headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

DIỄN VĂN LỄ KHÁNH THÀNH BẢO THÁP XÁ LỢI tại TVTL ĐÀLẠT

DIỄN VĂN LỄ KHÁNH THÀNH BẢO THÁP XÁ LỢI  tại  TVTL ĐÀLẠT

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

thaytrutridocdienvan

Kính thưa…

Hôm nay ngày khánh thành Đại Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi, đồng thời An vị Phật và An vị Xá-lợi chân thân Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Đây là một duyên lành hi hữu cho những người con Phật đồng phát tâm tùy hỷ hướng về Ân đức vô thượng quý báu của Đức Thế Tôn và kết duyên sâu thêm với Phật.

Kính thưa chư Tôn đức Tăng Ni, cùng quý Phật tử.

Nghĩ đến chúng ta ngày nay có được con đường xuất gia tu hạnh giải thoát, và có được chánh pháp để học hỏi, tu tập như thế này, là từ công đức phước trí vô lượng vô biên của Đức Thế Tôn mà thành.

Ngài đã trải qua vô lượng hằng sa kiếp số tu hành thành tựu các Ba-la-mật, sẵn sàng hy sinh tất cả sở hữu bên ngoài cho đến thân mạng bên trong, xả những việc khó xả, nhẫn những việc khó nhẫn, làm những việc khó làm để vì lợi ích chúng sanh không từ khổ nhọc.

Nào là thí xả đầu, mắt, tủy, não, vợ, con, cõi nước…, nhịn chịu chặt cắt tay, chân từng phần thân thể, hy sinh cho cọp đói, cắt thịt cứu chim, xả thân vì nửa bài kệ…

Ngay hiện đời, Ngài cũng đã sẵn sàng từ bỏ cha già, vợ đẹp, con thơ, ngai vàng điện ngọc, quyền quý cao sang tột đỉnh ở thế gian, để vào rừng vắng tu hành khổ hạnh, thiền định quên thân, thắng phục ma quân mà thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Từ ánh sáng giác ngộ đó, Ngài mới đem truyền dạy cho tất cả thế gian, mở đường giác ngộ chân thật, giải thoát sanh tử luân hồi, giải quyết cái mê từ vô thủy cho chúng sanh. Từ đó chân lý giác ngộ mới được vang khắp và mới có đạo Phật để chúng ta tu theo như ngày hôm nay.

Khiến người người tin biết trong cuộc đời vô thường ảo mộng vẫn còn có Phật, có lối thoát để trở về quê nhà chân thật chưa từng sanh diệt.

Ân đức ấy làm sao nói hết bằng lời! Do đó, xây dựng Bảo tháp Xá-lợi này, ý nguyện chúng tôi hướng về tưởng nhớ Ân đức của Phật, và nhắc nhở cho người người thức tỉnh tu hành để đền đáp phần nào Ân lớn của Phật. Đồng thời cũng tạo duyên lành cho tất cả tùy hỷ, chiêm bái kính lễ mà kết duyên sâu thêm với Phật. Cũng như giúp cho những ai không có đủ điều kiện đến xứ Phật, thì cũng được thấy một chút ấn tượng về hình ảnh Thánh tích nơi ấy.

Và nhân duyên hội ngộ đầy đủ, giờ này bao nhiêu tấm lòng thật sự đang tùy hỷ đồng tụ hội về đây, vui thấy một Phật sự được thành tựu để cùng nhau hòa hợp tưởng nhớ về Đức Thế Tôn, và vui được kết duyên lành sâu thêm với Phật, giúp cho tâm Bồ-đề càng thêm vững mạnh.

Ôi! Chúng con một lòng kính ngưỡng.

Thế Tôn thị hiện nơi cung vua Tịnh Phạn, ra đời tại vườn Lâm-tỳ-ni, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, truyền vang thông điệp: “TRÊN TRỜI, DƯỚI TRỜI, CHỈ TA TÔN NHẤT”.

Rồi lớn lên trong cung vàng điện ngọc, đầy đủ thú vui ngũ dục ở thế gian, ngai vàng chờ sẵn, nhưng nguyện lớn chẳng quên, dứt khoát từ bỏ tất cả, vượt thẳng ra khỏi tình trần, tìm đạo giác ngộ để cứu vớt chúng sanh còn đang chìm trong đêm dài tăm tối.

