headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Diễn Tổ

1. Lạc httacphiđạo

Ngài Diễn Tổ nói: “Sư ông khi mới trụ trì chùa Dương Kỳ, nơi này nhà cũ, đòn tay hư mục, chỉ tạm che gió mưa mà thôi. Nhưng vừa tới cuối mùa đông thì tuyết rơi đầy giường, không chỗ ở nào được gọi là thanh thản. Các tăng sĩ thấy thế tỏ lòng chân thành, nguyện sung vào việc sửa chữa. Sư ông từ khước nói: “Xưa kia đức Phật của chúng ta có nói: Thời nay đương thuộc về kiếp giảm, nơi bờ ao hang sâu còn thay đổi bất thường, thì làm sao chúng ta được trọn vẹn như ý và tự cầu cho mình đầy đủ được. Các ông đi xuất gia học đạo, làm việc đến đổi tay chân chưa yên mà đến bốn năm mươi tuổi rồi, há còn có công phu rảnh rang để phụng sự cho căn nhà đẹp đẻ đầy đủ sao?” Cuối cùng sư ông không thuận theo. Ngày mai sư ông lên pháp đường đọc bốn câu kệ như sau:

 

Dương Kỳ vừa ở vách nhà hoang,
Tuyết tựa châu rơi ngập trắng giường,
Rục cổ nằm co thầm trách phận,
Gốc cây trưa ngủ nhớ làm gương.

Lạc đạo là vui với đạo, với duyên hiện có của mình trong khi hành đạo. Ngài Dương Kỳ khi vừa lãnh chùa, ngôi chùa đã hư mục hết. Đến đỗi mùa đông tuyết rơi trắng khắp nhà. Vị chủ sự đề nghị xin Hoà thượng tu bổ lại. Ngài quở nói mục đích của người tu là làm thế nào đạt được đạo, sống thanh thản, giải thoát, chứ đâu cứ việc chùa đẹp, nhà chắc. Điều đó không quan trọng. Ngài nói thêm, thời này cách xa Phật, kiếp này là kiếp giảm. Tuổi thọ và đạo đức của con người cứ giảm dần. Sống trong thời điểm như vậy, các ông tu chưa thành đạo là đã sáu bảy mươi tuổi rồi, thì giờ đâu mà lo tu sửa cơ sở vật chất cho đẹp. Các ông hãy khôn ngoan hạ thủ công phu để đạt được tâm thanh tịnh, làm chủ được mình. Như thế mới quý. Vì vậy ngài dứt khoát từ chối, không chấp nhận sửa chùa.

 Nhớ lại lời di chúc của đức Thế Tôn khi ngài sắp vào niết-bàn, người tu phải giữ giới, phải lo tu. Phần ủng hộ cúng dường, xây chùa, xây tháp là của hàng cư sĩ tại gia. Chúng ta khỏi phải quan tâm nhiều chuyện đó. Hàng đệ tử xuất gia của Phật biết đặt việc tu học lên trên, thực hiện đạo lý đến nơi đến chốn rồi, tự nhiên cơ sở vật chất sẽ có người ủng hộ, kiến thiết, mình khỏi lo. Ở đây, các thiền sư, các vị tiền bối cũng răn nhắc đệ tử như thế. Các ông phải ráng tu sửa bản thân, còn những việc chung quanh sẽ y theo chánh báo của các ông mà thành tựu. Chúng ta nỗ lực tu tập, để khi tới duyên làm việc, mình có đủ trí tuệ sáng suốt, lòng bi mẫn, hướng dẫn Tăng Ni Phật tử đúng theo đạo lý Phật tổ đã dạy. Đó mới thực sự là người biết hành trì giáo pháp của Như Lai.

 Cho nên những danh vọng bên ngoài, người tu không quan tâm, chẳng qua nó chỉ là chút duyên giả tạm, không có gì quan trọng. Trong giới tu hành, có người vừa lớn lên đã có rất nhiều danh vọng với bao nhiêu văn bằng, chức vụ, được Phật tử mến mộ... Nhưng cũng có vị từ nhỏ tới già tu hành một cách nghiêm túc, sống yên phận lão tăng quê, không có chút danh vọng nào hết. Nếu căn cứ trên mặt đạo lý, chúng ta sẽ quý kính ai? Chỉ có cái nhìn trí tuệ mới thấy thủng vấn đề thôi. Người tu hành giải thoát thì không bị bất cứ thứ gì bu bám trói buộc. Ngồi trên cao cũng được, ngồi dưới thấp cũng xong, miễn hằng đêm tụng kinh, ngồi thiền, an nhàn thân tâm. Làm chủ được mình, không bị vọng tưởng kéo lôi, lúc nào cũng sáng suốt không bị vàm danh khóa lợi câu thúc, như vậy là tự hào lắm rồi. Tự hào với ai? Tự hào với chính mình, với ba chú phiền não tham sân si. Ta đã làm chủ được rồi, các ngươi không thể làm gì được ta. Ta bất động trước các ngươi, các ngươi không kéo lôi nổi ta.

