headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Viễn Công

hoathuongnamnhac1. Đức tự cường

Trong trời đất thực có những vật dễ sinh, nhưng nếu một ngày ấm mà mười ngày lạnh thì chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song, điều cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì ngay nơi mình đứng ngồi cũng có thể mong đợi là đạt tới được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng, tối nản, thì không những ngay trước mắt khó thấy mà tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn xa cách diệu đạo vậy”.

Ở đây nói về đức tự cường. Đối với việc tu hành, chúng ta không thể tu quyết tử trong thời gian một tháng, hai tháng là xong được, mà phải có sức mạnh ý chí, sức mạnh tự lực tự cường. Nuôi dưỡng sức mạnh này liên tục mới đi đến thành công. Ngài bảo ở trong trời đất có nhiều vật rất dễ sinh, nhưng dù vật dễ sinh cách mấy mà gặp thời tiết trở nghịch, một nắng mười mưa cũng khó có thể tồn tại, nói chi đến nẩy mầm, sinh trưởng.

 

Với diệu đạo cũng thế, người không có ý chí, tu kiểu một nắng mười mưa, một ngày ngồi thiền hai ba ngày nằm dài, lâu lâu nhịn đói vài ba bữa, sau đó ăn uống mặc tình, đi chơi, nói chuyện huyên thuyên… Tu hành mà lọt vô cái thế như vậy thì thua, bản thân không hoà, không quân bình thì nói gì đạt đạo lý. Người tu là những chiến sĩ gan dạ, tự chiến đấu với mình, chiến đấu với hư không, cho nên lúc nào cũng cang cường dũng mãnh. Chúng ta chiến đấu với thói hư tật xấu, khắc phục những điều không hay. Tự mình lúc nào cũng thăng tiến cho đến khi thành đạt được đạo quả mới thôi.

 

Qua lịch sử của đức giáo chủ, chúng ta thấy từ khi ngài bỏ ngai vàng vào rừng, suốt thời gian sáu năm tu khổ hạnh, nếu ngài không phải là một chiến sĩ cang cường gan dạ thì chắc rằng đã ngã gục, không làm sao đạt được thiền định, trí tuệ, Niết-bàn. Từng bước, từng giai đoạn, Bồ-tát Sĩ Đạt Đa đã vượt qua, chiến thắng tất cả ngoại ma nội ma, cuối cùng thành tựu được quả vị vô thượng Bồ-đề. Trong thời gian tu chưa viên mãn, có lúc ngài đã thực sự kiệt sức. Nhưng với quyết tâm, nhất định phải đạt cho kỳ được bản hoài của mình, vì vậy cuối cùng ngài đến dưới cội Bồ-đề, trải cỏ làm toà ngồi. Ngài thệ nguyện kiên quyết dù thịt nát xương tan, nếu không đạt được đạo quả vô thượng, nhất định không rời khỏi chỗ ngồi này. Thật là một ý chí phi thường liên tục!

 

Từ địa vị một ông hoàng, ngài bỏ vào rừng tìm học và tu tập đạt được những phúc quả cao nhất của người khổ hạnh. Sau đó tiến xa hơn nữa, ngài dứt khoát phải đạt đến đạo lý cuối cùng, mọi thứ chung quanh đều dẹp hết. Nếu không có ý chí, nếu chấp nhận ngang đó, cho là an vui thực sự, thì Bồ-tát Sĩ Đạt Đa không bao giờ từ bỏ hoàng gia, nửa đêm vượt thành xuất gia. Với trí tuệ, ngài thấy tất cả những vật chất phù hoa, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan… chưa phải là hạnh phúc thực sự, chưa thể bảo đảm sinh mệnh của ngài. Vì vậy ngài đã nói với vua Tịnh Phạn, khi xin cha được phép xuất gia: “Còn những điều mà con chưa giải quyết được, những điều từ lâu nay các đạo sĩ, các Bà-la-môn chưa giải quyết được. Con mường tượng rằng chính phụ hoàng cũng chưa giải quyết được. Đó là vấn đề già, vấn đề bệnh và vấn đề chết. Nếu phụ hoàng giải quyết được những chuyện ấy thì con sẽ không đi tu. Ngài nêu ra lý lẽ vững như vậy nên vua cha biết chắc rằng hoàng tử sẽ bỏ nhà ra đi thôi.

 

Bởi ý chí như vậy nên khi học đạo với các tiên nhân, ngài mau chóng đạt được kết quả cao nhất. Song ngài thấy rõ đó chưa phải là chỗ hoàn bị, chưa giải quyết được những yêu cầu chính đáng của mình. Vì vậy sau cùng ngài tự đào xới, tự thiền định, tự mở cái kho trí tuệ của chính mình. Chỉ cái đó mới đủ sức đương đầu với già bệnh chết. Chúng ta thấy, trong lúc mình bệnh, người thân nhất của mình đến thăm, lo lắng, thương yêu bao nhiêu đi nữa cũng không thay thế được. Một khi đã nhận được điều đó rồi, chúng ta thương mình, khôn ngoan tự lo lắng cho mình. Nhớ rằng đó là việc chính của mình, không ai có thể thay thế được.

 

Quyết định như vậy rồi, từng bước, từng phút giây chúng ta thực hành công phu, đạt được những niết-bàn nho nhỏ ngay trong hiện đời. Đó là gì? Là thắng được những vọng niệm, những ý nghĩ không hay, những hành động sai trái. Biết quấy bỏ đi, biết vọng tưởng bỏ đi, biết không thiệt bỏ đi… từng phút giây thắng được chính mình như thế thì niết-bàn hiện ra ngay trong đời, ngay khoảng không gian mình đang hít thở đây, chứ không đợi đến lúc nào hết. Thành thử có người nào hỏi: “Thầy hay sư cô tu như vậy có bảo đảm hết khổ, được giải thoát, không bị nghiệp báo kéo lôi không?” Mình có thể trả lời một cách khẳng định thế này: “Khi nào tôi đủ niềm tin, tôi chiến thắng được những vọng niệm của mình một cách liên tục, thì tôi có thể chấm dứt được sanh tử”.