 Tìm thầy học đạo,
 Đều không thỏa nguyện,
 Sẵn sàng từ bỏ,
 Quay lại nội tâm,
 Dưới cội bồ-đề,
 Quyết tâm thành tựu,
 Thắng phục Ma vương
 Tuyên ngôn chiến thắng,
 Thế gian tăm tối,
 Lối ra mở sẵn,
 Bản hoài ra đời,
 Dẫn dắt chúng sanh,
 Ứng thân đã mãn,
 Để lại chánh pháp,
 Thân này tuy diệt,
 Ai buồn ai khóc,
 Phật từng dạy rằng,
 Sao sớm quên rồi,
 Nay lưu Xá-lợi,
 Nhớ còn có Phật,
 Phát tâm Bồ-đề,
 Lần bước trở về,
 Từ thân ứng hóa,
 Muôn kiếp trầm luân,

Khổ hạnh kiên trì
 Giải thoát tử sanh.
 Tìm kiếm bên ngoài,
 Mở đường chánh giác.
 Vững nguyện không lay,
 Vô thượng Bồ-đề.
 Vỡ tan mê lầm,
 Sanh tử vô bờ.
 Từ đây đã có,
 Tuệ giác khắp soi.
 Từ nay rao khắp
 Đồng về chánh giác.
 Hiện vào Niết-bàn
 Rộng truyền thế gian.
 Như Lai nào diệt.
 Có nhớ rõ chăng?
 Pháp thân thường trụ
 Lời chân thật kia.
 Gieo duyên cho đời,
 Ở thế gian này.
 Thêm lớn niềm tin.
 Con đường giác ngộ.
 Thấy lại thật thân,
 Từ đây ra khỏi.

Nguyện đem công đức này dâng lên cúng dường Hòa thượng Tôn Sư, nguyện Ngài sống lâu ở đời, giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sanh, hạnh nguyện viên thành.

Đồng nguyện đem công đức này hồi hướng chia đều cho tất cả chúng sanh đều được kết duyên sâu với Phật, căn lành ngày thêm lớn, vượt thoát đường mê, quay về chánh giác, xóa tan ranh giới ta người, dứt sạch tận gốc sanh tử luân hồi, thành tựu Phật đạo.

HUẤN TỪ CỦA BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM-TVTL Chánh Thiện

 chanhthienbanner

HUẤN TỪ CỦA BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

- Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni,

- Kính bạch chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo TW GHPGVN.

 - Kính bạch chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận, các tỉnh bạn, chư tôn thiền đức Tăng Ni hiện tiền.

 - Kính thưa quý vị khách quý đại diện lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp.

 - Kính thưa toàn thể đạo tràng Phật tử.

- Thưa quý liệt vị.

Trước tiên, chúng tôi xin được hướng về Hòa thượng Tôn sư đảnh lễ cảm bội ân đức giáo dưỡng của Ngài, ngưỡng nguyện từ lực của Hòa thượng gia bị cho buổi lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện được thành tựu viên mãn. Thừa ủy nhiệm Hòa thượng Trưởng Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, chúng tôi tuyên đọc lời chỉ dạy của Ngài đến chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử trong đạo tràng hôm nay.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện ra đời trong một nhân duyên Phật pháp được lưu bố rộng rãi trên đất nước Việt Nam. Giới tu sĩ cũng như cư sĩ học Phật ngày càng phát triển nhiều hơn, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam cũng lan rộng khắp mọi miền đất nước, Phật tử các nơi quy hướng thiền môn ngày càng đông đảo. Thiền phái Trúc Lâm dưới sự khai sáng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trải qua những biến chuyển thăng trầm, có lúc thịnh lúc suy, nhưng cuối cùng nguồn sống chân thật muôn thuở vẫn không gì có thể làm tan hoại. Thiền tông Việt Nam vẫn tồn tại và song hành trong lòng Phật giáo Việt Nam, trong trái tim, trong nguồn sống của người dân Việt từ xưa cho đến nay.

