headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Tạng

thiensuhuetang5. Thiền sư Huệ Tạng
(Thạch Củng)

Lúc còn tại gia, Sư chuyên nghề săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm, nhân đuổi bầy nai chạy qua trước am Mã Tổ, gặp Mã Tổ đứng trước.

Chúng ta không biết năm sanh và năm tịch của ngài, người ở đâu, chỉ biết trước khi xuất gia, ngài là một thợ săn, nên không thích gặp những nhà tu hành.

Chữ Củng ở đây được hiểu là một loài hoa. Thạch Củng là hoa đá. Ở những rừng đá có nhiều cục đá ngàn năm tuổi. Dòng thời gian bào mòn, rửa trôi hết lớp vỏ nham thạch bên ngoài, cuối cùng vỡ ra trong đó có hoa đá rất tinh túy.

Chuyện này đọc trong sách, chứ chúng ta cũng chưa từng thấy. Khi người ta khai thác những khối đá láng ở bên ngoài, nó mang nhiều hình dáng khác nhau. Có khối giống như quả trứng, có khối không giống vật gì cả. Người ta cưa ra, trong ruột nó có nguyên một cái hoa hoặc màu tím, màu xanh, màu vàng, màu đỏ… rất đẹp. Thạch Củng là những tảng hoa đá lớn. Đây là hiệu của thiền sư Huệ Tạng.

Hôm ấy, nhân đuổi bầy nai đang chạy trước am Mã Tổ, nên ngài được gặp Tổ. Một thợ săn đang đuổi mồi mà gặp thiền sư thì cũng giống như bị kỳ đà cản mũi. Tuy nhiên, sự việc này lại chính là nhân duyên vào đạo của ngài.

Sư hỏi:

- Hòa thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng?

Mã Tổ hỏi lại:

- Chú là người gì?

- Thợ săn.

- Chú bắn giỏi không?

- Bắn giỏi.

- Một mũi tên chú bắn được mấy con?

- Một mũi bắn được một con.

- Chú bắn không giỏi.

- Hòa thượng bắn giỏi không?

- Bắn giỏi.

- Một mũi tên Hòa thượng bắn được mấy con?

- Một mũi tên bắn được một bầy.

- Sanh mạng chúng nó, đâu nên bắn một bầy.

Ngài hỏi Mã Tổ: Hòa thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng? Tổ không trả lời mà hỏi lại: Chú là người gì? Thưa: Thợ săn. Sau khi biết ngài là thợ săn, hai thầy trò có một cuộc đối đáp rất thẳng thắn, cuối cùng Tổ tìm ra chân tướng của ngài qua câu: Sanh mạng chúng nó, đâu nên bắn một bầy. Rõ ràng ngài không phải là người ác, không biết thương chúng sanh.

- Chú đã biết như thế, sao không tự bắn?

- Nếu dạy tôi bắn tức không có chỗ hạ thủ.

- Chú này phiền não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt.

Ngay khi đó, Sư ném cung bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc, theo Mã Tổ xuất gia.

Tổ bảo thợ săn, đã biết không nên giết hại chúng sanh nhiều như vậy, tại sao cứ lầm lũi trong nghề này. Ngài trả lời rất hay: Nếu tự bắn thì không có chỗ hạ thủ. Tổ thấy đã có thể dẫn đệ tử vào cửa, nên bảo: Chú này phiền não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt. Thật gọn và đơn giản, người xưa xuất gia không cần hỏi ý kiến gia đình.

Chúng ta ngày nay làm gì cũng bị chi phối bởi ý kiến của những người thân. Mình muốn xuất gia mà người thân chưa thuận cũng một phen chảy nước mắt, chứ không phải dễ dàng. Không tu khổ đã đành, muốn tu cũng khổ mới là kỳ. Cho nên Phật nói: “Nước mắt chúng sanh đổ ra nhiều hơn nước bốn biển.” Chúng ta dễ khóc, điều đó nói lên sự yếu đuối, không chủ động nên bị xoay dẫn mãi trong vòng xoáy luân hồi, không có lối thoát.

Phật dạy trong mười hai nhân duyên, đầu mối là vô minh, cuối cùng là lão tử. Chúng sanh quay đi quẩn lại trong đó không có ngày cùng. Từ vô minh có thân sanh ra, già, chết. Chết bị vô minh dẫn trở lại y như vậy, Phật gọi là chúng sanh trầm nịch trong luân hồi sanh tử. Càng đi trong đó nhiều chừng nào thì sự tăm tối càng sâu dày chừng ấy. Lão tử bi thương vô vàn nước mắt, nên Phật ví nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển.

Bốn biển ở đây không phải là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương… mà là bốn đại dương quanh Tu-di sơn. Theo thế giới quan của Phật giáo, núi Tu-di là vua của các ngọn núi, là trung tâm của vũ trụ, núi này nằm giữa bốn đại hải.

