headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 13/10/2024 - Ngày 11 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TỌA THIỀN

toathien1Thầy Viện chủ trực tiếp chỉ dạy phương pháp ngồi thiền.

Một sáng Thầy dạy chung cho toàn chúng cách thức tổng quát trong khi ngồi thiền. Việc này thật ra không phải là việc mới lạ đối với đời làm Tăng. Nhưng ở đây có khác, thì mới hay ra từ lâu mình tu tập trên thế ngồi không đúng pháp. Thầy giảng giải về ý tứ trong lúc ngồi mới thấy giật mình. Ngồi không đúng pháp vẫn bị ảnh hưởng đến thân tâm. Thân xác sẽ sanh bệnh, tâm thần sẽ bất ổn. Theo kiểu "tu mù luyện quáng" bất kể phải quấy thật là nguy.

Một việc làm xem ra đơn giản mà thật không đơn giản chút nào. Thấy ngồi yên như ông Phật trên bàn, xem như dễ, khoẻ quá chừng, nhưng khi đi vào nghề nghiệp mới hay ra không phải là dễ là khỏe. Ðã là "nghề" ắt trong đó phải có nhiều vấn đề, nhiều việc lắm. Vì vậy việc học tập này cũng phải mất nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều mà học xong, luyện xong.

Thầy chỉ dạy những điều căn bản tổng quát rồi theo đó mà tập. Trước khi vào ngồi phải giữ thân tâm thư thái làm sao? Khi vào ngồi phải bắt đầu như thế nào? và khi ngồi phải dụng công ra sao? Nguồn hơi và tâm ý thế nào? Rồi khi xả thì phải xả làm sao? Xả cái nào trước cái nào sau? Còn xoa nắn, phải biết cách xoa nữa… biết bao việc như vậy phải ráng mà tập, để rồi thiếu sót chỗ nào, hay gặp trục trặc hoặc có tình trạng nào khác lạ Thầy sẽ chỉ dạy thêm sau.

Từ đây mới thấy rõ ràng, giá trị một người Thầy thật là quan trọng. Ðáng tiếc cho những người tu mà không có Thầy nên "tu mù", không khéo hay sinh ra những chuyện đổ vỡ nửa chừng, họa đến thân tâm.

Thầy đã chỉ dạy qua rồi, toàn chúng ghi nhận đi vào thực hành.

NGHI THỨC TỌA THIỀN

Trước khi ngồi thiền, toàn chúng vân tập trước Tổ đường, xá Tổ.

Lên Thiền đường, hướng về đức Phật đảnh lễ Tam Bảo. Duy na xướng, toàn chúng đảnh lễ 3 lạy.

Mỗi người ngồi theo vị trí của mình. Ngồi trên bồ đoàn, nệm, mặt hướng vào tường.

Sau khi xả, ngồi yên tại chỗ, đồng tụng một biến kinh Bát Nhã. Ðứng lên lễ Tam quy, rồi lui. Trở về hậu Tổ, xá Tổ. Thời tọa thiền như vậy là xong.

1- Thực tập

Trong số chúng hầu hết đều đã có tập ngồi qua khi ở chùa, nên chân cẳng tương đối dễ chịu, mềm. Chỉ có một người xem ra còn "cứng cỏi", chân gác tréo kiết già không muốn lên, đã lên mà gối cách đất cả gang, xem chừng khó khăn lắm. người ấy là Thầy Phước Tú. Thầy xem qua mà thấy tức cười.

Tuy vậy nhờ dụng cụ: nệm, bồ đoàn nên việc ngồi cũng được.

2- Ðiều thân

Trong việc ngồi tu ở giai đoạn này các Thiền sinh gặp phải những việc khó khăn từ duyên ngoài: chân cẳng, muỗi ruồi, khí hậu là những việc quanh về thân. Giai đoạn điều thân này thật là gay cấn.

- Ðôi chân: Ðúng theo thời qui định, giờ ngồi ít nhất là 1 giờ. Nhưng vì còn mới, Thầy cho ngồi 45 phút. Ðây là khoảng thời gian khiêm nhường đối với việc rong chơi hay lao động. Tuy vậy trong việc ngồi thiền thì có khác. Hãy nghe đôi chân nói về khoảnh thời khắc "phù du" ấy.

Ngồi ngày đêm bốn thời, là một sự tu tập rất đắc lực so với việc tu ở chùa, và với thời gian 45 phút cũng là thời gian đáng kể với người mới tập ngồi. Trong bộ Phật học phổ thông, khi dạy đến tọa thiền thì nêu ra thời gian cho buổi đầu là 15 phút. Ở đây những 45 phút là gấp 3.

Không riêng gì một người nào, mà hầu hết cả chúng đều nghe đôi chân mình rên rỉ. Nó lằng nhằng, nó than thở đủ điều. Ngồi nó đau chi lạ.

