headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 23/04/2024 - Ngày 15 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM DƯỢC THẢO DỤ

Ở trước, qua phẩm Tín Giải các vị Ma Ha Ca Diếp, Tu Bồ Đề, đại diện cho hàng trung căn, đã nhận hiểu được chỗ Phật nói rõ về Tri Kiến Phật, nên các Ngài nói thí dụ cùng tử để nói lên chỗ tin hiểu của mình. Đến đây là phần Dược Thảo Dụ là nhân các Ngài lãnh hội được ý đó, nghĩa là rõ được Phật tuy nói ba thừa, nhưng thật chỉ là một thôi, không thật có ba thừa. Các Ngài nói, trước kia các Ngài chưa hiểu được ý Phật, nên chấp theo cái sai biệt đó, thấy có tam thừa, có Thanh Văn, Duyên Giác, Phật thừa sai biệt nhau, do đó mà quên mất một thể chân thật sẵn có, nên tưởng như là có được, mà thật cái lẽ thật đó chưa từng mất thì có gì đâu mà được.

Cũng như các Ngài nói lên gia tài đó là gia tài sẵn có của mình không có ai khác, có gì đâu mà được, nên đây Phật ấn khả. Tuy Phật ấn khả nhưng các Ngài còn sợ có người chẳng hiểu được tâm Như Lai bình đẳng, mà cho rằng Phật cũng có phân biệt, nói ra theo căn cơ có thượng, có trung, có hạ. Như vậy tức là mình làm chướng ngăn mình. Thí dụ mình phân biệt thật có thượng căn, trung căn, hạ căn, thì bậc thượng căn như Ngài Xá Lợi Phất Ngài nhận sớm nhanh, trung căn nhận kế đó, hạ căn thì chậm hơn, phân chia như vậy rồi tự cho mình là hạ căn thì chậm chậm, đó là còn có cái thấy sai biệt chưa quên. Mà còn có cái thấy sai biệt là còn chưa thấy hết tri kiến Như Lai, cho nên đây Phật nói thí dụ Dược Thảo tức là cỏ thuốc, giống như mưa xuống, nước mưa có một vị thôi mà tuỳ theo cỏ, cây thấm nhuần có khác, không phải trời mưa phân biệt cỏ lớn thì mưa cho nó nhiều, cỏ nhỏ mưa cho nó ít. Phật cũng vậy, không thấy đứa này nó lanh lợi thì nói pháp cao cho nó nghe, còn đứa kia yếu thì nói pháp thấp, không phải vậy. Phật với tâm bình đẳng, tuỳ theo người nghe nhận hiểu nó sai biệt thôi. Như vậy tức là muốn nhắc mình quên cái khác đó thì thấy đồng một vị, quên chỗ khác là căn cơ lớn nhỏ mình sẽ thấy đồng một vị, vị đó là vị gì? Là vị Như Lai, thì mới thấy tột chỗ tri kiến Phật. Bởi vì, Phật tánh không có trung có hạ gì, cũng vậy tri kiến Phật đâu có trung có hạ. Cho nên người hạ căn mà nhận ra Phật tánh thì cũng thành thượng căn, còn không nhận ra thành hạ, chứ Phật tánh không có trung hạ.

Thứ hai nữa là, cỏ thuốc biết dùng thì cỏ thành thuốc, không biết dùng thì thuốc cũng thành cỏ, đơn giản vậy thôi, mình khéo nhận thì pháp nào cũng là pháp Phật hết, còn không khéo nhận thì pháp Phật thành pháp thường.

Ví như bài toán cộng thôi, nếu nhìn bằng kinh Bát Nhã, thì bài toán cũng là kinh Bát Nhã trong đó, còn nếu mình nhìn theo con mắt thường thì thấy thường. Thí dụ 5+3+2= 10 mình thấy như vậy chỉ là bài toán cộng thôi. Nhưng đó là bài kinh Bát Nhã. Số 10 từ đâu mà có? bỗng nhiên có số 10, hay có sẵn số 10? vốn do số 5 cộng với số 3 rồi cộng với số 2 thành 10, vậy con số 10 đó không phải tự nó sẵn có mà do cộng các số 5, số 3, số 2 mà thành. Như vậy số 10 không thật có, gọi là tánh không, không có tánh sẵn của nó mà do các số khác cộng lại thành thôi. Tức là nhân duyên mà thành, không thật, thì ngay đó thấy bài kinh Bát Nhã, rõ ràng là thấy cái gì cũng là Phật pháp được hết, còn nếu nhìn bằng con mắt tầm thường thì thấy nó tầm thường, hiểu như vậy đó mới thấy được Phật pháp bình đẳng với tất cả.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ngài Ma Ha Ca Diếp các vị đại đệ tử: "Hay thay! Hay Thay! Ca Diếp khéo nói đặng công đức chơn thật của Đức Như Lai. Đúng như lời các ông vừa nói, đức Như Lai còn có vô lượng vô biên a tăng kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được". Ca Diếp nên biết! Đức Như Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối vậy. Phật ở nơi tất cả pháp dùng trí huệ phương tiện mà diễn nói đó, pháp của Phật nói thảy đều đến bậc nhất thiết trí. Đức Như Lai xem biết chỗ qui thú của tất cả pháp, cũng rõ biết chỗ tâm sở hành của tất cả chúng sanh thông thấu không ngại. Phật lại ở nơi pháp rốt ráo rõ biết hết, chỉ bày tất cả trí huệ cho các chúng sanh.

