headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TRANG NGHIÊM TỰ THÂN

Trong đạo Phật, nói tu là lọc lừa những cặn bã còn tồn đọng trong tâm chúng ta. Chữ tâm ở đây cũng chưa phải là bản tâm thanh tịnh hằng hữu của mình, nó chỉ là bóng dáng vọng tưởng thôi. Tuy nhiên còn trong vòng đối đãi, chúng ta vẫn còn sử dụng tâm này, nhưng gạn lọc những suy nghĩ, những ý tưởng xấu bỏ đi, giữ lại phần hiểu biết chân chánh. 

Người tu biết được bóng dáng vọng tưởng thì khéo lọc lừa những gì không cần thiết cho việc tu hành, chúng ta loại ra. Thải bỏ được nhiều cặn bã thì còn lại những tinh ba trong trắng. Đây gọi là trang nghiêm tự thân.

Có hai thứ trang nghiêm không thể thiếu đối với người tu. Một là trang nghiêm Bồ-đề tự thân, hai là trang nghiêm phúc trí tự thân. Từ đó phát tâm đại bi trang tghiêm tất cả các công hạnh, làm lợi ích chúng sanh.

Muốn thành tựu đại nguyện, phát huy đại bi trước nhất chúng ta phải trang nghiêm Bồ-đề tự thân. Bao giờ Bồ-đề tâm vững mạnh, bản thân chúng ta thanh tịnh, thì phát huy tâm đại từ bi, khởi đại hạnh cứu giúp chúng sanh. Cho nên biết tâm Bồ-đề đã trang nghiêm thì phúc trí cũng trang nghiêm và vững mạnh. Ở đây nói trang nghiêm tự thân tức là trang nghiêm phúc trí của mình. Người đầy đủ phúc trí thì công hạnh vị tha mới trôi tròn được. Nói một cách dễ hiểu là phần bên trong vững mạnh thì dáng dấp bên ngoài luôn tươi tắn khỏe mạnh. Những vị này tâm niệm lúc nào cũng an hòa, không phiền muộn. Vì thế người đời nhìn dáng dấp bên ngoài là biết mình tu như thế nào rồi. Không cần phải xem chỉ tay, xem tướng gì cả. Người tu mà ủ dột, sầu héo là nội dung vắng thiếu. Vắng thiếu cái gì? Vắng thiếu sự sáng suốt và vắng thiếu trang nghiêm tâm Bồ-đề.

Trong nhà thiền các thiền sư dạy phải sống được với tánh giác của mình, tức là phải sống với tâm Bồ-đề hoàn toàn an tĩnh. Muốn thế chúng ta không thể ngồi chờ, mà phải từng bước thực tập thiền định. Tâm an định trí tuệ phát sáng, nhận ra được tâm chân thật hiện hữu ngay nơi mình. Cố gắng tập sống với tâm đó gọi là trang nghiêm tự thân Bồ-đề.

Chúng ta thường quen ngược xuôi theo những biến ảo, đổi thay bên ngoài nên tưởng rằng an lạc giải thoát cũng ở bên ngoài. Do đó khởi những niệm mong cầu, trông đợi bên ngoài từ đấng nào đó ban cho mình. Trong khi đức Phật tuyên bố Ngài chỉ là bậc đạo sư, không thể ban phước giáng họa cho ai. Ngài chỉ là một bậc Thầy dẫn đường, đi hay không là do nơi chúng ta. Ngài không phải là người có thể ban phước báu hay tội lỗi cho chúng sanh. Dù rằng Phật đầy đủ phúc trí thần thông diệu dụng phi thường, nhưng Ngài không làm việc như vậy.

Nói thế để mỗi người chúng ta tự ý thức, không thể trông đợi ở đức Phật hay các vị Thánh điều gì. Tất cả đòi hỏi ở công sức, sự tu hành của mình. Tuy tánh giác sẵn có, không phải vay mượn ở đâu, nhưng nếu không tu chúng ta sẽ không nhận ra nó. Một ngày sống một ngày công phu là một ngày phấn khởi. Việc tu hành do mình tự nguyện làm, không bị bắt buộc, cũng không có ý niệm trông chờ ai giúp mình được mau hơn tốt hơn. Hiểu vậy chúng ta sống rất an ổn. Ngược lại, nếu chúng ta trông cậy bên ngoài, giả như lúc đó sự cầu nguyện của mình được đáp ứng ta vui, nhưng khi không được đáp ứng, lúc đó ta sẽ buồn bực. Thành ra, trong quá trình tu học lúc vui, lúc buồn, như vậy làm sao tiến. Giống như người bước tới một bước, thụt lui năm sáu bước, rồi đứng đó ngó qua ngó lại nản lòng, nhất định người này có đi muôn ngàn năm cũng dẫm chân tại chỗ. Cho nên chúng ta nắm vững đường lối chủ trương, cứ thế mà tiến. Dù bước chậm nhưng từng bước phấn khởi, từng bước chắc thực không thối lui.

