headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HỘI THỨ NĂM

Vậy mới hay!
Bụt ở cong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la
Trong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường Kinh cửa Tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.

Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, xá đàn dấu xoang vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẫy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyện Kim Cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

Chú thích:
- Cong: Trong.
- Khuây: Xao lãng hay quên lãng. Nhân khuây bản: Nhân vì xao lãng hay quên lãng cái gốc.
- Ngỏ: Rõ. Thiền ngỏ năm câu… : ý nói, rõ được các câu nói của nhà thiền là nắm được ý thiền.
- Nằm nhãng: Nằm thanh thản.
- Quê Hà hữu: Quê chẳng có nơi chốn.
- Ngồi ngơi: ngồi chơi thảnh thơi.
- Mái quốc: Mé nước.
- Tân La: Triều Tiên. Ngày xưa người Trung Hoa thường cho rằng dân Triều Tiên ít lo lắng, có cuộc sống rất nhàn hạ.
- Trong: Trọng.
- Khoảng cơ quan: Mở rộng các cơ quan.
- Đà: Đã.
- Lọt lẫn: Lọt vào trong.
- Lọt toàn thân: Vào được hoàn toàn.
- Phô việc: Nhiều việc.
- Đã tha: Đã qua.
- Áo miễn chăn: Áo với chăn.
- Chằm: Vá víu.
- Xể: Xập xệ.
- Dầu bạc dầu thoa: Dù đạm bạc, dù sơ sài.
- Lẫy: Bật.
- Nong: Nới, mở rộng.
- Một cắt, một ma: Một dồi, một mài.
- Cầm: Đàn.
- Huyền: Dây
- Xá đàn: Hãy đàn
- Dấu: Thích thú.
- Xoang: Xướng.
- Quyện Kim Cương: Lồng Kim Cương.
- Há mặt hầu thông nên nóng: Gương mặt đâu có hề nóng.
- Bồng, lật, cức: Những loại dây gai.
- Tượng da: Da thịt.

GIẢNG:
Vậy mới hay! Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa. Nghĩa là khi biết được lẽ thật rồi thì thấy rõ Phật ở trong nhà, chẳng cần tìm đâu xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; Đến cốc hay chỉn Bụt là ta. Chỉ vì quên gốc nên ta mới đi tìm Phật, đến khi biết được rồi thì chính Phật là ta.

Trong hội thứ năm này, tôi tạm chia ra làm năm điểm:

Điểm thứ nhất. Ở đây nói rằng Phạât ở trong nhà, chẳng cần tìm ở đâu xa, chỉ vì quên gốc nên ta mới đi tìm Phật, đến khi biết được rồi thì chính Phật là ta. Những điều này chúng ta được Hòa thượng dạy rồi, nên không thấy mới lạ. Tuy nhiên, học thì có học nhưng nếu không hành thì chúng ta cũng chẳng thấy được Phật của mình. Vì vậy chưa thể gọi là tu như ý Phật Tổ dạy. Trong kinh Pháp Hoa hay kinh Lăng Nghiêm cũng có nhắc đến Phật ở trong nhà, chẳng cần tìm đâu xa. Nhà ở đây là nhà gì? Tức là pháp thân Phật, Tri kiến Phật của chúng ta. Nói theo thiền thì Hòa thượng Tôn sư dạy đó là tánh giác.

Tánh giác thì ngay nơi mỗi chúng ta đều có sẵn, do vậy ta khỏi tìm. Nhưng có điều là từ lâu chúng ta không nhận diện được, hoặc bỏ quên, quay lưng với tánh giác, nên bây giờ giả như có gặp lại cũng không quen, không biết. Bởi gặp nhau không quen không biết nên mình đành chấp nhận những gì mình quen biết hằng ngày trong cuộc sống, cho đó là mình.

