headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Thường

tstrithuongThiền sư Trí Thường
(Quy Tông)

Lúc còn tại gia không rõ danh tánh và quê quán ở đâu. Người ta chỉ biết Sư đến tham vấn Mã Tổ, được đại ngộ. Sau từ giã Mã Tổ, Sư đi tìm nơi an trụ. Lúc Sư ra đi đồng thời với sư Phổ Nguyện, Trí Kiên...

Sau, Sư an trụ tại chùa Quy Tông, ở Lô Sơn.

Chúng ta thiếu sử liệu trong phần xuất xứ của ngài, chỉ biết từ khi ngài đến pháp hội của Mã đại sư được đại ngộ. Sau đó ngài từ giã thầy tìm nơi yên tĩnh tu hành. Đồng đi với Sư có các ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện, Trí Kiên… Về sau, ngài trụ ở chùa Quy Tông, Lô Sơn.

 Sư thượng đường dạy chúng:
- Các bậc Cổ đức từ trước không phải chẳng hiểu biết, các ngài là bậc cao thượng chẳng đồng hạng thường. Người thời nay không thể tự thành tự lập, để tháng ngày qua suông. Các ngươi chớ lầm dụng tâm, không ai thế được ngươi, cũng không có chỗ ngươi dụng tâm. Chớ đến người khác tìm, từ trước chỉ nương người khác mà hiểu, nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấy suốt, chỉ vì trước mắt có vật.

Ngài dạy các bậc cổ đức từ trước không phải chẳng hiểu biết. Các ngài là bậc cao thượng, không như người thường. Chúng ta bây giờ yếu đuối nên không nhận ra của báu nhà mình, không thể tự thành tự lập, để tháng ngày qua suông. Hòa thượng Trúc Lâm nói vì không nhận ra được ông chủ, không sống được với tánh giác, nên chúng ta còn mê.

Các ngươi chớ lầm dụng tâm, không ai thế được ngươi, cũng không có chỗ ngươi dụng tâm. Dụng tâm là gì? Là khéo léo trong công phu tu hành. Phải hành như thế nào mới gọi là tu? Hành trì đúng theo pháp Phật gọi là tu.

Ngài bảo chúng ta chớ lầm. Lầm việc gì? Lầm phương tiện. Phải biết các pháp tu đều là phương tiện để gột rửa nghiệp tập, những u nhọt tăm tối của mình, chớ không phải cứu cánh. Thực ra bản thể vốn thanh tịnh thì có chỗ nào tu, có cái gì để hành? Do vậy các thiền sư thường dùng tiếng gọi, hay những hành động đánh hét, hoặc lời nói không dính dáng gì, để khai thị cho hành giả. Chỗ đó không có ngôn ngữ nào mà “dùi” cho được. Nếu dùng từ nói chỗ tột cùng đó, cũng như con muỗi dùi trâu sắt vậy. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không tu, bây giờ còn đang mê nên phải tu hành. Chẳng những tu mà còn bị hành nữa, cần cố gắng nhiều lắm.

Chớ đến người khác tìm, từ trước chỉ nương người khác mà hiểu, nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấy suốt, chỉ vì trước mắt có vật. Nếu chỉ nương bên ngoài tìm cầu thì không bao giờ nhận ra được. Chúng ta đã sống quá nhiều với tâm niệm dấy động rồi, cũng phải đến lúc lặng yên, chẳng động tự như như. Khuya nào mình cũng nghe huynh đệ nhắc: “Nếu biết tâm tánh không tướng mạo, lặng yên chẳng động tự như như”. Không hề kêu tu mà chỉ bảo “lặng yên”.

Bài pháp của Ngài rất dễ hiểu. Chủ yếu của việc hành trì Phật pháp là để làm gì? Để nhận lại và sống được với tâm thể của chính mình, còn tất cả hình thức bên ngoài đều là giả tạm. Trong Chứng đạo ca, ngài Huyền Giác nói: “Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ”, tức là nghe được điều đó vừa vặn như được uống nước cam lộ. Bây giờ chúng ta học Phật pháp, hành trì Phật pháp làm sao để có thể “kháp tợ ẩm cam lộ”. Tuy sống và tu tập trong cuộc sống này, lúc mê lúc tỉnh… nhưng tập dần dần khớp với chánh đạo, với giác ngộ giải thoát, để nhận và sống được với bản lai diện mục của chính mình. Chúng ta phải đả thông chỗ này, nếu không khéo công phu, sẽ không đạt được giác ngộ giải thoát ngay trong cõi trần tục này.

Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là huyền chỉ?

Sư đáp:

- Không người hay hội.

- Người hướng về thì sao?

- Có hướng tức trái.

- Người chẳng hướng về thì sao?

- Ai cầu huyền chỉ?

- Đi! Không có chỗ ngươi dụng tâm.

- Đâu không có cửa phương tiện khiến học nhân được vào?

- Quan Âm sức diệu trí, hay cứu khổ thế gian.

Sau khi đối đáp Ngài biết vị tăng này chưa xong nên bảo đi đi, ông không có được. Vị tăng hỏi lại với vẻ như trách: “Đâu không có cửa phương tiện khiến học nhân được vào?” Ngài nói: “Quan Âm sức diệu trí, hay cứu khổ thế gian”. Nguyên văn trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn là “Quan Âm diệu trí lực, năng cứu thế gian khổ”.

Chúng ta học kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn sẽ thấy lực dụng của Bồ-tát Quán Thế Âm to lớn vô cùng. Tôi nhớ có đoạn Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện ba mươi hai ứng hóa thân để cứu độ chúng sanh. Khi Ngài muốn độ đồng nam thì hiện thân đồng nam, muốn độ đồng nữ thì hiện thân đồng nữ, muốn độ quỷ thần thì hiện thân quỷ thần… thậm chí đến các thần Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, phi nhơn... Ngài đều thị hiện ngay tại chỗ của loài đó để độ. Như bây giờ Ngài nghe được lời khẩn cầu của người Việt Nam nên thị hiện cứu độ. Ở Việt Nam, quý cô khẩn cầu nhiều nên Bồ-tát Quan Thế Âm hiện thân nữ, phải hiện thân giống mấy cô mới độ mấy cô được.

- Thế nào là sức diệu trí Quan Âm?

Sư gõ cái đỉnh ba tiếng, hỏi:

- Ngươi nghe chăng?

- Nghe.

- Sao ta chẳng nghe?

Tăng không đáp được.

Sư cầm gậy đuổi ra.

Từ đầu tới đuôi vị tăng này cũng chỉ chạy ra ngoài. Nghe nói diệu trí thì hỏi diệu trí, nghe gõ cái đỉnh thì theo tiếng gõ. Phần nhiều chúng ta sống là chạy ra như vậy. Bởi chạy ra nên vướng mắc, quên đường về.

Có vị thiền tăng, cứ mỗi khi hoàng hôn phủ xuống là nghe buồn nhớ quê xưa. Sư phụ bảo nơi ấy đẹp lắm, có chư Phật, chư Bồ-tát đang trông đợi mình về. Nghe đâu trên bảng đá trước làng có khắc tên mình, nhưng vì đi lâu quá nên quên mất đường về, từ đó cứ loay hoay mãi. Các vị thiền sư nói “ngã thị thùy”, nghĩa là “ta là gì?”. Chúng ta không biết mình là gì. Quên hết rồi. Chỉ nghe nói ở Tây Phương cách mười muôn ức cõi nước có thế giới Cực Lạc, ở đó có ao sen Liên Trì rất đặc biệt, chúng sanh được hóa thân từ ao này, mình cũng vậy. Có người ngủ mơ thấy một đóa sen nhô lên cao sắp nở ra, dưới đóa sen có ghi tên của mình…

Thí dụ như vậy để làm gì? Để chúng ta biết mà cố gắng. Cố gắng như thế nào? Cố gắng làm sao để đóa sen của mình đừng bị gió làm gãy, đừng bị khô nước, đừng bị vật gì bu bám khiến nó rách hư, giữ cho đóa sen luôn phát triển. Đó là cách nói để nhắc chúng ta nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, tinh tấn tu học, hành trì Phật pháp. Phật luôn dạy là phải tu, phải tự trang nghiêm thanh tịnh, vất bỏ tất cả những gì vớ vẩn. Nếu mình còn mơ, còn thích đi dạo, thì sẽ bị ma ốp, quên mất đường về. Đáng sợ lắm!

Tăng không đáp được. Sư cầm gậy đuổi ra. Nếu khi Hòa thượng gõ một cái, hỏi nghe không, tăng nắm cây gậy của Hòa thượng nói: “Con với Hòa thượng cùng chống gậy”, may ra còn cứu vãn tình hình. Ở đây hỏi “nghe không?”, đáp “Dạ nghe” bình thường. Nghe là nghe cái gì? Các ngài muốn nhắc cái nghe của tâm thể hiện tiền nơi mình. Chúng ta cũng giống như vị tăng nọ, chỉ nghe âm thanh của tiếng gõ cái đỉnh, cho nên bị đuổi ra.