 Nếu chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, làm chủ được mình gọi là chiến thắng ma quân trong lòng. Làm chủ được nhiều, khắc phục được nhiều là chuyện thành Phật, thành Tổ có thể nắm chắc trong tay, việc hướng dẫn Phật tử cũng bảo đảm. Khi Phật tử trình bày cách tu của họ, mình biết tu như thế sẽ ra sao, bởi bản thân chúng ta đã có trải nghiệm. Nếu mình còn lờ mờ, còn bị ma quân lục tặc vây khốn, khi Phật tử trình bày những khó khăn trong đời tu của họ, chúng ta sẽ không đủ sáng suốt dẫn dắt khuyến khích họ. Cho nên biết trách nhiệm làm thầy khó lắm.

 2. Nghĩ và làm

 Tăng sĩ giữ tâm như thành, phụng trì giới luật, ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành. Thực hành không vượt suy nghĩ, suy nghĩ không vượt thực hành. Có cái trước mà thành cái sau, như người cày ruộng có bờ thì lỗi lầm của sự vượt qua sẽ ít.

 Phàm là tăng sĩ thì nghĩ và làm phải đi đôi với nhau. Nghĩ thế nào, nói thế nào thì làm thế ấy. Như nói giữ giới thì phải giữ giới đàng hoàng, nói mình chân thật thì phải chân thật, nói mình là người tu thì phải tu v.v... Tóm lại, nói được thì làm được, gọi là ngôn hạnh tương ưng. Những bậc thầy tròn đủ ngôn hạnh tương ưng thật đáng cho người sau kính lễ ngàn đời. Bởi phần nhiều chúng ta nói được mà làm không được, hoặc có được cũng chưa tới được chỗ nói. Không được mà nói được là nguy. Cho nên khi nói cần phải thành thật trình bày, trao đổi, góp ý để cùng nhau khắc phục những xấu dở của mình, như thế khả dĩ Phật tổ còn gật đầu.

 Ở đây người xưa dạy chúng ta, nghĩ làm và nói cần phải tương ưng với nhau. Đừng nói điều gì vượt quá phạm vi của mình, quá sự tu tập của mình. Lời nói như thế sẽ đưa đến sự rỗng tuếch, hư ngụy, chẳng những có hại cho đời này mà còn có hại lớn lao ở những đời sau. Bởi do bên trong rỗng tuếch nên ma quân phiền não, si mê, nghiệp chướng chen vào, lấn áp, phá tan hết nội lực bên trong. Khi chúng ta muốn trục nó ra là cả một vấn đề, không phải chuyện dễ.

 3. Pháp độ

 Tùng lâm là nơi nặng đúc ra các bậc thánh, rèn luyện cho các người thường. Là nơi nuôi nấng các bậc tài trí và nơi đem sự giáo hoá đến khắp muôn phương. Nơi ấy tuy là nơi ở, nơi tụ họp của nhiều người, nhiều hạng, nhưng sự quản lĩnh được nghiêm chỉnh thì trong đó mỗi người đều có bổn phận và tình nghĩa thầy trò. Nay các nơi không lo giữ gìn việc pháp độ của các bậc tiên thánh, lại hay đem tình thiên lệch đối với người ưa kẻ ghét, lấy lẽ phải của mình để đổi mới người khác. Như vậy những người hậu học tự lấy pháp độ nào để tu tiến.

 Nói pháp độ tức là nơi tùng lâm hay ngôi chùa. Chùa là chỗ tu hành, nơi đó đào luyện đạo đức trí tuệ, phát huy lòng từ bi, tu tập theo giáo lý của đức Phật đã chỉ dạy để được giải thoát. Phật giải thoát, chúng ta tu theo ngài cũng sẽ giải thoát. Phật thành Phật, ta sẽ thành Phật, toàn thể những người có duyên trong môn đồ pháp quyến của chúng ta cũng sẽ thành Phật. Chỉ một hướng duy nhất như thế, không có cái khác xen lẫn. Muốn giữ gìn nơi rèn luyện ấy tốt, chúng ta cũng phải có pháp độ, tư cách, đạo phong tốt. Nghĩa là chúng ta phải có đủ uy đức, đủ tài trí mới làm chủ được nơi ấy. Nếu người thiếu tài thiếu đức, chỉ nói sáo rỗng thì sẽ không giữ được vai trò chính yếu, không giữ cương lĩnh để lò đúc đó tạo thành những con người có phẩm chất tốt.

 Nói tới pháp độ là nói đến tư cách của người lãnh đạo, của vị trụ trì. Chùa ta, đệ tử ta, bổn đạo ta có pháp độ thì xóm làng chung quanh sẽ ảnh hưởng được kết quả tốt từ pháp độ của chúng ta. Chúng ta càng tu càng không thấy xấu hổ đối với xã hội. Chỉ người nào không hiểu mới nói người tu tiêu cực, không có ích lợi cho xã hội. Sự thật, đạo Phật đóng góp cho xã hội rất nhiều trên phương diện trao dồi đời sống tinh thần. Phật dạy con người tự luyện lọc những xấu xa của mình, hướng dẫn mọi người chung quanh cùng luyện lọc như vậy. Nhân tố chánh để gầy dựng xã hội là con người. Con người tốt thì xã hội theo đó cũng tốt. Con người xấu thì xã hội theo đó cũng xấu. Chúng ta tụng kinh phục nguyện hằng đêm, mong ước rằng: Đạo pháp trường tồn, chúng sanh an lạc... Mà bản thân ta chưa gầy dựng được cơ sở tốt, chưa an lạc thì những điều nguyện ước kia chỉ là nguyện ước hão huyền, khó có kết quả như ý.

