headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 23/04/2024 - Ngày 15 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HỌC ĐẠO

 Trong đạo giáo của chúng ta, kinh điển được ghi lại từ lời Phật dạy, suốt bốn mươi mấy năm, thường gọi là tam tạng kinh điển. Trong đó gồm tạng kinh, tạng luật và tạng luận, cùng rất nhiều bản văn sớ giải và các bộ kinh luận lớn của chư Tổ.

Do có quá nhiều như vậy, nên chúng ta không thể đọc, học hết. Vì vậy ta thấy ở Việt Nam, đạo Phật được truyền bá rộng rãi, nhưng nhìn kỹ lại thì đa số vẫn còn bị xen tạp, sự hiểu biết không đúng với tinh thần của đạo Phật. Người ngoài phê phán lối áp dụng đạo Phật của Phật tử Việt Nam có chiều hướng mê tín... Lời phê bình ấy chẳng sai. Bởi chúng ta có tín ngưỡng rất lớn đối với đạo giáo và chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận những gì na ná như đạo Phật. Chẳng hạn, bất cứ hình tượng gì chúng ta cũng có thể mời lên ngự chung với đức Phật. Đây là những việc không đúng với chánh pháp. Như vậy có nên chăng, khi chúng ta làm một việc mà mình chưa hiểu, còn mờ mịt lai lịch đường lối của việc đó?

Không khi nào chúng ta làm một nơi, tu một nơi mà có kết quả tốt được! Là một người Phật tử, chúng ta không cho phép mình làm như vậy. Tu thì phải có hành, hành thì phải có hiểu. Mà muốn hiểu thì phải có học cho đúng, cho tới nơi. Có thế mới không bị lầm.

Tinh thần chủ yếu của đạo Phật là giải thoát, sự thể hiện của đạo Phật là từ bi và trí tuệ. Do đó, đời sống của người con Phật phải thanh tịnh. Thanh tịnh thì mới giải thoát. Vì vậy đối với người học đạo ở giai đoạn đầu là phải phấn đấu, khắc phục cho được những ham muốn của chính bản thân mình. Nếu người học đạo chúng ta điều phục được phần này, thì chúng ta mới có điều kiện cũng như đủ sự tỉnh sáng để học hỏi và hành trì đạo pháp.

Người xưa nói “Người học đạo thì không bị tình dục mê hoặc, không bị tà ác xoay chiều, khi nào cũng tinh tiến trên con đường đạo. Ta bảo rằng người ấy sẽ chứng quả viên mãn, không bỏ cuộc giữa đường”. Nghĩa là, trước nhất người học đạo phải làm chủ được các dục. Chữ dục có rất nhiều nghĩa: tham dục, dục tình, dục ý... Trong mọi sinh hoạt chúng ta cố gắng làm chủ, không để các thứ này chi phối, tác động, gây xáo trộn, tạo sự bất an bất ổn thì chúng ta mới không bị các thứ tà ác xoay chiều lôi cuốn. Nếu không, có khi ta tu Phật mà chẳng hành trì đúng theo lời Phật dạy. Cho nên đã học theo Phật, thì cố gắng khắc phục, điều chế, bằng không chúng ta chỉ có hình thức mà rỗng về nội dung. Không những chỉ có hàng Phật tử xuất gia phải quan tâm học đạo và hành đạo như vậy, mà ngay cả hàng Phật tử tại gia, nếu đã có ý tu hành thì cũng nên như thế. Có vậy, mới gặt hái được lợi ích thiết thực trong việc tu học của mình.

Kế là, đừng bao giờ để “xoay chiều theo tà ác”. Tà ác là những gì trái lại với lời Phật dạy, với đạo lý. Muốn vậy mình phải hiểu đạo chân chính. Nếu chưa hiểu chân chính thì mình rất dễ bị “xoay chiều”. Như khi phải ngồi nghe pháp, ta cảm thấy mệt mỏi chán nản vì chưa nhận ra tầm lợi ích trước mắt. Nhưng có khi chỉ cần ba nén nhang, khấn vái sơ sơ với một ít chè xôi ở dưới gốc đa, ta lại thấy có kết quả hiệu nghiệm. Vậy là ta dễ dàng chấp nhận việc làm đó. Thành ra đối với vấn đề này, nói nghe thì dễ, nhưng sống đúng với tinh thần của đạo Phật thì quả thật rất khó. Nhất là đối với những tập tục lâu đời như thờ ông này bà nọ, đốt giấy tiền vàng bạc để cầu việc này việc kia... Những thứ này có cơ hội phát triển là do lòng cầu mong, ham muốn của chúng ta. Nó là một biểu hiện của dục. Cho nên học Phật và hành được những điều đã học thì quả không phải dễ. Tuy không dễ nhưng không có nghĩa là không làm được!

