headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LÝ DUYÊN KHỞI và tính nhất quán trong giáo lý nhà Phật

sachxuaChánh Tấn Tuệ

Người học Phật thường phải đối mặt với một khó khăn chung. Đó là giáo lý nhà Phật với hơn 5000 bộ kinh, là một hệ thống giáo lý đồ sộ, vừa đa dạng lại vừa thâm sâu phức tạp. Điều này đã làm cho nhiều người thấy choáng ngợp. Không biết phải bắt đầu từ đâu, theo trình tự nào để hiểu được kinh luận. Chính những khó khăn này đã khiến một số người cho rằng: Giáo lý nhà Phật thiếu tính nhất quán. Thậm chí, còn chứa nhiều mâu thuẫn.

Thật ra giáo lý nhà Phật luôn nhất quán. Sự nhất quán thường thể hiện qua hai mặt:

1/ Tất cả kinh điển đều nhằm một mục tiêu chung là đưa chúng sinh vượt qua mê lầm, đến chỗ giác ngộ, giải thoát mọi khổ ách.

2/ Tất cả kinh điển đều được xây dựng trên một cái lý, đó là lý Duyên khởi.

Đến đây hẳn các bạn sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao cùng một cái lý, cùng một mục tiêu mà kinh điển lại quá phong phú về mặt số lượng, quá phức tạp về mặt nội dung?

Câu trả lời là, do tâm ý, nghiệp tập, chỗ mong cầu, khả năng tiếp nhận chánh pháp của chúng sinh mỗi mỗi sai khác. Nói cách khác, do căn cơ và tánh dục của chúng sinh có nhiều sai biệt nên cần lập ra nhiều phương cách tu học khác nhau để thích ứng. Sự phong phú đa dạng của kinh điển nhằm giúp cho chúng ta, mỗi người có thể tìm thấy con đường tu học tốt nhất đưa đến giải thoát giác ngộ cho chính mình. 

Lại nữa, dù tâm ý của chúng ta có nhiều sai khác, nhưng tất cả đều là những hiện tượng duyên khởi. Mê lầm trói buộc theo duyên mà khởi. Giác ngộ giải thoát theo duyên mà lập. Pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều bị sự chi phối của lý Duyên khởi. Duyên khởi dung nhiếp tất cả mọi căn cơ của chúng sinh, nên kinh luận dù phong phú vẫn không đánh mất tính nhất quán của lý.

Học Phật là học pháp. Mỗi bài kinh là một bài pháp. Trong kinh Trung Bộ[1], đức Phật đã nói: “Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy pháp. Ai thấy được pháp người ấy thấy lý Duyên khởi”.  

Thông thường do ứng với một căn cơ hay một loại căn cơ mà đức Phật nói pháp. Theo từ chuyên môn, mỗi bài kinh đề cập đến một sự tướng mà sự tướng thì vô vàn nên học mãi không hết. Nhưng lý vẫn chỉ có một. Đó là lý Duyên khởi. Vì thế, người học Phật cần biết qua lý Duyên khởi, lấy đó làm căn bản, thì việc đọc học kinh điển sẽ dễ dàng hơn.

Lý Duyên khởi trong giáo lý nhà Phật

Sau khi thành Phật, ngài đã suy nghĩ: “Pháp mà ta chứng được thật là sâu kín, tịch tĩnh, cao siêu, siêu lý luận, vi diệu, khó thấy, khó chứng. Chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng vì ưa ái dục…thật khó mà thấy được định lý “Idapaccayatà pitaccasamuppada” (y tánh duyên khởi pháp).[2] Đoạn kinh này, nhất là câu cuối, đã cho thấy việc hiểu và thấy được lý Duyên khởi không phải là điều dễ dàng.

Để đại chúng có thể tiếp nhận được lý Duyên khởi, trong các kinh, đức Phật đã trình bày lý Duyên khởi dưới ba hình thức tương ưng với ba cấp độ từ dễ đến khó. Đó là lý Nhân quả, lý Nhân duyên và lý Tánh không - duyên khởi. Ba phần này cũng là cơ sở để lập ra giáo lý Ngũ thừa. Cụ thể như sau:

. Giáo lý Nhân Thiên thừa được xây dựng trên lý Nhân quả (thế gian).

