headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Khi rảnh rỗi nhất, mình sẽ làm gì?

chutieulavanThích Tâm Hạnh

“Khi rảnh rang nhất, mình sẽ làm gì?” Hay: “Khi không có một nguyên tắc nào ràng buộc, mỗi người chúng ta sẽ làm gì?” Câu hỏi lý thú này sẽ phần nào đoán biết được cuộc đời của mỗi người sẽ đi về đâu. Khi rảnh rang nhất, không có một nguyên tắc nào ràng buộc cả, chính là lúc chúng ta được giải phóng, không còn bị trói buộc hay nương tựa vào bất cứ gì. Là lúc trả lại chính thực con người của mỗi chúng ta, không bị phủ lên bất kỳ một thứ gắng gượng giả tạo nào cả.

Lúc ấy, hễ vừa muốn làm một điều gì đó, là đã lộ rõ con người thật đang ẩn náu trong mình. Con người ấy sẽ dẫn lối đưa đường cho mình đi đến tương lai. Có thể là thanh cao như Thần Thánh. Có thể là thánh thiện và siêu việt như Phật Tổ. Và cũng có khi là tìm vào nơi trụy lạc như quỷ ma, chỗ tối tăm như địa ngục hoặc ngu si như những loài súc vật quanh ta… Tất cả đang ngủ ngầm trong tâm khảm mỗi một con người. Khi rảnh rang nhất không còn lệ thuộc gì, nó sẽ hiện nguyên hình để chúng ta nhận diện. Cho nên không nương tựa là cách đưa con người ta trở về với chính họ, để kịp sửa đổi, để không còn bị tai nạn chính mình đánh lừa mình, để rồi phải hối tiếc.

Khi được hỏi như thế, có người trả lời: “Lúc ấy mình sẽ đi ngủ.” Nghe vậy thì biết người này bị ngủ nghỉ trói buộc, nương tựa vào ngủ nghỉ làm sự sống, muốn sống an phận, khó khăn trong việc thay đổi bản thân để tiến bộ. Tuy hằng ngày làm việc vất vả không có thời gian nghỉ ngơi. Bây giờ rảnh rang sẽ tranh thủ nghỉ tí. Nhưng nếu là người cân bằng được tâm mình trong cuộc sống thì cũng ngủ nghỉ, nhưng họ sẽ không kẹt trong ấy cho nên câu trả lời của người này sẽ khác; không ở trong tâm thái vùi vào ngủ nghỉ như vậy.

Có người khác nói: “Sẽ đi mua sắm.” Thì biết là người hướng ngoại, muốn hoạt động và tìm vui bên ngoài. Nếu là người có tâm thái sống không nương tựa một cách đúng mức, khi cần họ cũng đi mua sắm chứ không nhất thiết phải ngồi giam mình một chỗ trong nhà. Nhưng tâm vị này không bị việc mua sắm sai sử rồi nhốt vào trong những món hàng hấp dẫn, vì thế sẽ có câu trả lời khác hơn.

Có người thì đi du lịch, tụ tập bạn bè ăn uống. Như vậy sẽ là người ham vui, sống trôi theo nhịp sống bên ngoài. Cần vào sự giao du, vui chơi với bạn bè mới cảm thấy thoải mái. Do đó cuộc đời chỉ lẩn quẩn chung quanh những thú vui tầm thường, tiệc tùng, bè bạn hợp tan. Có khi cần cũng phải đi đây đó, dự tiệc với bạn bè. Nhưng với người biết sống không nương tựa, câu trả lời của vị này sẽ khác hơn.

Có người nói: “Lúc rảnh rang sẽ đi làm từ thiện.” Là một ý tưởng hay. Nhưng vẫn chưa cho thấy cái nhìn đúng về việc làm từ thiện. Vì thế trong cuộc sống chưa được thảnh thơi, vẫn còn bị ràng buộc nên mới mơ ước có lúc rảnh rang để làm từ thiện.

