headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ TÔNG NHẤT

Pháp danh Sư Bị ở Huyền Sa - (835-908)

Sư họ Tạ quê ở huyện Mân, Phước Châu. Thuở nhỏ thích câu cá, Sư sắm một chiếc thuyền nhỏ thường thả câu trên sông Nam Đài.

Đến năm ba mươi tuổi, nhằm niên hiệu Hàm Thông năm đầu (860), Sư chợt phát tâm cầu giải thoát. Liền bỏ thuyền câu, Sư lên núi Phù Dung theo Thiền sư Linh Huấn xuất gia, đến chùa Khai Nguyên ở Dự Chương thọ giới cụ túc với Luật sư Đạo Huyền. Sau đó, Sư chỉ mặc áo gai đi giày cỏ, ăn vừa đủ sống, suốt ngày ngồi yên lặng. Trong chúng thấy đều kinh dị.

Đối với Tuyết Phong Nghĩa Tồn, Sư là đàn em trong đạo, mà gần gũi kính thờ như thầy trò. Tuyết Phong thấy Sư khổ hạnh nên gọi là Đầu-đà.

Một hôm, Tuyết Phong hỏi: Cái gì là Đầu-đà Bị ? Sư đáp: Trọn chẳng dám dối người. Hôm khác, Tuyết Phong gọi: Đầu-đà Bị! tại sao chẳng đi tham vấn các nơi? Sư thưa: Đạt-ma chẳng đến Đông độ, Nhị Tổ chẳng sang Tây thiên. Tuyết Phong gật đầu.

*

Tuyết Phong lên núi Tượng Cốt hoằng hóa, Sư cùng góp sức đắc lực. Học lữ các nơi tụ họp thật đông.

Sư nhập thất quên mất sớm chiều, lại xem kinh Lăng Nghiêm phát minh tâm địa. Do đó, Sư ứng đối lẹ làng cùng kinh điển phù hợp. Những vị huyền học ở các nơi chưa giải quyết nghi ngờ đều đến cầu Sư chỉ dạy. Đến như Tuyết Phong gạn hỏi đối đáp cũng tương đương chẳng nhượng. Tuyết Phong bảo: ?Đầu-đà Bị là người tái sanh.?

*

Tuyết Phong thượng đường nói:

- Cần hỏi được việc này, ví như gương xưa hiện ở trên đài, Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán.

Sư thưa:- Chợt gặp gương sáng đến thì thế nào?

Tuyết Phong bảo:- Hồ Hán đều ẩn.

Sư thưa:- Lão Hòa thượng gót chân chưa dính đất.

*

Trưởng lão Nam Tế đến Tuyết Phong, Tuyết Phong dạy đến hỏi Sư:

Sư hỏi:

- Cổ nhân nói: ?việc này chỉ ta hay biết?, ý kiến Trưởng lão thế nào?

Nam Tế thưa:- Nên biết có người chẳng cầu biết.

Sư bảo:- Hòa thượng ở trên chót núi chịu bao nhiêu thứ khổ sở để làm gì?

*

Tuyết Phong nói:

- Thế giới rộng một thước gương xưa rộng một thước; thế giới rộng một trượng gương xưa rộng một trượng.

Sư chỉ lò lửa hỏi:- Lò lửa rộng bao nhiêu?

- Như gương xưa rộng.

- Lão Hòa thượng gót chân chưa dính đất.

*

Sư từ biệt Tuyết Phong rằng:

- Thưa Hòa thượng! ?mỗi người có tự do tự tại?, hôm nay tôi xin xuống núi.

Tuyết Phong hỏi:- Lời ai nói thế ấy?

- Lời Hòa thượng nói thế ấy.

- Còn ông thì sao?

- Chẳng tự do tự tại.

- Biết.

Lúc đầu, Sư được thỉnh trụ viện Phổ Ứng tại trường Mai Khê. Kế đó, Sư dời trụ tại núi Huyền Sa. Từ đây chúng tăng khắp nơi đua nhau đến tham vấn. Học chúng hă?g ngày trên số tám trăm vị. Mân soái  Vương Công thỉnh Sư diễn Vô thượng thừa và kính Sư làm thầy.

*

Sư thượng đường im lặng giây lâu, bảo chúng:

- Tôi đã vì các ông triệt khốn (thống thiết), lại hội chăng?

Có vị Tăng thưa:- Khi lặng lẽ không nói là sao?

- Nói mớ làm gì? [Mớ là tiếng nói trong giấc mộng.]

