headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Tâm kinh Bát Nhã giảng giải - tiếp theo

HT Tinh Vân - Đạt Ma Thuận Hùng dịch

Phản cảnh xét tâm, mắt xem lại chính mình, không hướng ngoại nhìn người khác. Xem lại chính mình là biết những lỗi lầm của mình có hay không, như thế gọi là phản tỉnh, đem lỗi lầm chính mình tẩy trừ hoàn toàn trong sạch. Cho nên Lục Tổ nói: “ Bậc đạo nhân chân tu, thường tự thấy lỗi mình”. Vì sao chúng ta thường không thể tự thấy lỗi mình? Đều do mắt chúng ta không xem lại chính mình, mà hay hướng ngoại nhìn lỗi người khác, thường nhìn lỗi người khác như vậy, thì làm sao thấy được tội lỗi của mình, chúng ta nhất định phải hồi quan phản chiếu, để thấy được lỗi của mình.

Xem lại chính mình có phải là tính cách tiêu cực? Hay tích cực? Nhìn lại chính mình là thái độ tích cực chớ không phải hành động tiêu cực. Tự nhìn lại mình là chúng ta đạt tới một trình độ cao tột, từ nhục nhãn sẽ phát sinh thành thiên nhãn. Khi có thiên nhãn hiện tiền, thì trên trời dưới trời đều nhìn thấy rõ ràng, không ngăn ngại, có thể thấy thấu suốt đến thế giới Cực Lạc. Tự xem lại chính mình, tiến thêm một bước, thì chứng được huệ nhãn hiện tiền, thân này là vô ngã, sinh tử một lúc liền không, vượt ngoài ba cõi. Tự xem lại chính mình, tiến thêm một bước, là chứng được pháp nhãn hiện tiền, nên tất cả không ngoài cái biết bao trùm, lục độ vạn hạnh cho đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, đều có thể biết một cách rõ ràng. Rốt sau chứng được Phật nhãn hiện tiền, thấy cảnh giới Phật, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thập lực, tứ vô sở úy, pháp thập bát bất cộng, đại từ đại bi, đại hỉ đại xả, công đức Phật viên mãn, mỗi mỗi đều rõ ràng.

Nếu chúng ta nhìn lại chính mình, không hướng theo bên ngoài, liền có thể đầy đủ ngũ nhãn, (nhục nhãn là mắt thịt, thiên nhãn là mắt trời, huệ nhãn là mắt huệ, pháp nhãn là mắt pháp, Phật nhãn là mắt Phật.) Vì thế, Bát-nhã không phải hướng ngoại mà cầu, Bát-nhã chính là tự nhìn thấy lại chính mình.

Xưa kia Ngũ Tổ bảo Lục Tổ làm việc, Lục Tổ đáp rằng: “Đệ tử từ tâm thường phát sinh trí huệ, chẳng lìa tự tính, ngay đây là phước điền, con chưa hiểu Hòa thượng chỉ dạy con làm việc chi?” Trí huệ tự tâm sinh khởi, chẳng lìa tự tính, ngay đây là phước điền, có thể Lục Tổ ban đầu đã hiểu rõ được ý nghĩa nhìn lại chính mình, nhưng tự nhìn lại chính mình là việc rất khó, nhìn lỗi người khác thì dễ dàng, tự nhìn lỗi mình thật khó lắm ư!

Cho nên mắt thịt của chúng ta không dễ tự thấy; tai thường không dễ tự nghe, tâm vọng chẳng thể tự giác, ý tưởng nhớ chẳng thể tự biết, tự nhìn tự xem, không phải dễ dàng, nhưng chúng ta nhất định cần phải hướng vào chỗ ấy mà hạ thủ tiến tu.

Xưa kia Mã Tổ có một người đệ tử là thiền sư Thạch Củng, khi chưa xuất gia ông là một vị đại tướng quân, thích thú trong công việc săn bắt nai. Một hôm, ông đi ngang qua đạo tràng của Mã Tổ.

Mã Tổ hỏi: “Ông là người gì?”

Ông ấy đáp: “Tôi là thợ săn, chuyên săn bắt nai”.

Mã Tổ hỏi: “Một mũi tên ông bắn được bao nhiêu con?”

Ông ấy đáp: “Bắn được một con”.

Mã Tổ nói: “Ngươi thật chẳng biết săn bắt”.

Con không thể săn bắt, thế thì Hòa thượng biết săn bắt chăng?”.

Mã tổ nói: “ Ta cũng biết săn bắt”.

Ông ấy hỏi: “Thế thì một mũi tên Ngài bắn được bao nhiêu con?”

Mã Tổ đáp: “Một mũi tên ta bắn được cả bầy”.

