headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Giỗ Tổ lần thứ 41 - THANH TỊNH


TỔ SƯ GIẢNG VỀ -THANH TỊNH-

Lễ giỗ Tổ lần thứ 41

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Cung kính ngưỡng bạch Giác linh Tổ sư,
Cung kính ngưỡng bạch Hòa thượng Ân sư,
Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể đạo tràng Phật tử
,

Hôm nay Lễ Giỗ Tổ lần thứ 41, để tưởng nhớ đến thâm ân giáo dưỡng và công đức huấn dục của Tổ sư, chúng con trích bài giảng về Thanh tịnh của Tổ sư, kính nguyện Giác linh Tổ sư từ bi chứng giám.

***

Định nghĩa:

Thanh là trong. Tịnh là sạch. Thanh tịnh là tánh trong sạch, không vướng cáu bẩn, nhơ nhớp, là tánh trầm lặng, không náo động ồn ào. Thanh tịnh là tánh đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa ô uế tạp nhạp, lăng xăng trong cõi đời ô trược này.

1. Thân thanh tịnh: Thân thể sạch sẽ, không chải chuốt son phấn. Áo quần phải luôn thay giặt, không rách rưới nhưng cũng không xa hoa, lòe loạt kiểu cách. Thức ăn uống giản dị, không rượu chè, trộm cướp, sát hại, dâm ô, hút sách, không cao lương mỹ vị. Chỗ nghỉ ngơi hợp vệ sinh, không giường cao nệm gấm, không trướng rũ màn che.

2. Khẩu thanh tịnh: Lời nói luôn luôn chân thật, không thêm không bớt, không ngọt như mật, không chua như dấm, không suồng sã bỡn cợt, không sừng sộ gầm thét, không hỗn hào độc dữ, không nặng nề sắc bén… Trái lại, lời nói trong trường hợp nào cũng phải trong sạch, ôn tồn, đúng đắn, lợi ích cho mọi người chung quanh.

3. Ý thanh tịnh: Ý là phần quan trọng, chi phối tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động, đời sống của con người. Ý trong sạch thì đời sống dễ trong sạch, ý nhiễm ô thì đời sống bị xấu xa, hoen ố. Ý trong sạch là thế nào? Là không vẩn đục bởi những tánh tham lam giận dữ kiêu căng, si mê nghi ngờ. Mỗi khi ta suy nghĩ, tưởng nhớ một điều gì, mà tư tưởng ta không bị trộn lẫn bởi những tánh xấu nói trên, như thế là ý nghĩ được thanh tịnh. Ý ta không nhiễm mùi dục vọng, ý ta trong sáng như thủy tinh, vắng lặng như mặt nước hồ thu, sáng chói như mặt trời trí tuệ, thơm ngát hương từ bi, như thế là ý thanh tịnh.

4. Hành động thanh tịnh: Làm việc không vì danh lợi riêng mình. Người có hành động thanh tịnh không mưu mô tính toán, không ỷ mạnh hiếp yếu, không ỷ giàu hiếp nghèo, không ỷ thế hiếp cô. Người có hành động thanh tịnh không xu nịnh ai, không sợ hãi ai. Người có hành động thanh tịnh bao giờ cũng thẳng thắn, đường đường chính chính, không bao giờ có một hậu ý đen tối nào trong lúc làm việc.

Công năng của thanh tịnh:

Mặc dù con người có Phật tánh nhưng vẫn mê mờ và trôi lăn trong cảnh giới tối tăm đau khổ, là vì còn đầy dục vọng, nhiễm ô nên tánh Phật bị che lấp. Tánh Phật như nước trong, dục vọng như cáu bẩn làm vẩn đục nước trong. Muốn làm cho nước trong phải cần đến phèn, cũng thế muốn cho tánh Phật không bị nhiễm ô phải cần đến thanh tịnh. Thiếu đức tánh thanh tịnh thì dù cố công trì chí bao nhiêu trong việc tu hành cũng vô ích, như nấu cát mà mong thành cơm. Dù ta có làm bao nhiêu việc bố thí lợi tha mà tâm thiếu thanh tịnh thì những việc làm ấy cũng mất hết ý nghĩa cao quý và hiệu quả của chúng.