Từ thiện là để mở lòng mình, ban ra cho nhiều người khó khổ hơn, khiến cho tâm mình được rộng lớn và thánh thiện. Nếu cuộc sống chỉ có biết nhận mà không cho ra thì lòng sẽ tự thu hẹp lại, trí không sáng, cuộc sống khó có được niềm vui và thanh cao. Người biết mở lòng, ban ra, sẽ khiến cho tâm mình thanh thoát, trí sáng, có niềm an vui và trở nên cao cả, lớn rộng. Khi có vài trăm ngàn thì nhín bớt một phần chi tiêu để ban ra, giúp cho người nghèo khổ hơn mình bớt đi nỗi khó khăn trong cuộc sống. Gặp cụ già yếu ốm chúng ta đỡ đần. Thấy một vật nhọn thì sẵn tay nhặt lấy để không bị ảnh hưởng đến ai đó. Cho đến, nhường một chỗ ngồi êm ái cho người khác. Góp một lời an ủi cho người bị hoạn nạn đỡ lo sợ. Giúp ai đó một lời khuyên để chuyển hóa, hy vọng cuộc sống của họ sẽ được thay đổi tốt đẹp hơn… Với tấm lòng rộng mở, ban ra thì lúc nào chúng ta cũng đang làm từ thiện. Đợi đến khi dư ăn dư để, có thời gian nhàn rỗi, không có nguyên tắc gì ràng buộc mới đi làm từ thiện thì biết đợi đến khi nào mới có được ngày đó? Người sống không nương tựa, biết cách làm từ thiện đúng nghĩa sẽ có câu trả lời khác.

Một người khác nói: “Khi được rảnh rang, tôi sẽ viết văn, sáng tác.” Có người đã thưa với quý thầy: “Con rất thích sáng tác. Ước nguyện của con là chết trên bàn phím. Và con cảm thấy rất trống trải, lo sợ nếu một ngày không còn gì để làm.” Đây là người thích sống bằng một ý tưởng thanh cao, tích cực, không đặt nặng đời sống vật chất. Nhưng nếu còn một thứ gì đó để hướng đến và sống về thì vẫn còn có cái để bị lệ thuộc, nương tựa, chưa được thảnh thơi thật sự. Chính vị này đã phát biểu: “Con cảm thấy rất trống trải, lo sợ nếu một ngày không còn gì để làm.” Tức là còn điểm yếu, lo sợ. Nếu người được sống là chính mình, họ cũng có thể sáng tác văn chương, nhưng câu trả lời sẽ không như thế.

Tất cả những câu trả lời trên đã cho chúng ta nhận ra một điều, khi nghe nói được thảnh thơi, không có nguyên tắc gì ràng buộc thì mọi người muốn đi làm đủ thứ khác hơn công việc hằng ngày. Hóa ra lâu nay con người chúng ta đang sống trong ràng buộc, nương tựa, bị nô lệ đủ thứ, chưa hề được sống bằng chính mình. Có khác gì đang sống mà không được sống. Khổ chưa!

Có vị thì bảo: “Tôi sẽ tọa thiền.” Nghe ra là hay và thật tốt, biết an trú trong tịch tịnh của thiền định. Nhưng chưa đạt được cốt tủy của Thiền một cách tuyệt đối nên vẫn còn nương tựa, dù đó là sự tựa nương về tâm vắng lặng an vui của thiền. Nếu khi bị chiến tranh hay bệnh nặng sắp qua đời… không còn điều kiện để thiền tọa thì liệu rằng chúng ta có an ổn được không? Biết vậy thì cũng nên tiếp tục tọa thiền nhiều hơn để thăng tiến. Đồng thời, cần khéo biết cách vượt ra khỏi sự tựa nương nơi thiền định. Là người sống bằng con người không nương tựa một cách tuyệt đối. Vòi vọi riêng sáng, rờ rỡ rõ ràng, thiền tọa hay làm bất cứ việc gì thảy đều tùy duyên linh hoạt. Vị này sẽ có câu trả lời khác hơn, không phải như thế.

Suốt mấy ý tưởng đã nói qua mà không nêu rõ câu trả lời chính xác là gì. Chỉ là: “Vị này sẽ có câu trả lời không như thế.” Vậy thì cụ thể vị sống không nương tựa sẽ trả lời như thế nào? Nôn nao, chờ đợi, hồi hộp, ngóng trông đến bực tức để chờ nghe một câu trả lời của người sống không nương tựa sẽ nói gì. Như thế là chúng ta đã đánh mất chính mình, là đã bị lao ra tìm biết và nương tựa vào câu trả lời của người khác, là quên mất chính mình nữa rồi. Vậy phải làm sao?

