headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HỘI THỨ BA

Nếu mà cốc,

Tội ắt đã không;

Phép học lại thông.

Gìn tánh sáng, mựa lạc tà đạo;

Sửa mình học, cho phải chánh tông.

Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;

Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng công.

Áng tư tài tánh sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử;

Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;

Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.

Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ-đề một đêm mà chín;

Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu-đàm mấy kiếp đơm bông.

Chú thích:

- Cốc: Biết.

- Mựa: Chớ.

- Chỉn: Chỉ.

- Bụt: Phật.

- Xá ướm: Chớ nên.

- Há vì: Đâu cần.

- Cánh Diều: Tên một ngọn núi trong dãy Yên Tử.

- Am Sạn: Tên am.

- Lọ chi: Cần chi.

- Hết tấc: Hết mức.

GIẢNG:

Trong hội này, ý thứ nhất Tổ dạy chúng ta, người tu phải biết giữ gìn tánh sáng, chớ lạc đường tà, sửa mình nghiêm chánh, chớ làm sai mất chánh tông. Là người tu phải quý trọng trí tuệ, phải tu sửa như thế nào, gìn giữ như thế nào để cho trí tuệ bản hữu của mình được phát huy tròn đầy. Trí tuệ bản hữu tức trí tuệ Bát-nhã. Phát huy trí tuệ Bát-nhã để làm gì? Để chúng ta cắt đứt tất cả dây mơ rễ má trong vòng lẩn quẩn luân hồi sinh tử. Chỉ có trí tuệ Bát-nhã mới cắt được tất cả mà thôi.

Dây mơ rễ má đó biểu hiện nổi cộm lên qua mớ vọng tưởng điên đảo. Chừng nào chúng ta trị được vọng tưởng điên đảo của mình rồi chừng đó mới hoàn toàn làm chủ được. Nói tới vọng tưởng thì nó không có hình thức gì hết, nhưng rất khó trị, rất mạnh. Nó có một sức hấp dẫn như thế nào đó, khiến từ vua quan cho tới thứ dân phải chạy theo vù vù. Không chỉ chạy theo một đời mà chạy theo từ vô lượng đời kiếp trước cho tới bây giờ, mà có lẽ là còn chạy theo nữa! Chúng ta tu tập trải qua thời gian lâu xa nhưng vẫn chưa chắc có thể làm chủ được, trị được vọng tưởng đâu. Bởi không trị được, không làm chủ được nên khi gặp khổ đau ta lại đổ thừa tại cái này, tại cái kia, tại cái bên ngoài, chứ thực tình vọng tưởng phát xuất từ trong ta, chính là nguyên nhân gây đau khổ cho chúng ta.

Nếu chúng ta tỉnh sáng, không bị động bởi những cảnh duyên chung quanh, phát huy được trí tuệ bản hữu của mình, mới hy vọng điều phục được vọng tưởng. Trái lại, chúng ta cứ bôn chôn, không tỉnh, không làm chủ được thì vọng tưởng dẫn đi thôi. Nói dẫn đi là còn nhẹ, nói chính xác hơn là nó kéo lôi, kéo sểnh chúng ta chạy dài từ chỗ này sang chỗ khác, từ kiếp này sang kiếp khác không có ngày dừng. Một điều cần phải thấy rõ là, vọng tưởng từ chúng ta phát sinh và trí tuệ để điều phục được vọng tưởng ấy cũng từ nơi chúng ta phát huy. Làm chủ được thì phát huy được trí tuệ, không làm chủ được thì vọng tưởng kéo lôi.

Do vậy, nếu nói về những thâm ân đối với đời tu chúng ta thì chư Phật Tổ, thiện hữu tri thức là những bậc mà chúng ta thọ ân lớn lao vô cùng. Đó là ân gì? Là ân quý ngài chỉ cho mình biết vọng tưởng và cách điều phục vọng tưởng. Quý ngài đã chỉ cho mình sống lại với cái chân thật của mình, để đừng bị vọng tưởng kéo lôi. Nếu không có Phật Tổ, thiện hữu tri thức thì không ai chỉ cho chúng ta cái manh mối đi trong luân hồi sanh tử đó.