Thợ săn nói: “Đây đó là chúng sinh, cớ sao một mũi tên bắn cả bầy?”

Mã Tổ nói: “Ngươi đã thấu hiểu đạo lý ấy, sao chẳng tự bắn?”

“Nếu dạy con đây tự bắn, thì không có chỗ hạ thủ”. Ngài xem, con săn nai có chỗ hạ thủ không, con tự bắn lại không có chỗ hạ thủ. Ngay đó Mã Tổ liền tán thán khen ngợi: “Kẻ này nhiều kiếp vô minh trong nhất thời liền tiêu sạch”. Tự bắn chỗ không hạ thủ tức là không còn có mình, cho nên trải qua nhiều kiếp vô minh mà trong nhất thời liền tiêu sạch. Nhân việc này vị tướng quân ấy xuất gia.

Chúng ta cần biết, nếu đoạn từ mỗi niệm mỗi niệm phiền não, cần phải có thời gian lâu dài, nếu hay luôn tự đoạn trừ phiền não như thế, thì tất cả phiền não một lúc đều sạch. Phiền não từ nơi nào phát sinh? Từ ta mà sinh ra, khi tự ngã phiền não đã tiêu diệt, cho nên tự xem tự thấy các pháp môn rất vi diệu, chỉ là chỗ không hạ thủ mà thôi. Vì thế, Bát-nhã không phải hướng ngoại mà cầu, ta quên chân tâm theo ngoại cảnh là có ngã, đây thuộc thế trí biện thông. Khi quên cảnh trở về chân tâm mới là vô ngã, tâm sáng phát sinh tâm trí huệ, trí huệ không lìa tự tính, đây là trí Bát-nhã.

Chúng ta có trí Bát-nhã rồi lại phải như thế nào? Bát-nhã ba-la-mật-đa ư?

Sao gọi là Ba-la-mật? Ba-la-mật nghĩa là đến bờ bên kia (Bờ giác ngộ), đạt được cảnh giới chư Phật và Thánh nhân, chứng được Niết-bàn, thể nhập Bồ-đề, luôn ở cõi thường tịch quang, nói đơn giản hơn là trở về quê hương chốn cũ.

‘Đáo bỉ ngạn’ làm sao chúng ta hiểu được? Lục Tổ giải thích rất rõ ràng: “Tiếng Phạn Ba-la-mật, Trung Hoa dịch là sự cứu cánh đến bờ bên kia, có nghĩa là lìa sinh diệt. Nếu chúng ta chấp ngoại cảnh, thì tâm sinh diệt liền khởi, như nước nổi sóng mòn, tức là bên bờ mê, tâm lìa trần cảnh không sinh không diệt, như nước thường trôi chảy, tức là đến bờ giác”. Thế nên dùng trí Bát-nhã ba-la-mật, xem tất cả pháp không sinh không diệt, thì đó gọi là bờ Niết-bàn. Nếu người thông minh không chấp ngã, nhưng lại thấy tất cả pháp có sinh có diệt, thì đó là bến bờ sinh tử, ngay thế giới này tất cả đều là sinh diệt: Cõi nước, con người, sự việc thảy hết đều là sinh diệt, như nước luôn nổi sóng, sóng bờ này không đồng sóng bờ kìa, Hương Cảng chẳng đồng với Luân Đôn, nếu chúng ta đến bờ giác lìa cảnh không sinh diệt, đây là Niết-bàn, như nước thường lưu thông, nước này và nước kia đã thành một khối, Niết-bàn cũng là Ta-bà, Ta-bà cũng là Niết-bàn. Đây gọi là lưu thông.

Có được trí huệ Bát-nhã rồi, chúng ta mới xem tất cả các pháp là không sinh không diệt, và tất cả pháp thanh tịnh dung hợp nhau, muôn pháp thành một khối, đó gọi là đến bờ kia, muôn pháp thanh tịnh, đây gọi là tâm Ba-la-mật, tâm thanh tịnh, cũng là tâm không còn luân hồi sinh tử, không phiền não, trừ sạch nghiệp chướng. Đến bờ kia rồi, sau đó thấy được tâm chân như, tâm thanh tịnh, và chứng được tâm Niết-bàn.