Các thiền sư dạy hãy nhìn dưới gót chân mà đi, cấm không cho ngó qua ngó lại, dẫm đạp lúa mạ của người. Phải đi thẳng. Đối với việc tu hành, có người hỏi chúng tôi rằng:

- Thầy tu có gì vui không?

Tôi nói:

- Nếu không vui thì tu không nổi đâu.

Phải vui, có niềm hân hoan phấn khởi mình mới bước tới được. Nếu trong đầu còn quờ quạng ngổn ngang trăm thứ, mình bước mà chẳng biết tới đâu, chẳng thích thú gì cả! Cho nên muốn nội tại sung mãn không gì ngoài việc công phu, hằng ngày trau dồi, huân tập các việc công đức. Đã có đủ phước trí thì làm gì cũng dễ thành tựu. Quý vị có tin điều này không? Như chúng ta ăn chung một mâm, làm chung một việc, đi chung một đoạn đường, nhưng người có phước, từng bước đi, từng thức ăn, từng việc làm của họ đều thuận lợi, tốt đẹp. Còn người thiếu phước thiếu duyên, đi đâu hay làm việc gì cũng bị khó khăn, không có kết quả như ý.

Các vị tu hành trong núi thường nói những lời hết sức bình thường như: "Bần tăng ở trong núi sâu, ít người lai vãng. Ăn thì ăn hạt lật, hạt dẻ hoặc rau rừng, uống nước suối v.v…" Đó là những lời bình thường giản dị, nhưng nội tâm thật sung mãn. Hiện nay chúng ta không sống trong rừng núi, không phải ăn hạt lật hạt dẻ, uống nước suối. Chúng ta sống trong thành phố với bao nhiêu tiện nghi, tuy nhiên chúng ta muốn được như các ngài không phải là dễ. Bởi vì tâm mình còn nhiều cặn bã quá, chưa được thanh lọc trong sạch nên chưa đủ phước để cảm nhận niềm vui sâu lắng của người sống đạo.

Có thể nói người tu hành giống như ông thợ rèn. Muốn cho thành phẩm của mình làm ra tinh ròng, đẹp mắt, thì những kim loại để luyện đúc món đồ đó phải được lọc kỹ cặn bã. Nếu lấy ba mớ sắt vụn ở chỗ bán phế liệu đem về nấu rồi đổ ra, thì ba bữa thôi tiệm rèn ấy sẽ đóng cửa. Thợ rèn, thợ hồ hay thợ kim hoàn gì cũng vậy, phải có sự lọc lừa kỹ lưỡng thì thành phẩm mới có giá trị. Việc tu hành của chúng ta cũng thế, muốn yên thì phải lọc bỏ phiền não vọng tưởng lăng xăng. Lọc có nhiều cách. Phật dạy mình đừng mắc mứu ngoại cảnh, phải có trí tuệ, buông bỏ những gì không cần thiết hoặc thấy nó giả, v.v… Tùy, chúng ta áp dụng phương thức nào cũng được hết, với điều kiện là lọc bỏ được cặn bã thì thành quả sẽ như ý.

Người có đầy đủ phúc trí hay tự trang nghiêm bản thân, người đó tâm Bồ-đề sung mãn, được duyên phúc thuận lợi, tiến thêm một giai đoạn nữa là phát khởi tâm đại từ bi làm công việc vị tha vô ngã. Nếu chúng ta chưa sống được với tánh giác thì khó phát huy đức vị tha vô ngã. Đôi khi mình thực hành vị tha vô ngã mà kết quả lại trái ngược, không vị tha mà là vị ngã. Vâng, có thể là như thế. Cho nên muốn làm việc vì chúng sanh, trước tiên bản thân chúng ta phải trang nghiêm, tâm Bồ-đề phải vững mạnh. Cho nên ở đoạn kế này tôi muốn nói đến tánh bình đẳng, tức là tâm vì mọi người.

