headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHÁNH NIỆM

chanhniemH.T Henepola Gunaratana - Liên thủy lược dịch

Chánh niệm, tiếng Pali là Sati, tiếng Anh dịch là Mindfulness, là một tiến trình vi tế mà bạn đang áp dụng ngay thời điểm hiện tại. Phương pháp thiền minh sát tuệ còn gọi là thiền tuệ hay thiền quán (tiếng Pali là Vipassana) đã được đức Phật chỉ dạy cách đây hơn 2500 năm, là phương pháp thiền đặc biệt chú trọng vào việc kinh nghiệm sự chánh niệm liên tục.

Khi bạn nhận thức (biết được) một vật gì lần đầu tiên, khi ấy sẽ có một sự ý thức (biết) thuần túy thoáng qua rất nhanh trước lúc bạn có khái niệm về vật đó, trước lúc bạn nhận dạng ra nó. Chính giai đoạn ý thức (biết) thuần túy đang trôi chảy là chánh niệm. Giai đoạn này rất ngắn, chỉ thoáng qua một phần rất nhỏ của giây trước khi mắt bạn tập trung nhìn vật ấy, trí bạn tập trung xem xét, cụ thể hóa, và phân biệt nó với những vật khác. Trong tiến trình nhận thức thông thường, giai đoạn chánh niệm xảy ra rất nhanh và khó quan sát. Phần lớn chúng ta có thói quen để phí tâm vào các bước còn lại, tức tập trung nhận định, đặt tên và miên man suy nghĩ để khái quát vật thể. Điều này làm cho chánh niệm bị lãng quên vì sự xáo trộn đó. Chính thiền minh sát tuệ sẽ tập cho chúng ta phát triển chánh niệm, giai đoạn ý thức thuần túy.

Khi chánh niệm được phát triển bằng phương pháp thích hợp, bạn sẽ thấy rằng kinh nghiệm sự chánh niệm của bạn một ngày thâm sâu và bạn sẽ thay đổi cách nhìn đối với vạn vật. Một khi bạn biết phương pháp rồi, bạn sẽ thấy chánh niệm có nhiều đặc tính rất hay.

I. Các đặc tính cúa chánh niệm

- Chánh niệm phản ánh những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại và phản ánh một cách chính xác cách thức xảy ra, không có thành kiến xen vào.

- Chánh niệm là sự quán sát không cần phán đoán. Đó là khả năng quán sát của tâm không kèm sự phê bình. Bằng khả năng này hành giả sẽ nhìn thấy sự vật mà không quy kết hay đánh giá. Hành giả sẽ rất ngạc nhiên vì không có vật gì cả, đơn thuần thấy các sự vật như chúng đang là, theo bản chất thực của chúng. Hành giả không lựa chọn, cũng không đánh giá, mà chỉ quan sát thôi.

Về phương diện tâm lý học, chúng ta không thể nào quan sát một cách khách quan những gì đang xảy ra bên trong chúng ta nếu ngay lúc đó chúng ta không chấp nhận sự hiện hữu của các trạng thái tâm khác nhau. Điều này đặc biệt đúng với các trạng thái không hài lòng của tâm. Để quán sát được nỗi sợ hãi của chính mình, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng chúng ta đang sợ. Chúng ta không thể nào xem xét được sự chán nản của chính mình nếu không hoàn toàn thừa nhận nó. Tương tự đối với sự cáu kỉnh lo âu, thất vọng và các cảm giác khó chịu khác. Bạn không thể quán sát một điều gì hoàn hảo nếu bạn chối bỏ sự hiện hữu của nó. Dù kinh nghiệm điều gì đi nữa, chánh niệm chỉ thừa nhận điều đó. Rất đơn giản, nếu một điều gì đang xảy ra trong cuộc sống thì chỉ cần bạn ý thức về nó mà thôi. Không tự cao, không tủi hổ, không có gì thuộc cá nhân đang bị đe dọa. Cái gì xảy đến thì xảy đến.