. Giáo lý Tiểu thừa được xây dựng trên lý Nhân quả (thế gian và xuất thế gian) cùng một phần của lý Nhân duyên.

. Giáo lý Trung thừa được  xây dựng trên Thập nhị nhân duyên, được trình bày từ thô đến tế, đến chỗ sâu kính của lý Nhân duyên.

 . Giáo lý Đại thừa được xây dựng trên lý Tánh không - duyên khởi.

Lý Nhânquả

Lý nhân quả được dạy trước vì nó tương đối đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Theo cách nói thông thường, nhân quả là nhân nào quả nấy. Nhân thiện quả lành. Nhân ác quả dữ. Hạt lúa sinh ra cây lúa. Hạt bắp sinh ra cây bắp.

Lý Nhân quả chi phối mọi thứ từ tâm tới vật. Thế giới mà chúng ta đang sống dù có vô vàn các sự vật sai biệt, dù có vô vàn các hiện tượng tâm lý sai biệt, nhưng vẫn không tạp loạn nhờ có sự chi phối của lý Nhân quả.

Lý Nhân quả thường được phân thành hai là nhân quả thế gian và nhân quả xuất thế gian.

1. Nhân quả thế gian trong giáo lý Nhân Thiên thừa: Có những người đến với Phật pháp nhưng chưa có tâm xuất thế. Họ chỉ mong cầu có được cuộc sống hạnh phúc, khổ ít vui nhiều, hưởng được nhiều phước báu thế gian. Vì những người này mà đức Phật thuyết giảng Nhân và Thiên thừa.

Thế nào Nhân Thiên thừa?

Khi một  chúng sinh chết đi, do nghiệp lực, họ phải tái sinh vào một trong sáu đường: Trời, Atula, Người, Súc sinh, Ngạ quỉ, Địa ngục. Cõi Trời cao nhất, là chỗ thuần vui. Càng đi xuống vui càng giảm, khổ càng tăng. Cõi Người ở giữa có vui có khổ. Dưới cùng là Địa ngục, là chỗ thuần khổ.    

Ba đường dưới là Súc sinh, Ngạ quỉ và Địa ngục được gọi là ba đường dữ. Sinh vào đây vui ít khổ nhiều. Đời sống luôn gặp bất trắc, thiện pháp ít ỏi, ác pháp thịnh hành, nên khó gặp chánh pháp. Lỡ sinh vào ba đường này thì rất khó thoát ra, vì thế đây là ba đường nên tránh.

Atula tuy có phước báu lớn nhưng tà kiến nặng. Chúng sinh ở đây ít tin pháp, tâm chất chứa nhiều đấu tranh nên dễ tạo ra các nghiệp nặng, dẫn đến việc sau khi chết dễ đọa vào ba đường dữ. Vì thế đây cũng là đường nên tránh.

Tóm lại, một khi chưa xuất thế thì vẫn phải đi trong sinh tử luân hồi. Trong sinh tử luân hồi có đường xấu đường tốt khác nhau. Người trí nên lựa đường tốt tránh xa đường xấu. Đường tốt ở đây chính là cõi Trời và Người.

Vì đi trong luân hồi sinh tử mà chỉ nhắm vào cõi Trời cõi Người, lấy đó làm nơi nương tựa nên gọi là Nhân Thiên thừa. Thừa nói đây có nghĩa là nương.

Đứng trên mặt nhân quả mà nói, để đến được cõi Trời Người thì khi sống phải tạo ra những thiện nhân thích ứng. Việc thực hành các nhân lành được ví như đang ngồi trên các cỗ xe để đến cõi Trời Người, nên gọi là Nhân Thiên thừa. Thừa ở đây được hiểu là cỗ xe.   

Nhân thừa : Theo lý Nhân quả, việc tái sinh vào cõi nào trong sáu cõi, đa phần tùy thuộc vào cách sống của ta trong hiện đời. Nói cách khác, tư tưởng và hành động (gọi chung là tam nghiệp) của chúng ta trong hiện đời là nghiệp nhân, dẫn đến nghiệp quả là chúng ta phải tái sinh vào một trong sáu đường sau khi chết.