Nội từ bình đẳng thôi là đã thấy khó rồi. Chữ Bình là bằng, chữ Đẳng là không có giai cấp. Làm sao thỏa lòng được tất cả mọi người một cách bình đẳng. Khó lắm! Như kiểm lại trong nhà của mình, trên là các bậc trưởng thượng như cha mẹ, kế đến anh chị em, rồi tới con cháu. Mở cửa ra ngoài thì bà con láng giềng. Trong bà con láng giềng có bà con cùng họ bên nội, bà con một họ bên ngoại, bà con gần, bà con xa… Bây giờ đạo Phật nói bình đẳng. Làm sao bình đẳng được? Bởi vì có khi bà con bên nội mình thương hơn bà con bên ngoại hoặc ngược lại. Biểu bình đẳng, bình đẳng như thế nào? Cho nên việc này không phải đơn giản. Nhưng trong nhà Phật có cái bình đẳng mình thực hiện được.

Trước nhất là bình đẳng trên tánh giác hay tâm bồ đề. Phật nói tất cả chúng sanh đều có tánh giác. Chúng ta phát huy tánh bình đẳng theo lời Phật dạy. Chứ còn nhìn bằng mắt thịt, bằng nghiệp duyên phân biệt thì khó tìm được sự bình đẳng lắm! Chỉ khi nào ta thấy người này là Phật, người kia là Phật, mình cũng là Phật, mấy người ghét mấy người thương mình cũng là Phật, chừng đó bình đẳng. Muốn thấy như vậy, tâm Phật của chúng ta phải toàn bị, giác tánh sung mãn, nội dung nội tại vững vàng, Chứ bên trong còn rào giậu, tường vách cứng ngắc, tâm Phật chưa phát huy được thì không thể có cái nhìn bình đẳng đối với mọi loài.

Muốn phát huy được tinh thần bình đẳng trong đạo Phật, chúng ta phải thấy được chất Phật của từng người, từng chúng sanh. Chất Phật đó mỗi người đều sẵn có. Sở dĩ người kia chưa phát huy được là vì còn những lý do nghiệp tập riêng của họ, mình nên cảm thông. Khi nào hết nghiệp họ sẽ mở được tánh Phật. Chắc chắn như vậy. Chúng ta mở rộng lòng mình, buông những hẹp hòi vị kỷ để phát huy tánh bình đẳng. Đây là yếu tố chính để phát huy phúc trí của mình. Như vậy hay biết là bao!

Từ cái nhìn của mình mà ta thêm bệnh hay bớt bệnh. Nếu cái nhìn si mê ích kỷ dẫn đạo thì tham sân, phiền não dấy khởi. Nếu cái nhìn trí tuệ dẫn đạo thì ta phát huy được tánh Phật, trong đó đầy đủ đức bình đẳng và từ bi. Cho nên cái nhìn rất quan trọng. Như con mắt của Bồ-tát Quán Thế Âm thấy tất cả chúng sanh đang bị chìm ngập khổ đau, Ngài sẵn sàng rưới nước cam lồ, thị hiện trong mọi ngõ ngách để cứu vớt, tùy theo phúc duyên của mỗi chúng sanh. Ngài làm việc với tâm vị tha bình đẳng. Đó là do con mắt tuệ giác của Bồ-tát mở ra. Người tu tầm thường như chúng ta, mở được con mắt tuệ, phát huy tánh giác không phải dễ nên phải thiết tha siêng năng tu tập lắm mới được.

Trên thực tế nói dễ làm khó. Như Hòa thượng dạy chúng ta buông bỏ, nhưng mình thấy cái gì cũng thích, cũng thương mến, làm sao buông được. Chẳng những không buông mà còn bỏ túi, để dành cho bây giờ và mãi mãi về sau nữa. Chỉ khi nào đầy đủ tuệ giác thấy những thứ đó là giả, không thiệt mình mới buông được. Cái thích thì muốn ôm giữ, cái không thích thì muốn tống đi. Chúng sanh là vậy. Bồ-tát không như thế. Chúng ta là đệ tử Phật, đi theo con đường Phật đi, tập hành hạnh Bồ-tát, đừng nuôi dưỡng những quan niệm ấy. Giả dụ gặp đối tượng mình không thích, liền dùng pháp nhân duyên, soi rọi mình trước cái đã. Vì ta tạo nghiệp nhân không tốt với họ nên nhìn nhau không có thiện cảm. Nếu không tạo đời này thì cũng những đời trước. Đã lỡ tạo nghiệp thì bây giờ chấp nhận trả, buông bỏ hết đi, đừng tạo thêm nữa. Quán sát như vậy, lòng mình cảm thấy dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn.