GIẢNG:

Đây Phật khen ngợi Ca Diếp: Hay thay! Hay thay! Ông như vậy khéo nói đặng công đức chân thật của Phật, như vậy khế hợp được tâm Phật rồi. Xong Đức Phật Ngài nói thêm, đúng như lời ông nói đó nhưng đức Như Lai còn có vô lượng vô biên a tăng kỳ công đức, cho dù ông trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được.

Khen ngợi hợp ý Phật đó, nhưng còn chỗ các ông nói chưa tới nữa, như vậy tức là sao? Đó là muốn nhắc mình, nói là nói khéo nhưng mà nói cũng không hết được những công đức của Phật, bởi vì sao? Phải thể nhập trong đó mới hiểu được thôi, còn nói cách mấy cũng không thể nói đến được, khéo thì nói phần nào vậy thôi, khi mình sống được trọn vẹn trong đó, mình mới thầm tự hiểu hết. Khéo thấu tột như vậy đó, thì ngay một lời, một câu của Phật nói ra cũng thấu tột được cội nguồn Phật pháp.

Đây nói rằng Như Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối, bởi vì từ trong chỗ chân thật, Như Lai nói ra, từ ánh sáng nói ra. Cho nên mỗi một câu Phật nói, nếu mình khéo thấu suốt thì đều tột được cội nguồn Phật pháp, chứ không phải mình chỉ chấp vào chỗ chân thật đó thôi. Nghĩa là chấp vào chân thật đó bỏ những sai biệt, tức ở trước bỏ quyền mà về thật; nếu còn thấy bỏ quyền về thật, bỏ sai biệt đó, là cũng còn tâm lấy bỏ. Đây phải quên tâm lấy bỏ, mới thấy rõ Phật nói ra lời gì, mình khéo nhận cũng đều thấy suốt được hết. Thí dụ nghe Phật nói khổ, người bình thường nghe Phật nói khổ thì hiểu là khổ, chán cõi này, cầu bỏ cõi này để sanh cõi khác hết khổ. Nếu mình khéo nghe Phật nói khổ như vậy, thì rõ mọi pháp có ra ở đây đều là không phải chỗ mình nương tựa, không phải chỗ mình bám chấp lâu dài được, bởi vì tất cả đều khổ thì không có cái gì để cho mình bám chấp hết, thì liền đó là sao? Sống trở về cái nguồn chân thật. Như vậy, chỉ một chữ khổ thôi nếu mình khéo thì mình thấy được chỗ chân thật. Đó là thấy ý ngoài lời, chỗ Phật chưa nói mà mình thấy được rồi, thì đó mới khéo thấy được ý Phật. Còn nghe nói khổ mình chỉ hiểu khổ thôi, là chỉ hiểu trên phương tiện của Phật. Do đó người không hiểu kỹ nghe đạo Phật nói cái gì cũng đều khổ khổ hết, làm cho người thấy chán đời, như vậy là chưa thấy hết ý Phật. Phật nói khổ, nhưng đó là muốn đưa người ta đến chỗ chân thật, là an vui vĩnh viễn, song người ta còn đang mê đây, còn đang khổ đây, mà bây giờ chỉ ra cái đó ai nhận được? Cho nên Phật nói khổ trước, để cho họ nhận rõ điều đó rồi mới chỉ sau, còn người lanh lợi nghe Phật nói khổ, thì biết rằng mọi cái đều không có chỗ cho mình bám, nhận ra ý Phật muốn chỉ là chỉ chỗ chân thật kia, chứ không phải ý Phật nói chỗ khổ là khổ. Nghĩa là ngay một lời phương tiện của Phật, mình cũng thấy được chỗ ý sâu của Phật, đó là không mắc kẹt trên lời sai biệt. Bởi vậy Phật nói ra lời chi đều không hư dối, Phật ở nơi tất cả các pháp dùng trí tuệ phương tiện mà diễn nói, thì pháp của Phật đều là dẫn người đến bậc nhất thiết trí chứ không phải dừng ở chỗ sai biệt thôi.