Phật dạy “Này các thầy Tỷ Kheo, nếu siêng năng thì không có việc gì khó. Vì thế các thầy phải siêng năng. Giọt nước chảy mãi sẽ có ngày xuyên thủng đá. Người hành đạo không siêng năng, biếng lười, thì cũng như cọ gỗ lấy lửa, chưa nóng đã vội dừng. Như thế có muốn lấy lửa, không làm sao được lửa”. Ở đây tôi muốn nói đến công phu liên tục của người tu. Vì sau khi hiểu, ta phải hành trì. Có hành trì thì mới có lợi lạc. Hành trì ở đây là siêng năng liên tục, không thể một nắng mười mưa, nửa vời mà có kết quả. Ngày xưa các Tổ đã phải ở trong muôn vàn khó khăn mà vượt khỏi khó khăn để đạt đạo và truyền đạo. Lục Tổ Huệ Năng, dù đã được truyền thừa tâm ấn, cũng phải ẩn dật sống cực khổ với các thợ săn mười mấy năm trời. Tổ Qui Sơn, lên núi Qui để mở mang Phật sự, rừng núi um tùm rất nhiều thú độc. Sau sáu năm Ngài vẫn bình yên. Ngài đã từng thệ nguyện “Ta đã ở đây sáu năm, nếu có duyên với Phật đạo thì xin các thú ẩn đi để ta hóa đạo. Còn nếu không thì xin hiến thân này”. Phấn đấu được như vậy, chắc hẳn bên trong các Ngài phải có nội lực thâm hậu mới có thể đảm đương việc lớn. Muốn mở mang được đạo không phải là chuyện thường. Những chướng ngại bình thường mà ta không đủ sáng suốt để vượt qua, rồi công phu thì cứ như lục bình trôi sông, biết bao giờ mới đắc đạo.

Người thành Phật thành Tổ càng nhiều thì Phật pháp càng tăng thạnh. Bản thân mình lợi lạc thì cũng muốn những người chung quanh được lợi lạc. Đối với hàng Phật tử tại gia, sau khi học và hành, cũng nên chỉ dẫn lại cho họ hàng, bà con láng giềng của mình hiểu biết về đạo pháp. Đây là tinh thần từ bi của đạo Phật. Muốn vậy chúng ta phải hiểu đạo ra sao, hành trì thế nào? Chính bản thân mình phải là người thể hiện được đức tính và sự lợi lạc của người đã học hiểu và hành trì Phật pháp. Từ đó mới có đủ năng lực và uy tín để gầy dựng cho những người chung quanh. Tu sơ sơ, học sơ sơ thì khó mà hành đạo và đạt đạo.

Sau đây là những điều cần thiết để chúng ta đạt được đời sống thanh tịnh, giải thoát.

a. Phải khống chế và khắc phục cho được các dục của mình.

Trước hết tôi nói về nghĩa của chữ dục. Phải biết rõ dục là gì, ở đâu, thì ta mới có thể khống chế và khắc phục được nó. Đánh giặc mà không biết giặc là ai, ở chỗ nào thì quả là si mê. Nghĩa chữ dục tôi đề cập ở đây là những thứ dục phá hoại công phu tu hành của người con Phật. Tôi cũng chỉ nhắc đến những thứ dục trong phạm vi mà chúng ta có thể thấy, có thể khắc chế được. Còn các thứ dục vi tế và những dục thuộc về đại nguyện của Bồ tát thì tôi sẽ đề cập trong các phần khác.