 

Ngay bây giờ chúng ta phải xây dựng niết-bàn hiện tiền, sáng suốt làm chủ từng niệm dấy khởi, biết vọng bỏ đi, chắc chắn sẽ an ổn. Ví như mình nghĩ xấu về người nào đó, ngay tức khắc dừng niệm nghĩ xấu kia, tức được một chút an ổn. Niết-bàn ấy không ai có thể phá hoại được, không ảnh hưởng đến cơ sở của người khác. Như trong giảng đường này hiện thời có 50 người tu, thì mỗi vị đều trụ niết-bàn của chính mình, tùy theo khả năng tu tập của từng vị. Tất cả những niết-bàn ấy không hề đụng chạm nhau. Cơ sở vật chất bên ngoài có hình tướng nên có đụng chạm, còn niết-bàn không có hình tướng, rộng lớn vô biên nên không đụng chạm. Tuỳ theo khả năng tu tập mà mỗi vị an trụ nơi Niết-bàn của chính mình.

 

2. Thủ xả

 

Điều quan yếu của trụ trì trước tiên là phải xét kỹ về vấn đề thủ xả. Sự tích cực của thủ xả quyết định ở trong tâm, nhưng mầm mống của sự an nguy được đặt định ở bên ngoài. An không có sự an một ngày, nguy cũng không có sự nguy một ngày, mà hình thành đều từ chỗ gom góp dần dần, vì vậy chúng ta không thể không xét kỹ. Dùng đạo đức trụ trì cần phải gom góp đạo đức. Dùng lễ nghĩa trụ trì cần gom góp lễ nghĩa. Dùng bốc lột trụ trì đương nhiên là gom góp oán hận. Oán hận gom góp thì trong ngoài trái nhau, lễ nghĩa gom góp thì trong ngoài hoà vui. Đạo đức gom góp thì trong ngoài cảm phục. Cho nên đạo đức lễ nghĩa lan rộng thì trong ngoài vui, mà bốc lột oán hận nhiều thì trong ngoài buồn. Ôi! Cảm xúc buồn vui ứng hợp với hoạ phúc vậy”.

 

Đây là nói đến thủ xả của vị trụ trì. Ngài Viễn Lục Công dạy điều quan yếu của trụ trì trước tiên là phải xét kỹ vấn đề nên thủ hay là nên xả, tức là lấy hay bỏ. Sự tích cực của thủ xả quyết định ở trong tâm của chúng ta và từ đó lan toả ra bên ngoài. An không có sự an một ngày, cũng không có sự nguy một ngày, mà an nguy được hình thành từ chỗ gom góp dần dần mà ra.

 

Như chúng ta muốn yên, cái yên đó không thể trong một ngày một bữa có thể gom góp được. Một vị trụ trì được khen ngợi là chân thật, hiền hoà, đạo đức, danh thơm đó không phải một ngày một bữa mà thiên hạ biết, khen ngợi, quý trọng. Nó trải qua năm tháng dài vị ấy có đời sống chân thật, đạo đức, từ đó người ta mới hiểu biết, quý trọng, ca tụng. Ngược lại, vấn đề nguy hại cũng thế, không phải là chuyện xảy ra trong một ngày một bữa. Nó được hình thành từ sự không khéo của mình, từ ý nghĩ, từ lời nói, từ hành động trải qua một quá trình dài hai ba mươi năm. Đến khi chín mùi, không thể dừng được thì nó tràn ra, nguy hại tới. Cho nên lẽ an nguy là tự chúng ta khắc phục ở trong tâm, nuôi dưỡng từng chút từng chút trong đời sống hàng ngày, chứ không phải một ngày một bữa mà có được.

 

Chúng sanh hồi gây nhân không tốt thì không biết, cứ sống như vậy cho đến lúc hậu quả xấu kéo tới thì than trời, cầu cứu đầu này đầu kia. Chúng ta không biết rằng chính an nguy đó là do mình nuôi dưỡng hằng ngày. Một giọt nước dù nhỏ nhưng tích trữ lần cũng đầy cả chum lớn. Một cử chỉ, một lời nói, một ý nghĩ không hay của mình được lập đi lập lại hoài thì gây ra nguy hại. Cho nên mỗi chúng ta, lúc nào cũng phải nhìn lại mình, biết được mình, chuẩn bị đường đi nước bước cho mình thật chu đáo.

 

Dùng đạo đức trụ trì cần phải gom góp đạo đức. Dùng lễ nghĩa trụ trì cần gom góp lễ nghĩa. Dùng bốc lột trụ trì đương nhiên là gom góp oán hận. Làm trụ trì mà mình mích lòng thiên hạ, mích lòng đệ tử, mích lòng bà con lối xóm, tổ chức cuộc sống không giống ai hết, chắc chắn trước nhất giáo hội sẽ khiển trách, đoàn thể tăng già khiển trách, đệ tử oán hận bỏ đi hết, Phật tử cũng sẽ chê trách v.v... Gom góp oán hận là làm buồn lòng đại chúng, bốc lột sức lực của đại chúng thì kết quả không tốt sẽ đến với chúng ta. Gom góp đạo đức, gom góp lễ nghĩa... thì những niềm vui, những điều hay sẽ đến với chúng ta. Tóm lại, những cảm xúc buồn vui ứng hợp với hành động của chúng ta. Vui là kết quả của hành động tốt. Buồn là kết quả của hành động xấu.

 

Hành động là nghiệp. Hành động tạo thành năng lực, chính cái năng lực đó quyết định, chỉ đạo, cuộc sống và sinh mệnh của chúng ta. Người đời không biết tu thì nghiệp ấy sẽ kéo lôi không chống cự lại được. Như người không biết uống rượu, ban đầu bạn bè rủ uống một chung hai chung, quen dần một lít hai lít, cuối cùng trở thành người nghiện rượu, tức là có nghiệp uống rượu. Đến khi uống một lần năm ba lít mới thoả mãn được, thì đã bị năng lực của nghiệp uống rượu khống chế hoàn toàn. Kết quả của năng lực uống rượu dẫn người đó đi đâu? Đi xuống hố. Đường thênh thang lại không đi mà đi trên những hầm hố. Lời nói tốt đẹp chân chính, đạo lý không nói mà nói những lời sàm bậy. Hậu quả sau cùng là bệnh hoạn, cháy ruột cháy gan, rồi chết trong điên loạn.