Người thanh tịnh sẽ có một đời sống nhẹ nhàng thanh thoát, tâm không bận bịu một ý nghĩ đen tối nào, thân khoan khoái dễ chịu. Người thanh tịnh đi đến đâu như mang theo một vùng ánh sáng, một làn khí trong, như tỏa ra một mùi hương mát dịu. Người thanh tịnh chẳng khác gì một đóa hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người Phật tử phải dưỡng tánh thanh tịnh như thế nào trong đời sống hàng ngày? Tánh chất của thanh tịnh bao gồm tất cả mọi phương diện của đời sống. Cho nên, muốn dưỡng tánh thanh tịnh, chúng ta không thể chú trọng đến phần vật chất mà bỏ phần tinh thần hay ngược lại chú trọng phần tinh thần mà bỏ phần vật chất. Đừng ngụy biện rằng: “Tu là cốt ở tâm, hình thức không đáng kể. Ta thanh tịnh ở trong lòng là đủ rồi”. Nói như thế là không nhận rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh.

Hoàn cảnh thanh tịnh bên ngoài giúp ta dễ thanh tịnh bên trong. Tất nhiên trong cõi đời ô trọc này, khó có cảnh hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng trong phạm vi tương đối, ta có thể tạo ra hay tìm kiếm một hoàn cảnh tạm gọi là thanh tịnh. Ta tập sống vệ sinh, điều độ, thứ tự; tập hành động theo lẽ phải. Ta tìm kinh sách có những tư tưởng trong sáng tiến bộ để đọc, tìm thầy bạn có đạo đức để học hỏi kết giao, tìm những cảnh chùa theo đúng chánh pháp để tới lui tu dưỡng.

Trong khi chúng ta tìm được một hoàn cảnh tạm gọi là thanh tịnh, hành động những việc có tính cách thanh tịnh rồi, chúng ta đừng vội thỏa mãn, yên trí là đã tiến được trên con đường thanh tịnh. Chúng ta cần phải đề phòng những ý nghĩ nhỏ nhiệm sâu kín, đen tối, xấu xa len lén chen vào trong những công việc tốt đẹp của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành nhiễm ô. Sau đây là vài thí dụ thường thấy hàng ngày:

Chẳng hạn khi ta cho kẻ hành khất một vài đồng, vì lòng thành thật thương xót họ. Đó là một việc thiện quý báu. Nhưng nếu bên cạnh động lực chính ấy, ta còn có ý mong cho người chung quanh biết mình là kẻ nhân từ. Như thế là bố thí mà còn bị phiền não tham danh chen vào.

Khi ta giúp đỡ ai một điều gì mà ta mong ước một ngày kia người ấy sẽ giúp đỡ lại ta, như thế là làm việc lợi tha với động lực ích kỷ.

Khi ta đến chùa vì mục đích muốn hiểu đạo và cầu giải thoát, nhưng vì đến chậm hay thiếu chỗ, ta phải đứng lạy sau người, hay ngồi nghe giảng vào hàng ghế cuối hoặc ăn uống không được trọng đãi v.v… ta đâm ra buồn phiền trách móc: “Tôi như thế này mà nhà chùa để tôi đứng sau, ngồi dưới, xem thường, khinh dễ v.v…” Như thế là đến chùa để tìm thanh tịnh mà hóa ra lại đi ôm ấp thêm phiền não ô trược.

