headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 16/05/2024 - Ngày 9 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

QUẢNG KẾT THIỆN DUYÊN

hoalanHT. Tinh Vân -  Hạnh Đoan dịch

Thường có người hỏi tôi: Tăng đoàn Phật Quang Sơn đông, sự nghiệp rộng lớn, thế thì làm sao quản lý, làm sao cho trên dưới đồng lòng, hòa hợp vô tranh? Chẳng biết ngài có bí quyết gì mà luôn hoan hỉ vui vẻ?”

Tôi chỉ dùng thân giáo dạy đồ chúng mà thôi.

Hồi nhỏ học ở tùng lâm, sư trưởng yêu cầu chúng tôi học thuộc Phật học danh tướng. Lúc đó, đâu có hiểu được ý, cứ học thuộc thao thao, nhồi nhét đại vào đầu không tuyển chọn gì. Nào ngờ sau này lớn lên, khi gặp việc xúc duyên, những hạt giống ngày nhỏ từng huân trong tàng thức, bỗng giúp tôi cảm được diệu dụng Phật pháp, thật khó mà thí dụ cho hết.

 

Hồi xưa ở tùng lâm đảm nhiệm chức sự, tiếp đãi tân khách, tôi luôn rèn tính nhanh lẹ sắc bén, luyện thấy biết mẫn tiệp. Nếu như đối với mọi việc mà có được cái nhìn thấu suốt tổng thể, thì khi thời khắc đến ắt có thể nắm bắt đúng, xử lý kịp lúc, không lo sai sót lỡ lầm.

Mặc dù tôi dạy đồ chúng nghiêm, nhưng cũng rất chú trọng đến cảm nhận riêng của mỗi người. Thí như A và B đồng làm việc chăm chỉ siêng năng, đều đáng được thưởng cả. Nhưng tôi chỉ có một phần quà, chẳng đủ tặng biếu. Trong tình thế khó xử đó, tôi chọn giải pháp: Đưa gói quà trân trọng nhờ A trao cho B và bảo rằng: Tôi mong A thay tôi chuyển giúp tới B, lần sau có được món quà khác, tôi sẽ gửi tặng A. Khi tôi nói xong A rất hoan hỷ vì cảm thấy mình được tôi xem trọng, còn B nhận quà cũng rất hân hoan. Xem như tốt đẹp đôi đàng.

Thời niên thiếu, hễ gặp một tuyệt phẩm, đọc được một lời hay ý đẹp, tôi luôn chuyền cho các bạn cùng thưởng thức. Hễ nghe được một điều bổ ích, thú vị là tôi như bắt được vàng, tung ngay ra cho người xem, cứ lo họ không được biết đến. Vô hình chung tính nết này giúp tôi có được nhiều bạn bè trân quý. Mãi đến hôm nay, ngẫu nhiên phúc chí tâm linh (1) hễ tôi có được một tư tưởng hay, hoặc một kế sách gì tốt, tôi không hề sẻn tiếc, luôn đem chia sẻ cho lương bằng hảo hữu. Dù có bị đồng đạo chụp lấy xài trước, trong lòng cũng rất hoan hỷ.

Từ lúc vân du hoằng pháp đến nay, tôi luôn sợ không kịp đem những điều hay góp nhặt được trên lộ trình, chia sẻ cho đồ chúng. Trước sau, tôi luôn cho rằng, cùng nhau truyền bá chia sẻ thông tin như thế là phương pháp tối ưu để quảng kết thiện duyên, giao lưu tốt, giúp mọi người cùng tiến, tăng trưởng duyên lành.

Do vậy mà hơn mười năm trước, khi làm chủ Phật học viện, tôi đã thực hiện tiêu điểm này, chỉ tiếc là mọi người cứ khứ khư bảo hộ tự ngã nên khó phát huy phong khí hay.

Hồi xưa, vào năm 1964, giữa Hội Biện Luận Trung – Thái Phật Giáo, tôi đã đề xuất nên đoàn kết, thống nhất. Mãi đến ngày nay tôi cũng không ngừng kêu gọi những người con Phật nên đoàn kết phát huy sức mạnh. Không những tôi bôn ba đi khắp nơi hô hào, mà còn áp dụng vào thực tế. Tôi thành lập Hội Niệm Phật, Hội Thanh Niên, Hội Phụ Nữ, Hội Thiền Tọa, Hội Kim Cương … để tín đồ, bạn bè trong hội có dịp cùng tu, đồng hỗ trợ, giúp đỡ sách tấn nhau, như vậy sẽ tạo nên một dòng thanh giữa chốn hồng trần.