 

Có lần ở Thường Chiếu, tôi đạp xe ra chợ Phước Thái. Trên đường gặp hai vị uống rượu say, đèo nhau trên một chiếc xe honda. May mà hồi đó ngoài đường ít xe, chứ như bây giờ chắc là xe đụng chết. Hai ông chạy lạng quạng thấy mà sợ. Đến ngay chuồng bò của người ta có bụi chuối thiệt tốt, không hiểu sao lủi xe vô đó. Lủi vô nhưng xe không ngã. Hai ông, bốn cái chân chống lại muốn kéo đầu xe ra mà cứ rồ ga. Chiếc xe rú lên quá chừng, rồi chúi nhủi vô bụi chuối, hai cái bánh quạt quạt, cuối cùng nó nằm xuống, đè lên hai ông. Chừng đó mấy người chung quanh mới tới kéo ra được. Tại vì khi mấy ông chưa ngã thì không ai làm gì được hết. Ôi thôi! Hai ông chửi tục. Những câu ấy nếu ghi lại khi hết say, mấy ông cũng không biết văn hoá ở đâu mà nó xuất hiện ra như vậy.

 

Cho nên Phật nói khi dùng những chất kích thích, trí tuệ sáng suốt sẽ mất hết, lúc ấy đương sự chỉ sống bằng năng lực của nghiệp. Mà năng lực của nghiệp nó dẫn đi vào chỗ như vậy đó. Hiện đời như thế, đời sau sanh ra càng không có trí tuệ, chịu nhiều khổ nạn hơn nữa. Vì vậy Phật cấm ngặt không cho Phật tử uống rượu. Đó là ý nghĩa sâu xa của giới không uống rượu.

 

Người Phật tử tại gia cũng như xuất gia, luôn nhớ nuôi dưỡng trí tuệ sáng suốt. Người tu chân chánh sẽ phát huy được trí tuệ bản hữu của chính mình. Chỉ có trí tuệ ấy mới giải quyết dứt điểm tất cả hậu quả, nguyên nhân không tốt trong cuộc đời của mình. Vì vậy niết-bàn của mình do chính mình chuẩn bị, chớ không ai phụ lực được. Đức Phật A Di Đà với lòng thương chúng sanh vô hạn, Ngài đưa tay đón hoài mà không ai nắm được. Đó là hành động, cử chỉ từ bi vô lượng đối với chúng sanh mê muội. Nhưng nếu chúng ta chưa thanh tịnh, chưa dám bỏ nghiệp tập xấu dỡ thì không có cách gì nắm được tay Phật, tay Bồ-tát. Vấn đề đạo đức, vấn đề an nguy là như vậy đó.

 

3. Nhân, Minh và Dũng của vị trụ trì

 

Ngài Viễn Công nói: “Trụ trì có ba đức tính cần yếu là Nhân, Minh và Dũng. Nhân là thực hành đạo đức, hưng hiển giáo hoá, an định người trên kẻ dưới, vui hoà tân khách tới lui. Minh là tuân theo lễ nghĩa, biết rõ an nguy, xét hiểu hiền ngu, biện minh phải trái. Dũng là việc làm quả quyết, quyết đoán không ngờ, gian quyết trừ, nịnh quyết bỏ. Nhân mà không có Minh như có ruộng không có cày, Minh mà không có Dũng như có lúa mà không làm cỏ, Dũng mà không có Nhân như biết gặt lúa mà không biết gieo giống. Trụ trì đủ ba đức tính ấy thì tùng lâm hưng thịnh, thiếu một thì suy, thiếu hai thì nguy và nếu ba đức tính ấy không có một thì đạo trụ trì phế huỷ”.

 

Một vị Tỳ-kheo thọ 250 giới hay Tỳ-kheo ni thọ 348 giới, tức là đã đứng trong hàng ngũ Tăng bảo, thay Phật hoằng dương chánh pháp. Tư cách của ta bây giờ là người lãnh đạo, đại diện cho đạo đức và chánh pháp, do đó phải có ý thức giữ gìn tư cách của mình. Đi đâu Phật tử cũng gọi Ni sư, Đại đức, Thượng toạ v.v... chứ không như hồi mình còn nhỏ. Được Phật tử mến mộ kính trọng nhiều như vậy, mình lại càng phải lo lắng nhiều hơn, giữ gìn phẩm hạnh đạo đức nhiều hơn. Luôn tự xét nét xem khả năng của mình có xứng đáng với danh vị Phật tử quý trọng hay không? Nếu chưa thì phải kiện toàn cho tròn đủ, để xứng đáng là người nắm được mạng mạch Phật pháp.

 

Thiền sư Viễn Lục Công dạy phàm là trụ trì phải có ba đức tính cần yếu là Nhân, Minh và Dũng. Nhân là thực hành đạo đức, hưng hiển giáo hoá, an định người trên kẻ dưới, vui hoà với tân khách. Nói tóm lại là người nhân đức. Người đời không có đầy đủ những điều này, thiên hạ có trách cũng trách một hai phần thôi. Trái lại, nếu là một bậc thầy, một Đại đức, Thượng toạ hay Ni sư mà thiếu những điều này chắc rằng Phật tử hay người khách quan sẽ trách chúng ta nhiều. Bởi màu áo của chúng ta là màu áo Phật, màu áo thanh tịnh giải thoát. Do đó chúng ta có những sơ xuất thì sẽ bị phê phán nặng nề. Ngoài phê phán ra Phật tử cũng đau lòng nữa. Vì sao? Vì họ thấy giới lãnh đạo tu sĩ của các tôn giáo khác đầy đủ học thức, tư cách v.v... trong khi đạo Phật của mình, các vị lãnh đạo lại thiếu những đức tánh đó. Cho nên chúng ta cố gắng làm thế nào, mỗi người tự ý thức và kiện toàn cho được những đức tánh căn bản này.

 

Trước nhất nói đến Nhân. Thể hiện rõ nét nhất của nhân là đạo đức, vui hoà trong cách xử sự của mình đối với mọi người. Phàm là một vị thầy hay một vị trụ trì, chúng ta không thể thiếu điều này. Ngoài Nhân ra, chúng ta còn cần đến sự sáng suốt. Sáng suốt để biết việc nào đáng làm, nên làm, việc nào không đáng làm, không nên làm v.v… mà sắp đặt ổn định trong nội tự. Đồng thời một vị trụ trì còn là người có trách nhiệm đối với quần chúng Phật tử ở địa phương. Phật tử sẽ rất buồn khi thấy thầy mình không sáng suốt, nói và làm bất nhất. Mối quan hệ tương giao giữa thầy và đệ tử vì thế không tốt đẹp, không hiểu lẫn nhau, cắt đặt công việc không thích hợp với khả năng mỗi người, không ổn định được sinh hoạt nội tự. Làm thế nào trên dưới vui hoà, không có những cố chấp phiền hận, mọi người sống đúng với chánh pháp, đạo Trụ trì mới thông suốt.