Những thí dụ trên cho chúng ta thấy hoàn cảnh thì thanh tịnh, việc làm tốt đẹp mà động cơ thì bất tịnh, nhiễm ô. Vậy trong đời sống hàng ngày, mỗi lúc nghĩ, mỗi lúc nói, mỗi lúc làm, nằm ngồi đi đứng, chúng ta phải luôn luôn tự xét xem mình đã thanh tịnh chưa. Trong trường hợp những nhiễm ô thô thiển dễ trừ, ta hãy mạnh dạn trừ ngay. Trong những trường hợp nhiễm ô sâu xa, vi tế khó trừ, ta hãy tập phép quán “nhị không” để phá trừ ngã chấp và pháp chấp. Làm được như thế là ta đã dưỡng tánh thanh tịnh của Phật mà mỗi chúng ta đều sẵn có.

***

Kính bạch Giác linh Tổ sư,

Giờ đây trước án tiền giác linh của Tổ sư, toàn thể hàng môn hạ pháp tử, pháp tôn chúng con nguyện một lòng vâng theo di huấn của Tổ, xin suốt đời nỗ lực tu học, noi gương Tổ sư và Hòa thượng Ân sư làm tròn sứ mệnh của người con Phật, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngõ hầu đền đáp phần nào công đức sâu dày của Thầy Tổ.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

LỄ TƯỞNG NIỆM GiỖ TỔ

LỄ TƯỞNG NIỆM GiỖ TỔ

 

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG SƠ TỔ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ LẦN THỨ 705 được tổ chức lần đầu tiên tại Tổ Đình Thiền Viện Thường Chiếu.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Cung kính ngưỡng bạch trên Hòa thượng Tông chủ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử chứng Minh.

Cung kính ngưỡng bạch Thầy.

Kính bạch chư tôn đức tăng ni cùng toàn thể quý nam nữ Phật tử.

ANH 8122Hôm nay ngày mùng 1 tháng 11 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 3 tháng 12 năm 2013, ngày kỷ niệm đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử nhập Niết-bàn. Ngài là một bậc Tổ sư khai sáng dòng Thiền nước Việt, là trang sử vàng son của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ thứ 12 đời nhà Trần. Một vị vua anh hùng sáng đạo, rời bỏ ngai vàng xuất gia, hoằng pháp độ sinh, truyền xướng môn phong chư Tổ, hòa tấu khúc vô sanh ngút ngàn trên non Yên Tử làm vẻ vang hưng thịnh một thời, mãi cho đến ngày nay, khúc nhạc kia vẫn còn âm vang hùng hồn, là đỉnh cao ngất trời của những tâm hồn thoát tục siêu phương...  

 

Thiền môn Tổ ấn khơi niềm nhớ,

 Đối cảnh vô tâm ý chỉ Ngài.

 Giác Hoàng Điều Ngự còn vang bóng,

 Cư Trần Lạc Đạo Phú nào phai.

 

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu ngọ 1258, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1.

Ngày 8 tháng 11 năm 1278, Ngài được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, ở ngôi 13 năm, làm Thái thượng hoàng 6 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi. Ngài qua đời ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu thân năm 1308.

Bấy giờ nhà Nguyên sai sứ sang hạch tội, Trần Nhân Tông lại là một vị vua anh minh và quả quyết, mà trong nước từ vua quan đến dân chúng đều một lòng, nên từ năm 1258 đến 1287, quân Nguyên Mông hai lần sang đánh Đại Việt đều bị dẹp tan.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, Ngài xuất gia tu hành tại núi Yên Tử và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, là đệ nhất sơ Tổ của dòng Thiền Việt Nam. Về sau Ngài được gọi cung kính là “Phật Hoàng”.

Ngài đã đem chỗ lãnh hội tông chỉ thiền tủy phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc từ nơi Thượng Sĩ Tuệ Trung, ứng dụng vào đời sống thường nhật, thể hiện cụ thể qua bài kệ Cư Trần Lạc Đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

 

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên.

Đối đến thì ăn mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

 

Tinh thần "hòa quang đồng trần", của Thượng Sĩ được Ngài hấp thu và đúc kết thành tư tưởng "cư trần lạc đạo", trở thành "phong cách sống" của rất nhiều nhân vật văn hóa lịch sử đời Trần. Dưới triều đại của Ngài, từ quý tộc, cho đến những người thân phận thấp kém đều thừa hưởng đời sống an vui.