Dục có nhiều nghĩa, nhưng chung qui cũng không ra ngoài thân, khẩu và ý. Các ý niệm mong muốn, ham muốn là thuộc về ý. Những ham muốn ưa thích trong phạm vi của miệng là dục thuộc miệng. Những ham muốn ở thân là dục thuộc thân. Tuy chia ba, nhưng dục từ thân và miệng đều có sự chi phối của ý. Dù ngăn ngừa dục ở miệng và thân, mà không chuyển ngay từ ý, cứ buông lung cho nó mặc tình rong ruổi, thì quả thật chẳng phải là người khôn ngoan. Giống như ngăn nước trong hồ không cho chạy ra ngoài bằng cách bít lỗ, nhưng lại không khóa nguồn nước. Làm vậy có khác gì tăng thêm áp lực nước trong hồ, có ngày cũng mang họa.

Ở đây, Hòa thượng dạy chúng ta “biết vọng không theo”, nghĩa là tu thẳng từ cửa ý này. Vừa có một ý niệm ham muốn dấy lên, ta biết nó không thật, buông! Thì mọi thứ được yên ổn bình an. Trên thực tế có loại vọng niệm mình buông được liền. Nhưng cũng có thứ ăn sâu trong xương trong tủy của ta, không phải nói buông mà buông liền được. Vì vậy đức Phật dạy rất nhiều phép quán, chẳng hạn như quán bất tịnh, quán vô thường v.v… Nói chung, tùy phương tiện đối trị mà chúng ta khắc chế và làm chủ được dục của mình ngay từ trong ý niệm. Đã nói là phương tiện thì phải nhớ rằng, nó chỉ được dùng trong một giai đoạn nào cần thiết thôi.

Ai cũng biết, nghiệp dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử khổ đau. Nhưng nghiệp là gì mà năng lực của nó lớn như vậy? Chẳng qua nó chỉ là những hành động của thân khẩu ý được lặp đi lặp lại thành thói quen mà thôi. Dục cũng vậy, đừng cho rằng đây chỉ là một hành động nhỏ, một ham muốn nhỏ mà buông lung. Những thứ dục mà chúng ta phải cần đến các phép quán như quán bất tịnh, quán vô ngã... chẳng qua cũng chính là do huân tập quá sâu quá dày từ nhiều kiếp trước. Vì vậy chớ khinh thường đối với các dục nhỏ.

Tại sao chúng ta phải khắc chế và làm chủ cho được dục. Đơn giản là vì nó làm ta không yên, chưa kể những hậu quả được hình thành từ nó. Đối với người tu, nó phá đời sống thanh tịnh phạm hạnh. Đối với người đời, nó đưa người ta đến chỗ tội lỗi, hư hoại. Chúng ta thấy cuộc sống ngoài đời với những việc cướp bóc, giết người chẳng qua cũng chỉ từ một chữ dục mà ra. Quí vị thấy, có những kẻ giết người hàng loạt không phải vì tiền bạc hay là vì gì cả, mà chỉ đơn giản là vì thích giết vậy thôi. Nghiệp có một năng lực ghê ghớm được hình thành từ đời kiếp nào ta không hiểu, nhưng rõ ràng chữ “thích” đó là bà con gần của chữ dục. Rồi những việc rất đơn giản như muốn nghe, muốn đi, muốn nói… làm ta khó yên để mà định tỉnh.

Quí vị cứ nghiệm mà xem, chỉ với ý niệm nhỏ là muốn ăn cái gì cho ngon thôi, chúng ta đã không yên rồi, lăng xăng lộn xộn suy nghĩ cho ra món ăn, rồi còn thực hành, ra chợ này không có, chạy sang chợ khác. Đối với người đời đó là chuyện thường. Nhưng với nguời tu chúng ta nếu như vậy thì giờ đâu để tu? Nói gì đến các việc khác lớn hơn, quan trọng hơn. Không yên làm sao có định, không định thì tuệ ở chỗ nào? Cho nên diệt được những dấy niệm ham muốn, ta mới định tỉnh an ổn. Người nói thiền nói đạo mà không làm chủ được dục thì chỉ là nói cho vui. Đó là những bất an bất ổn hiện tại trước mắt, chưa kể đến hậu quả của nó để lại về lâu về dài. Từ những hậu quả này tạo nên một năng lực cột chặt, nghiền nát con người chúng ta không ngày thoát khỏi. Cứ vậy mà trôi dạt.