Nhưng trí Bát-nhã không phải là một vật, trí Bát-nhã chưa từng lìa tất cả pháp, mà lại chẳng phải là tất cả pháp. Trí Bát-nhã là vô tướng. Kinh Bát-nhã ghi: “Sắc tức là không nên trí Bát-nhã cũng không, sắc là vô ngã nên trí Bát-nhã cũng vô ngã, sắc là vô tận nên trí Bát-nhã cũng vô tận, sắc không hoại nên trí Bát-nhã không hoại, sắc thanh tịnh nên trí Bát-nhã thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên trí Bát-nhã thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức vô ngã nên trí Bát-nhã vô ngã. Thọ, tưởng, hành, thức không nên trí Bát-nhã cũng không”. Cho nên trí Bát-nhã chẳng lìa tất cả pháp, trí Bát-nhã cùng tất cả pháp tạo thành một khối. Như Lai nói kinh Bát-nhã, giảng suốt hai mươi hai năm, chính là do không lìa một pháp Bát-nhã.

Dùng trí Bát-nhã xem thấy chính mình, tự nghe, tự giác, tự chiếu. Lìa cảnh quán tâm liền được pháp vô ngã, vì thế nên rõ được sinh tử, ngày xưa có một Thiền tăng đến hỏi Thiền sư Duy Chánh: “Thỉnh hỏi Thiền sư, đạo ở chỗ nào?”

Thiền sư đáp: “Đạo ở trước mắt”.

Tăng thưa: «Đạo trước mắt vì sao con không thấy?»

Thiền sư đáp: “Vì có ngã cho nên hkông thấy”.

Tăng lại hỏi : “Có ngã chẳng thấy, vậy Hòa thượng thấy chăng?”

Thiền sư đáp : «Nếu có người có ta thì chẳng thấy».

Tăng thưa : “Nếu không người, không ta, thì thấy chăng?”

Thiền sư đáp: «Không người không ta thì ai cầu thấy».

Thế nên, nếu muôn cầu trí Bát-nhã, thì diệt sạch hết chấp ngã, tâm vô ngã tức là thấy đạo, thấy được liền sinh trí huệ, đây chính là trí Bát-nhã.

Bây giờ vào chính văn…

Quán tự tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Khi Bồ-tát Quán tự tại hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không.

Vì sao trong Tâm kinh không có phần lục chủng thành tựu là : Tôi nghe như vầy, một thuở nọ, Phật ở nơi nào…để chứng minh đây là kinh Phật nói.

Thời nhà Đường Thái Tông có một vị Quốc sư là Pháp sư Huyền Trang, lúc ở tại gia họ Trần, năm 12 tuổi theo anh trai xuất gia. Sau khi xuất gia, đọc tất cả kinh điển, có một số kinh điển do pháp sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch, và một số kinh điển do các pháp sư khác phiên dịch, Ngài đối với kinh điển này có những câu còn nghi ngờ, nên trong lòng muốn đến Ấn Độ thỉnh kinh, sau khi ngủ nhờ ở Thành Đô Tứ Xuyên, gặp được một lão Hòa thượng, thân bị bệnh ghẻ lở, mọi người không ai dám tới gần, chỉ có pháp sư huyền Trang còn trẻ với lòng thông cảm phụng dưỡng ông ấy, giúp ông rửa sạch máu mủ và thoa thuốc, chẳng bao lâu lão Hòa thượng bệnh ghẻ lở hết hẳn, lão Hòa thượng nhớ ơn của Ngài mà không có gì báo đáp, chỉ có một bộ kinh, lão Hòa thượng đem bộ kinh ấy đọc lại cho Huyền Trang nghe, đó chính là bộ Tâm kinh. Tổng cộng bộ tâm kinh có hai trăm sáu mươi chữ, đọc qua một lần pháp sư liền nhớ trong tâm, sau đó Ngài đem ra dịch lại một chữ cũng không sai, Pháp sư Cưu-ma-la-thập cũng có phiên dịch bộ Tâm kinh này, gọi là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, có đầy đủ lục chủng thảnh tựu: Tôi nghe như vầy…nhưng lão Hòa thượng không kịp truyền hết cho pháp sư Huyền Trang mà chỉ đọc một cách ngắn gọn rõ ràng và trôi chảy. Lão Hòa thượng ấy là người gì? Ông ấy chính là Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trên đường pháp sư Huyền Trang đến Ấn Độ thỉnh kinh, đi qua sa mạc dài tám trăm dặm, trên trời không có chim bay, dưới đất không có thú chạy, và không thấy một bóng người qua lại, chỉ toàn là ma quái, niệm kinh gì cũng không hàng phục được, Ngài chỉ niệm Tâm Kinh thì tất cả yêu ma quỷ mị đều ẩn náu. Nhờ công đức và thần lực của Tâm Kinh này, mà Huyền Trang đến Ấn Độ thỉnh kinh thành công, sau mười lăm năm du học, Ngài trở về Trung Hoa và làm Quốc sư, Ngài chuyên tâm vào công tác phiên dịch kinh điển.

