headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

147 - Tùng Duyệt ăn trái vải

從 悅 荔 枝

Tùng Duyệt lệ chi

處 凝 蘆 菔

Xử Ngưng lô bặc

真 歇 換 衣

Chân Yết hoán y

且 菴 辭 服

Thả Am từ phục

587. — Tùng Duyệt ăn trái vải

Thủ tọa Thanh Tố người xứ Mân theo học với ngài Từ Minh suốt mười ba năm. Năm 80 tuổi Sư ở chùa Lộc Uyển thuộc Hồ Tương, do ít giao thiệp nên mọi người chẳng biết đến Sư. Huynh đệ với Sư có Thủ toạ Tùng Duyệt là người Xứ Châu ở phòng kế bên. Một hôm, lúc Tùng Duyệt ăn trái vải ngâm đường chợt thấy Tố đi ngang qua cửa liền gọi:

– Ông già này hãy vào đây thưởng thức cây nhà lá vườn!

Tố nói:

– Từ khi Tiên sư mất đến nay chẳng được ăn thứ này.

Lát sau, Duyệt hỏi rằng:

– Tiên sư là ai?

Tố đáp:

– Là ngài Từ Minh.

Duyệt vừa nghi vừa sợ, liền biếu cho những người thân mỗi người một ít phần trái vải còn lại. Về sau, Tố hỏi:

– Ông đã từng gặp người nào?

Duyệt nói:

– Hòa thượng Ðộng Sơn Văn.

Tố hỏi thêm: Văn theo học với ai?

Duyệt đáp: Hòa thượng Nam.

Tố nói: Sau khi Nam Biển Ðầu gặp Tiên sư ít lâu thì pháp hệ của ông ta được hưng thịnh như thế.

Từ đó, Duyệt ngày càng đổi khác. Một hôm, Sư cầm thẻ hương đi đến làm lễ Thủ Tọa Tố. Tố tránh sang bên nói:

– Vì tôi phúc mỏng nên Tiên sư thụ kí chẳng được làm thầy người.

Khi ấy trải qua một tháng, Tố cảm lòng chí thành của Duyệt nên nói:

– Hãy nói cho tôi nghe những tri giải từ trước đến nay của ông đi!

Duyệt liền trình bày chỗ thấy của mình. Tố nói:

– Tuy vào được cảnh giới Phật, nhưng chẳng thể vào cảnh giới ma.

Tố nói thêm:

– Một câu sau rốt mới đến lao quan.

Trải qua nửa năm như thế Tố mới ấn khả cho Duyệt và luôn luôn răn nhắc rằng:

– Những lời Văn chỉ dạy ông đều là chính tri kiến, tuy ta điểm phá cho ông để ông thọ dụng tự tại, nhưng e rằng ông lìa thầy quá sớm chẳng thể thấu triệt đạo lí của ông ta. Ngày kia chớ nói rằng nối pháp với ta.

Về sau, Tùng Duyệt ra hoằng pháp, nối pháp ngài Chân Tịnh Văn và Sư được mọi người gọi là Ðâu-suất Duyệt.

(Theo: Ðại Huệ Võ Khố.)

588. — Xử Ngưng nướng củ cải

Thiền sư Bảo Ninh Dũng là bạn đồng tham với hai ngài Xử Thanh và Xử Ngưng trong pháp hội của Thiền sư Bạch Vân Thủ Ðoan. Ngưng ở trong liêu thị giả rất lâu. Do Thiền sư Ðoan bị bệnh nấc cục, Ngưng thường nướng củ cải cho ngài dùng, lúc nào cũng lo cho ngài được đầy đủ. Ðoan có làm bài tụng về nhân duyên giảng kinh của Phó đại sĩ:

Ðại sĩ hà tằng giải giảng kinh

便

Chí công phương tiện thả tương thành

Nhất huy án thượng câu vô thủ

Trực đắc Lương vương nỗ nhãn tình

Ðại sĩ đâu từng giảng giải kinh

Chí công phương tiện để giúp thành

Vỗ bàn một cái đều không nhận

Khiến cho Lương vương trố mắt xanh.

Vì Ngưng mà cử rằng: Trố mắt là cái gì? Một câu này là vì Ngưng mà nói Thiền lão bà.

Ngưng cho là đích thân nghe được nên chấp chặt bài tụng. Về sau, Sư ở núi Thiên Trụ thuộc Thư Châu, còn Xử Thanh trụ Thái Bình thuộc Long Thơ. Thanh rất có biện tài và từng bảo Ngưng rằng:

– Thiền của đệ sở dĩ có tên là Thiền lão bà là do đệ nướng củ cải cho lão Hòa thượng đó!