Đại Ngu đến từ biệt Sư.

Sư hỏi:

- Đi đâu?

- Đi các nơi học ngũ vị thiền.

- Các nơi có ngũ vị thiền, ta trong ấy chỉ có nhất vị thiền.

- Thế nào là nhất vị thiền?

Sư liền đánh.

Đại Ngu bỗng nhiên đại ngộ, thưa:

- Ngưng, con hội rồi.

- Nói! Nói!

Đại Ngu vừa nghĩ trả lời.

Sư lại đánh đuổi ra.

Vị này tuy là đệ tử lớn nhưng vì hơi chậm một chút nên bị đánh đuổi ra. Tuy nhiên chưa đến mức độ như vị ở trên.

Tăng đến từ biệt, Sư hỏi: “Đi đâu?”. Đáp: “Đi học ngũ vị thiền”. Sư nói: “Các nơi có ngũ vị thiền ta trong ấy chỉ có nhất vị thiền”. Lại hỏi: “Thế nào là nhất vị thiền?”. Sư liền đánh. Đây là cách các ngài dùng để nói đến chỗ thấu triệt. Bởi vì chỗ đó không thể sử dụng ngôn ngữ dò tìm.

Thế nào là nhất vị thiền? Sư liền đánh. Đại Ngu bỗng nhiên đại ngộ, thưa: Ngưng, con hội rồi. - Nói! Nói! Đây là một cái bẫy. Các ngài biểu nói nhưng đừng nói. Thí dụ Thầy đưa chén chè, biểu nói. Nói cái gì đây? Suy nghĩ. Lúc đó lấy chén chè ăn là tốt nhất. Phải không? Thật sự không có gì để nói, thầy đưa thì trò ăn. Như vậy là đủ. Ở đây biểu nói, Đại Ngu suy nghĩ để nói nên bị đánh. Ngay đó ngài liền ngộ.

Sau, Đại Ngu đến Hoàng Bá đem việc này thuật lại, Hoàng Bá thượng đường dạy chúng:

- Mã đại sư sanh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến cái tiêu chảy, tiêu chảy đầy đất chỉ có Quy Tông.

Tức là trong tám mươi bốn vị đại đệ tử của Mã Tổ, chỉ có ngài Quy Tông là người mà ngài Hoàng Bá cho là đặc biệt nhất. Dùng từ tiêu chảy là cách nói mang ý nghĩa xả sạch sẽ hết.

Sư vào vườn hái rau, bèn vẽ một vòng tròn quanh bụi rau, bảo chúng: “Không được động đến cái này.” Toàn chúng đều không dám động. Giây lâu, Sư lại đến xem bụi rau, thấy còn nguyên, Sư bèn cầm gậy đuổi chúng tăng bảo: “Cả bọn mà không có một người trí tuệ.”

Ngài là vị thầy đại từ bi, muốn nhân những sinh hoạt bình thường, gợi ý cho vị nào trong chúng có thể “xong việc” thì đủ cơ hội để “xong việc”. Cách Ngài dùng cũng giống như “chiêu” chém mèo của ngài Nam Tuyền vậy. Trong khi hai bên nhà đông nhà tây tranh nhau con mèo, Ngài cầm dao đưa lên, nói: “Các ngươi nói được thì tha con mèo, nói không được thì trảm.” Hai bên đều ngớ hết nên con mèo bị trảm.

Ở đây cũng vậy, ngài Quy Tông khoanh dưới bụi rau rồi bảo không được động đến, trong khi đại chúng đang đi làm cỏ, đang tưới, đang hái rau… Rõ ràng là cái bẫy. Nếu là người sáng thì khi nghe thầy nói không động đến, liền nhổ gốc, rửa sạch để vào rổ rồi đem về nấu ăn. Còn ở đây không ai dám động tới thì quả thật Ngài quở là phải. Cả bọn mà không có một người trí tuệ. Ngài nói thật là khỏe.

Vân Nham đến tham vấn, Sư làm thế kéo cung. Vân Nham giây lâu mới làm thế rút kiếm. Sư bảo:

- Sao đến rất chậm?