 

Nếu chúng ta không đủ sáng suốt, làm sao dám đứng trước mọi người, dám lãnh đạo Phật tử theo pháp môn tu tập của mình. Khi nói hay làm việc gì, chúng ta biết chắc quá trình từ nhân đến quả có những biến chuyển như vậy, chúng ta mới dám làm. Trái lại nếu còn lờ mờ, chúng ta sẽ không dám làm. Người xưa đã thấy trách nhiệm này không phải nhẹ, nên mới đem những kinh nghiệm chỉ bày cho chúng ta. Mỗi người tự ý thức rèn luyện, học tập, nghiên cứu để có đầy đủ những đức tánh này.

 

Kế nữa là sự dứt khoát. Bất cứ một việc làm nào mà thiếu sự dứt khoát thì cũng không thể thành công được. Nguy hiểm nhất là dưới chúng ta còn năm bảy chục hoặc một trăm hai trăm người đang tin tưởng, trông cậy vào mình. Nếu mình là người không dứt khoát, không đủ sáng suốt, không nắm vững đường lối chủ trương tu hành thì khó đưa đoàn người đó đi tới nơi tới chốn. Thành thử một người trụ trì phải có đức Dũng. Mọi việc đã nắm vững rồi, suy tính kỹ rồi, sắp đặt rồi, bây giờ cần quyết định mạnh mẽ dứt khoát. Khi đã quyết định thì không lay chuyển. Phải dứt khoát như vậy mới tạo được uy thế cho chúng ta đi đến kết quả thiết thực.

 

Nói tóm lại, một vị trụ trì phải hội đủ ba đức Nhân - Minh - Dũng. Tức là phải có lòng nhân, phải sáng suốt và dứt khoát. Pháp môn nào tu cũng thành Phật hết. Một câu của Phật dạy, nếu chúng ta quyết lòng hạ thủ thì sẽ thành tựu, sẽ được giải thoát, thanh tịnh, nhưng phải quyết chứ không được lờ mờ, nay tu pháp này, mai tu pháp kia. Nếu vị trụ trì đầy đủ ba đức tính ấy, không nói tùng lâm, mà bất cứ nơi nào có mặt vị ấy, ở đó cũng hưng thịnh. Trước nhất là Phật tử vui vẻ, thấy thầy mình xứng đáng, thầy nói được làm được, sống trọn vẹn với đạo lý. Từ đó họ hoàn toàn tin tưởng, trông cậy, nương tựa nơi mình, như vậy nhất định thầy trò sẽ tu hành đến nơi đến chốn.

 

4. Phân biệt người trí kẻ ngu

 

Người trí kẻ ngu, người hiền kẻ bất tiếu, như nước và lửa không thể cùng chung trong một đồ đựng được. Cũng như mùa lạnh và mùa nắng không thể nào cùng là một mùa được. Đó là phần đã định sẵn vậy. Người hiền trí thì thật thà mềm dẻo, ngay thẳng phúc hậu, họ luôn làm những việc đạo đức nhân nghĩa. Khi họ nói ra lời gì, làm việc gì, họ chỉ sợ không hợp nhân tình và không suốt vật lý. Ngược lại, những kẻ bất tiếu thì gian hiểm dối nịnh, cậy mình khoe tài, ham muốn cầu lợi và hết thảy việc gì họ cũng đều chiếu tới. Cho nên tùng lâm được người hiền thì tu theo đạo đức, dùng đặt cương chỉ và nơi này trở thành nơi truyền bá chánh pháp. Nhưng trong ấy lẫn một kẻ bất tiếu thì họ quấy phá mọi người, làm loạn chúng tăng, khiến cho trong ngoài không yên, dù có lễ phép của ngài Đại Trí đi nữa phổng có dùng gì được. Ví dụ như hiền, bất tiếu đã có sự hơn kém như thế, há không biết lựa chọn ư.

 

Trong sự lựa chọn, bao giờ chúng ta cũng lựa chọn người hiền trí để học và làm theo. Ở đây nói người hiền trí là người thật thà, mềm dẻo, thay thẳng, phúc hậu. Họ luôn làm những việc đạo đức nhân nghĩa. Họ nói ra lời gì, làm việc gì cũng nơm nớp lo sợ điều mình nói, việc mình làm không hợp nhân tình, không suốt vật lý. Do đó lúc nào họ cũng sẵn sàng lắng nghe, đón nhận học hỏi những ý kiến, kinh nghiệm của người đi trước và luôn cả những bạn trang lứa với mình, để bổ sung cho những thiếu sót của bản thân.

 

Trên cuộc đời này, nếu chúng ta nhìn bằng con mắt khắt khe thì sẽ phiền não dài dài thôi. Phật tổ đã dạy nhân vô thập toàn, không có ai hoàn bị hết. Cho nên tự mình khắc kỷ với bản thân, nhưng khoan dung với người. Khắc phục những khuyết điểm, những điều mình chưa học tới, bằng cách lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu để có những kinh nghiệm hay. Lúc nào cũng phấn đấu, nỗ lực để hướng tiến của mình vững vàng. Muốn làm thầy của người, không thể thiếu học được. Phải học hiểu, sáng suốt, có lòng nhân chúng ta mới làm tốt việc Phật pháp. Trên đời này không ai hoàn bị, nhưng người dám nhận khuyết điểm, dám nghe chỉ trích, dám học hỏi những kinh nghiệm của người khác sẽ trở thành hoàn bị. Phần nhiều những bậc lãnh đạo làm nên việc lớn, được sách sử nêu danh là những vị có lòng nhân, chân thật và chịu khó lắng nghe những ý kiến của người khác xây dựng. Những gì hay thì trao đổi với nhau để tiến, những gì dở trao đổi với nhau để bỏ. Đó là tuyển trạch lựa chọn, điều không thích hợp, không tốt thì mạnh dạn vất đi. Điều tốt đẹp, chánh đáng thì phải học hiểu và áp dụng.