Vua Trần Nhân Tông vừa là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, vừa là nhà lãnh đạo tối cao, vừa là nhà ngoại giao kỳ đặc cả trong những tình huống ứng xử đối nội lẫn đối ngoại, là con hiếu thuận, là cha nghiêm từ, là anh độ lượng.., lại còn vừa lo nghĩ nhiều đại sự cho thế hệ mai sau.

Có thể khẳng định, vua Trần Nhân Tông là một tác gia văn học vừa tinh tế vừa đa phong cách. Một trong những đóng góp đặc biệt của Ngài chính là những tác phẩm lớn như Cư Trần Lạc Đạo PhúĐắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, góp phần quan trọng cho nền văn hóa Thiền tông Việt Nam.

Thiền phái Trúc Lâm do Ngài sáng lập và trở thành Trúc Lâm đệ nhất Tổ, kế thừa được tinh hoa của những tông phái Thiền Tông, để trở thành một Thiền phái mang đậm sắc thái dân tộc mà đặc điểm hàng đầu là tinh thần nhập thế lạc quan.

Trúc địch xuy chi, chấn hưng Việt Nam Thiền tông, vĩnh kiếp truyền đăng tục diệm.

Lâm manh khởi đích, khôi phục Yên Tử Tổ đạo, thiên niên đức hóa lưu phương.

Sáo trúc thổi lên, chấn hưng Thiền tông Việt Nam, muôn kiếp trao đèn nối đuốc.

Chồi rừng chổi dậy, khôi phục Tổ đạo Yên Tử, ngàn năm hương đức lưu truyền.

Vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ thứ 21, Hòa thượng Tôn sư Thượng Thanh hạ Từ với hoài bão khôi phục Phật giáo Thiền tông đời Trần, cụ thể qua các thiền sư trong đó hình ảnh tiêu biểu nổi bậc nhất là đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Hàng hậu học chúng ta vô cùng diễm phúc được thừa hưởng một di sản tinh thần vô giá này, đó cũng là nhờ công đức khôi phục Thiền Tông Việt nam của Hòa thượng Tôn sư.

Nhằm thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ và tri ân đến chư vị Tổ sư đời Trần, một số quý Phật tử với tâm nguyện của mình đã thỉnh được khối ngọc bích nhập về từ Canada, thuộc vùng mỏ ngọc nổi tiếng thế giới. Tượng được tạc theo tư thế Phật ngồi cao khoảng 1,6m, nặng hai tấn, khuôn mặt dát vàng. Đây là tượng Phật Hoàng bằng ngọc bích đầu tiên ở Việt Nam có kích thước lớn nhất.

Sau khi bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoàn thành, được đưa về an trí đầu tiên tại Thiền viện Thường Chiếu, cho hàng tăng ni Phật tử nơi đây ngày đêm chiêm bái. Thật là một niềm vinh hạnh lớn đối với Tăng Ni thiền phái Trúc Lâm nói riêng mà cũng là niềm vui chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Công đức này thật vô cùng to lớn, không thể dùng ngôn từ bút mực diễn tả hết được. Để bày tỏ tấm lòng tri ân vô hạn của quý Phật tử đã nhiệt tình kiến tạo nên tôn tượng này, cảm tạ mọi duyên lành đã thành tựu được Tôn tượng an trí nơi đây, xin nhất tâm hướng về ba ngôi Tam bảo, nguyện cầu chư Phật luôn gia hộ cho tất cả quý vị hữu duyên được sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Đồng thời, xin hướng nguyện cho mọi người chiêm bái tôn tượng đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông này được niềm tin bất thoái, phước huệ vẹn toàn.