Ngài Vân Nham có nhận ra nhưng chậm, cơ phong chưa bén nhạy. Thường khi đến các thiền sư, lúc thầy trò sử dụng tới cơ phong giống như xổ cờ xung trận. Trống đánh, cờ phất liền chạy tới sáp trận, nếu lúc đó còn lượng sượng là chết.

Có vị tăng đến từ giã, Sư bảo:

- Lại gần đây, ta vì ngươi nói Phật pháp.

Tăng đến gần.

Sư bảo:

- Các ngươi trọn còn việc, ngươi khi khác lại đến, trong ấy không người biết ngươi. Trời lạnh trên đường khéo mà đi.

Sư bảo đến gần để nói Phật pháp cho nghe, vị tăng đi đến bình thường. Cho nên Sư nói các ngươi trọn còn việc, tức là chưa xong. Ngươi khi khác lại đến trong ấy không người biết ngươi, tuy nhiên nói thế không phải là hết chỗ dùng, nên hẹn khi khác đến. Trời lạnh trên đường khéo mà đi, trên con đường công phu nên khéo mà đi, không giống việc cơm cháo bình thường đâu. Nếu không thì đường Thạch Đầu trơn, rất dễ té.

Sư thượng đường bảo:

- Nay tôi muốn nói thiền, các ngươi tất cả lại gần đây.

Đại chúng tiến đến gần.

Sư bảo:

- Các ngươi nghe, hạnh Quan Âm khéo hiện các nơi chốn.

Tăng hỏi:

- Thế nào là hạnh Quan Âm?

Sư khảy móng tay, hỏi:

- Các ngươi có nghe chăng?

- Nghe.

- Một bọn hướng trong ấy tìm cái gì?

Sư cầm gậy đuổi ra, rồi cười lớn, vào phương trượng.

Ngài vận dụng phương tiện dạy dỗ để đệ tử gột rửa, lọc lừa cho xong việc. Nhưng qua khảo nghiệm thì thấy hầu hết đệ tử chỉ mấp mé thôi, chưa bước lên được đài vinh quang, chưa qua nổi đầu sào trăm trượng. Cho nên nói còn “thiếu một chùy”, còn phải nhảy một phát.

Thích sử Giang Châu là Lý Bột đến hỏi Sư:

- Trong kinh nói: “Hạt cải để trong núi Tu-di”, Bột không nghi, lại nói: “Núi Tu-di để trong hạt cải”, phải là nói dối chăng?

Sư gạn lại:

- Người ta đồn Sử quân đọc hết muôn quyển sách phải chăng?

- Đúng vậy.

- Rờ từ đầu đến chân bằng cây dừa lớn, muôn quyển sách để chỗ nào?

Lý Bột cúi đầu lặng thinh.

Hạt cải để trong núi Tu-Di thì chuyện đó không có gì khó, nhưng núi Tu-di nhồi nhét thế nào để có thể vào trong hạt cải? Lý Bột đến thưa xem Ngài trả lời thế nào. Ngài bảo Người ta đồn Sử quân đọc hết muôn quyển sách phải chăng? Ông đáp: “Đúng vậy”. Ngay đó Ngài liền hỏi toàn thân bây nhiêu thì ngàn quyển sách để ở đâu? Ông trả lời không được. Vị quan này đã hỏi đạo nhiều nơi, từ chỗ ngài Dược Sơn rồi tới Hoàng Bá, Quy Sơn... những nhân vật lớn trong thiền gia thời bấy giờ, nhưng vẫn chưa nhận ra.

Sau thời Đường chuyển sang thời Tống là thời thịnh. Các vị Tống nho đều là học sĩ, luận giải thông suốt. Thỉnh thoảng có những cuộc luận thoại giữa Nho và Phật. Một số học sĩ bên Nho bài bác Phật giáo, song cũng có không ít các vị học sĩ được chư vị thiền sư chuyển hóa ngộ đạo. Xem lại lịch sử thời Tống, nhất là thời đầu hưng thịnh, trong Đường Tống Bát Đại Gia, Bách Gia Chư Tử... chúng ta sẽ thấy các dòng tộc lớn như Hàn Thuyên, cuối đời các vị này đều quay về với Phật pháp và ngộ đạo từ các thiền sư. Hàn Thuyên ngộ đạo nơi thiền sư Đại Điên.