- Chánh niệm là sự quán sát không thiên vị, không lệch về một phía. Chánh niệm không dính mắc với những gì được ý thức. Nó chỉ là sự ý thức. Chánh niệm không mê đắm cái tốt, cũng không tránh né cái xấu, không chấp giữ những gì vừa ý, cũng không lướt nhanh qua sự khó chịu. Chánh niệm thấy tất cả những gì trải qua đều như nhau, mọi ý nghĩ như nhau, mọi cảm xúc như nhau. Không có chi bị đè nén, không có chi bị ngăn chặn. Chánh niệm không chạy theo sự mến chuộng.

- Chánh niệm là sự ý thức không mang tính khái niệm. Một thuật ngữ khác của chánh niệm là “sự ý thức đơn thuần”. Nó không phải là sự suy nghĩ, cũng không dính dáng gì với những ý nghĩ hay khái niệm, cũng không gắn với những ý niệm, ý kiến hay trí nhớ. Chánh niệm chỉ quan sát. Chánh niệm ghi nhận những gì trải qua nhưng không so sánh chúng. Nó chỉ quán sát mọi thứ như thể chúng đang xảy ra lần đầu. Nó không phải là sự phân tích dựa trên sự ngẫm nghĩ và nhớ lại (các sự kiện đã qua), mà nó là kinh nghiệm trực tiếp với những gì đang xảy ra, không thông qua suy nghĩ. Chánh niệm đến trước suy nghĩ trong tiến trình nhận thức.

- Chánh niệm là sự ý thức ngay thời điểm hiện tại. Nó xảy ra tại đây và ngay bây giờ. Nó là sự quán sát những gì đang xảy ra ngay lúc này, ngay hiện tại. Bao giờ chánh niệm cũng trụ ngay hiện tại. Nếu bạn đang nhớ về thầy cô giáo lớp 2 của mình, đó là trí nhớ. Sau đó khi bạn ý thức được mình đang nhớ thấy cô giáo lớp 2, đó là chánh niệm. Kế đến nếu bạn khái quát tiến trình tâm đó và nói với chính mình rằng: “Ồ, tôi đang nhớ!” thì đó là suy nghĩ.

- Chánh niệm là sự tỉnh giác không có bản ngã. Nó xảy ra không dính gì đến bản ngã. Bằng chánh niệm, hành giả thấy được tất cả các hiện tượng không liên quan gì đến khái niệm “tôi”, “của tôi”, “cái của tôi”. Ví dụ, giả sử, bạn bị đau chân trái. Thông thường bạn nói rằng: tôi bị đau. Khi sử dụng chánh niệm, bạn chỉ đơn thuần ghi nhận cảm giác đau đó chỉ là một cảm giác mà thôi. Bạn sẽ không cộng thêm khái niệm “tôi” vào. Chánh niệm ngăn không cho bạn thêm vào hay giảm đi bất cứ cái gì từ sự nhận thức. Bạn không làm nổi bật, không nhấn mạnh cái gì cả. Bạn chỉ quán sát cái đang hiện hữu chứ không làm méo mó đi.

- Chánh niệm là sự ý thức không kèm mục đích. Trong chánh niệm, bạn không ráng sức vì mong các kết quả. Bạn không cố gắng hoàn tất một điều gì cả. Khi có chánh niệm, bạn kinh nghiệm được thực tại hiện tiền. Không có gì để bạn giành được. Chỉ mỗi việc quán sát mà thôi.

- Chánh niệm là sự ý thức về những đổi thay. Nó quán sát dòng chảy qua của sự trải nghiệm. Nó theo dõi sự vật đang chuyển đổi. Nó thấy sự sanh ra, lớn lên rồi trưởng thành của tất cả các hiện tượng. Nó nhìn xem sự già nua và chết đi.