 Phật dạy người nguyện sống lâu thì đừng sát sanh, nguyện giàu sang thì đừng trộm cướp, nguyện hạnh phúc thì đừng tà dâm, nguyện mọi người nghe theo thì đừng nói dối, nguyện được trí tuệ sáng suốt thì đừng uống rượu. Chỉ cầu nguyện suông mà ham sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói đói, uống rượu… thì dù có nguyện ngàn đời cũng không có kết quả gì. Tốt hơn bản thân chúng ta thực hành cho đúng những lời Phật dạy thì khỏi cầu nguyện, nhất định sẽ được hạnh phúc. Thành ra đằng sau lời cầu nguyện phải có thực chất. Như quý thầy cầu cho Phật tử bình an, thì quý thầy phải bình an trước cái đã. Mình có đạo lực, đạo lực đó mới ảnh hưởng đến mọi người chung quanh.

 

Cho nên trước nhất chúng ta phải thành tựu được những điều cần thiết cho bản thân, phát triển định tuệ trong đời sống tâm linh để ứng xử, sắp đặt, giao tế, làm các Phật sự. Như vậy kết quả của Phật sự mới tốt đẹp. Đó là nói về pháp độ.

 4. Biết người

 Lợi sinh và truyền đạo cần ở chỗ được người. Nhưng biết người thật khó, thánh triết còn lo. Nghe lời nói của họ nhưng chưa bảo đảm được việc làm của họ. Tìm thấy việc làm của họ nhưng sợ sơ sót tài năng của họ. Chỉ có tự mình thường giao du cùng họ, thấy rõ đầy đủ gốc ngọn, xét chí hạnh, xem khả năng, sau đó giữ vững đạo niệm và âm thầm trọng dụng mới có thể biết được. Biết được thì những kẻ mua danh sửa dáng hẳn không dung được sự dối trá của họ và ngay cả sự tiềm ẩn bí mật của họ cũng thấy được uyên nguyên. Thực ra, về lẽ thực của sự xem xét hiểu rõ và nghe rõ về một người không phải một sớm một chiều mà có thể đạt tới được. Vì vậy sau khi thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng yết kiến thiền sư Huệ Năng Đại Giám còn phải làm việc trong 15 năm. Và sau khi thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất yết kiến thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng cũng phải theo hầu thiền sư hơn 10 năm mới được trao truyền đại pháp. Thế mới biết, khi các bậc tiên thánh trao và nhận đại pháp quyết không dám truyền trì cho những vị ít ỏi tài đức. Như một cái đồ đựng nước, muốn truyền sang một cái đồ đựng khác, cái đồ đựng ấy phải như thế nào mới truyền sang được. Như các vị đương gia chủng thảo phải như thế nào mới có thể nói được pháp quy rộng lớn của Phật giáo. Đó là minh nghiệm về lẽ thực của sự xem xét hiểu rõ và nghe rõ về một người. Minh nghiệm rồi há lại còn dung dưỡng những kẻ nói giỏi, dáng khéo, giả dối, nịnh hót sung vào hàng tuyển chọn đại pháp khí ư.

 Thế gian thường nói “Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng”, ở đây nói biết người để sắp đặt, giao trách nhiệm truyền thừa Phật pháp. Nếu biết sơ sơ hoặc chỉ qua hình thức khéo vẽ bên ngoài mà trao nhầm sự nghiệp thì có hại lớn cho đạo pháp. Cho nên nghiệm biết người là một việc quan trọng của các bậc tông sư. Các vị lớn tuổi có đệ tử đông, thấy thân thể nhọc nhằn, dĩ nhiên phải chọn người kế thừa, thay mình bảo quản tự viện, giáo dưỡng tăng chúng. Vì vậy việc lựa chọn cần phải cân nhắc chính chắn kỹ lưỡng. Trong số đệ tử, mình biết người nào làm được việc, tâm tánh ra sao. Người thích danh thích lợi mà trao ngôi chùa cho họ thì dù nằm trong tháp, người ta cũng vẫn trách thầy ấy sao không sáng suốt, chọn đệ tử như vậy. Do vậy việc chọn người kế nhiệm trụ trì trong tùng lâm, trong một tập thể phải được xét soi kỹ và có thời gian dài. Vị thầy nghiệm xét đệ tử nhiều lần rồi mới dám giao trách nhiệm. Người kham nhận việc lớn phải tài đức vẹn toàn, công phu thâm hậu, từ tâm độ lượng. Nội lực vững chắc mới có thể lãnh thọ sứ mệnh trọng đại ấy.