Chung quanh núi Tu-di có bốn châu:

1. Bắc Câu Lô châu (Uất Đan Việt): Câu lô châu ở về hướng Bắc núi Tu Di. Chúng sanh cõi ấy bình đẳng an vui, sống lâu 1.000 tuổi. Phước báu của họ ngang hàng với Tiên nên cõi ấy được gọi là Thắng Xứ.

2. Nam thiệm bộ châu (Diêm Phù Đề): Đây là cõi chúng ta ở, nằm về phương nam núi Tu Di. Trung tâm châu này có cây Diêm Phù. Chính ở cõi này Đức Phật giáng sanh, và cõi này có nhiều người tu hành hơn hết trong bốn châu.

3. Tây ngưu hóa châu (Cù Da Ni): Châu này ở phương tây núi Tu Di, cõi này rất nhiều trâu, người ta dùng trâu thế cho tiền bạc trong việc buôn bán, vì vậy nên gọi là “ngưu hóa”. Cõi này dân sống đến 500 tuổi.

4. Đông thắng thần châu (Phất Bà Đề): Cõi này ở phương Đông núi Tu Di, người ở đây thân hình tốt đẹp hơn hết, nên gọi là Thắng thân hay Thắng thần châu. Dân và chư thần sống đến 600 tuổi.
Phật nói dù chúng sanh ở châu nào cũng bị vô minh nhận chìm để rồi loay hoay, lẩn quẩn trong bốn biển đó, sống bằng nước mắt từ nhiều kiếp đến nay. Phật nói bốn đại dương là bốn biển này. Hiện nay chúng ta cũng là một trong số những chúng sanh đang lặn hụp trong đó.

Một hôm, Sư làm việc ở nhà trù, Mã Tổ xuống hỏi:

- Làm việc gì?

Sư thưa:

- Chăn trâu.

- Làm sao chăn?

- Một khi vào cỏ, bèn nắm mũi kéo lại.

- Con thật là chăn trâu.

Hồi xưa chư Tổ dạy đạo rất giản dị. Trâu ở đâu dưới nhà trù mà chăn? Đệ tử đang làm việc ở nhà trù, Sư phụ xuống hỏi đang làm gì. Thưa “Con chăn trâu”. Hỏi “việc chăn trâu thế nào?” Thưa: Một khi nó vào lúa mạ người, nắm mũi kéo lại. Tổ khen “Con thật biết chăn trâu”. Nếu nói kỹ hơn là người chăn trâu phải có dây dàm và roi, khi trâu không chịu đi thẳng liền đánh kéo lại. Cho nên biết chăn trâu là biết chăn tâm. Pháp chăn trâu giản dị như vậy.

Nhà thiền từ xưa tới nay, từ Trung Hoa sang Việt Nam, các tổ đã mượn hình ảnh con trâu và chú mục đồng để diễn tả những chặng đường tu tập, vẽ lại thành 10 bức tranh chăn trâu.

Tôi nhớ trong một ngày lễ Khánh tuế Hòa thượng Trúc Lâm, đại chúng được thấy chư tôn đức tăng ni và quý Phật tử dâng lên Ngài một bức tranh thêu. Trên đó vẽ bức tranh thứ 6 “cỡi trâu về nhà” trong thập mục ngưu đồ. Nhìn thấy chú mục đồng ngồi thảnh thơi thổi sáo trên lưng trâu, người và trâu có vẻ thong thả an nhàn, lòng mình cũng nghe lắng dịu phần nào.

Mười bức tranh ấy là:

1. Tìm trâu.
2. Thấy dấu.
3. Thấy trâu.
4. Được trâu.
5. Chăn trâu.
6. Cỡi trâu về nhà.
7. Quên trâu còn người.
8. Người trâu đều quên.
9. Trở về nguồn cội.
10. Thỏng tay vào chợ.

Khởi nguyên từ tìm trâu, thấy dấu… thời này còn hoang sơ lắm. Xưa nay chúng ta quen sống trong vọng tưởng lăng xăng, bây giờ bắt đầu tập nhận ra nó không thật và không theo, đây là giai đoạn tìm trâu. Thực ra mình bị trôi giạt từ ngàn muôn kiếp, vướng mắc người, cảnh, muôn sự muôn vật… không biết ta là gì, cho nên bây giờ bắt đầu tìm lại chính mình.