- Thỉnh Thầy nói việc bổn phận?

- Ngủ mê làm gì?

- Học nhân tức ngủ mê, còn Thầy thì sao?

- Đâu được thế ấy, chẳng biết ngứa ngáy.

Sư lại nói:

Đáng tiếc! Sư tăng đông như thế, đi hành khước ngàn dặm muôn dặm đến đây, mà chẳng tiêu cái ngủ mê nói mớ, bèn thối lui.

*

Vi Giám Quân đến yết kiến Sư, thưa: Hòa thượng Tào Sơn rất kỳ quái. Sư hỏi: Vũ Châu cách Tào Sơn mấy dặm? Vi Giám chỉ vị Tăng bên cạnh hỏi: Thượng tọa từng đến Tào Sơn chăng? Vị Tăng ấy nói: Đã từng đến. Vi Giám hỏi: Vũ Châu cách Tào Sơn mấy dặm? Tăng nói: Một trăm hai mươi (120) dặm. Vi Giám bảo: Thế ấy là Thượng tọa chưa đến Tào Sơn. Vi Giám đứng dậy đảnh lễ Sư, Sư bảo: Giám Quân nên lễ vị Tăng này, vị Tăng này đầy đủ hổ thẹn.

*

Sư dạy chúng:

- Chư thiền đức! các ông du phương hành khước đến đây, nói rằng ta tham thiền học đạo, là có chỗ kỳ đặc, hay chỉ hỏi đông hỏi tây? Nếu có chỗ kỳ đặc hãy thông qua, tôi sẽ vì các ông chứng minh là phải hay chẳng phải. Tôi trọn biết hết, lại có kỳ đặc chăng? Nếu không có kỳ đặc, chỉ là người đuổi theo tiếng. Các ông đã đến trong đây, giờ đây tôi xin hỏi: các ông là người có mắt chăng? Nếu có thì hiện đây liền nhận biết được, mà các ông có biết được chăng? Nếu các ông chẳng biết, bị tôi gọi kẻ mù từ nhỏ, kẻ điếc từ nhỏ, có phải chăng? chấp nhận lời nói như thế chăng?

Chư thiền đức! cũng chớ tự khi mà lui sụt, cái chân thật của các ông đâu từng là người mù điếc. Chư Phật mười phương nắm các ông để trên đầu, chẳng dám lầm lẫn một phần tử, chỉ nói ?việc này duy ta hay biết?, hội chăng? Như hiện nay thừa kế, trọn nói là thừa kế Thích-ca. Tôi nói: ?Thích-ca cùng tôi đồng tham cứu.? Các ông nói tham cứu cái gì? hội chăng? Thật không phải dễ dàng biết, phải là người đại ngộ mới có thể biết được. Nếu cái sở ngộ chừng bực cũng không thể gặp. Các ông lại biết đại ngộ chăng? Không phải là nhận cái chiếu soi trên đầu các ông, không phải cái các ông nói không, nói rỗng, nói bên nây bên kia, nói có pháp thế gian, nói có một cái chẳng phải pháp thế gian.

Hòa thượng con! hư không vẫn từ mê vọng huyễn sanh. Hiện nay nếu đại ngộ thì còn có chỗ nào để nói năng? Còn không có hư không thì chỗ nào có tam giới? nghiệp dẫn, cha mẹ làm duyên sanh ra ta thành lập trước sau? Hiện nay nói không vẫn là lừa dối, huống là nói có. Biết chăng? Các ông đi hành khước đã lâu, tự nói có việc giác ngộ. Nay tôi hỏi ông: ví như chót núi bờ vực chỗ không có dấu vết người, lại có Phật pháp chăng? biện được rành rẽ chăng? Nếu biện chẳng được thật là chưa có.

Tôi thường nói: trước mặt vị Tăng chết tức là chạm mắt Bồ-đề, thần quang muôn dặm là tướng sau đảnh. Nếu người gặp được, chẳng ngại ra ngoài ấm giới, thoát khỏi ý tưởng trên đầu ông, xưa nay chỉ là thể người chân thật của ông. Chỗ nào còn có một pháp khác che đậy? Các ông biết chăng? tin chăng? hiểu thừa đương được chăng? Rất cần nỗ lực!

*

Có vị Tăng hỏi:

- Nhân nghe Hòa thượng nói ?tột mười phương thế giới là một hòn minh châu?, con làm sao được hội?

