headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 07/09/2024 - Ngày 5 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐỂ CÓ MỘT TINH THẦN TÍCH CỰC ĐÚNG NGHĨA

phatphap2Thích Tâm Hạnh

Như thường lệ, hôm nay là ngày sinh hoạt tu tập tại Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Kỳ này có các phật tử từ Thành phố Đà Nẵng cùng về tu tập với đạo tràng địa phương chúng ta. Như quý vị biết Thiền viện còn mới mẻ, quý thầy chưa từng mở khóa tu, chưa tổ chức một chương trình cụ thể nào cho quý phật tử tu tập. Nhưng do lòng hâm mộ khát khao tu tập nên quý vị đã cùng nhau về Thiền viện thỉnh quý Thầy hướng dẫn theo định kỳ quý vị sắp xếp.

Mới nhìn qua, việc làm này như là mình làm cho mình, mang tính chất nội bộ. Nhưng khi quý vị tu tập tốt thì năng lực từ sự tu tập ấy tự nhiên lan toả, những vị khác thấy được thường hỏi quý thầy: Trong Thiền viện có mở khóa tu không, khi nào tu thì thông báo cho biết để trở về cùng tu. Mới thấy, nếu chúng ta tu hành thực sự thì từ việc tự tu, tự lợi cho mình, những người khác cũng theo đó cùng trở về tu chung với chúng ta, mình không nghĩ là giáo hóa ai mà nó tự có. Đó là trong tự lợi đã có lợi tha.

Nếu chúng ta không tu, hay như quý Thầy không tu mà nói thì quý vị có nghe không? Nghe cho vui thôi chứ không có dính dáng gì, Thầy nói một đường mà đi làm một nẻo thì ai mà nghe. Nhưng khi tu rồi, quý vị làm thinh cũng là thuyết pháp. Từ đó mới thấy giá trị tu tập rất lớn. Mình không có ý nghĩ gì, nhưng sự tu tập của qúy vị giống như người khai màn ban đầu, đặt sẵn một nền tảng căn bản để rồi tạo duyên cho những người khác cùng về tu tập, dần dần sẽ có nhiều huynh đệ cùng tu với chúng ta. Nhân sự kiện này, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện về tinh thần tích cực và tiêu cực đúng nghĩa để chúng ta cùng hiểu.

Thỉnh thoảng có một số người đến đặt những câu hỏi rất hay. Họ nói có những người thường đến trại cùi, trại mồ côi để làm việc thiện, chăm sóc mọi người ở đó rất chu đáo, thấy rất tích cực. Ngược lại, họ thấy có nhiều quý Thầy chuyên tu gì mà trốn trong núi rừng, không gặp ai hết, có vẻ quan trọng lo cho mình nhiều quá, có bị tiêu cực không? Tất nhiên mới nhìn qua thì thấy quý vị kia đúng là tích cực, còn quý Thầy hơi tiêu cực. Nhưng nếu mới nhìn thoáng qua, chưa tìm hiểu cho tới nơi tới chốn mà vội kết luận một vấn đề thì e rằng chưa được thấu đáo, trọn vẹn.

TRÍ TUỆ RẤT CẦN CHO CUỘC SỐNG.

Ví dụ một hôm ra đường, quý vị tình cờ thấy một người mặc đồ rất đẹp, sang trọng, chải tóc mượt, xịt keo thơm phức, mình nghĩ chắc là đại gia nào tản bộ đi dạo chơi. Lát sau lại thấy ông ta nhặt đồ dơ bên vệ đường mà ăn. Hóa ra trông sang trọng như vậy mà ông ta bị bệnh tâm thần, tội quá! Đó là hình ảnh của người bị bệnh tâm thần không ổn định, nhưng ăn mặc rất sang. Người thứ hai là một người ăn mặc vừa đủ, sạch sẽ, gọn gàng, không xa xỉ, cũng chẳng dơ bẩn, công việc của họ chỉ là đi làm thuê, dọn dẹp nhà cửa, bán buôn... Đặc biệt người này có cách sống tốt, khi nào đi làm cũng đúng giờ, hoàn thành mọi việc tươm tất, chu đáo, biết lễ phép, làm việc trong tinh thần cởi mở, vui vẻ, tôn trọng mọi người, nhỡ có bị oan điều gì họ cũng vui vẻ đón nhận. Một người làm thuê như vậy sống trong gia đình mình quý vị thấy có cảm mến và quý trọng không? Rất là quý. Như vậy làm nên phẩm chất của một con người là do hành động, cách sống của người đó chứ không phải do những thứ trang sức bên ngoài.

