headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/05/2024 - Ngày 3 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Trúc LâmTinh Xá

 Sau đó, chúng tôi đến viếng tinh xá Trúc Lâm, một khu tinh xá rộng lớn gần thành Vương Xá, do Vua Tần-bà-sa-la cúng hiến cho Phật và chúng Tăng. Trong khu vườn này cây cối được sửa sang ngay thẳng, hoa lá tươi xanh, có nhiều bụi tre già lớn ở phía trong. Qua cổng vào, phía bên trái, là một gò đất cao, có thể bên trong là di tích của ngôi chánh điện và các bảo tháp, nhưng chưa khai quật.

Như tên gọi, nơi đây có trồng rất nhiều cây tre lớn, có một hồ nước lớn, là nơi Đức Phật thường đến tắm. Cạnh bờ hồ là một tượng Phật nhỏ, đánh dấu nơi Ngài giảng pháp cho 1.250 vị Tỳ-kheo A-la-hán nghe. Chính ngài Mục-kiền-liên qua đời trước tinh xá, sau khi bị ngoại đạo giết, và đặc biệt được Đức Phật chỉ cho một chỗ để xây dựng một ngôi tháp thờ Ngài.

Trong quyển Đường Về Xứ Phật, các bậc tôn túc đã ghi lại như sau:

Ký sự của ngài Pháp Hiển
"... Thành Vương Xá này do vua A-xà-thế lập ra, giữa thành có hai ngôi chùa. Ra khỏi cửa thành phía tây sẽ đến một ngọn tháp, do vua A-xà-thế dựng lên để thờ Xá-lợi Đức Phật. Chính tại địa phương này ngài Xá-lợi Phất và ngài Mục-kiền-liên lần đầu tiên nhận chân được diệu pháp, cũng là chỗ mà Ni-kiền-đà đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho Đức Phật. Và cũng là chỗ mà con voi say cuồng của vua A-xà-thế chạy đến để hại Đức Phật và được Đức Phật hàng phục.

Thành phố hoàn toàn vắng, không có người ở. Cách đỉnh núi Linh Thứu độ 3 dặm có một bệ đá, giữa những tảng đá lớn, đó là chỗ đức A-nan ngồi thiền định. Lúc bấy giờ có một con quỷ Pisuna ở cõi trời, biến hình thành con chim kên, đứng trước hang đá và dọa ngài A-nan. Đức Phật dùng thần thông mở rộng động đá, cầm tay ngài A-nan và làm cho ngài A-nan hết sợ hãi. Đầu con chim và lỗ hổng mà Đức Phật đưa tay qua nắm ngài A-nan nay vẫn còn. Do đó, hòn núi ấy gọi là ngọn đồi của hang con chim kên. Các vị A-la-hán, mỗi vị đều có một hang giống nhau khi các vị ngồi thiền định. Số đông có đến 700.

Lúc Đức Phật đang đi từ phía đông sang phía tây trước nhà đá, Đề-bà-đạt-đa, đứng trên mỏm đá phía bắc, lăn một tảng đá xuống và làm ngón chân Đức Phật bị thương, tảng đá ấy hiện còn. Phòng Đức Phật giảng kinh đã đổ nát, chỉ còn lại chân tường gạch. Đồi này bằng thẳng và tôn nghiêm vì cao hơn tất cả 5 ngọn đồi xung quanh.

Ngài Pháp Hiển sau khi mua hương hoa và đèn dầu tại thành phố mới thuê hai người đưa đến hang động và núi Linh Thứu. Sau khi dâng hương và hoa các ngọn đèn tự nhiên sáng tỏ. Ngài Pháp Hiển cảm động và buồn đến phát khóc rồi nói rằng: "Trước kia Đức Phật ở tại chỗ này. Chính chỗ này Phật đã giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Pháp Hiển tôi không được thân tiếp Phật trong khi còn sống, nay chỉ tìm được dấu vết về đời sống của Phật. Tuy vậy, tự thấy cũng được chút gì vì đã từng đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm trước hang đá này và ở lại đó một đêm ..."

Ký sự của ngài Huyền Trang

"... Ở phía vòng cung của thành phố là một ngọn tháp. Chính tại chỗ này, Jivaka, vị thầy thuốc trứ danh, đã lập một giảng đường dâng lên Đức Phật. Xung quanh có trồng hoa và vài cây trà. Dấu vết nền tường và rễ cây thối nát vẫn còn thấy. Đức Phật khi còn tại thế thường dừng lại đây. Gần giảng đường này, nhà của Jivaka bị đổ nát và một lỗ giếng cũ vẫn còn.

Phía đông bắc thành Vương xá độ 14, 15 dặm là núi Linh Thứu, trên sườn núi phía Nam của ngọn núi phương Bắc, có một đỉnh núi rất cao, chim làm tổ tại đây. Đỉnh núi này hình dáng như một vọng lâu, màu xanh của da trời phản chiếu xuống đỉnh núi tạo thành một cảnh sắc tươi hòa êm dịu.