Tâm là thần lực của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tâm là trí lực của Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Nội tâm và pháp lực, đây chính là đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Nội tâm và nguyện lực, đây chính là Bồ-tát Địa Tạng Vương.

Cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm dạy chúng ta tâm phải sáng suốt, phàm phu do tâm chưa sáng, nên khởi phiền não tạo nghiệp, thọ vô lượng sinh tử khổ não, thế nên trong văn kinh nói rằng: “Khi Bồ-tát Quán tự tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thấy năm uẩn đều không, liền qua hết tất cả khổ ách”. Trước tiên chủ yếu Ngài dạy chúng ta phải nhận rõ chính mình, chính mình không biết thì không thể độ mình được, nếu nhận rõ chính mình mới gọi là thường độ mình vậy, và chủ yếu cũng phải nhận biết chúng sinh, thấy rõ chúng sinh đây là chúng ta hay độ chúng sinh, chư Phật đã tự biết rõ thì mình cũng tự biết chúng sinh, nên chư Phật thành Phật độ tất cả chúng sinh.

Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Đức Phật mười phương, đồng cùng một pháp thân, một tâm một trí huệ, lực vô sở úy.” Như Lai trong tất cả mười phương đồng cùng một tâm này, không hai không khác. Tâm Phật A Di Đà và tâm Phật Thích Ca cũng giống nhau. Tâm Thích Ca Như Lai và tâm Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng lại như thế, cho nên chư Phật mười phương vô lượng cùng đồng một tâm. Xem lại tâm chúng sinh, mỗi mỗi chẳng đồng, bởi vì tâm chúng sinh là tâm vọng tưởng, tâm vọng như thế làm sao có thể tương đồng, có ta có người cho nên có vọng, có một trăm người thì một trăm người vọng tưởng, cho nên tâm người chẳng đồng. Vậy mặt người như thế nào?

Thế nên Bồ-tát Quán tự tại tùy theo căn cơ thuyết pháp đối với bệnh khổ vui. Tất cả chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay, tự mình chưa rõ tâm Bồ-đề mà lại quán pháp, phản lại tâm Bồ-đề mà quán pháp, chẳng phải là nguy hiểm sao? Cho nên ở tất cả pháp không được tự tại mà bị pháp trói buộc. Lìa tâm Bồ-đề quán sắc, liền chấp sắc nên bị sắc trói buộc, chẳng được tự tại. Lìa tâm Bồ-đề nghe âm thanh, liền bị nhiễm âm thanh, lại bị âm thanh trói buộc chẳng được tự tại. Lìa tâm Bồ-đề ngửi mùi, liền bị mùi trói buộc cũng chẳng được tự tại. Lìa tâm Bồ-đề giảng nói liền chấp ngôn ngữ văn tự, cũng chẳng được tự tại. Lìa tâm Bồ-đề mà xúc chạm, liền có cảm giác chấp, bị xúc trần trói buộc, nên chẳng được tự tại. Chúng ta do chưa rõ được tự tâm chính mình mà quán tất cả pháp, thì trong tất cả pháp chẳng được tự tại. Nếu quán pháp như pháp, thì tâm sáng suốt, các pháp đều là không, thì trong tất cả pháp chúng ta đều được tự tại. Cho nên Bồ-tát Quán Âm dùng một chữ “Quán” nếu không bảo chúng ta quán các pháp, thì chúng ta xem vàng bạc có thể khởi tâm ăn trộm, quán sắc liền chấp sắc, quán danh liền cầu danh, cho nên Ngài dạy ta chủ yếu phải lìa trần cảnh. Lìa cảnh trong tam giới, lìa cảnh sáu trần, lìa cảnh trời người, lìa cảnh trước mắt … mà quán chiếu tự tâm, quán chiếu tự tâm tức là vô tâm. Tâm rỗng không thì ngoại cảnh yên lặng, tất cả pháp như huyễn như hóa, như thế đối với tất cả pháp, chúng ta đều được tự tại.

Trong Đại sám bi, Bồ-tát Quán Âm nói: “Nếu ta hướng về rừng gươm thì rừng gươm tự tan biến, nếu ta hướng về nước sôi thì nước sôi tự khô kiệt, nếu ta hướng về địa ngục thì địa ngục tự tiêu diệt, nếu ta hướng về ngạ quỷ thì ngạ quỷ tự no đủ, nếu ta hướng về A-tu-la thì tâm ác tự điều phục, nếu ta hướng về súc sinh, thì súc sinh được đại trí huệ” Bồ-tát Quán Âm quán tâm ở tất cả pháp đều được tự tại, nên gọi là Bồ-tát quán tự tại.

