headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 130 — Bản Tịch nói sâm lậu

本 寂 滲 漏

Bản Tịch sâm lậu

克 符 料 揀

Khắc Phù liệu giản

佛 日 體 盆

Phật Nhật thể bồn

國 師 水

Quốc sư thủy oản

519. — Bản Tịch nói sâm lậu

Tào Sơn Bản Tịch (nối pháp Ðộng Sơn) có 3 thứ sâm lậu, đó là:

1. Kiến sâm lậu: Nghĩa là căn cơ chẳng lìa địa vị, rơi trong biển độc.

2. Tình sâm lậu: Nghĩa là trí thường hướng theo hoặc trái nghịch, chỗ thấy thiên khô.

3. Ngữ sâm lậu: Giỏi nghiên cứu mất tông chỉ, cơ mờ trước sau.

Người học trí ô trược chẳng ra khỏi ba thứ này.

(Theo: Nhân Thiên Nhãn Mục.)

  • Không biết tác giả và người chú thích có lầm không, chứ thật ra “thẩm lậu (rỉ chảy)” là của Ðộng Sơn Ngộ Bản nói.

520. — Khắc Phù tụng liệu giản

Ban đầu Lâm Tế đến Hà Bắc trụ viện. Sư thấy nơi đây có hai Thượng tọa Phổ Hóa và Khắc Phù (nối pháp Lâm Tế), bèn bảo hai vị ấy:

– Ta muốn dựng lập tông chỉ của Hoàng Bá ở nơi này, các ông hãy giúp ta!

Hai vị cáo từ rồi lui ra. Ba ngày sau Phổ Hóa lại đến, hỏi:

– Ba hôm trước Hòa thượng nói gì?

Lâm Tế liền đánh. Ba hôm sau Khắc Phù lại đến, hỏi:

– Ba hôm trước Hòa thượng nói gì?

Lâm Tế liền đánh. Ba hôm sau Phổ Hóa lại đến, hỏi:

– Ba hôm trước Hòa thượng nói gì?

Lâm Tế liền đánh. Ba hôm sau Khắc Phù lại đến, hỏi:

– Ngày trước tại sao Hòa thượng lại đánh Phổ Hóa?

Lâm Tế cũng đánh. Ðến chiều, giờ tiểu tham, Lâm Tế nói:

– Có lúc đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có lúc đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có lúc nhân cảnh đều đoạt, có lúc nhân cảnh đều chẳng đoạt.

Có vị tăng hỏi:

– Thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh?

Lâm Tế đáp:

                    Mặt trời ẩn hiện phô gấm vóc,

                    Trẻ thơ rủ tóc trắng như tơ.

– Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân?

Lâm Tế đáp:

                    Lệnh vua ban truyền khắp thiên hạ

                    Tướng quân biên giới khói mù tan.

– Thế nào là nhân cảnh đều đoạt?

Lâm Tế đáp:

                    Biện Phần bặt tin tức

                    Một mình ở một nơi.

Lại hỏi:

– Thế nào là nhân cảnh đều không đoạt?

Lâm Tế đáp:

                Vua bước lên ngai,

                Lão quê ca hát.

Khắc Phù tụng rằng:

1. Ðoạt nhân chẳng đoạt cảnh:

                Duyên tự mang điêu ngoa

                Toan muốn cầu huyền chỉ

                Suy nghĩ trách lại chăng

                Ly châu sáng rực rỡ

                Cung trăng hình xênh xang

                Giáp mặt không trái nhau

                Có ứng kẹt lưới ngàn.

2. Ðoạt cảnh chẳng đoạt nhân:

                Tìm lời chỗ nào chân

                Hỏi Thiền, Thiền là vọng

                 Xét lí, lí chẳng gần

                Trời soi ánh sáng lạnh

                Núi xa, dáng thanh tân

                Và như có hiểu được

                Trong mắt dính bụi trần!

3. Nhân cảnh cả hai đều đoạt:

                Ðến nay hành chính lệnh

                Chẳng luận Phật cùng Tổ

                Ai nói Thánh phàm tình

                Toan phạm nhằm kiếm bén

                Lại như gặp kẻ đần

                Ðến trước cầu khéo hiểu

                Chuyên môn chém linh tinh.

4/ Nhân cảnh đều chẳng đoạt:

                 Suy nghĩ ý chẳng khắp

                 Chủ khách như lời nhau

                 Hỏi đáp lí đều toàn

                 Ðập phá đầm trăng lặng

                Xuyên mở bầu trời trong

                Chẳng thể rõ diệu dụng

                Chìm đắm ở vô duyên.

  • Liệu giản: Chỉ cho việc xem xét, phân biệt nghĩa lí.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 11.)

521. — Phật Nhật cái bồn tắm

Không có chú giải (DG)

522. — Quốc sư cái chén nước

Tổ Đình Sự Uyển ghi chưa rõ xuất xứ, Nhưng Phật Quang đại từ điển cho tắc này là Quốc sư Thủy Oản (水 椀) chứ không phải thủy chẩm. Nội dung như sau:

Quốc sư Huệ Trung hỏi Tử Lân Cung Phụng:

– Nghe nói Cung Phụng chú giải Kinh Tư Ích phải chăng?

Cung Phụng đáp:

– Phải!

Quốc sư bảo:

– Người nào muốn chú giải kinh thì trước phải hiểu ý Phật mới được?

Phụng đáp:

– Nếu chẳng hiểu ý Phật thì đâu dám nói chú giải kinh?

Quốc sư sai thị giả đem một chén nước, bảy hạt gạo và một chiếc đũa để trên cái chén, trao cho Cung Phụng rồi hỏi:

– Ấy là nghĩa gì?

– Chẳng hiểu!

– Ý của ông Thầy mà ngươi còn chẳng hiểu thì nói chi đến ý Phật!

(Theo: Phật Quang đại từ điển.)

[ Quay lại ]