Vậy thì tánh giác ở đâu? Chính bản thân chúng ta cũng chưa biết nó ở đâu nữa, phải không? Cái chưa biết mà chỉ ở đâu, hình dáng thế nào thì chắc rằng không đúng. Nói thế để chúng ta phải nỗ lực công phu tu hành, mới có thể nhận ra cái chân thật của mình, chứ không thể nghe nói suông mà nhận biết được. Chỉ có tu hành mới nhận lại được cái thực của mình. Như tất cả chúng ta khi phát tâm xuất gia, vào Thiền viện sống theo thanh quy, ở trong tập thể, lúc nào cũng được nhắc nhở phải tu, tức là phải có công phu. Từ công phu tu tập đó, dần dần vén lên, tốc hết tất cả những mê mờ bu bám từ lâu nay, rồi sẽ sáng được việc lớn. Đó là phần công phu của mỗi thiền sinh. Chư huynh đệ nên nhớ dù cho hạng căn khí đặc biệt gì gì, nhưng nếu thiếu công phu cũng khó có cơ hội nhận ra và sống được với cái chân thật của chính mình.

Chúng ta phát huy được tâm niệm của mình, sắp đặt thời khóa tu hành ổn định và giữ đều đặn công phu như thế, đây là một duyên tốt từ quá khứ đến trong hiện tại, chứ không phải tự nhiên mà được đâu. Cho nên sống trong một đạo tràng, trong một tập thể đồng tu là phước duyên lớn, các huynh đệ phải biết trân trọng gìn giữ, đừng đánh mất phước duyên quý báu ấy. Nếu vì một lý do gì đó chướng ngại, chúng ta phải xa đạo tràng, xa tập thể các bạn đồng tu, huynh đệ sẽ thấy việc tu hành rất khó. Chừng ấy muốn quay trở lại cũng không dễ.

Cho nên huynh đệ có thể sống trong môi trường bình thường như thế này, khai thông cho được việc của mình. Việc tu cần phải quán xét kỹ càng, có được chút kết quả nào cũng không nên tự cho là mình đã được. Phải kiểm nghiệm với lời Phật dạy và những kinh nghiệm chư Tổ truyền đạt qua ngữ lục hay luận, sử. Ví dụ có người hồi trước rất ít nói, nhưng xuất gia tu một thời gian, tự nhiên cái gì cũng nói, cái gì cũng lý luận hết. Như vậy là sao? Đừng nghĩ rằng người ấy ngộ đạo hoặc khai thông được biện tài vô ngại. Thưa, không dễ dàng như vậy đâu!

Người xưa muốn lên trên chùa Đồng phải đi từ sáng tới tối, băng rừng lội suối, leo núi trèo đèo, cọp sói chực chờ vẫn không sợ, không sờn lòng. Cho nên các ngài lên tới chùa Đồng bằng cả tâm thành và sự vất vả. Còn bây giờ chúng ta chỉ cần bỏ ra năm ba chục ngàn ngồi xe điện, đi cái ù tới nơi khỏe re! Nó khác xa người xưa, phải không? Khác xa về thời gian, về đoạn đường và về cả tâm thành lên chùa Đồng. Từng bước từng bước viễn hành trên đoạn đường dốc ngược, mà lên được tới đỉnh núi khác rất xa với kẻ ngồi xe điện chạy bằng dây cáp lên đỉnh núi. Chúng ta nên hiểu cho tường tận việc tu hành của mình cũng vậy đó. Giá trị nằm ở công phu chớ không phải ở kiến thức, kiến giải.

Con người thường có tâm hướng ngoại, đứng núi này trông núi nọ. Khi chưa vào Thiền viện thì tha thiết, cầu xin cho được vào Thiền viện tu hành. Đến khi vào được rồi thì tiếp tục trông ngóng chỗ khác. Và nếu cứ cái bệnh ấy tiếp diễn thì dẫu tìm được chỗ khác họ cũng không hài lòng, để rồi lại tìm nữa. Có vị ở đây về Thành phố, ở Thành phố một thời gian nói ồn ào rồi về quê, chống xuồng qua sông. Chèo đò, đi ruộng một thời gian thấy buồn quá lại chạy lên vùng cao, có núi có rừng. Quanh quất một hồi lại trở về Thành phố… Cuối cùng là một ông thầy sồ sộ, uy nghi, áo quần như thế mà không nằm trong Tăng đoàn nào hết. Quý vị thấy, nguy hiểm như vậy, là do từ tâm ban đầu, chí nguyện tu không vững.