Phẩm Phổ Môn ghi rằng:

Giả sử sinh ý hại

Xô rớt hầm lửa lớn

Do sức niệm Quán Âm

Hầm lửa biến thành ao

Ở hầm lửa tự tại

Hoặc trôi dạt biển lớn

Các nạn quỷ, cá, rồng

Do sức niệm Quán Âm

Sóng mòi chẳng nhận chìm

Ở dưới nước tự tại

Hoặc ở đỉnh Tu-di

Bị người xô rớt xuống

Do sức niệm Quán Âm

Như mặt trời trên không

Ở Tu-di tự tại

Hoặc gặp oán tặc vây

Đều cầm dao làm hại

Do sức niệm Quán Âm

Liền khởi sinh lòng thành

Ở oán tặc tự tại

Bồ-tát Quán Âm chẳng những ở các chỗ khó khăn được tự tại, và trong ba độc tham sân si cũng được tự tại, hôm nay các người thọ trì thánh hiệu Bồ-tát Quán Âm cũng được tự tại.

Nếu có nữ nhân muốn cầu sinh nam tử, lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán Âm liền sinh được người nam phước đức trí huệ, muốn cầu người nữ, liền sinh người nữ tướng mạo đoan chính. Muốn cầu nam cầu nữ đều được như ý.

Khi cúng dường Bồ-tát Quán Âm, là thọ trì cúng dường hằng hà sa công đức Bồ-tát, công đức lại tương đồng, cho nên dù ít nhiều gì cũng được tự tại. Nếu có thể dùng thân tự độ mà nói pháp, thì trong tất cả chỗ nơi thân được tự tại.

Có người dùng “Quán tự tại” tự cứu chính mình cũng được tự tại, và tự mình xem lại được cái gì? Chủ yếu tự mình phải nhận biết chính mình, chính mình là chúng sinh, chỉ vì chúng sinh mê nên không rõ Phật tính, nếu chúng ta không mê Phật thì chẳng biết rõ chúng sinh. Nếu độ tận chúng sinh thì không còn mê nữa, nếu thật không mê liền thấy được Phật tính, Phật và chúng sinh liền thành chánh giác, và nhất định chúng ta phải hiểu rõ chúng sinh, ví dụ như bánh mì hấp và bánh mì xếp làm từ bột mà thành.

Phần dưới soi thấy năm uẩn đều không, năm uẩn đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, như thế xem thấy năm uẩn đều không ư? Chủ yếu là dùng sức trí Bát-nhã, và trí Bát-nhã không thể hướng ra ngoài tìm cầu, mà là soi vào trong để phát hiện, chính mình đây là năm uẩn, năm uẩn đều không liền độ tất cả khổ ách, nếu bị năm uẩn che mờ liền không thể nhận biết tự mình, cho nên mọi người tu thiền, cũng chẳng biết được tu thiền là ai? Bởi vì bị năm uẩn che mờ, vì vậy phải gia tăng sức trí Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền thấy năm uẩn đều không.

Nhưng việc này một chữ “Thâm” rất là quan trọng, Đại thừa gọi là hành “Thâm Bát-nhã” Tiểu thừa gọi là “Tiểu Bát-nhã”, ta vì việc này hành sâu trí Bát-nhã là tinh thần Đại thừa trí Bát-nhã, chúng ta là hành giả tu thiền nhất định phải hành sâu trí Bát-nhã, chư Phật trong ba đời cũng từ nơi trí Bát-nhã mà ra!

Vượt ngoài tầm nhìn sâu cạn, không nên xem thường mà phải thấu suốt đến nơi, cho nên Như Lai nói “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Nghĩa là «Không từ đâu đến cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai». Chúng ta xem lại công phu tu thiền là ai? Mà cũng không có chỗ đến và đi, chỉ có xem việc đó từ trong ấy mà ra, đây chính là từ trong việc ấy thẳng tiến. Các pháp không có chỗ nơi, cho nên chẳng có chỗ đến, nếu không có chỗ đến, thì Như Lai liền không có chỗ đến, mà ở đây chính là có chỗ đến, và dĩ nhiên Như Lai không có chỗ đến, hiệu Phật cũng không có chỗ đến, đã không có chỗ đến liền đây chính là hành “Thâm”, thế nên hành sâu Bát-nhã (Trí huệ) vô cùng. Tuy nhiên chẳng nhìn rõ hiệu phật từ đâu lại, chỉ cần nhập riêng một thế giới, thì việc trọc ác ở đời liền không, chẳng luận chúng ta xem là ai tu thiền, hãy xem tự mình lễ Phật, xem tự mình giảng nói, xem sinh từ đâu đến, tử đi về đâu… Tất cả pháp đều không có chỗ đến. Thậm thâm, thậm thâm nên Bát-nhã gọi là trí huệ thâm sâu.

