headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐỔI MỚI TRONG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VÀ TÍNH KẾ THỪA

 Nói đến giáo dục Phật giáo là nói đến mạng mạch Phật pháp, là nói đến nguồn trí năng được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nguồn trí năng ấy, Phật giáo gọi là khả năng giác ngộ mà mọi người đều có thể vận dụng qua nỗ lực của chính mình, thông qua sự học tập giáo điển và kinh nghiệm từ các bậc cổ đức. Đồng thời sử dụng nguồn trí năng ấy làm lợi ích cho nhân sinh.

Theo truyền thống giáo dục Phật giáo từ xưa đến nay, Phật dạy giáo pháp Như Lai đến với cuộc đời bao giờ cũng phải hội đủ ba yếu tố: khế lý, khế cơ và khế thời. Như chúng ta đã biết, hiện nay ngành giáo dục Phật giáo đang đứng trước một nền công nghệ thông tin hiện đại, đã đưa giáo dục Phật giáo vào một bất cập mới là không chạy theo kịp với đà phát triển như vũ bảo của ngành khoa học này, giáo dục Phật giáo lại một lần nữa vướng mắc trước tâm lý của Tăng Ni và Phật tử rằng giáo dục Phật giáo Việt Nam chậm tiến quá! Lại thêm việc hội nhập thế giới lại là một thử thách mới đối với Tăng Ni trẻ thời kinh tế thị trường. Việc tu học vì thế càng gặp nhiều nhân duyên phức tạp hơn. Làm sao để có được sức mạnh giữ vững thế đứng của mình trước dòng thác lũ ấy là một nhiệm vụ khó khăn mà ngành giáo dục không chỉ có dạy và học của thầy trò, mà từng phút từng giây chúng ta phải nỗ lực củng cố nội lực bên trong, làm thành trì bảo vệ tự thân.

Thật ra chúng ta phải nhớ rằng Phật giáo lấy nội tâm làm đối tượng quán chiếu để triển khai tuệ giác, trong khi nền văn minh của khoa học lấy vũ trụ vạn hữu bên ngoài làm đối tượng nghiên cứu và phát minh những thành tựu khoa học mới. Cả hai đều có mục đích phục vụ cho nhân sinh, nhưng một bên hướng tới chỗ tuyệt đối cứu kính, vượt thoát sanh tử, vĩnh viễn chấm dứt khổ đau, một bên vẫn còn nằm trong nguyên lý đối đãi, cho nên thành quả cũng chỉ ở trong chừng mực của các tướng trạng sanh diệt vô thường, chưa thể giúp con người thật sự an vui hạnh phúc.

Chính vì thế dù ở bất cứ thời đại nào, giáo dục Phật giáo vẫn phải lấy sự tu trì, thực hành giáo pháp, nỗ lực công phu thiền định làm chỗ trọng yếu, mang tính quyết định cho mục đích rốt ráo của mình và tha nhân. Học phải đi đôi với hành. Và thành công lớn nhất của một hành giả tu Phật là tự chiến thắng mình, khám phá ra con người chân thật của chính mình. Muốn như thế chỉ có thể xoay vào bên trong quán chiếu nội tâm, không thể hướng vọng ra ngoài được. Do đó giáo dục Phật giáo luôn luôn đặt nặng vấn đề chuyên tu song hành với việc học tập nghiên cứu giáo điển.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tụt hậu, đi ngược lại với đời sống văn minh vốn đang rất phát triển trong thời đại hiện nay. Vì vậy ngành giáo dục Phật giáo vẫn quan tâm bồi dưỡng những kiến thức thế pháp cần thiết cho một vị tăng tài đủ sức đảm đương, gánh vác sứ mệnh đạo pháp. Tuy nhiên hàng đệ tử xuất gia của Như Lai phải biết đâu là việc bổn phận chính yếu của mình. Ngành giáo dục Phật giáo phải dồn hết tâm lực vào việc hoàn thành sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ kế thừa tài đức vẹn toàn, có một trình độ Phật học và tri thức nhập thế cơ bản, khả dĩ gánh vác được sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, xứng đáng là Tăng bảo làm cho ngọn đèn chánh pháp ngày càng rực sáng.

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, Ngài phân định có hai con đường cho hàng đệ tử xuất gia. Một là chuyên tu thiền định để đạt được quả vị tối thắng là A La Hán, chấm dứt phiền não khổ đau. Hai là nghiên tầm giáo điển và đi thuyết giảng, đồng thời cũng phải nỗ lực tu tập. Tùy duyên, tùy căn cơ của các thầy Tỳ-kheo mà có sự chọn lựa thích hợp cho mỗi vị. Tuy nhiên, đức Phật luôn tuyên dương và đánh giá cao con đường thứ nhất. Bởi vì đó đích thực là con đường tối thượng, con đường đức Phật đã đi và đã đến được chỗ giác ngộ viên mãn.