Hôm nay, trong niềm hoan hỷ của người con Phật, lại một lần nữa, Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu vô cùng diễm phúc, hội đủ duyên lành được cung đón Tôn Tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, an trí tại nơi đây và cũng là lần đầu tiên tổ chức lễ  kỷ niệm ngày nhập Niết-bàn của Ngài lần thứ 705. Toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trong đạo tràng, xin được kính cẩn nghiêng mình, bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình, đốt nén hương lòng dâng lên cúng dường, ngưỡng nguyện chư Phật mười phương quang giáng đạo tràng, đức Phật Hoàng oai linh chứng giám cho tấm lòng thành của chúng con.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, chúng con thành kính cung thỉnh Thầy, chư tôn thiền đức Tăng Ni, cùng toàn thể Phật tử hướng về Tôn tượng Đức Phật Hoàng nhất tâm trân trọng dâng hương cúng dường.

 

Nam Mô Phật Bổn  Sư Thích Ca Mâu Ni. 

 

DIỄN VĂN LỄ AN VỊ PHẬT TẠI TVTL CHÁNH GIÁC

DIỄN VĂN LỄ AN VỊ PHẬT TẠI TVTL CHÁNH GIÁC

hinh051 Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Kính Bạch trên Hòa Thượng Tôn Sư chứng minh.

Kính bạch chư Hòa Thượng, chư Tôn Đức Tăng – Ni

Kính thưa chư vị khách quý, lãnh đạo chính quyền tỉnh và các cấp địa phương.

Kính thưa chư Thiện Tín Phật Tử gần xa.

Cách đây hơn 18 tháng, lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được long trọng cử hành cũng tại đây vào ngày mùng 8 Tháng 4 ÂL. Rồi qua ngày 18 tháng 7 ÂL mới chính thức khởi công động thổ xây dựng. Trước tiên là 3 hạng mục: chánh điện; lầu chuông; lầu trống. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, kinh tế eo hẹp, nhưng với sự nhiệt tâm ủng hộ của Giáo hội, của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, của chư Tôn đức, huynh đệ trong tông môn và nhất là chư thiện tín gần xa, gồm mọi thành phần đóng góp từ vật chất  đến tinh thần. Trong đó có đội thợ của anh Hùng đã làm rất nhiệt tình. Được đầy đủ những duyên lành cộng lại, giúp cho Thiền viện hiện nay có ngôi chánh điện tương đối kín đáo để thỉnh Tôn đức Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu và hai vị Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền vào an vị. Đồng thời lầu chuông, lầu trống cũng tương đối gần hoàn chỉnh để thỉnh chuông, trống vào sử dụng.

Tuy công trình chưa thật hoàn chỉnh, nhưng vì Hòa Thượng Tôn Sư tuổi cao và có chút bệnh duyên đang tịnh dưỡng và hiện thời sức khỏe Hòa Thượng đang ổn định, chúng tôi trình Hòa Thượng Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm được làm lễ an vị sớm, để tiện thỉnh Hòa Thượng Tôn Sư về chứng minh và thấy qua Phật sự có ý nghĩa trọng đại này.

Dưới sự chứng minh và hỗ trợ của Ban Quản Trị, Phật sự được làm trong tinh thần hòa hợp để cùng dâng lên Hòa Thượng, nhằm bày tỏ lòng thành hướng về quê hương của Ngài, đồng thời cũng tạo duyên lành cho Tăng Ni Phật tử gần xa có thêm một nơi nữa để trở về nương tựa tu học.

Vì tôn tượng Đức Phật được thỉnh về muộn hơn ngoài ý định, việc tổ chức phải tiến hành gấp rút, công tác chuẩn bị chưa được chu đáo, nhưng hôm nay lại được sự có mặt của trên chư tôn Hòa Thượng, cho đến chư vị khách quí, và  Phật tử như thế này, là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi.

Và theo dự định của Ban Hưng Công, sau lễ An vị tôn tượng Phật và Bồ Tát, sẽ khởi công tiếp xây dựng nhà Tổ, và còn lại các hạng mục Tăng đường, trai đường, khu nhà bếp, khu nhà khách nữ, cổng Tam quan nếu đủ duyên hoàn thành thì sẽ khánh thành giai đoạn I. Sau đó tiếp tục đến các hạng mục còn lại.