Đức Phật thiền định dưới cội Bồ-đề suốt 49 ngày đêm. Ngài chiến thắng ma quân bằng cung thiền định và kiếm trí tuệ. Muốn giác ngộ giải thoát, chúng ta cũng phải đi theo con đường đức Phật đã đi. Thiền tông là “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Vì vậy người tu thiền phải là những con người gan dạ, có dám chết mới mong được sống. Hòa thượng Trúc Lâm, người tu thiền và tâm huyết khôi phục Thiền tông Phật giáo đời Trần. Với cương lĩnh “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”, xoay lại mình là việc bổn phận chính, đến nay vẫn được chư Tăng Ni và Phật tử tu thiền dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng hành trì xuyên suốt. Một khi hành giả đã phát nguyện đi theo con đường thiền, thì phải biết thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ ngay trong mọi sinh hoạt của mình, không tìm đâu khác.

Hòa thượng dạy: “Việc trọng đại của con người là biết mình, dù chúng ta biết khắp năm châu vũ trụ cũng không bằng biết rõ chính mình. Đem hết cuộc đời để nghiên cứu truy tìm cho ra vấn đề trọng đại này đâu phải là việc tầm thường, hướng dẫn người nghiên tầm cho ra vấn đề này đâu phải là việc không cấp thiết. Đã thấy vấn đề quan trọng cấp thiết này rồi, chúng tôi quyết tâm trọn đời phải nghiên tầm cho ra, hướng dẫn người phải thực hành cho được, đây là bản hoài, là sở nguyện của chúng tôi. Chủ trương khôi phục Thiền tông Phật giáo Việt Nam đời Trần là cốt nâng cao giá trị người tu Phật hiện nay. Cảnh giác những hiện tượng sai lầm đưa đạo Phật vào chỗ huyền bí vô nghĩa, khiến chánh pháp lu mờ, trả Phật giáo trở về với giá trị bản hữu của nó. Việc làm này mang tính cách khơi sáng ngọn đèn Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi không ước mong gì khác hơn là được đóng góp một hòn gạch, một viên đá để xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam”.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện ra đời cũng không ngoài đáp ứng nguyện vọng tu thiền của Tăng Ni Phật tử hiện tại và hoài bão mở rộng Thiền tông Việt Nam của Hòa thượng Tôn sư. Là người con Phật, chúng ta cần phải biết rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Hai chữ Chánh Thiện nói lên ý nghĩa chân chánh tốt đẹp, mà một hành giả tu Phật phải thực hiện cho được trên con đường tự giác giác tha viên mãn. Hy vọng chư Tăng nơi đây sẽ ghi nhớ và thực hành điều này trong suốt cuộc đời tu hành của mình.

Chốn này cảnh trí yên tịnh, non nước giao hòa, rất thích hợp với người tu thiền. Nhờ từ lực Tam bảo, nương uy đức và phúc trí của Hòa thượng Tôn sư, được sự chấp thuận của chư tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận, sự đồng tình của toàn thể chư tôn đức, các nhà hữu trách, nhất là sự đồng tâm hiệp lực, phát nguyện hỷ cúng của gia đình Phật tử Chánh Lạc Tâm cùng quý Phật tử trong các đạo tràng tu thiền, hôm nay Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện chính thức được phép đặt đá khởi công xây dựng. Đây là một tin vui, một dấu hiệu đáng mừng cho thấy dòng thiền nước Việt đầu thế kỷ XXI đã được lan tỏa khắp nơi.

Kể từ nay, Phật giáo tỉnh Bình Thuận có thêm một ngôi già-lam chung vai sát cánh với Giáo hội trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Phật tử Bình Thuận có thêm một ngôi nhà tâm linh để trở về sau những bước giong ruổi vì cuộc mưu sinh. Thiền phái Trúc Lâm có thêm một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, là nơi tu học cho Tăng Ni Phật tử hữu duyên với Thiền tông.

Với tâm lực, tài lực, nguyện lực của chư Tăng Ni và quý Phật tử nơi đây, chúng tôi mong ngôi Thiền viện này sớm được hoàn thành viên mãn, để quý vị có nơi an ổn tu hành. Vâng theo lời dạy của Hòa thượng Tôn sư, chư Tăng Ni và quý Phật tử luôn sống đúng với tinh thần hòa kính, tu theo đường lối chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm. Được thế công đức hoằng truyền chánh pháp của chư Tăng Ni và công đức hộ trì Tam bảo của quý Phật tử thật vô cùng xứng đáng.