Tóm lại chúng ta làm tất cả mọi thứ như tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền… cũng chỉ là nhằm tiêu diệt lòng ham muốn của mình, để được bình tĩnh an lạc. Niệm Phật, tụng kinh để cầu vãng sanh thì được nhưng niệm Phật tụng kinh để cầu phú quí, tăng thêm lợi lộc thì thưa quí vị, xin suy nghĩ lại. Điều này đã đi ngược với lời răn dạy của đức Phật rồi. Phải nhớ những phương tiện chư Phật chư Tổ đặt ra chẳng qua là diệt cho được lòng dục của ta, không phải bày thêm tai họa cho ta. Diệt được dục nghĩa là giữ giới tu hành.   

b. Diệt tật sân hận.

Sân hận là những biểu hiện như bực tức, nổi sùng, la hét… cho đến những thứ như uẩn ức buồn phiền đều là những biểu hiện của sân hận ở mặt vi tế.

Tại sao sân hận xuất hiện? Vì gặp những điều trái ý của mình. Nói chung là đi ngược với lòng dục, với vọng tưởng của chúng ta. Dấy niệm bực bội sân hận là do cố chấp, do chưa hiểu tới nơi, không quán thông nhân quả nghiệp báo. Vì không phải là kẻ sáng suốt, ta mới bực bội với những cảnh chung quanh. Bực bội, giận dữ, hầm hét là hiện tướng của quỉ thần, không phải là tướng từ bi. Hiện ra tướng như vậy thì phải biết đó là tập nhân không tốt của mình. Mình đã gây ra “chủng tử” như vậy, mà lạy Phật để cho con được vui vẻ thì không xong. Đã gây nhân đó mà sợ quả đó thì vô lý. Vì vậy, ai mong muốn vui vẻ an lạc thì phải tiêu diệt mầm sân hận, lửa ngầm ở trong lòng.

Do si mê, tham dục ta sân hận. Nhưng cũng từ sân hận ta trở thành si mê. Quí vị vẫn thường nghe người đời nói “giận mất khôn”. Sân cũng như tham, chúng làm tâm ta chao đảo rối loạn, không có định tỉnh. Nhưng cũng từ thiếu định tỉnh ta mới bị sân hận dẫn đường. Sân và tham tai hại như vậy, nên cần phải diệt tận. Muốn diệt trừ sân hận thì cũng có nghĩa là chúng ta phải làm chủ cho được các dục. 

c. Làm chủ si mê.

Si là ngu. Mê là lầm, là không tỉnh. Vì bỏ quên cái “sáng suốt thường hằng” mà ta lầm lạc, ngu muội. Do bất giác mà ta gây tạo biết bao nghiệp nhân. Rồi từ những nghiệp nhân này ta càng trở nên tăm tối. Mặt khác, si mê là do lòng cố chấp mà ra. Nó là căn bệnh nguy hiểm cần loại bỏ. Muốn loại bỏ lòng si mê, chúng ta phải học hỏi Phật pháp cho tới nơi tới chốn, kế đến phải hành trì tu tập. Từ việc tu tập hành trì, chúng ta có định tỉnh, từ định tỉnh ta có trí tuệ. Trí tuệ xuất hiện, thì si mê đương nhiên không còn.

d. Chủ yếu của người tu là phải “minh tâm kiến tánh”.

 Người minh tâm kiến tánh, nói gần chính là người khắc phục được tham sân si, buông được vọng tưởng. Buông vọng tưởng là một việc làm không phải dễ. Nếu không minh tâm kiến tánh thì khó thực hiện được.

Minh tâm kiến tánh là gì? Chính là người đã nhận được tâm chân thật của mình.

Minh là sáng, Kiến là thấy. Minh tâm là nhận được tâm thể. Kiến tánh là thấy được bản thể của các pháp. Cái chính là chúng ta phải tự nhận được tâm mình. Bao giờ chúng ta nhận lại được hạt châu trong túi áo, thì chúng ta mới thật sự hết nghèo, hết khổ. Người muốn vào được cửa Thiền là người phải minh tâm kiến tánh. Đây tôi chỉ mới nói đến việc “nhận ra”, chưa phải là “công phu hay quá trình” gạn lọc trải dài, không tính kiếp số thời gian, đòi hỏi sự kiên trì và bền vững ở chúng ta. Minh tâm là người luôn luôn sống được với tánh sáng suốt của chính mình. Kiến tánh là thấy đước tánh thật của mình. Bởi từ lâu mình lầm nhận đồ giả cho là thật nên chạy theo bám víu, khổ đau dài dài. Giờ nhận ra nó không thật, thì chạy theo làm gì nữa! Khi nhận ra được cái thật, ta yên lòng dù đang sống trong cái không thật. Đó là kiến tánh.