Hãy sống bằng tâm tánh chân thật của chính mình thì trong ấy sẽ có vô vàn câu trả lời. Muốn làm thinh hay cười, hoặc nói bất kỳ điều gì đều được, đâu cần đi tìm câu trả lời nào khác bên ngoài. Có biết bao điều để làm khi có thời gian. Nhưng nếu sống bằng tâm không nương tựa, biết đặt mình ra ngoài sự chi phối của mọi thứ thì chúng ta sẽ có câu trả lời đặc biệt. Không chỉ là một lời nói hay của văn chương mà còn toát lên một sức sống thanh thoát lạ thường. Một cuộc sống thảnh thơi thật sự!

Có thể là: “Khi không có một nguyên tắc nào cả, tôi cũng sẽ sống và làm mọi thứ như những gì hằng ngày từng làm.” Bởi hằng ngày vị này biết định hướng sống, có lập trường sống. Không phải thụ động an phận mà họ biết mình ngang nào, bằng cách nào để có được cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn trong khả năng cho phép của mình. Không nhìn lên so sánh với người khác để bị tự ty, thụ động, chán chường hay hoang tưởng đột phá theo kiểu làm liều để phải bị tán gia bại sản, liên lụy đến mọi người chung quanh. Cũng không nhìn xuống so sánh với những người tệ hơn để tự hào, thỏa mãn hay bằng lòng về cuộc sống của mình. Như thế chẳng khác nào đã nương tựa vào mớ tơ nhện đang có để tự đóng khung, thu mình nhốt vào trong đó. An tỉnh, trí sáng sẽ có được định hướng và lập trường sống. Với cách sống này, cuộc sống sẽ tiến triển tốt, an toàn và bền vững; không bị bất cứ điều gì ràng buộc. Sống được một cuộc sống không nương tựa như thế, chúng ta sẽ có được phần an ổn của bước đầu và thảnh thơi nhất định trong đời. Đặc biệt hơn, với người có sức sống đạo mạnh mẽ, hằng ngày làm bất cứ việc gì cũng không ra ngoài tâm thể như như mà sống động. Ở không hay làm bất cứ việc gì, tâm này vẫn bình thường, an lạc, thảnh thơi như thế. Có nghe hỏi “lúc rảnh rang nhất sẽ làm gì?”, vị này vẫn chẳng thấy có gì biến đổi hay khác biệt: “Tôi cũng làm mọi thứ bình thường như hằng ngày.”. Dù hôm nay có duyên thay đổi sinh hoạt khác hơn thì cũng chỉ bình thường như thế. Bởi tâm này rất sinh động, linh hoạt mà vẫn không hề động hay biến đổi.

Và sẽ có người trả lời: “Đến đó thì biết!” Bởi người này đã sống tuyệt đối bằng con người tròi trọi không chút tựa nương. Hằng ngày trên mọi sinh hoạt, vị này luôn sống bằng tâm vòi vọi riêng sáng. Việc nào cũng chỉ là một công việc. Không có việc gì cố định quan trọng, cũng chẳng có việc gì là thứ yếu hơn. Có việc hay ở không rảnh rang thì cũng chỉ có thế, không can hệ dính dáng đến bản tâm bình thường mà phi thường. Không có một nguyên tắc nào làm cho mình cảm thấy trở ngại hay ràng buộc. Cũng không chờ vào một khung cảnh vắng lặng, hay đợi đến một thời điểm rảnh rang nào thì mới được thanh thản, thảnh thơi. Ở bất cứ nơi đâu, mỗi một thời khắc đều là những khoảnh khắc thong dong tự tại. Có nguyên tắc nào buộc ràng được đâu mà lại đặt ra vấn đề “khi không có một nguyên tắc nào ràng buộc?” Trong bất cứ thời điểm nào, vị này cũng cảm thấy thỏa mái, thảnh thơi thì đâu cần phải đặt ra vấn đề “lúc được rảnh rang?” Lúc nào cũng là lúc sống vui, an lạc, giải thoát; đâu có gì khác biệt đáng để đặt thành vấn đề! “Đến đó thì biết!” Hay im lặng mỉm cười. Hoặc cũng có thể có vô vàn cách nói thuận nghịch khác nhau. Người đến trong đây, sống bằng chỗ không nương tựa tuyệt đối này rồi thì nói gì, làm gì cũng đúng. Chỉ là tùy thời, tùy duyên, tùy căn cơ, không cố định. Cứ đến trong ấy, diệu dụng thiếu gì! Cần chi phải thắc mắc, mong chờ, hoặc đi tìm một cách giải đáp nào mới thỏa đáng!