Thay mặt Hòa thượng Tôn sư và Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, chúng tôi xin kính chúc sức khỏe và chân thành tri ân chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận, chư vị lãnh đạo Đảng, Chánh quyền các cấp và địa phương sở tại, quý vị đã quan tâm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện được hình thành và tiến hành triển khai công tác xây dựng. Sự quan tâm giúp đỡ của quý vị là nhân duyên lành kết nối đạo pháp với dân tộc, đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng vươn tới chân thiện mỹ. Chúng tôi tin rằng với đạo tình này sẽ giúp cho Phật sự nơi đây thành tựu tốt đẹp. Kính chúc Tăng Ni và Phật tử trong suốt thời gian thi công được an ổn, mạnh khỏe, hoàn thành tốt Phật sự trong thời gian sớm nhất. Chúc buổi lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện thành công tốt đẹp.

Bao nhiêu công đức có được hôm nay, chúng con thành kính dâng lên cúng dường Hòa thượng Tôn sư, nguyện Thầy sống lâu nơi đời để chúng con và tất cả chúng sanh được đượm nhuần chánh pháp, Thiền tông Việt Nam được cửu trụ nơi đời. Đồng nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni.

Thiền viện Thường Chiếu, ngày 08-10 Giáp Ngọ

TM. Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm

Trưởng ban

Hòa thượng THÍCH NHẬT QUANG

DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH TVTL THANH NGUYÊN

 DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM THANH NGUYÊN

Ngày 14/08/Giáp Ngọ (07/09/2014)

hinhsuphuphatbieuNam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Kính bạch chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,

Kính bạch chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, các tỉnh bạn, Ban Trị sự Phật giáo huyện Phú Giáo, chư tôn đức Tăng Ni Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm cùng toàn thể chư tôn thiền đức Tăng Ni hiện diện,

Kính thưa quý vị khách quý Đại diện Đảng, Chánh quyền các cấp và các đạo tràng Phật tử,

Thưa liệt quý vị,

Lời đầu tiên, chúng tôi xin trân trọng kính chào chư tôn Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, cùng toàn thể chư tôn thiền đức Tăng Ni hiện diện, quý vị khách quý, đại diện các cấp chánh quyền, các đạo tràng Phật tử, đã niệm tình về đây chứng dự Lễ Khánh thành - An Vị Phật Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Kính chúc quý Ngài thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Chúc quý vị khách quý, đại diện các cấp chánh quyền, các đạo tràng Phật tử vạn sự kiết tường như ý.

Hướng về Hòa thượng Tôn sư, chúng con cung kính cảm bội công đức giáo dưỡng của Thầy, ngưỡng nguyện từ lực của Hòa thượng gia bị cho buổi lễ Khánh thành và An vị Phật hôm nay được thập phần viên mãn.

Kính thưa toàn thể liệt quý vị,

Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên ra đời từ năm 2002 do sự phát tâm hỷ cúng của Phật tử Từ Vân, nhưng chỉ với hình thức một nông thiền. Mãi đến năm 2013 được sự cho phép của UBND tỉnh Bình Dương và đặc biệt sự quan tâm giúp đỡ của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, thiền trang đã chánh thức được công nhận là thiền viện, sinh hoạt tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chư huynh đệ chúng ta đã vượt qua giai đoạn ban đầu đốn cây, dựng nhà tạo nên một thiền trang ấm áp giữa rừng cao su bạt ngàn, kết duyên Phật với nhau trong sắc màu xanh tươi. Đến giai đoạn thứ hai, lại một lần nữa chúng ta chung vai sát cánh bên nhau đắp nền, đóng vách, lợp mái, ròng rã ngày đêm trải qua 7 tháng không ngừng nghỉ, để có được một đạo tràng như hôm nay. Tất cả đều nhờ vào sự nhiệt tâm đóng góp công sức và tài lực của Tăng Ni Phật tử cùng các anh em thợ hồ thợ mộc trong đội thi công. Chính từ những thành quả thiết thực này tạo nên công đức khai mở, nuôi dưỡng, phát huy mạch sống thiền nơi đây. Thật là niềm vui lớn đối với Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo tỉnh Bình Dương nói chung.

Thiền viện không nguy nga tráng lệ nhưng trang nghiêm tuấn nhã, không màu sắc thanh tân nhưng đậm đà chân quê như chính tâm hồn mộc mạc của những thiền sinh một lòng cầu đạo.