Phật bảo chúng sanh có bệnh yếu đuối. Quả thật chúng ta yếu đuối vô cùng. Nói về si mê thì chúng ta cũng si mê đáo để, nói về yếu đuối thì chúng ta cũng không thua ai. Có những thứ không đáng, không đầu không đuôi gì hết, chợt hiện chợt mất, mà rồi ta bị lụy, bị kéo lôi nhiều đời kiếp không ngoi lên được. Vì thế nghĩ đến thâm ân của người chỉ cho mình biết cái gốc bệnh tật đó là vọng tưởng, ta mới thấy ân của các ngài to lớn vô cùng. Nhờ các ngài mình biết được cách dừng lại, không chạy theo lũ vọng tưởng ma quái kia nữa, mới trở về nhà bình an vô sự.

Thành ra ở đây Tổ nhấn mạnh việc gìn giữ tánh sáng, tức gìn giữ trí tuệ là gốc. Nếu không có trí tuệ thì lầm mê, lầm mê thì trôi giạt, trôi giạt thì khổ đau. Bởi do lầm mê chúng ta tạo nghiệp, đã tạo nghiệp nhân thì phải chuốc lấy nghiệp quả. Cứ nghiệp nhân rồi tới nghiệp quả, từ nghiệp quả tăm tối ấy lại tạo nghiệp nhân mới nữa. Cứ thế mà tối đen, trả vay nợ nần, lăn lóc từ đời này sang kiếp khác không có ngày cùng. Cho nên Tổ dạy chủ yếu của việc tu hành là phải gìn giữ tánh sáng, gìn giữ trí tuệ của mình.

Có tánh sáng mới không lạc đường tà, mới phân định đâu là tà đâu là chánh, mới sửa mình nghiêm chánh, tu hành không mất chánh tông. Nhờ trí tuệ soi chiếu, ta biết đâu là thật, đâu là không thật, cái nào là vọng tưởng, cái nào không phải vọng tưởng. Cái nào để mình nương sống, gầy dựng công phu tu hành, cái nào không thể gần gũi dù chỉ trong chốc lát. Những thứ không thể gần gũi được là gì? Chính là những thứ mình thích ôm giữ, mình bị mắc mứu, bị đắm trước nhiều đời nhiều kiếp. Nó là vọng tưởng, vô minh, tham ái v.v… Những thứ mà Phật, Tổ biểu mình buông đi, không nên gần gũi, vì nó hư dối, không bền lâu và là nhân của khổ đau. Nhưng vì chúng ta si mê quá nặng cứ tham chấp, cố giữ nó nên mãi lăn lóc trong luân hồi sinh tử.

Bây giờ nghe được lời dạy của Phật Tổ, thiện hữu tri thức, một phen tỉnh mình dừng được những niệm tơ tưởng đó, thì con đường luân hồi sanh tử cắt đứt. Ngay từng tâm niệm, sống với trí tuệ, làm chủ được, đừng để nó dẫn. Đó là người cắt đứt giòng xoáy luân hồi sinh tử. Nếu trí tuệ mạnh mẽ tròn đầy, thì quá trình thành tựu giác ngộ giải thoát có thể thu ngắn lại và kết quả chúng ta cũng nắm chắc trong tay.

Tổ dạy tiếp, đạo Phật là đạo giác ngộ, lấy giác ngộ làm gốc, tất cả thần thông huyền bí ta chớ chạy theo. Phật chính là tâm, khỏi cần phải tìm ở bên ngoài. Đầu tiên Tổ bảo phải phát huy trí tuệ của chính mình, kế nữa Tổ dạy phải nhận ra cái tâm thể của mình. Cái gốc của sự tu hành hay cái gốc của đạo Phật là giác ngộ. Nói đến giác ngộ là nói đến trí tuệ, nói đến trí tuệ là nói đến tâm, chứ không có gì khác. Cho nên tất cả hiện tượng gì bên ngoài, có khi các ngài nói là từ tâm mà có, hoặc là từ tâm lưu xuất. Điều này chúng ta có nghe có hiểu, nhưng hành trì như lời Phật dạy, chúng ta chưa làm được. Bởi vì từ lâu lắm rồi, chúng ta cứ một bề chạy ra, nhận những thứ bên ngoài cho là thật, bỏ quên đi tâm thể của mình, nên bị những cái bên ngoài kéo lôi.