Nhìn chín chắn bằng pháp duyên sinh, biết rõ tất cả pháp được hình thành do nhiều nhân nhiều duyên, nên ta không cố chấp, không đóng khuôn trong một hạn hẹp nào. Giống như cái nhà được hình thành không phải chỉ một cây cột, một miếng ngói hoặc là sợi kẽm… Trong đó rất nhiều cây cột, cây kèo, rui mè, rồi bê tông sắt thép, công thợ… đủ thứ. Thiếu một trong những nhân duyên này cái nhà không thể có. Cho nên nhìn bằng pháp duyên sinh chúng ta cởi mở, thấy không có gì thiệt nên không chấp. Do không chấp nên không phiền não khổ đau.

Khi gặp đối tượng thuận cũng quán như thế. Sự ưa thích này cũng trong giới hạn nào thôi, nó không thật, buông bỏ đi. Nếu không chịu buông sớm, một ngày nào do tính vô thường, nó bị mất đi  hoặc ta không còn ưa thích nữa mà cứ đối diện mãi sẽ làm cho mình khổ. Chính những cảm giác dễ chịu là nguồn gốc của đắm trước và gây nghiệp trong vòng lẩn quẩn, nhà Phật gọi là bánh xe luân hồi. Cái nhìn sai lầm không đáng gì hết mà nó làm khổ chúng ta. Tuy nhiên mê và ngộ không có biên cương, giống như sáng và tối vậy. Chỉ cần chúng ta chịu thắp lên ngọn nến trí tuệ là tất cả bóng tối vô minh tan ngay.

Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta cũng vì cái nhìn sai lầm mà đưa đến nhiều tai hại đáng tiếc. Chúng sanh không nhìn bằng tuệ giác mà nhìn bằng cặp mắt tăm tối nên thấy ai cũng xấu với mình. Như câu chuyện anh chàng mất búa. Cái búa chưa tìm được anh ngồi trước nhà, ai đi ngang anh cũng thấy người đó là kẻ ăn cắp búa của anh. Chúng ta cũng vậy, vì tuệ giác chưa khai mở nên nhìn nhau bằng cặp mắt nghi ngờ, suy đoán lung tung, không ai tin ai cả.

Đã là Phật tử, chúng ta nên loại bỏ những thói quen xấu ấy đi, luôn tỉnh sáng thấy rõ việc tu hành là cần thiết nhất, đừng chạy theo thế sự bên ngoài. Người đủ phúc trí rồi thì cái nhìn luôn tốt lành, không bị mất ngủ, không bận bịu gì, cần nhìn thì nhìn không cần nhìn thì cắt. Khi có được cái nhìn như vậy rồi, ta dễ thông cảm và chia sẻ với người khác. Đây chính là vị tha. Có tinh thần này chúng ta mới thực hiện đạo lý bình đẳng một cách hoàn bị nhất. Trong đạo Phật có những từ như "Vô duyên đại từ", "Vô duyên đại bi", đại từ đại bi mà là vô duyên. Vô duyên là sao? Nghĩa là không có duyên gì hết. Chữ "Duyên" là có sự ràng buộc với nhau. Ví dụ mình nói "Tôi có nhân duyên với người này", tức là có sự quan hệ cảm thông với nhau. Ở đây việc làm của Phật, của Bồ-tát là vô duyên, không ràng buộc với ai hết, làm bằng trí tuệ và từ bi. Chúng ta chưa được như vậy, nhưng cũng từng bước tu tập để đi đến tâm đại từ vô duyên, đại bi vô duyên ấy. Có thế mới đảm bảo thanh tịnh giải thoát.

Người xưa quở thật nặng “Các ông giống như con cẩu, đụng gì cũng ngửi cũng liếm” Các ngài nói nghe nhức đầu thiệt, nhưng một phen nghe là muốn ngộ đạo. Quả thực chúng sanh là thế. Khi nào quý vị ngồi một mình sẽ thấy rõ mình hơn. Như chúng ta đang ngồi thiền, quy luật là không cho chạy ra ngoài. Thân và tâm đều không được phóng ra ngoài. Nhưng đố quý vị cấm được con khỉ này. Lúc nào cũng có những niệm lăn tăn li ti dấy lên, nào là nhớ Thành phố, nhớ ba má, nhớ chuyện năm trên năm dưới… hết cái này tới cái kia. Có khi hai ba việc vô một lúc, chồng chất lên nhau chập chùng.