Nghiệp nhân căn bản giúp chúng ta được tái sinh vào cõi người chính là thực hành ngũ giới. Trong hiện đời, nếu chúng ta giữ được năm giới tương đối, không để mất hẳn một giới nào, thì đây là nghiệp nhân để đời sau trở lại làm người.

Với một phật tử, việc trở lại làm người rất quan trọng. Vì cõi người là nơi tốt nhất cho việc học hỏi Phật pháp. Nhờ đó chúng ta mới có thể tiến dần lên con đường dẫn đến chỗ giác ngộ giải thoát rốt ráo.

Năm giới là điều kiện căn bản để được làm người.

Muốn làm người với đầy đủ phước đức thì cần phải tạo thêm những thiện nhân khác như bố thí, cúng dường, giúp đỡ, an ủi người khác v.v… Muốn cuộc sống ít bệnh tật, ít tai nạn thì cần phải tránh làm các điều ác khiến tổn hại đến chúng sinh. Vì thế trong kinh Phật dạy: “Thường làm các điều lành. Tránh làm các điều ác”.

Thiên thừa :  Có người thấy rằng làm người, tuy tránh được ba đường khổ, hưởng được nhiều niềm vui hơn, nhưng vẫn còn gặp nhiều cái khổ như thân đau yếu, nạn tai, gặp nhiều bất như ý trong cuộc sống, tuổi thọ ngắn ngủi… họ muốn vượt lên, đến chỗ thuần vui và mọi sự luôn như ý, đó là cõi Trời. Chúng sinh sinh vào đây, thân không bệnh, khởi tâm muốn gì liền có cảnh giới tương thích hiện ra để thọ dụng. So với cõi Người, tuổi thọ ở cõi Trời vượt xa gấp bội.

Nghiệp nhân cần gieo để được sinh vào cõi Trời là thực hành Thập thiện. Nếu khi sống, người nào thường hành Thập thiện là đang gieo cái nhân có cái quả là tái sinh vào cõi Trời. 

2. Nhân quả xuất thế trong giáo lý Tiểu thừa: Có người thấy rằng còn đi trong sinh tử luân hồi, thì dù ở cõi Trời, là cõi thuần vui, vẫn là khổ. Vì sao? Vì khi tuổi thọ sắp hết thì có các tướng suy hiện ra. Khi thấy các tướng suy này, chúng sinh cõi Trời biết mình sắp rời khỏi chốn an vui, sắp phải rơi vào các đường dưới, sắp phải chịu nhiều khổ nạn. Hiểu vậy nên bất an, lo buồn, khổ não. Do phải đến khi thân hoại mang chung mới thấy khổ, nên khổ ở cõi Trời gọi là “hoại khổ”. Rõ ràng sinh tử là điều đáng sợ, thế gian là nơi chúng sinh chịu khổ. Thấy như thế nên phát tâm xuất thế, muốn vượt ra khỏi ba cõi, thoát cái khổ sinh tử, không còn thọ thân sau… Vì những người này mà Phật thuyết giảng giáo lý Tiểu thừa.

Giáo lý Nhân Thiên thừa chỉ mới nói lên phần nhân quả thế gian. Đến giáo lý Tiểu thừa, mới nói đầy đủ về lý Nhân quả, bao gồm cả nhân quả xuất thế gian.  

Lý Nhân quả trong giáo lý Tiểu thừa được trình bày một cách tổng quát thông qua Tứ đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Trong đó, Tập là nhân, Khổ là quả, là phần nhân quả thế gian. Đạo  là nhân, Diệt là quả, là phần nhân quả xuất thế gian.

Tập : là tích chứa. Tâm chúng sinh tích chứa rất nhiều tập nghiệp. Tập nghiệp đời quá khứ sinh ra ngũ ấm trong hiện đời. Những tập nghiệp đời quá khứ và những tập nghiệp tạo ra trong hiện đời là nhân sinh ra ngũ ấm thời vị lai. Do khi sống, chúng sinh hay tạo những nghiệp nhân mới. Vì thế thân ngũ này mất, lại phải nhận lãnh thân ngũ ấm đời sau. Do đây mà sinh tử nối tiếp không dừng nghỉ.