(Theo: Ðại Huệ Võ Khố.)

589. — Chân Yết đổi lá y

Chân Yết húy Thanh Liễu, ban đầu yết kiến ngài Ðan Hà Tử Thuần, ngộ được ý chỉ. Về sau, Sư yết kiến Trường Lô Chiếu. Chiếu gặp Sư một lần, liền biết Sư là pháp khí nên bảo Sư làm thị giả. Qua năm sau, Chiếu phân tòa cho Sư giảng diễn. Ít lâu sau, Chiếu lấy cớ bệnh nhường tòa và bảo Sư kế thừa mình thuyết pháp. Người học vân tập đông đảo như cũ. Lúc Sư thăng tòa niêm hương, Chiếu đem y của mình trao cho. Sư niêm hương nhắc đến thầy là Ðan Hà, Chiếu liền sai kẻ tả hữu xé y. Sư đã chuẩn bị sẵn sàng bằng cách bỏ y Tăng-già-lê vải vào trong tay áo; lúc ấy liền lấy ra để đắp. Có bài kệ khen Sư rằng:

Giữa hội phân được ai là chủ

Ðem pháp y đổi trước mặt người.

(Theo: Chính Tông Tán.)

Còn theo Tùng Lâm Thạnh Sự, khi đề cập đến việc đổi y có nói như sau:

Ðắc pháp Ðan Hà thất

Truyền y Tổ Chiếu đình

Ân thâm chuyển vô ngữ

Hoài bão tự phân minh

Ðắc pháp (ở) thất Ðan Hà

Ðược y (nơi) sân Tổ Chiếu

Ân thâm thật khó nói

Hoài bão quá rõ rồi.

Chiếu chẳng vui liền sai người lấy lại y ấy. Từ đó đến suốt đời, Liễu chẳng đắp y. Rốt cuộc Sư nối pháp ngài Ðan Hà Tử Thuần. Bậc thức giả trong chốn tùng lâm đều cho cử chỉ cao nhã ấy là chẳng quên gốc gác vậy.

590. — Thả Am không (chịu) mặc áo

Hòa thượng Thả Am Nhân là người Thượng Ngô của nước Việt. Ban đầu Sư tự cạo tóc theo ngài Tuyết Ðường đi sang Ô Cự ở Cù Châu. Nhân thấy Tuyết Ðường đang dạy chúng:

- Hôm nay các huynh đệ thực hiện công phu cũng giống như người tập bắn. Ðầu tiên hai chân phải đứng vững, rồi mới tập cách bắn. Sau đó nhờ tập lâu nên dù vô tâm nhưng hễ bắn phát nào cũng đều trúng đích.

Tuyết Ðường nói xong, hét một tiếng, nói tiếp:

– Bây giờ hãy xem ta bắn đây!

Nhân bất giác chao mình để né tên, bỗng nhiên đại ngộ, trở về Mai Sơn cất am và ở đấy suốt mười sáu năm. Một lần nọ, Hòa thượng Thiên Ðồng Chính Giác lãnh đạo chư tăng đến Thượng Ngô để quyên góp; khi đêm đến ngài có tá túc ở am này, nằm chung giường với Sư và nghe Sư nói những lời rất lạ. Lúc Chính Giác trở về chùa Thiên Ðồng nhằm cuối hạ, vị chủ sự bạch với Giác rằng “Hiện thời chùa không được mời được một vị nào để làm Thủ tọa”. Giác nói:

– Thủ tọa của ta sẽ đến đây trong nay mai!

Giác liền sai thị giả qua đất Việt mời Nhân. Nhân vừa về đến, Giác liền mời Sư đến nghỉ ở liêu Thủ tọa. Ðại chúng thấy Sư lạ nên còn nghi ngờ tài năng của Sư. Không bao lâu, Giác thỉnh Sư treo thẻ, cầm phất (thăng tòa diễn giảng), lúc ấy họ mới chịu tin phục.

Hai năm sau, Giác thị tịch. Khi ấy, Diệu Hỉ đứng ra sắp xếp việc tang lễ. Hai ban Ðông và Tây của Thiền viện đều mặc tang phục, chỉ có Nhân là chẳng chịu mặc. Diệu Hỉ lấy làm lạ, hỏi Sư. Nhân liền âm thầm nói về việc ấy. Diệu Hỉ nói:

– Té ra ông đã gặp ngài Tuyết Ðường trước rồi!

Về sau, Nhân trụ Trường Lô, pháp tịch rất hưng thịnh.

(Theo: Tùng Lâm Thạnh Sự.)

[ Quay lại ]