 

5. Đạo tình

 

Trụ trì ở ngôi trên nên đem lòng khiêm cung để tiếp người dưới. Những người chức sự ở dưới phải tận tình để phụng sự người trên. Trên dưới đã hoà thì đạo trụ trì thông suốt. Nếu trụ trì ở ngôi trên kiêu ngông tự tôn, người chấp sự ở dưới thì lười biếng ngạo mạn, tự xa, khiến cho tình người trên kẻ dưới không thông thì đạo trụ trì bế tắc. Bậc cổ đức trụ trì khi nhàn rỗi vô sự, thường cùng những người theo học, thung dung bàn bạc tất cả mọi vấn đề. Vì vậy mà một lời nói hay nửa câu được xếp vào truyện ký cho đến nay còn xưng tụng, thì việc ấy như thế nào. Sở dĩ có việc ấy, một là muốn cho tình trên dưới được thông suốt và đạo không bị ngăn che, hai là dự biết tài năng tính tình của những người theo học được hay không, để trong sự tiến thoái đều được thích hợp. Như thế tự nhiên trên dưới yên hoà nghiêm kính, xa gần quí kính, và sự hưng thịnh của tùng lâm do đấy mà được”.

 

Ở đây nói đến đạo tình. Người khéo tu khéo sống thường có cách hành xử thấu tình đạt lý. Nếu nặng về tình thì trì trệ, còn chỉ nghiêng theo lý thì thiên hạ chịu không nổi. Thành ra người làm thầy phải đủ tình đủ lý. Có những việc chúng ta giải quyết bằng tình, có những việc chúng ta y cứ theo luật nghiêm minh để răn đe. Vị nào biết cách sử dụng tình và lý thích đáng thì lãnh đạo thành công. Một vị có trách nhiệm trong tùng lâm sống đủ tình hợp lý thì tùng lâm sẽ hưng thịnh. Bằng như sống trái lại thì đạo của trụ trì bị phế huỷ, người ấy không làm được việc gì hết, đối với Phật pháp hoàn toàn không có công đức.

 

Cái tình trong ứng xử cần phải được vận dụng khéo léo, sáng suốt. Ví dụ có hai đệ tử đang dằn co với nhau vì một chuyện gì đó. Ông thầy muốn dạy dỗ hai người thì không thể lắng nghe một bên. Dù rằng trong đó có một đứa được lòng mình, hiểu mình, trung thành lo lắng cho mình, nhưng khi lâm sự giải quyết vấn đề, mình phải bình đẳng, dung hoà, đem công tâm và tình thương ra đối xử với nó, làm sao tạo được niềm tin cho nó thì mới có thể dạy dỗ nó được. Nếu thiếu trí tuệ chúng ta không thể làm được việc này. Trước nhất mình phải chịu khó nghe hai đứa trình bày sự việc rõ ràng, rồi bằng sự sáng suốt, dứt khoát, công minh, chiếu theo nhân nghĩa, tình lý mà giải quyết cho thích đáng. Bình tĩnh, sáng suốt như vậy chúng ta sẽ không bỏ đứa đệ tử nào, không làm cho đứa gần ta được dịp trèo lên, đứa xa ta càng thêm ngăn cách vì mặc cảm.

 

Thường thường ông thầy thương đứa đệ tử nào đó mà để cho nó biết mình thương nó thì khó nhắc nhở, khó dạy dỗ. Tôi có những đứa đệ tử nhỏ nhỏ, các chú chớp ấy biết tôi thương nó thì không có cách gì mà dạy được, nó cứ trèo lên. Những đứa biết nó còn dở, mình không thích thì nó vừa sợ sệt, vừa mặc cảm, lúc nào trong lòng nó cũng mang mặc cảm với thầy. Bây giờ phải làm sao? Giải quyết sự việc này, chỉ còn cách là chúng ta thay đổi thái độ ứng xử của mình đối với chúng. Lúc nào cũng lắng nghe, dạy dỗ, gần gũi chúng khi cần thiết và nghiêm cẩn đừng để có sự chinh nghiêng với đệ tử, dù nhân duyên mỗi đứa đối với mình có khác. Bằng lòng thương, tạo điều kiện để nâng đỡ những đứa đệ tử yếu kém tiến lên, đừng đụng chạm đến mặc cảm của nó. Như vậy sẽ tạo được hoà khí, sự tin tưởng thương kính giữa thầy và trò.

 

Trái lại, nếu mình sơ hở, dù chỉ một đứa nhỏ thôi, tư tưởng của nó cũng sẽ lớn dần lên với sự thương tổn, càng đưa đẩy nó đến chỗ mặc cảm, lui sụt không thể tu tập được nữa. Do đó chúng ta phải dè dặt, đừng bao giờ nói lời gì bất cẩn, thiếu suy nghĩ. Chưa kịp suy nghĩ thì hẹn với nó. Để chi? Quản binh, để tìm hiểu sự thực trước khi giải quyết vấn đề, một khi mình hạ ngữ thì phải thích đáng, không đứa nào được kèn cựa gì hết, mà phải tuân theo. Vì vậy ở đây nói, vị trụ trì xử lý nhân tình thích đáng thì tùng lâm sẽ hưng thịnh. Trái lại, nếu xử không phân minh, nhân nghĩa không rõ ràng, tình lý không thích đáng thì tùng lâm dần dần đi đến phế huỷ.

 

Thời xưa, trong pháp hội của chư Tổ có đến một hai nghìn người, nếu vị thầy thiếu sáng suốt, không công bằng thì các đại tùng lâm đó đã không còn. Một nơi tập trung đông đảo như vậy rất phức tạp, nhưng ổn định được là nhờ người lãnh đạo có đạo đức, trí tuệ, xử sự với tăng chúng thấu tình đạt lý. Làm việc bằng công tâm, không vì mình, không vụ lợi, lúc nào cũng nghĩ đến bổn phận chu toàn trách nhiệm lớn lao. Cho nên dù việc khó khăn cách mấy, hoàn cảnh như thế nào, sự việc phức tạp ra sao, một người lãnh đạo sáng suốt, công bằng cũng giải quyết tốt đẹp, không khó khăn gì hết.

 

Đã có duyên thầy trò, chúng ta phải có trách nhiệm, tình thương để dẫn dắt đệ tử cho đến cùng. Không vì khó khăn mà bỏ nó thì tội nghiệp. Phải nói rằng làm thầy rất khó, nhưng không phải không làm được. Bởi vì ngoài làm thầy ra, chúng ta còn phải làm Phật nữa. Làm Phật khó hơn nhiều mà còn dám đòi làm, huống chi làm thầy. Bí quyết Phật dạy là buông hết thì làm Phật được thôi. Bây giờ chúng ta chưa buông, còn nấn ná nắm giữ, nhưng chắc chắn một lúc nào đó chúng ta phải buông thôi. Chịu buông là thành Phật. Cái khó của người làm thầy, là có cái phải buông, có cái phải nắm. Ví như trong chùa hay thiền viện đông chúng, phải giữ thanh quy, nề nếp, giữ gìn của thường trụ. Nếu buông hết những thứ này thì loạn chúng, hư việc. Cho nên có cái buông mà cũng có cái nắm. Buông là buông hết phiền não khi gặp nghịch duyên, dạy dỗ đệ tử nó không nghe… Nắm là nắm giữ cương lĩnh, thanh quy của tùng lâm… Đạo trụ trì phải biết như vậy.