Tôi tôn trọng truyền thống lịch sử, nhưng cũng tùy thời mà phương tiện quyền biến.

Tôi thấy các nhân sĩ Phật giáo chế đặt nhiều kiểu tu rắc rối nhiêu khê, nên tôi chủ trương cử hành các nghi thức pháp hội đơn giản, dùng sự chân chánh nhiếp thọ chúng sinh. Nơi Phật học viện tôi sáng lập ngót 28 năm nay, về sinh hoạt, tức nhiên một bề tuân giữ thời khóa tho nếp cổ, nghĩa là hai thời công phu sớm tối, mọi việc bửa củi, gánh nước, điển tọa hành đường gì … thảy đều theo phương thức giáo dục truyền thống. Nhưng về tư tưởng, tôi khuyến khích các giáo sư nên lưu tâm đến những biến chuyển trong thời cuộc hiện đại, giảng dạy tốt, giúp cho học sinh mở mang kiến thức, theo kịp trào lưu.

Tôi đến Đài Loan được vài năm thì việc hoằng pháp di chuyển đã có xe hơi thay cho đi bộ, rồi tiếp đến là phi cơ. Tôi cảm thấy các phương tiện giao thông hiện đại hóa này rất tiện lợi và giúp ích nhiều cho việc hoằng pháp. Những đường lối cổ xưa nếu được chú trọng và ứng dụng hợp thời, cũng có thể giúp người hiểu được chân nghĩa Phật giáo.

Bắt đầu từ năm 1989, cứ cách mỗi một năm Phật Quang Sơn tổ chức cho tăng chúng thực hiện việc ôm bát đi khất thực, nhằm tái hiện lại thời Phật xa xưa, việc này không những đem ánh sáng từ bi của Phật đến tận mọi ngóc ngách xó xỉnh mà còn khiến thiện nam tín nữ có dịp trồng phúc cúng dường. Đối với tăng chúng xuất gia mà nói, đây cũng là một kiểu thể nghiệm tuyệt tốt.

Sau năm 1980, tại ba miền Bắc, Trung, Nam Đài Loan, chúng tôi sáng lập hoạt động về nguồn, nghĩa là quay về thời đức Phật. Tôi tận dụng âm thanh ánh sáng điện khí, cho mấy vạn tín đồ đi vào đường hầm, quay trở lại cảnh Linh Sơn thắng hội của 2500 năm trước, cùng hưởng thọ Phạm âm pháp hỉ.

Tám tông kiêm hoằng bất phân đảng phái

Về đạo, tôi hoằng cả tám tông, về chính trị tôi chẳng phân đảng phái. Đối với các vị đứng đầu đảng Quốc Dân như Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy … lên núi, tất nhiên tôi đón như khách quý. Còn Hứa Tín Lương, Hoàng Tín Giới … thuộc đảng Dân Tiến có đến thăm, tôi cũng tiếp đón tương tự. Những sứ giả quan trọng của các nước đến hỏi đạo thì tôi tùy duyên khai thị. Các phần tử Đại Lục lưu vong xin được nghe giảng, tôi cũng tùy thuận đáp ứng.

Tôi luôn mở rộng cửa, không phân biệt đảng phải sắc tộc, màu da … sẵn sàng tiếp dẫn mọi người, để tất cả đồng hưởng pháp ích.

Năm 1989 tôi về Đại Lục lễ bái tổ đình, thăm viếng sư trưởng, mẫu thân và các bạn đồng đạo, nam, phụ, lão, ấu chốn gia hương. Lúc đó ngoài cổng, sân trước, vườn sau, rộn ràng như chợ. Những ai từng có chút duyên với tôi, tôi đều xuất tiền tư trợ, quảng tu cúng dường. Chỉ mong một khoảnh khắc kết duyên này, sẽ mang đến sự hóa độ họ trong vị lai.

Nhiều người không hiểu tại sao tôi tiêu xài chẳng tính toán, thường lâm vào cảnh lỗ lã không lời. Vì tôi chung tình với sự nghiệp văn chương giáo dục. Bởi tôi nghĩ văn tự Bát nhã có thể lưu truyền thiên cổ và công việc giáo dục đào tạo nhân tài có thể giúp người kế thừa dìu dắt cả thế hệ ngàn sau.

Tôi rất lưu tâm đến việc phiên dịch Phật Điển Bạch Thoại nên ra sức khuyến khích tưởng thưởng, hơn nữa còn thành lập ban Phật Học Anh Văn, Phật Học Nhật Văn nhằm đào tạo nhân tài hoằng pháp quốc tế. Chỉ mong Phật pháp truyền khắp thập phương, xuyên suốt ba thời, để ánh đạo vàng được chiếu khắp, lợi lạc quần sanh.