Bây giờ ngồi lại chúng ta thấy rõ, mình đang bình thường chợt có một niệm dấy lên, nếu ta chạy theo nó, liền bị nó còng trói, lôi đi mất tiêu. Ví dụ mình đang ngồi đây, bỗng cái niệm bữa ăn chiều hiện lên thì hai lỗ mũi mình vẫn thở khì khì, con mắt cũng mở trừng trừng, tay chân còn nguyên đó chứ không ai lấy bớt cái nào, nhưng ông chủ bên trong bị che mờ mất rồi. Tại sao bị che mờ? Tại vì những niệm toan tính, có khi là tưởng tượng về món ăn chiều nay, nó có gì, ai làm, ăn vào giờ nào, ăn với ai, ngon hay dở… Cứ như thế mà mình vọng tưởng, vọng tưởng đến mức độ chảy nước miếng. Mới lạ kỳ chứ!

Nếu không nghĩ tưởng, dĩ nhiên chiều đến mình cũng có phần ăn, nhưng không hiểu sao ta lại để vọng tưởng dẫn đi như vậy. Nếu người biết tu thì không mất thời gian và cũng không mất chính mình nữa. Chiều trong nhà bếp người ta đánh ba tiếng bảng, sắp sẵn cho mình một phần ăn. Ta tới đó dùng xong rồi rút lui, có phải khỏe không, nhẹ nhàng an ổn làm sao! Còn ngồi đó mà nghĩ, càng nghĩ đến những thức ăn sơn hào hải vị chừng nào càng thèm thuồng và càng không được như ý. Thức ăn dù ngon dù dở thế nào, nuốt qua khỏi cổ rồi đều giống hệt nhau cả. Hôm đó rủi nó vướng kẹt đâu đó phải trào ra, nếu biểu ta nuốt lần nữa chắc ai cũng lắc đầu, gớm quá phải không?

Như vậy có gì thật, có gì ngon đâu! Ngon dở chẳng qua chỉ là ảo giác trong một quãng thời gian thưởng thức vậy thôi. Với người tu, ăn chỉ là ăn. Như Hòa thượng nói chiếc xe cần xăng để khởi động được động cơ cho nó chạy. Cái xe đó không biểu chúng ta phải đổ xăng ngon xăng dở gì cả, việc ăn uống của mình cũng vậy. Ăn là phương tiện để duy trì sự sống, để tu chứ không phải để thỏa mãn vị giác. Người biết tu không mất thời gian vì cái ăn, cái mặc, không mất thời gian vì tiếp cận với tất cả sự kiện chung quanh đời sống này.

Nếu biết tiết kiệm thời gian như thế thì ta có rất nhiều thời gian để yên lắng, để sống lại với tánh sáng của mình, không bị kéo lôi bởi những sự tướng, cảnh duyên bên ngoài. Có được thời gian tu nhiều như vậy thì trí tuệ sẽ phát huy nhiều hơn. Cho nên chúng ta phải tranh thủ, phải quý tiếc từng chút thời giờ, không nên thả trôi ngày này sang tháng khác. Nếu không ý thức được điều này, chúng ta cũng tu, cũng đi lại, cũng ăn uống, cũng tụng niệm … nhưng cứ thả lều bều, mất thời gian cho những việc bên ngoài nhiều lắm! Thời gian sống được với cái chân thật của chính mình rất ít. Có nhiều vị tu lâu mà kết quả không bằng vị mới tu trong thời gian ngắn nhưng biết tận dụng hết thời gian cho việc công phu, do đó họ tiến nhanh hơn.

Thật ra việc tu không khó, chỉ tại ta không quyết tâm thôi. Trong công phu, chúng ta thấy những gì xấu dở thì bỏ đi, những gì phát huy được tốt đẹp thì cố gắng tăng tiến. Chúng ta không cần ai khen, cứ tranh thủ với thời gian, với vô thường để tu. Tổ thường nhắc nhở chúng ta: Phải nhìn lại mình, phải thấy mình. Chủ trương của Phật giáo thời Trần là phản quan tự kỷ, tức xoay nhìn lại mình. Việc tu hành cần phải tập trung như vậy. Dùng ánh sáng trí tuệ soi thấy những lỗi lầm của mình mà bỏ đi. Người xuất gia mang hình thức tu hành đầu tròn áo vuông, điều này chưa đủ để khẳng định được sự sáng suốt và giác ngộ bên trong nếu như không có công phu. Cái đó chẳng qua là hình thức thôi. Đôi khi ở trong hình thức đó càng lâu chừng nào thì ngô ngã càng lớn chừng ấy. Cho nên hồi mới vô chùa, còn là ông tăng nhỏ không có địa vị, chưa có uy tín thì ai nói sao cũng được, mình ít giận. Đến khi có uy tín rồi, có tuổi đạo rồi, là Hòa thượng, Thượng tọa thì ai nói chơi nói giỡn sơ suất một chút, mình giận dữ lắm! Đáng lẽ mình tu hành là triệt tiêu cái đó, nhưng không hiểu sao nó lại phát triển lớn hơn hồi chưa tu. Như vậy là không ổn rồi.