 

Ở đây nói: “Trụ trì ở ngôi trên nên đem lòng khiêm cung để tiếp người dưới. Những người chức sự ở dưới phải tận tình để phụng sự người trên. Trên dưới đã hoà thì đạo trụ trì thông suốt. Nếu trụ trì ở ngôi trên kiêu ngông tự tôn, người chấp sự ở dưới thì lười biếng ngạo mạn, tự xa, khiến cho tình người trên kẻ dưới không thông thì đạo trụ trì bế tắc”. Vị trụ trì cần khiêm tốn, gần gũi, thương mến, quan tâm đến đại chúng. Có như vậy người dưới mới kính thương mà phụng sự hết lòng. Nếu người trên kẻ dưới không thông cảm, ngăn cách hoặc khiếp sợ thì đạo trụ trì bế tắc.

 

Bậc cổ đức trụ trì khi nhàn rỗi vô sự, thường cùng những người theo học, thung dung bàn bạc tất cả mọi vấn đề”. Đây cũng là một điều rất cần thiết cho chúng ta. Đừng nói việc lãnh đạo trong tùng lâm, như gia đình quý Phật tử, khi con cái lớn lên 15, 17 tuổi, cha mẹ cũng cần bàn bạc trao đổi với nó. Có thế, chúng sẽ ý thức được trách nhiệm và biết quan tâm chia sẻ những công việc chung với gia đình. Người lớn phải biết lắng nghe ý kiến của người nhỏ. Bởi vì chúng lớn lên rồi, có kiến thức rồi, mình biết đón nhận thì sẽ làm giàu thêm những ý tưởng hay đẹp và đặc biệt là làm giàu thêm tình thân trong gia đình. Có thế, cuộc sống mới dung hoà, vui buồn cùng chia sẻ với nhau thì gia đình hạnh phúc, tin cậy nhau hơn. Nếu không như thế rủi ro thất bại chuyện gì, thì sẽ có chuyện đổ lỗi cho nhau, dần dần đi đến tình trạng đổ vỡ rất đáng tiếc.

 

Trong chùa cũng vậy. Các huynh đệ tu theo mình khá lâu, có kiến thức, có kinh nghiệm sống, chúng ta cũng cần phải trao đổi, giao việc cho họ. Huynh đệ thấy có thể đóng góp với Tam bảo, họ vui và càng ủng hộ chúng ta hoàn thành mọi Phật sự. Mình khoẻ, cứ ngồi uống trà điều động thôi mà đệ tử còn thương kính nữa. Ngược lại, ôm đồm lo hết mọi việc, xách bị đi đầu này đầu kia, đệ tử ở không sẽ sinh sự, chê bai luôn cả ông thầy không biết dùng người. Mình mệt mà lại chẳng được việc, thất bại trong vai trò lãnh đạo. Chúng ta giao việc, theo dõi, yểm trợ và dạy dỗ cho đệ tử gánh vác việc lớn, đó là một thủ thuật thiện xảo của người làm thầy.

 

Thầy trò phải bàn bạc nhau trước khi làm một việc gì, đã nhất trí rồi thì bắt tay làm việc, dứt khoát không thay đổi, như vậy sẽ thành công. Việc nhỏ thành công thì việc lớn cũng sẽ thành công. Ngược lại, dù việc nhỏ mà sắp đặt không có trật tự, trên dưới không thống nhất, không hoà, thì việc làm đó sẽ thất bại. Một điều cần phải nhớ nữa là dù thành công hay thất bại, thầy trò cũng đều vui vẻ, chung lo chung chịu, không phiền muộn đổ lỗi cho nhau. Thầy không quở trách đệ tử khiến chúng sợ hãi thối lui, đưa dần vào tình trạng tiêu cực thủ phận an thân. Được vậy già lam mới hưng thịnh, hải chúng an hòa.

 

6. Hư danh

 

Ngài Viễn Công nói với thiền sư Khả Chân ở chùa Đạo Ngô: “Người học chưa đạt đạo, họ khoe khoang sự kiến văn, thông thạo về cơ giải, dùng miệng lưỡi bàn cãi lanh lợi tranh thắng, không khác gì như nơi nhà xí tô vẽ màu mè, chỉ làm tăng thêm mùi hôi thúi mà thôi”.

 

Tại sao nói về hư danh? Tại vì con người rất dễ lạc vào hầm hố lợi danh. Người tu chúng ta làm thế nào để có được thật trí chân thật, không cần cầu hư danh. Nhận khuyết điểm rồi tu sửa cho tốt đẹp hơn, chứ không mong cầu lời khen giả tạm hào nhoáng bên ngoài. Miệng lưỡi dù có lanh lợi tinh xảo cách mấy vẫn không thuyết phục được người, mà còn làm cho kẻ trí chê cười, một khi phát hiện ra thực chất bên trong sáo rỗng. Người thật tu không chuộng hư danh, mà dễ dàng vất bỏ chúng để tìm lẽ thật, sống với lẽ thật. Phật thì chân thật chứ không thể hư danh được.

 

7. Nói về trị tâm

 

Ngài Viễn Công nói với thủ toạ Pháp Diễn: “Tâm làm chủ thân và là gốc của muôn hạnh. Tâm không đạt tới chỗ diệu ngộ thì vọng tình tự sinh. Vọng tình đã sinh thì thấy lý không rõ, thấy lý không rõ thì phải trái lầm loạn. Cho nên muốn trị tâm thì phải cầu diệu ngộ. Ngộ thì tinh hoà thần hoà, khí lực tỉnh, dung mạo kính ái, sắc tướng trang nghiêm và vọng tưởng tình lự đều tan hoà vào chân tâm. Dùng phương thức ấy mà trị tâm thì tâm tự linh diệu. Sau đó dẫn dắt người, chỉ chỗ mê lầm thì ai không chịu sự giáo hoá của mình”.