 Xưa ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng là người đứng đầu dưới pháp hội của Lục tổ Huệ Năng. Tuy nhiên như thế cũng phải trải qua thời gian mười mấy năm ở bên thầy, được thầy thử nghiệm và học được rất nhiều kinh nghiệm của thầy. Về sau mới dám rời thầy ra đi, gánh vác trách nhiệm, truyền nối mạng mạch Phật pháp, giáo hoá chúng sanh. Người xưa rất cẩn thận, dè dặt đối với đệ tử. Bởi vì trọng trách thay Phật tuyên dương chánh pháp không phải là việc thường. Chúng ta phải thấy trọn vẹn, hiểu cả tâm tình và khả năng của họ, sau đó mới giao trách nhiệm.

 Nhiều ngôi chùa, vị thầy cả đời gầy dựng cực khổ, qua tới đời đệ tử chỉ một đôi năm thôi, tiêu tan hết. Đó là những việc trước mắt chúng ta thấy rõ ràng. Cho nên bình nhật, chúng ta thường xuyên xét nghiệm xem thói hư tật xấu của mình còn nhiều hay ít, mình có thật sự vì đạo, thật sự tu hành chưa? Nếu chưa thì phải cố gắng thực sự là người tu hành, xứng đáng là đệ tử của Phật, khả dĩ gánh vác trách nhiệm truyền thừa Phật pháp trong hiện tại và tương lai.

 5. Huệ và đức

 Quyền bính lớn lao của trụ trì là ở chỗ biết ra ân huệ và có đức độ. Ân huệ và đức độ đều phải làm cả hai không thể thiếu một. Có ân huệ mà không có đạo đức thời người chẳng kính, có đức mà không có ân thời người chẳng nhớ. Cho nên người khéo trụ trì nuôi dưỡng đức độ để làm việc ra ân huệ, tuyên dương việc ra ân huệ để duy trì đức độ. Đức độ mà nuôi dưỡng được thì đối với việc gì cũng bất chấp. Ân huệ mà thực hành được thì có ân nghĩa. Do đó đức độ và ân huệ gom góp lẫn cho nhau, ân huệ và đức độ làm việc lẫn cho nhau, như thế đức độ không dùng đến tu mà được chính như Phật tổ. Ân huệ không phải mệt nhọc hao trí mà được nhớ như cha mẹ. Và những người ở khắp nơi ngũ hồ tứ hải có chí với đạo, ai mà không quay về. Trụ trì có nhiệm vụ truyền bá đạo đức, hưng hiển giáo hoá mà bỏ điều quan yếu trên đây thì không được.

 Đây nói về tuệ và đức, tức là trí tuệ và đức độ của người lãnh đạo. Phàm là người lãnh đạo, trước nhất phải có đức độ, có tài năng, có trí tuệ... Tuy nhiên tài đức chỉ khiến người ta kính sợ, nhưng chưa đủ để cho người ta nhớ. Nhớ đời là ân huệ. Có đức độ, xử lý công việc đúng chánh pháp, nhưng phải có ân huệ cho người ta ghi nhớ. Nhờ ân huệ mà chúng ta sống lâu dài, bền bĩ trong lòng người. Cần có ân tình chân thật, phát xuất từ lòng thành của mình giúp người ta làm việc, hay vượt qua những khúc quanh khó khăn. Chính điều này sẽ làm cho đạo tình thắm thiết, người ta không bao giờ quên được mình và vì thế mà họ trung thành tận tụy với công tác Phật sự chung.

Với đệ tử cũng thế, hằng ngày chúng ta hướng dẫn giáo hoá, đôi khi cần phải nghiêm khắc, nhưng nếu cứ ra uy hoài thì chúng ngán sợ, trong lòng đã bớt quý kính, như thế rất khó giáo hóa. Làm sao cho đệ tử khi xa thầy vẫn thấy nhớ thầy bởi những ân huệ của thầy ban cho. Mình đến với họ, giúp họ vượt qua những lúc khó khăn trong giai đoạn nào đó, khiến họ nhớ hoài. Đó chính là đạo đức, là tâm từ của một người thầy.

 Đối với Phật tử tại gia cũng vậy. Có vị kém duyên, họ chỉ gần chùa một thời gian thôi, sau đó vì hoàn cảnh đời sống gia đình, họ đi nơi này nơi khác. Điều mà họ còn nhớ được là gì? Là những kỷ niệm giữa quý thầy với mình, nhất là nếp sinh hoạt trong chùa, những hình ảnh kính thương còn đọng lại trong lòng. Thành ra ở đây người xưa dạy chúng ta cách cư xử của người lãnh đạo đối với đạo pháp, đối với đệ tử. Chúng ta phải có uy đức, trí tuệ và ân huệ. Ân huệ nói một cách nôm na giống như tình thương. Nó được khai phóng từ trí tuệ, sẽ đọng lại trong lòng mỗi chúng ta, đọng lại trong lòng thầy, trong lòng đệ tử. Dù cuộc đổi thay, thầy có đi phương trời nào, đệ tử phiêu bạc nơi đâu, ân huệ đã có thì không bao giờ mất. Nó chính là yếu tố để người ta gầy dựng lại niềm tin và tình thương, để từ đó thành tựu được nguyện lành của mỗi người.