Sư có làm bài tụng:

Quy Tông sự lý tuyệt,
Nhật luân chánh đương ngọ,
Tự tại như sư tử,
Bất dữ vật y cổ.
Độc bộ tứ sơn đảnh,
Ưu du tam đại lộ,
Khiếm khư phi cầm trụy,
Tần thân chúng tà bố.
Cơ thụ tiễn dị cập,
Ảnh một thủ nan phú,
Thi trương nhược công kỹ,
Tài tiễn như xích độ.
Xảo lũ vạn ban danh,
Quy Tông hườn tợ thổ,
Ngữ mặc âm thanh tuyệt,
Chỉ diệu tình nan thố.
Khí cá nhãn hườn huy,
Thủ cá nhĩ hườn cổ,
Nhất thốc phá tam quan,
Phân minh tiền hậu lộ.
Khả lân đại trượng phu,
Tiên thiên vi tâm tổ.

Dịch:

Quy Tông sự lý bặt,
Mặt trời đứng giữa trưa,
Tự tại như sư tử,
Chẳng tựa nương nơi vật.

Bốn câu đầu ý nói ngài Quy Tông được khen là tiêu chảy đầy đất, tức là tuyệt vời so với 84 vị thiện tri thức ra đời từ Mã đại sư.

Nói sư tử là chúa tể sơn lâm, nhưng thật ra sư tử, cọp, beo, trâu, ngựa gì cũng đều sợ voi. Sư tử, cọp và các loại thú dữ ăn thịt, hễ thấy mồi là rượt, bắt xé ra ăn; nhưng nếu gặp voi thì chúng chạy thấy mồ. Chúng ta thấy như voi đi chậm nhưng thực ra khi nổi hăng lên nó chạy cũng nhanh lắm. Bốn cái chân chạy đều như chiếc xe hơi bốn bánh, mấy con dữ dằn kia thấy nó bỏ chạy hết. Cho nên không biết mình có thể sửa lại một chút, chúa tể sơn lâm là voi chứ không phải sư tử. Có vị bảo bây giờ sư tử hay voi gì cũng thua con người. Chúng bị con người bắt nhốt vô sở thú hết, ngồi rầu rĩ trong đó, ốm nhom. Thiệt là tội nghiệp. Nói vui vậy thôi, chứ hình ảnh sư tử là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, sấn tới không bao giờ biết sợ và quay đầu lại. Xưa nay nhà thiền đã mượn hình ảnh này để kích dương công phu cho các hành giả.

Riêng lên chót bốn núi,
Dạo chơi ba đường lớn,
Tiếng gầm chim thú rớt,
Hầm hừ bọn tà kinh.

Ở đây đang nói đến thần dụng, chỗ đạt đạo phi thường của Ngài. Phi thường đến nỗi tiếng gầm chim thú rớt, hầm hừ bọn tà kinh. Tiếng gầm chim thú rớt là của ai? Của sư tử phải không?

Máy dựng tên dễ đến,
Bóng lặn tay khó che,
Bày ra dường thợ khéo,
Cắt xén tợ thước đo.

Tức là nói những uy dũng, thần dụng của Ngài.

Chạm khéo muôn thứ tên,
Quy Tông lại giống đất,
Nói nín tiếng tâm dứt,
Diệu chỉ tình khó dò.

Quy Tông lại giống đất, đất gì? Đất tâm. Có thể nói không gì có thể bì được với sự bao dung, độ lượng, hàm dưỡng của đất. Cho nên người ta hay dùng từ “trời che chở, đất dưỡng nuôi”, trên thì có cha trời, dưới có mẹ đất, mẹ đất tức là tâm.

Bỏ mắt kia thành điếc,
Lấy tai nọ thành mù,
Một dùi phủng ba cổng,
Rõ ràng đường tên sau.
Đáng thương đại trượng phu!
Tiên thiên là tâm tổ.

Sau khi Sư tịch, Vua ban sắc hiệu là Chí Chơn thiền sư.

Mong đại chúng học thuộc lòng bài kệ này, đọc tụng, từ từ sẽ thông được nghĩa lý. Nên nhớ nghĩa lý đó được nhận ra bằng công phu tu hành, từ chỗ đến, chỗ thâm nhập từ tâm đạo của quý vị.

Chúng ta đều là con cháu của Hòa thượng Trúc Lâm nên phải cố gắng tu tập. Công đức chúng ta tu học cùng với đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh đều hướng về Tam bảo, hồi hướng dâng lên cho ngài, chúc nguyện Hòa thượng được thân bệnh chóng lành, sống lâu nơi đời, là điểm tựa để con cháu cố gắng siêng năng tu học. Đồng thời chúng ta phải luôn nhớ lời dạy của ngài “tu chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con”.
 

[ Quay lại ]