Sư đáp:

- Tột mười phương thế giới là một hòn minh châu, dùng hội để làm gì?

Vị Tăng ấy bèn thôi.

Sư hỏi lại:

-Tột mười phương thế giới là một hòn minh châu, ngươi làm sao hội?

Tăng thưa:

- Tột mười phương thế giới là một hòn minh châu, dùng hội làm gì?

Sư bảo:- Biết ngươi nhằm trong hang quỉ tìm kế sống.

*

Sư dạy chúng:         

- Nay tôi hỏi các ông đã thừa đương được việc gì? tại thế giới nào an thân lập mạng? biện biệt được chăng? Nếu biện chẳng được in tuồng ấn mắt thấy hoa đốm, thấy việc đã sai, biết chăng? Hiện nay thấy núi sông đồng nội sắc không tối sáng bao nhiêu sự vật đều là tướng hoa đốm cuồng nhọc sanh ra, gọi là tri kiến điên đảo. Phàm người xuất gia phải Thức tâm đạt bản, nên hiệu là Sa-môn. Nay các ông đã cạo tóc đắp y làm tướng Sa-môn, thì phải có phần tự lợi lợi tha. Mà nay xem thấy đầu đen kịt tối tăm như dầu hắc, tự cứu còn chẳng được, làm sao giải cứu cho người.

Nhân giả! nhân duyên Phật pháp là việc lớn, chớ nên thong thả dụm đầu nói bậy nói loạn theo tiếng qua ngày, thì giờ khó được, đáng tiếc, kẻ đại trượng phu sao chẳng tự tỉnh xét, xem là vật gì? Về tông phong từ trước là dòng chư Phật đảnh, các ông đã thừa đương chẳng được. Do đó, tôi phương tiện khuyên các ông nên từ cửa Ca-diếp tiếp tục chóng vượt qua đi. Một cửa này vượt khỏi nhân quả phàm thánh, vượt cả biển thế giới diệu trang nghiêm của Tỳ-lô, vượt luôn cửa phương tiện của đức Thích-ca, thẳng đây vĩnh kiếp chẳng dạy có mộ? vật để ông trông thấy. Sao ông chẳng mau mau tham cứu lấy? Không nên nói ?ta hãy đợi hai đời, ba đời, gom chứa tịnh nghiệp lâu xa mới được?.

Nhân giả! tông thừa của các ông là việc gì? Không thể do thâm tâm ông dụng công trang nghiêm mà được, không thể do tha tâm túc mạng mà được, hội chăng? Như đức Thích-ca ra đời làm rất nhiều việc, nói mười hai phần giáo, tạo thành một trường Phật sự cho ông. Nhưng, trong cửa này dùng một điểm chẳng được, dùng một đầu sợi lông lượng xét chẳng được. Biết chăng? Như việc trong mộng, cũng như ngủ mớ. Sa-môn chẳng chịu hiện ra là chẳng đồng việc mộng, bởi vì biết được, hiểu chăng? Biết được tức là đại giải thoát, người thấu triệt. Do đó, mà siêu phàm vượt thánh, dứt sanh lìa tử, rời nhân xa quả, siêu Tỳ-lô, vượt Thích-ca, chẳng bị nhân quả phàm thánh lừa, tất cả chỗ không người biết được ông, biết chăng? Chớ hằng mắc trong lưới ái sanh tử, bị nghiệp thiện ác trói buộc lôi đi, không có phần tự do. Dù ông luyện được thân tâm đồng hư không, dù ông được đến chỗ tinh minh lặng lẽ chẳng động, vẫn không ra khỏi thức ấm. Cổ nhân gọi nó ?như thác nước?. Vì nó chảy nhanh nên chă?g biết vọng, cho là lặng lẽ. Tu hành thế ấy trọn chẳng ra khỏi mé luân hồi, vẫn như trước bị luân chuyển. Cho nên nói ?các hạnh vô thường, hẳn là công quả của tam thừa?. Như thế, thật đáng sợ. Nếu không có đạo nhãn cũng chẳng được cứu kính. Sao bằng hiện nay là phàm phu chay chẳng dùng một mảy công phu liền được chóng siêu xuất. Hiểu sức tĩnh tâm chăng? Lại mong thích chăng? Khuyên các ông, như tôi hiện giờ đứng thẳng đợi các ông nhìn thấy, chẳng dạy các ông dụng công luyện hạnh. Hiện nay chẳng thế ấy, lại đợi khi nào? lại chấp nhận chăng?