Phật nói giáo pháp của Ngài không dành riêng cho ai. Bất cứ ai nếu áp dụng đúng thì cũng đều hưởng được kết quả và giá trị thiết thực của nó. Vì vậy, người học đạo chẳng do trí thông minh hay tài biện luận mà chính là do nơi lòng thành thật của chính mình. Đó là điểm chính yếu trong việc tu hành. Thành thật là sao? Là biết các nghiệp tập, các xấu dở của mình để khắc phục và trị liệu. Là người tu thì phải quay lại chiếu kỹ vào mình, không nên soi rọi ra ngoài thấy khuyết tật của người. Biết dở liền bỏ, đó gọi là tu. Trong các việc hàng ngày như ăn, uống, ngủ, nghỉ, tiếp xúc, nếu cái dở lòi ra thì lập tức đánh dấu mà trị. Ngược lại, chúng ta cất kỹ nó thì khác gì nuôi rắn độc trong nhà. 

Niết-bàn trong đạo Phật không thể tìm ở đâu, mà chính là phải đào xới ngay nơi mình, bằng cách loại những cái không thật ra. Lòng thanh thản thoải mái, đó chính là Niết-bàn. Nên nói “người tu phải thầm xét lòng mình, chớ bày lỗi người, ở tất cả chỗ thảy không ngăn ngại, tức lòng thong thả”. Vọng cảnh dứt rồi thì thật cảnh mới hiện ra. Cho nên người tu phải là người dám nhìn lại mình mới được.

Một điểm tôi muốn nói đến nữa là, LỐI RA KHỎI SANH TỬ. Muốn vậy, phải quán sát thật kỹ cuộc đời, hoàn cảnh và thân này. Như trong kinh nói “Thế gian là vô thường, đất nước là tạm bợ, bốn đại là không thật”. Nói đến quán sát, quán chiếu là phải nói đến tinh thần thọ trì tu học chính đáng, không phải đọc học suông. Thế giới mong manh, hoàn cảnh bất như ý, thân này là nhà lửa, có gì an ổn bền lâu mà nuôi dưỡng các niệm đảo điên trong lòng. Muốn nhận định chính xác như vậy, chúng ta phải có sự quán xét. Tức dùng trí tuệ mà thấy xác thật được vấn đề. Tuy nhiên muốn quán xét thường xuyên và có hiệu quả thì phải thông qua thiền định. Có thiền định mới dừng được tất cả những niệm tưởng lăng xăng, thấy được tột nguồn của chúng. Người tu mà không định tỉnh thì chưa thể yên, chưa có quán xét sâu sắc, chưa có trí tuệ.

Tóm lại người tu đúng chánh pháp là người minh tâm kiến tánh, định tỉnh, thấy đúng như thật các pháp.

Xưa có một vị tên là Ngũ Liễu, bình nhật Ngài ít nói, không ham danh lợi, thường viết văn để tự tiêu khiển, không bị rượu chè làm chìm đắm, không bị các thú vui làm mất thời giờ. Đó là con người không bị dục lạc, danh lợi kéo lôi. Người tu thiền mà bị các pháp kéo lôi thì thật là dở. Nhưng thật tình thứ gì cũng có thể kéo lôi mình, từ tiếng động, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, có vạn thứ mình vướng mắc quay cuồng trong đó. Những thứ rất bình thường trong cuộc đời kéo lôi làm mất đi thì giờ của chúng ta, làm mất đi nhân cách của chúng ta. Nhưng chúng ta thì cứ cho là tự nhiên, sống mất mình trong đó. Muốn không như thế thì đòi hỏi phải có công phu.

Tóm lại, người con Phật phải làm sao để sống tỉnh thức, nhàn nhã bất động. Còn động là còn bị thế gian lôi kéo. Người tu thiền là người phải bất động với danh lợi, tiền tài, sắc dục thế gian. Chỗ hướng tới của chúng ta chính là “bất động đối với các pháp”. Muốn vậy phải học cho đúng, hành cho đúng. Trong đó điều chủ yếu vẫn là phải áp dụng những gì đã học được một cách bền bỉ lâu dài.

[ Quay lại ]