Chánh niệm theo dõi lên tục trong từng sát na. Nó quán sát tất cả mọi hiện tượng – vật chất, tinh thần hoặc cảm xúc hay bất kỳ cái gì đang diễn ra trong tâm. Hành giả chỉ ngồi lại xem buổi biểu diễn đó. Chánh niệm là sự quán sát tính chất cơ bản của mỗi hiện tượng đang trôi qua. Nó theo dõi hiện tượng đó khởi sinh và biến mất. Nó thấy hiện tượng đó làm chúng ta cảm giác ra sao và phản ứng lại thế nào. Nó xem cách thức gây ảnh hưởng đối với các hiện tượng khác. Trong chánh niệm, hành giả là quan sát viên, có công việc duy nhất là theo dõi sự biến chuyển đang diễn ra liên tục của thế giới bên trong. Hãy lưu ý điểm này. Trong chánh niệm, hành giả chỉ quan sát thế gới bên trong, đừng để ý thế giới bên ngoài. Mọi thứ vẫn ở đấy, nhưng trong thiền tập, phạm vi của hành giả là những trải nghiệm của chính mình, suy nghĩ của chính mình, cảm giác của chính mình, và nhận thức của chính mình. Hành giả cũng chính là phòng thí nghiệm của chính mình. Thế giới bên trong có một lượng thông tin khổng lồ bao gồm sự phản ảnh về thế giới bên ngoài và còn hơn thế nữa. Sự khảo sát nguồn tài liệu (thông tin) này sẽ dẫn đến tự do hoàn toàn.

Chánh niệm là sự quán sát tự thân. Hành giả vừa là người trong cuộc vừa là người quan sát. Nếu xem xét các cảm giác sinh lý, hành giả cũng đồng thời cảm nhận được chúng. Chánh niệm không phải là kiến thức duy lý trí. Nó chỉ là sự ý thức mà thôi. Chánh niệm mang tính khách quan, nhưng nó không lạnh lùng cũng không phải không có cảm giác. Nó là sự trải nghiệm tỉnh táo trong cuộc đời, một sự tham gia tỉnh giác đối với quá trình sống đang diễn ra.

II. Ba hoạt động căn bản

Chánh niệm có ba hoạt động căn bản. Chúng ta có thể xem ba hoạt động như các định nghĩa về chức năng của chánh niệm:

1/ Chánh niệm nhắc chúng ta nhớ những gì chúng đang cần phải làm.

2/ Chánh niệm nhìn các sự việc như hiện thực.

3/ Chánh niệm thấy được bản chất sâu sa của mọi hiện tượng.

Chúng ta hãy khảo sát cụ thể hơn các định nghĩa này.

1. Chánh niệm nhắc bạn nhớ những gì chúng đang cần phải làm : Khi hành thiền, bạn chú ý vào một đề mục. Khi tâm bạn lan man ra khỏi sự tập trung này, thì chánh niệm sẽ nhắc bạn rằng tâm bạn đang lan man và bạn cần phải làm những gì. Chính chánh niệm đem bạn về lại đề mục hành thiền. Tất cả sự việc này xảy ra nhanh chóng, không cần sự độc thoại nội tâm nào. Việc hành thiền không phải là việc suy nghĩ. Hành thiền liên tục sẽ biến chức năng này thành thói quen của tâm, rồi thói quen ấy sẽ tiếp tục duy trì trong suốt quãng đời còn lại của bạn.

Lúc nào bạn cũng nên chú ý đơn thuần vào những gì đang diễn ra, ngày ngày như thế, trong buổi ngồi thiền chính thức hay trong các tư thế hoạt động khác. Nhiều hành giả có khi phải mất vài năm hoặc thậm chí vài thập niên để hoàn thiện được điều này. Thói quen miên man suy nghĩ của chúng ta đã được huân tập quá lâu rồi, và thói quen ấy sẽ đeo bám chúng ta rất chặt. Cách giải quyết duy nhất là duy trì đều đặn thực hành chánh niệm liên tục. Khi chánh niệm có mặt bạn sẽ để ý thấy được lúc nào thì bạn bị kẹt trong các cách thức suy nghĩ. Chính sự để ý này giúp bạn lui ra, thoát khỏi tiến trình suy nghĩ đó. Kế đền, chánh niệm đưa sự chú ý của bạn trở về tập trung trên đề mục nếu lúc đó bạn đang hành thiền. Nếu không chánh niệm sẽ chỉ là sự áp dụng chú ý đơn thuần, chỉ là một sự để ý thuần túy xem cái gì đang xuất hiện chứ không can dự vào: “À, đến cái này… và bây giờ đến cái này… và giờ thì cái này… giờ thì cái này.”