*

Sư dạy chúng:

- Này các ông! giống như người ngồi trong biển cả nước ngập lút đầu, mà đưa tay hỏi người xin nước uống. Hội chăng? Phàm người học Bát-nhã Bồ-tát phải đại căn khí có đại trí tuệ mới được. Nếu người có trí tuệ thì hiện nay được siêu thoát. Nếu người căn cơ trì độn cần phải siêng năng khổ nhọc nhẫn nại, ngày đêm bỏ ăn quên mệt, giống hệt người đưa đám ma mẹ vậy. Cấp thiết thế ấy đến trọn một đời, lại được người dìu dắt cần phải ghi xương thật cứu, chẳng ngại gì cũng sẽ được gặp. Huống là, hiện nay ai là người kham chịu thọ học?

Nhân giả! chớ có nhớ câu ghi lời, giống hệt người niệm thần chú, cất bước đi đến trong miệng đọc đa đa hòa hòa, bị người nắm đứng hỏi, liền quên mất hết, liền nổi sân nói: Hòa thượng chẳng vì con đáp thoại. Việc học thế ấy là đại khổ, biết chăng?

Có một bọn Hòa thượng ngồi trên giường thiền xưng là thiện tri thức, bị người hỏi liền động thân, động tay, chỉ mắt, le lưỡi, trợn mắt. Lại có một bọn bèn nói: sáng rỡ linh thông trí tánh linh đài hay thấy hay nghe, nhằm trong thửa ruộng thân năm uẩn làm chủ tể. Thiện tri thức! Thế ấy là quá dối người. Biết chăng? Nay tôi hỏi các ông: nếu nhận cái sáng rỡ linh thông ấy là ông chân thật, tại sao khi ngủ mê lại không có sáng rỡ linh thông? Nếu khi ngủ mê chẳng phải, thì tại sao có khi sáng rỡ? Các ông hội chăng? Cái ấy gọi là nhận giặc làm con, là cội gốc sanh tử, duyên khí vọng tưởng. Các ông muốn biết căn do này chăng? tôi nói với ông: cái sáng rỡ linh thông của ông chỉ nhân pháp sắc thanh hương vị? của tiền trần mà có phân biệt, bèn nói đây là sáng rỡ linh thông. Nếu không có tiền trần thì cái sáng rỡ linh thông của ông đồng với lông rùa sừng thỏ.

Nhân giả! Chân thật ở chỗ nào? Nay ông muốn ra khỏi cái chủ tể của thửa ruộng thân năm uẩn, chỉ biết nhận lấy thể kim cang bí mật. Cổ nhân đã nói với các ông ?viên thành chánh kiến khắp giáp sa giới?. Nay tôi lấy ít phần nói thí dụ, các ông có trí do đó có thể biết: Các ông thấy mặt trời nơi thế giới này chăng? Người thế gian tạo tác sanh hoạt, bao nhiêu việc tâm hành tạo nghiệp đều nhờ ánh sáng mặt trời mà có. Song mặt trời có nhiều thứ đến tâm hành chăng? lại có chỗ chẳng khắp giáp chăng? Muốn biết thể kim cang này cũng như thế. Hiện nay núi sông đất bằng, mười phương cõi nước sắc không sáng tối và thân tâm  ông, đều nhờ cái oai quang viên thành của ông mà hiện. Cả thảy trời người các loài quần sanh tạo nghiệp thọ quả báo có tánh không tánh, đều nhờ cái oai quang của ông. Cho đến, chư Phật thành đạo thành quả tiếp vật lợi sanh, đều trọn nhờ cái oai quang của ông. Nhưng thể kim cang lại có phàm phu chư Phật chăng? có tâm hành của ông chăng? Không thể nói không là đúng được. Biết chăng? Ông đã có cái kỳ đặc như thế, bày hiện chỗ xuất thân, sao chẳng phát minh lấy? Lại theo người nhằm trong thửa ruộng thân năm ấm, trong cõi quỉ mà tìm kế sống. Hẳn là tự dối mất vậy. Chợt gặp quỉ vô thường đến, mắt trợn miệng méo thân kiến mạng kiến khi thế ấy thật khó chống chọi được. Giống như lột vỏ con rùa sống, thật khổ!