Có thể nói đây là một kiến trúc thuần Việt, đậm nét dân dã quê hương. Ở đó còn có cả tấm lòng của Tăng Ni Phật tử ngưỡng mộ tu thiền, chờ đợi bao nhiêu năm qua để có được một ngôi nhà tâm linh, là chốn trở về, là nơi nương tựa vững chắc của khách hữu duyên sau những năm tháng mỏi mệt với cuộc sống phù du.

Danh hiệu Trúc Lâm Thanh Nguyên đã được Hòa thượng Tôn sư chứng thuận với hai ý nghĩa. Thứ nhất, đây chính là tôn hiệu của thiền sư Thanh Nguyên, một thiền sư Việt Nam thuộc tông Tào Động, sống vào thời Nguyễn tiền bán thế kỷ thứ 19. Ngài là ngọn đuốc sáng trong dòng thiền nước Việt, là tấm gương về sự thâm chứng ngộ đạt và cẩn trọng khiêm cung. Thỉnh tôn hiệu Ngài đặt cho Thiền viện cũng không ngoài chủ ý mong cho chư Tăng Ni, Phật tử nơi đây noi theo tấm gương sáng của người xưa mà nỗ lực tu học. Thứ hai, chính là ý nghĩa của hai chữ Thanh Nguyên. Chữ Thanh nghĩa trong sạch thanh tịnh, chữ Nguyên nghĩa là cội nguồn. Trúc Lâm Thanh Nguyên chính là nguồn tâm trong sạch nơi mỗi chúng ta. Về Thiền viện là về với nguồn tâm của chính mình. Với ý nghĩa đó hy vọng Thiền viện sẽ là nơi dừng nghỉ an ổn nhất cho bao khách tha hương.

Sự ra đời của Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển và hòa hợp của Phật giáo tỉnh nhà trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội. Hy vọng Trúc Lâm Thanh Nguyên sẽ là một viên gạch trong ngôi nhà Phật pháp tại nơi này, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho Giáo hội và đạo pháp trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, tịnh hóa nhân gian. Từ đây Phật giáo tỉnh Bình Dương có thêm một ngôi già-lam chung vai sát cánh với Giáo hội trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, hành Như Lai sứ tác Như Lai sự.

Thiền phái Trúc Lâm có thêm một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, là nơi tu học cho Tăng Ni, Phật tử hữu duyên với thiền tông.

Với sự gia hộ của Tam bảo, nương uy đức và phước trí của Hòa thượng Tôn sư, sự quan tâm giúp đỡ đầy đạo tình của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, chư vị Lãnh đạo Đảng, Chánh quyền tỉnh Bình Dương, huyện Phú Giáo và địa phương sở tại, cộng với sự phát tâm hỷ cúng của quý Phật tử, Thiền viện đã được xây dựng và hoàn thành mỹ mãn trong thời gian sớm nhất. Sự tận tụy và đồng tâm hợp lực của chư Tăng Ni cũng như công đức hộ trì Tam bảo của tất cả quý vị thật vô cùng cao quý. Chúng tôi xin thành tâm cảm niệm tri ân.

Sự có mặt của ngôi Thiền viện nơi vùng sâu vùng xa chính là niềm vui của Phật tử Phú Giáo nói riêng và Phật tử Bình Dương nói chung. Sự kiện này cho thấy công đức pháp hóa của Hòa thượng Trúc Lâm ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào tâm thức của những người con Phật. Thiền tông Việt Nam đã và đang có mặt khắp nơi trên đất nước thân yêu. Chúng tôi xin được gởi gắm niềm tin đến chư Tăng Ni và Phật tử nơi đây, mong tất cả hãy vâng theo di huấn của đức Phật, cảm trọng ân đức của Hòa thượng Ân sư, luôn sống đúng với tinh thần hòa kính, tu theo đường lối chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm do Hòa thượng Ân sư chỉ dạy.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, thay mặt Hòa thượng Tôn sư, thay mặt Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm, chúng tôi xin trân trọng kính mừng Lễ Khánh thành - An vị Phật Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Một lần nữa xin thành kính tri ân chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự huyện Phú Giáo, các cấp chánh quyền địa phương sở tại, rất mong quý Ngài tiếp tục quan tâm giúp đỡ cho thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên trong những giai đoạn sắp tới.