Một khi việc tự lợi tương đối vững vàng, chúng ta sẽ bước qua lợi tha. Có thế mới an ổn vẹn toàn. Việc đào tạo tăng tài phải được dựa trên ba yếu tố bi trí dũng của đức Phật đã dạy từ nghìn xưa. Một tăng sĩ bước vào đời phải có trí tuệ, từ bi và sự dũng mãnh. Dấn thân là một con đường nhiều chông gai, nếu không hội đủ ba yếu tố này, chúng ta khó thành công trên bước đường lợi tha. Nơi nào Phật pháp cần chúng ta đến, nơi nào chúng sanh gọi chúng ta đi. Liệu Tăng Ni ngày nay có mấy ai mạnh mẽ trang bị cho mình một tinh thần nhập thế như vậy không? Điều này cũng không ngoài bổn phận giáo dục và đào tạo của ngành giáo dục Phật giáo chúng ta.

Tổ chức nội trú để ổn định việc sinh hoạt tu học cho Tăng Ni đang là một nhu cầu cấp bách và vô cùng cần thiết trong khâu tổ chức cũng như quản lý của ngành giáo dục Phật giáo hiện nay. Riêng tại Phật giáo Đồng Nai, Ban Giáo dục đã thực hiện được công tác này từ mười mấy năm qua. Đây là một nỗ lực rất đáng khích lệ và tuyên dương của Phật giáo Tỉnh nhà. Nhờ đó mà kết quả đào tạo của bản trường luôn tốt đẹp và đáng tin cậy đối với tăng già cũng như quần chúng Phật tử, các cấp lãnh đạo chánh quyền.

Sau cùng tính kế thừa vẫn là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta. Song kế thừa trong giáo dục Phật giáo không chỉ có kiến thức, tài năng mà là cả cuộc đời tu hành, thân chứng, tâm chứng của mỗi hành giả tu Phật. Cho nên việc giáo dục đòi hỏi phải đầy đủ cả hai mặt thân giáo và khẩu giáo. Đây chính là điểm khó và cũng là điểm son trong giáo dục Phật giáo vậy.

Chỗ này, trong nhà thiền các thiền sư thường sử dụng những phương tiện thiện xảo để tuyển lọc và tiếp dẫn người sau. Đồng thời học nhân cũng phải trải hết thân tâm để đón nhận những chiêu thức đặc sắc ấy, giống như con ngỗng chúa chỉ uống sữa loại bỏ nước. Một giai thoại đẹp trong nhà thiền đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị truyền thừa độc đáo. Một hôm, Quy Sơn ngủ vừa thức giấc, Huệ Tịch đến thăm, Sư liền xoay mặt vào vách. Huệ Tịch thưa:

- Hòa thượng đâu được như vậy.

Sư trổi dậy bảo:

- Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, con thử vì ta đem lại xem.

Huệ Tịch liền đem một thau nước đến, Quy Sơn rửa mặt xong. Chốc lát, Hương Nghiêm đến thăm, Sư bảo:

- Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, Huệ Tịch vì ta đem lại xem xong, con lại đem cho ta xem.

Hương Nghiêm liền rót một chung trà dâng lên. Quy Sơn uống xong, bảo:

- Hai con thấy hiểu còn hơn Xá Lợi Phất.

Xem giai thoại trên, chúng ta thấy chỗ tâm đắc và truyền trao của người xưa thật là tương thông tương nhiếp. Có thế mới đảm đương được việc lớn, nối tiếp sứ mệnh truyền đăng tục diệm. Chính vì thế tính kế thừa trong Phật giáo mang cả dòng sinh mệnh của Phật pháp, không chỉ trong hiện đời mà trải dài vô lượng đời, cho đến bao giờ tất cả chúng sanh đều xa lìa bến mê, đồng lên bờ giác.

Tóm lại, đường hướng giáo dục của đức Phật dạy từ ngàn xưa mà Giáo hội chúng ta ngày nay đang cố gắng thực hiện không ngoài mục đích chuyển hóa và xây dựng thân, khẩu, ý của con người; làm thế nào thể nhập được Giới, Định, Huệ để góp phần phụng sự nhân loại, phụng sự xã hội và đất nước ngày càng hoàn thiện hơn.

Vận mạng của đạo pháp nằm trong tay Tăng Ni trẻ, ngành giáo dục Tăng Ni chúng ta hãy dựng lên trong lòng đạo pháp, trong lòng dân tộc một niềm tin. Chúng tôi thiển nghĩ đó là tất cả những gì Ban Giáo dục Phật giáo cần phải đem hết tâm lực, trí lực và dũng lực của mình đoàn kết, hòa hợp để cùng nhau thực hiện cho được hoàn mãn.



 

[ Quay lại ]