headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 11/10/2024 - Ngày 9 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

100 PHÁP

100phapChánh tấn Tuệ

 

 Luận Đại thừa 100 pháp là phần Duy Thức học của Đại Thừa. Duy Thức của Tiểu Thừa chỉ có 75 pháp. Vì Tiểu thừa chỉ học có 6 thức, thành khai triển hết mức cũng chỉ ra 75 pháp. Còn Đại Thừa học đủ 8 thức, thành phần khai triển có đến 100 pháp.

Vì sao trong nhà Phật dùng 100 pháp? Vì đối với nhà Phật, số viên mãn là số 10. Các tôn giáo khác thường dùng số 7 và cho đó là viên mãn. Đối với nhà Phật là số 10.

 100 pháp là 10 x 10. Hiển thị 100 pháp này hàm chứa tất cả mọi pháp từ pháp thế gian đến pháp xuất thế gian, từ hữu vi đến vô vi, từ lý tới sự. Mọi thứ trên đời hàm chứa hết trong này. Thành nếu chúng hiểu phần này, chúng ta hiểu hết mọi thứ. Vấn đề là hiểu được tới đâu…

 

 “Pháp”, hiểu một cách đơn giản là tất cả mọi sự vật hiện tượng v.v… bao gồm thánh, phàm, tâm, vật, chân, vọng, hữu tình, vô tình rồi hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi. Tất cả mọi thứ trên đời này, từ những vật lớn như vũ trụ, thiên hà đến những sự vật trung bình như trong thế giới mình đây cho đến những sự vật cực vi như hạt nguyên tử, hạt hạ nguyên tử…  đều gọi là “pháp”.

 

Duy thức học định nghĩa chữ “pháp” như sau: “Nhậm trì tự tánh, quỉ sinh vật giải”. Nghĩa là, thứ gì có thể gìn giữ bản thể của nó làm cho người ta khi trông đến, nhận biết đó là vật gì, thì gọi đó là pháp.[1] Tất cả mọi thứ trên đời đều phù hợp với định nghĩa đó, nên chữ “pháp” chỉ chung cho muôn sự, muôn vật hay mọi sự, mọi vật. Nó chỉ tất cả mọi thứ không riêng một thứ nào. Nói 100 pháp là nhằm hiển thị đó là con số đầy đủ để biểu thị tất cả những sai biệt của thế gian, xuất thế gian .v.v… mọi thứ trên đời đều hàm chứa hết trong này.

 

Trong 100 pháp này có 94 pháp hữu vi, còn gọi là pháp Duyên khởi. Còn lại là 6 pháp vô vi.

 

HỮU VI có nghĩa là tạo tác.

 

94 pháp hữu vi này pháp nào cũng gắn liền với hai chữ “tác ý”. Để ý sẽ thấy trong các duyên, duyên nào cũng gắn liền với phần “tác ý” bên trong. Như để có thức hiện hành thì thức nào cũng có chữ tác ý. Nhãn thức cũng có tác ý làm duyên. Nhĩ thức cho đến thức Mạt na, thức nào cũng có tác ý làm duyên.

 

TÁC Ý, muốn nói lên điều gì? Muốn nói đến tính tạo tác của tâm. Tác ý, đúng nghĩa của nó là khởi cái ý. Như bây giờ đang ngồi thư giãn trong công viên. Trong công viên có cây, quả, hoa, lá, chim chóc, người… Ngồi thư giãn không nghĩ gì hết thì mình vẫn cảm nhận có làn gió, thứ này thứ khác, nhưng tất cả bình thường, mờ mờ thôi chứ không rõ ràng. Chỉ khi tâm mình hướng vào chỗ nào, chỗ đó mới hiện rõ. Nếu mình hướng về cái hoa, lập tức cái hoa hiện rõ lên trong tâm mình. Việc hướng ý vào chỗ nào đó là hình thức của tác ý. Thành ra, ngồi nhìn cảnh vật đó nhưng nếu không quan tâm, không có tác ý, thì cũng không thấy được. Cho nên một trong những duyên để nhãn thức, nhĩ thức v.v… hiện hành  là phải có tác ý.