Đồng thời cũng xin gởi đến gia đình Phật tử Từ Vân lời chúc nguyện thân an tâm lạc, Bồ-đề tâm kiên cố, luôn vững tiến trên bước đường học đạo tu nhân, cùng gởi đến toàn thể quý Phật tử lời tán dương công đức, quý vị là hàng đệ tử hộ đạo của đức Phật, luôn có mặt và đồng hành với chư Tăng Ni trên bước đường hộ trì chánh pháp. Tất cả công đức có được nguyện hồi hướng về cho pháp giới chúng sanh hàm triêm lợi lạc.

Kính nguyện Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, Thiền phái Trúc Lâm sống mãi trong lòng Phật giáo và Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG TVTL CHÁNH THIỆN

chanhthienbanner

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH THIỆN
Ngày 29-11-2014 (Mùng 8-10 Giáp Ngọ)

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

- Kính bạch Chư Tôn Giáo Phẩm lãnh đạo trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chư Tôn Đức lãnh đạo Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Thuận, các tỉnh bạn, huyện thị địa phương.
- Kính bạch toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni hiện diện.
- Kính thưa Quí vị khách quý lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp và địa phương sở tại cùng các đạo tràng Phật tử trong và ngoài nước.
- Kính liệt Quý vị.

Lời đầu tiên, xin thay mặt Ban Tổ chức, chúng con hướng về 10 phương Tam bảo, với tất cả  lòng thánh kính hướng về Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ cùng Chư Tôn Giáo phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni thành kính đảnh lễ. Ngưỡng nguyện từ lực Tam bảo và Hòa Thượng Tông Sư cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni gia bị cho Phật sự nơi đây được thành tựu viên mãn.

Chúng tôi cũng xin gửi lời chào trân trọng đến Quý quan khách đại diện cơ quan ban nghành các cấp cùng toàn thể Quý Phật tử đã dành ít thời giờ quý báo về đây tham dự buổi lễ.

- Kính thưa Quý liệt vị.

Hôm nay, ngày mùng 8 tháng 10 năm Giáp Ngọ, Ban Quản Trị  Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tổ chức lễ đặt đá chính thức xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận – là ngôi Thiền Viện đầu tiên của hệ phái Trúc Lâm được xây dựng tại miền Trung Nam Bộ.
Ngày hôm nay, còn có thể xem là ngày kết tinh của bao tâm nguyện, lòng khát ngưỡng của đông đảo Phật tử trong và ngoài nước, không chỉ đối với những người hâm mộ tu tập theo Thiền Tông Việt Nam do Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ chủ trương, mà còn là niềm hân hoan vui mừng của những người con Phật trong tỉnh Bình Thuận nói riêng và miền Trung Nam Bộ nói chung. Sự kiện trọng đại ngày hôm nay chính là hoa trái đầu mùa, vượt qua bao chướng duyên ở mảnh đất Chánh Thiện mà hàng môn hạ đệ tử của Hòa Thượng Trúc Lâm cùng Hòa Thượng Thường Chiếu kính dâng lên các Ngài - biểu hiện lòng thành kính đối với Thầy Tổ đã cưu mang và chỉ dạy trong suốt bao năm qua. Giờ đây tâm nguyện của Hòa Thượng về việc xây dựng mới một ngôi Thiền Viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử ở miền Trung Nam Bộ giờ đây đã bắt đầu được hình thành.

-  Kính bạch Chư Tôn Đức.

- Kính thưa liệt Quý vị .

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm cho nên Thiền Tông cũng có mặt ở nước ta từ lâu đời. Đến thời Lý Trần thì Thiền Tông đã bước sang giai đoạn cực thịnh. Trang sử vàng của dòng Thiền nước Việt theo đó ngày càng phát huy rực rỡ.

Ngày nay, trang sử Phật Giáo Việt Nam vẫn còn minh chứng một cách hùng hồn về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Là một dòng Thiền mang đậm chất Việt Nam, là một ông vua Phật – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người con của đất Việt. Một dòng Thiền đã mở ra trang sử huy hoàng cực thịnh cho Phật Giáo Việt Nam. Đồng thời cũng nói lên ý nghĩa Phật Giáo không rời xa dân tộc, tự chủ quật cường cho lịch sử vàng son của dân tộc đời nhà Trần trong thời dựng nước và giữ nước. Một thời đại đã tạo nên chiến công oanh liệt với kỳ tích vang lừng mà cả thế giới xưa và nay đều công nhận. Đó là ba lần đẩy lùi, đánh bại quật ngã ba đợt tiến quân xâm lược của giặc Nguyên Mông phương bắc Thành Cát Tư Hãn – một đế quốc hung bạo thời bấy giờ. Đem lại nền độc lập tự chủ, tự cường cho con dân đất Việt trong suốt mấy trăm năm hòa bình thịnh trị.