Khổ : là sự bức bách thân tâm gây ra khổ não. Thân ngũ ấm là nơi để các khổ hiện hành. Có thân là có khổ. Tất cả các khổ trong thế gian có thể qui về 8 loại: Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, cầu không được khổ, yêu thương mà xa lìa khổ, ghét mà phải gần khổ, ngũ ấm không điều hòa khổ. Tất cả các khổ trên nương nơi ngũ ấm mà hiện khởi.

Tập là nhân, thân ngũ ấm là quả, vì thế kinh nói Tập là nhân, Khổ  là quả.  

Đạo : Muốn thoát khỏi khổ phải gạt sạch các tập nghiệp, tiến trình diệt Tập đó gọi là Đạo. Là 37 phẩm trợ đạo. Thực hành 37 phẩm trợ đạo là đang tiến hành diệt Tập.

Diệt : Nhờ Đạo mà Tập được tiêu trừ. Khi Tập hết, hành giả sẽ chứng nghiệm được tâm trong trạng thái diệt tận của Tập.[3] Tập hết, không còn thọ thân sau, không tái sinh trong tam giới, thoát khỏi mọi khổ nạn, siêu vượt thế gian, nên gọi là xuất thế.

Lại nữa, do Tập làm nhân nên tâm cứ mãi sinh khởi, tạo tác (hữu vi). Tâm niệm có sinh liền có diệt. Do đây, tâm chúng sinh sinh diệt không dừng nghỉ. Tâm sinh diệt là nguồn gốc của tất cả khổ. Muốn hết khổ phải diệt tâm sinh diệt. Muốn diệt tâm sinh diệt phải diệt Tập. Khi Tập hết hành giả sẽ chứng nghiệm được tâm trong trạng thái không sinh khởi. Tâm vô sinh này được gọi là Niết-bàn với đại lạc (vì có vô biên an lạc) với cực lạc (vì không có sự an lạc nào ở thế gian có thể sánh).

Do Tập mà chúng sinh có thân, chịu sự trói buộc của thế gian, nhận lãnh nhiều khổ não. Đây là phần nhân quả thế gian.

Do Đạo mà chúng sinh hết Tập, thoát khỏi mọi sự trói buộc của thế gian, xa lìa các khổ, chứng vô ngã, thấy được lý Sinh không, siêu vượt tam giới. Đây là phần nhân quả xuất thế gian.   

Lý Nhân duyên

Trong lý Nhân quả, ta chỉ thấy hai thành phần là nhân và quả. Điều này tạo ra cảm tưởng là quả hoàn toàn chịu sự chi phối của nhân. Trên thực tế, quả không phải chỉ chịu sự chi phối của nhân mà còn có duyên. Duyên là điều kiện để nhân biến thành quả.

Nếu xem nhân là phần nội tại của pháp thì nhân có tên là nội nhân. Duyên là thứ bên ngoài pháp nên gọi là ngoại duyên. Pháp là do nội nhân và ngoại duyên tạo thành.

Thí dụ: Theo lý Nhân quả, hạt lúa sinh ra cây lúa. Trên thực tế, tự thân hạt lúa không thể quyết định việc nẩy mầm (để sinh ra cây lúa) của nó. Muốn nẩy mầm cần có các điều kiện khác như độ ẩm, nhiệt độ thích hợp. Sau khi xuất hiện, cây lúa ấy phát triển tốt hay xấu, cho nhiều hay ít hạt v.v… không chỉ phụ thuộc vào hạt giống lúa (nhân) mà còn phụ thuộc vào chất lượng đất nơi gieo hạt, thời tiết, công chăm sóc v.v.… Nếu xem cây lúa ở một giai đoạn nào đó là quả thì nhân là hạt lúa, các thứ khác như độ ẩm, nhiệt độ v.v… là duyên. Quả là do nhân và duyên tạo thành.

Theo giáo lý nhà Phật, nếu chịu khó quán xét, chúng ta sẽ thấy tất cả pháp[4], từ tâm tới vật, đều do nhân duyên tạo thành. Nhân duyên là cái chung[5]của tất cả pháp. Tất cả pháp đều chịu sự chi phối của nhân duyên, nên gọi là lý Nhân duyên.