Trong khoảng 50 năm hoằng dương Chánh pháp Đức Như Lai thường ở tại ngọn núi này và diễn giảng kinh điển thậm thâm vi diệu. Vua Tần-bà-sa-la vì muốn nghe pháp, thường lên núi với một số tùy tùng. Số người này san bằng các thung lũng, bắc cầu sang các thác nước và dựng đá làm các bậc cấp rộng độ 10 bước và dài độ 5, 6 dặm. Nửa đường có hai ngọn tháp nhỏ, một ngọn gọi là "xuống xe" vì khi vua đến chỗ này thì đi bộ lên núi; ngọn kia "bảo tùy tùng đi lui", vì vua tách riêng tùy tùng, không cho họ theo mình. Ngọn núi này dài từ đông qua tây và hẹp từ bắc đến nam. Có một ngôi chùa bằng gạch, một bên là thung lũng rất sâu về phía tây ngọn núi. Cửa chùa này hướng về phía đông. Chỗ này Đức Như Lai thường dừng nghỉ và thuyết pháp. Ngôi chùa cao rộng và rất đẹp. Hiện còn một tượng Phật tạc Ngài đang thuyết pháp to lớn bằng hình dung thật của Ngài.

Về phía nam dưới hang sâu thẳm có một ngọn tháp. Khi Đức Như Lai còn tại thế, Ngài thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Cũng tại đó, phía nam ngôi chùa trên sườn núi có một cái nhà bằng đá: chính tại chỗ này Đức Như Lai thường thiền định.

Phía đông bắc ngôi chùa, giữa dòng suối chảy trên đá, nổi lên một tảng đá lớn. Đó là chỗ Đức Như Lai phơi áo cà-sa. Gần đó trên một tảng đá có dấu chân Đức Phật, dấu hình bánh xe ở ngoài đã lu mờ, nhưng vẫn còn nhận được. Trên đỉnh dãy núi phía bắc có một ngôi tháp. Từ chỗ đó Đức Như Lai nhìn thấy thành Ma-kiệt-đà; Ngài đã thuyết pháp liên tiếp trong 7 ngày tại đây. Tại những chỗ ấy, bốn Đức Phật quá khứ đều đến tọa thiền hoặc đi kinh hành, và còn để lại những dấu tích. Những địa điểm này đều được bao bọc bởi những dãy núi, và có đầy đủ nước dùng, nên những nhà trí thức đến ở, có nhiều vị tu sĩ Ấn cũng sống trong cảnh thanh tịnh này.

Phía trái của thành bắc, đi về phương đông, về phía bắc của vực núi phía nam độ 2, 3 dặm, chúng tôi đến một nhà đá lớn, chính là chỗ xưa kia Đề-bà-đạt-đa thiền định.

Có một ngọn tháp do vua A-xà-thế lập nên. Sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, các vua chúa phân chia Xá-lợi. Vua A-xà-thế đem phần của mình về và xây dựng tháp để cúng dường chiêm bái. Khi vua A-dục trở thành Phật tử, Ngài mở ngọn tháp ấy lấy Xá-lợi và tự mình dựng lên một ngọn tháp khác. Ngôi tháp này luôn luôn tỏa ánh sáng rất kỳ diệu. Một bên ngọn tháp của vua A-xà-thế có một ngọn tháp khác dựng nửa phần Xá-lợi của đức A-nan.

Về phía tây nam Trúc Lâm tinh xá độ 5, 6 dặm về phía Bắc của ngọn núi phía nam có một rừng trúc. Giữa rừng trúc ấy, có một nhà đá rất lớn. Tại đây, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, đại đức Ca-diếp với 499 vị A-la-hán đã triệu tập một Hội nghị để kết tập Tam tạng.

Phía Tây Bắc chỗ đại đức Ca-diếp triệu tập Hội nghị có một ngọn tháp. Đó là chỗ đức A-nan, sau khi bị các đại đức khác không cho dự Hội nghị đến ngồi một mình im lặng thiền định và chứng quả A-la-hán. Sau đó Ngài được mời dự hội nghị.

Từ đó đi về phía Tây độ 20 dặm, có một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên. Đó là chỗ mà Giáo hội Tăng-già họp để kết tập kinh điển. Phía bắc Trúc Lâm tinh xá đi bộ 200 bước, chúng tôi đến hồ Karanda.

Đi về phía đông bắc trụ đá không xa lắm, chúng tôi đến thành Vương Xá. Bức thành ngoài đã bị phá hủy không còn dấu tích gì. Bức thành trong, mặc dầu bị đổ nát vẫn còn có những chỗ cao hơn đất bằng và độ 20 dặm vòng tròn.

Tương truyền vua A-xà-thế trước tiên lập thành này, và vị vua kế vị khi lên ngôi, cũng xem thành ấy là kinh đô, mãi cho đến đời vua A-dục. Vua này dời đô ra Pataliputra và giao thành Vương Xá cho hàng Bà-la-môn. Vì vậy thành Vương Xá không còn thấy dân chúng ở, mà chỉ có các nhà Bà-la-môn ước độ 1000 gia đình ..."

Tập ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang tả rất rõ ràng những thánh tích còn lại ở thành Vương Xá. Và sở bác cổ hiện tại cũng nương theo hai tập ký sự trên để tìm những chỗ đã được tả một cách kỹ càng như vậy. Chỉ tiếc hiện nay không còn tất cả những ngôi tháp mà ngài Huyền Trang đã thuật. Do đó khó tìm ra tất cả những thánh tích được tả trong tập ký sự của hai Ngài.

Đoàn dùng cơm trưa tại đây, đi quanh khuôn viên tinh xá, chụp hình lưu niệm rồi đến viếng Đại học Nalanda. Xoay nhìn lại tinh xá trước khi chia tay, ngậm ngùi và lưu luyến. Sao không thấy hậu thân của chư tăng thuở xưa hay vua Tần-bà-sa-la chẳng hạn, trở về thăm viếng và phục hồi cơ sở, nơi đánh dấu thời huy hoàng của Phật pháp.

                    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
                    Nước còn cau mặt với tang thương
                    Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
                    Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.
                                                                            (BHTQ)
 

[ Quay lại ]