Từ ví dụ trên, quý vị thử nghĩ chúng ta cần ăn ngon, mặc đẹp, sang trọng mà thiếu trí tuệ hay chúng ta cần vừa đủ mà sáng suốt? Cần vừa đủ mà có trí tuệ sáng suốt. Khi con người chúng ta thiếu trí tuệ, nhìn nhận sai, đó là sự thể rất đáng thương. Muốn đi đến đâu, trước tiên phải mở con mắt sáng. Muốn làm một việc gì, trước tiên cần sự nhìn nhận đúng đắn, đó là trí tuệ. Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng sẽ đưa đến kết quả mỹ mãn. Ví dụ muốn đi từ đây ra ngoài cổng tam quan, nếu nhắm mắt lại quý vị có thấy đường để đi không? Không thấy thì sẽ bị ngã. Như vậy mở mắt là việc cần trước khi chúng ta đi. Trí tuệ là hành trang cần thiết cho một người bước vào đời.

CÓ TRÍ TUỆ, CÓ TINH THẦN LẠC QUAN LÀ CÓ SỰ SỐNG.

Đến trại mồ côi, trại cùi hay trại người mù, ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ, nếu quý vị khéo hướng dẫn để họ cảm thấy rằng sự sống chết là bình thường. Cho họ thấy rõ có những người rất may mắn, lành lặn, giàu sang, nhưng người ta vẫn khổ đau nếu không biết sống. Niềm vui sẽ đến từ tâm hồn lạc quan, mạnh mẽ chứ nó không nhất thiết đến từ những hình thức bên ngoài như điều kiện sống, vật chất hay thân thể này… Khi tinh thần an tĩnh, vững mạnh, sáng suốt thì chúng ta sẽ tự tin, lạc quan yêu đời, đó là tố chất cần có của một con người biết sống… Chỉ một lời nói thôi, nhưng nếu có tác dụng thì chúng ta đã giúp cho họ một quan niệm, một định hướng, một lý tưởng khiến họ có được một cuộc sống an ổn, hạnh phúc, an vui, lạc quan trong khi bệnh. Như vậy là quý vị đã giúp đỡ cho sự sống của người khác rồi. Việc làm này có khi lại cần thiết hơn là chúng ta chỉ đến rồi về mà không an ủi hướng dẫn thêm gì hết. Đó là điều thứ nhất.

KHÔNG CHÚ TRỌNG ĐẾN TRÍ TUỆ, LÀM QUA BẢN NGÃ SẼ BỊ GIỚI HẠN.

Điều thứ hai, quý vị nghĩ lại coi, khi chúng ta đến đó chăm sóc những người cần đến mình giúp đỡ. Chúng ta làm việc hết mình, hết lòng với họ, với tổ chức từ thiện đó. Đã bỏ công, bỏ của ra quá nhiều, đã nhiều lần mình dồn tâm huyết cho tổ chức đó. Tình cờ hôm nào đó đến thăm mà họ đối xử không tốt với mình thì quý vị có bực bội không? Nếu bị xóc nhiều quá thì có khi chúng ta nổi bực đến độ muốn bỏ và không làm từ thiện nữa, và có ai đến làm mình cũng không thích. Như vậy khi bị trái lòng, mình có tâm niệm ác trở lại thì những cái thiện ngày xưa mất hết rồi. Nếu còn thì nó phải thôi thúc chúng ta muốn làm nữa chứ. Đằng này nản chí không muốn làm và cũng không ủng hộ ai làm cả. Đó là tâm thiện đã mất, pháp thiện không còn, phước thiện cũng theo đó mà mòn dần, tan biến. Cho nên, khi làm việc thiện mà con mắt mình chưa mở sáng, chưa có cái nhìn đúng thì không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ thiện mãi mãi, có khi còn thối tâm, nghĩ và làm ác trở lại hồi nào không hay biết. Như vậy, làm một việc thiện mà không bảo đảm chắc chắn lâu dài thì quý vị thấy cách làm ấy đã được an toàn chưa?