Trong nước, ngoài nước tôi mở rộng việc xây dựng các chi nhánh biệt viện, từ Phật điện đến giảng đường, từ đồ thư quán đến viện hội nghị lưu tâm tổ chức các hoạt động giảng kinh hoằng pháp, từ lễ Phật tham thiền đến nghiên cứu kinh lý, làm các việc Phật sự bao gồm đủ hạng mục từ tiêu tai cầu phúc đến hôn, tang, hỉ, khánh …

Hễ có lễ lạc, hội nghị gì, chúng tôi hoan nghênh phu phụ tham gia. Mừng Phật đản chúng tôi thỉnh mọi người nhất tề quang lâm. Nhờ vậy hễ nói đến gia đình Phật Quang thì luôn có ba đời tổ tôn, tín đồ tụ hội, các thân bằng hảo hữu tề tập một nhà.

Chúng tôi chú trọng các công tác từ thiện, sử dụng hơn mười xe hoằng pháp nghĩa, chẩn xa, vì y viện, mỗi ngày chở bác sĩ, hộ lý đi đến khắp hang cùng ngõ hẻm, đỉnh núi bến sông gì đều lặn lội tới. Dùng tâm nguyện từ bi của Phật làm bổn phận, xoa dịu đau khổ nhân gian. Thế nhưng ngoài việc trị bệnh thân, chúng tôi còn thuyết pháp ủi an, vỗ về tâm linh, khơi sáng thiện tâm huệ mệnh chúng sanh.

Từ xuất gia đến nay, tự thẹn chưa thâm nhập tam tạng, đối với học vấn thế gian cũng chẳng có bản lĩnh thông suốt hết cổ kim. Nhưng may mắn là tôi có thể vận dụng tinh thần “biến khắp mười phương thông suốt ba đời” để duyệt đọc sách báo, tạp chí. Nhờ vậy ngay trong lúc bận rộn với hành trình hoằng pháp, tôi vẫn có thể nhàn du trong kinh điển, xem các sách sử cổ kim.

Tôi thường đem những điều học được, phân tích so sánh kinh nghiệm đã qua, phối hợp cùng sinh hoạt thường nhật và đối chiếu với hiện tượng xã hội đương thời để ấn chứng thêm, nhờ vậy có thể đem trí thức phiến diện dung nhập vào đời sống nên mỗi khi cần phát biểu hay phát ngôn, tôi luôn có thể rộng đường dẫn chứng, dùng kinh nghiệm thâm nhập thực tế này mà hướng dẫn chúng sanh.

Đọc vạn quyển sách như đi vạn dặm đường, tôi đã nhiều lần hướng dẫn đoàn thể Phật giáo xuất ngoại tham viếng, triều thánh (2). Cũng thường tưởng thưởng khuyến khích môn sinh đệ tử đi khắp nơi thăm viếng chiêm lễ, tôi hy vọng nhờ vào việc chiêm bái thánh tích sẽ giúp họ thông suốt lịch sử, kích phát đạo niệm tín tâm. Nhờ vào việc đi thăm quốc tế mà họ có được kinh nghiệm rộng lớn trong lãnh vực nhân sinh.

Ngẫm nghĩ lại những gì tôi làm trong một đời đã giải thích chân như pháp tính bất biến tùy duyên. Tôi từng viết văn bảo vệ Phật giáo, tại cung điện quốc gia phát biểu khuyên dân chủ, từng cùng thủ lĩnh các đảng phái quan trọng hội họp mạn đàm và lắng nghe nguyện vọng dân quê, cùng họ bàn việc …

Tôi biết mình có đầy đủ Phật tánh tôn quý như Thế tôn từng khẳng định nên chẳng hề sợ uy vũ mà khuất phục, cũng chẳng ham phú quý mà xao lòng. Mặt khác, tôi và chúng sanh vốn đồng một thể. Bởi vậy mà có lúc tôi ngồi trên tòa cao tuyên diệu đế Phật. Có lúc, vì chúng sanh làm trâu ngựa, sẵn sàng hy sinh phụng hiến. Thế nên tôi có thể lớn, có thể nhỏ, có thể tiến, có thể lùi, có thể được, có thể không, năng vui năng khổ, khéo duỗi khéo co, tùy lúc mà ngẩng và cúi, đói no đều chịu được.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Phúc đến thì lòng cũng sáng ra: Khi vận may đến thì người ta linh hoạt khôn ngoan hơn
(2) Chiêm bái thánh địa
 

 

 

[ Quay lại ]