Chánh niệm vừa là sự chú ý đơn thuần vừa là chức năng nhắc chúng ta nhớ chú ý đơn thuần nếu chúng ta quên. Sự chú ý đơn thuần là sự để ý nhận biết. Nó được thiết lập trở lại bằng cách chỉ nhận biết, ghi nhận rằng vừa rồi nó đã không có mặt. Bạn nhận ra điều này cũng có nghĩa là lúc này bạn đang để ý nhận biết và bạn tiếp tục chú ý đơn thuần.

Với chánh niệm bạn sẽ có cảm giác thư thái, trong sáng và đầy nghị lực. Trong khi đó sự suy nghĩ lại nặng nề, chậm chạp và kiểu cách. Tuy nhiên đây chỉ là sự mô tả bằng ngôn từ. Khi bạn thực hành, bạn sẽ thấy được sự khác biệt. Rồi có thể bạn sẽ diễn tả bằng ngôn từ của riêng bạn và những từ đã dùng nơi đây sẽ trở nên thừa thải. Xin hãy ghi nhớ, thực hành là điều quan trọng nhất.

2. Chánh niệm nhìn các sự việc như hiện thực : Nó không thêm cái gì vào sự suy tưởng cũng không bớt ra cái gì. Nó cũng không bóp méo sự việc nào. Nó chỉ là sự chú ý đơn thuần, chỉ nhìn vào những gì đang đến. Còn suy nghĩ thì thích dán các thứ lên kinh nghiệm, lên những gì xảy đến với chúng ta, chồng chất lên đấy các khái niệm, ý tưởng để rồi nhận chìm chúng ta trong vòng xoáy của các dự định, lo âu, sợ hãi và tưởng tượng. Khi chánh niệm, bạn không tham gia vào trò chơi đó. Bạn chỉ nhận biết chính xác cái gì đang xuất hiện trong tâm, rồi ghi nhận cái tiếp theo: “À, này… và này… và giờ thì cái này.” Thật sự rất đơn giản.

3. Chánh niệm thấy được bản chất sâu xa của mọi hiện tượng: Chỉ chánh niệm mới có thể nhận biết ba tính chất cơ bản mà theo lời Phật dạy là bản chất thâm sâu nhất của sự hiện hữu. Đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tức sự vắng mặt của thường còn, bất biến, và có thực thể hay còn gọi là linh hồn hoặc bản ngã (tiếng Pali: anicca, dukkha, anatta; tiếng Anh: impermanence, unsatisfactoriness, selflessness). Sự thực này không phải đưa ra như một giáo điều dẫn đến niềm tin mù quáng. Người con Phật sẽ cảm thấy sự thật này phổ quát và hiển hiện rõ ràng đối với người nào quan tâm khảo sát một cách đúng đắn. Chánh niệm là phương pháp khảo sát đưa đến sự thật ấy. Chánh niệm một mình nó có khả năng phát hiện tầng sâu nhất của thực tại qua quan sát. Với mức độ xem xét kỹ này hành giả sẽ thấy (a) tất cả pháp hữu vi (do điều kiện tạo thành) vốn dĩ tạm thời, tồn tại trong chốc lát, (b) mọi vật trên thế gian cuối cùng đều bất toại nguyện, (c) thực ra không có thực thể nào bất biến, thường hằng, tất cả chỉ là các tiến trình.