Giả sử quý vị có con em đi học đại học xong, ra ký hợp đồng với một công ty có lương cao, công việc ổn định, bảo đảm lâu dài, quý vị có chịu không? Hay là mình thích con em mình vào một công ty mà ngày nay còn, ngày mai mất chưa biết? Cũng vậy, hôm nay làm việc thiện giống như chúng ta đang ký kết với công ty thiện, công ty đó ngay nơi tâm mình. Nếu chúng ta có một cái trí nhìn nhận đúng mức để đảm bảo mãi mãi sẽ là thiện, ngày mai dù có thuận nghịch thế nào cũng không có thể làm mình thay đổi, như vậy mới đảm bảo an toàn dài lâu được. Ngược lại, thích là làm, thấy người ta làm thì mình làm theo mà không có một cái nhìn nhận đúng đắn, không có một hướng làm hợp lý, không có cách dụng tâm chính chắn trong khi làm thì khó đảm bảo cho công việc của mình lâu dài được. Hôm nay thấy thuận tiện, thấy vui thì làm, ngày mai gặp duyên gì đó không hợp thì mình không muốn làm thiện nữa. Chuyện đời ngày mai thế nào ai mà biết được! Vào đời với hướng đi như thế thì rất nguy hiểm, không có gì đảm bảo cho mình được cả.

Cụ thể hơn một chút, cũng là công việc thiện mà quý vị vẫn đang làm, nhưng khéo vận dụng làm sao để tâm mình được an tĩnh, sáng suốt nữa thì sẽ tốt. Có khi làm nhiều đạt được mười phần, nhưng lại quá sức chịu đựng của mình, dễ sanh phiền não, bực bội, không an ổn thì đó là do nhiệt tình mà sanh phiền não, như vậy là không an toàn rồi. Nhưng nếu làm vừa với sức của mình để chúng ta an tĩnh được nội tâm, có thời gian tu tập được. Khi khéo tu tập, an tĩnh nội tâm thì tự nhiên cái trí mình được tỏa sáng, mở rộng. Khi trí thoáng rộng, trong lòng tự có sự an vui thì quý vị đi làm việc thiện sẽ đúng nghĩa là thiện. Quên ngã thể riêng tư nhỏ nhoi của mình, chỉ biết cho ra chứ không nghĩ qua mình, không cần muốn gì về mình cả. Nhỡ có ai làm ngược ý cũng chẳng sao, mình đang cho ra mà. Làm được như vậy mới đúng nghĩa là làm việc thiện, thiện tâm được đảm bảo lâu dài, không thối chuyển, mãi mãi là thiện, mới gọi là an toàn được.

Cho nên muốn làm việc thiện, muốn có một tinh thần tích cực đúng nghĩa, chúng ta cần mở con mắt nhìn nhận đúng đắn trước rồi làm thì mới có kết quả tốt và an toàn được. Phải bình tĩnh, sáng suốt biết rằng, đây là hành động ban ra. Mình được may mắn hơn người khác một chút thì giúp cho người không được may mắn như mình trong khả năng mà mình có được. Khi làm việc đó cần phải an tĩnh, thanh tịnh, nhẹ nhàng, không đánh mất sự tỉnh sáng chính mình. Chính tâm an tịnh sẽ bảo đảm cho mình là thiện mãi. Song song với việc phúc lợi, quý vị dành ra một ít thời gian để lo cho sự an tĩnh của tâm mình thì cái thiện sẽ bảo đảm trọn vẹn, mãi mãi, mới đúng trọn nghĩa là một tinh thần tích cực, cho ra, quý vị thấy có xứng đáng không? Muốn làm được như thế, không gì hơn là mỗi một chúng ta phải có sự tu tập.

Trích "ĐỂ CÓ MỘT TINH THẦN TÍCH CỰC ĐÚNG NGHĨA"
 

[ Quay lại ]