Các thiền sư bảo chúng ta buông những thứ đó thì tâm thanh tịnh hiện bày. Nói thì dễ nhưng buông đâu có dễ. Khởi niệm lên thành phố rồi thì người thân, bạn bè mời tiệc tùng đủ thứ, làm sao bỏ được. Khởi niệm chỗ này, khởi niệm chỗ kia, lăng xăng niệm trước niệm sau chồng chất chập chùng. Ngồi một mình trong chỗ vắng vẻ quí vị mới thấy cái đám khỉ đột của chúng ta, nó quậy mình tơi bời. Cho nên người xưa nói tu trên núi trên non mà chưa dừng được con khỉ vượn trong tâm thì không hơn nổi người tu ở thành phố. Người tu ở thành phố mà dừng được khỉ vượn thì hơn người ở trên núi trên non. Rõ ràng như vậy. Cho nên người tu thiền phải sáng suốt từng phút từng giây, nhận diện chính mình mới không bị vọng tưởng dẫn đi.

Người tu bắt buộc phải phát huy trí tuệ. Thiếu trí tuệ chúng ta sẽ ngủ gục, không có tỉnh sáng. Không có trí tuệ thì không yên với con khỉ trong tâm. Do đó thiền sư nói Người tu phải định tĩnh. Định tĩnh là gì? Là mình không bị xé ra, không ngủ mê nói mớ khi vật vờ, cũng không nắm Đông bắt Tây khi tỉnh táo. Cả hai mặt đều giữ công phu tỉnh sáng. Việc tu cần phải dè dặt, chớ vội nói “tôi tu khá lắm”, e mình lầm. Những chiếc bóng giả bên ngoài lúc nào cũng rình rập chụp lên, làm mờ trí tuệ mà ta không biết. Đó là nguy cơ khiến mình không phát huy được tnh bình đẳng. Chẳng những không phát huy được tính bình đẳng, lại còn sử dụng tâm phàm tình vọng tưởng điên đảo để rồi tạo nghiệp.

Hòa Thượng luôn dặn thế này: "Đừng nghĩ quấy, đừng nói sai, đừng làm bậy." Nội cái nghĩ quấy đừng nghĩ, nếu không bình tĩnh, không có trí tuệ làm sao chúng ta biết mình nghĩ quấy! Ta có thể biết người khác nghĩ quấy, nhưng không biết mình đang nghĩ quấy. Ai cũng cái nghĩ của mình là chân lý, nên người khác đụng tới không được. Chúng ta nhớ tinh thần tu hành của nhà thiền là phản quan tức nhìn lại mình. Phản quan để đi vào thể nhận tánh giác. Nếu không phản quan mà rọi ra, pha đèn ra ngoài, càng pha càng mất mình. Đã mất mình mà làm việc vị tha thì coi chừng, thiên hạ ngã ngổn ngang hết. Nguy lắm.

Phản quan rọi lại để thấy mình còn bao nhiêu bệnh? Bệnh tham, bệnh sân, bệnh si. Trước nhất phải quán mình, trị bệnh cho mình rồi hãy nhìn đến người. Nếu bệnh tham thì sử dụng quán Bất Tịnh. Trước nhất quán nơi mình, ta thường cho thân mình quý đẹp nhất. Bây giờ mở những chỗ không đẹp, phát ra mùi hôi như cái miệng, lỗ tai, lỗ mũi, những chỗ trống từ thân tiết ra, không có chỗ nào tốt đẹp hết. Thế mà nói thân mình đẹp, ai đụng tới không chịu. Vô lý chưa? Nhờ quán như vậy hết cưng chiều thân này. Nhận nơi mình rồi thì thấy thân người khác cũng thế. Từ đó ta không chạy theo, không vướng mắc, tâm lặng yên.

Tu một thời gian, Thầy hỏi:

- Con tu làm sao?

- Bạch Thầy! Bữa nay con thấy an ổn trong lòng.

Thầy sẽ kiểm nghiệm mình qua những hiện tượng trước mắt, xem mình thực sự an ổn chưa. Phật tử ít gặp trường hợp như thế, chớ chúng tôi trong viện luôn luôn bị kiểm tra.

Hòa Thượng gặp hỏi:

- Lúc này chú tu ra sao?

- Bạch Thầy! Lúc này lòng con yên.