Có một số người đầy đủ căn lành, trong khi tọa thiền thân thể rỗng không, liền khởi lên hoảng sợ, chúng ta nhất định không nên kinh sợ như thế. Thân thể tuy rỗng không, nhưng tâm trở về với tính không chăng? Thân thể rỗng không chân tâm hiện tiền, nếu chúng ta nhìn lại tâm này sẽ rõ, tâm có vô lượng vọng tưởng, chúng ta liền nhìn những vọng tưởng ấy, thì những vọng tưởng ấy tự dừng, ngay bấy giờ tâm ta liền xuất hiện Niết-bàn thanh tịnh, cho nên ở trong Bát-nhã, Bồ-tát Quán Âm nói soi thấy năm uẩn đều không.

Năm uẩn đây là chúng sinh. Năm uẩn này cũng chính là ta, nếu các vị muốn nhận biết chính mình, thì tự mình chính là năm uẩn. Uẩn, là che mờ bản tâm. Năm uẩn che mờ Phật tính. Tâm Bồ-đề bị năm uẩn che mờ, nếu năm uẩn đều không tâm Bồ-đề liền xuất hiện, bây giờ chúng ta gọi tâm này là tâm vọng tưởng, chẳng phải là tâm Bồ-đề, cũng chẳng gọi là tâm đạo, cũng có thể nói đây là nhân ngã thị phi, tâm tham danh tham lợi, nếu chúng ta thấy năm uẩn đều không liền chứng được tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề từ đây mà khởi tu cho đến khi thành Phật.

Muốn sinh về cảnh giới Niết-bàn thì phải trừ năm uẩn. Kiếp uế trược chính là sắc uẩn. Phiền não trược là tưởng uẩn. Kiến trược là thọ uẩn. Chúng sinh trược là hành uẩn. Mạng trược là thức uẩn, nếu không rõ được năm uẩn thì không thấy được cảnh giới Niết-bàn thanh tịnh.

Phật Thích Ca nói tất cả kinh điển, đều dạy chúng ta xem năm uẩn là không, Tâm Kinh cũng lại như thế, trong kinh nói lìa năm trược thì năm uẩn tức là không, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có ghi, trải qua năm trăm do tuần mới đến được Bảo sở “Chỗ có trân bảo, dụ cho cứu cánh Niết-bàn”. Câu năm trăm do tuần cũng tức là năm uẩn, cho đến kinh Giải Thâm Mật nói tám thức là không, chuyển tám thức thành bốn trí, tám thức này cũng là năm uẩn. Duy thức dạy chúng ta chuyển được tám thức thành bốn trí, chẳng dạy chúng ta phân biệt danh tướng chi cả, chuyển tám thức tức năm uẩn đều không, bốn trí tức là Phật tính, đó cũng là tâm Bồ-đề.

Hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời.

Muốn giải thích một chữ Thời. Nghĩa là, tất cả pháp đều do thức biến hiện, do tâm sở hiện đều chỉ cho quá khứ, hiện tại, vị lai, quá khứ hiện tại vị lai đều hành sâu trí Bát-nhã, cho nên quá khứ không thể được, quá khứ liền có trí Bát-nhã, vị lai không thể được, vị lai liền có trí Bát-nhã, hiện tại không thể được, hiện tại liền có trí Bát-nhã, tức là quá khứ hiện tại vị lai chẳng có thể được, nên gọi là hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Cầm 600 quyển kinh Đại Bát-nhã dày đặc, hơn 5000 chữ kinh Kim Cang, và hơn 200 chữ Tâm kinh, chỉ nhớ một câu : «Thấy năm uẩn là không liền qua hết tất cả khổ ách”. Bồ-tát Quán tự tại xem thấy năm uẩn đều không, Bồ-tát thời vị lai cũng xem thấy năm uẩn đều không, Bồ-tát thời quá khứ cũng xem thấy năm uẩn đều không, người học Phật hiện tại cũng xem thấy năm uẩn đều không, thì đây chính là con đường hành giả quán xét năm uẩn đều không. Lại đặc biệt ở một chữ…Chiếu.

Chiếu tức là xoay lại. Mọi người có thể xoay lại chính mình, ví như dắt em bé ra ngoài nhất định sẽ quay trở lại, nếu không trở lại liền bị điên đảo, hoặc là đi lạc mất rồi, trên con đường đi bộ chúng ta phải quán xét, nếu không quán xét liền đạp phải phân uế, hoặc rơi vào trong hố. Ta nói đây chủ yếu là phải xoay trở lại với chính mình, nếu không xoay lại thì buổi hội giảng hôm nay liền không có tác dụng.