Cho nên môi trường tu hành rất quan trọng, chư huynh đệ chọn được nơi tốt rồi, còn phải thực tâm nỗ lực công phu để giữ vững tâm ban đầu. Bởi không có đạo nào chúng ta có thể ngộ được trong một sáng một chiều đâu. Nhân các cảnh duyên thuận nghịch, chúng ta nhận ra cái nào giả, cái nào thuộc về si mê thì bỏ, cái nào thật thì đó là tánh giác, hãy gìn giữ và sống với cái đó. Phật dạy chúng sanh tuy có khả năng thành Phật, nhưng với điều kiện là phải tu, chứ không thể nói thành Phật là thành Phật liền. Muốn tu thì phải yên ở ổn định mới tu được chứ, còn chạy hoài cuối cùng đáo đầu lại cũng chính là mình, đâu thể tìm nơi nào khác.

Cái sai lầm của phần đông chúng ta bây giờ là nói hay mà làm không hay. Có người làm được một số công việc gì đó, liền tưởng mình thành đạt. Hoặc họ sắp đặt một số công việc tương đối khó khăn, mà vị thầy cũng lúng túng. Được thế rồi cứ ngỡ mình siêu xuất hơn thầy, ngỡ mình là Phật. Đó là những cái lầm to dễ dẫn tới chỗ hư hỏng. Cho nên người thật tu phải tâm tâm niệm niệm, bước từng bước vững chắc, tiến lên bằng lòng khiêm hạ chân thành.

Phật tánh chúng ta có, trí tuệ chúng ta có, nhưng hoàn chỉnh những cái đó còn phải đợi. Đợi gì? Đợi xem chúng ta thực hành như thế nào, tâm niệm ra làm sao? Cho nên tất cả chúng ta phải gắng lên! Gắng khắc phục, gắng làm chủ lấy, gắng điều chỉnh đường đi nước bước của mình trong từng ngày từng giờ. Gắng làm chủ lấy tức là không để những sự duyên chung quanh làm lay chuyển việc tu hành của mình. Bởi vì đối diện với tất cả, giải quyết được tất cả, làm chủ lấy mình là từ sự tu hành mà ra, chứ không có ai thế cho mình được hết.

Điểm thứ hai, Tổ dạy khi đã hiểu được Thiền rồi thì ta sống thanh thản an nhàn ở chỗ không nơi chốn. Không nơi chốn tức là chỗ nào? Chỗ an lạc tự tại, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì hết. Thật vậy! Người đã an lạc thì ở chỗ nào cũng tự tại, cho nên các vị tu Bồ-tát đạo thường hòa nhập cuộc sống của mọi người để hoàn thành Phật sự, giáo hoá chúng sanh, thành tựu đại nguyện Bồ-tát của mình, để đạt đến mục đích cứu cánh là viên thành Phật đạo.

Trở lại việc tu hành của chúng ta, tuy nắm được pháp tu nhưng nếu ta không thực hành liên tục, giữ vững tâm niệm thức tỉnh trong từng phút giây thì sẽ dễ phóng túng và tâm bị cuốn trôi theo ngoại cảnh. Vừa thấy duyên thuận nghịch là dấy niệm, trong lòng không yên, như vậy là công phu chưa đắc lực. Do đó không sống trong chỗ an lạc thường nhiên tự tại, luôn bị vướng mắc buộc ràng. Do vậy mỗi thời tọa thiền của chúng ta rất quan trọng, Hòa thượng thường nhắc nhở các thiền sinh phải làm sao một giờ tọa thiền là một giờ làm Phật. Chúng ta phải nuôi dưỡng ý chí, sự quyết tâm mới có thể vượt lên vô minh bất giác và thói quen lười biếng giải đãi. Muốn được an nhiên tự tại thì trước phải làm chủ được mình.