Chánh niệm hoạt động giống như một kính hiển vi điện tử. Nghĩa là nó đạt tới mức rất vi tế đến độ hành giả thật sự có thể thấy trực tiếp những thực tại được lý thuyết mô tả về tiến trình tâm. Chánh niệm thấy tính chất vô thường của mỗi sự nhận biết. Nó thấy tính tạm thời và hoại diệt của tất cả những gì được nhận biết. Nó cũng thấy tính chất bất toại nguyện của vốn có của các pháp hữu vi. Nó nhận ra rằng thật là không khôn ngoan nếu nắm bắt từng cảnh đang hoại diệt bởi làm vậy thì không thể tìm được bình an và hạnh phúc. Sau cùng chánh niệm sẽ thấy bản chất vô ngã của tất cả các pháp, các hiện tượng. Nó thấy rõ chúng ta đã tùy tiện chọn một khối nhận thức nào đó, chia chẻ chúng ra khỏi dòng trải nghiệm đang diễn ra và rồi khái niệm chúng như những thực thể riêng biệt, lâu bền. Chánh niệm thật sự nhận ra những điều này. Nó không suy luận chúng mà thấy trực tiếp.

Khi được phát triển đầy đủ, chánh niệm thấy ba đặc tính này của vạn hữu trực tiếp, ngay lập tức, không qua phương tiện tư duy. Ba đặc tính này không tồn tại riêng rẽ. Chúng ta nỗ lực thực hiện tiến trình vốn rất đơn giản gọi là chánh niệm để thấy được ba đặc tính này và diễn dạt tầm hiểu biết đó bằng những biểu tượng thật rườm rà thông qua suy nghĩ. Chánh niệm là một tiến trình, chứ không chia ra nhiều bước. Nguyên cả tiến trình này diễn ra đồng bộ: bạn ghi nhận mình thiếu chánh niệm và chính sự ghi nhận này là kết quả của chánh niệm; chánh niệm là sự chú ý đơn thuần, sự chú ý đơn thuần đang ghi nhận các sự vật một cách chính xác như thực, không bóp méo; và hiện thực là các sự vật đều là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Cả tiến trình xảy ra chớp nhoáng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chỉ cần giây phút chánh niệm lần đầu là bạn sẽ nhanh chóng đạt được sự giải thoát. Bạn cần thực hiện việc đưa chánh niệm vào đời sống ý thức, sau đó nỗ lực duy trì trạng thái chánh niệm. Công việc này sẽ mang lại cho bạn niềm vui nên rất đáng để phấn đấu.

III. Chánh niệm và thiền minh sát tuệ

Chánh niệm là trọng tâm của thiền minh sát tuệ và là chìa khóa của toàn bộ tiến trình thiền tập. Nó vừa là mục đích của thiền minh sát tuệ vừa là phương tiện để đạt được mục đích ấy. Bạn đạt được chánh niệm nhờ liên tục tăng dần chánh niệm. Một từ Pali khác cũng được dùng như chánh niệm là appamada, mang nghĩa không lơ đễnh, không đãng trí, Người nào liên tục chú ý những gì đang thật sự xảy ra trong tâm mình thì người ấy sẽ đạt được trạng thái tỉnh giác cao tột.

Chữ Sati trong Pali còn có nghĩa rộng là sự nhớ. Nó không phải ký ức về các tư tưởng, hình ảnh trong quá khứ, mà nó là sự nhận biết rõ ràng, trực tiếp, không bằng lời về cái gì có, cái gì không có; cái gì đúng, cái gì không đúng; cái gì chúng ta đang làm và chúng ta sẽ tiến hành và chúng ta sẽ tiến hành như thế nào. Chánh niệm nhắc hành giả nhớ chú ý vào đúng đối tượng, đúng thời điểm và nỗ lực đúng mức để thực hiện công việc. Khi nỗ lực đúng mức, hành giả sẽ duy trì được trạng thái an bình và tỉnh táo, lúc ấy các trạng thái của tâm mà ta gọi là triền cái, chướng ngại không thể sanh khởi, không có tham, sân, lười mỏi… Vậy mà hầu hết chúng ta không biết và cứ sai lầm hoài. Dù thật cố gắng, hành giả vẫn sơ suất chánh niệm, và thấy mình thỉnh thoảng lại sa vào trạng thái tâm nhiễm ô, vốn thường tình của con người. Chánh niệm nhận ra sự thay đổi đó, và nhắc hành giả tinh tấn đúng mức để vượt qua. Sự sơ suất này cứ lặp đi lặp lại, tuy nhiên nếu hành giả thực hành chánh niệm thì tần số ấy sẽ giảm. Một khi sự chánh niệm đẩy các ô nhiễm của tâm sang một bên thì càng nhiều tâm thiện sẽ xuất hiện. Sân giận sẽ nhường chỗ cho lòng từ ái, ái nhiễm sẽ bị thay thế bởi ly tham. Chánh niệm giúp tuệ giác và tâm bi tăng trưởng. Không có chánh niệm, tuệ giác và tâm bi không thể phát triển tròn đầy.