Ngoài ra, cũng có trường hợp trả lời theo hướng ngược lại câu hỏi, không chấp nhận rảnh rang: “Cuộc sống con người cần phải có một số nguyên tắc nhất định thì mới tốt.” Trước khi hiểu về ý tưởng này, chúng ta thử cùng tìm hiểu một ví dụ.

Có hai chú chim sáo vốn là loài được tự do tung tăng bay liệng khắp nơi trong bầu trời thênh thang lộng gió. Một hôm bị người thợ săn bắt về cưng quý, nuôi kỹ trong một chiếc lồng thật đẹp, cho ăn uống những món ngon vật lạ đầy đủ, sung túc. Dù vậy, ban đầu hai chú chim này vẫn cảm thấy bị tù túng, khó chịu; không sung sướng thoải mái chút nào khi phải sống cảnh cá chậu chim lồng. Do không thể vùng vẫy thoát được đành phải chấp nhận vậy thôi. Qua nhiều năm tháng, hai chú chim này sống một đời sống trong lồng như thế đã quen. Một hôm được chủ thả ra cho trở về với thiên nhiên, trả lại cuộc sống tự do, thảnh thơi với đất trời thênh thang trước đó của mình. Cửa lồng đã được thoáng mở, nhưng chú chim A thì không chịu ra khỏi lồng, suốt ngày muốn ở hẳn trong đó, bởi chú cảm thấy cuộc sống cần phải có cái lồng mới tốt. Chú chim B kia thì khác. Không cố định ở hẳn trong lồng, cũng chẳng phải háo hức, nhất thiết phải đòi bay ra ngoài. Mà ở trong lồng nuôi của chủ hay bay ra ngoài thiên nhiên chú đều thấy thoải mái, thảnh thơi. Bây giờ đã không có vấn đề gì để bận tâm nữa. Lúc thì bay liệng ngoài vườn để kiếm ăn, không phiền đến chủ; khi thì đi theo chân chủ lảnh lót hót vang; và có lúc chú bay vào lồng trú ngụ chung với bạn. Không cố định, tùy duyên; chỗ nào chú cũng không thấy mình bị ràng buộc gì cả. Chú chim B này đã có một cuộc sống thảnh thơi thật sự.

“Cuộc sống con người cần phải có nguyên tắc thì mới tốt.” Có thể là vậy. Nhưng nếu còn thấy có nguyên tắc thì chúng ta bị nguyên tắc ràng buộc, là tự thu hẹp sự rộng lớn của mình. Nếu nói sống phi nguyên tắc mới thoải mái thì chúng ta lại bị cái nguyên tắc trói buộc nên mới thích không nguyên tắc hơn. Như thế là đã nương tựa vào cái không nguyên tắc, cũng bị cái này sai sử mình nữa rồi. Hễ còn thấy có một chỗ không thích phải chán bỏ, có một nơi vừa ý để quay về, rõ ràng chúng ta chưa có được một cuộc sống an ổn thật sự. Bởi còn tâm lấy bỏ; còn dựa vào mọi thứ bên ngoài để lấy làm sự sống của mình, chưa được sống là chính mình. Nếu chúng ta sống bằng trí tuệ, lấy trí tuệ chân thật làm chủ đạo. Trên cơ sở đó, biết vận dụng nguyên tắc một cách linh hoạt, tùy duyên để có một cuộc sống tốt. Nguyên tắc mà không thấy có hiện tướng của nguyên tắc. Mới nhìn qua như là không có nguyên tắc gì, nhưng một cuộc sống như vậy lại là cội nguồn của trí tuệ để tùy duyên đưa ra mọi nguyên tắc cần thiết vừa đủ để có được đời sống an vui, thành đạt. Cuộc đời với bao nhiêu rắc rối, phức tạp, nhưng chúng ta lại có một cuộc sống thành đạt mà thanh thản biết bao!

[ Quay lại ]