Vì vậy chủ trương tu hành của các Thiền viện là “Xoay nhìn lại mình”. Trong từng thời điểm kiểm nghiệm lại, nếu thấy vọng tưởng lăng xăng nhiều quá tức là mình thua rồi nên mới bị nó dẫn đi. Huynh đệ nhớ thời gian sống của mình không biết được bao lâu, mà Phật thường nhắc nhở mạng sống chỉ trong hơi thở, nên phải tập trung vào việc quán sát này. Làm sao trong mỗi ngày, mỗi phút mỗi giây mình làm chủ được, buông bỏ hết vọng tưởng. Người xưa nói “Nếu buông không được những thứ đó thì xem như mình đã chết rồi”. Chúng ta bảo cổ đức tu hay, tu miên mật… nhưng thật ra các ngài cũng không làm gì khác hơn mình. Các ngài tu tập bình thường, giản dị như vậy đó. Nghĩa là tỉnh sáng bỏ hết vọng tưởng, làm chủ được mình.

Người tu hành nhất thiết phải có trí tuệ, để đừng bị vướng mắc ở đâu hết. Chỗ nào cũng là đường đi qua, là quán trọ thôi. Chỉ có tâm thể rỗng rang sáng suốt mới là cái thật. Mình phát huy được cái đó thì an toàn, ở đâu cũng ổn hết. Ở địa ngục, quỷ sứ không dám làm gì mình; mà lên Thiên đường xem thiên nữ múa hát cũng không có rục rịch nhúc nhích chút nào. Còn chúng ta bây giờ yếu quá, nghe nói địa ngục đã run, chưa kêu tới tên đã khiếp rồi. Lên Thiên đường, không có gì là của mình mà tâm, mắt dán chặt không đi đâu được. Cho nên phải ráng tu mới thoát qua được mấy thứ đáng sợ này.

Phật chính là lòng, khỏi cần phải chạy tìm bên ngoài. Phật tức là tâm, tức tâm thể của chúng ta. Ai cũng có cái gốc này hết, bây giờ chỉ cần phát huy nó là dùng được thôi. Ngài nói Phật là tâm, chớ tìm hỏi cơ phong Mã Tổ. Ngày xưa Mã Đại sư, một vị Thiền sư lừng danh thời Đường dạy Tức tâm tức Phật. Có khi Ngài nói Phi tâm phi Phật. Một đệ tử của Mã Tổ là Đại Mai nhận ra được ý chỉ “tức tâm tức Phật” rồi về ở núi. Thời gian sau, có vị biết tin tức đó mới trình lại với Mã Tổ. Mã Tổ liền cho người tới kiểm nghiệm, xem có phải thực nhận được “tức tâm tức Phật” hay không? Vị từ nơi Mã Tổ sai đến, hỏi ngài Đại Mai:

- Ngài đến với Mã Tổ được cái gì mà về ở núi?

Đại Mai đáp:

- Tôi đến Mã Tổ nghe nói “tức tâm tức Phật”, liền về ở núi này.

Vị kia bảo:

- Bây giờ Mã Tổ không nói tức tâm tức Phật, mà nói phi tâm phi Phật.

Ngài trả lời:

- Mặc cho ông già ấy lừa thiên hạ, ta chỉ biết tức tâm tức Phật.

Vị đó về trình lại với Mã Đại sư, Ngài liền khen:

- Trái mai đã chín!

Người xưa học đạo không nhiều, chỉ bảo sống được với tâm thể của mình là đủ rồi. Ai biết sử dụng trí tuệ chân thật để tiếp cận với tất cả các hiện tượng chung quanh, đừng bị nó kéo lôi là sống được với tâm thể, không có gì huyền bí trong đó hết. Cho nên Tổ Trúc Lâm nhắc chúng ta chỉ cần biết Phật chính là tâm thì khỏi phải nhọc tìm đến Mã Tổ. Bởi vì Mã Tổ cũng chỉ dạy thế thôi. Chúng ta nghe tức tâm tức Phật, tin nhận được rồi thì cứ thế nỗ lực tu hành tại đây, ngay bây giờ chứ khỏi đi núi. Người biết tu không đặt vấn đề phải ở núi ở non hoặc đi đâu mới tu được. Ngay nơi tâm này đã tự sẵn đầy đủ rồi, khỏi tìm cầu đâu hết. Chỉ có điều ta không nhận được tâm mình bởi vì vọng tưởng nhiều quá, không chịu dẹp bỏ nên nó che lấp hết trơn.