Tôi thấy trong số chư huynh đệ ở đây có vị cũng siêng năng phấn phát công phu, buổi tối tọa thiền hơn hai tiếng. Về hình thức như vậy là có tiến, song quan trọng là nội tâm cũng phải vững chãi, có niềm vui. Được vậy kết quả tu tập của mỗi huynh đệ sẽ là sự cổ vũ động viên, khuyến khích cho các anh em, tác động tốt lên tinh thần tu tập của toàn thể đại chúng. Ngồi thiền khi có an lạc, có sự tỉnh giác rõ ràng, chúng ta không còn thấy mỏi mệt hay đau chân, không buồn ngủ, không sợ muỗi mòng cắn, không sợ nóng sợ lạnh, không sợ gì hết. Hoàn cảnh chung quanh không thể tác động lên một hành giả tâm đã được thanh tịnh. Xin mời chư huynh đệ thẳng thắn, dũng mãnh bước vào chỗ thật sự bình yên.

Tôi thấy một số chư huynh đệ trong nội viện đã phát tâm bước lên chỗ ấy. Một số bước được nhưng chưa dám bước. Một số viện lý do này lý do khác đứng bên ngoài nhìn, chứ không bước lên. Thiệt là uổng! Tuy nhiên chỗ này không ai ép. Vị nào muốn tiến tới thì cứ tiến tới, ai muốn bước lui thì cứ bước lui. Tùy sự lựa chọn của mỗi vị mà kết quả tương ưng. Có điều đặc biệt là, chỗ này vị nào nhận ra rồi thì tự nhiên tiến tới, không cần người khác nhắc nhở cũng dũng mãnh tiến bước. Tới điểm “uống trà” này, quý vị có thể ngồi uống trà một ngàn năm cũng không ai nói! Còn tu không tới đâu mà chụm đầu uống trà, tán gẫu là quỷ sứ ma vương đứng chực một bên chờ giờ lôi quý vị xuống chầu Diêm chúa đấy.

Đức Thế Tôn trong khoảng thời gian tu thiền định dưới cội Tất-bát-la, Ngài nguyện “Dù thịt nát xương tan, nếu không đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, ta nhất định không rời khỏi chỗ ngồi này.” Khi nguyện như vậy xong, Ngài trải cỏ làm tòa ngồi thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm. Cuối cùng chiến thắng tất cả những ngoại ma và nội ma, Thế Tôn hoàn toàn giác ngộ viên mãn và thành Phật. Lịch sử cuộc đời của đức Phật đã cho chúng ta thấy chỉ có thiền định mới lóe lên ánh sáng trí tuệ, đi đến giác ngộ triệt để. Cho nên lời nguyện lẫm liệt của Bồ-tát Sĩ Đạt Ta trước khi thành đạo, chúng ta phải khắc ghi. Nếu không đạt đạo Ngài không đi đâu hết, không làm việc gì khác, thẳng thắn quyết liệt như vậy nên Ngài mới thành tựu sở nguyện.

Con đường chúng ta đi cũng phải như thế. Dù có né bên này tránh bên kia, có bị nhức đầu, cảm mạo, ho phong, đau chân đau bụng gì gì, cuối cùng cũng phải đến chỗ đó. Bởi vì mỗi chúng sanh đều có Phật tánh mà. Huynh đệ có duyên mới xuất gia tu Phật, như vậy tất cả chúng ta đều có chủng tử Phật. Chủng tử sẽ dẫn chúng ta đến chỗ giác ngộ, không có cái khác, nhưng mau chậm còn tùy mỗi người. Dù bây giờ mình có mắc cái này vướng cái kia, cuối cùng cũng tự tháo gỡ thôi, mà không gỡ nó cũng mất, bởi đâu có gì thật mà theo mình hoài. Đã vậy, trước sau gì chúng ta cũng buông bỏ hết các thứ giả tạm, vậy sao không ngay bây giờ làm liền, để mất thì giờ chi cho uổng. Con đường luôn ở trước mặt, chỉ cần chúng ta cất bước là đi đến thôi.

Những gì chúng ta vướng mắc, tuy không thật nhưng nó sẽ bám víu lên mình thành lớp áo sắt, thành lửa vây bủa đốt hại ta khốc liệt. Chỉ khi nào mình cởi ra thì mới thoát khỏi nhiệt não khổ đau. Phải anh hùng dũng dạc mới tháo gỡ được. Tháo gỡ cho mình rồi, vì những người chung quanh chỉ họ cách tháo gỡ. Mỗi đêm chúng ta thường hồi hướng “Nguyện cho pháp giới chúng sanh trọn thành Phật đạo”. Pháp giới chúng sanh nhiều biết bao nhiêu, mà nguyện cho họ đều trọn thành Phật đạo, chuyện này không phải nói giỡn được. Cho nên chúng ta phải chân thành, khẩn thiết tu hành mới không bị tội đại vọng ngữ.