 

Ngài Viễn Công nói với ngài Pháp Diễn khi này là thủ toạ, tâm làm chủ thân và là gốc của muôn hạnh. Các kinh thường nói tâm làm chủ, từ tâm mà sanh ra muôn pháp. Tâm không đạt tới chỗ diệu ngộ thì vọng tình tự sinh. Vọng tình đã sinh thì thấy lý không rõ, thấy lý không rõ thì phải trái lầm loạn. Nếu chúng ta thiếu sự sáng suốt định tỉnh, thì dễ bị hoặc loạn. Đó là lẽ tất nhiên. Ví dụ đối với những niệm lăng xăng, nếu chúng ta không đủ sáng suốt buông thì sẽ bị nó kéo lôi, làm hoặc loạn khiến mình hành động hay nói năng không đúng đắn, tạo nghiệp xấu. Vì vậy người tu lúc nào cũng tạo cho mình một sức sống nội tại vững, trị được tâm, làm chủ được tâm. Trị tâm nghĩa là trị được vọng tưởng của mình. Trị bằng cách buông bỏ hết vọng tưởng. Bao giờ buông bỏ được vọng tưởng, những niệm lăng xăng, những ảnh tượng trước mắt thì chúng ta mới làm chủ, tâm thể mới hiện tiền.

 

Bồ-tát Sĩ Đạt Ta cuối cùng chiến thắng ma quân dưới cội Bồ-đề là nhờ cái gì? Nhờ thiền định, trí tuệ. Ma vương dẫn trăm ngàn quân ma tới với vũ khí sắc bén, mặt mày hung tợn vây quanh Bồ-tát, hỏi Bồ-tát sợ không? Ngài nói ta không sợ. Hỏi ông lấy gì làm chứng lời nói không sợ, trong khi bọn ta đông đảo, vũ khí sắc bén, còn ông chỉ có một mình. Bồ-tát trả lời “Ta có cung thiền định, có kiếm trí tuệ, biết bọn bây không thật nên ta không sợ”. Với quyết tâm như vậy, sức sống mãnh liệt như vậy, ma quân rút lui.

 

Chúng ta là người tu hành phải có sự định tỉnh sáng suốt, trị được tâm mình. Trị tâm nghĩa là buông bỏ, vứt hết những loạn tưởng điên đảo, lăng xăng, những dấy niệm mê lầm. Bỏ những thứ đó rồi mới yên. Người trị được tâm là người diệu ngộ, có thể làm chủ mình bất cứ nơi đâu, đối diện bất cứ hoàn cảnh khó khăn, rắc rối nào cũng giải quyết êm xuôi thoả đáng.

 

Trong việc giáo hoá, nếu thiếu đức bình tĩnh, sáng suốt, không làm chủ được tâm mình thì chúng ta không thể nào giáo hoá chúng sanh. Chúng sanh đau khổ sợ hãi mới đến với chúng ta, cầu mong chỉ dạy pháp an tâm. Nếu tâm chúng ta không an làm sao dạy họ an tâm. Trong nhà Phật có bố thí vô uý, tức là làm cho chúng sanh bớt sợ hãi hay không còn sợ hãi nữa. Muốn thế bản thân chúng ta phải tự điều phục được mình, nắm vững luật nhân quả, dùng trí tuệ tháo gỡ, chỉ dạy cho họ ra khỏi khổ đau mê lầm và sợ hãi.

 

Người Phật tử phải gan dạ chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây tạo, không sợ sệt bất cứ quả báo nào. Bởi vì mình biết hồi trước đã gieo nhân như thế, bây giờ phải trả quả như thế. Cho nên người Phật tử khôn ngoan dứt khoát không gây nhân xấu nữa. Tại sao? Vì biết nhân xấu sẽ đưa đến quả xấu. Nhiều người sợ sệt khi quả xấu đến chạy cầu chỗ này chỗ kia, thực sự chỉ cần tin chắc nhân quả là chúng ta giải quyết được tất cả mọi vấn đề tốt xấu. Kết cuộc của nhân quả không chỉ hiện ở đời này mà còn liên quan đến quá khứ, nhiều kiếp trước nữa.

 

Chúng ta chỉ biết việc gì xảy ra trong đời này mà không biết việc quá khứ. Cho nên đôi khi cảm thấy vô lý với hiện cảnh mình đang gánh chịu, không biết đó là nghiệp nhân quá khứ chiêu cảm, cứ ngỡ quỷ thần, trời Phật đối xử không tốt với mình. Thực sự không phải như vậy. Với con mắt thịt này, sự hiểu biết của con người còn hạn hẹp lắm, không thể nhìn thấu được những việc cách xa về trước. Phật dạy chúng ta luật nhân quả rõ ràng, quá khứ mình gây nhân nào thì quả báo hiện tại như thế ấy. Vì vậy hiện tại đây sẽ là thời điểm tốt nhất để chúng ta chuẩn bị cho tương lai.

 

Phật bảo “quá khứ chính con gây, bây giờ quả báo đến con phải anh dũng chấp nhận trả”. Từ lời dạy này của Phật, chúng ta ứng dụng vào cuộc sống sẽ bớt khổ, bớt sợ hãi, bớt lo âu khi gặp nghịch cảnh. Nhiều Phật tử rất sợ những gì không tốt đến với mình, lại không biết cách điều phục loạn tưởng, để nó gây tạo nhân không tốt. Nhân không tốt cứ gây mà quả không tốt đến lại sợ là điều vô lý, không có trong Phật pháp. Bây giờ chúng ta khôn ngoan đừng gây nhân không tốt nữa thì nhất định sẽ không có quả không tốt. Sẵn sàng trả những gì chúng ta đã gây, nhưng vay thêm thì đừng bao giờ.

 

Tin vững nhân quả rồi thì ta sẽ yên lòng và cố gắng kiện toàn tốt đẹp công việc của mình, ủng hộ mọi người làm việc tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân duyên tốt phát triển. Nhân nào không tốt, việc làm bất hảo, không có ích lợi cho mình và mọi người, kiên quyết không làm, không dạy người làm. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, đem tinh thần từ bi trí tuệ, giác ngộ giải thoát của Phật gieo rắc trong nhân gian. Tinh thần siêu tuyệt này không phải từ bên trời Tây về đây, mà ngay trong sự sống, trong con người, trong sự tương giao, chúng ta nhận được. Nếu biết bỏ đi những thói hư tật xấu thì từng bước chúng ta đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Từ đó thành tựu đạo nghiệp, làm lợi ích cho chúng sanh. Việc làm này khó chứ không phải dễ. Cho nên phải biết cách trị tâm.