Lễ Phật chúng ta cũng xoay lại, phải biết xoay lại thì liền phát hiện “Năng lễ sở lễ tính không tịch, hoặc cảm ứng đạo giao nan tư nghì” cho nên lễ Phật một lạy, tội diệt hà sa, miệng đọc tụng kinh tâm tư duy, tùy câu kinh mà quán xét, xoay trở lại liền phát hiện trong kinh nghĩa lý vô cùng, liền hay diễn thuyết đạo lý trong kinh.

Khi trì chú cũng phải xoay lại, quán chiếu âm thanh từ nơi nào mà đến, nếu hay quán chiếu như thế, thì ngay đó chúng ta có thể nhập định, khi nhập định thì thế giới này đều là không, cho nên từ sinh tử sẽ đến bờ kia là bờ Niết-bàn, từ cõi Ta-bà uế độ sẽ vượt đến Tỳ-lô-tính hải.

Thời quá khứ có một vị tăng, bị bệnh tỳ khí hư hoại, thầy tri khách chỉ dạy tường tận, ông ấy vâng lời liền chí nguyện sám hối, và từ đây chỉ nói nhất tâm trì chú Đại bi, dụng công ngày đêm, liên tiếp chỉ một câu chú Đại bi này mà đến bờ Niết-bàn bên kia. Trì chú không phân biệt pháp môn, nếu thường liên tục trì một câu chú này thì nhập vào đại định, có thể xa lìa thế giới uế độ này, và cũng không ngoài cảnh giới thiền định kia.

Thế nào là tham thiền? Tham thiền tăng thêm sự phản chiếu, trong thiền đường tĩnh tọa phản chiếu, nhất cử nhất động cũng phản chiếu lại mình, chỉ xoay lại chính mình thấy rõ từng tâm niệm. ở trong cái “chẳng rõ” mà tìm tòi bên ngoài, ở trong cái “chẳng rõ” mà tham cứu, và ai chẳng biết không rõ? Tất cả đều do “chẳng biết”. Người nhà mắng chửi anh, anh chẳng biết. Người nhà đánh anh, anh chẳng biết. Người nhà cầu danh anh chẳng biết. Người nhà tranh quyền đoạt lợi, anh cũng chẳng biết. Thị phi nhân ngã anh cũng chẳng biết. Niệm Phật là ai anh cũng chẳng biết. Tại địa phương này, chằng rõ một năm hai năm ba năm. Lão Hòa thượng Hư Vân tham “Kéo thây chết là gì?”, hành mà chẳng biết hành nên chẳng rõ, ăn mà chẳng biết ăn nên chẳng rõ, thân mà chẳng thấy thân nên chẳng rõ, sau lại chẳng rõ đoạn mất nghi tình, liền ngộ quá khứ, vị lai và soi thấy năm uẩn đều không. Năm uẩn đều không đây chính là trí Bát-nhã, nếu có trí Bát-nhã thì đây là Phật tính.

Cho nên, nhất dịnh muốn hạ thủ công phu, nếu dùng một chữ Chiếu này từng giờ từng phút phải xoay lại chính mình, một niệm đầu động đều phải xoay lại, niệm thiện có thể phát huy, niệm ác cần phải tiêu diệt. Chúng ta động một niệm liền xoay lại. Niệm ấy từ đâu mà đến? Khi xoay lại niệm ấy đi về chỗ nào, nếu thường có thể xoay lại từng tâm niệm của chính mình, tức là thọ tưởng hành thức đều không, nếu xoay lại sắn thân của mình tức thì thân thể đều không. Nếu tâm chưa không thì vọng tưởng sinh sinh diệt diệt, thấy được vọng tưởng thô tế. Sau khi vọng tưởng thô tiêu diệt, rồi đến vọng tưởng tế tiếp theo, vọng tưởng tế giống như dòng nước như nhau, người xưa gọi là dòng nước chảy sinh diệt, niệm niệm chẳng dừng cũng như thác đổ không khác. Thật ra không sinh diệt, vì niệm vi tế sinh diệt chẳng dừng, xoay lại với sinh diệt rồi, thì tịch diệt hiện tiền, đây hoàn toàn nương tực vào một chữ Chiếu này.

Cho nên tu hành chẳng dụng công nhiều, chỉ thấy năm uẩn đều không thì tất cả khổ ách đều tiêu trừ, và lưu ý chữ Chiếu này. Chiếu là cái gì? Nghĩa là tự soi lại chính mình, thân ta là năm uẩn, người nào cũng có năm uẩn, năm uẩn xưa nay là không, người mê trong tâm đen tối, người ngộ thời lại tức không. Cổ nhân nói: Sắc uẩn giống như nước bọt. Thọ uẩn giống như bong bóng nước, chẳng luận thọ khổ, thọ vui, liền rất thích quá khứ. Tưởng uẩn giống như ngọn lửa, vọng tưởng là cái gì không thực tại. Hành uẩn giống như cây chuối, từng từng rơi rụng, rơi rụng đến khi sạch hết liền thành không. Thức uẩn giống như huyễn hóa không thực.

