headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 12/09/2024 - Ngày 10 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Vượt Núi - tiếp theo

daisuLâm Thanh Huyền - Hạnh Đoan lược dịch

Lúc Tinh Vân trụ ở Nghi Lan, chùa Lôi Âm chỉ là cái cốc nho. Một bên là nhà của các bà, một bên là trại gia binh. Người náu thân ở cái chái nhỏ phía sau đại điện, vừa rộng đủ kê một cái bàn, một cái giường. Đêm đến, chùa tối thui tối mò, chỉ có một ngọn đèn nhỏ nơi đại điện.

“Hồi ấy tôi hai mươi sáu tuổi, lần đầu xài điện, cũng muốn mắc một bóng, nhưng thời đó không tính tiền theo điện kế mà lại căn cứ vào bóng đèn để tính. Mắc một bóng mỗi tháng phải trả mười hai đồng, do tiết kiệm nên chỉ xài một bóng trong đại điện. Nếu tôi muốn đọc sách viết lách gì, thì kéo bóng tới chỗ mình, song dây điện chẳng đủ dài nên tôi chỉ kéo ra được tới cửa, đành ngồi ở đó mà đọc kinh. Ban ngày tôi hướng dẫn hội niệm Phật, đêm đến thì đóng cửa dụng công. Cứ thế trải qua hơn một năm”

Hơn một năm, Tinh Vân dẫn dắt hội niệm Phật Nghi Lan vào nề nếp, đâu ra đấy, danh tiếng đồn vang, người đến tham dự mỗi lúc một đông. Thế là mọi người bàn nhau nên lập Hội trưởng Hội niệm Phật.

“Hôm ấy, vừa khai mạc hội thì một cư sĩ đứng lên phát biểu đề nghị phải thỉnh một vị đức cao vọng trọng ở Quốc Tiểu đến làm Hội trưởng. Ai nấy đều vỗ tay tán thành, thông qua. Tôi nghĩ thầm: “Thật lạ, tôi là giảng sư, đang hướng dẫn hội niệm Phật, làm Hội trưởng thì chẳng phải là “danh chánh ngôn thuận” sao? Còn đang ngạc nhiên, thì một cư sĩ trẻ tuổi khác đứng lên nói: -“Hội niệm Phật cần chọn một người đức tài gồm đủ, hiểu biết Phật pháp uyên thâm, pháp sư Tinh Vân đây là một bậc chơn tu, đã hướng dẫn hội niệm Phật rất tài tình, lẽ ra phải bầu thầy làm hội trưởng mới đúng!” Mọi người lại vỗ tay thông qua. Lạ hơn nữa là, để thỉnh vị pháp sư từ Quốc Tiểu đến Đài; lo phí tổn đã vất vả; nhưng ông ta vừa được bầu lên làm hội trưởng mới hơn một giờ thì đã bị mời ra, thật là khó kham vậy!”

Đại sư nhận ra người Nghi Lan tính tình chất phác, nghĩ gì nói nấy, không ưa rào đón quanh co. Ở Nghi Lan còn có một việc buồn cười nữa là, gian bên cạnh chùa Lôi Âm có một hộ gia binh cư ngụ. Chủ hộ là một thiếu tá thuộc típ người ngang ngạnh khó cảm hóa. Mỗi khi hội khai lễ niệm Phật, thì thiếu tá này mặc xà lỏn, áo thun, nhắc cái ghế đẩu ra, ngang nhiên ngồi giữa sân chùa hút thuốc, hội viên muốn kinh hành niệm Phật bắt buộc phải đi vòng quanh ông ta. Ơng chẳng nói chẳng rằng, chẳng tỏ thái độ chi, mãi đến khi hội kết thúc khóa niệm Phật, ông mới chịu ngưng hút thuốc, ôm ghế trở vô nhà.

Những thành viên trong hội không nhịn được, nhiều lần định sai người đến mời ông ta đi ra ngoài, vì họ cảm thấy mình niệm Phật kinh hành, nhiễu quanh một kẻ mặc xà lỏn áo thun ung dung ngồi hút thuốc như vậy, thật chẳng trang nghiêm chút nào!