Khi ngồi đã có Thầy chăm sóc tới lui, vậy mà nó không chịu yên. Nó muốn buông ra buông ra. Nghe kẻng đổ xả thiền, chân cẳng chúng mừng biết nói sao, có người không theo thứ lớp xả nữa, một hai ba nhấc chân bỏ xuống liền.

Bỏ chân xuống rồi, nhìn chân cười lắc đầu rờ rờ những chỗ khuyết lủng trên da thịt xuýt xoa. Chưa thôi, còn tìm thông cảm bên huynh đệ nữa chứ. Nhìn chân cẳng người rồi mới nói lên lời thông cảm, và tạo thành ồn náo, khiến sau đó Thầy phải rầy chỉnh lại.

Vì lý do chân cẳng đau, nên huynh đệ thường hay tâm sự về việc này. Chưa thôi, khi bên Thầy nghe răn nhắc sách tấn việc công phu cũng không quên than thở với Thầy: Ngồi đau quá đến chừng nào mới hết, thưa Thầy? Thầy cười bảo: Một thời gian. Thầy trả lời gọn như vậy.

Một thời gian, "một thời gian" là bao lâu? Chúng đang chờ đợi hết cái "thời gian" đó. Ðã mấy tháng trôi qua, thời gian ấy cũng vẫn là thời gian ấy.

Mặc dù Thầy không ngớt an ủi khích lệ, nhưng cái đau vẫn chưa thôi, vì thời gian ngồi cứ tăng lên. 45 phút rồi 50…55, cứ mỗi 5 phút 1 lần tăng thôi. Ðơn giản lắm, nhưng mà 5 phút đá vàng ấy, các Thiền sinh đều nhăn mặt trong 5 phút ấy.

Thầy thật kiên nhẫn, phải nghe lũ môn đệ rên rỉ hoài về việc này, để rồi buộc Thầy phải kể lại thời gian tìm tu lao nhọc của Thầy cho chúng nghe. Nghe qua việc quyết tâm hành trì, cắn răng cắn lợi hành trì ở Thầy, chúng nghe chừng sự ê ẩm chân cẳng của mình nhẹ đi.

Thầy cũng nói lên tâm lý của người tu là luôn luôn có vị trạng sư bên cạnh lý luận bên vực việc không nên chịu đau thái quá. Lý luận rằng: Nó mà đau quá sẽ sanh bệnh thì sao? Ai bắt mình phải chịu đau vô lý như vậy? Buông ra đi có khoẻ không? Tu đâu phải ở chỗ ngồi, chỗ nằm. Ðâu nghe Lục Tổ nói: Tu đâu cần trì giới, hạnh thẳng nào dụng tham thiền?.v.v… Tu từ từ, tu lai rai, tu nhiều ngày nhiều tháng đâu phải chỉ tu một ngày sao? Ráng quá nó đứt gân máu chết bất tử thì còn gì tu? v.v… Nó mượn lý luận dẫn từ phàm đến Thánh mà tự lý luận để bỏ cuộc trong sự hợp tình hợp lý, hợp sự lừa đảo yếu đuối.

Rồi Thầy lại dạy: một khi tréo chân lên, là một phen xem như mình đã chết. Phải dán chữ tử trên trán. Nói chết chứ không chết đâu mà sợ. Phải quyết liệt như ngài Hoàng Bá dạy:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tố nhứt trường
Nhược bất nhứt phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỉ hương.

(Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Ðầu dây nắm vững giữ lập trường
Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương).

Mặc cho Thầy đem việc xưa nay khích lệ "anh hùng trên tọa cụ" gì gì, thì cái đau ê ẩm nó vẫn có mặt, và có khi lại quyết liệt nữa, gần như nó thách thức lại với lời Thầy dạy: "Thử coi mày dám chết không?" và thật vậy, vẫn có Thiền sinh chưa dám chết. Nhất là những "bé Thiền sinh" Phước Tú và Trí Cảnh là hai đối thủ vào hạng "gà" lụi xụi chiến "bại" hoài. Việc len lén buông chân không phải là không có, nó đau thấu trời mà! Phải chi "giò" cao su còn đỡ, đằng này chân cẳng đá banh thì chịu, lời biện minh xem ra chừng hợp lý đấy!

Tuy vậy, cũng có lúc "anh hùng" quật khởi chiến đấu đến cùng, gồng mình chiến đấu.

Bên kia Trí Cảnh "tướng núi" mang danh nổi máu đấu tranh, quyết giật giành thắng lợi, mình mẩy run bần bật như mắc kinh phong. Mặc tay Thầy tiếp sức ấn đẩy truyền thần công. Thế mà sức phản trả mạnh hơn bật luôn cả tay Thầy văng tay khỏi đảnh.