Trong giáo lý Tiểu thừa, không phải chỉ có lý Nhân quả mà còn hàm chứa lý Nhân duyên.

1. Hệ luận quan trọng rút ra từ lý Nhân duyên

Pháp do nhân duyên sinh thì không có thực thể, không có tự tánh.

Thể là bản chất, là điều kiện căn bản để pháp tồn tại. Cái bất biến nơi thể gọi là tánh. Pháp do nhân duyên sinh thì không có thực thể[6], vì:

Thể không có ở nơi nhân. Vì nếu có thì pháp đã tự mình tồn tại, tự xác định mà không cần đến duyên.

Thể không có ở nơi duyên. Vì duyên không cố định có thể tăng giảm thêm bớt.

Cũng không thể tìm thấy thể nơi sự kết hợp nhân và duyên. Vì không thể tìm thấy một cái gì có yếu tính bất biến ở những thứ bất định, hay thay đổi.

Ngoài ba trường hợp trên, không còn nơi nào để tìm thấy thể của pháp, nên pháp do nhân duyên sinh thì không có thực thể, không có tự tánh.

2. Lý Nhân duyên với phép quán khổ, không, vô thường, vô ngã

Khi tu học theo giáo lý Tiểu thừa hay Trung thừa, hành giả lấy thân ngũ ấm của mình làm đối tượng để quán chiếu. Chư vị ít quan tâm đến các pháp bên ngoài.

Thân ngũ ấm, là thân tâm của mỗi người, bao gồm sắc (thân xác vật chất), thọ, tưởng, hành, thức (thuộc tâm, là phần vô sắc). Vì lý Nhân duyên chi phối tất cả từ tâm tới vật, ngũ ấm cũng là một hiện tượng nhân duyên, vì thế ngũ ấm:

- Vô ngã : Vì ngũ ấm không có thực thể, nên không có một ngã thể để tự làm chủ. Việc chúng sinh cho rằng ta là ngã, là chủ thân tâm của chính mình là một sai lầm. Nếu ta là ngã thì ta phải tự tại đối với ngũ ấm. Thực tế không như vậy. Không ai muốn thân đau ốm, yếu đuối, già nua… không ai muốn đau buồn, bất an, sợ hãi… nhưng khi đủ duyên, ta phải chịu sự đau ốm, bất an… Nếu ta là ngã thì ngũ ấm phải phục tùng ta chứ không phải ngược lại như vậy.   

- Vô thường : Vì không thực thể, không tự tánh, ngũ ấm không chứa đựng một cái gì bất biến, nên ngũ ấm vô thường. Có sinh, có diệt, có thành, có hoại…

- Không : Vì không thực thể nên ngũ ấm không có bản chất. Dù có hình tướng nhưng như bóng, như mộng, rỗng không.

- Khổ : Ngũ ấm là những hiện tượng nhân duyên, dời dổi theo duyên, nên nếu cho rằng ngũ ấm là ta, là của ta thì cái ta ấy bị nghiệp duyên dẫn dắt, dời đổi theo duyên, mất ngũ ấm này liền theo nghiệp duyên mà có ngũ ấm khác. Cứ vậy mà đi mãi trong sinh tử luân hồi, nhận chịu vô vàn khổ nạn. Ngũ ấm vốn rỗng không mà ta lại thấy có sướng, có khổ, có vui, có buồn, có yêu, có ghét… Ngũ ấm vốn vô thường mà ta lại luôn nắm giữ không muốn mất thân này, không từ bỏ được sự thương yêu, giận hờn, tham, sân. Từ đó làm những việc trái lý, trái đạo, nên ta phải gặp nhiều sự bất như ý, phải nhận lãnh nhiều khổ não.       

Pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã là pháp quán chung của Tiểu thừa và Trung thừa. Vì đây là hệ quả rút ra từ lý Nhân duyên. Pháp quán này giúp hành giả thấy được ngũ ấm trong thực chất của nó. Nhờ đó xa lìa mọi chấp thủ, chứng vô ngã, thấy được lý Sinh không.

3. Lý Nhân duyên trong giáo lý Trung thừa: Trong giáo lý Trung thừa, lý Nhân duyên được trình bày thông qua Thập nhị nhân duyên.