Sư phụ bảo:

- Quí vị mặc kệ ông ta đi! Rồi sẽ có ngày cảm hóa được ông ta.

Thế nhưng, mãi đến khi thiếu tá đổi đi, trước sau gì cũng chẳng cảm hóa được ông ta.

Kể lại chuyện đó sư phụ không nhịn được cười, nói :

- Chẳng biết bây giờ vị thiếu tá ấy ở đâu, nếu như còn gặp lại, cùng ăn với nhau một bữa cơm thì cũng tốt rồi.

Khi Đại sư tới Nghi Lan, người đã hạ quyết tâm là sẽ hoằng dương chánh pháp ở nơi đây. Do bản tính sắt đá “không gì lay chuyển nổi” ấy mà dân Nghi Lan đã nhiệt liệt hoan nghinh đón nhận người. Vì tên “Tinh Vân” tiếng Đài khó phát âm, lại khó nhớ nên phần đông người ta đều gọi Sư là “Sư phụ miền Bắc”.

Tất nhiên, ở đây cũng có một số người tính tình ngang ngược khó cảm hóa, thấy Sư là một thanh niên ngoại tỉnh mà lại tạo được ảnh hưởng rộng lớn như thế, nên trong các buổi giảng họ thường tìm cách quậy phá, ra sức làm ồn náo ngoài đại điện, những lúc đó Tinh Vân chẳng hề bước ra ngăn cản; người chỉ thình lình tắt hết đèn đuốc, chẳng nói một lời; trong đại điện bỗng lặng lẽ im phăng phắc, chỉ có tiếng hò reo của đám người quấy rối bên ngoài là nổi cộm, và như mọi khi, tiếng ầm ĩ dù có vọng đến bên trong giảng đường, cũng hóa thành an tĩnh.

Đại sư đã làm cho Phật pháp được truyền bá rộng rãi khắp Nghi Lan. Ngoài việc đem nội lực huân tu thâm hậu truyền niềm tin mạnh mẽ vào đạo, Sư còn có nhiều sáng kiến hoằng pháp thật sinh động và lôi cuốn.

Chẳng hạn như trước khi kết thúc buổi giảng, Sư thường kể chuyện khiến thính giả rất ưa nghe. Sư còn thành lập Ban báo chí trong chùa, lo bồi dưỡng nhân cách giới thanh niên tăng, cho tiếp thu những văn hóa mà tầng lớp trẻ ưa chuộng, nhằm tạo một môi trường thoáng, tràn trề sinh khí, nhằm dẫn dụ người ham mê học Phật. Sư còn cho mở trường Mầm Non để tín đồ vừa tiện bề dạy học, vừa nghiên cứu Phật pháp. Mỗi tối trước khi sắp giảng kinh hay khai lễ niệm Phật, Sư cho người thắp đèn lồng cầm rảo quanh đường phố, gỏ chiêng khua trống để quảng bá truyền rao; khiến cho sau này hễ trong chùa có sinh hoạt tổ chức tiết mục chi là người ta hăm hở đổ xô nhau chạy tới dự. Như lần đầu, khi thành lập “Đoàn văn nghệ Phật giáo”; sư đích thân soạn từ, rồi mời Dương Vịnh Đoàn viết nhạc; để giới thanh niên vào chùa có được một sân chơi lành mạnh bổ ích; không những họ vừa có thể học giáo lý, tậâp tu, mà còn được ca hát, sinh hoạt, họp đoàn.. được kết bạn với nhau. Sư còn cho mở lớp “bổ túc văn hóa” để dạy các môn văn, sinh ngữ, toán, lí hóa v.v… miễn phí cho các con em nhà nghèo ở Nghi Lan. Ngoài ra, Sư còn phụ trách việc đào tạo nhân tài, hướng dẫn thêm về những sinh hoạt tâm lý .v.v..

Những việc này ngày nay nhìn thấy là chuyện đương nhiên, không có gì đáng nói. Song, ở vào thời Dân Quốc 40 thì đây là những việc mang đầy tính cách mạng, đổi mới. Đại sư Tinh Vân đã thổi một làn sinh khí mới mẻ vào công cuộc hoằng pháp, đã cống hiến nhiều sáng kiến tinh tế, đầy lòng yêu thương nhân gian. Sẵn kiến thức quảng bác thâm thúy, người đã tiên phong mở đường cho việc hoằng pháp bằng những phương thức mới lạ, để từ thời buổi ấy, phong cách hoằng pháp độc đáo này được khai sinh và nảy lộc đâm chồi cho đến giờ.