Bên này Phước Tú bậm môi cắn răng, rướm nước mắt, ấn tay chịu đựng. Nhưng… không được nữa rồi, cuộc thua báo hiệu. Qua ngấn lệ, Tú ngẩng lên trông qua cửa sổ, nhìn vào chú chim sâu nhảy nhót hút nhụy hoa tràm, để thư giãn như buông lỏng sự đấu tranh. Tú cười.

Và sau đó, một cơn thiền quyết liệt bên kia Trí Cảnh "quá mức ghi vôi" chợt phát lên tiếng khóc ồ.

Trí Cảnh đã khóc như "trận giặc bồ đoàn" .

- Chúng giật mình quay lại để xem bạn có gì lạ, hầu trợ giúp cho nhau.

Nhưng chẳng có gì lạ! Chỉ là chịu đau không thấu, tủi thân trách phận mà đổ lệ đấy thôi!

- Chúng không dừng được (đạo lực còn sơ sài) quay lại xúm cười ồ. Thời thiền bị "bể" luôn.

Ðây là một kỷ niệm êm đềm, không kém phần "đau đớn" cho đời Thiền sinh, một kỷ niệm khó quên.

Thế là chính Thầy Trí Cảnh đã làm động buổi hành thiền. Ðến kỳ thỉnh nguyện, Thầy Trí Cảnh phải ra trước chúng sám hối. Thầy Viện chủ phạt phải lạy sám hối 3 ngày.

Sau đó, một buổi chiều nhạt nắng, Thầy trò xúm xít bên đồi Tự Tại. Thầy nhắc lại việc ngồi Thiền, hỏi qua sự tiến thoái từng người. Rồi Thầy nói: Trong đây có hai chú, một chú ngồi đau thì cười, một chú ngồi đau thì khóc. Phước Tú cười, Trí Cảnh khóc. Và Thầy hỏi: "Chú Phước Tú, ngồi thiền đau như thế nào?" – Dạ! đau như lúc tứ đại phân ly.

Thầy cười to: "Chú đã từng chết chưa mà biết lúc tứ đại phân ly?" Cả Chúng cười ồ.

Thế là chẳng còn ai biết ngồi đau như thế nào.

Tuy vậy Thầy vẫn nói : - Ai muốn biết ngồi Thiền đau như thế nào hỏi chú Tú ấy!

Ruồi Muỗi Gió Nắng:

Việc chân cẳng đã vậy, lại còn thêm ba cái chuyện lẻ tẻ bên ngoài thân. Ruồi, muỗi, gió, nắng (khí hậu) gây "khổ" cho Thiền sinh không ít.

Ban ngày thì ruồi, các bạn này có một hành trình kỳ lạ, chúng cứ nhè mặt mũi Thiền sinh mà du ngoạn. Khóe mắt, lỗ mũi, khoé miệng là những vùng thung lũng đầy hương hoa của các chú sao ấy?

Thật khó chịu làm sao! Nhưng nào được cục cựa. Một phen ngồi là một phen chết - Thầy đã dạy. Thiền sinh mới bắt đầu, sức nội tỉnh chưa có nên cũng dễ phát quạu với các "ca" này. Nó mà bu miệng những muốn cắn nát đi cho rồi. Bực mình làm sao ấy! Các Thiền sinh cảm thấy khó chịu. Ngồi mà không yên, thỉnh thoảng lại phải nhíu mày. Nhưng rồi không chịu đựng được cũng phải chịu.

Rồi đêm xuống, các thím muỗi cùng rủ nhau trỗi nhạc, phất cờ kéo thăm mạch tiêm thuốc cho các Thiền sinh. Các cô y sĩ này chắc không phải xuất thân từ trường thuốc, là loại học lỏm sao ấy, hay là y sĩ dân tộc khoa châm cứu sao đó, mà các cô đụng đâu chích đó, đụng đâu ghim đó, chẳng có chỗ nơi nhất định nào. Một sự tiêm chích bừa bãi như vậy khiến các Thiền sinh thiếu điều nhảy nhỏm, muốn vọt khỏi bồ đoàn. Các Thiền sinh cũng ức lòng lắm đó, nhưng ngặt chữ "Tử" đã dán lên trán rồi, tay chân không được ngọ ngoạy - Chết mà! À vậy là, cứ mặc cho các chị tiêm chích tha hồ. Có đau thì tạm thời nhăn mặt cho đỡ quạu.

Và rồi, có khi các anh chị kiến đi lạc, tưởng lưng đùi nách cổ Thiền sinh là cục bột hay cục đường gì đó mà mặc tình cắn rứt. Chà mấy con vật lí nhí này, làm phiền các Thiền sinh không ít. Chúng thật vô lễ không biết phải quấy là gì. Của này là của đàn na tín thí thế mà chẳng biết tội phước là gì cứ đeo mà cắn rỉa.