Ba ý này nếu chúng ta áp dụng được trong mọi sinh hoạt, thì sẽ có một định lực phi thường. Bởi vì mình không chạy theo bất cứ thứ nào, nên không bị cái gì kéo lôi hết. Trong tâm sáng suốt không còn lầm, không còn bôn ba sôi nổi như trước nữa. Như thế gọi là định tuệ hiện tiền. Do có trí tuệ mới biết các pháp không thật, nên không chạy theo, dẹp bỏ vọng tưởng điên đảo thì định tỉnh sáng suốt, đó là định tuệ song hành. Người nào được định tuệ hiện tiền đó là người đại lực lượng, biết cách tu hành, biết phát huy diệu lực nơi tâm thể của mình. Người này có sức mạnh không ai địch nổi, kể cả nghiệp lực cũng phải đầu hàng khuất phục. Tu như thế không nhất thiết phải là người có thân hình khỏe mạnh to lớn hoặc có những bằng cấp cao quý nhất trên đời, hoặc có tướng phi phàm, ai thấy cũng lạy dài… không nhất thiết như thế. Chỉ sống bình thường như bao nhiêu người, nhưng tỉnh giác không bị ngoại cảnh kéo lôi thì tự tại, an nhiên, giải thoát.

Hiểu và tu như vậy, chúng ta không còn mặc cảm về thân phận, về hình tướng bên ngoài. Giả dụ hơi thở của mình yếu, không thở sâu như huynh đệ được thì mình càng nỗ lực hơn. Trong từng phút giây ta tranh thủ tu, sống với Phật thể của mình thì vẫn an nhiên, sung sướng, không sợ gì cả. Nếu còn kéo thêm được hơi thở nào, mình cũng làm một việc như thế thôi. Giả dụ hơi thở xấu đi, nó không ưa mình nữa, vừa thở ra nó cắt ngang rồi nằm xuôi mình cũng yên lòng. Không phải lo lắng, cũng không sợ sệt gì hết. Phải gan như thế. Chứ nếu thấy hơi thở gần đứt, mình nhớ lại dăm ba mươi năm về trước ta là một tay dữ dằn gì gì đó… thì thôi đủ chuyện hiện ra kéo ta đi vào những chỗ tối tăm. Lúc đó không sao yên định được. Thế là các cửa khổ mở ra.

Tu hành là để chuyển hóa. Nhân quả tuy không thật nhưng có vay thì có trả. Cho nên các Thiền sư nói, ngay bây giờ chết đọa xuống địa ngục bị quỷ sứ cày mấy chục lớp, ta cũng thấy không thật, sẵn sàng trả. Không có nghĩa mọi thứ không thật rồi ta phủ nhận hết, coi như quỵt nợ thiên hạ! Đâu có được. Nhân quả như thế, phải sáng tỉnh gan dạ biết như vậy, thấy như vậy, sống như vậy. Cho nên Thiền sư là người nhìn thẳng, sống ngay đây bây giờ, rõ ràng như thế.

Buông hết tài sắc, học theo thói Bàng Công. Bàng Long Uẩn là một nhân sĩ đời Đường. Sau khi học đạo, nhận được yếu chỉ Phật pháp, ông đem đổ hết tài sản xuống sông, rồi cất một am nhỏ ở vùng quê, sống tu với cô con gái út. Đó là cô Linh Chiếu lấy nghề đan giỏ nuôi cha. Vợ ông và người con trai làm ruộng ở nơi khác, tất cả tài sản buông bỏ hết. Ở đây Ngài dạy chúng ta học theo tấm gương của gia đình ông Bàng Long Uẩn, buông hết mọi thứ, chỉ chú tâm vào một việc nhận ra cho được cái chân thật của mình và sống với nó.