Trải qua bao thời đại thăng trầm của đất nước, Phật Giáo Việt Nam nói chung và Thiền học Phật Giáo Việt Nam nói riêng, cũng đã từng chịu ảnh hưởng theo chiều thịnh suy của thời cuộc. Tuy nhiên trong dòng sanh diệt biến thiên của cuộc đời, luôn luôn hàm chứa và ẩn tàng một sức sống mãnh liệt, đầy tính năng động và sáng tạo. Mỗi lần dừng lại là để củng cố tiềm lực bên trong mà người xưa đã từng nói: “Lùi một bước là tiến xa vạn dặm”.

Vì vậy, Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ là Tông Chủ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã quyết tâm thực hiện hoài bão ôm ấp từ lâu – khôi phục Thiền Tông Việt Nam, lấy tinh thần Phật Giáo Thiền Tông đời Trần, cốt lõi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là kim chỉ nam. Là bản đồ cho mọi công trình giáo dục Tăng Ni Phật tử, hoằng dương đạo pháp. Sau nhiều năm tháng tìm tòi và phát minh tâm địa, Hòa Thượng đã đúc kết Thiền Tông đời Trần có những nét tiêu biểu đặc sắc như sau:

1 - Người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm này là vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh đã từng lãnh đạo quân dân chiến thắng quân Nguyên Mông. Khi đất nước đã sạch bóng quân thù, Ngài từ bỏ ngôi vị Thái Thượng Hoàng, lên non Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, dung hợp ba dòng thiền thời đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, mà Ngài chính là Sơ Tổ.

2 - Thời nhà Trần, Thiền được đưa vào đời sống, phục vụ đất nước và nhân dân. Nhiều vị Thiền sư đã chọn lối sống cư sĩ, vừa làm việc đời việc đạo – như Tuệ Trung Thượng Sĩ khi đất nước có binh biến, các Ngài cũng tùy duyên mà hành xử.

3 - Tinh thần Thiền Tông đời Trần lấy “Phản quan tự kỷ” làm kim chỉ nam cho sự tu tập. Khi còn là Thái tử, vua Trần Nhân Tông một hôm hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ yếu chỉ của Thiền là gì ? Tuệ Trung nói: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc” tức là soi lại chính mình, đó là phận sự chính, là việc bổn phận, không phải từ bên ngoài mà được. Đó là bổn phận của chính mình mà cũng chính là Tông chỉ của nhà Phật nói chung và Phật Giáo đời Trần nói riêng. Bằng sự kiên định vững vàng và bầu nhiệt huyết muốn khôi phục lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa Thượng Tông Chủ Thiền phái Trúc Lâm đã vượt qua bao trở ngại, chướng duyên để cho hoa Thiền nở rộ trên đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới Châu Âu và Bắc Mỹ,v.v…

Gần đây gia đình Phật tử Mai Văn Bình, Pháp danh Chánh Lạc Tâm thấm nhuần ân giáo dưỡng của Hòa Thượng Tông Sư và Chư Tôn Đức Tăng Ni Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nên đã phát tâm tùy hỷ cúng dường một thửa đất để thành lập ngôi Thiền Viện tại địa phương này, ngõ hầu cho Phật tử hâm mộ tu Thiền theo dòng phái Trúc Lâm Yên Tử có chỗ nương tựa.
Hôm nay duyên lành hội đủ, được sự chấp thuận của các cấp Chính quyền và Giáo Hội, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện chính thức được công nhận và khởi công xây dựng. Từ đây Phật tử vùng này có nơi trở về cùng tu tập theo đường lối Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Tông Sư và Chư Tôn Đức Tăng Ni hàng môn hạ của Ngài. Sự ra đời của Thiện Viện Trúc Lâm Chánh Thiện là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển và hòa hợp của Phật Giáo tỉnh Bình Thuận, trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo Hội. Hy vọng Trúc Lâm Chánh Thiện sẽ là một viên gạch trong ngôi nhà Phật pháp tại nơi đây, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho Giáo Hội và đạo pháp trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh.