 

Người nhập định, họ không có tác ý thì trời sập hay sấm sét không thấy được. Người nhập diệt tận định hay những định của vô sắc giới thì những gì xung quanh không làm lay động tâm của họ. Họ đóng lục căn ngăn lục trần, không có tác ý khởi lên, căn trần tách biệt. Căn trần tách biệt thì nội tâm không bị trần cảnh bên ngoài chi phối, tự dưng ở trong trạng thái tịch tĩnh. Nhưng đức Phật nói cái định đó chưa rốt ráo. Làm như vậy, căn không dùng lâu ngày hư hoại. Với Ngài, căn và trần vẫn giao tiếp mà bên trong phải an định. Đó là cái định của Đại Thừa. Còn một khi vẫn phải ngăn trần để tìm định thì định đó chưa là cái định chân thật. Đó là cái định của Tiểu Thừa và thấp nữa là cái định của ngoại đạo.

 

Như vậy, 96 pháp này đều là pháp hữu vi, vì có sự tác ý bên trong. Nếu là pháp vô vi thì nó không cho tác ý. Vì vậy, sáu pháp vô vi, ngay nơi cái tướng hữu vi đó mà không, không hữu vi thì thành vô vi. Cho nên 6 pháp vô vi không thuộc Duyên khởi, không thuộc các pháp hữu vi.

 

Pháp hữu vi vô thường, sanh diệt.

 

Pháp vô vi không bị sanh diệt hay vô thường chi phối.

 

Tóm lại, 100 pháp có hai phần: Phần hữu vi và phần vô vi.

 

100 pháp này chia ra làm 5 loại:

 

1/ Tâm pháp.

 

2/ Tâm sở hữu pháp.

 

3/ Sắc pháp.

 

4/ Tâm bất tương ưng hành pháp.

 

5/ Vô vi pháp.

 

1/ Tâm pháp là tám thức tâm vương.

 

2/ Tâm sở hữu pháp có 51 pháp.

 

Đúng ra tâm sở hữu pháp cũng thuộc về tâm pháp, nhưng đây phân biệt tâm vương, tâm sở vì tâm vương có năng lực thù thắng hơn. Nó có thể tự mình hiện khởi được. Còn tâm sở, nếu không có tâm vương thì không có tâm sở.

 

Như mắt không thấy thì không có yêu ghét ở chỗ thấy. Phải có tâm vương, phải thấy gì đó mới sinh yêu ghét được. Cái yêu ghét thuộc về tâm sở. Nghĩa là, phải thấy trước mới yêu ghét sau. Yêu ghét không thể sinh nếu chúng ta không thấy gì hết. Tâm sở phải nương vào tâm vương thì mới hiện khởi được, nên mới được tách thành tâm vương, tâm sở rõ ràng.

 

3/ Sắc pháp là chỉ cho tất cả các sự vật. Sắc pháp tuy thấy có hình có tướng như vậy, nhưng thật ra chỉ là cái bóng của tâm vương và tâm sở. Bóng của tâm hiện ra chứ không phải là thật có. Mình thấy có đó, nhưng thật ra nó không phải như vậy. Như hiện nay mình thấy cái nhà. Không phải tự nó có mà do cái bóng của tâm vương, tâm sở, cái năng biết, sở biết tạo thành thôi.

 

4/ Tâm bất tương ưng hành pháp, là để phân biệt với 51 tâm sở. 51 tâm sở thì khi nào cũng tương ưng với tâm. Còn các bất tương ưng này thì không tương ưng với tâm. Bất tương ưng có 24 món.