Điểm thứ ba là mở con mắt đạo. Điều này không dành riêng cho ai hết, vì ai cũng có thể mở con mắt đạo. Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau, nên ai cũng có trí tuệ, ai cũng có thể làm Phật. Người mở được con mắt trí tuệ rồi thì ở trong thinh sắc mà tránh xa thinh sắc. Tránh xa thinh sắc trong đạo Phật không có nghĩa là không dám đối diện với thinh sắc. Làm sao không đối diện được? Nhiều người cho rằng tìm về vùng quê thật xa, thật hẻo lánh sẽ không có thinh sắc. Nhưng vùng quê bây giờ cũng phát triển, có truyền hình truyền thanh đủ hết, họ buôn bán đủ thứ trên đời, không thiếu thứ chi. Như vậy không có nơi nào tránh được thinh sắc. Song những thứ thinh sắc bên ngoài ấy không đáng lo ngại bằng thinh sắc trong lòng. Chính thứ thinh sắc này mới nguy hiểm hơn nhiều, vì nó có sức cuốn hút con người bất kể lúc nào, ở đâu nên chúng ta không tránh khỏi nó.

Vì vậy người mở được con mắt tuệ, khi đối diện trước thinh sắc, sẽ thấy biết rõ nó không thật, hư ảo nên không đắm luyến, không say mê chạy theo nó. Nhờ thế ta có thể dừng tạo các nghiệp, dần dần làm chủ thân tâm, sống lẫn trong thinh sắc nhưng không hòa tan với nó. Đây chính là diệu dụng của trí tuệ chân thật vậy. Cho nên nói tất cả đều từ tâm lưu xuất. Một khi tâm đã thanh tịnh, đã yên rồi thì muôn sự muôn vật cũng theo đó mà yên. Nhưng khi tâm phát khởi loạn động thì chúng ta khó bảo vệ được mình không vướng theo vòng thinh sắc.

Nếu chúng ta chưa thể mở được con mắt tuệ thì đối diện trước thinh sắc thật sự là điều đáng ngại. Biết mình còn yếu phải lo phương tính kế, xa lánh bớt những thứ cám dỗ ấy đi. Do đó Tổ dạy Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa. Người xưa dè dặt cẩn trọng trong việc tu hành đến như vậy, chúng ta ngày nay không thể không noi theo. Phật dạy người chưa chứng A-la-hán chưa thể tin tâm mình. Thế nên huynh đệ muốn bảo dưỡng công phu, trước phải thu thúc các căn, tránh bớt duyên bên ngoài, đồng thời nỗ lực khai sáng trí tuệ, mở con mắt đạo. Mở được con mắt đạo rồi thì tha hồ tung hoành mà vẫn không sợ vướng mắc vào đâu. Đây chính là kinh nghiệm quý báu của cổ nhân truyền dạy lại cho chúng ta.

Điểm thứ tư Tổ dạy người tu hành không chú trọng đến việc đói no hưởng thụ theo thế gian. Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận. Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha. Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể. Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa. Ở đây nói kẻ tu hành không nghĩ đến việc ăn mặc, hưởng thụ như người thế gian. Đạm bạc, vá víu sao cũng tốt, chỉ cốt thức tình không dấy động, tám gió thổi không lay chuyển. Thấu tột được chỗ huyền nghĩa, tha hồ thổi khúc vô sinh, hát ca thái bình.

Ở đâu miễn tu hành đắc lực là được. Nếu tâm điều hòa an ổn dù chưa được giác ngộ, chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng rồi. Người không nặng của cải, không nặng việc ăn mặc chải chuốt bên ngoài, không vướng mắc bởi những cảnh duyên, đời sống tu hành của họ nhẹ nhàng lắm. Nói vậy nhưng kiếm một người sống nhẹ tênh cũng hiếm. Chúng ta không vướng cái này cũng mắc cái kia, người không nặng vấn đề ăn uống lại nặng vấn đề giao tế, hở một chút sợ người này buồn người kia giận, nên phải làm sao cho bặt thiệp. Hết lễ này tới lễ khác, việc nọ sắp đặt chưa rồi đã tới việc kia, thư mời hôm qua chưa giải quyết hôm nay thêm hai ba thư mời tiếp, cứ thế mình trang trải cho đẹp trong mối giao lưu quan hệ chung quanh. Cuối cùng không còn thời gian đâu mà tu hành nữa.