Độ nhất thiết khổ ách. Liền qua tất cả khổ ách.

Dùng trí Bát-nhã soi thấy năm uẩn đều không, liền ra khỏi nhà lửa tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).

Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Này Xá-lợi-tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.

Đây là chân lý giải thích năm uẩn đều không.

Xá-lợi-tử tức là Xá-lợi-phất, Ngài là bậc trí huệ đệ nhất, thời Phật Thích Ca giảng giải Tâm Kinh là ứng với căn cơ chúng sinh hiện tại mà giảng.

Phàm phu, vì cho tất cả sắc ở ngoài tâm, nhưng ngoài tâm không có sắc. Chấp tâm và sắc chia thành hai loại, vì không biết sắc từ tâm mà sinh, tìm tâm chẳng thể được. Sắc là thế nào mà có thể tìm? Cho nên sắc chính là không. Bởi vậy sắc chẳng khác không.

Không và sắc chẳng phải hai, có nghĩa là một, sắc tức là không, sắc từ không mà sinh, nên đương thể chính là không, vì thế chẳng phải sắc diệt rồi mới không. Ví như trong nước có trăng, trăng trong nước đương thể tức là không. Không phải trăng trong nước diệt rồi mới là không, cho nên sắc tức là không, vì trong nước không có trăng thật, và thường hiện một mặt trăng này, đây gọi là không tức là sắc. Tính không sinh ra tất cả sắc, tất cả sắc chung quy cũng về không, như thế tất cả pháp từ không mà sinh, thiên đường không, địa ngục không, giàu nghèo khổ vui cũng là không, thế nên sắc tức là không, và không tức là sắc.

Hiện tại giải thích nhiều lần rõ ràng.

Sao gọi là sắc? Theo ngôn ngữ văn tự, cho đến mắt thấy tất cả vật có tướng đều là sắc. Sắc như thế tức là không ư? Ví dụ như chú Đại bi, nhiều người thể hội được vì Đại bi chú là sắc, sau khi học hiểu một chữ tâm ở trong, nhiều lần nhìn lại trong tâm, há còn chú Đại bi tồn tại? Một chữ còn chẳng thể được, cho nên chú Đại bi là không, chú Đại bi cũng là sắc. Đây “Sắc tức là không”. Lại do vì chú Đại bi là không, cho nên chẳng thể dung nạp riêng ngoài Đông Tây gì cả, nếu như thật có, thì chúng ta chẳng thể học triết Đông Tây nhiều lần, không nên chấp kinh và chú dung chứa trong tâm, bởi vì đây tức là không, có thể nhiều lần học chú Lăng Nghiêm, mỗi chữ mỗi chữ đều phải tiến vào, lại xem một chữ đều chẳng có thể được, vì đây là cũng là không. Như thế đọc nhiều lần chú Đại bi, và cuối cùng cũng trở về với không, đọc nhiều lần chú Lăng Nghiêm cũng trở về không, đọc thuần kinh Kim Cang cũng về không, và như thế chứng minh rằng “Sắc tức là không”.

Thế nào “Không tức là sắc”? Trong tâm trì chú Đại bi tức là không, một chữ chẳng thể được, chỉ có thể một chữ mà đọc thuộc lòng tới lui, để chứng minh “không tức là sắc”.

Sắc tức là không, không tức là sắc, hiện hiện thành thành, cho nên Phật pháp hiện thành, Như Lai là người đã phát minh nên Phật pháp gọi là phát minh tâm địa. Không nói mà làm nên. Nếu ai phát minh ra chân lý, người ấy chính là Bồ-tát. Ai không phát minh ra chân lý người ấy chính là phàm phu. Cho nên Phật pháp bình đẳng, một người phát minh ra một người thành Phật. Hai người phát minh ra, hai người thành Phật. Trước giác sau cũng giác. Người giác sau học hỏi người giác trước.

Niệm chú Đại bi và chú Lăng nghiêm qua lại là sắc, sắc này xưa nay là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự là không, chúng ta phải quán tùy lúc “Tánh không tự sắc, phi không diệt sắc”, chẳng phải không diệt rồi mới có sắc, tánh không tự chiếu sinh ra tất cả sắc, cho nên sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.

Còn tiếp...

[ Quay lại ]