 

Là tâm tương ưng thì phải hội đủ các điều kiện: Đồng cảnh sở duyên, đồng nương một chỗ (như sáu thức trước phải đồng nương một căn), đồng một sự tướng, đồng tự tướng phần, đồng thời. Đù các yếu tố đó gọi là tương ưng. Nếu hiểu một cách đơn giản thì tương ưng là khi nào cũng hợp với nhau, không chống trái nhau để cùng khởi lên. Còn 24 món bất tương ưng này thì không tương ưng với tâm. Chúng chỉ y ba phần tâm vương , tâm sở và sắc pháp mà giả lập. 

 

Với 51 món tâm sở, ý thức có đủ 51 tâm sở. 5 thức ngoài chỉ có 34 tâm sở. Mạt na thì còn ít nữa. Thức thứ tám, khi còn nhiễm ô thì chỉ tương ưng với 5 tâm sở biến hành.

 

Tương ưng với 51 tâm sở, chỉ có ý thức thôi, nên phạm vi của ý thức hoạt động khá rộng. Nói 51 tâm sở tương ưng, không có nghĩa là lúc nào 51 tâm sở cũng cùng khởi lên. Không phải vậy. Mặc dù nó khởi đồng thời với ý thức nhưng trong 51 tâm sở này có những tâm sở chống trái nhau. Nếu tâm sở này hiện khởi thì tâm sở khác không hiện khởi. Vì thế, khi ý thức tương ưng với tâm sở này thì không có tâm sở chống trái với nó xuất hiện. Như thương thì không ghét mà ghét thì không thương. Hai tâm sở này không đồng thời khởi lên một lần. Tham thì không sân còn sân thì không tham. Những tâm sở này không đồng hiện ra một lần.

 

51 tâm sở này có thiện, có ác, vô ký và bất định cũng có. Đầy đủ các loại.

 

Ý thức thì có ba phần: Hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng.

 

5 thức ngoài thì chỉ hiện lượng, không thiện không ác.

 

Nhưng vì sao nói 5 thức ngoài cũng có thiện ác và vô ký?

 

Là vì khi 5 thức ngoài khởi, phải có ý thức mới khởi được. Mà ý thức thì có những tâm sở đi kèm, tâm sở lại có thiện, có ác nên mới nói 5 thức ngoài có đủ ba tánh là thiện, ác và vô ký. Hiểu như vậy sẽ không thắc mắc là tại sao 5 thức ngoài chỉ có hiện lượng (tức hiện ra sao thì chỉ biết chừng đó thôi. Không có thêm bớt) mà tại sao lại có thiện, ác, vô ký. Có là do mấy tâm sở.

 

Thức thứ tám cũng vậy. Tánh của nó là vô ký, những chủng tử lưu trữ trong thức thứ tám cũng vô ký. Nhưng vì sao nói những chủng tử đó có thiện có ác? Là vì khi huân tập thì có thiện, có ác. Đưa vào trong thì thành vô ký nhưng khi nó hiện hành trở lại thì có thiện, có ác. Thành thử khi nó nằm trong thức thứ tám thì tánh vô ký mà khi hiện hành thì có thiện có ác. Nói chủng tử thiện ác là như vậy. Nói cái tên Dị thục thức là đó. Dị Thục là biến khác. Ở trong tạng thức thì vô ký nhưng khi sinh ra quả thì tính nó đổi khác để nó sinh ra quả.

 

Nói Dị thục, thì “thục” là chín muồi, “dị” là biến khác, thay đổi. Do thay đổi cái tánh mà gọi là Dị thục thức.

 

Nói chung chúng ta đều có đủ 8 thức. 8 thức đó nếu nói trong tình trạng nguyên bản của nó thì nó không có vấn đề gì. Tám thức tâm vương đó không có lỗi, nó không có thiện, có ác nhưng khổ một cái là nó không bao giờ đi một mình, mà đi với mấy tên tùy tùng của nó, là mấy tên tâm sở. Như chuyện ngoài đời, hôm nay ông chủ nếu đi với mấy tên tùy tùng có máu côn đồ, thì tự dưng thấy côn đồ cả đám. Nếu đi với mấy tên tùy tùng có vẻ hiền lành thì tự dưng thấy hiền cả đám. Một ông vốn không hiền không dữ mà do đi chung với đám tùy tùng lành dữ mà trở thành lành dữ là vậy.