Cho nên hễ người xưa nói đến tu hành thì thường là lên non, ở chỗ xa vắng. Bởi muốn tu được dễ dàng thì phải tránh duyên, ở chỗ yên lắng. Ngày xưa đức Thế Tôn cũng dạy các thầy Tỳ-khưu như thế. Khi lãnh một đề án rồi thì các thầy phát nguyện tìm đến chỗ yên lắng, xa thành thị ồn náo, để thiền định. Yếu tố đắc lực đầu tiên của thiền định là nhờ sự yên lắng. Cũng có ngồi nơi chốn ồn náo mà được thiền định, đó là sự thị hiện của các bậc Bồ-tát chứ không phải thường. Bước ban đầu hầu hết chư vị trưởng lão Tỳ-khưu đều tránh duyên.

Cho nên người muốn tu phải làm sao? Cắt! Trên đoạn đường của mình đi gặp nhiều duyên lắm. Tập khí nghiệp lại mạnh mẽ, nó có sức cuốn hút chúng ta kinh khủng, chỉ cần phút giây lơ là ta sẽ mất mình ngay. Như người ghiền rượu, tuy đã tu rồi nhưng đi ngang quán rượu là phát thèm. Nếu lúc đó có người bạn cũ chạy ra tay bắt mặt mừng rồi kéo vào quán, thì khó mà giữ mình. Lời qua chuyện lại thả lơi cho tới ma men dẫn đi hồi nào không hay. Đến chừng nhìn lại thì sự nghiệp tu hành mất hết. Nguy hiểm như vậy đó. Cho nên kẻ xuất gia phải biết tuân giữ giới hạnh, phép tắc môn qui, bởi vì đó là hàng rào bảo vệ cho chúng ta đừng bị ma mị và quỷ dữ bắt đi, làm tiêu tan hết công quả tu hành.

Thành ra người biết tu là người làm chủ được đối với tất cả cảnh duyên, ăn mặc ngủ nghỉ tiếp xúc làm việc, không bị động bởi sự kiện trước mắt. Có dập tắt những tham đắm, những niệm tưởng của mình mới tu tiến được. Tiến được mới thấy đất nước tôi thanh bình. Bởi chỗ đó không ai có thể động tới được nên nó luôn thanh bình.

Điểm thứ năm: Quay đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa. Tổ muốn nhắc chúng ta nếu cứ chạy tìm đạo bên ngoài thì giống như chàng Diễn Nhã Đạt Đa ôm đầu chạy kêu mất đầu, rất đáng xót thương. Diễn Nhã Đạt Đa bỏ quên cái đầu thật, nhận bóng làm thật. Đến khi cái bóng bị mất đi thì cho rằng mình mất đầu, chạy điên cuồng trong thành phố la sảng mình mất đầu. Phật nói người thế gian cũng thế, nhận những thứ hư giả bên ngoài cho là thật mà bỏ quên cái thật sẵn có nơi mình. Trong công phu tu hành cũng thế, nếu không phản quan soi lại mình, cứ chạy tìm pháp tu này pháp tu nọ bên ngoài thì càng tìm càng mất mình.