Tội nghiệp! dù có phàn nàn, Thiền sinh cũng phải ráng chịu cho qua cơn, để gọi là trả nợ cho đàn na.

Ðã hết đâu! Lũ chúng sanh nơi trần thế đã vậy. Mà cho đến ông trời cũng không chịu "tọa thị bàng quan" lại xỉa hùn vào cái trò chơi oái ăm nữa. Nắng gió, thời tiết đổi thay đã làm phiền các Thiền sinh không ít. Thiền sinh an tọa nghiêm chỉnh vững vàng trên bồ đoàn để những mong nhập "cảnh giới Phật" thì ông trời lại nổi ghen phá đám cản trở. Những luồng gió phẫn nộ quất vào lưng vào người Thiền sinh thiếu điều ngã rạp. Những cơn gió biển thật bất thần khiến không kịp khép cửa. Gió đã làm ảnh hưởng không ít cho việc ngồi thiền. Chính Thầy Phước Tú bị nhiễm gió vào các khớp đầu gối lắc léo mà không hay biết nên sanh ra đau nhức lạ thường như vậy (việc này mãi sau mới khám phá ra). Vì vậy gió là một sự trở ngại lớn cho việc ngồi thiền.

Hết gió rồi lại đứng gió: Trời đứng gió nực mưa đó là lúc mà các Thiền sinh lấy làm khó chịu nhất. Vì nó ảnh hưởng đến nguồn hơi thở. Chứ không phải ngoài da thịt. Một buổi thiền như vậy rất hao ca-lo-ri. Trong những lúc như thế này Thiền sinh những muốn đứng lên bỏ ra ngoài cho rồi! Nó bực gì đâu ấy! Nhưng rồi Thiền sinh cũng ráng mà chịu. Vì nghe rằng: nỗi khổ nhọc nóng bức trong nhà tam giới vẫn còn hơn.

Hai con mắt: Sau những ngày tháng vất vả với đôi chân, Thiền sinh lại được nhẹ nhàng đôi chút. Chân cẳng bớt đau, sự ngồi được dễ dàng hơn. Nhưng một việc khá phiền đến nữa, đó là cơn ngủ gục.

Tuy rằng trong giờ ngồi thiền có giám thiền canh chừng. Vị giám thiền trong tay sẵn một cây trúc bề (cây bê) – như một cây kiếm cụt bằng gỗ), Thiền sinh nào ngủ gục thì giám thiền đến sau nhịp bê trên vai và đập mạnh một bê. Ðó là đập "con buồn ngủ" . Vậy mà có vị vẫn gục tới gục lui. Trong số này Thầy Phước Tú là dẫn đầu.

Với Thầy Phước Tú mặc dầu được Ân sư chỉ dạy cách đối trị mà vẫn không hiệu quả mấy. Cuối cùng Thầy Viện chủ mở rộng phương tiện cho Thầy ra bên ngoài ngồi. Vì rằng khoảng này Thiền đường đã được đóng lưới ngăn muỗi. Lưới sẽ làm cho không khí hầm hầm, đây cũng là duyên sanh ra dễ buồn ngủ.

Ra bên ngoài, có gió làm lạnh mát, thoáng đỡ gục hơn. Vả lại, có thêm muỗi canh chừng, giúp thức tỉnh. Thầy Phước Tú vì thế khá hơn, cơn gục được giảm thiểu. Tuy vậy cũng chưa phải hết. Dù thế, đây không hẳn là hoàn toàn bất lợi trong việc tu của Thầy, mà còn là một việc may cho Thầy cho Tu viện.

Với Thầy - nhân một cơn thiền trong lúc mơ màng mà bất chợt lóe sáng được đường vào, nhận ra pháp tu rõ ràng.

Từ đây, con buồn ngủ ở Thầy bay đi và nghiệp chướng được tiêu mòn nhanh chóng.

Với Tu viện – trong cơn nhập "mê ly định" mà phát hiện được ăn trộm và Thầy đã bắt được tên đệ tử đạo chích ấy đã chích hầu bao đệ tử đạo Thiền.

Vai trò Thầy trong nỗi khó khổ của Thiền sinh

Thầy đã nhận là Thầy thì bổn phận làm Thầy phải được đặt ra, theo dõi để chăm sóc cho Thiền sinh là một điều tối quan trọng ở một Viện chủ. Như một lương y với bệnh nhân. Thầy luôn để mắt đến Thiền sinh nên Thầy đã rõ được những nỗi khó khổ mà Thiền sinh gặp phải.