*

Nhân giả! chớ bám lấy kiến giải ngủ mê, cần phải dẹp đi. Chưa giải che đậy bao nhiêu đầu sợi lông? Ông lại biết chăng? Tam giới không yên ví như nhà lửa, vả lại ông vẫn là người chưa được an ổn, chỉ kết thành đoàn can phạm việc thế nhân, bên này bên kia bay chạy in tuồng con nai rừng chỉ biết tìm ăn tìm mặc. Nếu thế ấy, đâu thể hành vương đạo. Biết chăng? Quốc vương đại thần chẳng bắt buộc ông, cha mẹ cho ông đi xuất gia, mười phương thí chủ cúng dường ông áo mặc cơm ăn, thổ địa long thần ủng hộ ông, cần phải đầy đủ hổ thẹn biết ân mới được. Chớ cô phụ lòng tốt của người. Khi bệnh nằm liệt trên giường, lăn lộn dưới đất, nói là an lạc thì chẳng có, đều là nhờ cơm cháo nuôi dưỡng. Ông đến khi thân hư hoại như trái dưa gang chẳng khác, rồi đem chôn vùi dưới đất, nghiệp thức mờ mờ không chỗ để nương. Sa-môn vì sao lại đến thế ấy? Chỉ vì như côn trùng trên đất, tôi gọi là tạo nghiệp ở trong địa ngục.

Hiện nay nếu chẳng liễu ngộ, sáng sớm hôm nào sẽ thấy vào trong thai lừa bụng ngựa, mang ách kéo cày hàm sắt dây yên, cối đá xay nghiền nước lửa thiêu nấu, thật chẳng dễ dàng, chịu những điều rất kinh sợ. Hoàn toàn tại ông tự tạo khổ lụy, biết chăng?

Nếu là liễu ngộ, liền đó muôn kiếp chẳng từng dạy ông có những dấu hiệu ấy. Nếu chẳng liễu ngộ thì nhân duyên phiền não ác nghiệp này, chưa phải là một kiếp hai kiếp được hết. Hẳn là cùng với cái kim cang của ông đồng tuổi thọ, hiểu chăng?

*

Sư dạy chúng:

- Chân tông cổ Phật thường tùy vật hiện ứng dụng rành rành nơi nơi sáng rỡ, ẩn hiện thản nhiên, thấp cao đều chiếu. Thế nên, Sa-môn Thượng sĩ duy đạo nhãn là trước, hợp bản minh tâm mới là cứu kính. Vạn tượng sum la một thể đồng nguồn, rỗng suốt không ngằn, ai luận có kẹt, việc trong trần kiếp hiện ở trước mắt. Người đời cách xa lâu đời, nên trái với thể thường, quên tâm nhận vật, mà ngược với chân tông, chấp có kẹt không, chẳng gặp thầy lành bạn tốt, chỉ tự nhận hiểu riêng mình. Dù họ có bàn luận, lẫn lộn trong ý so tính. Cho đến, tìm đến chỗ lý tột vẫn không phân biệ? chánh tà. Huống là bình sanh chưa từng mò bắt.

Nếu là bậc cổ đức tiên hiền, khi được biết liền khắc kỷ thật hành công phu, ở am tranh hoặc thất đá trên chót núi. Cổ đức nói: ?tình phàm lượng thánh vẫn rơi trong pháp trần, kiến giải của mình chưa quên bèn thành rỉ chảy?. Không thể nói: trì trai giữ giới, ngồi mãi chẳng nằm, dừng ý quán không, kềm tâm vào định, là đã đúng. Thế ấy, vẫn không có gì giao thiệp. Vì ngoại đạo ở Ấn Độ nhập định được tám muôn kiếp, lắng thần lặng lẽ, nhắm mắt che tròng, thân bặt trí dứt, sau khi số kiếp mãn vẫn không khỏi luân hồi. Bởi vì đạo nhãn chẳng sáng, nguồn gốc sanh tử không phá vậy.

Phàm là kẻ xuất gia thì chẳng thế, không nên đồng với ngoại đạo. Nếu là người chân thật minh đạt, đủ đại tri kiến, hay cùng chư Phật cùng tột, tịch chiếu quên biết, rỗng trùm vạn tượng. Như hiện nay, chỗ nào chẳng phải là ông? chỗ nào chẳng rõ ràng? chỗ nào chẳng bày hiện? sao chẳng cùng nó hội đi? Nếu khi không có thửa ruộng này thì đâu khỏi các thứ rỉ chảy, thảy thành hư vọng, cái gì là chỗ đắc lực lúc bình sanh?