Chính tại Nghi Lan, Đại sư đã “cao cao sơn đỉnh lập, thâm thâm hải để hành” (lên tận đỉnh núi cao, vào tận đáy biển sâu) của sự nghiệp hoằng pháp lí tưởng. Sau này Phật Quang Sơn lập nên được nhiều sự nghiệp văn hóa, giáo dục, từ bi, qui mô .. tất cả đều nhờ những hạt giống được ươm mầm sẵn ở Nghi Lan. Lớp tăng tài do Sư đào tạo, để mạch pháp được truyền thừa; cũng bắt đầu từ Nghi Lan. Các đệ tử đầu tay của Sư như: Tâm Bình, Từ Trang, Từ Gia, Từ Huệ, Từ Dung.. thảy đều “ra lò” từ Nghi Lan; về sau họ đều có những cống hiến vĩ đại đối với Phật giáo.

Vào khoảng năm 40, đến Nghi Lan chỉ có hai con đường: một đường vòng vo hiểm trở ở phía bắc Nghi Lan và một con đường cực kỳ lầy lội, mà nếu đi qua toàn thân đều tắm bùn, mặt mày lấm lem bụi đất. Người ở quanh đấy đều cho nó là “hãi lộ”( con đường đáng sợ); còn Đại sư Tinh Vân bôn ba thường, quen gian khổ nên nhìn nó như “lạc lộ”. Hơn nữa, người còn can đảm bám trụ dài hạn ở Nghi Lan. Kết quả là Sư đã giúp cho tư tưởng Phật giáo được khai thông ở Đông Đài Loan; đem lại nhiều sáng kiến thực dụng truyền xuống miền tây, lan tới miền nam. Khiến cho Đài Loan từ tây đến đông, từ nam chí bắc đâu đâu cũng thấm nhuần tư tưởng chói lọi của Phật giáo.

Tôi hỏi sư phụ: - Bạch thầy, lúc đó việc hoằng pháp bề bộn bận rộn như thế, làm sao mà thầy có được nhiều sáng kiến đến vậy?

Sư phụ đáp: - Phật giáo đâu phải chỉ để ngồi một chỗ cho người ta lễ lạy hay cố chấp cứng ngắc, Phật giáo là linh động, nhờ vào chính sức mình làm nên. Thế thì mọi chuyện đều có thể phát khởi linh hoạt.

Hiện tại có một số người đem “Tinh Vân” gắn liền với “ Phật Quang Sơn”, cho rằng “Phật Quang Sơn” là “Tổng đài”, “Tổng bổn sơn”. Nhưng Đại sư không cho là thế, người thấy chính chùa Lôi Âm ở Nghi Lan mới là“Tổng nguyên đầu”, “Tổng bổn sơn”. Không có chùa Lôi Âm thì không có Phật Quang Sơn, không có các tự viện Phật Quang trong và ngoài nước, không có hằng vạn chúng xuất gia lẫn trăm ngàn tín đồ. Thậm chí, năm mươi năm sau, Đại sư còn quay lại Nghi Lan trùng hưng Lôi Âm Tự, biến ngôi chùa nhỏ khó tìm ra nhà xí thuở nào thành một Đại Đạo tràng tôn nghiêm hùng vĩ, đâu đấy ngăn nắp trật tự, đầy vẻ mỹ quan. Năm mươi năm sau, chính tại Nghi Lan sư phụ đã cho xây “Đại học Phật Quang”; Nghi Lan trở thành vùng đất đầu tiên có trường đại học. Qua những sự việc này, đủ chứng minh rằng Đại sư và Nghi Lan có duyên rất sâu.

Tôi lại hỏi:

- Bao giờ sư phụ sẽ rời Nghi Lan?

- Xưa nay tôi chưa từng có ý lìa bỏ Nghi Lan, tôi cũng không muốn rời Nghi Lan, hộ khẩu hiện tại của tôi vẫn ở Nghi Lan mà!