 

8. Cách hành trì

 

Thời nay, những người học đạo ở chốn tùng lâm tiếng tăm không nổi, không được người ta tín kính, vì phạm hạnh không được thanh bạch, là người không chính đáng. Lại nữa, hoặc họ tạm cầu tiếng khen, lợi dưỡng, khoe khoang sâu rộng sự trang sức hoa mỹ, bị các thức giả chê cười. Vì những lẽ ấy làm che lấp mất lẽ quan yếu và vi diệu của đạo. Tuy có đạo đức như Phật tổ, nhưng khi họ có ý nghĩ, hoặc nghe hoặc thấy hoặc ngờ vực về mình thì họ không tin. Ngày sau các ông có ở nơi am tranh, nên lấy lời khuyên này mà tự gắng sức hành trì.

 

Đây là lời khuyên về sự hành trì. Đời sống của chúng ta hiện nay giống như hoa sen mọc lên trong bùn nhơ. Đã thế, ta phải làm sao để hoa sen tươi đẹp thơm ngát, chớ đừng bị vùi lấp trong sình lầy nước đọng. Cảnh duyên bên ngoài chỉ là phương tiện, nó luôn có giới hạn và bị sanh diệt vô thường chi phối. Cái chúng ta cần chính là đóa sen vươn lên khỏi bùn và tỏa ngát hương thơm, chứ không phải bùn lầy nước đục. Biết như vậy rồi, chúng ta có cách thức xử lý với những gì giả tạm trong hiện tại, để đạt được cái chân thật vĩnh hằng không khuôn định bởi thời gian và không gian.

 

Người sống chân thật, không phô trương, thể hiện đức nhân và luôn sáng suốt, mới có thể dẫn dắt mọi người không sa hầm sụp hố. Với lòng nhân, chúng ta sẽ độ được nhiều người. Dù người không ưa, họ chửi ta, chửi hoài chửi mãi, họ thấy ta không giận, không chửi lại, sống chân thật, là người tốt, có ích lợi cho xã hội, chắc chắn một thời gian nào đó họ đến xin lỗi ta. Ngược lại nếu họ chửi ta, ta chửi lại thì không bao giờ có chuyện họ đến xin lỗi ta. Người tu với tinh thần từ bi hỷ xả, hãy đem những lời chửi kia gởi vào hư không. Được vậy tất cả đều trở thành vị ngọt đề hồ.

 

Trong kinh kể lại, hôm đó Phật đang trên đường du hóa, có một gã Bà La Môn đi sau dùng toàn những lời lẽ xấu xa mạ nhục Phật. Đức Phật vẫn im lặng đi bình thường. Cuối cùng tức quá, ông kêu to: “Này Cồ Đàm, có nghe ta nói không, tại sao cứ im thin thít vậy?” Phật từ tốn đáp: “Ví như nhà ông có đám giỗ, quan khách đến dự. Khi họ về, ông đem quà bánh biếu cho, họ không nhận thì quà bánh đó thuộc về ai?” Bà la môn đáp: “Dĩ nhiên là về tôi”. Phật nói: “Cũng vậy, ông chửi ta nhưng ta không nhận, xin biếu lại ông hết”. Ông này liền tỉnh ngộ. Phật lại nói: “Chẳng những như vậy, mà còn hậu quả của cái tâm không tốt, cái miệng nói những lời không tốt sẽ đưa đến hậu quả không tốt ở mai sau. Nhân quả xưa nay rõ ràng như vậy. Do đó ta khuyên ông từ đây về sau, ý vừa nghĩ cái gì biết không tốt bỏ đi, miệng định nói lời gì biết không tốt bỏ đi, thân hành động điều gì biết không tốt bỏ đi, như vậy ông sẽ an vui”.

 

Việc tu trì của chúng ta tốt hay không tốt đều do chính chúng ta. Nếu mình chân thật thì sẽ có kết quả chân thật. Nếu mình mưu mô dối trá thì chắc chắn sẽ có kết quả không tốt đến với mình. Những thầy cô ở vùng hẻo lánh xa xôi, nơi người dân chưa từng biết phương pháp tu hành, chưa biết quy y Tam bảo, phần nhiều thành công nhờ tâm chân thật. Phật tử các vùng ấy nghèo khó lắm, làm ăn vất vả quanh năm, họ không nghe giảng kinh thuyết pháp nổi, chỉ có cách là mình thể hiện ngay trong đời sống cái chân thật, thâm tình, toát ra đạo lý rồi họ sẽ vâng theo. Từ những đứa bé phá chùa, dần dần ảnh hưởng nếp sống hiền lành chân thật của mình mà chuyển hóa thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, ủng hộ chùa.

 

Hồi nhỏ tôi ở chùa Vạn Đức, có một đám bụi đời thường hay quậy phá xóm làng. Trong đám này có một anh chúa đảng, ra vẻ oai hùng lắm. Ai xử sự không tốt với anh, thì anh sẽ ra lệnh cho đàn em phá tới cùng. Mấy anh thường rủ lên điện Quan Âm trước chùa chơi, rồi cũng phá phách chỗ này chỗ kia. Mai của quý thầy trồng, lặt lá, chuẩn bị ra hoa đón Tết. Tối chúng đem cưa lá liễu tới cưa ngang mặt đất, vác đi. Lúc đó mấy đạo nhỏ chúng tôi tức lắm, cũng nổi máu anh hùng la lối mấy đứa kia. Chúng trả đủa tức khắc, kéo đến phá dữ hơn nữa. Qua một hai lần như vậy, chúng tôi khôn ra, không thèm nói nhiều. Biết anh chúa tể nằm đó, mình tới rà rê làm quen chuyện này chuyện kia, nói phải quấy vui vẻ với anh. Hắn nghe lọt tai rồi thì từ đó về sau tuyệt nhiên không có tên nào dám tới phá nữa. Chẳng những thế, gặp người khác tới quấy phá, anh ta thay quý thầy rầy la giữ gìn cho chùa.

 

Trong cách tu trì, chúng ta làm sao vừa thực hiện được đạo lý của mình, đồng thời giáo hoá mọi người chung quanh. Đó chính là việc làm chính yếu của những người con Phật.
 

 

- HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]