Ẩn sâu trong tâm thức có một khuynh hướng chấp nhận những trải nghiệm vui đẹp và chối bỏ những chuyện đau buồn không hay. Khuynh hướng này tạo ra tham lam, ái nhiễm, sân hận, ghen tỵ… những trạng thái mà ta đang tập đoạn trừ. Chúng ta tránh những chướng ngại này không phải vì chúng ta xấu xa theo nghĩ đen của từ ấy, mà bởi vì chúng ép buộc, chế ngự tâm, dành trọn sự chú ý, bởi vì chúng cứ luôn quẩn quanh trong những vòng suy nghĩ nhỏ hẹp, chúng ngăn che không cho chúng ta thấy được thực tại đang sống động.

Khi chánh niệm có mặt thì những chướng ngại này không thể nào phát sinh. Chánh niệm là sự chú ý vào thực tại hiện tiền, và vì vậy nó đối nghịch với trạng thái mê mờ của tâm do chướng ngại tạo ra. Chỉ khi nào thiền sinh để chánh niệm vuột mất thì khi ấy khuynh hướng ẩn sâu trong tâm ấy mới tiếp tục – nắm bắt, chấp thủ và chối từ. Rồi sự chống đối trổi làm lu mờ tâm thức. Chúng ta không nhận thấy sự thay đổi này đang diễn ra do chúng ta cứ mãi miên man nghĩ đến trả thù, tham muốn và bất cứ điều gì có thể. Một người chưa thiền tập nhất định sẽ tiếp tục tình trạng này không biết đến bao giờ, nhưng một người có thiền tập sẽ sớm nhận biết những gì đang diễn ra. Chính chánh niệm thấy được sự thay đổi này. Chính chánh niệm nhớ cách thực hành và tập trung chú ý làm cho trạng thái mù mờ rối rắm kia tan dần đi. Và cũng chính chánh niệm cố gắng duy trì chính nó sao cho sự chống đối kia không thể khởi sinh lại. Như vậy chánh niệm là phương thuốc đặc trị. Nó là cách thức vừa điều trị vừa phòng ngừa.

Khi được phát triển đầy đủ chánh niệm trở thành trạng thái hoàn toàn không dính mắc, không chấp thủ đối với bất cứ thứ gì trên thế gian. Nếu chúng ta giữ được trạng thái này thì chúng ta không cần một phương tiện gì hoặc một phương sách gì để mong tránh khỏi các chướng ngại , để đạt được giải thoát. Chánh niệm không phải là sự tỉnh thức hời hợt. Nó thấy tận sâu thẳm bên trong các sự vật, vượt qua tầm khái niệm và ý tưởng. Việc quan sát thâm sâu này sẽ dẫn đến sự chắc thực hoàn toàn, một trạng thái không còn mơ hồ nữa. Chánh niệm chủ yếu thành tựu như một sự chú tâm liên tục, vững vàng, không bao giờ sút giảm và bỏ cuộc.

Sự tỉnh giác đơn thuần, không ô nhiễm, mang tính khám phá sự thật này không chỉ ngăn cản các lậu hoặc mà còn làm giảm tác dụng và đoạn trừ chúng. Chánh niệm vô hiệu quá các ô nhiễm trong tâm. Kết quả là tâm sẽ duy trì được trạng thái trong sạch, an lành, tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong cuộc sống.

( - Theo nguyện san giác ngộ 172 -)

[ Quay lại ]