- Nhứt thiết trí: nhứt thiết: là tất cả, nhứt thiết trí là trí rõ biết hết tất cả các pháp không lầm lẫn gì.

Mình bây giờ có trí mà trí chưa được nhứt thiết, không lầm pháp này thì cũng lầm pháp khác, còn với Phật là không lầm bất cứ pháp nào hết, tức là sao? Tức là thấy tất cả mọi pháp, rõ tất cả mọi pháp, nhưng mà không lầm cái gì, còn mình đây thì dễ lầm. Ví dụ như là thấy pháp, chữ pháp nghĩa rộng lắm, không phải chỉ pháp Phật mình học, mà cái bàn cái ghế này cũng pháp luôn, mọi sự mọi vật đều là pháp hết. Như vậy Phật thấy biết rõ tất cả hết mà không lầm cái gì, còn mình thấy cái bình hoa này thì mình cũng lầm cái bình hoa. Lầm nó là mình. Cũng như nghe tiếng, các Ngài nghe cũng nghe không lầm cái tiếng như mình. Bởi vậy mình nghe nhứt thiết trí mình tưởng trí gì đâu cao xa trên trời, nhưng cái đó chính ngay nơi mình, mình khéo sống, khéo tu thì ai cũng được hết.

Như Lai biết chỗ quy thú của tất cả pháp, nghĩa là sao? Quy thú là chỗ quay về, tức tất cả pháp đều trở về một gốc chân thật đó thôi, Ngài thấy rõ mỗi pháp mỗi pháp đều trở về gốc chân thật đó chớ không gì khác, không có gì rời gốc chân thật đó. Cũng như Ngài rõ biết chỗ tâm sở hành của tất cả chúng sanh, thông thấu không ngăn ngại.

-Tâm sở hành: là mọi hoạt động trong tâm mình nghĩ gì, suy gì, tưởng gì, Ngài đều biết hết, không có gì qua mắt Phật được.

Người nghe tới có tin không? Mình nghĩ gì thầm thầm trong đây Phật cũng biết hết. Sự thật, mọi cái mình nghĩ ra, có tướng gì đó, nếu dùng con mắt Như Lai nhìn thì biết rõ hết. Bây giờ quí vị ngồi đây nghĩ gì tôi biết hết, y theo nghĩa Như Lai mà biết, bất cứ nghĩ gì thì đó cũng là vọng tưởng thôi, đó là tâm hư dối. Bởi có khởi, có nghĩ là có tướng, có tướng là có sanh có diệt, là vọng chứ gì? Cho nên y theo nghĩa Như Lai là biết hết, không lầm. Như vậy Phật ở nơi các pháp Ngài rốt ráo biết rõ hết nên mới chỉ bày tất cả trí tuệ cho chúng sanh. Vì Như Lai gọi là vua trong các pháp, vua tức là tự tại không ngăn ngại, đối các pháp sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp Ngài qua lại tự tại biết rõ hết, không có chút gì vướng mắc. Đó cũng là một ý để nhắc mình, nếu mình quên được tâm sai biệt đó, tức tâm chúng sanh này liền hợp với Như Lai, thấy Như Lai liền, đơn giản. Bởi vì những tâm này là tâm bị Như Lai biết hết, cho nên quên tâm này thì hợp Như Lai liền. Ở đây biết rõ như vậy, biết tột hết các pháp như vậy, không có pháp nào che mờ được Phật, rồi Phật mới chỉ bày tất cả trí huệ cho chúng sanh, nghĩa là chúng sanh mở mắt ra thì liền gặp Phật. Chỉ có điều là mình không chịu mở mắt, chứ mở mắt ra là thấy liền, Phật mới thí dụ.

CHÁNH VĂN:

Ca Diếp! Thí như trong cõi tam thiên đại thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dày bủa giăng trùm khắp cả tam thiên, đại thiên đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc, hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc bậc vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa, hoặc các thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn. Các giống cây lớn nhỏ, tuỳ hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ đặng sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.