Sư phụ mỉm cười đáp, đôi mắt sáng lấp lánh, phảng phất ánh nhìn rạng rỡ của thuở hai mươi sáu xa xưa.

- “Nghi Lan là nhà của tôi! ” –Sư phụ nói với vẻ thật ấm áp.

Đến bây giờ Đại sư vẫn nhớ và thường kể:

“Năm đó ở Tiều Khê, Nghi Lan; tôi viết truyện “Thập đại đệ tử”. Mỗi ngày khi viết xong thì trời đã hoàng hôn; một mình tôi tản bộ dọc theo bờ sông, cảm thấy thế giới thật yên tịnh, thật thanh bình và tuyệt vời làm sao. Ráng chiều phía trời tây ửng sắc thật đẹp, trong núi sông bình tịnh cũng có vũ trụ bao la; thế giới này tốt lành như thế, Phật pháp cảm lòng người như thế, làm tôi càng ước ao, mong sao ngày càng có nhiều người được biết đến Phật pháp!”

Ngày nay Đại sư Tinh Vân chẳng ngại nhọc nhằn đi diễn giảng khắp nơi trên thế giới, bao giờ Ngài cũng được đông đảo tín đồ tiếp đón, có khi họ tiếp đón long trọng lễ mễ còn hơn cả đối với nguyên thủ quốc gia; mặc sư ngăn cản khuyên lơn đến mấy, họ vẫn cứ không nghe.

Đại sư nói :

- “Ấy vậy mà có duy nhất một chỗ chẳng đón cũng chẳng đưa, chính là chùa Lôi Âm Nghi Lan, bởi vì là “nhà” tôi nên chẳng cần tiếp rước làm chi!”

Đại sư nói:

Hiện nay nhiều môn sinh ưa bắt chước theo tôi. Như vị đệ tử lớn của tôi thấy chú sư đệ trẻ nhón chân bèn hỏi:

- Sao đệ lại nhón chân chẳng chút trang nghiêm như thế?

Chú nhỏ đáp:

- Đại sư phụ cũng nhón chân kia kìa!

Chú ấy đâu biết là tại chân tôi bị thương, khi ngồi xuống, phải nhón cho đỡ đau !

Muốn học theo Tinh Vân không nên học ở bên ngoài, cũng không học ở Phật Quang Sơn, vì Phật Quang Sơn vốn tốt đẹp sẵn, muốn học Tinh Vân thì phải bắt đầu từ Nghi Lan; nếu không, sẽ chẳng học được tí gì của Đại sư.

Khi sư phụ nhắc đến Nghi Lan, trong trí tôi chợt hiện lên hình ảnh một vị tu sĩ cao lớn đỉnh đạc, chầm chậm tản bộ dọc theo bờ sông, tà áo rộng tay bay phất phới, cảnh ráng chiều nghìn tía muôn hồng và núi sông hợp thành một sắc hài hòa, cùng tô điểm cho thế giới, khiến chỗ chỗ đều là xuân.

Rồi hình ảnh ấy lẫn vào hình ảnh sau, cảnh vầng trăng tuyệt đẹp nơi miền sơn cước tỏa ánh sáng huyền hoặc xuyên qua khu rừng rậm. Ngài đứng trước cái am nhỏ trên núi, dưới bầu trời xanh bao la, mây trắng lững lờ trôi. Khung cảnh thật gợi cảm và thơ mộng: trời trong, mây bạc; cây biếc, áo vàng; tất cả cùng hòa hợp dệt thành một thế giới rạng rỡ tinh khôi.

Tinh Vân, không phải chốn náo nhiệt rộn ràng mà là nơi tinh tế thâm sâu.

Tinh Vân, không phải chốn rực rỡ sắc màu mà là nơi bặt dấùu phồn hoa.

Tinh Vân, không phải chốn khách buôn tụ hội mà là nơi chân thật bình lặng.

Nếu như không bóc sạch những hình ảnh bên ngoài đang tích lũy chồng chất trong tâm não để tiếp xúc với bản chất chân thật, sáng suốt, quảng đại và từ bi.. thì không thể nào thấy được Tinh Vân trong cõi trần ai hỗn mang này.

[ Quay lại ]