Nếu ông thật chưa phát minh, cần phải đặt trong thời gian cấp thiết, quên ăn bỏ ngủ, dường như cứu lửa cháy đầu, như thân mạng sắp chết, tâm thầm tự cứu, bỏ hết các duyên rảnh rỗi, đuổi sạch tâm thức, mới có ít phần gần gũi. Nếu không như thế, một hôm nào đó trọn bị thức tình lôi đi, có được phần nào tự do ?

*

Sư lo đại pháp khó dạy, ít gặp bậc thượng căn, học giả y lời sanh hiểu, theo chiếu mất tông, bèn dạy ba câu cương tông:

Câu thứ nhất. ? Hãy tự đảm nhận, hiện hành đầy đủ, tột mười phương thế giới không có gì khác, chỉ là các ngươi, lại dạy cái gì thấy, cái gì nghe? Toàn là tâm vương của ông làm ra, trọn thành trí bất động. Chỉ thiết đảm nhận, nên mới khai cửa phương tiện, khiến các ngươi tin có một phần chân thường lưu trú. Cùng xưa tột nay chưa có chẳng thị (phải), chưa có chẳng phi (sai). Song câu này thành pháp bình đẳng. Tại sao? Chỉ vì dùng lời để dẹp lời, lấy lý để đuổi lý, bình thường tánh tướng, tiếp vật lợi sanh mà thôi. Chính nơi tông chỉ vẫn còn sáng phía trước tối phía sau, gọi là một vị bình thật, là cái lượng chứng từng phần pháp thân, chưa có câu xuất cách, chết tại câu sau, chưa có phần tự do. Nếu biết cái lượng xuất cách, chẳng bị tâm ma sai khiến, vào trong tay liền chuyển đổi lăn trùng trục dưới đất, nói là thông đại đạo, chẳng rơi vào kiến giải bình thường trong lòng.

Câu thứ hai.- Xoay nhân về quả, chẳng mắc nơi lý bình thường nhất như. Phương tiện gọi là vị chuyển, hợp cơ sanh sát, tự tại buông thâu, tùy nghi vào sanh ra tử, rộng làm lợi ích tất cả, ra khỏi sắc dục và cảnh ái kiến. Phương tiện gọi là Phật tánh đốn siêu tam giới. Đây gọi là hai lý cùng sáng, hai nghĩa đồng chiếu, không bị hai bên làm động, diệu dụng hiện tiền.

Câu thứ ba.- Biết có cái gốc tánh tướng đại trí, kiến giải vượt bực, tối sáng rỗng suốt, thênh thang khắp sa giới, một thể tánh chân thật, đại dụng hiện trước, ứng hóa khôn ngằn, toàn dùng toàn chẳng dùng, toàn sanh toàn chẳng sanh. Phương tiện gọi là cái cửa từ định.

*

Sư có kệ:

            Vạn lý thần quang đảnh hậu tướng

            Một đảnh chi thời hà xứ vọng

            Sự dĩ thành ý diệc hưu

            Thử cá lai tung xúc xứ chu

            Trí giả liêu trước tiện đề thủ

            Mạc đãi tu du thất khước đầu.

Dịch:

            Thần quang muôn dặm tướng sau đảnh

            Khi chìm mất đảnh chỗ nào trông

            Việc đã thành, ý cũng thôi

            Cái ấy lâu nay chạm đến khắp

            Người trí nắm được liền đưa lên

            Chớ đợi phút giây quên mất đầu.

*

            Huyền Sa du cảnh biệt

            Thời nhân thiệt tu trì

            Tam đông dương khí thạnh

            Lục ngoạt giáng sương thì.

            Hữu ngữ phi quan thiệt

            Vô ngôn thiết yếu từ

            Hội ngã tối hậu cú

            Xuất thế thiểu nhân tri.

Dịch:

            Huyền Sa đường tắt riêng

            Người đời cần nên biết

            Ba đông khí dương thạnh

            Tháng sáu sương xuống nhiều.

            Có lời không hệ lưỡi

            Không nói rất cần câu

            Hiểu ta câu rốt sau

            Ra đời ít người biết.

*

Sư ứng cơ tiếp vật ngót ba mươi năm, chúng thường có mặt trong hội nghe không dưới tám trăm vị.

Đến đời Lương niên hiệu Khai Bình năm thứ hai (908), ngày hai mươi bảy tháng mười một năm Mậu Thìn, Sư có chút bệnh rồi tịch. Sư thọ bảy mươi  bốn tuổi, được bốn mươi tuổi hạ.

[ Quay lại ]