Qua sự trình bày của Thiền sinh, có khi Thầy dạy thật nhiều, có khi Thầy chỉ phớt qua, hay chỉ mỉm cười. Nhưng tác dụng của nó không khác nhau, lúc nào cũng có hiệu quả. Thiền sinh đều cảm thấy được hóa giải, được nhẹ đi. Dầu vậy đừng cho rằng : "Thầy đã sử dụng tâm lý với môn đệ". Ðừng nghĩ vậy mà lầm! Ðó chỉ là thủ thuật vì hóa giải cho con bệnh qua cơn hoành hành. Với lối dạy đệ tử này, Thầy dạy bằng cả sự chân thành thiết yếu. Hãy thấy rõ điều này ở một vị Chân sư.

toathien2

Thầy có dạy là dạy vì đệ tử chứ không phải vì Thầy. Cũng như một lương y vì muốn trị cho bệnh hết chứ không vì làm sáng danh. Thầy đã dạy các đệ tử như vậy. Ðó là thái độ chân chính ở một người Thầy cao cả.

Bao nhiêu nỗi khổ sở mà Thiền sinh đã bộc bạch quanh việc ngồi thiền trong buổi đầu, Thầy đã dạy:

Một pháp tọa thiền hội đủ "Lục Ba-la-mật". Tức là đủ Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.

Thầy giảng:

Thế nào là bố thí ? 

Ðã lên bồ đoàn tréo chân ngồi thì ruồi muỗi có bu có chích, kiến có cắn, mình cũng vẫn để yên cho chúng hành động, thì đó là tu hạnh bố thí rồi. Ðã cho nó máu, cho một phần da thịt của mình, đó là "nội thí". Không khởi ý ghét giận tiếc nuối mà tùy thuận, thì đó là đã được bố thí bất nghịch ý. Rồi ở trong một tâm lặng lẽ mà hành thiền (cái tâm không mình không muỗi ruồi kiến máu thịt) thì tức là bố thí Ba-la-mật.

Thế nào là trì giới ? 

Ðã lên bồ đoàn tréo chân rồi, giữ yên vị trí, nên đúng giờ kẻng mới xả. Nhất định không cựa quậy, không xê dịch, không xả sớm, xả trước giờ kẻng đổ. Giữ đúng như vậy tức là giữ giới.

Trong khi giữ mà không khởi tâm lý luận là phải giữ thế này thế nọ, giữ để tu cho được thành, không phải cố gắng giữ, cắn răng giữ mà hồn nhiên tự tại, được vậy là Trì giới Ba-la-mật.

Thế nào là Nhẫn nhục ?

Ðã lên bồ đoàn tréo chân rồi thì muỗi có đốt, kiến có cắn cũng phải ráng chịu. Có nóng nực, có bực bội cũng phải ráng chịu. Có đau nhức ê ẩm cũng phải ráng chịu, đó là Nhẫn nhục.

Trong khi nhẫn nhục như vậy mà không khóc, không cười, không nghiến răng, không cục cựa. Nghe đau buốt mà không hề hấn gì, đó là Nhẫn nhục Ba-la-mật.

Thế nào là Tinh tấn ?

Ðã lên bồ đoàn tréo chân rồi thì giữ đúng tư thế, không để nghiêng không để gục không để thụn người. Từ đầu cho đến cuối vẫn thẳng đứng như vách tường. Với pháp tu không hề xao lãng, bám sát hành liên tục không để thất niệm, không phân tán, đó là Tinh tấn.

Trong khi tinh tấn như vậy không vì thủ thắng, không vì hơn thua, không vì gìn giữ tăng trưởng. Mà vẫn một mực điềm đạm rõ biết công phu, đó là tinh tấn Ba-la-mật.

Thế nào là Thiền định ?

Ðã lên bồ đoàn tréo chân rồi, thì an trụ trong pháp tu, dù duyên trong duyên ngoài đến cũng chẳng màng. Như gió có thổi cũng chẳng nhúc nhích. Lắng sâu vào trong pháp, để chỉ còn có pháp, ngoài ra không còn gì nữa. Ðó là Thiền định.

Trong khi Thiền định như vậy, mà không có tâm quên dứt, không có tâm an định, không có pháp an định, tức là Thiền định Ba-la-mật.

Thế nào là Trí huệ ?

Ðã lên bồ đoàn tréo rồi, thì phát khởi cái thấy biết rõ ràng, không để lầm lẫn ngoài cái thấy biết pháp. Pháp pháp rõ mồm một. Không còn cái thấy biết nào khác, chỉ một cái thấy biết thuần pháp, đó là Trí huệ.

Trong khi Trí huệ sáng soi thuần pháp như vậy, mà không thấy có cái thấy biết, không thấy có pháp, rỗng rang không vật. Không cái thấy rỗng rang mà hay rõ biết khắp, đây là Trí huệ Ba-la-mật.

Một pháp ngồi thiền đơn giản như vậy mà vẫn đủ sáu Ba-la-mật. Thầy đã vén tọa cụ chỉ cho thấy chỗ bí áo trong gối bồ đoàn cho các Thiền sinh, thật là đã hết tình.