Khi tìm, trâu ở đâu không thấy, chỉ nghe tiếng ve sầu, tiếng gió thổi buồn thảm. Rõ ràng chúng sanh luân hồi như đi trong vùng hoang sơ, trôi giạt chìm đắm nơi bể khổ sanh tử. Đầu mối là sự tăm tối dày đặc, dẫn đến sanh tử khổ đau đầy nước mắt, rồi quay lại chỗ tăm tối. Tuy nhiên, chúng ta thật may mắn, có lẽ cũng đã gieo duyên lành từ đời nào, bây giờ chợt thức tỉnh, muốn dừng lại, muốn quay về, cho nên mới đi tìm trâu. Tìm trâu rồi thấy dấu, được dấu, được trâu… cỡi trâu về nhà.

Luận ngay chỗ cỡi trâu về nhà, thực sự giai đoạn này con trâu chưa hoàn toàn trắng. Nhưng đến được khoảng đó cũng là quý lắm rồi. Có thể nói chư vị hành giả ở đây, chưa ai được diễm phúc cỡi trâu của mình, nói chi là về nhà. Ai cũng đang khó khăn trị con trâu hoang của mình. Nó đang hung hăng, giật ngược nên dây giàm và roi phải luôn sẵn sàng trong tay.

Chung quanh chúng ta có rất nhiều sự bảo vệ: thiền viện, giới luật, thanh quy, đại chúng… Tất cả đều là những phương tiện mà người xưa gọi là dây giàm, dây roi. Người sử dụng những thứ này phải tỉnh sáng, không thể ngủ gật, không thể ham mê những thú vui ngoài đồng… mới vào được. Cho nên pháp chăn trâu thực hiện cũng không dễ dàng gì. Trong chúng ta, có người chưa tìm ra con trâu của mình, chưa biết nó ra sao, chăn như thế nào?

Ở đây ngài Thạch Củng là thợ săn, một phen được Tổ chỉ điểm liền bẻ gãy cung tên, theo Tổ xuất gia. Người siêu ngộ nhanh chóng, đặc biệt như vậy. Như hôm nào đại chúng đang làm việc, thầy trụ trì đến hỏi: “Con đang làm gì?” Thưa, hoặc con là tri khố, tri khách, tri viên… đủ kiểu. Có bao giờ nghe ai nói “Con đang chăn trâu”? Chưa nghe ai nói như thế.

Thiền sư chăn trâu cầm dây, cầm roi, thấy trâu ngó quanh quất hoặc ăn lúa mạ của người thì đánh kéo về. Chỗ này cho chúng ta một kinh nghiệm là, không phải lúc nào cũng trừng trợn mà nên bình thường, không mê sảng, không ngủ gật, ngồi tỉnh táo bình thường. Vọng tưởng vừa ló lên liền bỏ, không có thì thôi, bình thường. Thầy hỏi: “Con đang làm gì?” Thưa “Con đang chăn trâu.” Hỏi: “Chăn như thế nào?” – “Dạ con không ngủ, không chạy theo vọng tưởng.” Có thể mình nói trắng ra như vậy. Nhất định thầy sẽ bảo: Đúng là con biết chăn trâu. Học thiền mới thấy sự trong sáng của nhà thiền, pháp tu cũng như lời dạy của các ngài đều hiện thực rõ ràng.

Sư cùng Trí Tạng (Tây Đường) đi dạo chơi. Sư hỏi Trí Tạng:

- Sư đệ biết bắt hư không chăng?

Trí Tạng đáp:

- Biết bắt.

- Làm sao bắt được?

Trí Tạng lấy tay chụp hư không.

Sư bảo:

- Làm thế ấy đâu bắt được hư không!

- Sư huynh làm sao bắt được?

Sư liền nắm mũi Trí Tạng kéo mạnh.

Trí Tạng đau quá la:

- Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!

Sư bảo:

- Phải làm như thế mới bắt được hư không.

Trí Tạng về đến khuya mới nhận ra ý chỉ ấy.

Ý chỉ gì? Nếu lấy tay làm sao bắt hư không được, nhưng nắm lỗ mũi là tóm gọn hư không trong ấy. Lỗ mũi có hư không, nếu không có hư không làm sao thở. Đúng là một trò chơi mà diễn đạt tột cùng chỗ ấy.

Trong thân thể chúng ta chỗ nào cũng có hư không. Nếu lỗ mũi bít thì chết, miệng bít làm sao ăn, làm sao nói. Thậm chí đến cả lỗ chân lông cũng có hư không. Để làm gì? Để da thở, nếu không chúng ta sẽ chết. Rõ ràng chúng ta đang sống trong hư không, như cá sống trong nước. Sư nắm lỗ mũi ngài Trí Tạng kéo một phát, đau thấu trời Trí Tạng la: “Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!” Sư bảo như vậy mới bắt được hư không.

Ngài Trí Tạng về đến khuya mới nhận ra ý chỉ. Chỗ này phải có công phu. Công phu được nuôi dưỡng, bảo vệ liên tục mới thấu nổi. Nếu đứt quãng thì khó có chuyện đến khuya nhận ra ý chỉ. Nếu là chúng ta, đau quá kiếm thuốc xức vào rồi ngủ thôi.