Thật ra khi nhận được tánh giác rồi, các ngài thấy thống khoái lạ thường lắm! Cho nên những gì ôm đồm từ bấy lâu nay đều tự động giải tỏa hết. Điều này rất rõ ràng, không luận hồi xưa mà thời nay cũng vậy. Chúng ta thấy có nhiều người đang làm ăn tiền muôn bạc vạn mà một khi đã hiểu đạo sâu sắc rồi họ buông hết, hoặc chỉ giữ phần nào trong sự sống thôi. Có những người mạnh mẽ dám buông hết, rồi sống trong đạo tràng chỉ lo tu tập, không màng đến đói no sướng khổ vật chất nữa. Sống như vậy mà vui, vui với đạo, với tâm chân thật thanh tịnh hiện tiền.

Đến ý thứ tư: Được tánh sáng rồi đối với ngũ dục thế gian xem như áng mây trôi, thì đâu cần ở Cánh Diều Yên Tử; răn nhắc thanh sắc lòng yên, không chạy tìm đắm đuối nữa, thì cũng không cần am Sạn non Đông. Khi đã đầy đủ trí tuệ, làm chủ được ngũ dục, người đó ở đâu cũng tốt, không phải ở Cánh Diều Yên Tử mới tu được. Cánh Diều là một dãy núi trên quần thể Yên Tử sơn. Am Sạn non Đông cũng là những chỗ ngày xưa các ngài lên đó ẩn tu. Nhận được tánh sáng rồi thì xem ngũ dục như mây trôi, gió thoảng.

Ngũ dục là gì? Là tài, sắc, danh, thực, thùy. Bây giờ chúng ta làm chủ ngũ dục được chưa? Chỉ tính cái thùy tức là ham ngủ thôi đã thấy khó rồi. Hôm nào đi xem các huynh đệ ngồi thiền, đứng ở ngoài nhìn vô, lúc đầu thấy mấy anh nhỏ gục gặc trước, một hồi mấy người lớn cũng bắt chước gục gặc theo. Chỉ có một dục, mà bắt ở dưới tính lên đó nha, chứ không phải ở trên tính xuống, chúng ta đã chào thua rồi. So với các trung tâm thiền tại các nước như Miến Điện, Thái Lan v.v… thời khóa của Thiền viện chúng ta có phần thư thả hơn nhiều, mà nội có một việc ngủ thôi huynh đệ còn điều phục chưa nổi. Các cụ lớn mất ngủ tu không được cũng phiền não, các thiền sinh nhỏ ngủ nhiều, mê muội tu không được cũng phiền não. Tóm lại, ngủ nhiều ngủ ít gì cũng phiền não. Việc tu quả không phải là chuyện dễ!

Việc tu tập khó khăn như vậy, chúng ta mới thấy Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ dục lạc, từ bỏ vương vị để đi tu một cách kiên quyết dũng mãnh, quả thật rất đáng khâm phục. Đã thế Ngài lại tu khổ hạnh, chứ không tu lai rai thư thả như mình. Cho nên qua năm, sáu năm Ngài thành đạo. Còn chúng ta tu lai rai, sáng chút chiều chút, chắc cùng kiếp cũng chưa tới đâu. Chư Phật Tổ, tu mãnh liệt như vậy, như Sơ Tổ Trúc Lâm là một ông vua đi tu cũng hành hạnh đầu đà nên trong vòng năm năm Ngài đã đạt đạo. Thiền viện chúng ta sinh hoạt bình thường, không có gì gắt gao đến độ ta chịu không nổi, vậy mà huynh đệ không gia công tu tập được thì thật là dở.

Ở một thế giới mà vật chất quá sung túc thì rất khó tu. Như vừa rồi tôi sang Úc châu thấy đời sống vật chất của họ có thể nói là dư thừa, chớ không phải như ở xứ mình. Vì vật chất dư thừa, nên Phật tử gặp nhiều trở ngại trên đường tu. Nếu người không phát tâm mãnh liệt, nhất là chưa có lần nào chứng kiến những cảnh bi đát, thống thiết thì phát tâm không sâu, không vững. Cho nên người giàu sang sung túc ở trong cảnh bình thường tu được, gặp cảnh hơi khác thường tu không được.