Thầy đã khổ công giúp các Thiền sinh vượt qua giai đoạn khá khó khăn ở trên bước đầu. Giai đoạn điều thân là trọng yếu.

Làm thế nào nắm vững tư thế ngồi? Làm thế nào để đạt được thời gian qui định? Và làm thế nào để có được nguồn hơi lưu loát. Một chân khí sung mãn.

Ðể nắm vững những điều này Thiền sinh phải trả bằng một giá khá đắt là hai ký lô thịt mỗi người. Sụt cân xuống ký trung bình ở một người là như vậy đó.

Lý do, không chỉ ra công nhiều mà bù trừ trả lại cái khoảng thời gian "công tử" trước khi vào Viện. Thực vậy, trước khi vào Viện, các Thiền sinh này có khi nào chịu khó thức khuya dậy sớm, ăn uống chừng mực giảm thiểu để dụng công dụng cán gì đâu. Nay lại có đời sống hoàn toàn đổi khác như thế này thì việc xuống ký là hợp lý. Nhưng đó lại là sự xuống ký nhằm "tẩy độc", không hề gì, rồi sẽ lên ký lại không mấy hồi. Ðã có Thầy, như có bà mẹ kề bên thì việc mập ốm có lo gì. Thiền sinh lại an lành chuyển lần vào giai đoạn mới.

Như vậy giai đoạn đã qua tính ra phải mất thời gian 6 tháng mới là tạm ổn. Tạm gọi là quen với việc tu tập trên hình thức, trên việc điều thân.

3 - Ðiều tâm - giai đoạn 1

(Ðây là một giai đoạn tinh vi, một công trình dai dẳng).

Việc điều tâm trên cơ bản cụ thể, Thầy dạy điều hòa hơi thở trước. Nương vào hơi thở để tạm thời có sự ổn định về tâm sinh lý.

Do ổn định được tâm sinh lý nên đời sống tâm hồn trở nên bình hòa, có được sự điềm đạm, bình tĩnh để thấy rõ hơn về chiều sâu tâm ý. Từ đó sự sáng suốt được nẩy nở. Lấy đây làm cơ sở đón nhận Phật pháp.

Tùy theo trình độ thể nhận đạo lý, tùy theo nghiệp lực của mỗi Thiền sinh mà vị Thầy có sự hướng dẫn riêng biệt để Thiền sinh có được lối điều tâm thích hợp.

Ðây là giai đoạn đầu, một giai đoạn tu tập có tính cách gượng ép. Nhưng là một giai đoạn khá cần thiết trong buổi vỡ lòng.

Nói về phương pháp thì giai đoạn này nặng về các pháp quán. Từ những pháp quán trong Ngũ đình tâm quán, đến các pháp quán như mộng như huyễn đều được vận dụng tùy cơ cảm mà hành. Giai đoạn này cũng giống như giai đoạn phá rừng, chỉ mới ra công chém chặt cho bớt đi sự hoang vu, cho cây cối gai gốc xẹp xuống hết, phơi nắng cho khô.

Ðể rồi sau đó mới châm lửa, chỉ một ngọn lửa là thiêu cháy sạch sẽ. Khi ấy thì mặt đất trống trải bày hiện mặc tình gieo trồng tạo huê lợi. Chừng đó mới thấy là có ích lợi, có sự hưởng thụ.

Vì vậy, giai đoạn này ra công chỉ thấy nhọc nhằn thôi, chưa lấy gì làm hứng thú. Dầu vậy việc ra công này không phải là vô ích, chớ vọng cầu, chớ đòi hỏi cao xa mà bất lợi.

Trong lúc này cần phải xác định chí hướng. Phải biết rõ hướng đi của mình "lập chí hành đạo" nhất định phải được đặt ra, phải được xác định rõ ràng không được lầm lẫn.

Về điều này Thầy đã nhắc dạy nhiều. Một hôm có cái duyên cần đem ra chỉ dạy. Thầy chỉ dạy trong tính quyết liệt để nhằm xây dựng chí hướng cho môn đệ. Duyên ấy là một quyển sách thuộc Tịnh độ tông. Sách này được một Thiền sinh mang vào Thiền viện và chuyền tay xem qua.

Thầy biết ra việc này, tối họp chúng, Thầy dạy đem quyển sách ấy ra đốt.

Thầy đã nói việc đốt sách này không phải là đốt sách Tịnh độ, mà đốt một quyển sách ngoài đường hướng của Tu viện, nhằm xác định rõ ràng hướng đi của Thiền sinh. Việc lập chí là việc cần yếu. Vì vậy phải đốt quyển sách kia vì chỉ dạy định hướng cho Thiền sinh. Nếu một Tu viện Tịnh độ nào đó có lọt sách khác vào tông chỉ mình như sách thiền chẳng hạn thì cũng đem ra giữa chúng mà đốt đi.