GIẢNG:

Tức là trong cõi tam thiên đại thiên, trong đó có núi, sông, khe, hang, ruộng, đất, mới sanh ra những cây cối lùm rừng, cỏ thuốc.vv… bao nhiêu là giống loại có tên khác, màu sắc khác, lúc đó trên trời nổi đám mây dày bủa giăng khắp hết, đồng xối trận mưa xuống, thì mỗi loại cây hoặc nhỏ, hoặc vừa, hoặc lớn, tuỳ theo loại cây mà hấp thụ, rồi nó đơm bông kết trái, tuy là khác nhau nhưng đồng một trận mưa đó. Chỗ này để ý: đồng một cõi đất sanh, đồng một trận mưa, mà chỗ thấm nhuần có sai khác, bây giờ đây để hợp pháp lại thì sao?

Cõi tam thiên đại thiên đó là chỉ cho cái gì? Trong cõi tam thiên đại thiên đó, nó bao gồm tất cả núi, sông, khe, hang trong đó hết, thì như vậy muốn chỉ cho cái gì? Chỉ cho chúng sanh đồng một tâm địa chân thật, trong đó sanh ra bao nhiêu thứ, trong đất tâm đó hiện ra:

- Núi cao là gì? Núi cao ngã mạn đó, đất tâm nó bình đẳng như nhau, vì vô minh nên thấy trong đó có núi cao ngã mạn.

- Sông sâu, hố thẳm là gì? Là những tâm hiểm độc sâu thẳm.

- Hang hóc: là mưu mô hóc búa đó.

Thì cũng cõi đất mà sanh ra thôi, có cái nào ngoài tâm không? Chỉ một đất tâm đó mà hiện ra đủ hết, tức là một đất tâm đó theo nghiệp mà có sai khác, có những sắc thân chẳng đồng nhau, căn tánh có thượng trung hạ. Cho nên đây có những cỏ thuốc, hoặc lá lớn, hoặc lá nhỏ, hoặc cỏ thuốc cây nó mềm, cây nó cứng, nhưng mà cỏ thành thuốc là hay rồi, tức là sao? Cỏ thành thuốc là đã biết tiếp nhận sự giáo hoá rồi, nếu nó còn cỏ là chưa trị bệnh được. Còn những cây thì có cây yếu, cây mềm, cây cứng chắc, cây cứng chắc đó là cây gì? Cây đó là vững chắc vươn lên rồi đó. Trái lại là những cây còn đắm say ngũ dục vô minh, đó là những cây mềm yếu hư mục. Như vậy cùng một đất mà nó có ra đủ thứ những cái đó. Rồi ở trong đó một đám mây dày bủa lên khắp hết, mới xối xuống trận mưa, tức là chỉ cho Phật hiện ra đời đó! Phật hiện ra với một tâm Phật bình đẳng, bủa khắp hết mọi căn cơ, mọi nơi, nghĩa là mọi căn cơ đều được bủa khắp với tâm Phật bình đẳng đó, chứ không phải là Phật có tâm phân biệt, đứa này chịu nghe pháp, mình nói cho nó nghe, thương nó, đứa kia không chịu thì thôi, không phải như tâm chúng sanh mình. Đó là tâm phân biệt, còn với Phật thì không phải như vậy, với tâm bình đẳng Phật nói pháp.

Trong tâm Phật bình đẳng đó bủa khắp đồng rưới xuống một trận mưa, mưa đó gọi là pháp âm của Phật, đồng một vị đó là một thể giác thôi. Nhưng mà tuỳ theo loại cỏ cây mà được thấm nhuần có khác, hoặc là giác nhiều, hoặc giác ít, người căn cơ nhỏ thì giác ít, còn người sâu hơn thì giác nhiều, tuỳ theo căn cơ. Như vậy đồng là một cõi đất, đồng là một trận mưa, cũng đồng một tâm địa đó, đồng pháp thể chân thật đó, mà chỗ thấy có sai biệt, vậy đây muốn ngầm nhắc mình cái gì? Quên mọi sai biệt đó, thì thấy được chỗ đồng đó, còn chưa quên được tức còn trong chỗ sai biệt thì thấy mình khác, thấy người khác. Bởi vậy thấy tôi là hạng chậm lụt rồi thôi tu từ từ, còn mấy vị kia là hạng cao để họ đi trước, đó là còn tâm sai biệt. Ở đây ai thấy được đám mưa dày bủa khắp đó, rồi ai nếm được mưa một vị đó? Đã là mây bủa khắp hết, tại sao không thấy? Hãy khéo thấy, đừng có kẹt nơi cỏ cây sai khác. Nghĩa là mình hiểu sáng được tự tánh Như Lai đó đồng hết, thì thấy thể này hiện khắp mọi nơi không đâu thiếu.

