanh tử. Người tu Phật với tâm nguyện làm chủ được sanh tử, giải quyết sanh tử là vấn đề trọng yếu nhất. Sở dĩ sanh làm khổ mình, tử làm khổ mình, cuộc sống này làm khổ mình vì chúng ta chưa đủ trí tuệ, chưa làm chủ được mình. Nên tâm nguyện duy nhất của người tu là giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình.

Nếu chúng ta giải quyết được việc sanh tử của mình thì cũng có thể thấy được việc sanh tử của vô lượng chúng sanh, không lầm không nghi nữa. Trong kinh có ghi: “Đây là phiền não, đây là nguyên nhân dẫn đến phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não”, đức Phật thấy rõ ràng như thế. Bao giờ chúng ta quay lại, thấy được những gì như đức Phật đã thấy là mình hết phiền não.

Chúng ta thật không có giây phút nào yên. Trong đời này có nhiều sự kiện ngộ lắm, người ta cười mà ra nước mắt, khóc mà vui. Có những điều mình nghĩ như vậy mà miệng phải nói khác đi. Thật lạ lùng! Là người tu chúng ta phải làm sao thấy rõ “Đây là sự bất ổn trong tôi, đây là sự chấm dứt những bất ổn trong tôi, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt những sự bất ổn trong tôi” thấy rõ ràng như thấy một vật trong lòng bàn tay của mình. Người thấy như vậy là người có trí tuệ thông suốt.

Nếu chúng ta biết áp dụng cụ thể lời Phật dạy, không phải thông hết tam tạng giáo điển mà chỉ một pháp nào đó thôi. Như Phật dạy đếm hơi thở sẽ cắt đứt những niệm tưởng lăng xăng. Chỉ bảo đếm hơi thở chớ không tu pháp gì cả. Nếu áp dụng phương pháp đếm hơi thở với một tuệ giác thấy rõ: “Đây là những lăng xăng loạn tưởng trong tôi, sự chấm dứt những lăng xăng loạn tưởng trong tôi và những phương thức chấm dứt những lăng xăng loạn tưởng trong tôi”. Thấy rõ ràng như vậy thì không ai dại gì sống với cái lăng xăng mà quên cái tỉnh sáng của mình. Hướng tu hành của chúng ta là vậy.

“Đây là ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường chấm dứt ô nhiễm”. Tôi dẫn lời này để thấy một việc làm bình thường chúng ta có thể thực hành được, chớ không phải quá khó. Đừng bao giờ mang tư tưởng rằng đạo lý ấy, tuệ giác ấy, quả chứng ấy là của Phật, Bồ-tát chứ mình không có phần, không dính dáng gì hết. Không phải như vậy! Phật nói pháp để chúng sanh tiếp thu và thể nghiệm, chớ đâu phải nói cho chúng ta không tu được. Phật hiểu rõ là bản thân chúng sanh sẽ đạt được kết quả nếu ứng dụng tu tập đúng pháp mới nói chứ!

Tôi tin rằng Phật còn tại thế, Ngài cũng không ngồi nói như chư Tăng bây giờ. Lời Phật rất giản dị, có khi là sự biểu trưng qua một hình ảnh nào thôi, nhưng khiến người đương thời nhận hiểu xuyên qua trực giác bản thân của người đó. Như thế pháp Phật dạy, biểu trưng do Phật thể hiện mới có giá trị, có tác dụng nâng đỡ, giúp con người hết khổ được vui.

Tâm Phật đã giải thoát khỏi những dục lậu tức là hết mọi nhiễm ô dục vọng. Hữu lậu là những ô nhiễm của sự luyến ái thế gian, vô minh lậu là những ô nhiễm của vô minh. Màng vô minh giải tỏa, trí tuệ phát ra, đêm tối đã tan, ánh sáng lại đến, Ngài thành đạo. Từ bản thân thể nghiệm, trải qua quá trình tu chứng, đức Phật mạnh dạn chỉ dạy lại cho chúng ta, vì Ngài biết mình cũng có những khả năng như thế. Ngài phá tan màng vô minh tăm tối, vén lên được chân trời tỏ rạng cho chính bản thân mình và tất cả chúng sanh. Như vậy rõ ràng cái tăm tối trong tâm thức chúng ta hiện nay có phương thức giải trừ, phiền não đang âm ỉ trong ta có thể bỏ được. Đạo lý giải thoát đức Phật dạy chúng ta có thể thực hiện được.