Người làm thầy phải nắm vững cương lĩnh, hướng dẫn mọi việc, cư xử với đồ chúng chuẩn mực. Tuy thấy việc tầm thường, như việc ăn việc mặc, việc cho đệ tử này một bộ đồ, đệ tử kia một kỷ vật, tất cả không đáng gì, nhưng cũng phải dè dặt. Làm thế nào những ân huệ ban ra đúng lúc, đúng người. Với những người đáng được hưởng ân huệ thì cho. Trái lại, người chưa có công, chưa đáng hưởng ân huệ thì ban ân e họ khinh lờn, đại chúng dị nghị, sanh chuyện không tốt trong công việc giáo hoá của chúng ta. Thực hiện tốt những điều này, chắc chắn chúng ta sẽ thành công viên mãn con đường tự lợi và lợi tha của một sứ giả Như Lai. “Trụ trì có nhiệm vụ truyền bá đạo đức hưng hiển giáo hoá mà không rõ hai điều quan yếu trên thì không thể thành tựu được”. Hai điều quan yếu ấy là gì? Là trí tuệ và ân huệ.

Hoà thượng Diễn Tổ từ chùa Hải Hội dời về chùa Đông Sơn. Ngài Phật Giám ở chùa Thái Bình và ngài Phật Nhãn ở chùa Long Môn. Hai vị hay tin, lên tận đầu núi thăm hỏi. Hoà thượng Diễn Tổ hợp các vị kỳ cựu và các vị chủ sự lại.

Hoà thượng Diễn Tổ hỏi ngài Phật Giám: “Mùa lúa của Thư Châu chín chưa?”. Ngài Phật Giám đáp: “Chín rồi”. Hoà thượng Diễn Tổ lại hỏi: “Mùa lúa của chùa Thái Bình chín chưa?” Ngài đáp: “Chín rồi”. Hoà thượng Diễn Tổ lại hỏi: “Lúa nếp tại các trang trại thu được bao nhiêu tất cả?” Ngài Phật Giám suy nghĩ chưa kịp đáp, thì Hoà thượng Diễn Tổ nghiêm khắc, lớn tiếng nói: “Ông lạm dụng làm chủ một chùa, việc không cứ lớn nhỏ, đều phải để tâm xét kỹ, kế hoạch chi dùng trong hằng năm của thường trụ quan hệ đến cả chúng mà ông còn không biết, thì những việc nhỏ nhặt khác ông không nói ra tôi cũng có thể thấy được. Chủ việc nơi sơn môn phải biết nhân biết quả. Như sư ông Phương Hội giúp sư tổ Từ Minh, vậy ông không nghĩ của thường trụ nặng như núi sao ?

 Ngài Phật Giám và Phật Nhãn là hai vị đệ tử lớn của Hòa thượng Diễn Tổ. Nghe thầy tới thăm, hai vị lên tận trên núi đón thầy. Hòa thượng Diễn Tổ với tư cách của bậc thầy, vừa đi thăm mà cũng vừa kiểm tra. Cho nên đến nơi, ngài họp các vị kỳ cựu, các chủ sự trong viện lại để thăm hỏi, chỉ đạo hướng dẫn công việc trong chùa. Bất thần bị hỏi thăm, ngài Phật Giám suy nghĩ chưa kịp trả lời, bị thầy quở: Ông lạm dự trong hàng tăng, chịu trách nhiệm làm vị hoá chủ mà sự sống của chúng, chi thu trong chùa không nắm vững, huống là những việc nhỏ, làm sao nắm hết. Đã không nắm hết thì trong đó có nhiều thiếu sót. Thiếu sót với đại chúng, với thường trụ ở trong tùng lâm là một tai hoạ lớn.

Hẳn là trong lúc tầm thường Hoà thượng Diễn Tổ đã sẵn có những cơ biện lanh lẹ. Ngược lại, ngài Phật Giám lại giữ lễ đệ tử, ứng đối thong thả nên mới xảy ra trường hợp như thế. Trong bộ Học Ký, người xưa nói: “Thầy nghiêm nhiên hậu đạo học mới được tôn trọng”. Cho nên con cháu thuộc dòng dõi sơn môn Đông Sơn có nhiều bậc thiền đức cao siêu hơn người, thực là nguồn xa dòng dài vậy”.

Thầy nghiêm thì đệ tử mới được dạy dỗ đúng mức, có đầy đủ tài đức, xứng đáng là người lãnh đạo trong tông môn. Đối với đệ tử, chúng ta ra ân huệ nhiều quá mà không nghiêm dạy, thì ở trong tông môn cũng không nhờ cậy được. Dẫn chuyện này để chúng ta thấy, người xưa vừa nghiêm túc trong phần dạy dỗ, hướng dẫn tu hành mà cũng nghiêm túc luôn ở phần ân huệ. Dù làm được việc, dù đã lớn rồi, nhưng thấy còn thiếu sót liền chỉnh đốn. Không thể nói vị đó đã lớn, đã làm thầy thiên hạ, rầy dạy e tự ái buồn phiền. Không! Dứt khoát ngay từ lúc mới vào đạo, thầy hướng dẫn một cách hết sức nghiêm chỉnh. Luôn cả thời gian ra hành đạo, thầy cũng thường xuyên chiếu cố nhắc nhở. Nghĩa là thường kiểm tra, vừa có một sơ xuất gì thầy có lòng từ bi hướng dẫn, chỉnh đốn ngay, không để cho sự sơ xuất đó thành ra cái ung nhọt lớn lao.