Thành ra làm sao mình phải làm chủ, không bị chi phối bởi những cảnh duyên bên ngoài. Người có hùng chí, có quyết tâm mãnh liệt sẽ phát huy được định tuệ, không trông đợi, mong chờ gì hết. Còn chưa làm chủ được thì phải chấp nhận một cuộc đời thật lưu đãng, trôi giạt, mờ mịt không biết chừng nào yên. Tôi nói thế để anh em ý thức việc tu hành của mình, không thể thả trôi ngày tháng được. Đầu đêm cuối đêm, giữa đêm hay ban ngày, phải tự nỗ lực công phu. Đó là việc của mình. Còn sắp đặt sinh hoạt của tập thể là quy định chung như thế để phù hợp với mọi trình độ của các huynh đệ, nhưng nếu quý vị nào muốn tu thêm càng tốt, chứ không có ai cản trở cả. Ví như buổi tối tọa thiền tới chín giờ thì xả, nhưng ai phát tâm mãnh liệt tọa thiền tới mười một giờ càng tốt, không ai cản trở hết. Nghe mình ngồi như vậy huynh đệ khuyến khích, trân trọng một vị ham tu, biết tiết kiệm thời gian, dành dụm từng phút sống còn để tu hành. Tăng Ni trong đạo tràng, ai cũng có quyền phấn đấu để vươn lên, không có người nào cấm cản chuyện đó cả, mà còn khích lệ nhiều hơn nữa.

Như buổi khuya ba giờ thức chúng, mọi người chuẩn bị tọa thiền cho tới năm giờ. Bây giờ huynh đệ mình cang cường, phát tâm dũng mãnh, quyết liệt thức trước ba giờ, trong lúc ngồi thiền phấn đấu cùng cực. Phấn đấu với muỗi mòng, với nóng nực, với cơn buồn ngủ, với những khó chịu mệt mỏi, phấn đấu vượt qua hết mọi chướng ngại, để ngồi yên định tỉnh táo suốt từ ba giờ cho tới năm giờ. Chúng ta hoàn toàn an nhiên trong thế tự chủ, rực rỡ sáng suốt, như vậy hay biết chừng nào. Còn người đợi kiểng năm giờ xả thiền mới lồm cồm ngồi dậy, té ra nãy giờ mình vùi đầu ngủ. Tu kiểu đó thì có ở trong thiền viện trăm năm nữa cũng thế thôi, cũng là cái loại ngủ gà ngủ gật, phải không? Thế nên huynh đệ là thanh niên, còn trẻ khỏe phải cố gắng khắc phục. Mãnh liệt trong công phu là phương châm tất yếu của những người thật tâm tu hành.

Hồi xưa trong đạo tràng của ngài Dược Sơn, có một thầy cũng là chức sự, bẵng đi một thời gian không thấy thầy ở đâu. Hòa thượng đường đầu thấy vắng mới đi tìm, thì ra thầy ngồi ở chỗ trồng rẫy mà áo quần đã mục. Nghĩa là làm công tác rồi ngồi thiền và vào đại định tại đó luôn, đại chúng không ai để ý nên thầy bị bỏ quên đi. Tới khi tìm lại thì áo quần đã mục, vì thầy ngồi nhập định ngoài mưa ngoài nắng. Chúng ta nghe mà kinh khiếp! Còn chúng ta làm ở ngoài rẫy mà tai để trong nhà bếp, xem mấy giờ rồi, có ai đánh kiểng đánh bảng gì chưa…? Tu như vậy biết chừng nào mới sáng đạo được?

Ý thứ năm là, người thật tu ở ngay cảnh trần tục mà thành tựu đạo quả, còn quý hơn kẻ lên rừng núi mà chẳng biết chỗ tột của đạo, chỉ luống uổng một đời công phu. Người thật tu ngay nơi cảnh trần tục vẫn có thể đạt được đạo. Vua Trần, ngay khi còn làm hoàng tử đã định trốn đi tu, nhường ngai vàng lại cho em nhưng triều đình không chấp thuận. Ngài bắt buộc phải ở trong hoàng cung nhưng tự khắc phục, không ăn uống nhiều, không hưởng thụ đời sống của một ông hoàng. Về đêm, Ngài chuyên nghiên cứu giáo điển, ăn uống đạm bạc đến đỗi thân thể gầy còm. Vua cha tức Trần Thánh Tông hay được, buồn nói: “Ta trông cậy vào con, mà con làm như vậy thì ta biết sao đây?”. Ý chí tu hành đã được nuôi dưỡng khi Ngài còn đang tại vị, biết bao công việc và vinh hoa phú quý vây lấy, nhưng Ngài vẫn không quên tâm nguyện thiết tha tu hành ấy. Cho nên lời dạy của Ngài nhuần nhuyễn đạo đức thâm trầm, nhưng rất gần gũi với đời thường. Sống trong ngũ dục mà làm chủ được ngũ dục, đó là người sống với trí tuệ, là người thật tu. Đúng với tinh thần của Quốc sư Phù Vân đã dạy “Phật ở tại tâm”.