Thế nên chúng ta hãy vững niềm tin phấn đấu, vươn lên để đạt được sở nguyện giải thoát sanh tử, chấm dứt khổ đau. Khổ theo cái nhìn của đạo Phật không phải là thiếu ăn thiếu mặc mà khổ là bị còng trói bởi những tiện nghi dục lạc, những hiện tượng điên đảo. Đây là cái khổ thống thiết, nếu chúng ta không tỉnh sáng để thoát ra thì không cách gì cởi mở, cắt đứt được. Nêu lên cuộc đời và giáo lý của đức Phật là chúng tôi hy vọng tất cả chúng ta cũng sẽ thực hiện được như vậy.

Tôi xin dẫn câu chuyện “Phật là ai?” như thế này. Có một vị theo Bà La Môn giáo, ở Ấn Độ Bà La Môn giáo là quốc giáo, vị này tên là Dona. Nhân đi qua đường, thấy trên đất in lại những dấu chân của đức Phật rất đặc biệt. Ông tìm đến hỏi Phật:

- Thưa Ngài, phải chăng Ngài là một vị trời?

Phật trả lời:

- Không, ta không phải là một vị trời.

- Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công ở cõi trời?

Phật trả lời:

- Ta cũng không phải là nhạc công ở cõi trời.

- Ngài là quỷ Saka (1) chăng?

- Không, ta không phải là quỷ Saka.

- Như vậy Ngài là người chăng?

- Không, quả thật ta cũng không phải là người.

- Vậy xin cho biết Ngài là ai?    

Đức Phật trả lời:

- Ta là người đã tận diệt hết những pháp trầm luân, những nguyên nhân để tái sinh vào ba cõi.

Nói tóm lại, đức Phật là người đã tận diệt hết những nguyên nhân đi trong ba cõi sáu đường. Vì thế nên hỏi làm trời Ngài phủ nhận, làm người Ngài cũng phủ nhận… Bởi vì Ngài đã giải thoát ra ngoài những hình thức đó.

Qua đạo lý này chúng ta mới thấy cái siêu việt của đạo Phật. Nó chỉ rõ nguyên nhân của những sự kiện, những pháp đã hình thành như thế, như thế. Và sau cùng đức Phật đưa ra con đường để thoát khỏi những sự kiện đó. Bởi thế nên nói Như Lai đã vượt ngoài Tam giới.

Có lời kệ như thế này:

Như hoa sen đẹp và dễ thương,

Không ô nhiễm bùn nhơ nước đục,

Giữa đám bụi trần ta không vướng chút bợn nhơ,

Như vậy ta là Phật.

Giác ngộ toàn triệt và giải thoát tất cả. Cuối cùng Ngài trả lời cho chúng ta như vậy. Như đóa sen đang nở và ngát hương thơm, đóa sen không bị nhiễm ô bởi nước đục bùn nhơ. Giữa đám bụi trần ta không vướng chút bợn nhơ, nghĩa là sống giữa bụi trần ai mà không vướng chút bợn nhơ nào hết. Như vậy ta là Phật, giác ngộ toàn triệt, gỡ tung những mắc mứu lâu nay, giải thoát hoàn toàn. Đó là điểm thứ hai chúng tôi nêu lên về đạo lý mà vị giáo chủ của chúng ta đã thực hiện được.

3. Tinh thần tu hành của người Phật tử đối với đạo lý Phật dạy qua con đường Thiền.

Người tu thiền cũng giống như người học bơi lội. Người học bơi lội được huấn luyện viên chỉ về phương pháp và kỹ thuật căn bản, sau đó hoàn toàn tùy thuộc y. Nếu như y không chịu nhảy xuống nước tập bơi thì y không bao giờ bơi được. Cách học duy nhất là y phải nhảy xuống nước và bắt đầu thực hành theo lời huấn luyện viên đã dạy. Nếu y chăm chỉ thực hành thì y có thể trở thành tay bơi cừ khôi. Nếu chỉ học hiểu mà không thực hành thì làm sao trở thành tay bơi cừ khôi được?