Phật Nhãn, Phật Giám là những đại thiền sư trong thời Tống. Từ những vị này mà thiền môn hưng thịnh. Thế nhưng các ngài cũng có những đoạn nhân duyên hành đạo, hoá đạo, xử lý công việc trong chùa được ân sư quan tâm răn dạy nhắc nhở chu đáo. Đây là bài học cho chúng ta về sau này. Quả thật người xưa làm bất cứ việc lớn việc nhỏ nào cũng hết sức nghiêm túc. Đối với vật thường trụ, với cơ sở, với Phật tử tại gia cũng như xuất gia, mọi việc mọi nhân duyên, các ngài đều ứng xử đâu đó đúng lúc hợp thời, nêu cao được tinh thần sáng suốt hợp với chánh pháp, làm sáng tỏ đạo tổ chốn tùng lâm.

 Chúng ta bây giờ không được như thế. Bởi lẽ mình dễ duôi, chưa khéo léo trong việc giáo hóa đệ tử, môn đồ. Do đó nhiều khi đệ tử đông mà người hiểu biết, gánh vác Phật pháp thì khó tìm. Như vậy để thấy trách nhiệm của chúng ta không phải nhỏ đối với người sau. Càng thấy trách nhiệm, chúng ta càng phải nỗ lực nơi chính mình, đồng thời làm thế nào dạy dỗ hàng môn đệ thật nghiêm cẩn, đàng hoàng. Có thế hy vọng mới đào tạo được thế hệ kế thừa, khả dĩ xứng đáng gánh vác trọng trách Phật sự mai sau.

 6. Đạo thuật

 Ngài Diễn Tổ thấy tăng sĩ nào có tiết nghĩa, mà có thể xây dựng thành đạo nghiệp được, trong nhà có sự chống đối gay go, ngài vẫn thản nhiên, không tỏ ra bênh vực bằng lời nói hay sắc diện. Song, xét đến những kẻ có tính thiên tà, xiểm nịnh, làm những việc tạp nhạp vụn vặt, không thể dạy được thì ngài lại ái trọng hơn. Thực người đời không thể lường được ý nghĩ của ngài. Nhưng đó hẳn là phương sách thủ xả của ngài Diễn Tổ có đạo thuật vậy.

Ở đây nói điểm đặc biệt của Hoà thượng Ngũ Tổ Pháp Diễn. Ngài không giống người khác, đối với môn đệ xuất sắc, ít khi nào tỏ vẻ hoà ái. Ngược lại, đối với những người tà xiểm dua nịnh, không chính đáng, ưa làm việc vụn vặt… ngài lại tỏ vẻ ái trọng, để tâm chiếu cố. Đây là thuật đặc biệt của ngài, vì lòng từ bi mà nâng đỡ những đệ tử dở tệ, nếu không như thế họ chẳng còn con đường nào để vươn lên. Chúng ta nhắm có thể bắt chước được thì bắt chước, còn không thì thôi. Bởi vì nếu mình đầu tư vốn luyến vào một công trình nào, phải thấy công trình đó có lợi, có tương lai mới dám tập trung hết tài sản đầu tư. Nếu biết cơ sở đó sắp dẹp tiệm mà đầu tư vô thì nguy, sẽ mất vốn luôn. Phải là tay đại lực lượng mới dám dùng thủ thuật của Hòa thượng Diễn Tổ. Cho nên ở đây nói: “Thực người đời không thể lường được ý của ngài. Nhưng đó hẳn là phương sách thủ xả của ngài”.

7. Nhất tâm

Ngài Diễn Tổ nói: “Người xưa thích nghe lỗi mình, mừng làm việc thiện, tăng trưởng sự bao dung những người chưa hoàn hảo, cẩn hậu đối với sự ẩn ác của người, nhúng nhường trong việc giao tiếp với bạn, siêng năng việc cứu giúp quần chúng và không bao giờ đem so sánh sự được hay mất để sinh ra hai lòng. Cho nên ánh sáng rộng lớn ấy soi sáng cả xưa nay vậy”.

Ngài nói những người chưa hoàn hảo mình phải bao dung, nâng đỡ, giúp cho họ vươn lên. Với hạng người này, nếu xử sự theo những người có thể chấp hành kỷ luật thì họ không theo nổi, có thể sẽ bỏ cuộc. Nếu bỏ cuộc thì họ sẽ đi xuống, không cách gì kéo lên được. Vì vậy riêng ở Hoà thượng Diễn Tổ, những người chưa hoàn hảo được bao dung, rộng mở, cất nhắc, giúp đỡ. Như vậy có thể nói là an ủi phần nào cho họ, và hướng tiến họ tới chỗ hoàn hảo.