Sau tiếng yên đó liền có một bài kiểm tra, xem mình yên thật không. Thành ra phần tự thân chúng ta phải luôn luôn trang nghiêm. Người được yên là người nhiếp niệm tự tâm, khẳng định việc tu hành, vững mạnh làm chủ lấy mình, không bị ngục tù thân tâm giam hãm sai sử. Các thiền sư dùng từ “Ngục tù thân tâm” là đối với người chưa làm chủ được mình. Với người siêu xuất rồi thì không nói như vậy. Những từ này xuất phát từ kinh nghiệm tu hành, nói để cảnh sách nhắc bảo người sau. Nói ngục tù vì nơi đó không thể ở lâu được. Nó chỉ là quán trọ tạm dừng để mạnh chân, sáng mắt mà tiếp tục đi nữa.

Thêm một điều nữa, chúng ta muốn việc tu dễ dàng thì nên cắt bớt các duyên. Vì duyên là những cái ràng buộc, cắt đứt nó mới giải thoát được. Thiền sư sở dĩ tươi tắn nhẹ nhàng khoan thai là vì không bị duyên ràng buộc. Như hình ảnh Tổ Bồ Đề Đạt Ma, ngài lướt nhẹ thong dong trên biển cả, còn chúng ta phải đi thuyền bè. Nếu thuyền đó chở khẳm là chìm, còn Tổ đứng trên cành lau nổi phù phù, không bao giờ sợ chìm. Nói "đi" đó, không phải đi bằng cái thân tám chục ký, sáu chục ký… mà đi bằng trí tuệ, bằng diệu dụng của tâm vô nhiễm.

Mỗi người đều có bản tâm vô nhiễm, nhưng vì mê muội chúng ta tạo nghiệp như thế nào, bây giờ phải mang thân này, với nghiệp lực như vậy. Tuy nhiên nó không thật, có thể hoán chuyển được. Bây giờ làm sao ta nhận được nó không thật, từ đó trở về sống với tâm thể trùm khắp thì thoát khỏi thân nghiệp báo ấy. Không phải chỉ có Phật mới vào cảnh giới Niết-bàn. Mình cũng có Niết-bàn. Niết-bàn ở đây không phải đợi chết mới lên đó ngồi, mà chỉ cần thoát ra khỏi phiền não bất giác là vào được. Niết-bàn đây chính là tâm rỗng rang sáng suốt của mình.

Tâm rỗng rang sáng suốt là không có vật thể gì trong đó. Bao giờ chúng ta buông được những trở ngại, lọc bỏ hết cặn bã thì vào được Niết-bàn chân thật, thường tại nơi chính mình. Chỗ đó không phải là chỗ lý luận, không có giòng họ tên tuổi, không ngôn ngữ gì hết. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện thôi. Không nói mà vẫn thể hiện được, các thiền sư thể hiện độc đáo hơn ai hết. Ngài Lâm Tế y áo lên hỏi Tổ Hoàng Bá:

- Đại ý Phật pháp là gì?

Tổ cho ăn một hèo, đi xuống. Ngày khác, vị Thủ Tọa khuyên:

- Lên hỏi nữa, Hòa Thượng chưa trả lời thì lên hỏi nữa!

Hỏi lần thứ hai cũng bị ăn hèo. Xuống, ngài buồn tủi coi như mình không có nhân duyên với thầy. Hỏi đại ý Phật pháp hay quá, đâu phải nói sàm nói bậy mà thầy không dạy, lại còn cho ăn hèo, đuổi xuống. Tuy nhiên, vị sư huynh xúi lên nữa:

- Thầy cứ lên hỏi nữa đi!

Lên hỏi lần thứ ba lại cũng bị ăn hèo. Đó là gì? Là thầy trả lời bằng tâm đại từ bi, không lấy tranh che đầu, không gắn thêm giòng họ tên tuổi gì cho ngài Lâm Tế hết, mà giữ nguyên cái bất sanh bất diệt đó. Nhưng ai dám hiểu. Tổ Lâm Tế khi đó cũng chưa hiểu nổi, hà huống chúng ta. Cho nên thôi, để dành đó chứ biết làm sao!

Quý vị nhớ tất cả chúng ta đều có tánh giác, đều có trí tuệ đức tướng Như Lai. Nhận lại hay không là quyền của mỗi người. Nhận lại báu vật của mình thì hết ngược xuôi ngàn đời, khỏi trầm luân trong sanh tử. Nếu không muốn thì phải chịu khổ thôi, không ai thay thế cho mình được cả. Mong tất cả chúng ta hãy sáng suốt mà lựa chọn một con đường, trang nghiêm tự thân để viên mãn tâm Bồ-đề.

 

[ Quay lại ]