Phương tiện này ở Thầy vào lúc đó thật là mạnh dạn. Biết việc này sẽ không hay trên dư luận nhưng Thầy không ngại chỉ vì vạch đường chỉ hướng cho môn đệ mà chẳng ngại tổn thương, phải xử như vậy. Việc làm này, là đệ tử phải nhớ đời đời.

Việc này, người có nhiệt huyết, dù không đồng chí hướng, cũng phải coi là một việc cần phải như vậy. Vì giáo luyện cho hạng đồng môn, kẻ sơ cơ mà phải hành động chỉ dạy rõ ràng dứt khoát như vậy.

4 - Ðiều tâm - Giai đoạn 2

Quán chiếu Bát Nhã:

Trong đi đứng nằm ngồi, Thiền sinh được hướng dẫn ứng dụng tinh thần Bát Nhã huân tu, trong 2 phép quán: một là "quán thân năm uẩn không thật", hai là "quán 6 trần không thật". Tất cả trần cảnh đều là tướng duyên hợp như huyễn. Thân này cũng duyên hợp như huyễn. Phải hằng quán như vậy để thấy các pháp như huyễn đạt tánh không, phá tan những mê chấp về thân tâm và cảnh giới.

Việc công phu này dựa trên kinh Bát Nhã và Kim Cang. Từ đây mở ngõ vào nhà thiền.

5 - Ðiều tâm - Giai đoạn 3

Biết vọng. Gọi đủ: Biết vọng liền buông. Công phu này là nhắm trên việc không mắc vọng, vướng vọng. Vọng tức động. Ðộng thì loạn. Loạn thì bất an tức phiền não. Do vậy muốn không phiền não thì chớ loạn, muốn không loạn thì chớ động, muốn không động thì chớ vọng.

Và muốn không vọng thì phải biết rõ vọng, không lầm vọng.

Phương pháp: Vọng khởi lên liền biết. Biết (vọng) thì vọng liền thôi.

Và như vậy "Biết" không có nghĩa là để tâm tiêu diệt, ngăn dứt vọng.

Vọng tức là không thật. Ðã không thật thì không nên trừ. Mà vọng Biết là vọng thì vọng tan. Như sợ ma phát run. Biết "sợ ma" không thật, cái sợ không còn, ngay đó hết run. Cái "sợ" đó chỉ là do "ảo" nên không có gì gọi là trừ . Quan hệ là ở chỗ Biết. Biết tức giác. Giác tức giác cái mê. Thế nên ngay khi Biết thì cái mê không bóng hình.

Biết này thật là thiết yếu. Từ đây khéo chuyển phàm thành thánh không khó.

Quyển luận Nguồn thiền của ngài Tông Mật đã nói rõ lên pháp tu này.

Lối tu hành như vậy, tức là có cái nhìn ngó thường xuyên vào đất tâm của mình. Luôn luôn có sự tỉnh giác mà không lầm vọng tưởng. Vọng có dấy lên, sanh ra, trên đất tâm liền biết, chớ để nó chạy nhảy làm nhầu nát mặt đất tâm mình, làm mất đi sự phẳng phiu tươi mát mặt mũi tâm. Vì thế được cụ thể hóa cái tâm vọng ấy bằng con trâu. Và như vậy nhìn ngó tâm vọng, tức là nhìn ngó con trâu - là chăn trâu.

Ðể thể hiện từng bước của năng lực biết vọng trong nhà Thiền có vẽ thành hình ảnh 10 bức tranh chăn trâu (Thập mục ngưu đồ). Người tu hành theo lối này có thể dựa vào đây để xem biết trước bước tiến của mình.

Ðây là lối tu phổ thông nhất trong nhà Thiền. Và có thể xem đây là lối tu đại biểu cho phương pháp tu thiền theo hệ của Tào Khê - Lục Tổ Huệ Năng.

Lối tu này được coi như là chính tu, một công phu chính của Tu viện. Công phu này được sử dụng trong bốn oai nghi: Ði, đứng, nằm, ngồi kể cả thức và ngủ. Vì đây là dụng công bằng Trí. Biết thuộc về Trí- mà trí thì lìa thức ngủ, lìa động tịnh.

Cái Trí - Biết này thật diệu, khó mà thấu suốt trọn vẹn, không phải nói, lý luận mà biết được. Có hành, hành chân chính mới hay ra.

Tùy vào căn cơ nào cái Trí- Biết này trở thành hoặc đốn hoặc tiệm, thật khó mà quyết định. Tùy người mà nó trở thành, hoặc thật sự là một phương tiện - có là phương tiện rõ ràng như lưỡi kiếm lưỡi đao rõ rệt. Hoặc chẳng phải là một phương tiện, không còn là hình thù, nhưng tác dụng phi thường, nếu nói là cắt chặt thì lại là bén ngót lợi hại gấp trăm ngàn lần lưỡi kiếm, lưỡi đao rõ rệt kia. Vì vậy nên gọi là pháp đốn siêu phương tiện.