 8. Xử sự

Hoà thượng Diễn Tổ nói với ngài Phật Giám: “Điều quan yếu của trụ trì là xử sự với chúng, quý cho đầy đủ, xử sự với mình thì chỉ nên giản ước. Còn những điểm nhỏ nhặt khác thì đừng quan tâm tới. Dùng người nên tỏ lòng thành thực, nói năng lựa chọn cẩn trọng. Lời nói cẩn trọng tự nhiên chủ nhân có được sự tôn trọng. Tỏ lòng thành thật tự nhiên chúng tăng cảm mến. Được tôn trọng dù không cần uy nghiêm, quần chúng vẫn phục. Đã cảm mến thì dù không ra lệnh, công việc vẫn tự thành và tự nhiên người hiền người ngu đều thông suốt lòng mình. Ngược lại, nếu duy trì bằng thế lực, ép bức bằng đuổi mắng, bất đắc dĩ mà người ta phải theo. Nhưng sự tai hại hay kém hiệu lực của nó sẽ gấp muôn lần vậy.

Đây là điều chúng ta phải học. Điểm quan yếu của trụ trì là xử sự với chúng, quí ở đầy đủ; xử sự với mình phải nên giản ước. Vì lòng từ bi, bằng tất cả phương tiện, tạo cho chúng đầy đủ thuận duyên để tu học. Lúc nào cũng sẵn lòng đối với đại chúng, còn mình thì giản ước, sao cũng được. Nếu được như vậy, người trong bốn biển nghe danh đức sẽ tụ về. Người đã có uy đức, khỏi phải ra uy, thiên hạ cũng biết uy. Chúng ta có đạo đức chân thực rồi, khỏi cần phải làm gì hết, người ta cũng biết đạo đức, chân thật của mình. Ngược lại nếu chúng ta không thật tâm, đối với chúng nhân hứa mà không thực hiện đúng lời, e rằng họ sẽ mất niềm tin, từ đó khó mà hướng dẫn họ được. Cho nên chúng ta phải cố gắng, nghiên cứu, học tập, kiện toàn được đạo đức của mình. Đồng thời đối với môn đệ, chúng ta cũng làm tròn bổn phận của một người thầy.

Chúng ta không vì lợi ích riêng tư, không vì danh vọng mà nuôi chúng. Chỉ vì Phật pháp, chỉ vì những người hữu duyên đang hướng về mình, nương tựa tu hành, giúp cho họ yên lòng sống và tu tập. Vì vậy, mọi sắp đặt từ việc ăn ở cho đến học tập tu trì của họ mình phải quan tâm. Không riêng gì chúng đệ tử xuất gia, mà cả Phật tử tại gia, chúng ta cũng từng bước hướng dẫn họ tiến đạo.

Đức Phật chế ra năm giới cấm để hướng dẫn người Phật tử tại gia. Năm giới cấm ấy nhằm kiện toàn tư cách làm người của một Phật tử tại gia. Bao giờ tư cách làm người của Phật tử được kiện toàn sung mãn, chừng đó đạo pháp hưng thịnh, những người tôn giáo khác nhìn vào thấy cái đẹp cái hay của Phật giáo, họ cũng tin tưởng tùy hỷ. Như vậy chúng ta mới không cô phụ ân đức giáo hóa của đức Phật. Chúng ta giảng dạy khẳng định kết quả, lợi lạc của người biết quy hướng Tam bảo, giữ tròn năm giới cho Phật tử vững niềm tin, vâng giữ thực hành. Có niềm tin họ mới cố gắng hành trì, có hành trì mới thấy kết quả lợi lạc.

Với mình khắc kỷ, với người khoan dung. Tạo thuận duyên vui vẻ, đầy đủ để đại chúng tu được. Không nên mình đầy đủ, đại chúng ra sao mặc họ. Như vậy người ta sẽ thán oán mình. Dù họ có thương ta bao nhiêu chăng nữa, mà đối xử không tốt với người, thời gian về lâu về dài họ sẽ oán ta. Một khi đã oán thì nhiều tai hại tiếp theo đó, hại cho đường tu của họ, hại đối với đạo và dĩ nhiên chúng ta phải chịu trách nhiệm phần lớn. Hồi trước khi chưa đến với đạo, họ chỉ một bề hướng về Phật, với Tam bảo, nhưng khi đến với đạo rồi, xảy ra những chuyện không tốt, họ sanh tâm hủy báng Tam bảo. Như vậy chúng ta cũng có phần lỗi trong đó. Nói thế để chúng ta thấy trách nhiệm của mình đối với người Phật tử tại gia, với xã hội rất lớn, không thể lơ là xem thường được.

Ngài Diễn Tổ bảo ông Quách Công Phụ: (ông Quách Công Phụ này tên huý là Chính Tường, hiệu là Tịnh Không cư sĩ, làm quan đến chức Đề Hình và học pháp với Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan) “Tính tình người ta không giữ được mực thường mãi mãi, mà nó tuỳ theo sự giáo hoá có thể thay đổi dần. Từ xưa Phật pháp tuy có sự hưng suy, nhưng trong lý hưng suy ấy đều do sự giáo hoá mà nên. Xưa kia công việc làm lợi ích cho người của các vị tổ sư của phái Nam Nhạc ở Giang Tây, các ngài thường đem lại sự hay đẹp hoà vui cho con người bằng thuần phong, tiết chế con người bằng thanh tịnh, thấm nhuần con người bằng đạo đức, giáo hoá con người bằng lễ nghĩa, khiến cho những ai tham học đều thu liễm được sự trông thấy, nghe thấy một cách bất kính, ngăn lấp được sự tà vạy, dứt bỏ được sự ham muốn và lãng quên về lợi dưỡng. Do đó dần dần họ có thể đi tới chỗ thiện, xa điều lỗi, đạo thành đức đủ mà họ không tự biết”.