Chúng ta nói về tánh giác, giải thích tánh giác vanh vách nhưng thật sự không biết tánh giác ở đâu, Phật tánh là cái gì? Lớn lên sống, ăn mặc ngủ nghỉ, tiếp xúc làm việc với những thứ buồn vui giận tức v.v… bao nhiêu sự kiện. Những thứ đó ta biết mà cái thật của mình ta không biết. Cho tới một lúc nào đó những thứ ta biết không sử dụng được nữa thì hốt hoảng kêu mất mình. Do vậy con người sợ chết, sợ mất cái này mất cái kia. Thật vô lý phải không? Khi không ôm ba thứ tạp nhạp cho là mình, đến lúc nó mất đi lại sợ. Trong khi đó ta có cái quý báu đặc biệt, xứng đáng làm sao mà lại không nhận ra. Dù người lớn người nhỏ, tu hành bao lâu, trí thức hay không trí thức, chỗ công phu phải nhắm đến là nhận cho ra cái chân thật ấy. Chúng ta đừng để lọt vào số bà con dòng họ của chàng Diễn Nhã Đạt Đa, mà phải tỉnh táo soi lại rờ lại cái đầu thật của mình. Đó là chỗ công phu tu hành của chúng ta. Chạy tìm bên ngoài hoài đến hôm nào đó tất cả những thứ ấy mất đi thì mình đau khổ vì ngỡ đã mất sạch hết. Đã quen với bóng giả, một khi cái giả mất, chạy loạn kiếm tìm chẳng khác người điên.

Chúng sanh luôn yêu quý thân giả tạm này và rất sợ mất nó. Giây phút gần tắt thở, thần thức hoảng loạn thống khổ. Từ khoảng này tới thọ thân sau dễ lầm lắm. Nếu mang tâm trạng ấy ra đi, vừa tắt thở liền thấy trời sấm sét, đen tối, nghe những âm thanh ghê rợn… Chung quanh không thấy ai hết, sợ hãi vô cùng, liền đâm đầu chạy, chạy đi đâu cũng không biết nữa. Cứ lạng quạng như thế, cuối cùng thấy lùm bụi, nghĩ lùm bụi có thể giúp mình, liền chui vào lùm bụi ẩn náu. Vừa chui vào thì thấy mình mang lông đội sừng, thọ sanh như thế, thật khiếp đảm vô cùng. Còn người thong thả nhàn nhã có phước thì vừa cách ấm thấy có sông nước, hoa cảnh, chim muông hót vang liền đến nơi đó. Tức chuyển sang đời sau hoặc làm trời, hoặc sanh trong nhà giàu có vui sướng tùy theo thiện nghiệp của mình. Chuyện cách ấm đáng sợ như vậy đó.

Cho nên Tổ nhắc đến chàng Diễn Nhã Đạt Đa, để chúng ta nhận lại cái thực của chính mình, đừng chạy theo cái bên ngoài nữa. Thân này hợp tan bất thường, không có gì bảo đảm. Thế mà chúng ta cứ nhận đây là thân của tôi, đây là tâm của tôi, đây là người thân của tôi… Đâu biết rằng những thứ đó mất đi bất cứ lúc nào, nên con người cứ khổ đau với chừng bấy nhiêu chuyện. Vì vậy cần gấp phản tỉnh, đừng ôm đầu chạy la mất đầu như chàng Diễn Nhã Đạt Đa nữa.

Chúng ta tu hành là đệ tử Phật, có phúc duyên lớn mới biết tham thiền, học đạo. Đã thế cần phải tham thiền như thế nào để sáng được việc, để làm chủ, đừng tha hương như chàng cùng tử quên làng quên xóm, quên quê hương xứ sở, cuối cùng lạng quạng bị nghiệp đẩy đi đến chỗ nguy khốn cùng đồ. Người tu hành sáng suốt thì chuyển được nghiệp, chuyển được nghiệp mới có thể làm chủ luân hồi sanh tử. Cho nên cái hay của người tu là chuyển được nghiệp, nếu không chuyển được nghiệp chúng ta sẽ trôi giạt vô định mãi trong sanh tử, rất đau khổ. Dù rằng nghiệp nặng nề nhưng nếu chúng ta siêng năng, nỗ lực chuyển hóa thì dần dần nó sẽ vơi hết. Huynh đệ hãy tin tưởng chắc chắn như vậy.

Mong rằng chúng ta chuyển được nghiệp của mình. Chuyển bằng trí tuệ Bát-nhã, đó là nhát gươm sắc bén nhất cắt đứt những dây mơ rễ má, mọi thứ ràng buộc khiến chúng ta vướng trong luân hồi sanh tử. Có thế chúng ta mới đi lên được.

[ Quay lại ]