Trong nhà Thiền Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở cũng tỏ ngộ được, thấy thân Như Lai ngay hoa đào. Còn Ngài Trí Nhàn nghe tiếng sỏi, Ngài đang quét sân, nó văng trúng vào bụi trúc, cũng thấy thân Như Lai hiện ngay nơi bụi trúc, vậy thấy rõ ràng nó bủa khắp, chỗ nào cũng hiện hết. Ngài Linh Mặc nghe gọi xoay đầu lại cũng tỏ ngộ được. Ngài Huệ Lăng tham Thiền hai mươi năm, ngồi rách bảy bồ đoàn, mà không ngộ, nhưng một hôm đứng dậy cuốn rèm lên thì ngộ cũng thấy Như Lai ngay đó. Và đây đoạn Như Lai kêu gọi.

CHÁNH VĂN:

Ca Diếp nên biết! Đức Như Lai cũng lại như thế, hiện ra nơi đời như vừng mây lớn nổi lên, dùng giọng tiếng lớn vang khắp thế giới cả trời, người, a tu la, như mây lớn kia trùm khắp cõi nước tam thiên đại thiên, Phật ở trong đại chúng mà xướng lời này:

Ta là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết Bàn thời làm cho chứng Niết Bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc nhứt thiết trí, bậc nhứt thiết kiến, là bậc tri đạo, bậc khai đạo, bậc thuyết đạo. Các ngươi, hàng trời, người, a tu la đều nên đến đây vì để nghe pháp vậy.

Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sanh đi đến chỗ Đức Phật mà nghe pháp. Lúc đó đức Như Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sanh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng. Phật đều khiến vui mừng đặng nhiều lợi lành. Các chúng sanh này nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo.

GIẢNG:

Ở đây Phật hợp lại, cũng vậy Phật hiện ra đời cũng như vầng mây lớn nổi lên khắp thế giới, Phật ở trong đại chúng mà xướng lên lời to: Ta là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri vv… Người nào chưa được độ thì làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thì làm cho tỏ ngộ, như vậy Ngài kêu mọi người nên đến đây mà nghe pháp, rồi từ đó vô số nghìn muôn ức chúng sanh đến chỗ Phật nghe pháp, là nói lên điều gì? Ngài hiện ra đời giống như vầng mây lớn xướng lên lời nói to là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đó, bảo cho mọi người phải đến để vì nghe pháp. Ai nghe được điều này, ngay đây là sung sướng lắm! Ở giữa đại chúng xướng ta là Phật Như Lai, nói chi vậy? Tức nêu rõ, đây là cái chân thật rõ ràng không hư dối, đánh thức cho mọi người thức tỉnh việc này, nghĩa là trong thế gian này chỉ có Như Lai, chỉ có tri kiến Phật chỗ đó mới là chân thật thôi. Cho nên Ngài nói đời nay và đời sau biết đúng như thật, nghĩa là đây là nghĩa thật muôn đời, không có cái gì chuyển đổi được cái đó hết. Như vậy để cho mọi người đầy đủ lòng tin, ngay niệm hiện tiền đây khéo thì nó suốt cả trước sau. Tức là mình khéo tỏ ngộ được ngay niệm này, thì liền ngay đây suốt cả xưa nay, nên Ngài A-Nan khi tỏ ngộ, Ngài nói: "Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân", ngay đây không cần trải qua ba tăng kỳ kiếp, mà cũng được pháp thân. Ngay một niệm hiện tiền này suốt cả ba tăng kỳ kiếp, thì quí vị thấy sướng không? Vậy không chịu tìm, mà còn đòi tìm gì nữa. Cái pháp thân, cái chân thật sẵn nơi mình, chỉ vì mê không nhận thôi, khi nhận ra, nó sẵn đó. Vì vậy dù trải qua ba A tăng kỳ kiếp mà tu công phu cách mấy đi nữa, cũng nhận ra cái sẵn này thôi, nhận ra cái đó thì thấy suốt qua ba A tăng kỳ kiếp, tu đốn giáo là vậy đó.

Rồi Ngài nói: Ta là bực nhứt thiết trí, bực nhứt thiết kiến, là bực tri đạo, bực khai đạo, bực thuyết đạo.

- Nhứt thiết kiến: là thấy rõ tất cả.

- Bực nhứt thiết trí là bậc biết rõ tất cả.

- Tri đạo: là biết rõ chân thật đó.

- Khai đạo: là mở rõ cái chân thật đó.