Thập nhị nhân duyên gồm 12 chi là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.

Tùy theo mức độ cạn, sâu, thô, tế mà có nhiều cách diễn giải về Thập nhị nhân duyên. Sau đây là cách diễn giải tương đối dễ hiểu:

Vô minhhành là phiền não phát nghiệp và nghiệp thời quá khứ. Vô minh đóng vai trò phát khởi các nghiệp thiện ác. Còn các nghiệp thiện ác đã được phát khởi, gọi là hành. Luận Du-già Sư-địa ghi: “Kẻ ngu trước hết là ngu đối với điều đáng phải hiểu đúng hiểu rõ (vô minh), từ đó phát sinh hành động tà ác (hành). Do hành động tà ác khiến cho tâm điên đảo. Thức, do tâm điên đảo mà kiết sanh tương tục (danh sắc bào thai)”[7]. Do kiết sanh tương tục nên các căn đầy đủ, là lục nhập[8]. Khi có sự tiếp xúc giữa căn và trần, gọi là xúc. Do xúc mà nẩy sinh ba loại cảm thọ, gọi là thọ. Do thọ mà sinh yêu ghét, gọi là ái. Do ái mà sinh ra hy cầu các loại trần cảnh ưa thích, là thủ. Do thủ mà chúng sinh không thể lìa thế gian, luôn bám víu vào cuộc sống, là duyên sinh ra hữu. Hữu, là mầm khiến chúng sinh xuất hiện trong tam giới. Có hai loại, một là thiện nghiệp chiêu cảm quả báo đáng ưa, hai là bất thiện nghiệp chiêu cảm quả báo không đáng ưa[9]. Do hữu mà chúng sinh sau khi chết tái sinh trong tam giới, đó là sinh. Do sinh mà có các đại hoạn như lão tử, ưu bi, khổ não nhóm họp. Trong 12 chi này, hành không thể vượt bỏ thức mà làm duyên cho danh sắc v.v... Các chi sau cũng như vậy.

Trong 12 chi trên, chúng ta cần lưu ý ba chi: Vô minh, ái và thủ[10].

Vô minh, là phiền não phát nghiệp, vì nó làm duyên cho các chủng tử nghiệp ngủ ngầm trong tạng thức sinh khởi.

Áithủ là phiền não nhuận sinh, vì nó làm cho các nghiệp đã sinh khởi được thấm nhuần tăng trưởng.

Theo luận Thành duy thức, thức nói trong Thập nhị nhân duyên là Dị thục quả thức. Thức thứ tám, do hành động huân tập thành chủng tử nghiệp lực mà biến thành Dị thục thức. Dị thục thức hình thành là do hành.[11] Nhị thừa chưa biết đến thức này. Nghĩa là hàng Nhị thừa chỉ mới diệt được Phiền não trụ địa, chưa thấy biết Vô minh trụ địa[12]

Hành giả khi tu học theo Thập nhị nhân duyên, đều nhắm vào việc trừ bỏ hai chi áithủ. Vì sao? Vì do áithủ mà có hữu, dẫn đến việc tái sinh ở đời sau. Nếu hành giả thường quán xét không sinh ái thủ thì không có hữu. Hữu nếu không thì không còn duyên để sinh ra sinh lão tử. Do đây mà thoát ly tam giới. Như hạt lúa nhờ có hơi ẩm (dụ cho vô minh) mà nẩy mầm sinh ra cây lúa. Nếu có sự chăm sóc tưới bón (dụ cho ái và thủ) thì cây lúa sẽ tăng trưởng, từ đó sinh hạt lúa. Hạt lúa là duyên sinh ra cây lúa ở đời sau (hữu). Nếu không có sự chăm sóc tưới bón, cây lúa sẽ không thể tăng trưởng, ra hạt, nên cũng không có cây lúa ở đời sau.