Kính mong tiếp tục được sự quan tâm hỗ trợ của chư tôn liệt vị và Phật tử gần xa khiến cho Phật sự chóng viên thành.

Nơi đây chúng tôi luôn nghĩ đến để tạo cho mọi người, mọi tầng lớp đều có thể đóng góp vào Phật sự, để ai đến đây cũng thấy vui vì mình cũng có phần gieo trồng phước điền trong đó, và như là trở về ngôi nhà chung.

Và giờ này, chúng con một lòng cúi đầu hướng về Hòa Thượng Tôn Sư kính lễ, ngưỡng mong Thầy chứng minh và hộ niệm cho chúng con hoàn thành Phật sự này. Chúng con đồng nhất tâm cầu nguyện Tam Bảo gia bị cho Thầy sức khỏe được ổn định, trí tuệ viên minh, thành tựu các sở nguyện.

Nguyện cho chư Tôn Đức pháp thể an khang, chơn tâm thường sáng.

Nguyện cho chư vị khách quí cùng tất cả Phật tử gần xa thân tâm thường an lạc, duyên lành ngày càng tăng trưởng

Nguyện cho duyên lành hôm nay đồng đem đến niềm vui tùy hỉ cho tất cả.

PHẬT GIÁO TRÚC LÂM VỚI NHỮNG NÉT SON TRONG LÒNG DÂN TỘC

PHẬT GIÁO TRÚC LÂM VỚI NHỮNG NÉT SON TRONG LÒNG DÂN TỘC

Thích Thông Phương
***
Yentu00(Tham luận tại hội thảo “Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác qui hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị của Khu di tích Yên Tử hiện nay” do Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhân Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày nhập Niết Bàn và khánh thành bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào ngày 02/12/2013 tại Hội trường lớn GHPGVN tỉnh Quảng Ninh)
***

 

I- ĐẾN VỚI MỌI TẦNG LỚP

Phật Giáo Trúc Lâm gắn liền với vua Trần Nhân Tông, một bậc tôn quí trong thiên hạ, nhưng sẵn sàng từ bỏ đời sống quyền quí, cao sang mà đi tu, chứng đạo, và đem ánh sáng chân lý giác ngộ để soi sáng lại cho tất cả mọi người khiến cùng được lợi ích. Từ trong triều đình cho đến người dân nơi thôn quê, với người trí thức thì Ngài giáo hóa theo trí thức; với người bình dân thì giáo hóa theo bình dân, cốt làm sao giúp cho người người chuyển hóa mê lầm, đi theo con đường hướng thiện, để xã hội càng đi lên.

Đức Phật Hoàng cũng như Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang, thường giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, Truyền Đăng Lục, Đại Huệ Ngữ Lục…ở những chùa lớn gần thành thị cho hàng trí thức được nghe, đồng thời các Ngài cũng đem pháp Thập Thiện giáo hóa cho người dân dã, là thích ứng với từng căn cơ, không phân biệt quí tiện, sang hèn.

II- PHÁT HUY TRÍ TUỆ CHÂN THẬT NƠI MỖI NGƯỜI

Trong nhà Thiền có nói đến hai thứ Trí tuệ: Trí tuệ hữu sư và Trí tuệ vô sư. Trí hữu sư là trí do nghiên cứu, học hỏi, có thầy dạy, là trí tuệ tiếp thu từ bên ngoài mà được. Đây là trí tuệ phương tiện để dẫn vào Đạo, chưa phải là trí tuệ chân thật. Chính trí vô sư là trí tuệ do công phu tu hành chân thật mà tự tâm mở sáng. Không do ai dạy, không do từ nơi Thầy mà được. Như các nhà bác học chuyên tâm đi sâu một vấn đề, rồi bất chợt trong giây phút nào đó tự phát minh ra, tự sáng tỏ vấn đề ngoài chỗ suy nghĩ của mình.