- Thuyết đạo: là nói rõ ra chân thật đó sẵn sàng trao cho tất cả, chỉ cần người tin nhận là đủ.

Cho nên bảo rằng: hãy đến đây nghe pháp, tức là kêu gọi trở về, đánh thức mọi người. Nghĩa là chúng sanh còn đang mê, ví như đang trong mộng, bây giờ đánh thức hãy đến đây nghe pháp, tức là có Phật ra đời đó mà không tỉnh dậy còn cứ mê mãi sao? Ngài kêu: Ta là Như Lai, kêu mọi người đến đây, thức tỉnh trở về chỗ chân thật đó, tiếng kêu đó nếu ai khéo nhận thì tiếng đó cũng còn vang tới ngày nay chứ chưa mất đâu, tiếng này lại vang khắp tam thiên đại thiên nhưng không biết có ai nghe được không? Như Lai coi như Ngài vẫn còn đang gọi mình đó, nhưng mình chưa chịu đến nghe thôi. Ở đây những chúng sanh mà nghe được Phật đó thì sao? Vô số chúng sanh đến nghe pháp, ngầm chỉ nghe được tiếng Phật đó thì bao nhiêu tâm lang thang đều trở về đây hết, cũng như Phậtø xướng lên thì vô số loài chúng sanh đi đến Phật mà nghe. Nếu ai khéo nghe được tiếng Phật đó, thì bao nhiêu chúng sanh lang thang đều trở về đây, thấy Phật vẫn ngồi đây, Phật vẫn phóng ánh sáng, nhưng tiếc thay chúng sanh của mình đi lang thang không chịu trở về nghe! Chứ sự thật thì Phật vẫn phóng ánh sáng tại đây thôi.

Phật nói thêm, Ngài xem xét căn cơ của chúng sanh, hoặc tinh tấn, hoặc giải đãi, tuỳ theo mức độ Ngài nói pháp, đều cho được an vui hết, đều khiến dần dần được vào đạo, nghĩa là sao? Ai cũng có tánh giác như nhau hết rồi, được nghe pháp, được nhắc nhở cũng được tỉnh, không ai mất phần, chỉ có người nhận mau nhận chậm vậy thôi. Như vậy để thí dụ trước kia Phật chưa nói thẳng tri kiến Phật, nhưng chỉ bảo là thôi các ông dẹp tham sân si đi, bớt tham sân si đi, hiểu ra thì Phật bảo dẹp tham sân si đó thì sao? Đó cũng chính là để hiển bày tri kiến Phật chứ gì, nhưng ban đầu Ngài chưa nói tri kiến Phật được, vì tham sân si còn đầy dẫy đây, mà chỉ tri kiến Phật sao nhận ra được. Vì vậy bảo: thôi dẹp tham sân si đi, nhưng cái ý thì để hiển bày tri kiến Phật. Như vậy ở đây mọi người đều nghe pháp, được đánh thức chỗ đó, tức là mọi người đang đi vào đạo, trở về chân thật đó chứ gì, đâu có ai mất phần. Do đó Phật tuỳ theo chúng sanh hoặc lợi, hoặc độn mà nói pháp, khiến cho mọi người dần dần đều được vào đạo, không bỏ sót ai.

CHÁNH VĂN:

Như mưa lớn kia rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.

Đức Như Lai nói pháp một tướng một vị nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốát ráo đến bực "Nhứt thiết chủng trí". Có chúng sanh mà nghe pháp của Như Lai hoặc thọ trì đọc tụng đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.

Vì sao? Vì chỉ có Như Lai là biết chủng tướng thể tánh của chúng sanh đó. Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Tu thế nào? Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì đặng pháp gì?

Chúng sanh ở nơi các bực, chỉ có đức Như Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng trung hạ của nó.

Đức Như Lai biết pháp một tướng một vị ấy nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết Bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói "Nhứt thiết chủng trí".

GIẢNG:

Đây là nói thí dụ cũng như vầng mây lớn đó, mưa khắp tất cả lùm rừng, cỏ cây mỗi thứ đều được đượm nhuần, đều được sanh trưởng thì Phật cũng như vậy, Ngài nói pháp là chỉ một tướng thôi, một vị thôi, tướng đó là tướng gì? Là tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo đến bậc nhứt thiết trí. Vậy chúng sanh nào nghe pháp của Như Lai hoặc thọ trì đọc tụng đúng như lời mà tu hành, thì được công đức tự mình không hay biết.

Như vậy quí vị nghe rõ, Như Lai Ngài nói pháp ra cũng là pháp một tướng, một vị tức là sao? Nghĩa là nói pháp đó đều rốt ráo đến giác ngộ thôi, chớ không gì khác, đó là một cái căn bản. Ngài nói thêm “một tướng” là tướng gì?