 

Chư tổ sư thường hay đem lại sự hoà vui cho người bằng thuần phong, bằng tâm thanh tịnh, bằng đạo đức, bằng lễ nghĩa. Khiến cho người tham học thúc liễm được thân tâm, ngăn lấp sự tà vạy, dứt bỏ lòng ham muốn, lãng quên lợi dưỡng. Công đức giáo hoá của các ngài khiến họ thuần phác, từng bước thành tựu cho họ mà họ không hay biết. Đó là diệu thuật của chư tổ vậy.

“Người đời nay cách xa người đời xưa nhiều. Nhưng nếu ai quyết định muốn tham cứu đạo Phật, cần phải bền chí không đổi, đặt kỳ hạn cho sự giác ngộ và sau đó, dù họa hoạn, được mất đều phó cho định nghiệp. Không nên có tính cách tạm thời, cầu mong tránh khỏi hay lo xa là việc không thành mà không làm nữa, thì tự nhiên đạt thành. Nếu chỉ một chút suy nghĩ lại nảy sinh trong lòng, thì không những đời nay không trọn, mà cho đến nghìn đời muôn kiếp sau này cũng không khi nào thành tựu được”.

Người đời xưa phát huy đạo đức, trí tuệ, thuần phong thiện mỹ, giáo hoá mọi người tốt đẹp. Còn bây giờ chúng ta có nhiều phương pháp, đầy đủ sự khôn ngoan nhưng hướng dẫn không thành tựu bằng người xưa. Vì như đã nói, người đời nay không bền chí, gan dạ, mạnh mẽ như người xưa. Hoà thượng Viện trưởng thường dạy chúng tôi “Mấy chú phải gan dạ, bền chí. Chú nào không gan dạ thì không làm được việc gì hết”. Phải có ý chí mới được, vô đầu mà thiếu điểm đó là không thành. Ở đây nói là phải bền chí không đổi, đặt kỳ hạn cho sự giác ngộ, dù cho họa hoạn được mất, đều phó cho định nghiệp của mình.

Chủ trương của đạo Phật là chuyển nghiệp, không có gì cố định hết. Nếu cố định thì chúng ta tu không bao giờ thành Phật. Vì người xấu đời đời là người xấu, không làm sao hoán chuyển được. Tuy nhiên Phật nói nghiệp có thể chuyển đổi được, nếu chúng ta quyết tâm tu sửa. Chúng ta chưa tốt nên mới tu để trở thành người tốt. Do đó chữ “định nghiệp” sẽ được sửa thành chữ “chuyển nghiệp”.

Hôm qua chuyển chưa được, ngày nay phải chuyển cho được, dứt khoát quyết định sẽ chuyển được, chứ không bao giờ thua cuộc. Nếu mình dùng chuyển lực mạnh thì có kỳ hạn cho sự giác ngộ. Nếu nói rằng đó là định nghiệp rồi, nó như vậy ráng chịu đi, thì nhất định chúng ta không vươn lên nổi.

Nếu chúng ta đã là Phật, đã hoàn bị rồi thì khỏi phải đặt vấn đề tu. Sở dĩ tu là vì chưa hoàn bị. Chưa hoàn bị mà không chuyển được thì tu cũng vô ích. Thành ra tu là chủ trương chuyển nghiệp, chuyển những si mê thành ra hết si mê, những gì chưa tốt chuyển thành tốt, chuyển uế trược thành tịnh độ. Đức Phật không phải là một vị thánh từ phương trời nào đến, rõ ràng ngài là một con người bằng xương bằng thịt, có lịch sử hẳn hoi, đã trải qua bao nhiêu gian nan khó khổ tu tập mới thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Nhờ ý chí, nguyện lực vững vàng, lúc nào ngài cũng chuyển nghiệp, cuối cùng thành đạo. Hiện nay chúng ta cũng phải như thế, chuyển tất cả những xấu dở thành tốt đẹp. Đó chính là tu tập.

Chúng ta biết chắc rằng, nếu làm đúng chánh pháp, thì dù hiện tại có khó khăn nhưng kết quả tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Cho nên người xưa hay người nay cũng thế thôi, không phải bỗng dưng dứt sạch phiền não thành Phật, mà phải dày công tu tập, kiên gan bền chí mới thành tựu giác ngộ giải thoát. Trên con đường tự lợi, với mình ta phải giản ước, phải hy sinh, phải tu hành nghiêm cẩn để xứng đáng làm thầy. Trên con đường lợi tha, với đệ tử ta luôn luôn cưu mang, tạo duyên lành cho họ chuyển hoá. Với ý chí và nguyện lực dũng mãnh, lần lần hành trình hoá đạo, tu đạo của chúng ta sẽ thành tựu viên mãn.

-  HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]