Giờ này, trong không khí trang nghiêm với bao tấm lòng đang hân hoan đón mừng, thay mặt Ban Tổ Chức, chúng con xin được long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện.

Nguyện cho 10 phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, Chư Thiên Long Thần Bát Bộ Hộ Giới Già Lam thường ở  khắp 10 phương ngày hôm nay thương tưởng chúng con quang giáng đàn tràng thùy từ gia hộ cho Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện sớm được hoàn thành, thỏa lòng mong mỏi của đồng bào Phật tử gần xa.

Trước khi dứt lời, chúng con xin chân thành tri ân sự hiện diện chứng minh của Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni, chúng tôi xin cảm tạ sự hiện diện của chư liệt vị khách quý và toàn thể Phật tử gần xa. Kính chúc Chư Tôn Đức cùng toàn thể Quý liệt vị thân tâm thường an lạc.

Trân trọng kính chào Chư Tôn Đức và Quý liệt vị.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

ĐẠO TỪ CỦA HÒA THƯỢNG TÔNG SƯ

ĐẠO TỪ CỦA HÒA THƯỢNG TÔNG SƯ
LỄ KHÁNH THÀNH TRÚC LÂM THANH NGUYÊN

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni,

Cung kính ngưỡng bạch Thầy,

Vâng lời Thầy dạy trong công tác xây dựng các thiền viện, chúng con đã ngày đêm khẩn trương thi công để thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên có thể Khánh thành trong thời gian sớm nhất. Vì Thầy lúc nào cũng mong muốn Tăng Ni đi vào nề nếp tu học càng sớm càng tốt. Như Thiền sư Đại Giác đã dạy “Thời gian không hẹn, mạng người khó bảo tồn. Nguồn tâm nếu đục, đường trước lại mờ, cơn bệnh chợt đến, vô phương chống đỡ. Khi ấy lo lắng ăn năn thì đã quá muộn, chưa lúc nào bằng lúc này. Mỗi người chúng ta gắng tự nỗ lực. Nên biết hạnh lành chẳng chất chứa, danh đâu thơm nức. Một pháp chóng sáng, muôn duyên tỏ rạng”.

Hôm nay thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên đã hoàn thành viên mãn công tác xây dựng, toàn thể chúng con hàng môn hạ của Thầy, đồng lòng cung thỉnh Ân sư chấn tích quang lâm thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên chứng minh khai mạc Đại lễ Khánh thành. Chúng con một lòng quy ngưỡng về Hòa thượng Ân sư, đê đầu đảnh lễ cảm bội ân đức của Thầy. Lòng bi mẫn của Ân sư mãi là từ lực tiếp sức cho chúng con và chúng sanh trong suốt cuộc hành trình tiến đến Phật đạo. Ngưỡng mong trên Thầy thùy từ lân mẫn chứng tri cho lòng thành của chúng con.

Dưới đây, chúng con xin phép trích đọc một đoạn lời dạy của Thầy năm xưa, để sách tấn chư huynh đệ hôm nay trên bước đường tu học:

Kể từ hôm nay, chúng tăng đã bớt phần lao nhọc, chỉ còn chăm sóc vườn cây và gieo trồng rau cải để tiêu dùng hàng ngày. Thế thì chúng tăng phải dồn hết tâm lực vào việc tu học, là việc bổn phận của mình. Người tu theo đạo Phật, ai ai cũng khao khát được học chánh pháp, được có nơi an ổn tu hành. Nơi đây hiện giờ có đủ hai yếu tố này, tăng chúng không còn chần chờ lo ngại gì nữa, nên hạ quyết tâm tu cho được sáng đạo mới mãn nguyện của mình và khỏi hổ thẹn một đời làm tăng sĩ.

Những năm cuối đời, tôi mong được trông thấy khu vườn thiền tông, những đóa hoa nở rộ thơm ngát và kết nhiều chùm quả chín mọng ngọt ngào. Được vậy tôi mới an lòng toại nguyện khi ra đi. Đó là lời nhắc nhở của tôi gởi đến chư tăng tại nơi này.