- Tướng giải thoát, tức là Ngài nói tất cả không vướng một cái gì hết, đều đưa người đến giải thoát. Còn mình nói cái gì thì dính vào cái đó.

- Tướng xa lìa, tức là Ngài nói đủ hết, nhưng mà tự nó không một tướng gì hết, chứ không phải như mình nói cái gì thì dính vào tướng đó, còn ở đây Ngài nói mà không có ở một tướng gì hết, gọi là tướng xa lìa, đưa người đến xa lìa.

- Tướng diệt, tuy là Ngài nói có sanh, có diệt mà chính Ngài vẫn hằng lặng lẽ chưa từng động. Có khi nói sanh, cũng có khi nói diệt, không phải nói sanh diệt mà Ngài sanh diệt theo đó, mà luôn luôn là lặng lẽ chẳng động, cho nên gọi là tướng diệt.

Như vậy Ngài nói pháp một tướng một vị thì bây giờ người nghe pháp phải sao? Nghe pháp cũng nghe đến chỗ một vị, một tướng. Đó là cái ngầm ý muốn nhắc mọi người nghe pháp mà khéo là phải nghe thấu qua ngôn ngữ, thấu qua chữ nghĩa, thì mới thấy được tột ý Như Lai. Điều quan trọng nữa, “người nghe pháp, thọ trì, đọc tụng đúng như lời mà tu hành được công đức tự mình không hay biết”. Đây là điều nhắc nhở, không phải nghe suông, mà nghe là phải thọ trì, đọc tụng, nhưng mà chỗ này nhiều người hiểu lầm, nghe nói thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa là được công đức vô lượng, nên cứ đem mà đọc hoài Đó là hiểu lầm. Đây nói thọ trì nghĩa là: thọ là nhận, còn trì là giữ gìn. Nghe nhận, gìn giữ ứng dụng để mà sống, ứng dụng mà tu hành thì công đức mới tự mình không hay biết. Bởi vì chỗ đó là ngoài sức hiểu biết của tâm phàm mình, của cái thức tình mình. Cái công đức Pháp Hoa này mình đâu có tính trước được, quí vị vô đây học kinh Pháp Hoa nghiền ngẫm có tính trước mình sẽ nhận rõ tri kiến Phật như thế nào không? Đâu tính trước, khi nó khế hợp thì bừng sáng lên liền, bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của mình, nếu tính trước được thì cái đó thuộc về cái suy nghĩ sanh diệt rồi. Đây chỉ có người chứng mới biết, bởi vì mình còn sống trong mê, còn sống trong sai biệt thì đâu tự biết được, phải dùng tâm Như Lai biết thôi.

Đây Ngài nói thêm chỉ Như lai biết chủng tướng thể tánh của chúng sanh đó thôi: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Chỉ có Như Lai biết, thì rõ ràng đó là y theo Như Lai mà biết được thôi, còn dùng phàm tâm này khó biết nổi. Bởi vì chúng sanh mà nhớ cái gì? Nghĩ cái gì? Thì nó có ra ngoài sáu trần không? Nghĩ gì, nhớ gì cũng lẩn quẩn trong sáu trần đó thôi đâu ra khỏi, thì như vậy nghĩ gì, nhớ gì là luôn luôn có đối tượng. Nghĩ là nghĩ cái gì? Tức có đối tượng để nghĩ. Nhớ cái gì có đối tượng để nhớ, tức lẩn quẩn trong sáu trần đó, mà có đối tượng đều bị Như Lai biết hết, bởi vì có tướng rồi. Còn Như Lai ngược lại không bị nó biết, Như Lai là vượt ngoài cái đó. Tu gì, được gì, Như Lai cũng biết hết nữa, bởi vì tu gì, được gì cũng không ra ngoài cái sai biệt, còn có trong hạn lượng thôi, chỉ khi nào đến được Như Lai địa mới tột hết các bực sai biệt, đến đó mới được tâm không còn hạn lượng. Cho nên ở đây phải dùng tâm Như Lai thì mới biết hết thôi. Nói như vậy đó, không phải bảo mình không có phần mà phải buông những tâm này, khế hợp tâm Như Lai là biết hết được chỗ đó. Tức nhắc mình phải vượt lên trên những tâm thượng, trung, hạ chứ còn trong tâm thượng, trung, hạ làm sao biết hết được. Đó là ý nghĩa rõ ràng. Như Lai biết pháp một vị một tướng, cũng như Ngài biết hết các tướng rốt ráo Niết Bàn thường tịch diệt, cuối cùng cũng trở về nơi không thôi, chứ không gì khác. Nghĩa là với trí của Như Lai, mà nhìn tất cả pháp vốn nó tự giải thoát, vốn nó tự xa lìa, nó tự vắng lặng, rồi cuối cùng cũng đồng về cái thể không. Thể không đó là cái gì? Đó là cái thật tướng vô tướng, mọi pháp mà với trí Như Lai nhìn đều như vậy.