Hàng Trung thừa, vì chưa biết đến thức thứ tám và phần Vô minh trụ địa,[13] nên lấy cái quả có được từ việc trừ diệt áithủ làm Niết-bàn rốt ráo. Bồ-tát Đại thừa, tu theo Thập nhị duyên sinh, tuy cũng trừ diệt áithủ nhưng biết việc trừ diệt ấy chỉ mới đưa đến cái quả giải thoát, là hóa thành chưa phải bảo sở. Biết chỉ khi trừ diệt được Vô minh trụ địa thì vòng Thập nhị duyên sinh mới thực sự chấm dứt, như đức Phật nói trong các bộ kinh thuộc hệ A-hàm: “Vô minh diệt thì hành diệt. Hành diệt thì thức diệt…”.           

4. Tổng kết từ lý Nhân quả đến lý Nhân duyên

Trên thực tế, nhân không giống với quả. Từ nhân đến quả là một tiến trình. Lý Nhân quả chưa nói lý do gì khiến nhân chuyển hóa thành quả. Lý nhân quả mới nói đến điểm đầu (nhân) và điểm cuối (quả) của tiến trình nhưng chưa nói lên được tiến trình ấy. Lý Nhân duyên cho thấy chính duyên là động lực khiến nhân chuyển hóa thành quả. Lý Nhân duyên vừa nói lên được điểm đầu và điểm cuối, vừa nói lên được tiến trình đi từ nhân đến quả.

Ví dụ: Trong Tứ đế, chúng ta chỉ mới biết được tập là nhân sinh ra quả khổ. Trong Thập nhị nhân duyên, chúng ta thấy được cả tiến trình khiến cho tập (những gì tích chứa trong tàng thức) chuyển biến qua mười hai chi để sinh ra quả khổ cho chúng sinh.

Cả Tiểu thừa lẫn Trung thừa đều dùng chung pháp quán khổ, không, vô thường, vô ngã để phá trừ sự chấp ngã mà chứng được vô ngã (nhân vô ngã), nhưng Tiểu thừa lấy Tứ đế làm lý, Trung thừa lấy Thập nhị nhân duyên làm lý. Vì thế dù cả hai đều thấy được lý Sinh không, đồng chứng Diệt đế  nhưng trí tuệ của hàng Trung thừa cao hơn Tiểu thừa. Do trí tuệ cao hơn nên quả vị cũng cao hơn. Do cao hơn Tiểu thừa nhưng lại dưới Đại thừa nên gọi là Trung thừa.

Như vậy, lý Nhân quả là một cái nhìn đơn giản của lý Nhân duyên. Lý Nhân duyên hàm chứa lý Nhân quả. Cả lý Nhân quả và lý Nhân duyên lại được hàm chứa trong một lý sâu rộng hơn nhiều, chính là lý Tánh không - duyên khởi.

 


[1] Cuốn I trang 420, HT Minh Châu dịch.

[2] Kinh Trung Bộ cuốn I.  HT Minh Châu dịch.

[3] Tập được diệt tận nên tâm không còn sinh khởi, không dời đổi, hoàn toàn an định nên gọi là định. Định này vì thế có tên là Diệt tận định.

[4] Pháp : Chỉ cho mọi sự mọi vật.

[5] Cái gì có tinh cách riêng lẻ cá biệt gọi là sự. Cái chung của nhiều sự, gọi là lý.

[6] Bạn nào thích luận lý thì có thể tìm hiểu thêm ở Trung luận. Với biện chứng pháp tinh vi chặc chẻ, Trung luận đã chứng minh rằng pháp do nhân duyên sinh thì không có thực thể.

[7] Thành duy thức luận, trang 537. HT Thích Thiện Siêu dịch và chú, xuất bản 1996. 

[8] Gọi là lục nhập vì sáu căn được ví như sáu cửa, nhờ đó có sự giao tiếp trong ngoài ở một chúng sinh. Do có sáu căn mà có sự tiếp nhận sáu loại trần cảnh, nên gọi là lục nhập. 

[9] Thành duy thức luận, phần Hữu chi tập khí, trang 365. HT Thích Thiện Siêu dịch và chú, xuất bản 1996.

[10] Thành duy thức luận : Ba chi này gọi là hoặc trong hoặc, nghiệp, khổ.

[11]Thành duy thức luận, trang 536. HT Thích Thiện Siêu chú và dịch, xuất bản 1996.

[12]Kinh Thắng man phu nhân hội.

[13] Luận Đại thừa khởi tín gọi là Căn bản nghiệp tướng. 

[ Quay lại ]