 Cũng như Thiền sư Pháp Loa tham học với Sơ Tổ Trúc Lâm đã lâu, một hôm trình ba bài kệ đều bị Ngài lấy bút gạch bỏ hết, Sư trở về phòng đầu óc nặng trĩu, hết biết suy nghĩ gì nữa, bỗng nhìn thấy bông đèn tàn rụng, liền mở sáng trí tuệ vô sư. Lúc này không có ai dạy cả mà lại tự sáng tỏ, vượt ngoài chỗ suy nghĩ bình thường. Từ đó, Sư lấy đây làm chỗ sống và chỉ dạy cho người. Cho đến khi sắp tịch, Sư tóm tắt ý nghĩa qua bài kệ:

 

                        Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
                        Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
                        Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
                        Na biên phong nguyệt cánh man khoan

        Dịch:
                        Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
                        Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
                        Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
                        Bên kia trăng gió rộng thênh thang
                                                                    (HT. Thích Thanh Từ)

 

Bên kia trăng gió rộng thênh thang, là muốn ngầm chỉ đến chỗ sống của trí tuệ chân thật kia. Chỗ này cần phải người tự thể nghiệm, phải là hành giả thật sự. Từ đó mà truyền lại cho người. Chính đây là mạch sống của chư Tổ, giúp cho người học thêm vững niềm tin mà tiến bước, đồng thời chứng thật cho giá trị cao quí của Chánh pháp Như Lai. Chính chỗ này mà vua Trần Nhân Tông sẵn sàng bỏ hết những quyền quí, cao sang, danh vọng tột bực ở thế gian để vào Đạo, tìm ra lẽ thật hi hữu này.

 III- NÂNG CAO GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG THÊM Ý NGHĨA

 Tạo nhơn duyên cho người người sống có đạo đức, trí tuệ, sáng tỏ được tâm tánh chính mình, nhận rõ lẽ thật, giả nơi con người theo tinh thần Thiền Tông. Bởi chúng ta sống mà không rõ được gì là mình, gì là tâm, thì cuộc sống này thật sự là thiếu ý nghĩa sống. Vì mình là chủ cuộc sống nhưng mình là gì lại chưa sáng tỏ.

Ở đây thì các Ngài đã thật sự sáng tỏ được trí tuệ chân thật nên hiểu rõ lẽ thực nơi chính mình bằng chính trí tuệ do thực tu, thực ngộ mà hiện bày, nên chứng thực không nghi ngờ.

 Như Sơ Tổ Trúc Lâm đã thổ lộ qua bài kệ Xuân Vãn:

 

                    Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
                    Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
                    Như kim khám phá đông hoàng diện
                    Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng.

    Tạm dịch:
                    Thuở bé đâu từng rõ sắc không
                    Xuân về rộn rã nức trong lòng
                    Chúa xuân nay bị ta khám phá
                    Ngồi lặng nhìn xem rụng cánh hồng.

 

Tức là lúc trước, khi chưa hiểu đạo, thì tâm còn bị ngoại cảnh chi phối nên mỗi độ xuân về, lòng cũng theo cảnh mà rộn rã, động theo cảnh xuân, không làm chủ được. Nhưng nay nhờ công phu tham thiền, Ngài đã nhận ra chúa xuân, tức sáng tỏ được ông chủ chân thật muôn đời nơi mình, là thật sự biết rõ chính mình. Giờ đây, Ngài đã giải đáp được chính xác cho câu hỏi: “Cái gì là chính mình”, cuộc sống bây giờ mới sống có ý nghĩa và soi sáng lại cho nhiều người.

 IV- ĐEM LẠI NIỀM TỰ TIN NƠI MỖI NGƯỜI

 Là chỉ ra chân lý giác ngộ vốn có sẵn nơi mỗi người, vì ai ai cũng có tâm, tức là đều có khả năng giác ngộ để vươn lên khỏi cái chúng sanh mê lầm này, chớ không phải cúi đầu chấp nhận làm chúng sanh mãi mãi. Như trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo có câu:

                     Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
                    Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
                    Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền

 

Nghĩa là kho tàng của báu Tánh Giác vốn có sẵn trong Tâm của mỗi người, cần tự nhận trở lại nơi mình, không phải tìm cầu xa xôi, cũng không phải tự khinh mình, vì: “Kia đã là trượng phu, thì ta đây cũng vậy”.