Cái chỗ thâm áo này, nhiều người đã lầm, đã đánh giá không đúng mức. Người tu nhận không chính xác, nên hành không có kết quả mấy mà còn có vẻ nặng nề mệt mỏi.

Kẻ học giả nghiên cứu qua loa bên ngoài, không thấy chỗ tâm yếu, bèn xếp vào loại này, loại nọ, đánh giá lệch lạc không dính vào đâu.

Ðâu biết rằng đây chính là công phu Tổ truyền, được diễn dịch cụ thể để có khái niện tạm thời vạch con đường tiến thủ. Nên chỉ căn cứ vào văn chữ để gọi là thể nhận, thì đâu không lầm ý Tổ Sư sao!

Trên đây là lược trình bày những phương pháp rõ ràng được ứng dụng vào việc tu hành ở các Thiền sinh. Và đây là những pháp mang tính cách cơ sở. Tuy cơ sở nhưng không vô giá trị ở giai đoạn cao sâu hơn. Mà nó lại vừa là cơ sở cũng lại vừa phát triển góp phần thành tựu trí tuệ và đạo quả. Nó cũng như là những nét chữ vỡ lòng ở một học trò, nhưng rồi nó cũng là những nét chững chạc ở học trò tốt nghiệp. Nó chỉ khác về vẽ (ngoằn ngoèo hay rắn rỏi) mà tính chất chữ thì không khác. Các pháp tu đây cũng vậy, nói cơ sở hay nói thành quả chỉ nhằm trên thời gian và trình độ thể hội đại đạo mà thôi.

Từ một pháp tu như đây, nếu nghe kinh phát minh đại sự, thì công phu theo đó tự chuyển hóa trở thành nhạy bén linh hoạt hơn. Hoặc từ nơi sự dụng công hành trì hoát nhiên khế hội đại đạo, thì công phu này cũng tự động chuyển vị trở thành linh hoạt "vô công dụng hạnh" chẳng hạn.

Vì những phương pháp hành trì này mang tính trí, nên cũng giống trí huệ Phật (không như những công phu khác mang tính hình thức hay ý thức), do đó không phải một phen thay đổi pháp tu, mà ngay đó hòa nhập biển lớn Trí huệ.

Vì sao?

- Vì có được đại sự kia là do công năng pháp tu mà nên.

Do đó "Pháp tu" là một việc rất hệ trọng. Nhưng phải là pháp tu được mang tính Trí (phải là dòng giống Trí giác mới được).

Nếu cụ thể một chút thì pháp tu này giống như một loại chỉ giải phẫu bằng nguyên tử, dùng may vết thương. Hễ vết thương lành thì chỉ tiêu, không phải cắt chỉ, rút chỉ gì cả.

Ðể nói rõ ra, quán chiếu Bát Nhã và Biết vọng, đâu không là dòng giống Trí huệ Bát Nhã? Thế nên các pháp ấy trở thành Trí huệ Bát Nhã là lẽ đương nhiên. Và khi ấy tức là trực nhận trí Bát Nhã. Nhận ra trí Bát Nhã, sống bằng trí Bát Nhã tức hành thâm Bát Nhã (vô công dụng hạnh) thành Bồ tát Quán Tự Tại và từ đây có công năng chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách! Ngũ uẩn chỉ là một món trong trời Bát Nhã, nên Bát Nhã hóa tan vào chỗ bất khả tư nghì, thì khổ ách vào chỗ nào?

Cái diệu pháp là ở chỗ đó. Yếu chỉ Tu viện Chơn Không là ở chỗ đó. Nhận ra được chỗ đó tức nhận được pháp Thiền, sống được chỗ đó tức tu Thiền.

Pháp thiền Chơn Không vì thế mới nhìn qua thấy có vẻ phơn phớt nhè nhẹ: dạy kinh, dạy giáo, dạy luận… dạy sắn bìm. "Thiền Giáo đồng hành" một chủ trương có vẻ không chuyên môn, không ròng rặc. Việc hành trì xem như không có gì quyết liệt, có vẻ nhàn nhàn.

Nhưng có ngấm sâu vào Thiền Chơn Không mới thấy chỗ thâm áo của nó. Mới thấy được lực lượng tiềm ẩn, và mới hay sự sắc bén tinh vi của nó.

Thiền Chơn Không không phô trương phương tiện, không kiểu cách (đánh, hét .v.v…) để tiếp người học. Thiền Chơn Không bình dị, mang vẻ hiền hòa của người miền sông Hậu, không ồn náo mà thẩm thấu như dòng nước ngọt ngào thấm ướt đất mầu, nung sức lớn cây cành để cho hoa cho trái.

[ Quay lại ]