Trên nói các pháp đều là cái tướng vốn tự xa lìa, như thân mình đang ngồi đây, thấy như đang có đây; sự thật tự thể nó cũng xa lìa, bởi vì sao? Dù cho mình ngồi đây, cố giữ rồi nó cũng hoại, nó đang hoại từ từ, bản chất của nó là tự ly, cho nên cuối cùng nó phải lìa thôi. Sự thật bản chất nó mà không ly thì nó bền chắc đâu hoại, đâu có lìa được, nhưng bản chất nó là ly, là lìa, nên bây giờ nó tạm hợp còn đây, cuối cùng giữ cách mấy nó cũng lìa, vì vậy thấy tột được chỗ đó, thì thấy được ý sâu của các pháp. Ở đâây Ngài biết rõ, ngay nơi sanh diệt này thấy suốt được chỗ phi sanh diệt, chỗ này khó hiểu nhưng là một lẽ thật.

Ví dụ như sóng biển, quí vị ra biển thấy sóng nổi lên, sóng có sanh diệt không? Sóng từng đợt từng đợt, có cái trước cái sau. Lượn sóng trước đuổi lượn sóng sau dường như là có sanh có diệt, có lượn sóng này sanh rồi lượn sóng kia diệt, lượn sóng trước lượn sóng sau, nhưng sự thật có sanh diệt gì không? Có bao nhiêu nước đó thôi nó nổi lên chìm xuống, thấy giống như có sanh diệt chứ có sanh diệt gì đâu, nghĩa là bao nhiêu lượn sóng đó cũng đồng thể ướt đó thôi, nếu nhìn thấu thể ướt đó thì thấy, luợn sóng lớn cũng ướt, lượn sóng nhỏ cũng ướt, trước sau cũng ướt vậy thôi, tánh ướt có sanh diệt gì không? Nó có trước sau gì không? Tâm mình đây cũng vậy, nghĩ này nghĩ nọ lăng xăng, thấy giống như có sanh diệt, nhưng trong đó đồng một thể Biết thôi, cái thể Biết đó có sanh diệt gì? Thấy rõ như vậy, ngay cái sanh diệt, liền nhận ra có cái không sanh diệt trong đó, thấy như vậy mới là khéo thấy. Cho nên ở đây Ngài xem xét tâm chúng sanh đó mới dắt dìu, chẳng liền vì chúng vội nói "nhứt thiết chủng trí", bởi vì sao mà Ngài không vội nói? Bởi vì đây là xét theo "tâm ưa muốn" của chúng sanh nên không vội nói. Còn ưa muốn là sao? Còn ưa muốn là còn muốn chạy chứ chưa chịu dừng, bây giờ mà chỉ ra chỗ này nó không chịu nhận đâu, chỉ sao cho nó chịu dừng trước, đối với chỗ này chỉ im lặng thôi, để người khi đến duyên tự lãnh hội. Bởi vậy, trong sử thiền Lâm Tế hỏi Ngài Hoàng Bá "Thế nào là đại ý Phật pháp" Thì Ngài Hoàng Bá chỉ đánh thôi không nói, cái đó là cái sẵn nơi Ngài Lâm Tế rồi, tại sao không chỉ cho Ngài đi mà lại đánh vậy? Bởi vì bây giờ có chỉ cũng chưa nhận được, mà phải đánh, đánh để cho nó dừng lại, dừng lại thì tự nhận liền. Do đó, qua tới Ngài Đại Ngu thì Ngài Đại Ngu chỉ nói nhẹ một câu: "Hoàng Bá, tâm lão bà hết tình với ông rồi, ông còn thấy có lỗi không lỗi" ngay đó nhận liền. Bởi từ khi Hoàng Bá đánh cho ba gậy đó thì trong đầu này nó luôn luôn ôm ấp chỗ đó, nó chú tâm chỗ đó thôi, hết chạy bậy, khiến Ngài Đại Ngu khơi nhẹ thì nhận. Đây Phật mới khen ngợi:

 

[ Quay lại ]