 Và Thiền là tâm thanh tịnh sáng ngời ngay trước mọi cảnh mà không bị cảnh ràng buộc, che mờ. Là sống ngay trong đời mà không mất tâm thiền. Là đem Đạo đến gần với người cư sĩ còn sống trong trần mà vượt lên khỏi trần, không phải lìa trần mới có Đạo.

 Cũng như trong bài phú Cư Trần lạc Đạo ở hội Thứ nhất đã trình bày:

 

                    Mình ngồi thành thị
                    Nết dùng sơn lâm

 

Là ở thành thị nhưng không bị thành thị làm ô nhiễm, không bị che mờ tánh sáng suốt. Như vậy là người cư sĩ cũng có thể ở trong trần mà vươn lên khỏi trần, như hoa sen trong bùn mà nhô lên khỏi bùn. Cũng như Thượng sĩ Tuệ Trung, một vị tướng, một cư sĩ sống trong đời thường nhưng tâm thiền thật sáng tỏ, đời sống thật thanh thoát đầy đạo lý, trí tuệ thật siêu xuất, khiến cho nhiều vị xuất gia còn phải đến tham học với Ngài.

V- TÓM KẾT

Đời Trần với Phật Giáo Trúc Lâm đã làm nổi bật cho nền Phật Giáo nước nhà trên nhiều phương diện và để lại những bài học quí giá cho chúng ta ngày nay rất có giá trị.

 

Mỗi người ở một góc nhìn và phát hiện ra những nét hay của riêng mình để cùng đóng góp chung lại mà làm rạng rỡ cho sự nghiệp quí báu của Tổ tông, đồng thời khiến cho bạn bè trên thế giới tìm hiểu càng thêm kính quí.

Yên Tử được gắn liền với Phật Giáo Trúc Lâm, với dòng Thiền của nước Việt và tên tuổi của vị Tổ, là ông vua nước Việt, một danh nhân của các thời đại, là một đại nhân duyên thật hi hữu, rất cần được tôn trọng và phát huy đúng mức.

 Tóm lại, học người xưa để xét lại ngày nay, và phát huy những điều hay tốt, khiến cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, cho ánh sáng chân lý giác ngộ của Đức Phật ngày càng soi sáng thêm trên thế gian này, giúp cho cuộc đời thêm an vui, bớt đau khổ, là trách nhiệm chung của những người con Phật.

Chúng tôi xin được chia sẻ một góc nhìn về Phật Giáo Trúc Lâm để góp phần cho ngày lễ kỷ niệm Đức Phật Hoàng viên tịch được thêm nhiều ý nghĩa.
Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

 

CUNG NGHINH TƯỢNG PHẬT-TVTL CHÁNH GIÁC

Vào lúc 22g30, ngày 12 tháng 10 năm 2010 (nhằm mùng 8 tháng 09 năm Quý Tỵ), sau gần 6 tháng thực hiện, tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã được vận chuyển về Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tỉnh Tiền Giang trong niềm hân hoan dâng tràn của Tăng Ni và đồng bào Phật tử gần xa.

Ngay sáng hôm sau, việc lắp đặt đã được tiến hành dưới sự chủ trì chứng minh của thượng tọa trụ trì thiền viện. Đến 16g ngày 13/10/2013, việc lắp đặt đã hoàn tất một cách an ổn, tốt đẹp. Tôn tượng Đức Bổn Sư đã an vị trên tòa kim cang, thiền viện đã sắn sàng cho lễ an vị vào ngày 20/10/2013, tức là ngày 16 tháng 9 năm Quý Tỵ.

Dưới đây là vài hình ảnh về quá trình vận chuyển và lắp đặt tượng.
 

( Theo email Chánh Lạc Khiêm )