Hồi xưa khi vua Trần Thái Tông chạy lên núi đòi tu, Quốc sư bảo:

- Tôi là thầy chùa trên núi, ăn rau răm, uống nước suối, xương cứng da gầy. Bệ hạ là quân vương lên đây tìm cái gì?

Nhà vua trả lời:

- Lên để tìm Phật.

Quốc sư nói:

- Phật không có ở trong núi, Phật ở trong tâm.

Mình làm việc gì vì tất cả mọi người, không vì mình là làm việc Phật. Ngay từ đầu, các vua chúa đời Trần đã thể hiện rõ tinh thần này. Người thật tu không phải lăng xăng tìm kiếm Phật ở đâu ngoài tâm. Cho nên tâm mới là cái chủ yếu, chứ không phải chỗ ở là chính. Tuy nhiên học đạo, tu đạo mà thành tựu được cũng cần có bậc minh sư và thiện hữu tri thức chỉ dẫn. Thành tựu được tâm nguyện tu hành của mình, cũng phải trải qua một quá trình gạn lọc, tu tập không dễ dàng gì. Vì vậy chúng ta phải cố gắng nương lời dạy, nương những tấm gương của các bậc cổ đức mà nỗ lực chuyển hóa đời sống của mình. Nỗ lực bằng cách phản quan lại mình, không lo lắng phụ việc của người khác, không đánh mất cơ hội tốt cho mình. Đó là biết đền ơn Phật Tổ, ân sư.

Không đánh mất cơ hội tốt của mình là sao? Là chúng ta đang có cơ hội tu hành thì phải đem hết khả năng, thực hiện tu tập đúng nghĩa, đừng lôi thôi qua ngày uổng một đời tu. Chư huynh đệ thấy thời gian trôi nhanh đến nỗi chúng ta quên bẵng đi một khoảng là qua mất năm năm, mười năm … Có nhiều vị tới đây xuất gia, làm thiền sinh học đạo tu hành, lụi xụi vài năm rồi chết. Chết là tin báo sau cùng trong đời tu của chúng ta. Ai cũng chứng kiến rồi đó. Đến lúc đó muốn tu lấy cái gì để làm phương tiện tu hành, vì cái thân này mất rồi. Nếu chủng Phật không gầy dựng nghiêm túc, thì chưa chắc đời sau có cơ hội tốt như đời này. Chỗ này các vị học trong kinh điển Đại thừa, thấy khiếp đảm lắm. Chư Bồ-tát còn phải ngán khi cách ấm. Nghĩa là khi chúng ta bỏ thân này cho tới lúc nhận thân sau, trong khoảng thời gian mịt mù đó, nếu không có trí tuệ thì nghiệp lôi tới đâu ta đi tới đó, không biết sẽ ra sao?

Cho nên thời gian còn đủ phúc duyên sống trong lòng đại chúng tu tập, anh tu mà ngủ gục thì có người lay anh, biểu anh đừng ngủ nữa, anh tu lười biếng thì có người nhắc anh đừng lười biếng nữa, anh tu sai quấy thì có người nhắc nhở đừng sai quấy như thế nữa. Song một mai nếu bỏ thân này rồi, ai thấy anh là cái gì đâu để nhắc nhở? Đó là một thiệt thòi lớn. Tôi nói thế để huynh đệ mình tranh thủ, đừng đánh mất cơ hội tốt này, tới chừng hối hận thì không kịp nữa rồi. Đừng nói đợi đến lúc mất, mà khi bệnh hoạn là đã thấy khó rồi. Đừng nói những cụ già mà trai trẻ cũng vẫn có thể bệnh, chết bất cứ lúc nào. Thời gian bệnh dù chúng ta gắng tỉnh cách mấy cũng không bằng lúc khỏe mạnh bình thường. Mình muốn đi đi không được, muốn ngồi ngồi không yên, ăn không được ngủ không được, cái gì cũng nhờ sự hỗ trợ bên ngoài, xem như mất tự chủ hoàn toàn. Cho nên các huynh đệ mình phải ráng. Chúng ta có duyên được gặp chánh pháp, gặp pháp môn tu thiền của Hòa thượng, sống trong Thiền viện là môi trường tốt, không nên đánh mất cơ hội quý báu này.

[ Quay lại ]