 

Tổng kết

 

Mình sống trong đời, vẫn còn cái tâm muốn cầu vui mà sợ khổ. Đây là cái tâm mà ai cũng có. Ai sinh ra đời cũng muốn có một cuộc đời nhiều hạnh phúc, ít đau khổ. Mà muốn có nhiều hạnh phúc thì phải làm sao? Thì phải gieo nhân thiện. Vì hạnh phúc hay đau khổ đều do mình tạo chứ không phải do trời bắt mình lãnh. Mình gieo nhân thiện thì mình có quả lành, gieo nhân ác thì có quả bất hạnh. Nhân thiện quả lành, nhân ác quả dữ. Cuộc đời mình muốn vui nhiều thì mình tập làm nhiều việc thiện. Ở đây, với cái nhìn hiện tại của mình, thì mình khó thấy hết mặt nhân quả của nó. Mình chỉ biết tin đức Phật dạy làm thiện gặp lành và làm ác gặp dữ. Mình tin thôi chứ mình chưa hiểu tại sao thiện thì lành và ác thì dữ. Nếu mình học đến lý Tánh không - Duyên khởi của Đại Thừa, nếu mà khai triển cái lý đó ra thì mình thấy được tại sao nó như vậy.

 

Lý Tánh không - Duyên khởi khi khai triển ra, nó có một cặp tương đãi là MỘT và TẤT CẢ. MỘT khởi thì TẤT CẢ đồng khởi. Cùng khởi lên một lần. Cặp tương đãi này không tách lìa nhau. Khởi tên này thì tên kia cũng khởi. Có tên kia thì có tên này. MỘT khởi thì TẤT CẢ các pháp trong pháp giới này cùng làm DUYÊN cho nhau khởi lên. MỘT làm DUYÊN cho TẤT CẢ. TẤT CẢ làm DUYÊN cho một. Hai tên MỘT và TẤT CẢ không tách lìa nhau.

 

Nếu nói MỘT là ta, thì TẤT CẢ chính là tất cả những chúng sanh và thế giới chung quanh ta.

 

Khi chưa giải thoát thì tâm chúng ta vẫn bị cảnh chi phối. Cảnh hợp thì tâm vui cảnh trái thì tâm buồn. Vui buồn sướng khổ theo cảnh mà khởi. Nếu muốn thường sống trong cảnh tốt, chúng ta phải biết nghĩ thiện và làm thiện. Nghĩa là phải biết làm lợi ích cho người cho cảnh. Tránh nghĩ ác làm ác là tránh làm những gì gây tổn hại cho người cho cảnh. Do ta và tất cả vốn không tách lìa nhau nên tư tưởng và hành động của ta đối với người với cảnh sẽ được phản chiếu trở lại qua tấm gương nhân quả. Nếu chúng ta sống với sự thương yêu, giúp đỡ và tôn trọng người khác chúng ta sẽ gặp được nhiều người thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng lại ta. Đối với vật cảnh bên ngoài cũng thế, nếu chúng ta biết quan tâm bảo vệ môi trường, không phá hoại, không khai thác quá mức rừng biển thì chúng ta thường được sống trong cảnh giới tốt lành. Thường được sinh ra trong môi trường tốt. Nếu làm ngược lại, chúng ta phải sống trong môi trường khắc nghiệt với nhiều thiên tai v.v…  không phải chỉ trong đời này mà còn nhiều đời về sau.

 

Do MỘT và TẤT CẢ luôn tương quan mật thiết với nhau, nên đức Phật khuyên chúng ta bỏ ác làm lành. Có như thế mới cải tạo được dòng sống của chính mình khiến ngày càng tốt hơn, cuộc sống mới được nhiều hạnh phúc, xa lìa tai ương hoạn nạn.    

 


 

[1] Duy thức học của HT Thiện Hoa.

 

[ Quay lại ]