Lời dạy này bình thường mà rất hiện thực. Chúng ta muốn được giác ngộ, muốn được thành Phật hay được hết khổ thì phải tu, phải thực hành. Học hiểu là một giai đoạn không thể thiếu, nhưng hành trì là một giai đoạn quyết định sự học hiểu của chúng ta. Đường lối trong thiền tông cũng vậy, nếu chúng ta muốn được giác ngộ thì phải tìm đến ông thầy để lãnh hội lời chỉ giáo. Sau khi nhận được sự chỉ giáo rồi, quan trọng nhất là phải thực hành. Qua thực hành chúng ta mới có thể giác ngộ. Thực hành là việc của chính bản thân mỗi người.

Chúng ta có duyên gặp được thầy, có kinh điển, có tất cả những trợ duyên cần thiết để làm thành kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên bản thân chúng ta không thực hành, chỉ hiểu biết rồi đọc tụng rao giảng, chưa thể nghiệm thực đối với giáo lý Phật dạy, đối với pháp thiền thì chúng ta chưa thể có cái nhìn thấu suốt được. Đối với pháp tu thiền đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thấu suốt và thể nghiệm thật. Nếu muốn hết khổ, được giải thoát, có trí tuệ thì phải thực hành.

Phật dạy là tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Liệu mình có tin một cách khẳng định như vậy chưa? Đây là điều chúng tôi nêu lên để khẳng định cho pháp tu, sự hành trì và công phu của chúng ta. Đức Phật cũng là người, máu Ngài cũng đỏ, nước mắt cũng mặn, thân và tâm Ngài cũng không khác ta xa lắm. Trước lúc giác ngộ, Ngài cũng có những ưu tư, xung đột và nghi ngờ. Song nhờ trí tuệ mà Ngài tự đào luyện và khám phá ra Phật tánh của mình và được giác ngộ. Tất cả chúng ta cũng có khả năng, có chất liệu đó nhưng liệu xem ta đã quyết tâm phấn đấu chưa? Đây là những điều cụ thể mà ta không thể nào cất trong tủ khóa kín lại, mong một ngày nào đó có vị thánh thần đến ban cho mình được thành Phật, được giác ngộ.

Là người con Phật, ngày kỷ niệm này tuy cách chúng ta hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng lời dạy và sự thể nghiệm của Ngài còn đó. Nếu chúng ta chịu làm chịu thể nghiệm thì kết quả y nhiên như vậy. Chúng ta chịu mở cửa phát huy hướng đến tâm tuệ, nhận khả năng giác ngộ của mình một cách cụ thể chính xác thì việc thực hiện được sẽ đạt kết quả không nghi.

Trong đạo Phật rất dè dặt đối với những cái gọi là siêu nghiệm, thần thông. Vì thần thông có khi nó làm mờ đi trí giác. Ở đây chỉ muốn nói những cái gì hiện thực trong đời sống của chúng ta. Được sống trong hoàn cảnh này chúng ta chỉ cố gắng tu thôi. Tu nghĩa là sửa, những gì còn xấu dở chúng ta loại bỏ nó ra, buông nó đi. Ai chịu sửa là người đó biết tu. Nếu mình còn cố chấp chưa chịu bỏ cái dở là chưa chịu tu, dù hình thức bề ngoài đẹp thế nào mà bên trong chưa trừ bỏ các chủng tử nghiệp xấu cũng chưa phải là tu.

Lời cuối cùng tôi xin gởi đến quí vị, tất cả chúng ta là con của Phật, quí kính Phật trong ngày kỷ niệm trọng đại này, chúng ta cùng nhau về đây, dâng lòng thành cúng dường Tam bảo, với tâm nguyện kiên quyết làm theo lời Phật dạy, bằng cách sửa bỏ những gì không hay. Nỗ lực phát huy định tỉnh để được sáng suốt, thấy rõ phiền não, sự chấm dứt của phiền não, sáng suốt thấy rõ những hiện tượng chung quanh, những dây mơ rễ má, những gì không thật đeo bám quanh ta mà gỡ bỏ hết đi. Chúng ta nhận hiểu thấu đáo lời dạy của đức Phật để thực hiện giác ngộ được như Ngài. Đó là người Phật tử biết tu chân chánh.

[ Quay lại ]