Về sau, Sư trụ trì thường dùng cung tên để tiếp độ người. Chúng tăng đến tham vấn, Sư hỏi:

- Vừa rồi ở chỗ nào?

Vị tăng thưa:

- Ở.

Tại sao vị tăng chỉ nói “Ở”? Tại vì chỗ đó không diễn tả được. Nó không phải là hình thức, sự kiện, vấn đề, trạng thái gì nên không thể nói chính xác là cái gì. Vị tăng nói như vậy là gần đúng, nhưng Ngài xác minh lại.

- Ở chỗ nào?

Tăng khảy móng tay một tiếng, đến lễ bái Sư.

Khảy móng tay còn gọi là đàn chỉ. Trong Chứng đạo ca có viết:

Đàn chỉ viên thành bát vạn môn,

Sát-na diệt khước tam kỳ kiếp.

Đàn chỉ là tiếng khảy móng tay, tiếp theo tiếng khảy móng tay là gì? Tánh nghe. Là cái bất sanh bất diệt cho nên Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Nghe biết là chân tâm.” Cách dạy của Hòa thượng bây giờ và cách bố giáo, hướng dẫn của chư tổ ngày xưa giống nhau.

Sư hỏi:

- Đem được cái này đến chăng?

- Đem được.

- Ở chỗ nào?

Tăng khảy móng tay ba tiếng, hỏi Sư:

Trình đến chỗ đó là tột đỉnh rồi, tuy nhiên Ngài hỏi tiếp “có đem được cái đó đến chăng?”. Tăng khải móng tay ba tiếng là đem cái đó đến, trình tánh nghe bất sanh bất diệt. Khảy một tiếng nghe một tiếng, khảy ba tiếng nghe ba tiếng.

- Thế nào khỏi được sanh tử?

- Dùng khỏi làm gì?

Đã sống được với cái bất sanh bất diệt mà còn hỏi sanh tử là gì. Cũng như ngày xưa có một vị hỏi, ngài Từ Minh trả lời ông đã vào cửa được rồi, còn hỏi người gác cửa làm gì. Người gác cửa giữ cửa, ai không biết cách vào cửa mới hỏi. Bây giờ ông đã vào cửa được, còn hỏi người gác cửa làm gì.

- Thế nào khỏi được?

- Đến ấy không sanh tử.

Không hiểu Sư tịch lúc nào và ở đâu.

Đó là cái bất sanh bất diệt. Hòa thượng Trúc Lâm nói nó không sanh diệt, không biến đổi, không bị vô thường chi phối… Cuối cùng nó là chân tâm vô niệm.

Thiền sư Huệ Tạng Thạch Củng tịch ở đâu, lúc nào sử không ghi. Tuy nhiên chúng ta biết đồng thời với ngài có thiền sư Trí Tạng Tây Đường, tức Quốc Nhất đại sư, một thiền sư có thể nói cũng rất đặc biệt vào thời đó. Đặc biệt thì không ai giống ai. Có vị ngộ đạo đặc biệt, giản dị đặc biệt, thủ thuật đặc biệt, bố giáo đặc biệt, đời sống đặc biệt v.v… mỗi ngài mỗi điểm, nhưng tất cả đều đặc biệt, đáng để người sau học tập và noi gương.

Mong rằng chúng ta luôn sáng suốt để hiểu được một vài thủ thuật của các thiền sư, thiền tổ. Từ đó tùy theo nhân duyên, có thể nơi tiếng khảy móng tay hay bất cứ việc làm nào đó của các ngài, chúng ta có chỗ vào, biết chăn con trâu của mình.

Như lúc đầu Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta ngồi thiền đếm hơi thở. Đếm một thời gian thuần, Ngài dạy theo hơi thở, thở ra biết, hít vào biết. Theo hơi thở một thời gian ngủ gục đã, Ngài dạy biết vọng không theo. Vừa dấy niệm chúng ta liền buông, không chạy theo nó, nó không dẫn mình đi. Như thế là người có tỉnh, có định, có tuệ, khớp với lời dạy của Lục tổ Huệ Năng “định tuệ đồng đẳng”. Sau giai đoạn này một thời gian dài lâu, Hòa thượng nói chân tâm vô niệm, tức cái bất sanh bất diệt, không bị căn trần chi phối. Từng đoạn như vậy.

Chúng ta là pháp tử pháp tôn của Hòa thượng, cho nên tất cả đều phải thông suốt cách dạy của Ngài. Hiểu rồi tu tập cho đúng, sau này còn dạy lại người sau, làm tròn bổn phận của mình, nối tiếp con đường thiền của thầy tổ, lợi lạc chúng sanh, đền ân chư Phật.

[ Quay lại ]